Chính phủ điện tử ở Xin-ga-po

14:54, ngày 17-06-2010

TCCS - Quốc đảo sư tử - Xin-ga-po - chỉ rộng 640 km2, với dân số trên 4 triệu người. Một hòn đảo không tài nguyên, nhưng Xin-ga-po nổi tiếng là một trong những quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất trên thế giới và nằm trong nhóm 10 nước đi đầu thế giới trong ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, chính phủ điện tử.

Chính phủ điện tử

Chính phủ điện tử (CPĐT; tiếng Anh: e-Government) là tên gọi của một chính phủ mà mọi hoạt động của nhà nước được “điện tử hóa”, “mạng hóa”. Tuy nhiên, CPĐT không đơn thuần là máy tính, mạng in-tơ-nét, mà là sự đổi mới toàn diện các quan hệ (đặc biệt là các quan hệ giữa nhà nước và công dân), các nguồn lực, các quy trình, phương thức hoạt động và bản thân nội dung các hoạt động của chính phủ, và ngay cả các quan niệm về các hoạt động đó.

Mặc dù còn có những quan niệm khác nhau, song có thể hiểu một cách đơn giản: CPĐT là sự ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông để các cơ quan chính phủ đổi mới, làm việc hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn, cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ của mình trong việc tham gia quản lý nhà nước. Nói cách ngắn gọn, CPĐT là chính phủ hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông.

Chính phủ điện tử có các đặc trưng:

Thứ nhất, đưa chính phủ tới gần người dân và đưa người dân tới gần chính phủ.

Thứ hai, làm minh bạch hóa hoạt động của chính phủ, chống tham nhũng, quan liêu, độc quyền.

Thứ ba, giúp chính phủ hoạt động có hiệu quả trong quản lý và phục vụ dân (cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công)

Kinh nghiệm Xin-ga-po

Quá trình phát triển

Xin-ga-po bắt đầu chương trình tin học hóa từ đầu những năm 80 thế kỷ XX. Sang thập niên 90, chính phủ nước này bắt đầu hoạt động trực tuyến. Hiện tại, Xin-ga-po bước sang giai đoạn CPĐT - nơi mà mỗi người dân, doanh nghiệp có thể giao tiếp, tương tác với chính phủ trong môi trường ảo. Mục tiêu của chính phủ Xin-ga-po là trở thành một CPĐT để có thể phục vụ tốt hơn cho đất nước và nhân dân Xin-ga-po trong nền kinh tế tri thức.

Chính phủ điện tử hiện đã triển khai khá thành công tại Xin-ga-po. Nước này đã bắt đầu sử dụng công nghệ thông tin từ rất nhiều năm trước. Từ cuối thập niên 70 cho tới đầu những năm 80, Xin-ga-po đã sử dụng các hệ thống main - frame, mini computer trong công tác quản lý. Nhưng chưa được gọi là CPĐT, bởi lúc đó chưa có In-tơ-nét.

Với sự phát triển dần theo thời gian, các công việc quản lý hành chính sử dụng máy tính ngày càng nhiều hơn, các mini computer được sử dụng trong các bộ, ngành nhiều hơn. Sau đó là sự xuất hiện của máy tính cá nhân PC trong bộ máy công quyền, rồi mạng cục bộ LAN được đưa vào sử dụng.

Đến khi In-tơ-nét xuất hiện, Xin-ga-po bắt đầu thử nghiệm các phương thức sử dụng trang điện tử để cung cấp các dịch vụ hành chính công tới người dân qua mạng.

Nhìn vào Xin-ga-po ngày nay, có vẻ như quốc gia này đã triển khai thành công CPĐT một cách nhanh chóng, nhưng thực tế đó là quá trình kéo dài tới hơn 20 năm. Vào đầu những năm 80, khi Chính phủ Xin-ga-po bắt đầu hình thành tổ chức quản lý ứng dụng công nghệ thông tin có tên là ủy ban máy tính quốc gia NCB (National Computer Board), đây là cơ quan chính phủ được giao nhiệm vụ đẩy mạnh mọi hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong chính phủ.

Nhân viên của NCB phải đi tới từng bộ, ngành và thăm dò nhu cầu xem các đơn vị này cần gì, họ cần sử dụng máy tính cho những công việc nào. Sau đó các nhân viên NCB tập hợp yêu cầu, từ đó xây dựng các chương trình, các phần mềm để đáp ứng các nhu cầu này, như phần mềm thanh toán thuế, phần mềm quản trị nhân sự, phần mềm kế toán, phần mềm thống kê v.v..

Ngày nay, có thể đó là những giải pháp phức tạp hơn nhiều với những dịch vụ hành chính điện tử (e-services) cung cấp trực tiếp đến người dân qua In-tơ-nét, nhưng về khái niệm thì vẫn hoàn toàn giống với những phần mềm làm theo nhu cầu của các bộ, ngành đề cập ở trên.

Năm 1998, Xin-ga-po bắt đầu triển khai hệ thống tìm dữ liệu trực tuyến. Trước đây, để tìm dữ liệu, mọi người phải tìm kiếm với một lượng văn bản khổng lồ. Ngày nay, nhờ các dữ liệu đã có sẵn trên mạng, người dân dễ dàng tiếp cận với chúng. Tuy nhiên, vào thời điểm năm 1998, chỉ khoảng vài trăm nghìn người tiếp cận được với thông tin này.

Trong vài năm tiếp theo, Xin-ga-po bắt đầu đào tạo cho người dân để có thể sử dụng hệ thống dữ liệu trực tuyến. Số người sử dụng sau đó tăng rất nhanh. Đây là ví dụ cho thấy giá trị của việc chuẩn bị tốt cho người dân thông qua giáo dục - đào tạo, giúp họ tiếp cận hệ thống và các dịch vụ. Nếu không, hệ thống sẽ bị lãng phí, cũng tương tự như lãng phí các PC vậy. Sau 20 năm triển khai, Xin-ga-po đã đạt được những kết quả quan trọng về CPĐT. ở Xin-ga-po vào thời gian đầu triển khai rất nhiều người nghĩ rằng việc triển khai CPĐT tập trung chính vào việc xây dựng các cổng điện tử (portal), tự động hóa các quy trình quản lý, cung cấp dịch vụ công trực tuyến 24/7... Vì vậy, khi bắt tay vào triển khai họ lập tức tiến hành khảo sát, thu thập thông tin rồi tập trung vào thiết kế, lập trình, trang bị máy móc thiết bị, đào tạo... Nhưng thật sự, đó là sự nhầm lẫn vì tựu trung đó là các vấn đề kỹ thuật - một thành phần rất nhỏ, thứ yếu của CPĐT.

Ngay sau khi nhận ra sai lầm đó, Chính phủ Xin-ga-po khẳng định, muốn triển khai thành công CPĐT thì trước tiên phải xác định thật rõ mục tiêu cần phải đạt được, những việc cần làm, các nguồn lực cần huy động, kế hoạch và lộ trình thực hiện... rồi đặt tất cả trong một tổng thể chung. Nói cách khác, cần xây dựng tốt kế hoạch tổng thể CPĐT (e-government masterplan).

Bốn làn sóng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin

1- Chương trình tin học hóa quốc gia đầu những năm 80

Năm 1981, chương trình tin học hóa các dịch vụ dân sự được ủy ban Tin học quốc gia khởi xướng với mục tiêu trọng tâm là tự động hóa các chức năng truyền thống và giảm các công việc giấy tờ. Những nỗ lực này đã tạo nền tảng vững chắc cho Xin-ga-po hướng tới xây dựng CPĐT sau này.

Sau 8 năm triển khai, chương trình này đã thiết lập được 193 hệ thống ứng dụng cho các cơ quan công quyền. Tin học hóa giúp tiết kiệm chi phí hoạt động của chính phủ trên 70 triệu USD mỗi năm và tạo tiền đề phát triển công nghệ thông tin Xin-ga-po thành một ngành công nghiệp lớn có giá trị gần 600 triệu USD.

2 - Chương trình công nghệ thông tin quốc gia giữa những năm 80

Mục tiêu của chương trình này là một dịch vụ hành chính công hiệu quả, một chính phủ “một cửa”, hoạt động liên tục. Trong một thời gian rất ngắn, chính phủ Xin-ga-po nhận thấy sẽ không hiệu quả nếu chỉ dùng công nghệ thông tin tự động hóa quy trình hoạt động bên trong nội bộ các bộ, ngành của chính phủ vì các dịch vụ công liên quan tới nhiều ban, ngành khác nhau. Đây chính là cơ sở cho việc triển khai làn sóng ứng dụng công nghệ thông tin thứ hai để cung cấp các dịch vụ tích hợp cho người dân và doanh nghiệp.

Kết quả của làn sóng thứ hai là vào năm 1989, mạng máy tính quốc gia đã liên kết 23 trung tâm máy tính lớn của chính phủ. Mạng liên bộ này đã mở đường và đánh dấu những bước đi chính tới dịch vụ “chính phủ “một cửa” và liên tục”.

