TCCSĐT – Tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng, rộng lớn nhằm phát huy dân chủ trực tiếp, trí tuệ, quyền, nghĩa vụ của công dân đối với Tổ quốc.

* Sáng 14-3, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể lấy ý kiến đóng góp của cán bộ viên chức trong đơn vị. Đến nay, 32 đơn vị thuộc Bộ đã gửi báo cáo đóng góp về Bộ.

Nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã đề cập, bổ sung đầy đủ và tương đối chặt chẽ về các quyền con người như quyền sống, quyền học tập, quyền có nơi ở... Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị Hiến pháp cần quy định thêm một nội dung hết sức quan trọng được cử tri quan tâm chú ý là quyền được đảm bảo đất ở, đất sản xuất. Dự thảo Hiến pháp nên thể hiện sâu sắc hơn quan điểm bảo vệ, tôn trọng quyền con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Góp ý vào Lời nói đầu, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương đề nghị bổ sung 4 từ “quyền bình đẳng giới” vào sau cụm từ “tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân” nhằm thúc đẩy việc phát huy thế mạnh giới trong xây dựng và bảo vệ 4 chủ thể: con người, gia đình, xã hội, quốc gia. Việc bổ sung như vậy sẽ hạn chế được sự mất cân bằng giới tính khi sinh trong tương lai gần.

Nhiều ý kiến tán thành Điều 10 của Dự thảo về việc bỏ cụm từ “cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội” mà chỉ ghi “Công đoàn là tổ chức chính trị xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện đại diện cho người lao động, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động...”

Góp ý vào Khoản 3 Điều 22, đại diện Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em đề nghị bổ sung cụm từ “hoặc người giám hộ” thành câu “... việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm khác trên cơ thể người phải được người đó hoặc người giám hộ đồng ý”. Bởi lẽ, một số trường hợp người thử nghiệm có thể chất, tinh thần không bình thường hoặc người chưa đến tuổi vị thành niên cần phải có sự đồng ý (hoặc cho phép) của người thân, người giám hộ, quy định như vậy sẽ chặt chẽ hơn.

Có ý kiến góp ý cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp dùng từ “mọi người” thay cho từ “công dân” để biểu thị quyền con người, tuy nhiên chữ “mọi người” bao hàm cả người mất quyền công dân đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam. Trong khi đó Điều 23, 24, 26 khẳng định “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật gia đình, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở...”. Như vậy người mất quyền công dân cũng sẽ có quyền nêu trên là không hợp lý, đề nghị giữ nguyên cụm từ “công dân” như cũ.

Góp ý vào Điều 27, nhiều đại biểu cho rằng hiện nay, trên phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều trường hợp chuyển đổi giới tính hoặc người không rõ giới tính (lưỡng tính) chưa được pháp luật thừa nhận. Do đó, Điều 27 nên thay cụm từ “công dân nam nữ” bằng cụm từ “công dân không phân biệt giới, giới tính.”

Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nam đề nghị bổ sung cụm từ “phân biệt đối xử” trước cụm từ “hành hạ, ngược đãi…” tại Điều 40. Cụ thể sửa là “Nghiêm cấm phân biệt, đối xử, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”, bổ sung thêm cụm từ này sẽ tác động đến nhận thức trước khi có những hành động cụ thể.

Điều 47, Dự thảo ghi “công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất.” Quy định tại Khoản 3 Điều 8 của Bộ Luật hình sự không có khái niệm “tội nặng nhất” mà chỉ quy định 4 mức tội theo khung hình phạt là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, để đảm bảo đúng thuật ngữ pháp lý, các đại biểu thống nhất nên bỏ cụm từ “phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất” thay vào cụm từ “bị trừng trị theo quy định của pháp luật”.

Các đại biểu cũng thống nhất bổ sung vào Khoản 1, Điều 62 đối tượng “người nghèo”, thành câu “... ưu tiên thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, đồng bào miền núi, hải đảo, dân tộc thiểu số và các vùng đặc biệt khó khăn khác...” và bổ sung tại điểm 2 cụm từ “người cao tuổi” vì đây cũng là đối tượng cần được nhà nước, xã hội, gia đình và công dân có trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe.

Góp ý vào Điều 63, nhiều đại biểu đề nghị Khoản 1 thêm cụm từ “trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” thành câu “Nhà nước phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ, công bằng, bền vững, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn” vì trẻ em cũng là đối tượng rất cần được quan tâm, bảo vệ, chăm sóc.

Nhiều ý kiến đề nghị quyền trẻ em cần được quy định rõ hơn trong Hiến pháp với các nguyên tắc dành ưu tiên cho trẻ em, tôn trọng trẻ em, thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em...

* Sáng cùng ngày, tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì Hội nghị.

Sau hơn 2 tháng triển khai Kế hoạch lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tất cả 106 Công an các đơn vị, địa phương đã ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch; 100% cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân đã được nghiên cứu và tham gia góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng và tập trung vào những nội dung mang tính nguyên tắc như khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước; các quy định về bảo vệ Tổ quốc; vị trí, vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân.

Đồng thời với việc tổ chức lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong Công an nhân dân, lực lượng Công an còn thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong quá trình tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung tham gia thảo luận, góp ý kiến về phạm vi sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp; lời nói đầu; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; tổ chức bộ máy Nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp.

Các ý kiến thống nhất với các quy định mang tính nguyên tắc của Hiến pháp, cụ thể, là tiếp tục ghi nhận các quy định về bản chất và mô hình tổng thể của thể chế chính trị đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 1992.

Nhiều ý kiến làm rõ, đầy đủ và sâu sắc hơn các vấn đề như khẳng định thể chế của Nhà nước Việt Nam là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - là một nước độc lập, dân chủ, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Đồng thời, nhiều đại biểu nêu ý kiến cụ thể góp ý về các quy định trong Hiến pháp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân với tính chất là lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng, Nhà nước và của nhân dân; mối quan hệ giữa bảo vệ an ninh, trật tự với phát triển kinh tế, xã hội và đối ngoại...

* Tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, hoàn thiện báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ gửi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại 121 đơn vị trực thuộc Bộ và đã nhận được 443 ý kiến đóng góp cụ thể vào các điều trong Dự thảo.

Chủ trì và phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nghiêm Vũ Khải cho biết, so với Hiến pháp 1992, lần sửa đổi, bổ sung năm 2001 đã có 3 điều quy định về khoa học và công nghệ, trong đó khẳng định phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các Điều 65, 67 và 43 đã quy định cụ thể hơn về khoa học và công nghệ, khẳng định khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt và là động lực thúc đẩy phát triển đất nước.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng khẳng định mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và được hưởng thụ lợi ích từ các hoạt động khoa học, công nghệ...

Đánh giá chung về dự thảo, hội nghị nhất trí khẳng định Dự thảo đã xác lập được cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; đã thể hiện rõ nội dung đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh; tổ chức tinh gọn, hợp lý; tăng tính dân chủ và pháp quyền trong điều hành của Chính phủ...

Nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Hiến pháp đã giải quyết được những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình thi hành Hiến pháp năm 1992. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã bảo đảm Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính dự báo và ổn định lâu dài.

Về các quy định của Dự thảo đối với khoa học và công nghệ, các đại biểu cho rằng các quy định đã khẳng định rõ các quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước coi phát triển khoa học và công nghệ là “quốc sách hàng đầu,” khẳng định “khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội,” đặc biệt trong quá trình xây dựng nền kinh tế dựa trên tri thức. Dự thảo cũng khẳng định quan điểm tự do sáng tạo trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ...

Góp ý vào một số vấn đề cụ thể trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ “ứng dụng các thành quả” vào Điều 43 “Mọi người có quyền nghiên cứu, ứng dụng các thành quả khoa học và công nghệ; sáng tạo văn học, nghệ thuật”; Mục 3 Điều 67 bổ sung cụm từ “và đổi mới sáng tạo” để trở thành “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và được hưởng thụ lợi ích từ các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.”

Một số đại biểu đề nghị chuyển Mục 3 Điều 67 lên Điều 43 nhằm đảo bảo tính hợp lý, đầy đủ của điều này...

* Tiếp tục hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, sáng 14-3, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề lớn về tổ chức bộ máy nhà nước, chế độ sở hữu đất đai, cơ chế thu hồi đất.

Chương 3 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Qua phản ánh của các đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhân dân quan tâm, tập trung đóng góp ý kiến nhiều nhất là chế độ sở hữu đất đai và cơ chế thu hồi đất. Tuy nhiên, theo các đại biểu, quan điểm thống nhất, xuyên suốt từ Hiến pháp năm 1980 đến nay là “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. Đây là quy định nhằm bảo đảm phát huy quyền làm chủ của nhân dân đối với đất đai, đồng thời hoàn toàn phù hợp với thực tiễn quản lý đất đai ở nước ta.

Đánh giá cao điểm mới cơ bản trong lần sửa đổi Hiến pháp này là hiến định nguyên tắc “quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”, các đại biểu cho rằng, nguyên tắc này thể hiện sự tôn trọng, bảo vệ của nhà nước đối với quyền cơ bản của công dân, vừa tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phòng, chống và xử lý nghiêm các sai phạm về đất đai. Liên quan đến cơ chế thu hồi đất quy định tại Khoản 3 Điều 58 của dự thảo, đại biểu Lê Thị Nga, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên nhận định: Thực trạng tham nhũng và khiếu kiện về đất đai thời gian qua có nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ bản thân quy định cũng như cách thức tổ chức thực hiện cơ chế thu hồi đất. Do đó, đề nghị: trước khi chúng ta Hiến pháp hóa quy định về thu hồi đất hiện hành thì rất cần phải trả lời câu hỏi vậy dựa trên căn cứ lý luận nào để chúng ta thu hồi tài sản của Nhà nước, cá nhân. Nếu chúng ta coi đây là quyền tài sản đặc biệt thì theo chúng tôi việc Nhà nước đứng ra thu hồi quyền sử dụng đất cũng phải hết sức có giới hạn, chỉ nên dừng ở lý do thật cần thiết vì lý do quốc phòng - an ninh, lợi ích công cộng, các dự án phi lợi nhuận. Chúng tôi cũng đề nghị bỏ quy định thu hồi vì lợi ích quốc gia, các dự án phát triển kinh tế xã hội vì sau này dễ bị hiểu rất rộng dễ bị lạm dụng, gây thiệt thòi cho người dân có đất bị thu hồi.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về việc tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Một số ý kiến đề nghị Hiến pháp cần xác lập các nguyên tắc tổ chức chính quyền đô thị khác với chính quyền nông thôn, tăng tính tự chủ của các chính quyền đô thị, đặc biệt là đô thị lớn.

* Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trong đó các đại biểu tham gia góp ý về các vấn đề liên quan đến chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, sở hữu đất đai…

Các đại biểu cho rằng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã bảo đảm cụ thể hóa các quan điểm của Đảng trong Cương lĩnh và Văn kiện của Đại hội XI về sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Dự thảo Hiến pháp xác lập được cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, thể hiện rõ nội dung đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội; tăng tính dân chủ và pháp quyền theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân.

Các ý kiến đều thống nhất giữ nguyên Điều 4 Dự thảo Hiến pháp. Trong tình hình hiện nay, cần tập trung làm rõ và khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vai trò lãnh đạo của Đảng là một tất yếu lịch sử đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Đối với vấn đề đất đai, nhiều đại biểu cho rằng Hiến pháp quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân đã cho thấy tính chất ưu việt của đất nước là quyền thuộc về nhân dân, quyền tối thượng là phục vụ nhân dân, thể hiện tính dân chủ cao. Song, không ít ý kiến băn khoăn cho rằng khái niệm này còn chung chung, dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng để đồng hóa việc thu hồi đất phục vụ công trình phúc lợi công cộng với phục vụ sản xuất, đây là mầm mống của những vụ khiếu kiện.

Khoản 3 Điều 58 cần nêu rõ Nhà nước thu hồi đất như thế nào, với các công trình an ninh quốc phòng, công trình công cộng, Nhà nước thu hồi phải có bồi thường thỏa đáng nhưng với những dự án phát triển kinh tế - xã hội thì phải thu mua.

Do đó, cần tách nội dung “các dự án phát triển kinh tế - xã hội” ra khỏi khoản này, để chủ đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng lợi dụng để lấy đất của dân.

Xung quanh những quy định về Mặt trận Tổ quốc được thể hiện tại Điều 9, các đại biểu đề nghị giữ nguyên cụm từ “Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân” như Hiến pháp 1992.

Đồng thời, cần làm rõ khái niệm giám sát và phản biện của tổ chức này theo hướng giám sát đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, cơ quan dân cử; phản biện đối với các chủ trương, chính sách của cơ quan Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền để các chủ trương, chính sách đó phục vụ lợi ích của Nhà nước và nhân dân.

Cũng liên quan đến quy định này, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do vậy, không thể nói “Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” như Khoản 3 mà cần nói rõ Nhà nước bảo đảm hay có cơ chế chính sách để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động./.