Công chức khỏe

Nguyễn Chí Hoan Báo Văn nghệ
16:44, ngày 08-01-2013
TCCSĐT - Nhìn trên bình diện phổ biến xã hội, mãi đến những năm gần đây chúng ta mới nghiêm túc để ý đến công chức như là một lớp người riêng, một phạm trù hành chính - nhà nước. Trước khi có những đợt cải cách hành chính trải suốt từ cuối thập niên 80 đến cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, cụm từ “cán bộ-công nhân-viên chức nhà nước” thường được dùng để gọi chung tất cả những người làm việc ăn lương từ nguồn ngân sách, gồm cả các lực lượng vũ trang, trị an cùng bộ máy chuyên môn, hậu cần - kỹ thuật của các lực lượng ấy, dẫu rằng vẫn có những phân tách sâu sắc theo những tiêu chí chuyên môn tương ứng khác nhau.

Bởi vậy, có thời kỳ việc học tập những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo về các căn bệnh của bộ máy nhà nước như “tham ô, lãng phí, quan liêu” vẫn được triển khai chung cho cả những đơn vị như: nông trường, xí nghiệp, học viện… và người ta, nhìn chung chưa thấy có nhu cầu nhấn mạnh việc phòng ngừa những “căn bệnh” đó ở chủ thể đặc thù là các cơ quan công quyền, đặc biệt là nhấn mạnh các tiêu chí mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra cho công chức: “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” - những tiêu chí mà giờ đây - khi xã hội thay đổi, đất nước không ngừng phát triển nhanh chóng theo hướng hiện đại và văn minh, dân chủ hơn, cần một cách cấp thiết hơn một lớp công chức có tính chuyên nghiệp mạnh, thì rất nhiều người mới thấm thía, kể cả một số chuyên gia đi “bắt bệnh” cho khối cán bộ công chức mà thường vẫn thấy chủ yếu những nguyên nhân khách quan (tất nhiên, rất căn bản, rất quan trọng!) như: cơ chế, hệ thống ngạch bậc công chức, việc tuyển chọn, tuyển dụng và sử dụng nhân tài…

Nói chung, người ta luôn thừa nhận một quan niệm rằng, hầu như bộ máy xã hội nào, cơ chế quản lý nào cũng có khiếm khuyết, thậm chí là khuyết tật và đôi khi là những thiếu sót được gọi là các “lỗi hệ thống” có khả năng vô hiệu hóa nhiều chức năng căn bản của cái hệ thống bị lỗi. Chúng thiếu sót bởi chúng là sản phẩm của con người tạo ra và vận hành theo những quá trình bị quy luật biện chứng của sự tiến bộ kiểm sát, giám sát, thử thách. Và những tiến trình đó đem lại một thí dụ sinh động cho châm ngôn minh triết: “Thất bại là mẹ thành công”. Song, đó mới chỉ là hình ảnh rất lạc quan, rất tích cực khi nói về các hệ thống vận hành của xã hội, mà chưa thực lưu ý đủ tầm mức nghiêm trọng của những vấn đề về khiếm khuyết trong thực tiễn vận hành đó.

Khi gọi những khiếm khuyết thuộc loại ấy như là “căn bệnh” của thiết chế Nhà nước, ngay từ những buổi đầu xây dựng Nhà nước Việt Nam mới, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng lối nói hình ảnh vừa dân gian dễ nắm bắt nhưng cũng vừa là sát thực hơn với nội dung được nói đến: công chức, và hoạt động của các cơ quan nhà nước trong phạm vi công quyền, vốn là một diện mạo biểu thị “sức khỏe” của thể chế và tổ chức xã hội - công chức phải “khỏe”, thì Nhà nước mạnh và người dân thấy “khỏe” theo. Vậy nên, Người coi “tham ô, lãng phí, quan liêu” là thứ “bệnh tật” tàn phá từ bên trong “sức khỏe” của bộ máy công quyền và Nhà nước.

Theo cách nói đó mà ngày nay ta quen đề cập những điểm yếu của công chức, từ quy mô bộ máy các cấp cho đến mức độ từng cá thể của lớp người thực thi vai trò công chức, gọi những điểm yếu đó như là “những căn bệnh của công chức”; thậm chí, nhiều khi người ta uyển chuyển gọi thói quan liêu hách dịch là “bệnh công chức” - thật ra không hoàn toàn đúng, và phần nào làm lệch ý nghĩa của “bệnh”. Bởi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra “thang thuốc” cho “căn bệnh” này bằng hệ tiêu chí “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, và nội hàm của các “vị thuốc” này phản ánh tính cốt lõi của những điểm yếu gây “bệnh” ở công chức. Tính cốt lõi này chi phối và thuộc về các phẩm chất sâu sắc hơn từ năng lực đạo đức, năng lực nhận thức, năng lực hành động theo các chuẩn mực luân lý xã hội khi thi hành công vụ.

  Có thể thấy rằng, những tiêu chí nói trên hầu như ai cũng đã biết, đồng thời, tính giản dị trong hình thức diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại hướng đến chỗ muốn người ta suy ngẫm thường xuyên hơn bởi dễ ghi nhớ hơn. Sự giải thích bao hàm trong các tiêu chí đó của Người cũng rất thiết thực và có thể hợp với mọi thời:

Cần là cần cù làm việc, siêng năng học tập, và còn có nghĩa làm việc có phương pháp, theo tri thức khoa học, và phải năng động suy nghĩ. “Cần” phải đi với ý nghĩa “cần cù” trong hoạt động trí óc. Bởi, chính từ trí óc mà ta “cần” hay không.

Kiệm là tiết kiệm thời gian, tiền bạc, phương tiện vật chất nói chung trong thi hành công vụ nhằm đạt hiệu quả mà không gây lãng phí, không sa vào những hoạt động bất hợp lý.

Liêm hiển nhiên là giữ mình liêm khiết, không tham không nịnh, cũng không ham được xu nịnh tâng bốc.

Chính là trước hết tu dưỡng cho mình tinh thần thượng tôn đạo lý, lẽ phải, để không sa vào hay nhân nhượng thỏa hiệp bắt tay với những sự sai trái.

Chí công là một đòi hỏi có tính lý tưởng trước hết trong nhận thức và ý thức, sau là trong hành vi công vụ, phải hết mức công tâm, để nhận ra được lẽ công bằng trong đa dạng sự việc và quyết thực thi sự công bằng; đi với vô tư là hạn chế hết mức “lòng riêng” như người xưa thường nói, để có thể xem hiệu quả của công vụ, quyền lợi của Nhà nước và của người dân là trên hết trong công việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dẫn châm ngôn xưa để nói về điều này, là “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, mà một thời chúng ta đã quen nghe một châm ngôn tương tự về người đảng viên.

Những năm đổi mới kinh tế và cải cách hành chính đã dần làm rõ vị trí, vai trò quyền lực của công chức trong một bối cảnh sự phân công lao động xã hội đã rõ rệt hơn về chức năng, trong đó, chức năng quản lý nhà nước dường như “phình ra”, mà một trong những lý do chính là sự tăng trưởng hoạt động kinh tế tư nhân, tăng dân số đi cùng với đô thị hóa dữ dội, khiến cho hoạt động quản lý hành chính và quản lý chức năng trở nên tất bật trong một sự bận rộn đáng mừng đối với khá nhiều người, và cũng từ đó, những lời phê bình hay ta thán về công chức lại tăng dần lên (- bởi những phê phán đó đã vẫn tồn tại dưới thời bao cấp, về “bệnh” quan liêu - cửa quyền chẳng hạn, rồi đã tạm lắng một thời gian khi mà các thành quả ban đầu của đổi mới kinh tế tạo ra nhiều sự thỏa hiệp xã hội, cần cho việc làm ăn, thu hút hết nỗi chú tâm trong đời sống xã hội - ) mà giờ đây, người ta nói nhiều hơn về sự bất cập của “tư duy” công chức, tình trạng không theo kịp đà phát triển xã hội trong các lĩnh vực quản lý hành chính và chức năng; người ta kêu lên với “bệnh vô cảm”, “bệnh ì” ở công chức,…

Những “căn bệnh” phổ biến bị kêu ca, phê phán nhiều nhất, như thế, vẫn là những căn bệnh vốn đã được người sáng lập Nhà nước của chúng ta cảnh giác ngay từ buổi đầu. Tương ứng với sự tăng trưởng chung của đời sống xã hội, trình độ chuyên môn của công chức hiển nhiên đã tăng, ví như là đã “khỏe” hơn, giỏi giắn hơn. Song, từ phía “bệnh” mà nói, “sức khỏe” đề kháng lại dường như sút giảm. Theo ý kiến của nhiều người đã nhận xét, sự tu dưỡng về mặt “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” dường như đã lỏng lẻo đi dưới nhiều sức ép từ những đòi hỏi chuyên môn, lo lắng mưu sinh gia đình, hay những cám dỗ của đời sống tiêu thụ không ngừng tăng lên và thiên biến vạn hóa.

Gần đây, có nổi lên luồng ý kiến cho rằng nên sử dụng một biện pháp cổ xưa gọi là “dưỡng liêm” - dùng một khoản bồi đắp thêm về quyền lợi vật chất, công khai, để nuôi dưỡng lòng liêm chính của công chức. Chưa nói đến các phương diện khả thi hay không của đề xuất này, ta thấy, việc đưa ra một đề nghị giải pháp như thế rõ ràng nhằm muốn củng cố đạo đức của người thực thi công quyền. Và ở đây, bài học Hồ Chí Minh về cái lôgíc đạo lý truyền thống hiện lên rõ rệt: muốn “liêm” được trước hết đã phải “chính”; muốn là “chính” trước đã phải “cần” và “kiệm” - sự học hỏi, chuyên cần trong công việc, có tư duy văn minh, hợp lý; và muốn có con người như thế cho sự nghiệp thì trước đã phải tạo được quan niệm nhân sinh “chí công vô tư” đối với các nhiệm vụ thực thi và đảm nhiệm công quyền.

Trong lĩnh vực này, người ta không chỉ trông chờ vào tu dưỡng cá nhân mỗi người, mà căn bản còn dựa vào pháp chế; và một số ý kiến chuyên gia đề nghị hoàn thiện các thay đổi về quản lý công chức từ việc tuyển dụng đến sự thưởng phạt công minh, tiêu chuẩn hóa, và rộng ra là cải thiện môi trường xã hội...

Song, quan điểm nhân sự cốt lõi vẫn căn cứ vào đạo đức và nhân cách phù hợp cho việc hành xử quyền lực Nhà nước, phù hợp với đặc trưng của Nhà nước và quyền lực cụ thể. Bài học Hồ Chí Minh cũng là bài học từ truyền thống về các yêu cầu nhân sự đối với những người làm việc Nhà nước. Bởi, công chức khỏe thì Nhà nước cũng khỏe./.