Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 18 đến ngày 24-03-2013
Báo cáo với Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn, cho biết: Năm 2012, TP. Cần Thơ có tăng trưởng kinh tế ở mức khá 11,55%, thu nhập bình quân đầu người 53,7 triệu đồng (tương đương 2.514 USD); huy động hơn 34.400 tỷ đồng đầu tư phát triển. Thành phố triển khai kịp thời các chính sách bảo đảm an sinh xã hội; giải quyết việc làm cho hơn 51.000 lao động; xây dựng, sửa chữa gần 300 nhà tình nghĩa, 3.859 nhà đại đoàn kết. Đây là năm tốt nhất trong việc huy động các nguồn lực chung tay góp sức giải quyết nhà cho hộ thật sự khó khăn về nhà ở; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 5,19%. Năm 2013, với chủ đề cải cách hành chính, huy động nguồn lực hướng về cơ sở, Cần Thơ phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế 12,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực của Cần Thơ thời gian qua, nhất là trong ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, xóa đói giảm nghèo. Để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2013, Thủ tướng chỉ đạo Cần Thơ tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và phát triển thị trường. Với các điều kiện thuận lợi của trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung thu hút, kêu gọi đầu tư, chú trọng theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đồng thời, cần chú trọng xây dựng nông thôn mới gắn với đào tạo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân nông thôn.
Thủ tướng lưu ý Cần Thơ phải giải quyết tốt việc đào tạo nguồn nhân lực và đặt vấn đề: “Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới mà cấp huyện không có kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư làm tham mưu cho UBND huyện là không ổn. Cấp xã không có kỹ sư nông nghiệp thì làm sao giúp dân làm ăn lớn được? Cần Thơ là trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, có Trường Đại học Y Dược nhưng chỉ đạt tỷ lệ 5 bác sĩ/10.000 dân là hạn chế lớn. Tại sao không vận dụng tốt chính sách đào tạo theo nhu cầu?”. Thủ tướng yêu cầu TP. Cần Thơ cùng các bộ, ngành liên quan tập trung tìm giải pháp sớm nạo vét luồng Định An hiệu quả để khai thác tốt hệ thống cảng trên sông Hậu trong khi chờ luồng qua kênh tắt Quan Chánh Bố, sắp được hoàn thành…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói về phương thức mới thi tuyển công chức
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng phương thức thi tuyển công chức bằng trắc nghiệm trên máy tính là một hình mẫu, song việc thí điểm phương thức này đã mang lại những thành công ban đầu.
Ngày 18-10-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1557/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”, đặt mục tiêu chung là xây dựng một nền công vụ “chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả”.
Đề án cũng đặt ra 8 mục tiêu cụ thể liên quan đến tất cả các lĩnh vực của cải cách chế độ công vụ, công chức, trong đó có mục tiêu nâng cao chất lượng tuyển dụng công chức, thi nâng ngạch công chức, đến năm 2015, 100% các cơ quan ở Trung ương và 70% các cơ quan ở địa phương thực hiện ứng dụng công nghệ tin học vào thi tuyển, thi nâng ngạch công chức.
Đề án này đã nhận được sự quan tâm và kỳ vọng của dư luận trong bối cảnh ước tính vẫn có khoảng 30% công chức hoạt động chưa thực sự hiệu quả, tình trạng “chạy” công chức vẫn tồn tại. Ở một số nơi, người có thực tâm, thực tài vẫn chưa có nhiều cơ hội để cống hiến.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương tổ chức thực hiện Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” với mong muốn xây dựng một nền công vụ phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, đây là một việc lớn và khó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, Bộ Nội vụ mong muốn rằng có sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, sự hưởng ứng của nhân dân để thực hiện thành công.
Miền Trung từ góc nhìn của các chuyên gia kinh tế
Theo các chuyên gia, miền Trung cần cải thiện kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, phát huy các nhân tố tác động mang tính đột phá.
Vùng Duyên hải miền Trung được ví như “mặt tiền” hướng ra biển Đông với hơn 1.400 km bờ biển, là nơi có nhiều cảng biển, sân bay, nằm ở vị trí thuận lợi trong giao thương với các nước trong khu vực và quốc tế...
Thế nhưng, sự phát triển của các tỉnh duyên hải miền Trung chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có.
Vùng Duyên hải miền Trung gồm 9 tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận.
Năm 2012, tổng sản phẩm nội địa của vùng hơn 87.000 tỷ đồng, bình quân đầu người tăng 23% mỗi năm. Tuy nhiên, kinh tế duyên hải miền Trung lại chậm phát triển so với hai đầu đất nước. Dễ nhận thấy do xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, tích lũy đầu tư nhỏ, lao động nông thôn chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ lớn... đặc biệt là tư duy phát triển dàn trải dựa trên tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương đã dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút đầu tư. Thực tế cũng đã xuất hiện xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích vùng.
Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện nay, cần có một cơ quan tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung và cả sự đồng thuận giữa các tỉnh, thành phố để vùng hướng đến lợi ích chung: “Cơ bản nhất là cần phải có quy hoạch phát triển chung của vùng. Đó là quy hoạch tổng thể, đồng thời là quy hoạch cho từng lĩnh vực, đó là quy hoạch vùng của quốc gia… Thứ hai, là phải có một thể chế vùng,…”.
Về mặt thể chế, các chính sách ưu đãi được các địa phương áp dụng lâu nay chưa đồng bộ và thiếu sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Chẳng hạn, chính sách đối với khu kinh tế mở, khu kinh tế và khu công nghiệp đều như nhau, nên không phát huy lợi thế của từng vùng. Chính vì vậy, trong số 6 khu kinh tế, 54 khu công nghiệp trên địa bàn duyên hải miền Trung, diện tích thuê đất mới chỉ đạt khoảng 40%. Đó là chưa kể diện tích đất doanh nghiệp thuê nhưng không triển khai xây dựng.
Theo TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, để quá trình hoàn thiện thể chế tác động tích cực đến môi trường đầu tư, các địa phương vùng duyên hải miền Trung cần bổ sung chính sách ưu đãi đặc thù cho vùng: “Các tỉnh có nhiều nỗ lực nhưng ở đây có 2 vấn đề về cải thiện môi trường đầu tư và chính sách chung, thứ hai nữa là có sự liên kết để tránh dàn trải. Lâu nay chúng ta có quá nhiều tham vọng, đưa ra quá nhiều dự án, dàn trải đầu tư thành ra đấy là cái điểm mà liên kết vùng phải xử lý cho được để trong cái hữu hạn về nguồn vốn chúng ta có thể phát huy được cái chung của vùng mà có lợi cho từng địa phương”.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để thu hút đầu tư, tạo động lực cho sự phát triển, các địa phương vùng duyên hải miền Trung cần cải thiện kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính và phát huy các nhân tố tác động mang tính đột phá như: đất đai, nguồn nhân lực; mở rộng liên kết tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chứ không giới hạn trong cụm ngành, địa phương.
Muốn như vậy, trước hết cần có sự tiếp cận phát triển theo quy mô vùng, đầu tư có trọng điểm, hình thành các cụm liên kết sản xuất để trở thành địa bàn đầu tư tiềm năng của cả nước.
28% người dân phải trả chi phí “ngoài luồng”
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo: “Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phòng, chống tham nhũng” do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 22-3 tại TP. Hải Phòng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tình hình tham nhũng tại Việt Nam vẫn còn nghiêm trọng. 45% cán bộ, công chức chứng kiến hành vi tham nhũng, 44% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức, 28% người dân trả chi phí không chính thức, hơn 75% người được hỏi cho rằng tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng. Đại diện Thanh tra Chính phủ cho rằng tham nhũng do nhiều nguyên nhân nhưng tập trung vào các vấn đề như: Không xử lý nghiêm minh đối với người tham nhũng, còn tình trạng “xin - cho”, lương thấp... Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới đưa ra giải pháp để giảm tham nhũng tại Việt Nam như tăng cường công khai, minh bạch, tin tưởng vào báo chí và xã hội, tiếp tục cải cách hành chính,…
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đối thoại gỡ khó cho doanh nghiệp
Sáng nay 22-3, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo có cuộc gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thành phố cam kết dành 50 tỷ đồng cho công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đăng ký tham gia tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, thành phố ưu tiên các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực, sản phẩm làng nghề, sản phẩm công nghiệp sáng tạo... Thành phố cũng khẳng định sẽ kích cầu tiêu dùng, giải quyết hàng tồn kho thông qua đẩy mạnh đầu tư. Trong đó, kinh phí khoảng 23.879 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, cho 671 dự án xây dựng cơ bản năm 2013 và gói hỗ trợ từ ngân sách 508 tỷ đồng hỗ trợ vật tư, kỹ thuật đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn của thành phố.
Nhằm tháo gỡ khó khăn hàng đầu hiện nay của doanh nghiệp là thiếu vốn, thành phố cam kết hỗ trợ vay vốn, lãi suất, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ được tiếp cận vay vốn tín dụng với lãi suất hợp lý. Thành phố ưu tiên vốn tín dụng cho sản xuất xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động... và các dự án có hiệu quả. Ngoài ra, thành phố cũng sẽ triển khai gói hỗ trợ lãi xuất sau đầu tư, từ nguồn ngân sách trị giá 100 tỷ đồng để giảm khó khăn cho doanh nghiệp. Tổng số tiền thuế, lệ phí được thành phố gia hạn thời gian chậm nộp và giảm năm 2013 khoảng 14.434,8 tỷ đồng.
Thành phố cũng cam kết tăng cường cải cách hành chính và nâng cao chất lượng phục vụ công dân, doanh nghiệp theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại, giảm chi phí của doanh nghiệp để khởi sự kinh doanh và trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước cũng như liên tục đẩy mạnh cải cách hành chính liên quan đến sản xuất kinh doanh, đầu tư như thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, tín dụng, thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh...
Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Thế Thảo cho biết, thành phố luôn đồng hành với doanh nghiệp. Sự phát triển của doanh nghiệp sẽ đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô. Do đó, thành phố luôn tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp hoạt động, phát triển. Ông đề nghị các doanh nghiệp nên nghiên cứu kỹ các chính sách hỗ trợ mới và có kiến nghị cụ thể gửi tới UBND thành phố để xem xét, quyết định. Với các sở, ngành, quận, huyện, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu các chính sách mới đều phải rõ ràng, minh bạch để doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng nhất.
Bình Định đột phá trong mời gọi đầu tư
Phương châm của tỉnh Bình Định trong mời gọi đầu tư là “đi trước một bước trong chuẩn bị hạ tầng kinh tế - xã hội, cải cách thủ tục hành chính, chào đón và giữ chân nhà đầu tư”.
Tiềm năng và lợi thế
Bình Định có lợi thế trong liên kết, giao lưu kinh tế khu vực và quốc tế; là tiền đề quan trọng để đầu tư nâng cấp, phát triển cụm cảng Quy Nhơn - Nhơn Hội trong tương lai gần.
Với 134 km bờ biển, Bình Định sở hữu nhiều bãi tắm, thắng cảnh đẹp và nguồn lợi thủy sản phong phú. Bên cạnh đó, Bình Định còn có nhiều loại khoáng sản như đá granite, ilmenite, cao lanh, đất sét, suối khoáng, vàng...
Kinh tế phát triển năng động, an ninh, chính trị ổn định. Nền kinh tế của tỉnh trong những năm qua phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trên 11%. Đồng thời, an ninh, chính trị ổn định và trật tự xã hội được bảo đảm, là những điều kiện căn bản để thu hút đầu tư và du lịch.
Sẵn sàng chào đón nhà đầu tư
Bình Định xác định phải đi trước một bước trong chuẩn bị hạ tầng (cả kinh tế và xã hội), coi đây là bước chuẩn bị thiết thực nhất để mời gọi các nhà đầu tư đến với tỉnh.
Bên cạnh những hỗ trợ đầu tư, các chính sách của tỉnh cũng thể hiện tinh thần chú trọng nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ nhà đầu tư để đáp ứng một cách thiết thực những gì nhà đầu tư mong muốn nhất.
UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo xây dựng đề án cải cách hành chính trong các cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện, thành phố, đồng thời thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” tại các cơ quan, trong đó ưu tiên tập trung ở các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, giải quyết thủ tục xây dựng....
Trên cơ sở rút kinh nghiệm năm 2012, tỉnh đang điều chỉnh, bổ sung quy định về trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng ngoài khu công nghiệp và khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Định; quy định về phối hợp giải quyết công việc giữa các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; công bố bộ thủ tục sau khi cắt giảm...
Bình Định đã quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan liên quan, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư, không ngừng cải tiến cung cách làm việc, có thái độ hợp tác tốt và hỗ trợ nhà đầu tư cả trước, trong và sau khi dự án được đăng ký hoặc cấp phép triển khai.
Năm 2013 - năm bản lề cho Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2015, Bình Định sẽ có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm đến khảo sát thực tế, tìm hiểu về môi trường đầu tư, kinh doanh, để tận mắt nhìn thấy một địa phương đầy tiềm năng của vùng duyên hải miền Trung và khu vực.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh: Chấn chỉnh ngay những thủ tục gây khó doanh nghiệp
Ngày 19-3, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ và Kế hoạch 630/KH của UBND tỉnh Ninh Thuận về triển khai một số nghiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Tại Hội nghị, UBND tỉnh và các ngành nhận định doanh nghiệp trong tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Lao đao vì thủ tục, vốn và tiêu thụ sản phẩm
Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công Thương Phạm Đăng Thành cho biết, từ ngày 12 đến 14-3-2013, cơ quan đã thành lập đoàn công tác xuống 14 cơ sở sản xuất để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I-2013, nhiều doanh nghiệp đã thẳng thắn phản ánh những khó khăn, vướng mắc kéo dài chưa được giải quyết. Đơn cử như Công ty CP Bia Sài Gòn đang đầu tư xây dựng nhà máy tại Ninh Thuận bức xúc về thủ tục giải quyết miễn, giảm thuế trong việc nhập thiết bị nước ngoài.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ninh Thuận Vũ Hữu Tuân, bức xúc: “Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó khăn về hàng tồn kho, công việc làm, đặc biệt là thanh toán vốn trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Mặc dù, UBND tỉnh đã thành lập tổ đôn đốc quyết toán, nhưng hoạt động chưa quyết liệt.
Nhiều doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực du lịch đã kiến nghị tỉnh quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành du lịch cũng như đầu tư xây dựng hạ tầng để tạo điều kiện cho du lịch phát triển theo mục tiêu mà tỉnh đề ra, du lịch là một trong những trụ cột thúc đẩy kinh tế tỉnh vươn lên trong những năm sắp tới.
Thiếu sự phối hợp
Tại Hội nghị, các ngành liên quan cũng đã giải trình những khó khăn trong việc thực thi nhiệm vụ được giao và mong doanh nghiệp chia sẻ, thông cảm. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Đỗ Hữu Nghị, nguyên nhân dẫn đến những khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp cũng như công tác quản lý nhà nước là do các ngành chưa thật sự có sự kết hợp đồng bộ để đẩy mạnh cải cách hành chính. Hiện nay, các doanh nghiệp đang vướng mắc về vốn, UBND tỉnh đã có chỉ đạo cho các huyện tập trung giải quyết, nhưng cho đến nay, UBND tỉnh vẫn chưa nhận được báo cáo cụ thể của huyện, Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Cần đẩy mạnh cải cách hành chính
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Thanh: Việc ký hợp đồng cho thuê đất mà phải mất đến sáu tháng thì thật là vô lý. Chủ tịch Nguyễn Đức Thanh chỉ đạo, các ngành phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, nhất là những vấn đề liên quan đến giải quyết nợ xấu, hỗ trợ thị trường. Tuy một số sở, ngành có những động thái tích cực về cải cách hành chính và môi trường kinh doanh, nhưng cần phải cải tiến hơn nữa, tích cực thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết số 02/CP, tập trung giải quyết nợ xấu; tăng cường giáo dục đến từng cán bộ công chức, nâng cao ý thức trách nhiệm để thực hiện có hiệu quả nghị quyết. Ngành Ngân hàng và Thuế khẩn trương công khai, minh bạch, triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ doanh nghiệp. Tập trung cải cách hành chính, ưu tiên các chương trình rút ngắn thời gian để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Trong quý II-2013, phải rà soát và chấn chỉnh ngay những khiếm khuyết của mô hình một cửa, một cửa liên thông.
“Hiện nay, các địa phương chưa thật sự làm tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp, cần phải xem lại trách nhiệm của người đứng đầu. Kiên quyết chấn chỉnh ngay những thủ tục còn gây khó doanh nghiệp” - Chủ tịch Nguyễn Đức Thanh, nói.
Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm làm mới môi trường đầu tư
Thời gian qua TP. Hồ Chí Minh đã tập trung nhiều giải pháp, cải cách hành chính, hỗ trợ tối đa các chương trình xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để tranh thủ các nguồn vốn đầu tư song hiệu quả vẫn chưa đạt như mong muốn vì thế trong năm 2013 TP. Hồ Chí Minh quyết tâm làm mới môi trường đầu tư trên nhiều phương diện nhằm thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của thành phố.
Năm 2012 tổng vốn thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào TP. Hồ Chí Minh đạt 1,29 tỉ USD. Trong đó có 401 dự án FDI được cấp mới, với tổng vốn đầu tư hơn 541 triệu USD và 118 dự án FDI đăng ký tăng vốn, với tổng vốn tăng hơn 747 triệu USD.
Bước sang năm 2013, trong 2 tháng đầu năm, TP. Hồ Chí Minh có 46 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư 45,7 triệu USD. So với cả nước, số dự án cấp mới trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh chiếm 46,5% về số dự án và chiếm 8,6% về tổng vốn đầu tư. Trong số 46 dự án cấp mới tại TP. Hồ Chí Minh nêu trên, có sức hút lớn nhất vẫn là lĩnh vực thông tin - truyền thông, với 10 dự án. Kế đến là công nghiệp chế biến - chế tạo (9 dự án); bán buôn - bán lẻ, sửa chữa ô tô - mô tô - xe máy và xe có động cơ khác (7 dự án); khoa học - công nghệ (7 dự án). Riêng bất động sản, trong 2 tháng đầu năm chỉ có 1 dự án được cấp giấy phép mới.
Ngoài ra, trong 2 tháng năm 2013 TP. Hồ Chí Minh cũng có 17 dự án tăng vốn đầu tư, với tổng vốn tăng lên là 45,4 triệu USD. So với cả nước, số dự án tăng vốn tại TP. Hồ Chí Minh chiếm 54,8% về số dự án và chiếm 46,2% tổng vốn đầu tư tăng thêm. Như vậy, tổng vốn đầu tư (kể cả cấp mới lẫn tăng vốn) tính đến hết tháng 2-2013, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt 91,1 triệu USD. So với cả nước, trong 2 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư cấp mới tại TP. Hồ Chí Minh chiếm 14,5% tổng vốn đầu tư của cả nước.
TP. Hồ Chí Minh luôn chuẩn bị sẵn mặt bằng chào đón nhà đầu tư đến tại các khu công nghiệp, công nghệ cao. Quỹ đất 300 ha đầu tiên giai đoạn 1 trong Khu công nghệ cao đã khai thác gần hết, thành phố đã có kế hoạch khai thác tiếp 600 ha giai đoạn 2, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp lớn. TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh kêu gọi các hình thức đầu tư khác nhau như ODA, PPP (hợp tác công - tư), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao)... và không chỉ chào đón doanh nghiệp lớn mà thành phố cũng rất khuyến khích, quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ sở hữu công nghệ cao, hiện đại.
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh vừa kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư các giải pháp thu hút vốn đầu tư trên địa bàn năm 2013. Theo đó, thành phố kiến nghị theo dõi, giám sát việc thi hành pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp; sửa đổi hoặc loại bỏ các điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư không phù hợp cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và có các chính sách đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư liên quan; tăng cường quản lý sau cấp phép, xử lý nghiêm các vi phạm về đầu tư; bổ sung danh mục kêu gọi đầu tư phù hợp với nhu cầu đầu tư phát triển và quy hoạch phát triển ngành, địa phương...; Hoàn thiện đề án hình thành khu công nghiệp chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên thu hút nhà đầu tư Nhật Bản; tháo gỡ vướng mắc cho các khu công nghiệp dự kiến thành lập mới và đẩy nhanh việc khai thác các khu công nghiệp có sẵn quỹ đất; kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Khu Nông nghiệp công nghệ cao…
Ngoài ra, UBND thành phố cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư mở rộng thẩm quyền, phân cấp cho TP. Hồ Chí Minh như: Được toàn quyền quyết định việc cấp mới hoặc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư nếu sau thời gian quy định mà cơ quan được gửi văn bản lấy ý kiến thẩm tra không trả lời; hoạch định các chính sách, kế hoạch khuyến khích, kêu gọi thu hút vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với lợi thế so sánh của TP. Hồ Chí Minh, với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của TP. Hồ Chí Minh ngoài các chính sách của Trung ương…/.
"Đưa Ba Vì thành mô hình điểm về nông thôn mới"  (26/03/2013)
Hoàn thiện dự thảo báo cáo Chính phủ sửa Hiến pháp  (26/03/2013)
Hoàn thiện dự thảo báo cáo Chính phủ sửa Hiến pháp  (26/03/2013)
Yêu cầu Trung Quốc xử lý sai trái, bồi thường cho ngư dân Việt Nam  (25/03/2013)
"Khai thác tiềm năng, đưa Thái Nguyên phát triển"  (25/03/2013)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên