“Mở ngoặc”

Nhật Hà
16:58, ngày 05-03-2012
TCCS - Ông là người có học hàm, học vị và hiện đang công tác ở một cơ quan rất có uy tín. Đó là tất cả những gì tôi được biết về vị báo cáo viên trong buổi nói chuyện thời sự hôm ấy sau lời giới thiệu của đồng chí Bí thư Đảng ủy phường.
Khi mới nghe ông nói, tôi rất có cảm tình. Nhưng thú thật, càng về sau, sự cảm tình ấy càng giảm, và cuối cùng, sự cảm tình đã bị thay thế bởi một cảm giác khó chịu. Vì sao vậy? Bởi vì, sau khi truyền đạt những nội dung cơ bản, những quan điểm chủ yếu của Đảng về một vấn đề nào đó ông thường “tôi xin mở ngoặc” để nói với người nghe về những quan điểm của riêng mình; mặc dù ông đã thận trọng “rào trước, đón sau” rằng: “Đó chỉ là những ý kiến của cá nhân tôi với tư cách là một nhà nghiên cứu để các đồng chí tham khảo”. Xin dẫn ra đây vài vấn đề mà ông đã “mở ngoặc”:

1 - Nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển? Về vấn đề này ông trích dẫn: Đại hội IX của Đảng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Đại hội X nói rõ hơn là sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển (tức là sẽ hoàn thành mục tiêu đó vào năm 2009). Và, bắt đầu từ cuối năm 2009 chúng ta chính thức tuyên bố đất nước đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, gia nhập vào nhóm nước đang phát triển và có mức thu nhập trung bình. Ngay sau đó, ông xin “mở ngoặc” để nói rõ hơn về vấn đề này. Theo như ông nói, Liên hợp quốc quy định rất rõ ràng rằng, một quốc gia được coi là đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển phải đạt được ba tiêu chí: Một là, mức GDP bình quân đầu người phải đạt trên 950 USD. Hai là, các chỉ số phát triển con người phải ở mức tương đối cao. Ba là, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không thể thiếu thốn, lạc hậu. Vậy hiện nay chúng ta đã đạt được cả ba tiêu chí đó chưa? Ông khẳng định chúng ta mới đạt được tiêu chí đầu tiên (GDP bình quân đầu người năm 2010 là trên 1.000 USD), còn hai tiêu chí sau thì chưa đạt. Khi chưa đạt đầy đủ các tiêu chuẩn mà cứ nói là đạt thì sẽ rơi vào tình trạng “ngộ nhận”. Đấy, nội dung trong phần “mở ngoặc” của ông là như vậy. 

2 - Về khái niệm “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Sở dĩ ta gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” vì đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa (mục tiêu của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội) và cũng chưa phải là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa (chúng ta còn đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội). Đó là cái phần ông nói theo quan điểm của Đảng. Nhưng ngay sau đó ông lại xin “mở ngoặc” để “giải thích” rõ hơn về vấn đề này. Ông bảo: “Kinh tế thị trường là một sân chơi chung với những quy chuẩn chung rất rõ ràng. Những quy chuẩn đó hoàn toàn mang tính kinh tế, không mang tính chính trị! Các nước tư bản chủ nghĩa chưa bao giờ nói rằng nền kinh tế của họ là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Vậy theo tôi, ta chỉ cần nói kinh tế thị trường là đủ; không nhất thiết phải nhấn mạnh kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa hay kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. 

Trong buổi nói chuyện hôm đó, vị báo cáo viên này còn nhiều lần “xin mở ngoặc”. Song, tôi chỉ nêu hai trường hợp điển hình trên đây, bởi vì nói hết ra tôi e rằng mức độ khó chịu ở độc giả sẽ ngày một tăng.

Những quan điểm, chủ trương của Đảng ta được nêu trong các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết thường rất khái quát và súc tích. Vì thế việc “mở ngoặc” để minh họa cho những quan điểm, chủ trương đó là cần thiết. Song, nội dung trong phần “mở ngoặc” phải bám sát quan điểm của Đảng, không được tùy tiện và vô nguyên tắc. Chẳng hạn về kiềm chế lạm phát ta nên nói rõ: thế nào là lạm phát, thực trạng lạm phát ở nước ta hiện nay, những giải pháp kiềm chế lạm phát, thực hiện những giải pháp đó bước đầu đã thu được những kết quả gì. Những nội dung trong phần “mở ngoặc” đó phải nhằm làm cho người nghe, người đọc thấy rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong việc kiềm chế lạm phát, những giải pháp để kiềm chế lạm phát là có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, có tính khả thi và bước đầu đã thu được những kết quả tốt. Tóm lại là phải tạo được lòng tin trong nhân dân chứ không phải gieo vào họ sự hoài nghi. Chúng ta đang tiến hành học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng ở các cấp từ Trung ương tới cơ sở. Kết quả học tập phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đội ngũ báo cáo viên, những người có nhiệm vụ giới thiệu, quán triệt những nội dung cơ bản trong các văn kiện của Đại hội XI. Vì vậy, phải có kế hoạch sàng lọc đội ngũ báo cáo viên, bảo đảm chắc chắn rằng họ là những người có quan điểm chính trị vững vàng, nắm chắc những nội dung cơ bản, những điểm mới trong các văn kiện của Đại hội và có khả năng biểu đạt tốt./.