Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 25 đến ngày 31-03-2013

Hồng Ngọc tổng hợp
19:27, ngày 01-04-2013
TCCSĐT - Tại Hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam ngày 27-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sớm cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện hơn nữa cho nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá trong 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đồng thời đạt được nhiều thành tựu to lớn. Thu nhập của người dân luôn có sự cải thiện đáng kể, kinh tế vĩ mô ổn định, duy trì được tốc độ tăng trưởng, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện...

Trong đó, kênh đầu tư nước ngoài đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của đất nước, với khoảng 20% tổng GDP toàn quốc. Riêng trong năm 2012 đã đóng góp 3,7 tỷ USD, tạo nhiều việc làm với trên 2 triệu lao động trực tiếp, 3 - 4 triệu lao động gián tiếp. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Sang quý 1-2013 tăng trưởng GDP của Việt Nam đã cao hơn, lạm phát lại thấp hơn quý 1-2012. Kết quả này có đóng góp to lớn từ đầu tư nước ngoài.

Mặc dù vậy, Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nhiều khó khăn với những nhiệm vụ nặng nề ở phía trước. Thủ tướng đánh giá cao các nhà đầu tư nước ngoài đã tin tưởng, cùng Việt Nam vượt qua khó khăn, đóng góp cho sự phát triển kinh tế trong suốt 25 năm qua. Tuy nhiên, để mang lại kết quả cao hơn nữa trong thời gian tới, trước hơn 500 đại biểu đến tham gia Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra những mặt hạn chế, yếu kém cần khắc phục.

Đầu tiên là tỷ trọng đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực còn mất cân đối, nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng thấp, giải ngân vốn đầu tư chậm. Bên cạnh đó, hiệu quả tổng hợp, tác động lan tỏa của đầu tư chưa cao. Đầu tư nước ngoài công nghệ cao, công nghệ mới còn chiếm tỷ lệ thấp. Đặc biệt, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ còn ít. Việc cung cấp nguyên liệu cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn yếu kém. Ngoài ra, các cơ quan trung ương và địa phương còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất.

Trước khó khăn này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, cần phải có những giải pháp đồng bộ, tổng thể để khắc phục trong thời gian tới. Thủ tướng cam kết “Chính phủ sẽ nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính, khắc phục yếu kém về kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội để thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn”.

Để hiện thực hóa cam kết này, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan thuộc Chính phủ, các địa phương cần tập trung thực hiện các kế hoạch: Đẩy mạnh cải cách hành chính, trước nhất là khâu thủ tục hành chính. Nhanh chóng hoàn thiện các văn bản pháp luật, thực hiện cơ chế, chính sách đầu tư theo hướng thuận lợi, cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

“Nếu nói không thay đổi chính sách thì không đúng, nhưng đã thay đổi phải có lợi chứ không phải gây khó khăn hơn cho nhà đầu tư. Trực tiếp ngồi làm việc với các bộ, ngành, địa phương, nhà đầu tư, tôi thấy vẫn còn nhiều điều phải phấn đấu. Phải rà soát, bổ sung để có chính sách ưu đãi cao, thu hút dự án hấp dẫn, có tính lan tỏa cao” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Trong đó, cần bổ sung và có chính sách ưu đãi những dự án công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động, nhất là sự ưu đãi thu hút ngành công nghiệp hỗ trợ. Thủ tướng cũng đề nghị ưu đãi thu hút đầu tư vào thị trường tài chính, thị trường vốn. Tuy nhiên, do chúng ta chưa có kinh nghiệm nên việc rà soát, bổ sung cơ chế phải được thực hiện theo hướng vừa hiệu quả, nhưng vẫn bảo đảm chặt chẽ, bảo đảm luật pháp Việt Nam. Cần quy định rõ mức độ bảo vệ môi trường, tăng cường đào tạo nhân lực, hoàn thiện quy hoạch phát triển trên các lĩnh vực…

Thủ tướng cũng yêu cầu hoạt động xúc tiến đầu tư phải có trọng điểm, có sự điều phối thống nhất trong cả nước, tránh chồng chéo, khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Mỗi địa phương phải biết chịu trách nhiệm về sự phát triển của địa phương mình. Qua đó cần phát huy tính năng động, sáng tạo của địa phương.

Quyết tâm tạo ra làn sóng mới về thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa yêu cầu các bộ, ngành sớm bổ sung chính sách, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, đồng thời cam kết sẽ cùng nhà đầu tư vượt qua khó khăn và cùng chia sẻ lợi ích.

Bình Định: Cần cải thiện môi trường đầu tư mạnh hơn nữa

Làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Định, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bình Định cần cải cách hành chính và môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, tập trung giải quyết ngay các “điểm nghẽn” của địa phương, không tự mãn với thành tích mới đạt được khi tăng vọt chỉ số năng lực cạnh tranh đứng thứ 4 toàn quốc.

Chiều 30-3, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Bình Định về kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn giao thông và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Thăng hạng về năng lực cạnh tranh

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc, tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và những tháng đầu năm 2013 gặp những thách thức, khó khăn không nhỏ trước tình hình biến động khó lường của kinh tế thế giới và trong nước. Tuy nhiên, với nỗ lực của mình, Bình Định vẫn đạt GDP tăng trưởng khá với 8,4%; tổng thu ngân sách đạt 4.271 tỷ đồng, vượt 12,7%, tăng 22% so với cùng kỳ (là 18/63 tỉnh có nguồn thu vượt kế hoạch); tỷ lệ hộ nghèo còn 11,5%, giảm 2,06% so với năm 2011. Đặc biệt, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 34 bậc, từ 38/63 tỉnh thành, vươn lên thứ 4 cả nước.

Một trong những “điểm nhấn” trở thành “dấu ấn” lớn của Bình Định năm 2012 được các nhà đầu tư đánh giá cao là những cải cách môi trường kinh doanh mang tính đột phá, mang lại cảm hứng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Hiện Bình Định đang tập trung giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư trọng điểm là Khu du lịch nghỉ dưỡng Vĩnh Hội với số vốn 250 triệu USD, Khu du lịch phức hợp Hải Giang với 3.424 tỷ đồng do tập đoàn Vingroup đầu tư gồm sân gôn 18 lỗ, khách sạn 5 sao 300 giường, biệt thự nghỉ dưỡng, cáp treo xuyên biển…

Đặc biệt, dự án Tổ hợp Lọc - Hoá dầu được Tập đoàn Dầu khí Thái Lan khảo sát và đề xuất xây dựng tại Khu kinh tế Nhơn Hội với diện tích 2.500 ha, công suất 660.000 thùng dầu thô/ngày (tương đương 30 triệu tấn/năm), với tổng mức đầu tư lên đến con số khổng lồ 26,9 tỷ USD. Tỉnh Bình Định cho rằng, đây là dự án rất quan trọng với tỉnh Bình Định và đang được trình cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, phê duyệt với bước đi chắc chắn, cụ thể.

Nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội và “chinh phục” các nhà đầu tư lớn và có thế mạnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc cho rằng, hạ tầng kinh tế - xã hội phải đi trước một bước. Tuy nhiên, tiềm lực của tỉnh có hạn, Bình Định kiến nghị Trung ương quan tâm đầu tư, nâng cấp một số công trình cơ sở hạ tầng như các tuyến giao thông huyết mạch, sân bay, cảng biển, điện lưới nông thôn một số đảo…

Tập trung giải quyết ngay các “điểm nghẽn”

Các đại biểu tham gia cuộc làm việc đánh giá cao những tiềm năng, lợi thế của Bình Định về các mặt như văn hoá tinh thần, điều kiện kinh tế - tự nhiên và những cải cách mang tính đột phá của tỉnh trong thu hút đầu tư.

TS. Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn phát triển kinh tế vùng Nam Trung Bộ cho rằng, Bình Định cần nâng cấp cảng Quy Nhơn và giải quyết trục đường hành lang Đông Tây đi qua Bình Định, thực hiện theo phương thức tư nhân đầu tư, Nhà nước hỗ trợ về pháp lý, thủ tục… Đồng thời, đề nghị cấp có thẩm quyền cho Khu kinh tế Nhơn Hội một số cơ chế đặc thù để thu hút đầu tư nước ngoài. TS. Trần Du Lịch kiến nghị, kinh tế Bình Định trong thời gian tới tập trung vào một số lĩnh vực như “trọng tâm là cảng biển để thành trung tâm logistic hỗ trợ một số ngành kinh tế, ngành dịch vụ với du lịch điểm nhấn, nông nghiệp tập trung vào thuỷ sản”.

Đối với các dự án đầu tư hạ tầng, TS. Trần Du Lịch cho rằng, Nhà nước không thể “ôm” hết được tất cả các dự án bởi nguồn lực đầu tư sẽ dàn trải. Do đó, tỉnh Bình Định cần phân loại cụ thể từng dự án như loại nào Nhà nước đầu tư, dự án nào do tư nhân tham gia làm, dự án nào đầu tư theo phương thức công - tư.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tích tỉnh Bình Định đạt được trong năm qua như GDP tăng cao, thu ngân sách đạt khá, an ninh trật tự được bảo đảm, tai nạn giao thông giảm rõ rệt.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những thách thức, khó khăn của tỉnh là quy mô kinh tế nhỏ, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhưng vẫn còn cao so với cả nước, thiếu đội ngũ cán bộ chuyên môn có tay nghề cao. Đảng bộ, chính quyền các cấp cần quyết tâm hơn nữa với việc nghiêm túc tiếp thu các góp ý của các chuyên gia, các nhà đầu tư và nhân dân. Cải cách hành chính và môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, tập trung giải quyết ngay các “điểm nghẽn” của địa phương, không tự mãn với thành tích mới đạt được khi tăng vọt chỉ số năng lực cạnh tranh đứng thứ 4 toàn quốc.

Thủ tục sang tên phương tiện đơn giản nhưng vẫn chặt chẽ

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, khẳng định: "Đơn giản hóa thủ tục là một nội dung của cải cách hành chính, là nguyện vọng của nhân dân. Nhưng đơn giản không có nghĩa là buông lỏng quản lý hay dễ dãi. Mặc dù đơn giản hóa thủ tục sang tên, di chuyển xe nhưng Bộ Công an cũng quy định chặt chẽ về thủ tục và tăng cường trách nhiệm của người sử dụng xe cũng như các cơ quan nhà nước liên quan trong việc này để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân".

Từ ngày 15-4, Thông tư số 12/2013/TT-BCA về việc sửa đổi, bổ sung khoản 3, Điều 20 Thông tư số 36/2010/TT-BCA ngày 12-10-2010 quy định về đăng ký xe (gọi tắt là Thông tư 12) chính thức có hiệu lực. Một trong những vấn đề được người dân băn khoăn là trường hợp chủ xe không có chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy đăng ký xe thì có được làm thủ tục đăng ký, sang tên xe hay không? Thủ tục như thế nào?... Để làm rõ hơn những vấn đề liên quan, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt đã có cuộc trao đổi với báo chí.

- Thông tư 12 ra đời đã nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, đồng chí Cục trưởng có thể cung cấp cho bạn đọc về những điểm mới của Thông tư này?

- Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Theo quy định trước đây thì xe mua bán, cho, tặng qua nhiều chủ trong cùng một tỉnh nhưng chưa làm thủ tục sang tên, sau đó người mua cuối cùng bán tiếp xe sang tỉnh khác thì người đứng tên trong giấy đăng ký xe hoặc người bán cuối cùng của tỉnh đó làm giấy khai sang tên; nhưng để làm thủ tục sang tên thì chứng từ mua bán, cho, tặng xe phải đầy đủ, hợp lệ theo quy định. Trên thực tế thì nhiều trường hợp người sử dụng xe thiếu các chứng từ mua bán xe nên không thể thực hiện việc sang tên, chuyển chủ được.

Theo Thông tư 12, từ ngày 15-4-2013 đến ngày 31-12-2014, việc giải quyết đăng ký xe đối với trường hợp xe đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều “đời chủ” được thực hiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho người dân. Chẳng hạn như: hồ sơ đăng ký sang tên trong cùng tỉnh gồm: giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (theo mẫu); chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe theo quy định; giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe; chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng. Thời hạn hai ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký xe sẽ giải quyết cấp biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe cho người đang sử dụng xe.

Trường hợp làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe từ tỉnh này sang tỉnh khác thì cơ quan đăng ký xe nơi làm thủ tục sang tên, di chuyển xe tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra đúng thủ tục quy định sau đó cấp phiếu sang tên di chuyển kèm theo hồ sơ gốc của xe cho người đang sử dụng xe. Người đang sử dụng xe sẽ đến cơ quan thuế nộp lệ phí trước bạ và đến cơ quan đăng ký xe (nơi người đang sử dụng xe đăng ký thường trú) nộp hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe.

- Xin đồng chí Cục trưởng cho biết, trường hợp người dân đến làm thủ tục không có chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng có được làm thủ tục sang tên, đổi chủ hay không?

- Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Cần nhấn mạnh rằng, một trong những thủ tục mà chủ xe phải có trong hồ sơ đăng ký, sang tên xe là 2 loại chứng từ: chứng từ chuyển nhượng của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng. Nếu không có chứng từ đó thì người sử dụng xe vẫn được làm thủ tục để sang tên, di chuyển xe. Tuy nhiên, thời gian để giải quyết sẽ lâu hơn, cụ thể là 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo và niêm yết công khai. Cơ quan nơi người đang sử dụng xe đăng ký thường trú sẽ là nơi tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra đủ thủ tục theo quy định và giải quyết tiếp việc sang tên, di chuyển theo quy định.

- Việc đơn giản hóa thủ tục như vậy là rất thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện sang tên, di chuyển quyền sở hữu phương tiện, nhưng liệu có “dễ dãi quá” hay không, thưa đồng chí?

- Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên: Đơn giản hóa thủ tục là một nội dung của cải cách hành chính, là nguyện vọng của nhân dân. Nhưng đơn giản không có nghĩa là buông lỏng quản lý hay dễ dãi. Mặc dù đơn giản hóa thủ tục sang tên, di chuyển xe nhưng Bộ Công an cũng quy định chặt chẽ về thủ tục và tăng cường trách nhiệm của người sử dụng xe cũng như các cơ quan nhà nước liên quan trong việc này để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân. Cụ thể, đối với người đang sử dụng xe thì giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe phải có cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư 12) và đến cơ quan Công an cấp xã nơi mình đăng ký thường trú để lấy xác nhận về địa chỉ đăng ký thường trú của mình.

Đối với Công an cấp xã khi tiếp nhận giấy đăng ký sang tên, di chuyển xe phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, phải có trách nhiệm kiểm tra, xác minh địa chỉ đăng ký thường trú của họ. Thời gian giải quyết không quá 3 ngày làm việc. Đối với cơ quan đăng ký xe: Nếu tiếp nhận hồ sơ sang tên, di chuyển xe không có chứng từ chuyển nhượng theo quy định thì phải tiến hành gửi thông báo đến người đứng tên trong đăng ký xe và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan, tra cứu tàng thư xe mất cắp và dữ liệu đăng ký xe. Sau 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo và niêm yết công khai, cơ quan đăng ký xe mới giải quyết sang tên, di chuyển xe theo quy định.

Báo động về ý thức trách nhiệm công vụ

Một trong các tồn tại của công tác cải cách hành chính được chỉ ra là do tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, thậm chí nhũng nhiễu, tiêu cực, thiếu trách nhiệm và vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.

“Nhiều người nói châm biếm rằng các nơi bôi thì trơn, còn Hà Nội có bôi cũng... không trơn. Nguyên nhân khách quan là do Hà Nội có nhiều thách thức nhưng có thể nói còn do chưa thực sự làm hết trách nhiệm. Đây là lời báo động đòi hỏi chúng ta siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cảnh báo.

Ngày 28-3, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức giao ban với lãnh đạo quận, huyện, sở, ngành về công tác quý I. Nhìn chung, công tác cải cách hành chính của thành phố đã được tiến hành đồng bộ, toàn diện. Đến nay Hà Nội đã công bố sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 175 thủ tục (thuộc lĩnh vực nông nghiệp, y tế, đầu tư, đất đai, công thương, quản lý khu công nghiệp). Hiện tổng số thủ tục hành chính công khai là 2.335 thủ tục, trong đó có 1.897 thuộc thẩm quyền các sở, ngành, 281 thủ tục thuộc khối quận, huyện và 157 thủ tục thuộc khối xã phường thực hiện.…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách hành chính của Hà Nội vẫn còn nhiều tồn tại như bộ máy cơ quan chuyên môn một số sở, ngành, quận, huyện chưa tinh gọn, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo, trùng lắp, dẫn đến việc giải quyết công việc chậm, kém hiệu quả. Ngay việc công khai các thủ tục hành chính vẫn còn tình trạng chưa cập nhật được cơ chế, chính sách nên việc tra cứu của dân gặp khó khăn. Đáng quan tâm là xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012 của Hà Nội giảm 15 bậc, từ vị trí 36 xuống 51, với 5 chỉ số sụt giảm lớn là thiết chế pháp lý, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo thành phố và việc tiếp cận đất đai, sự ổn định trong sử dụng đất.

Một trong các tồn tại của công tác cải cách hành chính được chỉ ra là do tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, thậm chí nhũng nhiễu, tiêu cực, thiếu trách nhiệm và vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân. Kết quả khảo sát của Ban Tuyên giao Thành ủy cho thấy, 93% các ý kiến cho rằng cán bộ, công chức nắm vững quy trình nghiệp vụ. Tuy nhiên, những đánh giá tích cực của dư luận về trình độ của công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính không tương đồng với đánh giá về tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ (chỉ 52,4% đánh giá công chức có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình khi làm việc). Mức độ hài lòng của người dân khi thực hiện thủ tục hành chính ở cấp xã và cấp huyện cũng khác nhau, theo đó cấp xã khiến người dân hài lòng hơn cấp huyện và các sở, ngành.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, cải cách hành chính đang là đề tài thu hút sự quan tâm lớn của doanh nghiệp, người dân. Lãnh đạo thành phố đã đặt ra vấn đề này từ lâu, quá trình thực hiện cũng đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt còn những lĩnh vực chuyển biến không đáng kể. Bí thư nhấn mạnh, lực cản nằm ở cơ chế, quy chế, chính sách… lạc hậu, chậm sửa đổi hoặc đã chỉnh sửa nhưng không quyết liệt dẫn tới tiêu cực. Cho nên, việc hàng đầu trong cải cách hành chính là cải cách ý thức trách nhiệm của mỗi người.

Về việc Hà Nội sụt giảm tỷ lệ xếp hạng cạnh tranh cấp tỉnh (xếp thứ 51/63), Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng: “Điều này thể hiện sự không hài lòng của doanh nghiệp. Nhiều người nói châm biếm, các nơi bôi thì trơn, còn Hà Nội có bôi cũng... không trơn. Nguyên nhân khách quan là do Hà Nội có nhiều thách thức nhưng có thể nói còn do chưa thực sự làm hết trách nhiệm. Đây là lời báo động đòi hỏi chúng ta siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính”. Bí thư Thành ủy yêu cầu các quận, huyện, sở, ngành phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, rà soát các vấn đề trong quá trình phân cấp theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Đồng thời, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, trong đó, chú trọng kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm…

Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp về thuế
Ngày 27-3-2013, tại Hà Nội, Chi cục Thuế quận Đống Đa phối hợp với các phòng của Cục thuế Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại các doanh nghiệp về thuế nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả kinh tế, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh và thực hiện tốt chính sách thuế.

Tại Hội nghị, các câu hỏi và trả lời giữa doanh nghiệp và ngành Thuế chủ yếu xoay quanh các vấn đề về thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Đây là hoạt động thường niên thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp.

Đống Đa là quận có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất Hà Nội. Tính đến nay, có gần 21 nghìn doanh nghiệp được cấp mã số thuế. Trong đó, số đang kê khai thuế hàng tháng trên 11 nghìn. Những doanh nghiệp này đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách thành phố.

Chi cục Thuế quận Đống Đa cũng là đơn vị đầu tiên trong khối chi cục thực hiện thí điểm việc nộp thuế qua mạng, đem lại kết quả bước đầu tích cực. Đến nay, đã có gần 8 nghìn doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng. Việc làm này đã tháo gỡ một phần khó khăn, bức xúc lâu nay về tình trạng ùn ứ trong những ngày cao điểm nộp thuế cho ngành Thuế và doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là đơn vị thực hiện tốt Nghị quyết 02 của Chính phủ và Thông tư 16 của Bộ Tài chính về gia hạn, giảm một số khoản thu ngân sách cho doanh nghiệp. Đó là, gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất.

Cần tiếp tục đổi mới cách làm việc và công tác cải cách hành chính

Sáng 26-3, tại trụ sở UBND TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị tổng kết thi đua Văn phòng các cơ quan hành chính nhà nước TP. Hồ Chí Minh năm 2012.

Báo cáo tại Hội nghị cho biết trong năm 2012, các văn phòng đã bảo đảm thông tin nội bộ và thông tin trong hệ thống hành chính kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo đơn vị và thành phố. Trong năm qua, các văn phòng tiếp tục đổi mới cách làm việc và công tác cải cách hành chính. Cơ chế một cửa tiếp tục được triển khai đồng bộ, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng thực hiện để giải quyết tốt công việc của tổ chức và công dân.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Võ Văn Luận, Chánh Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh nhận định những nỗ lực của các văn phòng của các sở, ngành, quận, huyện đã góp phần vào thành công chung của thành phố trong công tác cải cách hành chính, hỗ trợ đắc lực trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các đơn vị. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại cần được khắc phục trong thời gian tới. Đội ngũ cán bộ, công chức văn phòng phải thường xuyên tìm hiểu pháp luật, cập nhật thông tin cũng như đề xuất các giải pháp cải tiến nhằm phát huy hiệu quả công tác cải cách hành chính.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội kiểm tra cải cách hành chính tại huyện Từ Liêm

Sáng 25-3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị dẫn đầu đoàn công tác thăm và làm việc với huyện Từ Liêm về kết quả công tác cải cách hành chính năm 2012, nhiệm vụ trọng tâm năm 2013.

Theo Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm Lê Văn Thư: Năm 2012, toàn huyện tiếp nhận 471.935 hồ sơ hành chính, đã giải quyết 470.472 hồ sơ, đạt 99,56%. Toàn bộ 6 nội dung của công tác cải cách hành chính được huyện triển khai đồng bộ, đạt nhiều kết quả tích cực. Huyện đã ban hành hướng dẫn thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả của 223 thủ tục hành chính cấp huyện, trong đó có 130 thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa và 93 thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông (24 thủ tục hành chính liên thông thuộc lĩnh vực nhà đất, mỗi thủ tục hành chính đã giảm thời gian giải quyết 2 ngày theo quy định). Tại cấp xã, thị trấn đã có 68 thủ tục hành chính thực hiện liên thông với huyện và 61 thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa. Việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính cũng được huyện chú trọng và triển khai tốt. 100% thủ tục hành chính cấp huyện được niêm yết công khai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và cung cấp trực tuyến toàn bộ thủ tục hành chính trên Cổng giao tiếp điện tử.

UBND huyện cũng yêu cầu cán bộ tiếp nhận hồ sơ hành chính tăng cường đối chiếu bản sao hồ sơ với bản chính, không yêu cầu công dân chứng thực bản sao trong hoàn thiện hồ sơ hành chính. Việc này giảm công sức và chi phí thực hiện thủ tục hành chính của tổ chức, công dân cũng như chính các cơ quan hành chính. Tính riêng quý IV-2012, áp dụng tốt quy định này đối với 54.000 hồ sơ hành chính trên toàn huyện đã giúp giảm tải 1,8 tỷ đồng chi phí về thời gian.

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đánh giá cao những kết quả mà huyện Từ Liêm đã đạt được, song cũng nhấn mạnh: Liên tục trong nhiều năm, thành phố Hà Nội chọn cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá. Năm nay, thành phố xác định là "Năm kỷ cương hành chính", điều đó thể hiện sự quan tâm, quyết tâm của lãnh đạo thành phố đối với công tác này. Chính vì thế, huyện Từ Liêm cần tiếp tục coi trọng hơn nữa nhiệm vụ cải cách hành chính, tạo sự chuyển biến rõ nét về kỷ cương hành chính. Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và từng cán bộ, công chức về cải cách hành chính cũng như đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác cải cách hành chính.

Trước đó, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và các thành viên trong đoàn đã thăm bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ hành chính thị trấn Cầu Diễn và UBND huyện Từ Liêm. Tại đây, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đánh giá cao sự đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực, sự bố trí khoa học cũng như thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, tạo thuận lợi cho người dân đến giao dịch./.