Thấy gì qua thất bại của dự án chăn nuôi bò sữa ở Lệ Xá
Việc chăn nuôi bò sữa kém hiệu quả ở nhiều địa phương như: Hưng Yên, Tuyên Quang, Sơn La, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nghệ An... đã gây nhiều thiệt hại về vật chất cho người dân, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ. Làm thế nào để khắc phục hậu quả và giúp họ bình ổn lại cuộc sống?
Đầu tư vốn và sức lao động cho chăn nuôi bò sữa ở Lệ Xá
Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa được thực hiện ở Lệ Xá (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) trong 3 - 4 năm vừa qua đã thất bại. Người chăn nuôi bò sữa không những không nâng cao được kinh tế gia đình, mà còn trở thành những con nợ, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Vốn là những hộ nông dân lâu nay làm ăn khá năng động, có điều kiện về đất đai, lao động, có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, 20 hộ dân ở Lệ Xá, từ năm 2003- 2004 đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa của tỉnh Hưng Yên... Theo dự án này, những hộ dân tham gia sẽ được tỉnh hỗ trợ 3 triệu đồng/1con bò giống (F1,F2, F3); 3,5 triệu đồng/một con bò giống bò ngoại thuần; cho vay không lãi 3 năm với mức 10 triệu đồng/con bò giống. Huyện hỗ trợ 1 triệu đồng/1 con về thức ăn. Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 6 triệu đồng/con với lãi suất 0,5%/tháng trong 2 năm. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ chi phí vận chuyển bò từ cơ sở cung cấp giống về tới hộ gia đình nuôi bò, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi...
Với chính sách hỗ trợ khá hấp dẫn, và mong muốn đổi đời, các hộ này đã nhận về nuôi 54 con bò sữa, trong đó có 1 hộ nuôi 5 con, 1 hộ nuôi 4 con, 7 hộ nuôi mỗi hộ 3 con và 11 hộ nhận nuôi mỗi hộ 2 con. Để tiến hành chăn nuôi, các hộ đã vay vốn từ Ngân hàng và vay tư nhân để mua bò giống, đầu tư xây dựng chuồng trại, dành ruộng để trồng cỏ, phân công người chăm sóc, cắt cỏ...
Trao đổi cụ thể với 7/20 hộ tham gia dự án chăn nuôi bò sữa cho thấy, các hộ này đã đầu tư tổng cộng là 269,2 triệu đồng tiền mua bò giống, trong đó vay từ ngân hàng 190 triệu đồng. Ngoài ra, các hộ còn phải vay của tư nhân và huy động từ nguồn vốn trong gia đình. Các hộ cũng đã đầu tư xây dựng chuồng trại, tổng cộng là 42 triệu đồng, trung bình mỗi hộ đầu tư 4 - 5 triệu đồng. Để có thức ăn cho bò, các hộ đã chuyển phần lớn ruộng trồng lúa sang trồng cỏ, với tổng số 6.820m2, tương đương 18,44 sào (Bắc Bộ). Có 2 hộ ít ruộng, nên chủ yếu cử người chăn thả và mua cỏ ở chợ. Trong toàn bộ thời gian chăn nuôi (2 - 3năm), cả 7 hộ đã đầu tư mua cám, ngô với tổng số tiền là 59,5 triệu đồng. Hộ đầu tư nhiều nhất là ông Nguyễn Bá Thành, 15 triệu đồng. Chi phí chữa bệnh cho bò không lớn, chỉ khoảng 2,86 triệu đồng. Việc thụ tinh nhân tạo cho bò được dự án hỗtrợ 100%, nên thực tế khoản chi này không đáng kể.
Như vậy, chưa kể đến công lao động chăm sóc, nuôi dưỡng, chưa tính được chi phí mua cỏ, giá trị sản lượng cỏ gia đình tự trồng trên đất ruộng (18,94 sào), chỉ tính riêng số tiền trực tiếp đầu tư cho chăn nuôi bò sữa, bình quân là 53,36 triệu đồng/hộ.
Hiệu quả chăn nuôi thấp
Một số hộ có bò sinh sản, nhưng phần lớn số bê sinh ra là bê đực, không phát triển được, nhiều con sinh ra chết ngay. Số bê khác bán ra chỉ theo giá bê thịt, có con chỉ 2 - 3 trăm ngàn đồng. Tổng số tiền các hộ này thu được từ bán bê là 8,2 triệu đồng. Thu nhập từ sữa bò thì còn tệ hại hơn. Chỉ có 3 hộ là có bò cho sữa, nhưng năng suất sữa quá thấp, chỉ 5 - 7 lít/ngày (thời gian bò cho sữa cũng rất ngắn, chỉ một vài tháng). Hộ ông Nguyễn Bá Thành chăm sóc tốt, năng suất sữa có con đạt 13 - 15 lít/ngày, nhưng chỉ được 2 - 3 tháng rồi dừng. Những hộ có bò cho sữa, đi bán tận Khoái Châu, xa 30 - 40km, tiền bán sữa không đủ trang trải chi phí xăng xe đi lại. Tổng số lượng sữa các hộ bán ra chỉ thu được khoảng 3,5 triệu đồng. Bò được chăm sóc không đúng cách, gầy yếu, nhiều con bị chết. Kết quả cuối cùng, bò sữa không phát triển được, tất cả số bò của 7 hộ này đều bị thải loại,bán theo giá bò thịt, tổng sốtiền thu được là 36 triệu đồng.
Như vậy, nếu kể cả tiền bán sữa, bê con, bò thải loại, tổng số tiền thu được từ chăn nuôi bò sữa được 47 triệu 760 ngàn đồng. Nếu trừ số tiền được dự án hỗ trợ về giống, thức ăn thì 7 hộ nuôi bò sữa ở đây bị thiệt hại 233,4 triệu đồng, đó là chưa kể công lao động chăm sóc, giá trị sản xuất của hơn 18 sào ruộng dành ra để trồng cỏ. Điều bức xúc, trăn trở hơn là họ đang trở thành những con nợ. Tính đến thời điểm tháng 3-2007, các hộ còn nợ ngân hàng 190 triệu đồng, nợ tư nhân 76,3 triệu đồng, chưa biết lấy gì để trả. Trong lúc đó, vì nợ cũ chưa trả nên ngân hàng không cho họ tiếp tục vay vốn để phát triển sản xuất ngành nghề khác, hoặc là trở lại sản xuất lúa, màu, chăn nuôi.
Nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng chăn nuôi bò sữa của các hộ bị thất bại?
Theo đánh giá sơ bộ của Ban Chỉ đạo Đề án chăn nuôi bò sữa của huyện Tiên Lữ, trước hết là do thời tiết, khí hậu không phù hợp với việc chăn nuôi bò sữa ở đây. Nhận xét đánh giá cũng phù hợp với quy hoạch của chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa của ngành nông nghiệp. Theo chương trình này, tỉnh Hưng Yên không thuộc diện vùng phát triển chăn nuôi bò sữa. Điều này, chắc tỉnh Hưng Yên biết rõ, nhưng không hiểu tại sao vẫn chủ trương phát triển để dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho bà con nông dân? Thứ hai là do kỹ thuật chăn nuôi chưa bảo đảm, nhất là vấn đề thức ăn cho bò. Cũng theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Đề án, phần lớn các hộ đều tận dụng thức ăn sẵn có và cỏ tự nhiên để nuôi bò, nên khẩu phần ăn cho bò không bảo đảm. Chăn nuôi bò sữa đòi hỏi quy trình kỹ thuật chăn nuôi chặt chẽ, nhất là vấn đề thức ăn. Tuy nhiên, ở đây người nông dân vẫn quen chăn nuôi theo kiểu truyền thống, chăn thả, tận dụng thức ăn đối với chăn nuôi bò sữa thì thất bại là điều tất yếu. Thứ ba là vấn đề tiêu thụ sữa, do lượng sữa quá ít, bò cho sữa không đồng đều, năng suất sữa thấp: 7 - 8 lít/ngày. Với số lượng này, thì chỉ đủ cho bêăn.
Theo đánh giá của người dân, giống bò sữa không tốt là nguyên nhân quan trọng dẫn đến bò không cho sữa. Theo phản ảnh của các hộ chăn nuôi bò sữa, việc cung cấp bò sữa cho các hộ là không thống nhất, có hộ lấy ở Trung tâm bò giống Ba Vì (thông qua hướng dẫn của Ban chỉ đạo Đề án), có hộ tự đi lấy ở tỉnh khác (Thái Bình), có hộ lấy bò bé, do không đủ tiền lấy bò tơ trưởng thành...
Như vậy, chỉ riêng khâu bò giống đã cho thấy tình trạng thiếu đồng bộ, bất hợp lý. Có nhiều loại bò, tuổi đời khác nhau, lấy nhiều đợt, nên không bảo đảm chất lượng bò giống, cũng không bảo đảm đàn bò sữa đồng đều để bò có thể cho sữa đồng loạt, tạo thuận lợi cho việc tổ chức tiêu thụ sữa.
Một nguyên nhân khác nữa không kém phần quan trọng, theo chúng tôi là, việc tổ chức chăn nuôi bò sữa ở đây không hợp lý, quy mô chăn nuôi quá nhỏ bé và rất phân tán. Với huyện Tiên Lữ, tổng số bò sữa đem về nuôi trong 2 năm 2003, 2004 chỉ 96 con, nhưng đã phân cho 8 xã nuôi, với 43 hộ tham gia nuôi, bình quân 1 xã nuôi 12 con, mỗi hộ nuôi hơn 2 con. Xã nuôi nhiều có 20 hộ nuôi 50 con, xã nuôi ít, chỉ có 1 hộ nuôi 4 con. Thậm chí xã Hoàng Anh chỉ có 2 hộ nuôi 2 con, (mỗi hộ nuôi 1 con). Còn ở Lệ Xá, có 20 hộ nuôi 50 con, bình quân mỗi hộ nuôi hơn 2 con.
Rõ ràng, việc chăn nuôi bò sữa với quy mô nhỏ, lẻ thì dù bò cho sữa tốt, cũng khó lòng tổ chức tiêu thụ vì số lượng sữa quá ít.
Mặt khác, chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sẽ rất khó khăn trong giám sát, hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh... Thực trạng chăn nuôi bò sữa kém hiệu quả, không phải chỉ riêng ở Lệ Xá (Tiên Lữ - Hưng Yên) mà diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước như: Tuyên Quang, Sơn La, Bà Rịa -Vũng Tàu, Nghệ An.... báo chí đã phản ảnh. ở Nghệ An, vì bức xúc quá, 16 hộ dân ở 3 xã Đông Hiếu, Nghĩa Hòa và Nghĩa Trung thuộc huyện Nghĩa Đàn đã đâm đơn kiện chủ đầu tư dự án ra Tòa án nhân dân tỉnh. Mười sáu hộ này yêu cầu chủ đầu tư dự án bồi thường thiệt hại 1,2 tỉ đồng về chi phí đầu tư mua bò giống, chuồng trại, thức ăn chăn nuôi. Có thể nói, chương trình phát triển chăn nuôi bò sữa đã đẩy hàng trăm hộ nông dân tham gia chăn nuôi bò sữa trở thành những con nợ và lâm vào cảnh nghèo khó.
Kiến nghị chính sách và giải pháp
Từ thực trạng trên, chúng tôi kiến nghị một số chính sách, giải pháp sau đây:
- Trước hết, ngân hàng cho người vay vốn nuôi bò sữa khoanh nợ. Việc này, tại huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, ủy ban Nhân dân huyện đã có chủ trương cho khoanh nợ. Tuy nhiên, các chủ hộ nuôi bò sữa đề nghị việc khoanh nợ (giảm nợ), cần thực hiện trong một thời gian dài hơn, bởi vì khoản nợ đối với họ là khá lớn, trong khi quay lại với sản xuất nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.
- Nhà nước xem xét hỗ trợ giảm bớt thiệt hại cho người nuôi bò sữa. Qua thăm dò ý kiến của các hộ nuôi bò sữa, cũng như ý kiến của Ban chỉ đạo Đề án chăn nuôi bò sữa huyện Tiên Lữ, Nhà nước cần hỗ trợ cho những người chăn nuôi bò sữa ít nhất là 50% số thực tế thiệt hại, số còn lại được trả không lãi sau 2 - 3 năm, với điều kiện sản xuất của các hộ được ổn định và phát triển bình thường.
- Ngân hàng không nên đưa các hộ này vào danh sách các con nợ để cắt quan hệ tín dụng, mà cần tiếp tục cho họ vay vốn để phát triển sản xuất với lãi suất ưu đãi. Qua thực tế cho thấy, phần lớn các hộ nhận nuôi bò sữa, trước đây đều là những hộ sản xuất khá, có nhiều diện tích đất đai, có lao động, kinh nghiệm sản xuất, nên sau thất bại nếu được tiếp tục cấp vốn họ có khả năng tiếp tục phát triển sản xuất và trả nợ ngân hàng. Ông Nguyễn Bá Thành, một hộ sản xuất giỏi ở địa phương cho biết, hiện ông còn nợ ngân hàng 40 triệu đồng, nợ tư nhân 40 triệu đồng, nhưng nếu được ngân hàng tiếp tục cho vay vốn, ông bảo đảm sẽ tập trung đầu tư thâm canh 8 sào ruộng, trong đó chuyển một phần diện tích sang chăn nuôi, thả cá, trồng cây ăn quả, chắc chắn sẽ giúp ông khôi phục và tiếp tục phát triển kinh tế có hiệu quả, tăng thu nhập, bảo đảm ổn định đời sống và trả nợ ngân hàng. Nhiều hộ chăn nuôi bò sữa ở đây đều có nguyện vọng như vậy.
- Về chính sách vĩ mô. Để tránh xảy ra những rủi ro đối với người nông dân khi tham gia thực hiện các chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn cần phải dựa trên cơ sở có quy hoạch, định hướng cụ thể, các chương trình dự án cần bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tế, có tính khả thi cao. Chính quyền và người dân cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng các điều kiện của địa phương mình trước khi quyết định, tránh tham gia theo phong trào. Đặc biệt, chương trình phát triển sản xuất luôn luôn phải bảo đảm giải quyết đầu ra, hiệu quả thiết thực. Trongviệc thực hiện hợp đồng kinh tế, nhất thiết quy định rõ ràng trách nhiệm củamỗibên và thực hiện nghiêm túc./.
Kết thúc phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (25/04/2008)
Kết thúc phiên họp thứ 8 của Ủy ban thường vụ Quốc hội  (25/04/2008)
Có một cuộc chiến trong lòng nước Mỹ!  (25/04/2008)
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Chính sách đối ngoại đa phương của nước Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Nâng cao chất lượng quản lý đảng viên ở ngoài nước trong giai đoạn mới: Thực trạng và giải pháp
- Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế - xã hội trên biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo: Thực tiễn và vấn đề đặt ra hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên