“Biệt phủ”, “đi đêm” và sự minh bạch
Phàm ở đời, những gì to cũng dễ thấy. Những gì vượt trội, dị biệt cũng vậy. Nhưng “thấy” đến đâu, thấy được như thế nào và do đâu mà thấy lại là câu chuyện khác, với nhiều cách tiếp cận, lý giải khác nhau. Chẳng thế mà thời gian vừa qua, trên khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước đã nóng ran câu chuyện về những “biệt phủ”, về những khối tài sản khủng… Nhưng có điều lạ, các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng xã hội lại chỉ đưa tin, bàn tán, thậm chí mỉa mai, lên án,… về những “biệt phủ”, những khối tài sản khổng lồ, những sự siêu giàu, những ăn tiêu xa hoa, lãng phí,… của các “quan chức” đương nhiệm và đã nghỉ hưu.
Phải chăng, người dân có sự “kỳ thị” những “quan chức” sở hữu khối tài sản “khủng”? Phải chăng, là tâm lý không muốn ai hơn mình? Còn nhiều câu hỏi khác có thể đặt ra, nhưng quả thực, ít nhiều đó là những hình ảnh phản cảm, bởi người dân không được tiếp cận nguồn gốc những tài sản nào của “quan chức” biểu hiện sinh động bằng các “biệt phủ”, “dinh thự”, “lâu đài”, xe sang… Mà một khi, những tài sản không có nguồn gốc rõ ràng, những tài sản được lý giải có được là do buôn bán nhỏ lẻ, do chạy xe ôm, do tích cóp cả đời công chức,... thì thật khó mà lọt lỗ tai. Vì thậm chí một người chẳng cần bằng cấp gì cũng có thể dễ dàng nhìn thấy sự vô lý, cũng nhanh chóng tính toán được rằng với thu nhập (công khai) của cán bộ, công chức như hiện nay, để có được số lượng tài sản lớn như nhìn thấy (chưa kể phần chưa được thấy) là điều không tưởng.
Việc kê khai tài sản đối với cán bộ, công chức hằng năm ở ta là một yêu cầu bắt buộc. Nhưng trên thực tế, cho đến nay nó vẫn được xem là còn hình thức, bởi sự thiếu trung thực của những đối tượng thuộc diện phải kê khai; bởi chế tài xử lý việc kê khai không trung thực chưa đủ sức răn đe; bởi việc kiểm tra, xác minh việc kê khai tài sản còn chưa thật sự hợp lý, nghiêm minh, hiệu quả...
Ở đời, qua bao thăng trầm các giai đoạn lịch sử, việc giàu có chưa bao giờ là có tội. Nhưng giàu bằng cách nào, bằng con đường nào mới là có tội, mới đáng lên án, xem thường? Trong những con đường làm giàu bị xã hội coi khinh ấy, có con đường khuất tất, với nhiều kiểu làm ăn phi pháp, lợi dụng chức vụ, quyền hạn tư lợi bất chính, những phi vụ “đi đêm”, “lót tay”, “sân sau”, “lợi ích nhóm”, “buôn quan, bán chức”... Ở đời, sự nghèo khó do nguyên nhân chủ quan thường bị xem là có tội, ít nhất là với chính mình, với gia đình mình. Nhưng không phải vì sợ “mắc tội” nghèo mà làm điều phi pháp, mà tạo điều kiện để việc “đi đêm” sinh sôi, nảy nở. Bởi, ngay cả khi “đi đêm lắm” mà chưa “có ngày gặp ma”, thì sự giàu có vượt trội nhưng nguồn gốc không rõ ràng, khuất tất cũng chẳng lấy gì làm hãnh diện. Cũng chẳng hề được ai xem trọng, trái lại còn để lưu truyền những tiếng chê bai, khinh bỉ...
Thực tế, lịch sử phong kiến Việt Nam ghi nhận nhiều tấm gương quan thanh liêm ở các thời kỳ, giai đoạn khác nhau, đều được dân kính trọng. Trong thời kỳ mới, những tấm gương các nhà lãnh đạo biết sống vì dân, biết hy sinh lợi ích cá nhân, sống trong sạch, không vụ lợi, vì số đông,... cũng không hiếm. Thời nào cũng vậy, những con người có chức quyền nhưng không màng danh lợi đều được người dân kính trọng, tin yêu.
Thế giới cũng có không ít chính khách, nguyên thủ ngay cả khi đương chức lẫn khi về hưu vẫn sống cuộc đời hết sức thanh đạm, thậm chí tài sản của họ còn “không có gì để mà kê khai”. Nhưng họ thấy bình an, vui vẻ, thảnh thơi, an nhàn hưởng tuổi già mà không trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước...
Thế nên, ở ta, khi nào còn xuất hiện những hình ảnh “chướng tai, gai mắt” vì nguồn gốc tài sản không rõ ràng thì công cuộc phòng, chống tham nhũng, chống “giặc nội xâm” vẫn còn nhiều việc phải làm. Và đương nhiên, chỉ khi nào những tài sản của “quan chức” được “ứng xử” như của dân thường, do được làm ra bằng mồ hôi, nước mắt, bằng sức lực, trí tuệ của chính mình một cách hợp pháp, minh bạch thì những câu chuyện về “biệt phủ”, “đi đêm”, “lót tay”, “lợi ích nhóm”, “bòn rút của công”… mới vơi vãn đi. Và như thế, việc chống tham nhũng mới có thể được xem là thành công..../.
Xét xử Trịnh Xuân Thanh: Đảm bảo sự nghiêm minh, thượng tôn pháp luật  (18/01/2018)
Hà Nội giải quyết dứt điểm khiếu nại tồn đọng trong năm 2018  (17/01/2018)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Chủ tịch Quốc hội Fiji  (17/01/2018)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp khách quốc tế  (17/01/2018)
Thúc đẩy vai trò nghị viện đối với các hoạt động của APEC  (17/01/2018)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni
- Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến với Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni
- Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón và hội kiến Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên