TCCSĐT - Ngày 10-9-2011, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G8 diễn ra ở thành phố Mác-xây (Marseille) của Pháp, nhóm các nền công nghiệp phát triển và Nga (G8 gồm: Anh, Ca-na-đa, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, I-ta-li-a) đã cam kết hỗ trợ 38 tỉ USD cho nỗ lực cải cách tại các nước thành viên "Đối tác Deauville" gồm Tuy-ni-di, Ai Cập, Ma-rốc và Gioóc-đa-ni. G8 cũng nhất trí bổ sung thêm hai nước là Ma-rốc và Gioóc-đa-ni vào Chương trình "Đối tác Deauville" được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh G8, diễn ra tại thành phố Đô-vin (Deauville) của Pháp hồi tháng 5 vừa qua.

1. ASEAN, Trung Quốc thúc đẩy quan hệ

Từ ngày 27-8 đến ngày 5-9-2011, Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Ủy ban các Đại diện thường trực ASEAN (CPR) đã kết thúc thành công chuyến thăm và làm việc một tuần tại Trung Quốc. Trong chuyến thăm, hai bên đã trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó đề cập những thách thức chung hiện nay và những cam kết chung trong tương lai và các hoạt động kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Trung Quốc trong năm nay. Trong buổi tiếp các thành viên CPR tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã nhấn mạnh: “CPR là một kênh hợp tác và rất quan trọng cho sự phối hợp”, đồng thời khẳng định cam kết của Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, nhất là các chương trình kết nối và thương mại của ASEAN. Tại Bắc Kinh, CPR đã thăm Trung tâm ASEAN - Trung Quốc (ACC) mới xây dựng; gặp gỡ đại diện Ủy ban ASEAN tại Bắc Kinh (ACB), tổ chức các cuộc thảo luận với giới chuyên gia của Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc (CIIS). Trong buổi thảo luận, các học giả từ CIIS nhấn mạnh hai điểm chính, một là sự cần thiết của việc tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác, tin cậy lẫn nhau giữa ASEAN và Trung Quốc, và hai là các nước thành viên ASEAN cần chuẩn bị môi trường thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sẽ gia tăng trong thời gian tới.

2. I-ran sẵn sàng để IAEA giám sát chương trình hạt nhân của nước này

Ngày 5-9-2011, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử I-ran Phê-rây-đun Áp-bát-xi Đa-va-ni (Fereydoun Abbassi Davani) tuyên bố, I-ran sẵn sàng để Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) giám sát toàn bộ chương trình hạt nhân của nước này trong 5 năm, nếu các lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ. Tê-hê-ran đã nêu đề xuất trên với IAEA, song không tiết lộ thời điểm gửi và nội dung của đề xuất. Thông tin trên được ông A. Đa-va-ni cung cấp vài ngày sau khi IAEA công bố báo cáo trong đó bày tỏ "sự lo ngại đặc biệt" khi nhận được các thông tin tình báo cho rằng I-ran đang thúc đẩy phát triển chương trình hạt nhân cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, IAEA không có bằng chứng về vấn đề này. I-ran cho biết lò phản ứng A-rắc (Arak) hoàn toàn do các chuyên gia I-ran thiết kế, xây dựng, song những hành động phá hoại nói trên đã làm chậm tiến độ hoàn thiện A-rắc. Bất chấp những trở ngại trên, I-ran dự kiến sẽ khởi động lò phản ứng này vào năm 2013 sau hai lần bị trì hoãn. Hiện I-ran đang phải chịu bốn nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do nước này từ chối ngừng làm giàu u-ra-ni, trong khi phương Tây lo ngại rằng Tê-hê-ran đang tìm cách chế tạo bom hạt nhân.

3. UNESCO đánh giá khả năng tổn thương của con người trước các tiến bộ công nghệ

Ngày 5-9-2011, tại thủ đô Pa-ri (Paris) của Pháp, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã xem xét và đánh giá các biện pháp nhằm cải thiện khả năng chăm sóc các cộng đồng dễ bị tổn thương trước các tiến bộ công nghệ, đặc biệt là cung cấp các dịch vụ y tế có nguồn quỹ dồi dào để đáp ứng những nhu cầu này. Ủy ban liên chính phủ của UNESCO về đạo đức sinh học (IGBC) đã xem xét và đánh giá các nguyên tắc tôn trọng sự toàn vẹn và dễ bị tổn thương của con người do Ủy ban Đạo đức sinh học quốc tế đề nghị. IGBC cũng đánh giá các tác động đa năng của các tiến bộ về tri thức khoa học, thực tiễn y học và các công nghệ liên quan, có thể vừa giúp cải thiện khả năng bảo vệ phúc lợi của con người nhưng cũng có thể bị khai thác và gây hại cho những người dễ bị tổn thương.

4. Hội nghị kỷ niệm 50 năm Phong trào Không liên kết

Trong hai ngày 5 và 6-9-2011, tại thủ đô Bê-ô-grát của Xéc-bi-a đã khai mạc trọng thể Hội nghị kỷ niệm 50 năm Phong trào Không liên kết (NAM). Tham dự Hội nghị cấp ngoại trưởng NAM tổ chức có 105 đoàn đại biểu thuộc 101 nước, trong đó có 80 đoàn chính thức. Hội nghị đã điểm lại chặng đường 50 năm phát triển NAM, từ 25 nước ban đầu hiện lên tới 120 nước thành viên, đồng thời khẳng định NAM đã giúp người dân nhiều nước đang phát triển đạt được những khát vọng của mình. Bất chấp sự sụp đổ của hai cực, NAM vẫn lớn mạnh và phát triển không ngừng. Trong bối cảnh mới, NAM cần phải tăng cường năng lực hoạt động của mình và phát triển đúng hướng. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun đã gửi thư chúc mừng Hội nghị, trong đó đánh giá cao hoạt động của NAM trong 50 năm qua và bày tỏ mong muốn được chứng kiến những thành công mới của NAM trong thời gian tới.

5. WTO cảnh báo thế giới đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tăng trưởng

Ngày 7-9-2011, tại Hội nghị các nhà nghiên cứu đô thị quốc tế tại thủ đô Niu Đê-li (New Deli) của Ấn Độ, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ông Pa-xcan La-mi (Pascal Lamy) nhấn mạnh: thế giới đang đi từ khủng hoảng tài chính sang khủng hoảng tăng trưởng. Người đứng đầu WTO nêu rõ, nền kinh tế thế giới đang trải qua thời kỳ đặc biệt khó khăn với những thách thức nghiêm trọng như khủng hoảng nợ công, các thị trường tài chính bị mất lòng tin, các chính phủ thiếu phản ứng phối hợp để giải quyết các vấn đề cơ cấu khiến tăng trưởng trì trệ, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao và thâm hụt tài chính không bền vững ở các nước phát triển. Theo quan chức WTO, để vượt qua các thách thức này của hệ thống thương mại quốc tế, thế giới cần sự lãnh đạo chính trị mạnh mẽ và quyết đoán, chủ nghĩa thực tế và tinh thần thoả hiệp và thực tiễn.

6. WEF công bố danh sách 10 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh nhất thế giới

Ngày 7-9-2011, báo cáo điều tra hằng năm của tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho biết: năm nay, Thụy Sỹ tiếp tục đứng đầu danh sách 10 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh nhất thế giới. Xin-ga-po vươn lên vị trí thứ 2, đẩy Thụy Điển xuống vị trí thứ 3. Phần Lan năm nay vượt ba bậc, từ thứ 7 lên vị trí thứ 4. Khu vực Bắc và Tây Âu chiếm phần lớn danh sách 10 nước đứng đầu với vị trí thứ 6 thuộc về Đức và thứ 8 thuộc về Đan Mạch. Nhật Bản nằm ở vị trí thứ 9, Anh “leo” từ vị trí thứ 12 lên thứ 10. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Pháp năm nay tụt ba bậc, xuống vị trí thứ 18. Hy Lạp, quốc gia đang vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công, năm nay tụt từ vị trí thứ 90 xuống 142. Trong khi đó, tuy là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng Trung Quốc hiện chỉ được xếp ở vị trí thứ 26 về năng lực cạnh tranh. Ba nền kinh tế mới nổi khác gồm Bra-xin, Ấn Độ và Nga, không nước nào lọt vào danh sách 50 nước đứng đầu về năng lực cạnh tranh. Trong ba năm qua, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ trên quy mô toàn cầu liên tục sụt giảm và năm nay đã từ vị trí thứ 4 xuống vị trí thứ 5. Những khó khăn tiếp tục xuất hiện trong nền kinh tế, niềm tin vào chính giới sụt giảm cộng với sự quản lý kém hiệu quả của chính phủ là ba nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thực trạng này.

7. Hội nghị quốc tế về hợp tác chống khủng bố

Trong 2 ngày 7 và  8-9-2011, tại thủ đô An-gi-ê của An-giê-ri đã diễn ra Hội nghị quốc tế cấp cao về hợp tác, phát triển, an ninh và chống khủng bố giữa các nước khu vực Xa-hen-Xa-ha-ra (Sahel-Sahara) gồm An-giê-ri, Ma-li, Mô-ri-ta-ni, Ni-giê với các đối tác ngoài khu vực. Tham dự hội nghị có đại diện 27 nước và tổ chức quốc tế, trong đó có 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), một số tổ chức của Liên hợp quốc, các đối tác song phương và các tổ chức tài chính, chống khủng bố quốc tế… Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa bốn nước khu vực Xa-hen-Xa-ha-ra và các đối tác ngoài khu vực. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực Bắc Phi trở nên phức tạp, đặc biệt sau cuộc khủng hoảng Li-bi. Tại  Hội  nghị, các đại biểu thừa nhận các yếu tố kinh tế - xã hội nội tại như kém phát triển, nghèo khổ, thiếu việc làm và nguy cơ khủng bố, bất ổn là những thách thức lớn đối với các nước trong vùng, đặc biệt nguy cơ do khủng hoảng Li-bi đã biến Xa-hen-Xa-ha-ra thành một "thùng thuốc súng".

8. Pháp chính thức ủng hộ gói cứu trợ quốc tế thứ hai dành cho Hy Lạp

Ngày 8-9-2011, Pháp trở thành nước đầu tiên trong Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) chính thức "bật đèn xanh" cho gói cứu trợ thứ hai của quốc tế dành cho Hy Lạp sau khi kế hoạch này được Thượng viện Pháp thông qua. Trước đó, ngày 7-9, kế hoạch này cũng đã nhận được sự ủng hộ tại Hạ viện Pháp. Các nhà lãnh đạo Pháp hy vọng rằng việc Pa-ri thông qua kế hoạch cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp sẽ là một tín hiệu tích cực đối với các thị trường đang bất ổn do cuộc khủng hoảng nợ công trong Khu vực đồng ơ-rô và do mối lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của sự bất ổn này đối với các ngân hàng châu Âu. Gói cứu trợ thứ hai cho Hy Lạp, trị giá 158,6 tỉ ơ-rô, đã được các nhà lãnh đạo cấp cao của Liên minh châu Âu thông qua tại Hội nghị khẩn cấp ở Brúc-xen (Bỉ) ngày 21-7 vừa qua. Gói cứu trợ này nhằm giúp đất nước Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, trong đó 109 tỉ ơ-rô đến từ các nước thành viên Eurozone và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), và 49,6 tỉ ơ-rô còn lại do khu vực tư nhân đóng góp (37 tỉ ơ-rô từ đóng góp tự nguyện, 12,6 tỉ ơ-rô từ việc mua lại các khoản nợ trên thị trường). Để có thể được chính thức triển khai, kế hoạch cứu trợ này phải được tất cả 17 nước trong Khu vực đồng ơ-rô phê chuẩn.

9. FAO: Giá lương thực thế giới vẫn duy trì ở mức cao

 
Ngày 8-9-2011, nghiên cứu “Triển vọng lương thực" do Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) công bố cho biết, giá lương thực trên thế giới vẫn duy trì ở mức cao trong tháng 8-2011, trong đó giá ngũ cốc và thịt gia súc, gia cầm tăng nhẹ. Nguồn dự trữ ngũ cốc thế giới tiếp tục thấp và giá ngũ cốc sẽ tiếp tục tăng và dễ biến động vì cân bằng cung - cầu vẫn không ổn định bất chấp sản xuất gia tăng. Giá gạo cũng tăng, trong đó giá gạo Thái Lan tăng 5% từ tháng 7 do chính sách tăng giá gạo xuất khẩu của chính phủ mới ở Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. FAO nhận định vài tháng sắp tới sẽ là những tháng quyết định giá cả của các loại ngũ cốc quan trọng trong năm 2012.

10. Nhật Bản điều chỉnh chỉ số tăng trưởng kinh tế

Ngày 9-9-2011, Chính phủ Nhật Bản cho biết, căn cứ vào các chỉ số đã được điều chỉnh do lạm phát, tăng trưởng kinh tế trong quý 2 của nước này giảm 2,1% so với con số 1,3% theo thông báo trước đó. Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết: việc điều chỉnh chỉ số trên dựa trên các phân tích kỹ lưỡng về tình hình thị trường trong giai đoạn nhu cầu tiêu thụ trong nước thấp, đặc biệt là việc chi dùng vốn của các doanh nghiệp, do ảnh hưởng từ trận động đất gây sóng thần hồi tháng 3 vừa qua. Báo cáo của Nội các Nhật Bản ngày 15-8 cho biết, kinh tế nước này tiếp tục rơi vào suy thoái quý thứ ba liên tiếp do ảnh hưởng của thảm họa động đất, sóng thần hồi tháng 3 vừa qua, khiến hai chỉ số quan trọng là xuất khẩu và tiêu dùng sụt giảm. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, bất chấp đà suy thoái trên, các chỉ số khác của Nhật Bản, như công nghiệp phụ trợ, hoạt động tái thiết thảm họa động đất tại các vùng bị ảnh hưởng, đã bắt đầu có những dấu hiệu phục hồi ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.

11. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G8

Ngày 10-9-2011, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G8 diễn ra ở thành phố Mác-xây (Marseille) của Pháp, nhóm các nền công nghiệp phát triển và Nga (G8 gồm: Anh, Ca-na-đa, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, I-ta-li-a) đã cam kết hỗ trợ 38 tỉ USD cho nỗ lực cải cách tại các nước thành viên "Đối tác Deauville" gồm Tuy-ni-di, Ai Cập, Ma-rốc và Gioóc-đa-ni. G8 cũng nhất trí bổ sung thêm hai nước là Ma-rốc và Gioóc-đa-ni vào Chương trình "Đối tác Deauville" được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh G8, diễn ra tại thành phố Đô-vin (Deauville) của Pháp hồi tháng 5 vừa qua. Trước đó, chỉ có Tuy-ni-di và Ai Cập nằm trong chương trình trên với cam kết viện trợ nhận được là 20 tỉ USD. Ngoài ra, A-rập Xê-út, Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất, Cô-oét, Ca-ta và Thổ Nhĩ Kỳ cũng được mời với tư cách các nước liên kết nhằm mở rộng và bảo đảm cam kết viện trợ tài chính của G8. Theo kế hoạch, số tiền trên sẽ được giải ngân trong các năm 2011-2013 dưới dạng các khoản vay từ G8 và các nước A-rập, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu cũng như các tổ chức tài chính khu vực khác.

12. Nga và Bê-la-rút để tang các nạn nhân vụ tai nạn máy bay Yak-42

Từ ngày 9 đến ngày 11-9-2011, tại Nga và Bê-la-rút đã diễn ra các buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ tai nạn chiếc máy bay Yak-42 xấu số xảy ra chiều 7-9 tại tỉnh Y-a-rô-xláp (Yaroslavl) của Nga, khiến ít nhất 43 người thiệt mạng, trong đó phần lớn nạn nhân là các cầu thủ của đội khúc côn cầu trên băng Lokomotiv nổi tiếng của thành phố Y-a-rô-xláp. Trong điện chia buồn gửi tới Tỉnh trưởng Y-a-rô-xláp, Xéc-gây Va-khơ-ru-cốp (Sergei Vakhrukov), lãnh đạo các chủ thể Liên bang Nga, các nhà hoạt động nhà nước trên thế giới, trong đó có Thủ tướng Thuỵ Điển, Tổng thống Ba Lan và nhiều người khác đã bày tỏ sự cảm thông và chia buồn sâu sắc. Ngày 8-9, Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép đã tới hiện trường vụ tai nạn, đặt hoa tưởng niệm và tiến hành cuộc họp khẩn để chỉ đạo công tác điều tra nguyên nhân và khắc phục hậu quả vụ tai nạn thảm khốc này. Cùng ngày, Tổng thống Bê-la-rút A-lếch-xan-đơ Lu-ca-sen-cô (Alexander Lukashenko), trong trang phục cầu thủ khúc côn cầu trên băng, đã dẫn đầu hơn 10 nghìn người tham gia buổi lễ cầu nguyện cho những cầu thủ xấu số đã bị thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay được coi là thảm khốc nhất trong lịch sử ngành thể thao Nga. Lễ tưởng niệm được tổ chức tại sân vận động trung tâm thủ đô Min-xcơ (Minsk) của Bê-la-rút, nơi đáng lẽ cùng ngày đã diễn ra trận thi đấu giữa đội khúc côn cầu trên băng Lokomotiv và đội Dinamo của Min-xcơ.

13. Nước Mỹ tưởng niệm 10 năm sự kiện 11-9

 
 Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma phát biểu
 sau tấm kính chống đạn
Ngày 11-9-2011, tại Niu Yoóc, một thập kỷ đã qua kể từ khi những chiếc máy bay bị bọn khủng bố bắt cóc lao vào Tòa tháp đôi 110 tầng của Trung tâm Thương mại thế giới (WTC), cả nước Mỹ đã tưởng niệm sự kiện được coi là bi thảm này của lịch sử đất nước. Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đánh dấu hoạt động tưởng niệm năm thứ 10 vụ tấn công khủng bố 11-9 bằng việc vinh danh những hành động dũng cảm 10 năm trước của những người ở WTC tại Niu Yoóc, ở Lầu Năm góc và trên chuyến bay số 93 của Hãng Hàng không Mỹ United Airlines trên bầu trời bang Pen-xin-va-ni-a (Pennsylvania). Trong tiếng trống và kèn túi, Tổng thống B. Ô-ba-ma và người tiền nhiệm, Tổng thống Gioóc-giơ Bu-sơ (George Bush) tham dự lễ tưởng niệm gần 3.000 nạn nhân của cuộc khủng bố. Để bảo đảm an ninh cho các lễ tưởng niệm ở Niu Yoóc và thủ đô Oa-sinh-tơn (Washington), an ninh đã được tăng cường đến mức cao nhất trong vòng một thập kỷ qua với hàng nghìn sĩ quan cảnh sát, cảnh vệ quốc gia, các chuyên gia phân tích của Cơ quan Điều tra liên bang Mỹ (FBI), các chuyên gia dò và phá bom, thợ lặn và các tay súng chống bắn tỉa, đặc biệt khi có thông tin tình báo về khả năng tổ chức khủng bố An Kê - đa (Al Qaeda) tấn công khủng bố ở Niu Yoóc. Các máy bay lên thẳng của cảnh sát và máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ đã tuần tra trên bầu trời Niu Yoóc và thủ đô Oa-sinh-tơn. Từ năm 2001, cảnh sát Niu Yoóc đã ngăn chặn được ít nhất 13 cuộc tấn công khủng bố ở thành phố này./.