Phát triển mạng VCNet thành diễn đàn trao đổi thông tin chính thống của người Việt
TCCS - Khai trương ngày 11-6-2019, sau hơn 10 tháng hoạt động, Hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo (VCNet) đã đạt hơn 1,2 triệu tài khoản người dùng. Tuy nhiên, VCNet cần tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung và công nghệ để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của người dùng, phấn đấu trở thành diễn đàn trao đổi thông tin bổ ích của người Việt Nam ở trong và ngoài nước.
Khẳng định sức sống và triển vọng phát triển của VCNet
Năm 2019, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) xây dựng và triển khai mạng VCNet với phương châm “Tuyên giáo đi trước, đi cùng”, “Hướng mạnh về cơ sở”. Việc triển khai đưa vào vận hành mạng VCNet nhằm đổi mới phương thức hoạt động của công tác tuyên giáo, tăng cường ứng dụng công nghệ trong điều hành, tăng cường kết nối, tương tác trong ngành Tuyên giáo và giữa ngành Tuyên giáo với cộng đồng trong tình hình mới.
Khai trương ngày 11-6-2019, sau hơn 10 tháng hoạt động, mạng VCNet đã đạt được một số kết quả bước đầu, số người dùng tăng nhanh. Theo thống kê cho thấy, vào 10 giờ 22 phút ngày 17-4-2020, hệ thống đã đạt con số 1 triệu tài khoản người dùng. Sau gần một tháng kể từ khi cán mốc 1 triệu người dùng, số tài khoản đăng ký mới vẫn liên tục tăng và hiện đã đạt hơn 1,2 triệu tài khoản. Trong đó, có hơn 150 nghìn tài khoản thường xuyên đăng bài, ảnh, video clip và tham gia tương tác trên mạng.
Là mạng xã hội mới ra đời, hoạt động trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các mạng xã hội cả trong và ngoài nước, trong đó có các mạng xã hội rất mạnh về công nghệ, tiềm lực tài chính và ra đời đã nhiều năm, thì với kết quả hơn 1 triệu người đăng ký chỉ sau 10 tháng đi vào hoạt động đã khẳng định sức sống và triển vọng phát triển của VCNet trong hệ thống các mạng xã hội Việt Nam.
Đặc biệt, trong điều kiện nguồn lực đầu tư cho công tác quản trị, vận hành còn hạn chế, các thành viên Ban Quản trị và cán bộ quản trị nội dung đều làm việc kiêm nhiệm, kết quả nêu trên có thể coi là thành công bước đầu rất đáng ghi nhận.
Cung cấp cho cộng đồng một mạng xã hội với những thông tin bổ ích của người Việt
Với lợi thế lan tỏa nhanh, ảnh hưởng sâu rộng, có thể kết nối mọi người và dễ dàng chia sẻ mọi thông tin, hình ảnh, mạng xã hội hiện nay đã trở thành một phần trong đời sống của hàng tỷ người trên toàn cầu, đặc biệt là giới trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, mạng xã hội cũng bị các thế lực thù địch lợi dụng để tiến hành các hoạt động chống phá chế độ, làm gia tăng nguy cơ lộ lọt bí mật Nhà nước và tác động tiêu cực đối với công tác tư tưởng, văn hóa... Việc triển khai đưa vào vận hành mạng VCNet đã hạn chế được những nguy cơ đó, cung cấp cho cộng đồng một mạng xã hội “sạch”, lành mạnh, an toàn.
Trong thời gian qua, VCNet đã từng bước trở thành diễn đàn để cán bộ, đảng viên và nhân dân chia sẻ ý kiến, trao đổi thông tin; góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó ngăn chặn, bác bỏ các thông tin xuyên tạc, sai lệch.
Cùng với việc phát triển nhanh về số lượng người dùng, mặc dù mới ra đời, VCNet đã có những đóng góp thiết thực trong công tác tuyên giáo. Từ tháng 8 đến tháng 12-2019, Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam” trên mạng VCNet đã thu hút trên 3,2 triệu lượt bài dự thi, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, khẳng định là kênh thông tin hữu hiệu để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng lịch sử vẻ vang 90 năm của Đảng đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tiếp theo đó, Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” dự kiến diễn ra trong 16 tuần, bắt đầu từ 10 giờ ngày 23-3-2020 cũng đang thu hút đông đảo người dùng VCNet tham gia dự thi. Đồng thời, trên mạng VCNet thời gian qua cũng lan tỏa nhiều thông tin hữu ích, cụ thể như: phổ biến chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước; đấu tranh chống thông tin, quan điểm sai trái; thông tin góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19; gương người tốt, việc tốt; quảng bá thông tin giải trí lành mạnh…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của mạng VCNet trong thời gian qua cũng còn một số hạn chế như số lượng tài khoản thường xuyên đăng bài và tham gia tương tác hằng ngày còn ít, nhiều nội dung đăng lên mạng chưa thiết thực, hữu ích. Một số người dùng còn có ý kiến phàn nàn về sự khó khăn khi đăng ký, đăng nhập và đề nghị bổ sung thêm các tính năng, tiện ích cho VCNet…
Để VCNet trở thành diễn đàn của cán bộ, đảng viên, nhân dân và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Trên cơ sở kết quả hoạt động của mạng VCNet thời gian qua và các điều kiện về nhân lực, tài chính, hạ tầng công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương giao nhiệm vụ cho Ban Quản trị trong năm 2020 - 2021 duy trì 1 triệu tài khoản hoạt động ổn định và nâng cao tỷ lệ tài khoản hoạt động thường xuyên hằng ngày. Đồng thời nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng nội dung để tăng tính hấp dẫn, bảo đảm thông tin trên VCNet là những thông tin thiết thực, bổ ích để thu hút thêm nhiều người sử dụng hơn nữa.
Trong thời gian tới, dự kiến VCNet sẽ xây dựng hai cấu phần nội dung là “nội dung tĩnh” và “nội dung động”. Phần nội dung tĩnh là các văn bản, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước; các văn bản, kế hoạch, hướng dẫn, đề cương tuyên truyền,… của Ban Tuyên giáo Trung ương, tài liệu của Trung tâm thông tin công tác tuyên giáo, các thông tin của ngành Tuyên giáo để cán bộ, nhân viên trong ngành có thể truy cập, tham khảo thông tin và chủ động triển khai nhiệm vụ. Phần nội dung động có cơ chế hoạt động như một mạng xã hội để thông tin, tuyên truyền và tạo tương tác dư luận.
Về hạ tầng công nghệ, đây là thách thức rất lớn đối với VCNet trong điều kiện người dùng đã quen sử dụng các tính năng, tiện ích phong phú trên các mạng xã hội của nước ngoài. Ban Tuyên giáo Trung ương đang phối hợp Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để hệ thống hoạt động an toàn, ổn định, hoàn thiện các tính năng hiện có và bổ sung các tính năng mới cho VCNet, qua đó đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu sử dụng của người dùng.
Trong lộ trình, chiến lược phát triển của VCNet lâu dài vẫn là mục tiêu tạo diễn đàn trao đổi thông tin chính thống, bổ ích cho cán bộ, đảng viên, nhân dân ở trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tạo dòng thông tin tích cực, diễn đàn trao đổi góp ý xây dựng để đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống. Đồng thời góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, gây chia rẽ trong nội bộ, ảnh hưởng xấu đến khối đại đoàn kết dân tộc./.
Nghị quyết Trung ương 4 “Thương hiệu lòng dân”  (16/03/2020)
Cán bộ, đảng viên ứng xử với mạng xã hội  (07/03/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm