Hội nghị cấp cao SCO năm 2010
TCCSĐT - Trong 2 ngày 10-6 và 11-6-2010, tại Ta-sken, Thủ đô của U-dơ-bê-ki-xtan, diễn ra Hội nghị cấp cao Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) năm 2010. Hội nghị tập trung thảo luận những vấn đề nóng ở Trung Á và toàn cầu; hợp tác kinh tế, ổn định an ninh trong khu vực; kết nạp thành viên mới...
SCO được thành lập năm 1996, đến nay có 6 quốc gia thành viên là Nga, Trung Quốc, Ka-dăc-xtan, Kiếc-gi-xtan, Tat-gi-xtan và U-dơ-bê-ki-xtan, chiếm gần 1/4 dân số thế giới và có ảnh hưởng ngày càng tăng trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế. Mục tiêu của các nước trong tổ chức này là hợp tác và bổ sung cho nhau, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh và kinh tế, chứ không phải không cạnh tranh với nhau. Mối quan tâm chung của SCO là an ninh khu vực, mà chủ yếu là ở Áp-ga-ni-xtan.
Ưu thế mạnh nhất của SCO là các quốc gia trong tổ chức này có vị trí địa chính trị thích hợp để đối thoại về an ninh ở Trung Á, một khu vực được coi là “bàn cờ lớn” của thế giới trong nhiều thế kỷ, đặc biệt là thế kỷ XXI. Vì thế, SCO đã được mời tham gia tất cả các sự kiện quốc tế chính liên quan đến Ap-ga-ni-xtan. Tại Hội nghị 2009, SCO công nhận Xri-lan-ca, Bê-la-rút là đối tác đối thoại mới của tổ chức này. I-ran, Mông Cổ, Ấn Độ và Pa-ki-xtan là các nước quan sát viên của SCO, trong đó, I-ran và Pa-ki-xtan đã nộp đơn xin gia nhập tổ chức này.
Hàng năm, SCO tổ chức Hội nghị thượng đỉnh thường niên, gọi tắt là Hội nghị SCO. Hội nghị SCO năm 2010 tập trung thảo luận những vấn đề nóng ở Trung Á và toàn cầu; vấn đề hợp tác kinh tế, ổn định an ninh trong khu vực, trong đó có tình hình bất ổn tại Áp-ga-ni-xtan, Cư-rơ-gư-xtan; và mở rộng quan hệ với các tổ chức đa phương khác; bàn thảo việc kết nạp thành viên mới.
Về hợp tác phát triển kinh tế, hợp tác kinh tế và thương mại giữa các thành viên của tổ chức này đã phát triển nhanh chóng kể từ khi được thành lập, tuy nhiên do nội lực kinh tế cũng như con đường phát triển của mỗi nước khác nhau, nên các thành viên trong nhóm cần có thời gian để tìm ra những điểm chung trong lĩnh vực kinh tế. SCO cũng có nhiều vấn đề cần bàn thảo và có nhiều việc phải làm, trong thời hậu khủng hoảng. Hội nghị SCO năm 2010 nhấn mạnh, SCO là cầu nối không thể thiếu giữa trung tâm châu Á và châu Âu, vì thế việc phát triển hành lang vận tải trong khu vực là vấn đề được quan tâm, trong đó tuyến đường quốc lộ nối liền Trung Quốc và Tây Âu sẽ chạy qua lãnh thổ các nước SCO. Liên hợp quốc và Ngân hàng phát triển châu Á đều công nhận vai trò của SCO trong kế hoạch này. Từng quốc gia sẽ độc lập xây dựng phần đường nằm trên lãnh thổ của mình, còn SCO sẽ giải quyết vấn đề truyền thông, tiến độ xây dựng, các vấn đề biên giới và loại hình vận chuyển hàng hóa.
Về Quy chế kết nạp thành viên mới. Tại Hội nghị năm nay, lần đầu tiên các nguyên thủ của SCO bàn về nội dung của văn kiện kết nạp thành viên mới. Từ trước tới nay, trong SCO vẫn chưa có các cơ chế mở rộng tổ chức trong khi có một số nước có nguyện vọng tham gia. Theo nhận xét của đại diện phái đoàn Nga tại SCO, ứng cử viên nặng ký nhất có thể gia nhập SCO là Ấn Độ. Tuy nhiên, Trung Quốc đề nghị hoãn lại một năm thời điểm kết nạp thành viên mới với lý do năm nay trong khu vực trách nhiệm của SCO tình hình đang bất ổn.
Quy chế kết nạp thành viên mới của SCO do Nga dự thảo và được thông qua trên cơ sở tham khảo ý kiến các nước thành viên, theo đó, quốc gia là ứng cử viên gia nhập SCO phải là nước thuộc khu vực Á-Âu, có quan hệ ngoại giao với tất cả các nước thành viên SCO, đã từng được nhận quy chế quốc gia quan sát viên của SCO hoặc quy chế quốc gia đối thoại với SCO. Ngoài ra, quốc gia ứng cử viên phải có quan hệ kinh tế - thương mại, nhân đạo với các nước thành viên SCO, không bị Liên hợp quốc cấm vận, và, không xung đột vũ trang với các nước khác.
SCO sẵn sàng giúp đỡ Kiếc-gi-xtan vượt qua khủng hoảng chính trị. Tuyên bố chung của Hội nghị SCO 2010 khẳng định quan điểm chung thống nhất của các nước thành viên về tình hình bạo động chính trị tại Kiếc-gi-xtan, bày tỏ sự đồng cảm với người dân Kiếc-gi-xtan và lo lắng trước tình hình khó khăn hiện nay tại nước Cộng hòa này. Tuyên bố của SCO khẳng định sẵn sàng viện trợ về mọi mặt để giúp chính phủ Kiếc-gi-xtan nhanh chóng ổn định tình hình trong nước.
Không đề cập tới vấn đề căn cứ quân sự của Mỹ ở Trung Á. Cách đây 5 năm, Tuyên bố chung của nguyên thủ quốc gia các nước SCO đã yêu cầu Mỹ rút căn cứ của họ ra khỏi Trung Á, tuy nhiên Hội nghị SCO 2010 đã không đề cập tới vấn đề yêu cầu phía Mỹ đưa căn cứ quân sự của họ ra khỏi lãnh thổ các nước SCO, bởi cho rằng, việc Mỹ hiện diện tại căn cứ quân sự Ma-nat trên lãnh thổ Kiếc-gi-xtan hiện không làm các nước SCO bận tâm./.
Hội nghị thường niên OAS lần thứ 40 tại Pê-ru  (14/06/2010)
Bế mạc Festival Huế 2010 - tạm khép lại các chương trình lễ hội và hoạt động cộng đồng sôi động, hoành tráng và hấp dẫn  (14/06/2010)
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội  (14/06/2010)
Thông cáo số 19, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII  (14/06/2010)
Nợ công và "thực chất" nợ công  (12/06/2010)
WB lạc quan về phục hồi kinh tế toàn cầu  (12/06/2010)
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam