“Chạy”... nhiệm vụ

Đức Tâm
15:36, ngày 10-07-2017

TCCSĐT - Anh Hùng, công chức làm việc trong viện nghiên cứu trực thuộc một bộ lớn kể với tôi câu chuyện khá trăn trở. Số là vào cuối buổi thông tin thời sự, báo cáo viên mạnh dạn nêu một số vấn đề về thực trạng trong xã hội ta hiện nay. Người này cho rằng, trong những vấn đề “nóng” đang tồn tại, có vấn đề mà hệ lụy của nó thì rất nguy hại và lâu dài. Đó là “chạy”... nhiệm vụ.

Hùng kể, người báo cáo viên phân tích, thực thi tốt công vụ, đem lại lợi ích cho nhà nước, nhân dân là mục đích xưa nay. Công chức, cơ quan có chức năng tham mưu càng năng động, càng triển khai nhiều nhiệm vụ kết quả tốt thì rõ ràng là càng góp phần quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, việc năng động này lại là “điểm tựa” để nhiều cá nhân thực hiện những ý định riêng, có lợi cho các mối quan hệ và nhằm thu vén lợi ích cá nhân. Trăn trở là ở chỗ, người báo cáo viên đó chỉ nêu vấn đề để các cán bộ trong hội nghị nghiên cứu, tìm lời giải và hứa sẽ trả lời vào lần sau.

Mang băn khoăn này về nhà bày tỏ với tôi, anh Hùng khẩn khoản: “Bác xem, mệnh đề trên có lý không?”

- Việc này không ai, không cơ quan chức năng nào của ta đưa ra con số thống kê chính xác, nhưng rõ ràng biểu hiện của nó thì hiển hiện ở nhiều nơi lắm.

- Đúng đấy bác ạ! Em thấy cái món “chạy”... nhiệm vụ này khá phổ biến và ẩn dưới các hình thức khác nhau. Nhỏ thì tham mưu cho thủ trưởng cơ quan mua sắm A, B, C... để có tý chênh lệch hóa đơn gọi là làm lộ phí xăng, dầu, nước uống. Lớn tý nữa thì xin “làm kế hoạch 3”, đơn giản như cho thuê mặt bằng, tăng nguồn phúc lợi cơ quan, nhưng chi thì “tù mù” và “tít mù” không dấu vết.

Dừng một lát, Hùng lên giọng: To nhất là cái “chạy” dự án. Món này thông tin đại chúng chỉ ra nhiều rồi. Khi lập báo cáo khả thi họ vẽ ra đủ mọi thứ về lợi ích kinh tế, xã hội. Nhưng dự án thực hiện xong, nghiệm thu đưa vào sử dụng thì không hiệu quả, dân kêu lãng phí.

Ví dụ của ông chưa lột tả hết nội hàm của cái “chạy”... nhiệm vụ mà ông cáo viên nêu ra đâu. Tôi phê phán.

- Bác chứng minh xem nào?

- Này nhé, nhiệm vụ của một cơ quan thường căn cứ vào chức năng theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Nhưng ngày nay, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ khiến nhiều vấn đề, nhiệm vụ cần triển khai của các cơ quan công quyền cũng phát triển. Trước yêu cầu mới thì cái gì cũng cần thiết, cái gì cũng ý nghĩa và phải triển khai ngay, không thì muộn. Thế nên, theo chức năng, các cơ quan thi nhau tham mưu xây dựng đề án, để cấp trên phê duyệt, triển khai mở rộng. Họ tìm mọi cách để thuyết trình, thuyết minh bảo vệ tính đúng đắn. Cá biệt, để “thuận buồm xuôi gió”, họ tổ chức hội thảo, gây dư luận, gặp lãnh đạo để “vận động hành lang”, xin ủng hộ... Nhưng cái chính là, khi triển khai những nhiệm vụ ấy thì sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác cần giải quyết, nổi bật là vấn đề nhân lực.

- Nhân lực thì có liên quan gì đến việc “chạy”... nhiệm vụ hả bác?

- Sao lại không liên quan? Này nhé, muốn thực hiện nhiệm vụ thì phải có nhân lực. Thường là, khi một cơ quan nào đó có thêm nhiệm vụ mới thì người ta vừa tăng cường nhân lực trong nội bộ vừa tuyển thêm. Đây là dịp, là cơ hội để tăng biên chế, để trả nghĩa các mỗi quan hệ hoặc là để tăng vị thế và mở rộng ngoại giao theo hướng có lợi. Chẳng thế mà, hầu như các cơ quan có thêm nhiệm vụ thì biên chế cũng đội cao hơn dự kiến và định biên phình ra. Tôi nghĩ, người báo cáo viên kia muốn nói đến điều này.

- Bác thông thái thật, phân tích này rất có lý!

Nói rồi Hùng kể lại câu chuyện mới xảy ra để minh họa thêm:

Mấy tháng trước, Hùng được một người bạn cùng học phổ thông báo tin rằng, con anh ấy mới tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế, nhưng lại đi làm ở một lĩnh vực khác trong cơ quan nhà nước với nhiệm vụ chẳng liên quan đến chuyên ngành đào tạo, thậm chí còn khác biệt tới một trăm phần trăm. Vì quen biết nên khi rõ thông tin cơ quan X cần tuyển nhân sự cho nhiệm vụ mới anh đã cậy cục để đưa cháu vào đó công tác.

Hùng tiếp tục kể, anh bạn thổ lộ chân tình rằng, cháu học không tốt, sợ không làm được ở doanh nghiệp bên ngoài; sợ cháu vất vả nên xin một chân “túc tắc”, để các bác, các chú, các anh quen biết “bồi dưỡng” thành người. Để sau này có cơ hội sẽ chuyển công chức, có việc làm, lương nuôi sống bản thân.

Hùng kết thúc câu chuyện: Vừa rồi anh bạn lại khoe, cháu đã vào biên chế. Và lạ hơn là, cơ quan còn khuyến khích cháu đi học văn bằng 2, đúng chuyên ngành đang công tác, để sau này phát triển nghề nghiệp tốt hơn.

- Và đương nhiên là rất đúng "quy trình" chứ gì? Tôi hỏi.

- Vâng!

Tôi phân tích.

- Vấn đề đó được núp trong nhiệm vụ, trong những vấn đề “nóng” một cách rất hợp lý. Hệ lụy của nó là, cơ quan công quyền không kiếm tìm được người giỏi, người tài hoạt động đúng chuyên môn yêu thích được đào tạo. Việc “học văn bằng 2” là cái bình phong “hợp lý hóa vấn đề nhân sự”. Thế nên, tình trạng trên cứ hô hào tinh giản biên chế, dưới thì quyết liệt thực thi nhưng hiệu quả thì chẳng là bao. Biên chế cơ quan của nhà nước, địa phương liên tục phình ra mà hướng giải quyết vẫn còn là chủ trương thì “bầu sữa” ngân sách sẽ tiếp tục cạn kiệt là điều dễ hiểu. Và rõ ràng là, khi đã làm trái ngành thì sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề khó giải quyết, thậm chí còn phải đi giải quyết hậu quả, sửa sai. Tóm lại là, cách làm ấy gây hại cho đất nước lâu dài, kéo lùi sự phát triển của xã hội.

Câu chuyện giữa tôi và Hùng diễn ra cách đây không lâu, nhưng có một điều tôi còn chưa phân tích với Hùng rộng hơn. Đó là, khi có nhiệm vụ thì hằng năm cấp trên phải rót thêm kinh phí và các điều kiện vật chất khác đi kèm. Ở ta có thông lệ, khi đánh giá, tổng kết nhiệm vụ gì thì thành tích cũng nhiều và được khen thưởng rất trọng thị. Nhưng những vấn đề tồn đọng, yếu kém thì ít đề cập, ít phân tích, ít quy trách nhiệm. Hơn nữa, ngay cả những kết quả nêu trong báo cáo cũng chưa hẳn đã là chính xác vì thời gian đâu mà cấp trên kiểm tra, lôi ra ánh sáng những việc không cần “đi tới cùng của sự thật”.

Thế nên, tác hại của “chạy”... nhiệm vụ như báo cáo viên kia đề cập là có lý và tác hại rất lớn. Đó là cách làm cần phải được loại bỏ, được xử lý, điều chỉnh dứt điểm bằng chế tài pháp lý, bằng sự sáng suốt của những cán bộ có tâm, có tầm và bản lĩnh trước tương lai đất nước, dân tộc./.