TCCSĐT - Thanh niên là một bộ phận nòng cốt của xã hội, rường cột của dân tộc, là lực lượng xung kích của cách mạng và là chủ nhân tương lai của đất nước. Để thanh niên xứng đáng với vai trò đó, công tác giáo dục thanh niên có vị trí rất quan trọng. Cùng với việc giáo dục truyền thống, lý tưởng chính trị cần chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật trong thanh niên.

Đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật trong thanh thiếu niên hiện nay không chỉ là trách nhiệm của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Thanh niên mà là của cả các ngành, các cấp, các tổ chức của hệ thống chính trị. Bài viết này xin được bàn về giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật đối với thanh, thiếu niên.

“Rèn đức” là gốc của công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật

Xuất phát từ quan điểm “Vì lợi ích trăm năm trồng người”, “Đạo đức là gốc của con người”, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và pháp luật nhằm bảo đảm cho thanh thiếu niên được phát triển toàn diện, trong đó công tác giáo dục đạo đức, lý tưởng, lối sống cho lớp trẻ được nhấn mạnh là khâu hết sức quan trọng.

Trước tình trạng thanh thiếu niên phạm pháp ngày càng nhiều về số lượng và càng phức tạp về tính chất, các cơ quan chức năng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cùng nhau phối kết hợp để nghiên cứu, khảo sát, triển khai và thực hiện rất nhiều chương trình nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho lớp trẻ. Trong số đó có không ít những hoạt động đã mang lại kết quả hết sức tích cực, được xã hội ghi nhận.

Tuy nhiên, trước thực tế tình hình vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên hiện nay, chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng: hiệu quả của công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho lớp trẻ vẫn chưa cao. Vì sao? Vì rất nhiều lý do, mà một trong số đó là: Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên vẫn chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Nếu công tác giáo dục đạo đức, lối sống thực sự đạt hiệu quả thì nó chính là nền tảng vững chắc cho các công tác giáo dục khác, trong đó có giáo dục pháp luật. Nếu thanh thiếu niên hiểu và thấm nhuần được những quan niệm đúng đắn về cái thiện, cái ác, về lương tâm, trách nhiệm, danh dự, lòng tự trọng, lòng yêu nước, tình yêu con người, giá trị của lao động, về mối quan hệ “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”… thì chắc chắn các em sẽ tự giác điều chỉnh hành vi của mình theo hướng cao đẹp. Nếu hiểu rõ vì sao phải “kính trên nhường dưới”, “chị ngã em nâng”, “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo”… thì chắc chắn những hành vi vi phạm luân thường đạo lý sẽ bớt đi. Nếu hiểu rõ “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, “một hạt lúa vàng chín giọt mồ hôi”… thì các em sẽ biết trân trọng lao động và xác định được lao động là nghĩa vụ của mỗi người, từ đó, những hành vi lười nhác và lãng phí chắc chắn sẽ được hạn chế… Trên nền tảng của những quan niệm sống đầy nhân văn, đầy trách nhiệm với bản thân và với mọi người xung quanh thì kiến thức pháp luật sẽ dễ “vào”, dễ “ngấm” và sẽ phát huy tác dụng một cách tối đa.

Cần những hình thức phù hợp với đặc điểm tâm lý của giới trẻ

Hiện nay, công tác giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên đang được các cơ quan chức năng đặc biệt chú trọng. Trường học, chính quyền các cấp, tổ chức đoàn thanh niên, hội thanh niên, công đoàn, công an,… đều có những chương trình hoạt động nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật cho lớp trẻ. Nội dung của công tác này đã được đổi mới và cụ thể hóa hơn, sao cho phù hợp với lứa tuổi, với các nhóm đối tượng và với thời đại. Hình thức của công tác giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên cũng đã được đa dạng hóa, sao cho gần gũi hơn với lớp trẻ. Tuy nhiên, hiệu quả của những bài học đạo đức này vẫn còn mờ nhạt. Nội dung và hình thức của công tác giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật vẫn chưa có ảnh hưởng sâu sắc đến nếp sống, nếp nghĩ của giới trẻ.

Có lẽ chúng ta cần phải cụ thể hóa hơn nữa một số lý do khá phổ biến, khá chung chung mà các hội nghị, hội thảo thường tổng kết như: tính hình thức, tính phong trào, tính giáo điều, thiếu đồng bộ… Có thể nói, hiện nay chưa có nhiều (nếu không nói là còn ít) những bài học đạo đức (dù thông qua hình thức nào: bài giảng, phim ảnh, hoạt động tình nguyện, sách báo, mít tinh, khẩu hiệu…) tác động sâu sắc tới ý thức của lớp trẻ.

