Huyện Văn Bàn từng bước xây dựng nông thôn mới
TCCSĐT - Phong trào xây dựng nông thôn mới đang tạo động lực giúp nâng cao đời sống người dân huyện Văn Bàn vốn còn nhiều khó khăn.
Văn Bàn là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lào Cai, có tổng diện tích tự nhiên 1.422 km2 với dân số trên 84 nghìn người, gồm 11 dân tộc sinh sống ở 23 xã, thị trấn; có trình độ dân trí thấp và không đều, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; tình trạng di cư tự do vẫn còn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp. Văn Bàn có 90% diện tích là đồi núi cao, tuy nhiên tự nhiên cũng ưu ái cho Văn Bàn nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội như nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú; nguồn nhân lực dồi dào.
Năm 2011 - 2015, kinh tế của huyện tăng trưởng bình quân đạt 14%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, sản xuất lương thực cũng như chăn nuôi gia súc đều đạt kết quả hết sức khả quan; công tác chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng, khai thác lâm sản được chú trọng; lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chỉ đạo và có sự chuyển biến tích cực. Đến nay toàn huyện có 59 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt mục tiêu phổ cập giáo dục trẻ mầm non vào năm 2013 sớm hơn so với mục tiêu nghị quyết Đảng bộ huyện. Công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai thực hiện có hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn hằng năm giảm; diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới; công tác quốc phòng an ninh được tăng cường, góp phần ổn định tình hình để phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Văn Bàn 5 năm qua đã thu được những kết quả nhất định; phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo ra nhiều nhân tố mới, nhiều gương điển hình tiên tiến, nhiều địa phương trong tỉnh đã có chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp; năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, bộ mặt nông thôn từng bước được cải thiện, đổi mới.
Huyện Văn bàn đã huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015 là 1.276,290 tỷ đồng. Công tác lập quy hoạch, đề án xây dựng nông thôn mới được thực hiện đồng bộ trong toàn huyện, các xã đã thực hiện rà soát điều chỉnh, bổ sung đề án quy hoạch và đề án xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và các quy định mới của Trung ương. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền về chương trình xây dựng nông thôn mới, về các chính sách có liên quan nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng khu vực nông thôn để người dân hiểu rõ hơn về nội dung quy hoạch và chủ động tham gia vào công tác quy hoạch cũng như đầu tư phát triển theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, việc tập trung thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn… đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm hộ nghèo trên địa bàn huyện, tỷ lệ hộ nghèo tại 22 xã đến hết năm 2015 đã giảm xuống còn 17,2%. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên được duy trì ở mức trên 90%; cơ cấu lao động đã có sự biến chuyển theo hướng giảm lao động hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.
Các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn đang được củng cố, kiện toàn, thành lập mới, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.
Hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện đã được cải thiện đáng kể, đến nay đã có 668,74 km đường kiên cố. Hệ thống thủy lợi đã đáp ứng đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; đầu tư xây mới được 27 công trình thủy lợi, nâng cấp, sửa chữa 47 công trình.
Về việc cung cấp điện, đã đầu tư xây dựng được 27 trạm biến áp, với tổng công suất 2.333 KVA, bảo đảm 100% xã có điện lưới quốc gia về đến trung tâm xã, có 242/271 thôn bản đã có điện (đạt 89,30%).
Số trường học đạt chuẩn quốc gia tính đến hết năm 2015 là 59 trường, (trong đó: Mầm non 17 trường; Tiểu học 27 trường; Trung học cơ sở 14 trường; Trung học phổ thông 1 trường). Chất lượng giáo dục ở các cấp học đã được nâng lên rõ rệt, huyện đã duy trì phổ cập giáo dục Trung học cơ sở, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở tiếp tục học lên Trung học phổ thông, bổ túc, học nghề đạt 66%, lao động qua đào tạo đạt 28,59%.
Đến năm 2015 toàn huyện có 06 nhà văn hóa xã, 115/251 nhà văn hóa thôn, 79/115 nhà văn hóa được cấp trang thiết bị như ti vi, loa đài, tăng âm; có 5/22 xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (đạt tỷ lệ 22,7%). Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới” được nhân dân các xã nhiệt tình hưởng ứng. Số thôn bản được công nhận văn hóa đến hết năm 2015 là 192/251 thôn bản, tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 70,89%. Có 251/291 thôn đã xây dựng được hương ước, quy ước.
Trên địa bàn huyện Văn Bàn có 6 chợ được đầu tư xây dựng ở các xã, trong đó có 2 chợ đạt chuẩn theo tiêu chí của Quyết định số 12151/QĐ-BCT ngày 31-12-2014 của Bộ Công thương về việc hướng dẫn thực hiện tiêu chí số 7 về chợ trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Mạng lưới bưu chính, viễn thông từng bước được nâng cấp, hiện đại hóa. Đến nay, 100% số xã đã có thùng thư, 20/22 xã có điểm bưu điện văn hóa xã 100% xã đã có mạng In-tơ-nét đến trung tâm xã, mạng lưới điện thoại di động đã phủ sóng đến trung tâm xã và hầu hết các thôn.
Toàn huyện hiện có 22 trạm y tế cơ sở và 4 phòng khám khu vực gắn với 4 trạm y tế, tổng số 133 giường bệnh. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các xã đều đạt 100%.
Đến nay, toàn huyện có 85% hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, 110 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư và hoạt động có hiệu quả; các xã đã hoàn thành quy hoạch và xây dựng nghĩa trang nhân dân, bãi rác thải tập trung.
Hệ thống chính trị cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn đáp ứng yêu cầu công việc. Số lượng đảng bộ, chính quyền các xã đạt danh hiệu “trong sạch, vững mạnh”, các tổ chức đoàn thể xã đạt tiên tiến trở lên đều tăng qua các năm.
Tình hình an ninh nông thôn trong những năm qua luôn được duy trì ổn định, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ngăn chặn đẩy lùi tội phạm và các tệ nạn xã hội. Công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tôn giáo trên địa bàn huyện được chú trọng, các mô hình tự quản về an ninh trật tự được thành lập, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh quốc phòng” phát triển.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm về xây dựng nông thôn mới ở nhiều xã còn hạn chế; một số mục tiêu, kế hoạch xây dựng nông thôn mới đề ra nhưng chưa bảo đảm nguồn lực, chưa có giải pháp trong tổ chức thực hiện; việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức, kết quả chưa cao; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn còn thấp, huy động nguồn lực trong nhân dân còn khó khăn, chưa thu hút được nhiều nguồn hỗ trợ đầu tư từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Nguyên nhân chính của những hạn chế được xác định là nhiều tiêu chí áp dụng chung cho cả nước (như nhà ở dân cư, văn hóa, môi trường ...) chưa phù hợp với điều kiện của các tỉnh miền núi phía Bắc; nguồn lực để thực hiện chương trình còn hạn chế; thiên tai, biến đổi khí hậu liên tiếp xảy ra tác động lớn đến sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn. Việc lựa chọn các xã điểm hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2011 - 2015 chưa sát với tình hình thực tế ở địa phương; đội ngũ cán bộ tham mưu cho ban chỉ đạo chương trình các cấp còn ít, nhiều cán bộ phải kiêm nhiệm trong gần hết cả giai đoạn nên còn gặp rất nhiều khó khăn; một số cấp ủy, chính quyền chưa xác định rõ tiềm năng, lợi thế, khó khăn, thách thức của địa phương; nhận thức và trình độ sản xuất của nhiều hộ nông dân còn thấp; nhiều địa phương còn lúng túng trong việc lựa chọn xây dựng mô hình có hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 Đảng bộ tỉnh Lào Cai và Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020, để khắc phục những hạn chế trong thời gian qua, Huyện ủy Văn Bàn đã xây dựng Đề án số 2 “Xây dựng nông thôn mới huyện Văn Bàn giai đoạn 2016 - 2020” nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của huyện cũng như thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đề ra.
Thời gian tới đây, bên cạnh những thuận lợi như tình hình kinh tế thế giới và kinh tế trong nước từng bước đang được phục hồi, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và xu hướng hội nhập quốc tế, tự do thương mại trong khu vực và trên thế giới được đẩy mạnh thì cán bộ và nhân dân huyện Văn Bàn cũng phải đứng trước thách thức không nhỏ như xuất phát điểm kinh tế - xã hội của các xã còn thấp, phát triển chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro; một số chính sách mới được triển khai nên phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kết quả đạt được của chương trình còn chưa đồng đều, một số tệ nạn xã hội, các hủ tục lạc hậu còn tồn tại; ngân sách đầu tư cho chương trình còn thấp, trong khi khả năng đóng góp của nhân dân lại hạn chế nhất là những xã đặc biệt khó khăn…
Huyện ủy và lãnh đạo huyện đã xác định mục tiêu chính của chương trình xây dựng nông thôn mới cho những năm tới đây là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường bảo đảm giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội; xây dựng huyện Văn Bàn trở thành huyện phát triển của tỉnh Lào Cai. Trên cơ sở mục tiêu chung đó, huyện Văn Bàn đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 có 7/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 7 xã hoàn thành 19 tiêu chí, 6 xã hoàn thành 15 - 18 tiêu chí, 8 xã hoàn thành 10 - 14 tiêu chí.
Để thực hiện các mục tiêu trên, những nhiệm vụ chính trị, giải pháp cơ bản phải thực hiện là:
- Tiếp tục đầu tư xây dựng và tập trung duy tu, bảo dưỡng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn; phát động các phong trào thi đua thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; bảo đảm tốt vấn đề an ninh trật tự nông thôn; nhân rộng và phát huy tốt hơn nữa các vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, theo hướng sạch - an toàn, nhằm phát huy nâng cao giá trị nông sản, từng bước tăng thu nhập cho người nông dân; phát huy tinh thần dân chủ của nhân dân để duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt chuẩn.
- Duy trì tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên tại các xã, mở thêm các lớp đào tạo, tập huấn nghề phù hợp cho người lao động tại các xã, thị trấn không ngừng nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Củng cố 14 hợp tác xã, thành lập mới 09 hợp tác xã hoặc tổ hợp tác. Đến năm 2020, 22/22 xã có hình thành các tổ hợp tác. Hợp tác xã bảo đảm hoạt động có hiệu quả.
- Tập trung vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động cải tạo vệ sinh môi trường nông thôn, vệ sinh nhà cửa, chuồng trại hợp vệ sinh. Xây dựng 6.000 nhà vệ sinh hộ gia đình, nâng cấp 8 khu và làm mới 30 khu nghĩa trang và 18 bãi rác thải tập trung.
- Tiếp tục tuyên truyền, vận động sâu rộng trong xã hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trong toàn huyện; mỗi cơ quan, đơn vị, đoàn thể ở các cấp đều xây dựng chương trình hoạt động đóng góp vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đưa nội dung xây dựng nông thôn mới trở thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương và các cơ quan liên quan trên địa bàn huyện.
- Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội đóng vai trò nòng cốt trong vận động các tầng lớp nhân dân tin tưởng, đoàn kết xây dựng nông thôn mới. Thường xuyên tổ chức các cuộc thi đua để phát huy vai trò chủ thể và tính tích cực của người dân trong xây dựng nông thôn mới,...
Chỉ đạo giám sát việc thực hiện chương trình, phát huy tốt tinh thần dân chủ trong tổ chức thực hiện, giám sát cộng đồng thực hiện đúng nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Phát huy vai trò trách nhiệm của cộng đồng dân cư, các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở; coi trọng tính đầu tầu gương mẫu của cán bộ đảng viên, uy tín của các trưởng thôn bản, già làng.
- Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường; tăng cường xây dựng thiết chế văn hóa; củng cố an ninh trật tự xã hội; hệ thống chính trị để đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định. Nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng và công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách trong xây dựng nông thôn mới tại các cấp đặc biệt là thực thi dân chủ. Phát huy thành tích đã đạt được trong thời gian qua, với những lợi thế về điều kiện địa lý và tài nguyên, khoáng sản thiên nhiên của địa phương, với truyền thống đoàn kết thống nhất cao, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc huyện Văn Bàn quyết tâm đoàn kết hoàn thành mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020 đã đề ra./.
Kiện toàn các chức danh lãnh đạo trong bộ máy nhà nước  (07/04/2016)
Kiện toàn các chức danh lãnh đạo trong bộ máy nhà nước  (07/04/2016)
Vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới  (07/04/2016)
Tiểu sử tóm tắt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc  (07/04/2016)
Quốc hội bầu đồng chí Nguyễn Xuân Phúc giữ chức Thủ tướng Chính phủ  (07/04/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên