Đổi mới như… cũ!

Đức Tâm
21:28, ngày 13-05-2014
TCCSĐT - Sau gần một tháng kể từ khi sếp mới về nhậm chức, mọi hoạt động của cơ quan diễn ra bình thường, không có gì đặc biệt. Sếp mới dễ gần nên ai cũng quý. Mọi người trong cơ quan phấn khởi ra mặt, công việc được thực hiện đều đều, đúng kế hoạch đã ấn định.
Hôm ấy, đầu giờ làm việc buổi sáng, trong phòng kế hoạch, bên ấm chè, anh B. hào hứng mở đầu câu chuyện:

- Dạo này không khí ở cơ quan dễ chịu thật. Sếp mới có vẻ hiền lành, đức độ, chắc anh em ta được nhờ lắm đây!

- Hiền hay hắc thì chưa thể đánh giá; cái quan trọng là điều hành, quản lý cơ quan làm việc thế nào, hiệu quả đến đâu, hay lại hô hào, hình thức rồi đâu lại vào đấy cả thôi? Anh C, một người vốn thẳng thắn và chúa ghét bệnh hình thức phản bác lại ý kiến của anh B.

Ông A, một cán bộ có tuổi đời và tuổi nghề lớn trong cơ quan vừa đặt chén nước chè đặc sánh, nóng hổi xuống bàn, vừa trầm tĩnh nói, tớ biết sếp từ thời còn trẻ, chuyên môn giỏi, tâm huyết và sáng tạo; hy vọng sếp sẽ có nhiều động thái tích cực để nâng cao chất lượng công tác của cơ quan mình.

Cũng trong ngày hôm ấy, kết thúc buổi giao ban đầu tuần, sếp quyết định họp cơ quan. Từ trước đến nay, chưa có tiền lệ họp cơ quan đột xuất. Tin ấy lan nhanh theo cấp số nhân. Một số nhân viên trao đổi nửa kín, nửa hở, có người bĩu môi cho là vẽ vời, tốn thời gian. Số khác đoán già, đoán non, cho rằng sếp có ý “ra mắt”, làm quen, gặp gỡ, động viên mọi người là chính. Người chín chắn hơn thì cho đây là việc làm của người có bước đi khôn ngoan.

Buổi họp bắt đầu trong không khí khá cởi mở. Những tiếng xì xào, tiếng điện thoại tít tít ở bên dưới thỉnh thoảng cũng rộ lên, nhưng không nhiều. Sếp khen cán bộ, nhân viên trong cơ quan đoàn kết; làm việc năng động, đúng quy trình, kế hoạch; nhiều nhiệm vụ triển khai đạt chất lượng tốt, có tầm và thể hiện trách nhiệm cao. Sếp cho rằng, để hoàn thành công việc sâu hơn, ngày càng có chất lượng tốt hơn thì mỗi người phải đổi mới tư duy, đổi mới cách làm theo hướng năng động, hiệu quả; phải chủ động phối hợp giữa các đơn vị trong cơ quan với các địa phương và các ngành chức năng. Về cuối, sếp nhấn mạnh tới một số khuyết điểm còn tồn tại khá phổ biến trong cơ quan, như việc chấp hành nội quy, quy chế làm việc, kỷ luật lao động,... Theo sếp, thời gian tới cơ quan sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình cải cách hành chính, đội ngũ cán bộ, nhân viên phải tăng cường “bám, nắm” cơ sở và địa phương; cơ quan sẽ tinh giản biên chế. Buổi họp kết thúc, không có những khuôn mặt trầm tư, căng thẳng. Ra khỏi hành lang, mọi người về ngay phòng làm việc đóng kín cửa, hy vọng sự đổi mới mà sếp đưa ra không ảnh hưởng tới mình.

Kể từ sau lần họp ấy, nhìn bề ngoài, chất lượng công tác của cơ quan đã có chuyển biến. Số lượng những người đi muộn, về sớm đã giảm hẳn. Gần cuối năm, cơ quan được tăng cường thêm một số nhân viên và cán bộ trẻ. Nhân sự kiện ấy, vẫn bên bàn chè buổi sáng, anh C. đắc chí nói với mấy ông bạn nghiện chè thuốc, thích bàn tán và ít dám phát biểu trong hội nghị:

- Đấy, các ông thấy chưa, khi họp sếp nói về cải cách hành chính và giảm biên chế rất thuyết phục; thực tế nhân sự trong cơ quan đã không giảm mà còn tăng. Đó là những ai, quan hệ thế nào, đố các ông đoán được?

Nghe thế, anh B. lên tiếng:

- Ông này dở hơi, “bới bèo ra bọ” chỉ tổ rách việc. Sếp mà nghe thấy thì cả lũ cùng chết chứ chẳng chơi. Nói thật với ông nhé, không bị áp lực công việc; nhàn nhã, dễ thở, thỉnh thoảng còn có cơ hội tạt té, đánh quả ở bên ngoài lấy tiền nuôi vợ con. Thời nay chẳng có anh công chức nào dại mà bám bàn, bám ghế đủ 8 giờ vàng ngọc đâu ông ạ!

Anh C, mặt bắt đầu nóng, đặt chén xuống mặt bàn, nước chè vượt miệng chén bắn ra xung quanh, lên giọng:

- Ông không thấy như thế là bất công à? Cơ quan công quyền, nơi để công chức làm việc và được Nhà nước trả lương; chứ có phải chỗ để ngồi chơi và trưng diện đâu?

Nghe thấy sự việc bắt đầu căng thẳng, ông A. cất lời can ngăn:

- Mấy chú tranh luận kiểu đó thì được cái gì! Thư thái thưởng trà có ngon hơn không? Báo chí phản ánh các sai phạm trong cơ quan công quyền nhiều như gieo mạ, nhưng có thấy chuyển biến đâu; văn dốt, võ dát, tài hèn, sức mọn như anh em mình thì đừng có xía vô chuyện triều chính. Sắp về hưu rồi, tôi khuyên các chú, phải phân tích thời thế để lựa cơ hội mà sống, lương nhà nước trả không thấm tháp gì so với nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng đâu các chú ạ!

- Nhưng nhiều chuyện trái tai gai mắt sờ sờ ra đấy, bức xúc lắm, không kìm nén được bác! Cuối cùng, người khổ nhất có lẽ là dân mình, bác nhỉ? Hướng mặt về ông A, anh C. thổ lộ.

- Ừ, ông nói thế nghe còn được. Ông tưởng chúng tôi không biết gì à. Ngay như cái việc trả lương qua ATM và tuyển thêm nhân viên đánh máy đấy thôi. Nhẽ ra khi trả lương bằng hình thức này thì cơ quan tài chính phải giảm biên; nhẽ ra xin kinh phí mua máy vi tính thì lãnh đạo phải giảm nhân viên văn thư, nhưng đằng này, kết quả lại hoàn toàn trái ngược. Cấp trên nói “vênh” với làm như thế thì cấp dưới cũng phải theo thế mà làm, phải không bác A nhỉ? Anh B. được thể hùa theo ông A. và đưa ra mấy lời để chứng tỏ mình là người rất biết.

Lúc này, anh C. buột miệng, mắt anh nhìn xa xăm ra ngoài cửa sổ:

- Cuối năm, đánh giá chất lượng đảng viên, tổ chức đảng, thể nào cũng lại có 100% cấp ủy, chi bộ, đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh; 100% đảng viên đạt đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có đảng viên yếu kém, vi phạm tư cách.

Ông A. lên tiếng an ủi:

- Đúng đấy chú ạ, đổi mới… như cũ cả thôi, đừng buồn chú em nhé, uống trà đi rồi về làm bạn với máy vi tính!

Ở nước ta, hiện chưa có ai thống kê chính xác bao nhiêu phần trăm công chức làm việc hiệu quả và bao nhiêu phần trăm ngược lại. Chỉ biết rằng, hằng năm, Nhà nước phải chi một lượng kinh phí khổng lồ để trả lương. Thiết nghĩ, nếu không can thiệp và thực hiện kiên quyết thì chủ trương tinh giản biên chế, một phần trong cải cách hành chính kia sẽ chẳng có hiệu quả, thậm chí sẽ rơi vào tình trạng phá sản. Để hạn chế hiện tượng này, nên chăng cần lựa chọn người làm việc trong cơ quan công quyền phải có tâm, tài và tầm; biết đặt lợi ích quốc gia lên trên, không “tặc lưỡi” đưa ra quyết định góp phần làm nghèo đất nước. Có vậy nhân dân mới được nhờ./.