Công tác thống kê tín đồ Phật giáo ở Việt Nam: Thực trạng và những vấn đề đặt ra
Phạm vi ảnh hưởng thực sự của Phật giáo vẫn là một ẩn số
Số liệu thống kê là dữ liệu cung cấp thông tin cho quá trình hoạch định chính sách nhằm nâng cao sự phù hợp, hiệu quả và hiệu suất của các cải cách chính sách. Ở Việt Nam, do đặc thù của tổng điều tra 10 năm/lần và trong các số liệu thống kê thường niên và số liệu điều tra dân số giữa kỳ năm 2014 vẫn chưa công bố dữ liệu về biến số tôn giáo của dân cư, nên đến nay số liệu mới nhất về tình hình tín đồ của các tôn giáo là số liệu của Tổng điều tra năm 2009. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, Việt Nam có 6.802.318 người theo đạo Phật. Con số này đã và đang gây ra nhiều ý kiến tranh luận.
Trong số các tổ chức tôn giáo đã được công nhận tại Việt Nam, Phật giáo là tôn giáo có sự gắn bó lâu dài với dân tộc, có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống người dân Việt Nam nên con số 6,8 triệu người do Tổng cục Thống kê công bố vào năm 2010 gây ra sự hoài nghi đối với giới tăng sĩ Phật giáo. Được thành lập từ năm 1981, với phương châm đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đến nay Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn về cơ cấu tổ chức và hoạt động và có nhiều đóng góp cho xã hội cũng như đáp ứng nhu cầu về đời sống tín ngưỡng tâm linh cho một bộ phận quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, trải qua 35 năm thành lập và phát triển, Giáo hội Phật giáo chưa từng công bố một số liệu chính thức nào về số lượng tín đồ của mình. Có thể nói, phạm vi ảnh hưởng thực sự của Phật giáo trong xã hội Việt Nam vẫn là một ẩn số.
Sự thiếu vắng số liệu thống kê cập nhật về tình hình tín đồ tôn giáo đang là một thách thức đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về tôn giáo cũng như những nhà nghiên cứu quan tâm tới tình hình tôn giáo ở Việt Nam, do vậy, bài viết này sẽ bàn luận về thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với công tác thống kê tín đồ Phật giáo Việt Nam.
Những nguồn cung cấp số liệu về tín đồ Phật giáo Việt Nam
Để biết về số lượng tín đồ của một tổ chức tôn giáo, chúng ta có thể tham khảo trước hết từ số liệu của chính tổ chức tôn giáo đó và số liệu thống kê chính thức của Nhà nước do Tổng cục Thống kê công bố. Bên cạnh đó, có thể tham khảo thêm thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo là Ban Tôn giáo Chính phủ.
Trước hết, qua rà soát các báo cáo tổng kết hoạt động của 5 nhiệm kỳ Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc (1981 - 2012), chưa từng có bất cứ số liệu nào về tình hình tín đồ Phật giáo ở Việt Nam, chỉ có số liệu về tình hình tăng, ni, tự viện. Thậm chí, trong vòng 10 năm đầu tiên kể từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập, không có bất cứ số liệu chính thức nào về tình hình tăng, ni, tự viện trên cả nước và chỉ “đến nhiệm kỳ V, công tác thống kê Tăng, Ni, tự viện đã đạt được kết quả hoàn chỉnh ở mức độ cụ thể và chính xác”. Như vậy, trải qua 35 năm thành lập và phát triển, Giáo hội mới có được số liệu thống kê cụ thể về Tăng, Ni và tự viện, song rất tiếc trong các kỳ Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc chưa từng đặt ra vấn đề cần thống kê tín đồ Phật giáo. Cuối năm 2015, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành thông tư 419/TT.HĐTS ngày 12-11-2015 về việc hướng dẫn thống kê giáo phẩm, tăng, ni, tín đồ, tự viện trên toàn quốc. Trong thông tư này chỉ yêu cầu Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam báo cáo tổng số Phật tử tại mỗi tỉnh/thành nhưng không có hướng dẫn cụ thể về yêu cầu thống kê, nên nhiều khả năng số liệu thu thập được chỉ là số liệu ước tính, không chính xác.
Tiếp đến, xem xét lịch sử ngành thống kê ở Việt Nam thì từ năm 1945 đến nay đã có 6 cuộc tổng điều tra. Hai cuộc tổng điều tra đầu tiên được thực hiện vào năm 1960 và 1974 trên phạm vi miền Bắc, đây là thời kỳ đất nước còn bị chia cắt. Sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước đã có một cuộc tổng kiểm kê dân số các tỉnh miền Nam với mục đích phục vụ bầu cử Quốc hội và sự nghiệp kiến thiết đất nước vào năm 1976. Các cuộc tổng điều tra dân số trên phạm vi toàn quốc bắt đầu được thực hiện từ năm 1979 với chu kỳ 10 năm/lần. Cuộc tổng điều tra dân số đầu tiên năm 1979 do còn hạn chế của khả năng kỹ thuật, nên mới cung cấp được những số liệu cơ bản nhất về dân số, chưa có dữ liệu về tình hình tôn giáo. Cuộc Tổng điều tra dân số 1989 được xem là cuộc tổng điều tra hiện đại đầu tiên được tiến hành ở Việt Nam khi có sử dụng các khái niệm, kỹ thuật thiết kế và xử lý số liệu thống kê được quốc tế thừa nhận, song biến số tôn giáo cũng chưa xuất hiện trong cuộc tổng điều tra này. Chỉ đến Tổng điều tra dân số và nhà ở 1999, lần đầu tiên Việt Nam công bố số liệu thống kê chính thức về số lượng tín đồ của các tổ chức tôn giáo được công nhận ở Việt Nam. Số liệu gần đây nhất về tín đồ tôn giáo là số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009. Trong các niên giám thống kê hằng năm cũng như điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ thời điểm 01-4-2014 của Tổng cục Thống kê cũng không cung cấp dữ liệu xử lý về biến số tôn giáo của người dân (1). Như vậy, để biết về sự biến động tình hình tín đồ Phật giáo Việt Nam thì hiện nay chỉ có hai số liệu có thể tham khảo được là số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999 và năm 2009.
Ngoài hai nguồn số liệu vừa kể trên, một số nhà nghiên cứu hoặc trong một số bài báo được đăng trên các phương tiện truyền thông đại chúng khi đưa ra số liệu về tín đồ Phật giáo thường trích dẫn số liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ. Tuy nhiên, cũng không rõ các số liệu đó được trích dẫn từ văn bản nào của Ban Tôn giáo Chính phủ vì các tác giả đều không có ghi chú cụ thể.
Trên thực tế, các nguồn cung cấp số liệu về tín đồ Phật giáo đang đưa ra những con số khác nhau về số lượng tín đồ đã làm nảy sinh một số vấn đề.
Số lượng tín đồ Phật giáo Việt Nam - những con số khác nhau
Số lượng tín đồ Phật giáo được thống kê vào năm 1999 là 7,1 triệu người (2). Sau 10 năm, số lượng tín đồ Phật giáo thống kê được giảm xuống còn 6,8 triệu người (Tổng cục Thống kê năm 2010). Như vậy, sau 10 năm (1999 đến 2009), trong khi dân số Việt Nam đã tăng lên 9,47 triệu người thì số lượng tín đồ Phật giáo lại giảm đi 300.000 người. Dường như sự sụt giảm của số liệu thống kê chính thức này lại đi ngược lại với những gì Giáo hội Phật giáo Việt Nam ghi nhận được về sự phát triển các hoạt động của Phật giáo.
Các báo cáo tại các kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc Phật giáo cho thấy trong vòng 15 năm (từ 1992 đến 2007), số lượng tăng, ni cả nước đã tăng lên gần 3 lần và số tự viện cũng tăng lên hơn 2 lần (Giáo hội Phật giáo 2012), chưa kể trong những năm gần đây xuất hiện những tự viện chưa đăng ký sinh hoạt trong Giáo hội, tự viện do gia tộc quản lý, tự viện chưa được phục hồi hay tự viện còn thiếu vắng người trụ trì,… chưa được thống kê. Tuy không có số liệu thống kê về phật tử, song qua sự phát triển về quy mô của các cơ sở thờ tự cũng như số lượng tăng, ni cũng phản ánh sự gia tăng ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống xã hội, qua đó có thể dự đoán rằng số lượng người theo đạo Phật đã có xu hướng gia tăng.
Không có số liệu thống kê chính thức được cập nhật, nên trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu thường trích dẫn số liệu ước tính của Ban Tôn giáo Chính phủ. Theo đó, năm 2011, số lượng tín đồ Phật giáo vào khoảng 10 triệu người và tăng lên là hơn 11 triệu người vào năm 2013. Qua đó có thể thấy sự gia tăng số lượng tín đồ Phật giáo đã được cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ghi nhận.
Cho đến nay, có nhiều nguồn số liệu khác nhau và những con số khác nhau được công bố về tín đồ Phật giáo song Việt Nam thực sự có bao nhiêu tín đồ Phật giáo vẫn là một ẩn số. Điều này cho thấy tầm quan trọng của công tác thống kê tín đồ tôn giáo chưa được quan tâm đúng mức và đang đặt ra nhiều vấn đề đối với công tác quản lý hoạt động Phật giáo của Giáo hội cũng như nhà nước.
Khác biệt về số liệu thống kê tín đồ Phật giáo - những vấn đề đặt ra
Xét về mặt thống kê, trong các nguồn cung cấp số liệu về tín đồ tôn giáo, số liệu của Tổng cục Thống kê là nguồn số liệu đáng tin cậy nhất bởi được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, được áp dụng kỹ thuật thống kê hiện đại. Tuy nhiên, sự sụt giảm số lượng tín đồ Phật giáo về mặt thống kê đã gây ra một số tranh luận. Bên cạnh đó, các số liệu được cho là của Ban Tôn giáo Chính phủ công bố cũng vấp phải những ý kiến không đồng tình.
Những ý kiến không đồng tình với số liệu thống kê của nhà nước về tín đồ Phật giáo cho rằng quan sát trên thực tế trong những năm gần đây, qua những biểu hiện về sức thu hút của các hoạt động Phật giáo cho thấy số lượng tín đồ Phật giáo không thể suy giảm mà có chiều hướng gia tăng. Sự phản ứng với số liệu thống kê về tôn giáo của Nhà nước thể hiện ở nhận định sau “số liệu rõ ràng là mâu thuẫn với thực tế phát triển của các tôn giáo và mâu thuẫn với chính những công bố khác nhau từ phía quản lý nhà nước, rằng các tôn giáo đang phát triển và không ngừng gia tăng số lượng tín đồ tại Việt Nam”. Tuy nhiên, sự sụt giảm số lượng tín đồ về mặt thống kê cũng khiến một số người đặt ra câu hỏi tại sao có người theo đạo Phật lại dè dặt khi thừa nhận mình là tín đồ của đạo Phật: “Là một tôn giáo được xác định là “đứng vững” trong tâm linh của đông đảo người dân, là tín đồ của một tôn giáo của từ bi và trí tuệ, luôn đồng hành cùng dân tộc, thì tại sao lại ngại ngùng, dè dặt trong việc nhận tôn giáo là đạo Phật, lại chối từ khai nhận “lý lịch tâm linh” của mình?”.
Tuy có những ý kiến khác nhau về số liệu thống kê, song các ý kiến đều cho rằng tình hình thống kê về tín đồ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tương lai Phật giáo: “Có thể Phật giáo không giảm sút như thống kê công bố, nhưng tăng chậm, hoặc tăng trong độ tuổi già là chủ yếu, và nếu so với sự tăng nhanh tín đồ của các tôn giáo khác ở độ tuổi trẻ thì chỉ trong một thời gian ngắn, Phật giáo chắc chắn cũng sẽ trở thành tôn giáo thiểu số tại Việt Nam mà thôi”(3). Sự cảnh báo này cũng đang đặt ra vấn đề về sự yếu kém trong công tác quản lý tín đồ và sự chưa quan tâm đúng mức của Giáo hội đối với vấn đề này.
Qua đó, có thể thấy rằng dù đã trải qua 35 năm thành lập và phát triển, nhưng đến nay Giáo hội Phật giáo chưa đặt trọng tâm với công tác thống kê số lượng tín đồ của mình. Tuy nhiên, bất cứ tổ chức tôn giáo nào muốn duy trì hoạt động và truyền bá đạo pháp thì đều cần phải làm tốt công tác quản lý hành chính, trong đó có công tác quản lý tín đồ của mình.
Xét từ phía cơ quan quản lý nhà nước, những số liệu về tín đồ Phật giáo ở Việt Nam được công bố đều vấp phải sự phản ứng và không đồng tình từ phía Giáo hội Phật giáo (4). Với tư cách là cơ quan thống kê chính thức của Nhà nước, số liệu về tín đồ Phật giáo được công bố của Tổng cục Thống kê đã lạc hậu so với sự phát triển của hoạt động Phật giáo trong những năm gần đây. Với tư cách là cơ quan quản lý trực tiếp, Ban Tôn giáo Chính phủ đã đưa ra các con số cập nhật hơn, song lại là các con số ước tính. Sự không thống nhất về số liệu công bố của các cơ quan nhà nước sẽ đặt ra vấn đề hoài nghi về khả năng quản lý hoạt động tôn giáo. Hoạt động quản lý sẽ không thể đạt hiệu quả khi nhà quản lý không nắm rõ mình đang quản lý những ai và họ có đặc điểm như thế nào. Bên cạnh đó, cũng sẽ rất bất lợi cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo khi có tổ chức tôn giáo không thừa nhận tính chất chính xác của số liệu thống kê do cơ quan nhà nước công bố. Việc quản lý, hoạch định chính sách tôn giáo không thể có hiệu quả khi các nhà quản lý không biết được về phạm vi ảnh hưởng thực sự của một tổ chức tôn giáo trong đời sống xã hội.
Những khác biệt về số liệu trong công tác thống kê tín đồ Phật giáo như đã đề cập ở trên phần nào có liên quan đến cách xác định thế nào là tín đồ Phật giáo. Trong điều tra dân số, việc xác định biến số tôn giáo dựa trên sự thừa nhận của người kê khai. Dữ liệu của tổng điều tra dân số thu thập được là chính xác nhưng vẫn vấp phải những ý kiến không đồng tình là do quan điểm cho rằng việc xác định tín đồ Phật giáo dựa trên kê khai lý lịch là chưa đầy đủ, chẳng hạn có những người dù đã quy y Tam bảo nhưng có thể không kê khai lý lịch (5).
Theo cách hiểu thông thường, Phật tử là những người đã quy y Tam bảo. Đối với giới tăng sĩ Phật giáo, người ta ưa thích quan điểm cho rằng tín đồ của Phật giáo gồm cả những tín đồ chính thức đã quy y Tam bảo và cả nhóm “tín đồ chưa chính thức là những người chưa quy y Tam bảo nhưng có cảm tình với đạo Phật, có niềm tin và áp dụng Phật pháp vào đời sống hàng ngày”. Với cách xác định như thế này thì số lượng người theo đạo Phật sẽ cao hơn rất nhiều so với con số thống kê chính thức 6,8 triệu người. Tuy nhiên, nếu dựa theo cách xác định này thì rất khó có thể thống kê chính xác về tín đồ Phật giáo vì tiêu chí “cảm tình với đạo Phật”, “có niềm tin và áp dụng Phật pháp vào đời sống hàng ngày” là tiêu chí định tính, chung chung, không thể áp dụng vào công tác thống kê được. Như vậy, nếu không có sự thống nhất về cách hiểu thế nào là tín đồ Phật giáo thì trong tương lai vẫn có thể tiếp tục gây ra những tranh luận liên quan đến công tác thống kê tín đồ Phật giáo.
Qua những phân tích ở trên, công tác thống kê chính xác số lượng tín đồ Phật giáo đã trở thành một nhu cầu bức thiết không chỉ đối với cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo mà còn đối với cả Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngoài ra, cũng cần đi đến sự thống nhất giữa các bên liên quan về tiêu chí xác định tín đồ Phật giáo Việt Nam.
Đưa biến số tôn giáo vào các cuộc điều tra, khảo sát
Sự không thống nhất các nguồn số liệu thống kê về tín đồ Phật giáo Việt Nam đã và đang đặt ra những câu hỏi liên quan vấn đề quản lý hoạt động Phật giáo đối với cả cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Những vấn đề này có liên quan đến tiêu chí xác định tín đồ Phật giáo và mức độ quan tâm của ngành thống kê đối với việc thống kê về tôn giáo. Trước tình hình này, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, Ban Tôn giáo Chính phủ cần thống nhất với Tổng cục Thống kê đưa ra tiêu chí xác định tín đồ Phật giáo một cách chính thức để làm căn cứ pháp lý cho hoạt động thống kê. Tiếp đó, các công bố về tín đồ của các tổ chức tôn giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ cần dựa trên cơ sở nguồn số liệu thống kê do Tổng cục Thống kê cung cấp. Để làm được điều này, cần có sự đề nghị với ngành thống kê Việt Nam đưa biến số tôn giáo trở thành biến số chính thức trong các cuộc điều tra, khảo sát trong nước, bởi đây cũng là một trong các đặc điểm cơ bản của dân cư, bên cạnh các đặc điểm về dân số khác. Hằng năm, trong công bố của niên giám thống kê cũng như trong kết quả điều tra dân số giữa kỳ cũng cần cập nhật dữ liệu về tình hình tôn giáo của dân cư.
Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cần chủ động quan tâm đến việc thống kê và quản lý tín đồ của mình. Không thể chỉ không đồng tình với các con số do các cơ quan quản lý nhà nước công bố mà không đưa ra được một số liệu cụ thể nào, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trước hết cần công bố tiêu chí cụ thể về tín đồ của mình, có yêu cầu cụ thể đối với tín đồ về việc kê khai lý lịch cũng như cần tính tới việc sớm triển khai hệ thống quản lý tín đồ của mình. Khi đã xác định cụ thể tiêu chí xác định tín đồ Phật giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể công bố dữ liệu thống kê của mình về số lượng những tín đồ chính thức cũng như những tín đồ chưa chính thức song có niềm tin và thực hành các nghi lễ Phật giáo.
Trong quá trình hiện đại hóa đất nước, công tác quản lý tôn giáo từ phía Nhà nước và tổ chức tôn giáo cần nâng cao tính chuyên nghiệp, không thể tiếp tục để tình trạng mơ hồ về số lượng tín đồ của bất cứ tổ chức tôn giáo nào kéo dài thêm nữa./.
----------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Điều tra dân số giữa kỳ năm 2014 là cuộc điều tra mẫu quy mô lớn đầu tiên giữa hai kỳ tổng điều tra dân số, với mục tiêu làm cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá và hoạch định chính sách của đất nước. Trong phương án điều tra dân số và nhà ở thời điểm 01-4-2014 ban hành kèm theo Quyết định số 1253/QĐ-TCTK ngày 22-11-2013 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thì phần thông tin về các thành viên của hộ có yêu cầu kê khai tôn giáo, song trong công bố chính thức Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ thời điểm 01-4-2014: Các kết quả chủ yếu vào năm 2015 đã không công bố dữ liệu về tôn giáo.
(2) Số liệu lấy từ website của Tổng cục Thống kê, đường link https://www.gso.gov.vn/Default.aspx?tabid=734
(3) Thích Thanh Thắng (2012): Thống kê tín đồ tôn giáo: Những con số biết nói, đăng trên http://www.phattuvietnam.net/thoi-dai/xa-hoi/21078-thống-kê-tín-đồ-tôn-giáo-những-con-số-biết-nói.html ngày 03-11-2012
(4) Ý kiến của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm “Dù kết quả của cuộc Tổng điều tra dân số của Nhà nước mang tính quy mô, nghiêm túc, khách quan, nhưng tôi cho rằng kết quả thống kê được công bố về tôn giáo, nhất là về Phật giáo chưa được chuẩn xác vì nhiều lý do khác nhau”, theo Bảo Thiên ghi, đăng trên http://giacngo.vn/thoisu/cauchuyentrongtuan/2012/11/11/1EC011/ ngày 11-11-2012
(5) Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho rằng “Trên thực tế, có rất nhiều người đã quy y nhưng vẫn không khai thông tin mình là Phật tử và còn người có cảm tình với Phật giáo nhưng chưa quy y nên nói theo cách của Đức Đệ nhất Pháp chủ của chúng ta trong một lần trả lời báo chí là hợp lý nhất. Ngài cho rằng, tại Việt Nam chúng ta, trừ những người xác nhận mình theo các tôn giáo khác, còn lại là người theo đạo Phật, yêu mến đạo Phật và có ảnh hưởng bởi đạo Phật theo truyền thống chung của dân tộc”, theo Bảo Thiên ghi, đăng trên http://giacngo.vn/thoisu/cauchuyentrongtuan/2012/11/11/1EC011/ ngày 11-11-2012
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Thích Hạnh Chơn (2013): Một cách nhận biết số lượng tín đồ Phật giáo, Nguyệt san Giác Ngộ (Phụ trương Nghiên cứu Phật học của Báo Giác Ngộ), đường link truy cập: http://giacngo.vn/nguyetsan/2013/04/24/134402/
2. Phạm Dũng (2013): Tiếp tục đổi mới công tác tôn giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Tạp chí Cộng sản, ngày 03-12-2015, đường link truy cập: http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=24790&print=true
3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2012), Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Từ Đại hội đến Đại hội (1981 - 2012), Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội.
4. Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2015), Thông tư 419/TT.HĐTS ngày 12-11-2015 về việc Thống kê Giáo phẩm, Tăng Ni, tín đồ, Tự viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đường link truy cập: http://giaohoiphatgiaovietnam.vn/s6/d2352/Thong-Tu--Huong-dan-Thong-ke-Tang-Ni---Tu-Vien-nam-2015.html
5. Thích Tâm Hải (2012): Đâu là con số thực về tín đồ Phật giáo Việt Nam?, báo Giác Ngộ online, đường link truy cập: http://giacngo.vn/thoisu/cauchuyentrongtuan/2012/11/11/1EC011/
6. Đỗ Quang Hưng (2012): Tái cấu hình đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay: Những thách thức về mặt pháp lý, Tạp chí nghiên cứu tôn giáo, số 6, tr. 3 - 10
7. Minh Thạnh (2013): Phật giáo Việt Nam hiện nay: đang thịnh hay suy?, đăng trên http://www.phattuvietnam.net/diendan/chanhung/22842-phật-giáo-việt-nam-hiện-nay-đang-thịnh-hay-suy.html
8. Minh Thạnh (2014): Tin Phật nhưng chối bỏ đạo Phật, đăng trên http://www.phattuvietnam.net/diendan/chanhung/28690-tin-phật,-nhưng-chối-bỏ-đạo-Phật,-bài-1.html
9. Thích Thanh Thắng (2012): Thống kê tín đồ tôn giáo: Những con số biết nói, đăng trên http://www.phattuvietnam.net/thoi-dai/xa-hoi/21078-thống-kê-tín-đồ-tôn-giáo-những-con-số-biết-nói.html ngày 03-11-2012
10. Thích Không Tú (2014): Thế nào là tín đồ Phật giáo Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 5, đăng lại trên http://phatgiao.org.vn/nghien-cuu/201409/The-nao-la-tin-do-Phat-giao-Viet-Nam-15879/
11. Tổng cục Thống kê (2010): Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009: Kết quả toàn bộ, NXB. Thống kê, Hà Nội
12. UNICEF, 2008. Bridging the Gap the Role of Monitoring and Evaluation in Evidence-Based Policy Making, M. Segone, ed.
13. Đặng Nghiêm Vạn (cb) (1996): Về tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam hiện nay, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội
Nhìn lại nhiệm kỳ Chính phủ: Thành quả của đổi mới và quyết tâm  (07/04/2016)
Lãnh đạo cấp cao các nước điện mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang  (07/04/2016)
Tặng Huân chương hữu nghị cho Đại sứ Singapore tại Việt Nam  (07/04/2016)
Việt Nam dự Diễn đàn Kế hoạch Tổng thể về kết nối ASEAN 2025  (07/04/2016)
Tạp chí danh tiếng Pháp ca ngợi thành tựu đổi mới của Việt Nam  (07/04/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên