Ngày 10-8, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo tham vấn về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Theo chương trình, dự thảo Luật sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2012).

Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã được trình tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII. Qua thảo luận, phần lớn đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Hợp tác xã, tuy nhiên vẫn còn 4 nhóm vấn đề còn những luồng ý kiến khác nhau tập trung vào định nghĩa và bản chất của hợp tác xã; chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với hợp tác xã; tổ chức liên minh hợp tác xã; quản lý nhà nước đối với hợp tác xã. Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những nội dung này để hoàn thiện dự thảo Luật, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết qua thảo luận về bản chất và định nghĩa hợp tác xã, có ý kiến cho rằng cần quy định hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Dự thảo Luật quy định “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, có tư cách pháp nhân, tự chủ và bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp…”. Thứ trưởng phân tích nếu hợp tác xã là doanh nghiệp, doanh nghiệp tập thể hay doanh nghiệp đặc thù do thành viên góp vốn để tìm kiếm lợi nhuận, bỏ quy định về ràng buộc cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thành viên thì không cần ban hành Luật Hợp tác xã riêng vì Luật Doanh nghiệp đã có đầy đủ quy định cho loại hình hợp tác xã này hoạt động. Trong hoạt động, mục đích của thành viên doanh nghiệp và của doanh nghiệp là lãi trên vốn. Mục đích của thành viên hợp tác xã và của hợp tác xã là lợi ích gắn liền với việc đáp ứng nhu cầu chung về sản phẩm, dịch vụ hoặc việc làm của thành viên.

Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp tác xã, dự thảo Luật được sửa theo hướng cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước đối với hợp tác xã so với doanh nghiệp do bản chất của tổ chức hợp tác xã mang lợi ích cho số đông thành viên, đặc biệt là người nông dân. Luật quy định các chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; vốn, giống, giá khi gặp khó khăn về thiên tai, dịch bệnh và rủi ro thị trường; thu mua chế biến và tiêu thụ sản phẩm; đầu tư phương tiện, thiết bị phục vụ hoạt động hợp tác xã, liên minh hợp tác xã...

Trên cơ sở phân tích những thành công qua hoạt động của Quỹ Tín dụng nhân dân trong thời gian qua, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Cao Sỹ Kiêm khẳng định quan điểm của mình cho rằng không thể đánh đồng hợp tác xã với doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh hoạt động của doanh nghiệp đã có Luật Doanh nghiệp điều chỉnh, nếu hợp tác xã là doanh nghiệp thì không cần thiết có Luật riêng về hợp tác xã.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Đào Xuân Cần nhận định hoạt động của hợp tác xã hiện nay vẫn rất khó khăn, hợp tác xã vẫn chưa được xã hội nhìn nhận như một thành phần kinh tế có đóng góp nhất định vào sự phát triển của xã hội. Phân tích những yếu tố làm nên thành công của mô hình Quỹ Tín dụng nhân dân do có hành lang pháp lý chặt chẽ; có cơ quan quản lý nhà nước; cấp ủy chính quyền rất quan tâm; hoạt động đúng bản chất cung ứng dịch vụ cho thành viên, đúng tôn chỉ mục đích; làm tốt công tác tuyên truyền; quan tâm tới đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý…, ông cho rằng, việc sửa Luật Hợp tác xã lần này phải đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn; đồng thời có những chính sách ưu đãi thỏa đáng cho khu vực này…

Hội thảo đã giới thiệu mô hình hoạt động của một số hợp tác xã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đó là Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Ái Nghĩa; Hợp tác xã dịch vụ hoa cây cảnh Xuân Quan… Kiến nghị từ các hợp tác xã này đều mong dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) có quy định phù hợp đối với bản chất của hợp tác xã; có các chính sách cụ thể thích hợp nhằm phát huy kinh tế tập thể, bảo đảm đời sống của cán bộ hợp tác xã và lợi ích xã viên…/.