3 - Chương trình IT 2000 và PS 21 vào đầu và giữa thập niên 90

Mục tiêu của làn sóng này là biến Xin-ga-po thành một hòn đảo thông minh (bằng kế hoạch tổng thể IT 2000) và một trung tâm công nghệ thông tin toàn cầu, dịch vụ hành chính công của Xin-ga-po sẽ trở thành dịch vụ công hàng đầu thế giới trong thế kỷ XXI (bằng chương trình PS21). Hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông quốc gia được tái cấu trúc để đáp ứng hai chương trình IT 2000 và PS21. Mạng băng thông rộng dựa trên công nghệ ATM - Xin-ga-po One đã ra đời trong hoàn cảnh đó và là mạng hạ tầng băng thông rộng phạm vi quốc gia đầu tiên trên thế giới.

Làn sóng thứ 3 đã tạo ra một loạt dịch vụ công, tiêu biểu như hệ thống hồ sơ điện tử trong lĩnh vực tư pháp; mạng quản lý lao động Labournet; hệ thống nộp thuế điện tử, mạng xây dựng CoreNet... Xin-ga-po One ngay từ năm 1999 đã có tới 170 ứng dụng có thể truy xuất 99% từ các hộ gia đình, tất cả các trường học, một nửa số thư viện công cộng và trung tâm cộng đồng, 250 trạm thông tin đặt tại nơi công cộng và trung tâm thương mại.

4 - Infocomm 21 từ cuối những năm 90

Mục tiêu đưa Xin-ga-po trở thành thủ đô công nghệ thông tin và viễn thông toàn cầu. Sự hội tụ giữa công nghệ thông tin và viễn thông đã tạo ra quan điểm mới về cách thức cung cấp dịch vụ. Năm 1998, Xin-ga-po bắt đầu xem xét lại tầm nhìn và chiến lược phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin để thích nghi với những thách thức của thời kỳ mới. Một loạt chiến lược và lộ trình được chính phủ vạch ra hướng tới các mục tiêu chính:

- Phát triển công nghệ thông tin viễn thông (Information Communication Technology - ICT) thành một bộ phận chính yếu trong sự phát triển nền kinh tế Xin-ga-po, đặt Xin-ga-po vào vị thế người sáng tạo hàng đầu và nhà xuất khẩu số 1 các sản phẩm và dịch vụ ICT trên thị trường toàn cầu.

- Sử dụng ICT như một nền tảng chung để thúc đẩy hiệu năng của các thành phần chính trong nền kinh tế tri thức của Xin-ga-po. Dùng ICT làm đòn bẩy để cải thiện chất lượng cuộc sống và tiêu chuẩn sống của người dân Xin-ga-po trong xã hội thông tin tương lai.

- Infocomm 21, kế hoạch công nghệ thông tin 5 năm phát triển Xin-ga-po thành một thủ đô ICT toàn cầu với nền kinh tế điện tử thịnh vượng và phát triển, một xã hội điện tử tinh thông ICT đã được xác định. CPĐT được xác định như một trong những chương trình chính để thực thi kế hoạch Infocomm 21. Có thể kể đến một số dịch vụ CPĐT như:

+ Dịch vụ thông tin nhà đất tích hợp trên In-tơ-nét - INLIS do Bộ Pháp lý triển khai là hệ thống “một cửa” sử dụng In-tơ-nét cho phép công dân lấy giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai, mua bán đất đai...

+ eCitizen - cửa ngõ số để chính phủ cung cấp các dịch vụ CPĐT “một cửa” cho công dân. Hiện có tới 300 dịch vụ đơn lẻ và 60 dịch vụ trọn gói được cung cấp qua cửa này.

+ Cửa mua sắm điện tử trực tuyến của chính phủ cho phép tất cả các công ty của Xin-ga-po đề đạt các kiến nghị, yêu cầu tới chính phủ và thực hiện các giao dịch kinh doanh trực tuyến với chính phủ.

+ JusticeOnline - hệ thống truyền hình hội thảo qua mạng, cho phép các tòa án có thể thực hiện các vụ xét xử thông qua In-tơ-nét băng thông rộng.

Bốn làn sóng trên đã biến Xin-ga-po thành một quốc gia được thế giới công nhận những nỗ lực và thành công trong việc khai thác công nghệ thông tin để tăng hiệu năng, tính cạnh tranh.

Năm nguyên tắc thành công

ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hơn 20 năm qua được xem là cách thức để một quốc gia không tài nguyên thiên nhiên như Xin-ga-po duy trì vị thế một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới. Một quốc gia chỉ có hơn 4 triệu dân nhưng có tới 34 ngàn nhân lực công nghệ thông tin. Doanh số của ngành công nghiệp công nghệ thông tin Xin-ga-po đã vươn tới con số 7 tỉ USD.

Những kết quả đó không thể có được nếu không có vai trò của chính phủ với tầm nhìn đúng đắn của các nhà lãnh đạo Xin-ga-po. Từ thủ tướng tới các bộ trưởng, chính trị gia, viên chức dân sự đều đặt công nghệ thông tin viễn thông vào ưu tiên số một so với bất kỳ một chương trình nào khác. Nhờ được ưu tiên như vậy nên tài nguyên, nhân lực, vốn được rót vào các chương trình rất nhanh chóng và hiệu quả.

Điều quan trọng nữa là tầm nhìn của Xin-ga-po, dù chỉ có một mục đích duy nhất là khai thác tối đa lợi ích của công nghệ thông tin cho chính phủ, cho từng người dân và từng doanh nghiệp, song nó luôn được hiệu chỉnh bằng các kế hoạch cụ thể. Đến lượt mình, các kế hoạch của Xin-ga-po luôn có sự kế thừa, kế hoạch sau là sự tiếp nối của kế hoạch trước.

Xin-ga-po cho rằng kế hoạch tổng thể này chỉ có thể xây dựng tốt khi dựa trên 5 nguyên tắc sau đây:

Một là, CPĐT là cơ chế thực hiện các hoạt động nghiệp vụ của chính phủ trên nền ICT. Điều này có nghĩa là các hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan chính phủ là chủ thể dẫn quá trình tự động hóa dựa trên ICT (business driven, ICT enabled). Nói cụ thể hơn là những quy trình xử lý công việc của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm cung cấp các dịch vụ công đến người dân là đối tượng tin học hóa chủ yếu theo suốt quá trình phát triển của chúng.

Hai là, CPĐT chỉ có thể thành công khi mục tiêu và tầm nhìn chung phải được thống nhất từ cấp cao nhất của quốc gia đến cấp thừa hành thấp nhất. Nói cách khác, nhận thức về CPĐT phải nhất quán, rộng khắp và như nhau trong toàn bộ bộ máy (người Xin-ga-po gọi nguyên tắc này là nguyên tắc "đồng hàng").

Ba là, nguyên tắc "đồng hàng" dẫn đến yêu cầu chia sẻ thông tin và tích hợp các quá trình quản lý giữa các bộ, ngành, các cơ quan của chính phủ. Nói cách khác, CPĐT phải là chính phủ tích hợp (integrated government).

Bốn là, cơ cấu của chính phủ cần được điều hướng đến việc cung cấp các dịch vụ theo nhu cầu của người dân một cách đơn giản và hiệu quả. Người dân tiếp xúc với chính phủ thông qua một giao diện đơn giản nhưng đồng thời tiếp xúc được với nhiều cơ quan và quá trình tham gia phục vụ. Nói cách khác, CPĐT là chính phủ hướng đến người dân, người dân là trung tâm.

Năm là, chính phủ cần ra được những quyết định kịp thời và hiệu quả trong mọi tình huống. Điều này có thể thực hiện khi tất cả những kinh nghiệm và tri thức tích tụ trong toàn bộ bộ máy được tổ chức khai thác tốt. Nói cách khác, CPĐT là chính phủ dựa trên nền tảng tri thức.

Theo các chuyên gia, nếu 5 nguyên tắc trên không được coi trọng, công nghệ thông tin chẳng có ý nghĩa gì, vì:

- Không hướng theo hiện đại hóa nghiệp vụ phục vụ người dân.

- Tầm nhìn và mục đích được hiểu và thi hành khác nhau ở các cấp khác nhau.

- Thông tin không chia sẻ, các quá trình không liên kết.

- Các dịch vụ không mang lại sự tiện lợi cho người dân.

- Không sử dụng được các thông tin, kinh nghiệm và tri thức đã có trong bộ máy.

Ngược lại, nếu 5 nguyên tắc căn bản này được tôn trọng và lấy làm nền tảng để xây dựng kế hoạch tổng thể CPĐT thì ICT lại trở thành phương tiện chủ lực để triển khai thành công CPĐT. Một khi đã xây dựng thành công kế hoạch tổng thể triển khai CPĐT thì những bước tiếp theo (kế hoạch triển khai, thiết kế kỹ thuật...) trở nên dễ dàng hơn nhiều./.