TCCSĐT - Chiều 23-11, tại Thành phố Hồ Chí Minh Hội đồng lý luận Trung ương phối hợp với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng trong tình hình mới”. Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Trần Trọng Tân - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; GS, TS Lê Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; GS, TS Trương Giang Long - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và gần 20 nhà khoa học, nhà quản lý rất tâm huyết trong lĩnh vực này.

Báo cáo Đề dẫn tại Hội thảo, GS, TS Lê Hữu Nghĩa khẳng định: Bước vào công cuộc đổi mới, Đảng ta phát huy những bài học kinh nghiệm rất thành công của công tác vận động quần chúng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; khắc phục kịp thời những yếu kém của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp; tiếp tục khơi dậy các nguồn lực và từng bước đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các phương diện, đưa đất nước ta ngày càng vững mạnh. Có được điều đó, là nhờ Đảng và Nhà nước ta sáng suốt đề ra các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật ngày càng phù hợp với tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân; các cấp ủy đảng không ngừng tăng cường công tác dân vận, kiện toàn, củng cố các Ban Dân vận, nhất là quan hệ phối hợp công tác dân vận của hệ thống chính trị từng bước tiến bộ; đội ngũ cán bộ làm công tác vận động quần chúng được nâng cao cả về năng lực, trình độ trong nghiệp vụ... Tuy nhiên, trước tình hình mới, bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, đi ngược lại lợi ích của quần chúng, tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn,... làm tổn thương đến uy tín của Đảng, giảm sút niềm tin vốn được bồi đắp lâu dài của quần chúng đối với Đảng; trong khi đó, công tác vận động quần chúng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, gây ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển của Đảng, của chế độ, nếu không được khắc phục kịp thời.

GS, TS Lê Hữu Nghĩa cho biết, những kết quả thu được từ Hội thảo này sẽ góp phần vào việc tham gia xây dựng báo cáo phục vụ Đề án trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa XI) sắp tới. Do đó, Hội thảo sẽ tập trung vào 6 vấn đề cơ bản như: Đánh giá thực trạng công tác vận động quần chúng từ sau Nghị quyết Trung ương 8B (khóa VI); những kinh nghiệm rút ra; tình hình mới - thuận lợi, khó khăn, thách thức và những vấn đề cấp bách đặt ra đối với công tác vận động quần chúng; về tên và phạm vi của Nghị quyết; về nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác vận động quần chúng của Đảng trong tình hình mới; khâu đột phá.

Các tham luận và ý kiến tại Hội thảo đã phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong công tác vận động quần chúng của Đảng ta trong thời gian qua. Các ý kiến nhận định: những hạn chế yếu kém trong công tác quản lý, thực thi nhiệm vụ của một số địa phương trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đền bù, giải tỏa, sở hữu đất đai chưa bảo đảm lợi ích thỏa đáng của người dân; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên; nạn tham nhũng, lãng phí; lợi dụng chức quyền để trục lợi, vun vén cho người thân, sa vào chủ nghĩa cá nhân,... đã làm giảm niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, gây cản trở và làm cho công tác vận động quần chúng gặp không ít khó khăn, kém hiệu quả.

Các ý kiến còn cho rằng, mặc dù những nội dung của Nghị quyết Trung ương 8B (khóa VI) vẫn còn rất hữu ích, nhưng trước yêu cầu mới hiện nay thì cần thiết phải cho ra đời một nghị quyết của Đảng về công tác vận động quần chúng trước tình hình mới. Và, để nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng có hiệu quả, các nhà khoa học cho rằng: Cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nhất quán tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các hoạt động của Đảng luôn luôn gắn bó với lợi ích chính đáng của nhân dân; đề cao và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân quyết, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đồng thời không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xem đây là nhiệm vụ hàng đầu của công tác quần chúng. Các đồng chí thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải là người tiên phong nêu gương trong mọi hoạt động. Xây dựng, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, hiệu lực. Xây dựng tác phong quần chúng, nâng cao chất lượng nội dung, đa dạng hóa phương pháp, phương thức thông tin, tuyên truyền./.