Do đặc điểm của tâm lý lứa tuổi, thanh thiếu niên có xu hướng muốn bứt phá khỏi những gì mang tính chất khuôn mẫu, áp đặt, mệnh lệnh. Vì thế, nội quy, quy tắc, khẩu hiệu, lời răn đe, bài giảng thuyết trình mang tính giáo huấn… thường là ít có hiệu quả đối với các em. Trong khi đó, một bức ảnh đầy biểu cảm lại có thể khiến hàng triệu bạn trẻ lặng người xúc động; một bài hát phù hợp với tâm lý tuổi thanh xuân và với thời đại các em đang sống lại có thể hướng hàng triệu người nghe đến bao điều tốt đẹp; một hoạt động thiết thực vì cộng đồng lại có thể khơi dậy một cách mạnh mẽ tình yêu đất nước, tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người, tâm lý sẻ chia, cống hiến; một tấm gương lao động chân chính lại có thể nuôi dưỡng trong tâm hồn các em thái độ trân trọng các giá trị của lao động… Có thể nói, những bài học đạo đức nhẹ nhàng, chân thực, gần gũi, không “đao to búa lớn”, có tác động rất mạnh mẽ tới trái tim của giới trẻ.

Nếu những bài học đó được chuyển tải bằng những hình thức phù hợp với giới trẻ hiện nay (ngắn gọn, biểu cảm, vui tươi, hóm hỉnh, hài hước, hiện đại…) thì hiệu quả của công tác giáo dục đạo đức sẽ được nâng cao và công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho thanh thiếu niên sẽ đạt được những kết quả hết sức tích cực.

Nghiên cứu tâm lý thanh niên để có các biện pháp giáo dục phù hợp

Giáo dục, rèn luyện thanh niên là trách nhiệm của cả xã hội, trong đó, trước hết là của gia đình, nhà trường và tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam,… Để nâng cao hiệu quả công tác này, theo chúng tôi, cần đầu tư nhiều hơn cho việc nghiên cứu tâm lý thanh niên nói chung, từng nhóm đối tượng thanh niên nói riêng (thanh niên nông thôn, thanh niên ở các đô thị, thanh niên công nhân, học sinh, sinh viên, nam, nữ,…) nhằm chủ động nắm bắt một cách sát thực nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng,… làm cơ sở khoa học và thực tiễn để thiết kế các hình thức, biện pháp giáo dục phù hợp. Tiến hành giáo dục đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật cho thanh niên bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, hấp dẫn, nhất là những hình thức tiếp cận được đến đa số thanh niên; thông qua những phong trào, những việc làm thiết thực, có ý nghĩa.

Kết hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong việc giáo dục thanh niên. Cần đề cao vai trò của gia đình nhất là trong giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật. Những lời nhắc nhở, uốn nắn thường xuyên, tấm gương sống, lao động, cống hiến của các bậc ông bà, cha mẹ, họ hàng, làng xóm có tác dụng rất lớn trong giáo dục, hình thành nhân cách ở các em.

Tăng cường nội dung giáo dục pháp luật vào trong chương trình giáo dục phổ thông, nhất là ở cấp phổ thông trung học (không chỉ bó hẹp trong phạm vi pháp luật về giao thông, về quyền trẻ em,… như hiện nay). Đổi mới và đa dạng hóa hình thức truyền tải trên cơ sở nghiên cứu tâm lý lứa tuổi các em.

Các tổ chức của thanh niên cần chủ động nắm bắt và dự báo tình hình tư tưởng, tâm lý thanh niên để thiết kế phương pháp và các hình thức giáo dục phù hợp, hiệu quả. Tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thông qua các hình thức phù hợp, có sức lôi cuốn, gây được sự quan tâm, chú ý của thanh niên; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống văn hoá, lịch sử cho thanh niên. Xây dựng và thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức, định hướng giá trị làm căn cứ giáo dục thanh niên, coi trọng việc giáo dục thanh niên qua các hoạt động thực tiễn và các phong trào hành động của thanh niên. Các tổ chức của thanh niên cần đặc biệt sáng tạo trong việc thiết kế, đề xuất các mô hình, tổ chức các hoạt động, qua đó, vừa đoàn kết, tập hợp thanh niên, vừa tăng cường giáo dục, định hướng cho thanh niên phấn đấu, góp công, góp sức xây dựng đất nước./.