TCCSĐT - Sáng 8-9, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Quán triệt các văn kiện Đại hội XI của Đảng vào nghiên cứu, giảng dạy tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh”. GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS Tạ Ngọc Tấn khẳng định: các văn kiện Đại hội XI là cơ sở lý luận quan trọng để chỉ đạo hoạt động nhận thức và tổ chức thực tiễn đưa đất nước phát triển. Những văn kiện này cũng thể hiện sự phát triển sáng tạo về lý luận của Đảng trong quá trình đổi mới. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải tổ chức đưa Nghị quyết Đại hội XI vào cuộc sống. Đối với Học viện - một trung tâm quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho toàn bộ hệ thống chính trị; trung tâm quốc gia về nghiên cứu lý luận chính trị, khoa học hành chính có trách nhiệm truyền bá những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của toàn hệ thống chính trị nên việc quán triệt các văn kiện Đại hội XI của Đảng vào nghiên cứu, giảng dạy tại Học viện vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa là trách nhiệm, vinh dự chính trị.

Gần 50 ý kiến, tham luận đã tập trung làm sáng rõ hai vấn đề cơ bản. Thứ nhất: những luận điểm cơ bản trong các văn kiện. Thứ hai: đề xuất các giải pháp vận dụng các quan điểm của Đại hội Đảng XI nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy tại Học viện.

Về những luận điểm cơ bản trong các văn kiện, các ý kiến đã thảo luận xoay quanh bốn văn kiện quan trọng là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI; Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau khi phân tích các đặc trưng, trong đó có đặc trưng về kinh tế, con người, quan hệ dân tộc, hợp tác quốc tế... trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), GS. TS Lê Hữu Nghĩa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã khẳng định nhận thức về các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội trong Cương lĩnh không phải là khép kín mà là một hệ thống mở và việc tiếp tục nghiên cứu làm rõ những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội cũng như những phương hướng cơ bản, những mối quan hệ lớn là nhằm lý giải những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, khắc phục những mặt lạc hậu, yếu kém của công tác lý luận, phục vụ tốt hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong bối cảnh nhiều thời cơ nhưng cũng lắm thách thức hiện nay. Về xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, có đại biểu đề cập đến yêu cầu Đại hội XI nhấn mạnh là phát triển đồng bộ, hoàn chỉnh và ngày càng hiện đại các loại thị trường và khẳng định đây là tiền đề quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô...

Về đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả vận dụng các quan điểm của Đại hội XI vào nghiên cứu và giảng dạy tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, các đại biểu đã góp ý những vấn đề cần tập trung trong nghiên cứu và giảng dạy đối với từng nội dung cụ thể như: mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng Đảng; những vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; những đặc trưng bản chất của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng; những mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới - ổn định và phát triển, giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa v.v…

Theo đó, muốn quán triệt, vận dụng có hiệu quả các quan điểm của các văn kiện Đại hội XI vào giảng dạy, nghiên cứu tại Học viện, trước hết phải làm rõ hơn những điểm mới của Đại hội XI so với Đại hội X cùng những cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn của những điểm mới đó. Hai là, cần tập trung lực lượng nghiên cứu góp phần làm sáng tỏ hơn nữa những vấn đề Đại hội XI yêu cầu. Ba là, từng cán bộ, đảng viên, giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, kết hợp với những kinh nghiệm thực tiễn để vận dụng sáng tạo vào hoạt động giảng dạy sao cho phù hợp với từng chuyên ngành. Bốn là, Học viện phải đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo định hướng vận dụng tinh thần Đại hội XI. Năm là, các học viện khu vực và chuyên ngành, các viện chuyên ngành cần tổ chức các hội thảo khoa học, có kế hoạch phân công chỉ rõ những chuyên đề nào cần nhấn mạnh nội dung nào trong giảng dạy cho phù hợp với từng chuyên đề, từng bài giảng, từng môn học để tránh có nội dung thì trùng lặp, có nội dung lại không được vận dụng, quán triệt trong nghiên cứu, giảng dạy. Sáu là, các nhà khoa học cần đề cao ý thức chính trị, trách nhiệm đảng viên, trách nhiệm nhà giáo viết và nói đúng tinh thần Nghị quyết. Những vấn đề còn phải tiếp tục nghiên cứu thì cần trao đổi trên tinh thần khoa học, xây dựng, chân thành và trách nhiệm./.