TCCSĐT - Đề án kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển (Đề án 52) với mục tiêu cải thiện chất lượng dân số vùng biến đảo nhằm phát triển bền vững; vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng biển đảo, đồng thời đảm bảo mục tiêu quốc phòng - an ninh của đất nước.

Sau 5 năm triển khai, Đề án đã mang lại những kết quả khả quan, góp phần cải thiện và nâng cao sức khoẻ, chất lượng sống của người dân nơi đây. Tuy nhiên, công tác dân số miền biển vẫn còn nhiều vấn đề bất cập cần tiếp tục quan tâm giải quyết.

Được triển khai từ năm 2009 mục tiêu của Đề án 52 là từng bước hoàn thiện và ban hành những chính sách đặc biệt về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình (SKSS/KHHGĐ), nâng cao chất lượng điều kiện sống, qua đó nâng cao chất lượng dân số nhằm thu hút và khuyến khích người dân ra các đảo định cư, làm ăn lâu dài trên biển đảo, vừa chăm lo phát triển kinh tế, vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng biển đảo, những phên dậu của Tổ quốc.

Triển khai đề án, với sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, đã triển khai thành lập các đội y tế lưu động tuyến huyện, bình quân mỗi huyện đảo, huyện ven biển có 1 đội lưu động gồm 8 người, với thành phần là các cán bộ chuyên ngành tuyển chọn từ Trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), khoa Sản bệnh viện tuyến huyện, Trung tâm Y tế huyện. Các tỉnh cũng đã thành lập đội lưu động tuyến tỉnh nhằm hỗ trợ kỹ thuật và nghiệp vụ cho các đội lưu động tuyến huyện. Ở các địa phương, các đội y tế lưu động đã tới từng gia đình người dân đang sinh sống, làm việc để tư vấn, tuyên truyền phổ biến kiến thức, cung cấp dịch vụ y tế - KHHGĐ. Nhờ thực hiện đề án, có hàng triệu lượt người đã được tư vấn về các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình; hàng trăm nghìn bà mẹ mang thai đã được khám thai; hàng triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được khám phụ khoa. Qua khám bệnh, đã phát hiện rất nhiều trường hợp phụ nữ mắc các bệnh phụ khoa. Những trường hợp này đều được cấp thuốc và điều trị, trường hợp bệnh nặng được giới thiệu đi khám và chữa bệnh ở tuyến trên.

Qua thực tiến 5 năm thực hiện Đề án đã xuất hiện nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả trong việc chăm sóc dân số, thực hiện KHHGĐ ở các địa phương. Ví dụ như Mô hình cung cấp dịch vụ và tư vấn về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, SKSS/KHHGĐ cho người làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch ở các vùng biển, đảo và ven biển; mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, KHHGĐ lưu động tại đảo, vùng ven biển, vùng đầm phá, vùng ngập mặn, các gia đình, xóm vạn chài; mô hình kết hợp quân dân y cung cấp dịch vụ tại các xã đảo, huyện đảo; mô hình truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ cho nhóm dân cư yếu thế hiện đang sinh sống tại các xã vùng biển, đảo và ven biển... Tổng cục DS-KHHGĐ còn phối hợp với Cục Quân y - Bộ Quốc phòng thực hiện mô hình truyền thông và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ của Đồn Biên phòng tại các vùng biển, đảo.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, tuy nhiên, đánh giá chung, công tác dân số vùng biển đảo vẫn còn nhiều khó khăn, còn có khoảng cách khá lớn với các vùng khác. Điều kiện sống, lao động của người dân vùng biển đảo vẫn còn rất khó khăn nên vì mưu sinh, nhiều người vẫn phải lao động sản xuất trong những điều kiện khó khăn, vất vả, nguy hiểm. Đa số, nhất là chị em phụ nữ chưa có điều kiện về thời gian cũng như tiền bạc để chăm lo cho sức khỏe của bản thân. Những hạn chế về phương tiện truyền thông, thông tin liên lạc càng làm hạn chế trình độ nhận thức cũng như hiểu biết của chị em về vấn đề SKSS - KHHGĐ. Nhiều phong tục tập quán lạc hậu cũng ràng buộc chị em trong nhận thức cũng như trong hành động quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản của bản thân. Bên cạnh đó, tỷ suất sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của các huyện đảo, xã đảo và ven biển cao hơn các huyện khác trong cùng tỉnh và cao hơn mức bình quân của cả nước. Trong 28 tỉnh, thành ven biển có nhiều tỉnh, thành vẫn còn tỷ lệ mức sinh cao, cao hơn mức sinh thay thế. Những nghệ nặng nhọc của nghề đi biển làm cho nhu cầu sinh con của các cặp vợ chồng vùng biển còn cao, nhất là sinh con trai. Tỷ lệ bác sĩ làm việc ở khu vực ven biển mới đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế. Nhân viên y tế cũng trong tình trạng rất thiếu. Trên các tuyến đảo, trung bình chỉ có từ 1 - 2 bác sĩ, phải làm tất cả mọi việc. Các trường y ở vùng ven biển nhiều trường cũng chưa có bộ môn đào tạo chuyên ngành Y học biển... Đến nay, vẫn còn tình trạng một số xã ven biển, đảo chưa có trạm y tế, có trạm y tế xã lại chưa có bác sĩ. Trong khi đó, mức tăng dân số cơ học do di dân đến các vùng biển, đảo và ven biển lao động và sinh sống ngày càng tăng nhanh, mật độ dân số vùng biển, ven biển tăng cao.

Trong những năm tiếp theo, nhiệm vụ đặt ra là phấn đấu đạt mức sinh thay thế trong toàn vùng biển đảo; nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; nhân rộng một số loại hình, mô hình đã được kiểm nghiệm có hiệu quả; tổ chức các hoạt động hỗ trợ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho các địa bàn vùng biển đảo.

Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục nhân dân vùng ven biển nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi có lợi trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng; các cơ quan chức năng ban hành các chính sách đặc biệt về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, SKSS/KHHGĐ để thu hút và khuyến khích mạnh mẽ nhân dân làm ăn sinh sống dài ngày trên biển, sống và gắn bó lâu dài trên các đảo vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Tổ quốc.

Nhà nước, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với công tác dân số và đội ngũ cán bộ làm công tác dân số vùng biển đảo, cần có chính sách khuyến khích cán bộ y tế có trình độ cao ra công tác tại các đảo, hoặc có hình thức luân phiên cử tuyển cho người dân vùng biển được đi đào tạo ở các trường đại học, các cơ sở dạy nghề về y tế; đáp ứng đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có chế độ đặc thù về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người dân ven biển, đặc biệt là những người đang làm việc và sinh sống trên các đảo xa./.