Suy và ngẫm

TS. Lê Khả Thọ
15:00, ngày 10-11-2014

TCCS - Trong cuộc đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền của dân tộc, vấn đề bạn và thù thường xuyên được đặt ra.

Dân tộc chúng ta đã hàng ngàn năm phải chống giặc ngoại xâm để giải phóng đất nước, bảo vệ sự tồn tại của dân tộc, độc lập của Tổ quốc.

Bác Hồ đã nói: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chiến đấu để bảo vệ vùng trời, vùng biển, hải đảo, bảo vệ biên giới của Tổ quốc, hàng triệu đồng bào, chiến sĩ ta đã ngã xuống và còn hàng triệu liệt sĩ mà mộ phần còn đang nằm rải rác khắp các miền của Tổ quốc, nằm trên đất bạn hay ở một nơi xa xôi nào đó. Hằng năm, nhiều đoàn của Đảng và Nhà nước, của nhân dân đã đến bờ sông Thạch Hãn tưởng niệm, thả những vòng hoa thắm xuống sông viếng các liệt sĩ. Cảm động đến cháy lòng khi đọc những câu thơ:

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Ở đó, đáy sông, các anh nằm.


Nhớ đến hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh nơi thành cổ Quảng Trị, nhìn những vạt cỏ xanh tươi đến lạ thường được nuôi dưỡng bằng xương máu của các anh mà quặn lòng:

Cỏ non xanh tươi xin chớ vô tình
Những người hy sinh trên mảnh đất quê mình,

Tổ tiên ông cha ta đã bằng xương máu, nước mắt và công sức để bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay việc xây dựng đất nước cho đàng hoàng hơn, to đẹp hơn là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam.

Lúc này chỉ có học tập, đi sâu vào khoa học - kỹ thuật, công nghệ trên mọi lĩnh vực mới mong thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Có số liệu nêu: Năng suất lao động của công nhân Xin-ga-po gấp 15 lần công nhân chúng ta, của Nhật Bản gấp 10 lần ta và của Thái Lan gấp 2,5 lần... Chúng ta không tự ti, chê bai ta vì chúng ta đã dồn tâm trí vào cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, giải phóng đất nước. Nhưng lúc này không cho phép ta nghèo, thiếu thốn về kiến thức.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Sự nhiệt tình cộng với dốt nát bằng phá hoại”. Hiện tượng tham ô, lãng phí ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khá phổ biến(1). Mức thu nhập của người giàu và nghèo khoảng cách càng xa. Theo báo cáo năm 2013, tiền đi chữa bệnh ở nước ngoài là 6 tỷ đô-la, tiền đi du lịch nước ngoài là 4 tỷ đô-la... Thật là xót xa khi số tiền đó nếu được dùng đúng mức thì biết bao con trẻ ở vùng sâu, vùng xa có trường học, đời sống nhân dân được cải thiện, điện, đường, trường, trạm sẽ được rộng khắp.

Trong hợp tác kinh tế với nước ngoài phải có đầu óc, chiến lược. Họ đầu tư vào ta là hai bên đều có lợi, nhưng đừng vì do thiếu kiến thức, thiếu tính toán chiến lược và vì những lý do nào đấy mà làm tổn hại cho đất nước. Ví dụ đường sắt trên cao của Hà Nội kéo dài thời gian quá dài, nằm ỳ, trơ các trụ cột xi măng đến chướng mắt. Liên doanh khai thác vàng tại Quảng Nam (hai mỏ Bồng Miêu và Phước Sơn), nhiều tấn vàng họ đã lấy đi, đến khi họ đóng cửa, công nhân thất nghiệp, nhiều người góp vốn cho vay trắng tay, ô nhiễm môi trường khó mà khắc phục được,… Bài học về nhập nhiều dây chuyền sản xuất đường với công nghệ lạc hậu, sản xuất đường ra nhưng không bán được là một bài học đắt giá.

Muốn nhập công nghệ cao phải có tiền, phải chọn lọc lĩnh vực thích hợp và phải có con người điều khiển nó. Chiến lược về bồi dưỡng con người, dùng người, đặt vào đúng vị trí, đúng chỗ là tài của người lãnh đạo, quản lý các ngành, các tổ chức, của các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Việc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ song song. Sự thâm hiểm của kẻ thù; những cạm bẫy trong quan hệ của đối phương phải làm ta luôn luôn cảnh giác, nếu không sẽ gây tổn hại lớn về vị thế của quốc gia, về kinh tế và về sự tồn vong của đất nước. Nếu chỉ vì lợi ích cá nhân thấp hèn mà bán rẻ lương tâm, bán rẻ đồng bào thì có tội lớn với dân tộc, với đất nước, muôn đời bị các thế hệ phỉ nhổ./.

----------------------------------

(1) Nói về “quan tham” thời nay, dân gian có câu: vào, vơ, vét, về, hạ cánh bình an