TCCSĐT - Ngày 5-4-2013, tại thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu mối quan hệ không bình thường giữa một bộ phận cán bộ đảng viên có chức, quyền với doanh nghiệp để trục lợi: Thực trạng và giải pháp phòng, chống thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng”. Có trên 50 cán bộ lãnh đạo, quản lý và nhà khoa học trên cả nước đã về dự.

Báo cáo đề dẫn đã nêu bật bản chất của các vấn đề có liên quan đến nội dung về các mối quan hệ không bình thường giữa cán bộ có chức, quyền và doanh nghiệp để trục lợi. Hàng chục ý kiến tham luận tại Hội thảo khẳng định, trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc phát triển các mối quan hệ giữa một số cán bộ có chức, quyền và doanh nghiệp là một tất yếu, có nghĩa là bình thường, nhưng không bình thường ở chỗ là mối quan hệ ấy chỉ phục vụ cho quyền lợi cá nhân, quyền lợi của một nhóm người bất chấp lợi ích của dân, của nước.

Mối quan hệ không bình thường giữa một bộ phận cán bộ có chức, quyền với doanh nghiệp phức tạp, khó nhận diện, tuy nhiên, về mặt thực tế là có thật được biểu hiện thông qua nhóm thân hữu, nhóm chung lợi ích, nhóm lợi ích cục bộ, quan hệ vụ lợi cá nhân, người có chức quyền nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp hòng đòi hối lộ, hưởng hoa hồng vượt quá mức quy định công khai trong hợp đồng...

Các đại biểu dự Hội thảo đều nhất trí cho rằng, mối quan hệ không bình thường của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, quyền với doanh nghiệp để trục lợi là một dạng tham nhũng, không những vi phạm những nguyên tắc thông thường thuộc về phạm trù đạo đức mà còn tác hại trực tiếp đến nền kinh tế, thậm chí là ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị - xã hội của đất nước. Rõ nhất là khi mối quan hệ không bình thường để trục lợi này sẽ làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chế độ.

Để giảm đến mức thấp nhất mối quan hệ không bình thường đã nêu, nhiều đại biểu cho rằng, ngoài biện pháp giáo dục nhận thức từ sớm thì cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý của Đảng cũng như các cơ quan thực thi pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách hành chính nhằm tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng, phát huy tốt nhất quyền làm chủ của người dân, sự nhanh nhạy, năng động của các cơ quan truyền thông, báo chí, bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của người dân trong phòng, chống tiêu cực, tham nhũng./.