Gắn kết hài hòa giữa bảo tồn giá trị các di sản văn hóa và phát triển du lịch ở làng cổ xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội
TCCS - Làng cổ ở xã Đường Lâm (thuộc thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội) là làng cổ đầu tiên của nước ta được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia với nhiều giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật và cảnh quan thiên nhiên. Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực nhằm gắn kết hài hòa giữa bảo tồn giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch ở xã Đường Lâm, góp phần thúc đẩy sự phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của Thủ đô.
“Bảo tàng sống” của làng Việt cổ
Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn của nước ta, hội tụ và kết tinh những di sản văn hóa phong phú, đặc sắc của dân tộc Việt Nam được bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử. Trong số gần 6.000 di tích lịch sử, văn hóa của thành phố Hà Nội, làng cổ ở xã Đường Lâm (thống nhất tên gọi làng cổ ở xã Đường Lâm theo Quyết định số 77/2005/QĐ-BVHTT, ngày 28-11-2005, của Bộ Văn hóa - Thông tin “Về việc xếp hạng di tích quốc gia”) là di sản văn hóa rất đặc sắc và giàu giá trị. Đây là làng cổ đầu tiên của cả nước được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và được ví như một “bảo tàng sống” lưu giữ kiến trúc và nếp sinh hoạt, khắc họa “hồn quê” của một làng Việt cổ Bắc Bộ.
Quần thể di tích làng cổ ở xã Đường Lâm nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 47km, cách trung tâm hành chính thị xã Sơn Tây 5km, gồm 5 thôn là: Mông Phụ (khu vực I, vùng lõi của di sản); Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Cam Lâm (khu vực II). Làng cổ ở xã Đường Lâm xưa thuộc đất Kẻ Mía, là vùng bán sơn địa, lưng dựa vào núi Tản, mặt hướng về phía sông Hồng. Đây là vùng đất cổ “địa linh nhân kiệt”, trung tâm của văn hóa xứ Đoài xưa, quê hương của nhiều danh nhân nổi tiếng, như Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, vua Ngô Quyền, Thám hoa Giang Văn Minh,… cùng nhiều người hiền tài thuộc các lĩnh vực khác.
Nơi đây hiện còn lưu giữ những hình ảnh, “hồn cốt” của một ngôi làng cổ với cổng làng, cây đa, giếng nước, ao sen, những ngõ xóm, đường làng, mái ngói, tường đá ong, đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ, điếm, văn chỉ…, tiêu biểu như đình thờ Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh) - vị thần đứng đầu trong Tứ bất tử của người Việt (Tản Viên Sơn Thánh cũng được tôn là Thành hoàng làng); đình thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, đền và lăng Ngô Quyền; chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự), nằm trên khu đất cao của thôn Đông Sàng, hiện còn bảo lưu 287 pho tượng Phật và nhiều di vật quý…
Một trong những nét đặc sắc kiến trúc của làng cổ ở xã Đường Lâm là đình Mông Phụ nằm ở trung tâm của làng, được xây dựng vào thời kỳ Hậu Lê và đầu thời nhà Nguyễn, được sửa chữa lần thứ nhất vào năm 1858 (thời Tự Đức) và đến nay vẫn giữ nguyên dạng kiến trúc, điêu khắc đầu thế kỷ XIX. Đình được xây dựng ở vị trí trung tâm của làng, có điểm đặc biệt là hai dãy dọc được xây dựng theo kiểu sạp đình, kiểu kiến trúc Việt - Mường đậm nét. Đây được coi là “bông hoa về nghệ thuật kiến trúc” của làng cổ.
Đặc biệt, hiện nay, xã Đường Lâm còn lưu giữ được gần 1.000 ngôi nhà cổ nằm chủ yếu ở các làng Mông Phụ, Đông Sàng và Cam Thịnh, có giá trị đặc biệt (niên đại từ 100 - 400 năm tuổi) được xây dựng bằng đá ong, gỗ xoan, tre, nứa, gạch đất nung, ngói, đất nện, trấu, mùn cưa… - những loại vật liệu truyền thống của xứ Đoài xưa. Nhà cổ thường có kiến trúc 5 gian hay 7 gian 2 dĩ; hệ thống ngách, cửa bức bàn hoặc cánh phố. Gian giữa của nhà để thờ gia tiên, trang trí cửa võng, có bàn ghế, sập gụ, các nét chạm trổ vẫn được giữ nguyên với các tích phong cảnh thể hiện nền nếp từ xa xưa. Ngoài sân vườn thường có giếng đá ong rất trong để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày của người dân.
Cách quy hoạch không gian của làng cổ ở xã Đường Lâm cũng rất độc đáo. Ví dụ, làng Mông Phụ được quy hoạch theo lối lan tỏa từ tâm điểm là đình làng với những ngả đường hình xương cá gồm một trục đường chính với rất nhiều ngõ nhỏ thông với nhau. Hệ thống cảnh quan môi trường của làng rất sinh động với hàng chục gò đồi, ao, hồ, vũng, chuôm, giếng cổ, hàng trăm cây cổ thụ phân bổ khắp các xóm làng, trong đó có 18 cây duối cổ thuộc khu vực bảo vệ di tích đền và lăng mộ vua Ngô Quyền đã được “Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam” công nhận là Cây di sản vào ngày 22-4-2011.
Gắn bó chặt chẽ với hệ thống di tích văn hóa là hệ thống thần thoại, truyền thuyết, các lễ hội truyền thống (như lễ hội ở đình Mông Phụ, lễ hội tưởng niệm ngày mất của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, lễ giỗ của vua Ngô Quyền, lễ hội vật ở Ôn Hòa Tự (chùa Ón), lễ hội ở đình Cam Thịnh, lễ Phật Đản ở Sùng Nghiêm Tự - chùa Mía, lễ tưởng niệm ngày mất của Thám hoa tài ba Giang Văn Minh,...). Trong không gian lễ hội truyền thống còn xuất hiện nhiều loại hình trò chơi dân gian đặc sắc, như cờ người, đấu vật, thổi cơm thi, bịt mắt bắt vịt, đập niêu... Cùng với đó là các phong tục, tập quán, nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, sinh hoạt văn nghệ, các nghề thủ công với những sản phẩm độc đáo, thể hiện nhiều giá trị truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn, đùm bọc, chia sẻ của cộng đồng, làng xóm, tạo nên không gian văn hóa làng quê tiêu biểu cho vùng nông thôn Bắc Bộ. Bên cạnh đó, gắn với các sinh hoạt đời thường là các món ăn truyền thống được lưu truyền qua các thế hệ, tuy dân dã nhưng nhiều dư vị và không kém phần hấp dẫn, như tương, củ cải khô làng Mông Phụ, chè kho, chè lam, bánh rán nước, kẹo dồi, kẹo lạc vừng của làng Đông Sàng, món cà dầm tương, bánh gai làng Cam Lâm, đặc biệt là gà mía, một sản vật quý, “đặc sản tiến vua” khi xưa, biểu tượng cho sự sung túc, thịnh vượng.
Tất cả những di sản văn hóa đó đã trở thành nguồn tài nguyên nhân văn giàu giá trị để Đường Lâm nói riêng và Hà Nội nói chung có thể phát triển du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế...; qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Gắn kết di sản văn hóa làng cổ ở xã Đường Lâm với phát triển du lịch
Trên cơ sở những lợi thế so sánh, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc gắn kết di sản văn hóa ở làng cổ xã Đường Lâm với phát triển du lịch. Ngay từ tháng 5-2006, sau khi được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia (11-2005), để lưu giữ “hồn” làng Việt cổ, thị xã Sơn Tây cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã lập kế hoạch tổng thể về bảo tồn và phát huy các di tích văn hóa, lịch sử của làng cổ ở xã Đường Lâm. Theo đó, Cục Di sản văn hóa phối hợp với thị xã Sơn Tây đã điều tra khảo sát cùng chuyên gia nhiều nước, trong đó có sự hỗ trợ của tổ chức JICA (Nhật Bản), tổ chức trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa; tập huấn nâng cao nhận thức về trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ cảnh quan di tích cho cán bộ và nhân dân trong xã Đường Lâm; phát huy các nghề truyền thống của địa phương, như nuôi tằm, chế biến tương, đậu, chè lam, bánh tẻ, kẹo dồi…
Tiếp đó, Quyết định số 4597/QĐ-UBND, ngày 16-10-2012, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội “Về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã được triển khai rộng khắp thành phố với quan điểm xuyên suốt là phát triển du lịch Thủ đô có trọng tâm, trọng điểm và đặc biệt coi trọng phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022, “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó nhấn mạnh quan điểm phát triển công nghiệp văn hóa (mà du lịch văn hóa là một trong những ngành có nhiều lợi thế so sánh của Thủ đô) trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến; bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”, quảng bá và nâng cao vị thế, hình ảnh Thủ đô, Việt Nam ra khu vực và thế giới. Nghị quyết cũng nhấn mạnh cần triển khai quyết liệt một số dự án, đồ án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia.
Quán triệt tinh thần đó, các địa phương của thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai một số dự án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, huy động thành công hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho hoạt động tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có di sản văn hóa làng cổ ở xã Đường Lâm. Cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, các tổ chức quốc tế, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền và nhân dân địa phương, “quần thể di tích sống” ở xã Đường Lâm đã và đang được bảo tồn, gìn giữ và khai thác giá trị thông qua sự gắn kết với hoạt động du lịch.
Ngày 6-9-2019 Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 4851/QĐ-UBND “Về việc công nhận điểm du lịch làng cổ ở Đường Lâm”, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền và nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản gắn với phát triển du lịch; quán triệt việc tổ chức quản lý, khai thác và đầu tư xây dựng địa điểm du lịch làng cổ ở xã Đường Lâm theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm phát triển bền vững, hiệu quả. Trên cơ sở khai thác những lợi thế so sánh, như vị trí thuận lợi, kết nối giao thông tốt, di sản văn hóa phong phú, kiến trúc, nghệ thuật độc đáo, nhiều nghề truyền thống phân bố đều trong làng, cảnh quan yên bình, đặc sắc, có quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của làng cổ, một số mô hình du lịch cộng đồng tại các gia đình có nhà cổ được triển khai… du lịch ở xã Đường Lâm đang có những bước phát triển nhất định. Trung bình mỗi năm, xã Đường Lâm đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước; từng bước xây dựng nơi đây trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô, góp phần tạo ra nhiều việc làm, gia tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân tại địa phương.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế hoạt động bảo tồn di sản văn hóa ở xã Đường Lâm thời gian qua còn có những vấn đề bất cập; mối quan hệ giữa việc bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội cùng với quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa chưa được giải quyết hài hòa. Công tác quản lý, bảo tồn di tích làng cổ ở xã Đường Lâm còn chưa được như mong muốn, công tác khảo sát và quy hoạch di tích lịch sử, văn hóa của các cấp còn chậm. Thực tế cho thấy, xuất phát từ những nhu cầu của cuộc sống (chỗ ở, sinh hoạt…), không ít hộ dân trong khu vực di tích đã vi phạm các quy định trong xây dựng, cải tạo nhà cổ (quy định về khoảng lùi, chiều cao, mái lợp tôn, mái…). Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn chưa được hưởng lợi từ việc phát huy giá trị di tích, việc kết nối các tuyến du lịch chưa đồng bộ; kinh phí hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thực hiện giãn dân trong khu vực bảo tồn còn khó khăn và nảy sinh nhiều bất cập trong quá trình triển khai. Hoạt động gắn kết du lịch với di sản văn hóa chưa được phối hợp nhịp nhàng, còn hiện tượng khai thác quá mức di sản để thu lợi nhuận mà chưa có sự đầu tư tôn tạo và bảo vệ di sản tương xứng. Cảnh quan môi trường ở một số di tích bị ô nhiễm,… Công tác quản lý di sản có nơi có lúc còn bị buông lỏng, có sự chồng chéo nên việc quản lý và khai thác các di sản với tư cách là tài nguyên du lịch còn hạn chế, chưa thực sự bám sát các quy hoạch phát triển du lịch nên chưa giải quyết tốt bài toán giữa bảo tồn, phát huy, giữ gìn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, trong những năm gần đây, một số lễ hội trong cộng đồng địa phương xuất hiện một số biến tướng. Đời sống hiện đại làm thay đổi nhận thức về tính cộng đồng của văn hóa làng quê Bắc Bộ. Một bộ phận người dân, nhất là thanh niên chưa có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa thông qua hoạt động bảo tồn di sản văn hóa làng cổ… Thực trạng trên ở làng cổ xã Đường Lâm đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Một số giải pháp thời gian tới
Để nâng cao hiệu quả việc gắn kết hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch ở làng cổ xã Đường Lâm, thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp như:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chính quyền và nhân dân xã Đường Lâm về vị trí, vai trò quan trọng của việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa, lịch sử quý báu, tiêu biểu và đặc sắc của làng quê Việt Nam ở di tích làng cổ xã Đường Lâm; về yêu cầu bảo đảm hài hòa, gắn kết di sản văn hóa với phát triển du lịch trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế. Khơi dậy tình yêu quê hương, niềm tự hào về các giá trị di sản của làng quê và ý thức trách nhiệm gìn giữ di sản trong hiện tại và tương lai của mỗi người dân Đường Lâm - chủ thể của di sản văn hóa, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững Thủ đô.
Hai là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở xã Đường Lâm. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành liên quan trong việc đẩy mạnh hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa của các di tích lịch sử, các công trình văn hóa của địa phương. Triển khai hiệu quả các dự án, đề án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa làng cổ với quy hoạch chi tiết không gian di tích cần bảo tồn (không gian văn hóa, môi trường xã hội, cảnh quan tạo nên giá trị tổng hòa và đặc trưng của di tích). Hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa làng cổ và phát triển du lịch cần đặt trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thành phố Hà Nội. Phát huy vai trò, sức mạnh tổng hợp của chính quyền, nhân dân và doanh nghiệp trong bảo tồn, bảo đảm giữ gìn bản sắc kiến trúc cổ trong phát triển du lịch. Xây dựng cơ chế quản lý du lịch cộng đồng, khai thác các giá trị di sản văn hóa tại làng cổ (như cơ chế quản lý, cơ chế chia sẻ lợi ích, quy chế phát triển du lịch cộng đồng, lựa chọn đối tác…). Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch trong làng cổ, bảo đảm mọi hoạt động du lịch gắn kết với bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với nguyên tắc phát triển bền vững và quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu quả công tác tổ chức các lễ hội văn hóa của địa phương và của Thủ đô gắn với các hoạt động quảng bá văn hóa. Nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú du lịch cộng đồng tại địa phương. Tiếp tục triển khai hiệu quả việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Hà Nội và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội, góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử, gìn giữ nét văn hóa của người Hà Nội nói chung và nét đẹp văn hóa của cư dân ở làng cổ xã Đường Lâm nói riêng, từ đó tạo dựng thương hiệu điểm đến du lịch văn minh, độc đáo, hấp dẫn.
Ba là, khuyến khích cộng đồng dân cư chủ động tham gia phát triển du lịch văn hóa, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong quá trình triển khai các kế hoạch, dự án du lịch cộng đồng. Có chính sách tín dụng ưu đãi và các nguồn hỗ trợ của Nhà nước và nguồn xã hội hóa cho việc phát triển du lịch kết hợp với bảo tồn di sản tại làng cổ. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn và nhận thức về du lịch văn hóa cho cộng đồng dân cư ở làng cổ xã Đường Lâm, như tư vấn kỹ thuật, tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng tổ chức và kinh doanh du lịch cộng đồng để người dân có thể cung cấp sản phẩm du lịch tốt nhất (như kỹ năng đón tiếp, hướng dẫn tại chỗ và phục vụ ăn, nghỉ, vận chuyển; kỹ năng trình diễn và giới thiệu văn hóa, sản phẩm du lịch địa phương; kỹ năng giao tiếp và ứng xử văn hóa, thân thiện với khách du lịch, hỗ trợ, hướng dẫn khách du lịch tham quan tìm hiểu đời sống văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống tại địa phương; xây dựng và tập huấn chế biến các món ăn truyền thống của làng cổ, hướng dẫn trồng rau, làm nông nghiệp; xây dựng nội dung thuyết minh, câu chuyện về văn hóa truyền thống của làng cổ…).
Bốn là, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại xã Đường Lâm và trên phạm vi toàn thành phố Hà Nội, tập trung vào các đối tượng khách có nhu cầu học tập nghề truyền thống, nghiên cứu lịch sử, văn hóa nông thôn Việt cổ; khai thác nguồn khách tiềm năng đến từ một số nước châu Âu, Hoa Kỳ, các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương… Tăng cường quảng bá hình ảnh đất và con người Đường Lâm tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội, như sách, báo, các cuốn sách, hình ảnh giới thiệu về làng cổ, tập gấp, bản đồ bằng nhiều ngôn ngữ, các website, mạng xã hội về du lịch làng nghề trong nước và quốc tế...
Năm là, tăng cường đầu tư xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại làng cổ xã Đường Lâm. Hoàn thiện dịch vụ homestay tại các nhà cổ, khai thác các trò chơi dân gian và hoạt động trình diễn nghệ thuật truyền thống (cờ tướng, múa rồng lân…), tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách giao lưu, tìm hiểu, trải nghiệm đời sống vật chất, tinh thần của dân làng. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm du lịch, kết nối sản phẩm du lịch làng cổ với các điểm du lịch khác thuộc thị xã Sơn Tây và các điểm du lịch khác của thành phố Hà Nội (tuyến du lịch vườn quốc gia Ba Vì, Khoang Xanh, Suối Tiên…), của tỉnh Phú Thọ, tỉnh Hòa Bình…; từ đó hình thành các tuyến du lịch đa dạng, hấp dẫn khách du lịch, như du lịch trải nghiệm văn hóa truyền thống, tìm hiểu lịch sử, du lịch sinh thái, tâm linh… Hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, như bãi đỗ xe, khu dịch vụ giới thiệu, trưng bày sản phẩm, khu vệ sinh đạt chuẩn, biển chỉ dẫn tham quan (hoặc mã QR), phủ sóng wifi, tạo dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp…
Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản và du lịch văn hóa, như lập ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa, số hóa hoạt động quản lý di sản văn hóa, sử dụng công nghệ hiện đại trong tích hợp, lồng ghép giá trị di sản trên các sản phẩm văn hóa của làng cổ xã Đường Lâm. Học tập các mô hình phát triển du lịch làng cổ, phố cổ, du lịch cộng đồng trong nước, như mô hình phát triển du lịch ở phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam), ở làng cổ Phước Tích (tỉnh Thừa Thiên Huế), mô hình du lịch cộng đồng ở Mai Hịch (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), ở Hua Tạt (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La)... Tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu kinh nghiệm, phương pháp và kiến thức chuyên sâu trong hoạt động bảo tồn giá trị các di sản văn hóa gắn kết với hoạt động du lịch, qua đó, thúc đẩy quảng bá di sản văn hóa làng cổ ở xã Đường Lâm nói riêng và văn hóa Thủ đô nói chung đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế./.
Một số kết quả nổi bật về công tác xây dựng Đảng qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, của Đảng bộ quận Thanh Xuân  (25/07/2023)
Nâng cao đạo đức công vụ cho công chức thành phố Hà Nội trong giai đoạn hội nhập quốc tế  (23/07/2023)
Bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội  (22/07/2023)
Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa - một trong những ngành công nghiệp văn hóa quan trọng của Thủ đô Hà Nội  (22/07/2023)
Chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của thành phố Hà Nội  (21/07/2023)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay