Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986), sau khi đánh giá những thắng lợi mà Đảng và nhân dân ta đã giành được, và thẳng thắn phân tích những sai lầm, khuyết điểm, trong đó có những sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện, đã quyết định phải tiến hành đổi mới toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trọng tâm của công cuộc đổi mới là lĩnh vực kinh tế, bao gồm bố trí lại cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, kiên quyết xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp, chuyển mạnh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, sử dụng đầy đủ và đúng đắn các đòn bẩy kinh tế trong kế hoạch hóa và quản lý kinh tế,... Về mặt chính trị - xã hội, Đại hội nhấn mạnh việc phát huy mọi khả năng của con người, lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất, do đó phải dân chủ hóa đời sống xã hội, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng theo tinh thần “lấy dân làm gốc”.
Nhận thấy sự nghiệp đổi mới tạp chí là một công việc hết sức cấp bách nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp, Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản, được sự lãnh đạo, hướng dẫn của Ban Bí thư Trung ương Đảng, không ngừng suy nghĩ, tìm tòi để đổi mới đúng hướng. Ngày 10-1-1987, Ban Biên tập đã có dự án về đổi mới các mặt của Tạp chí. Cuối năm 1987, đồng chí Đào Duy Tùng thay mặt Ban Bí thư đã làm việc với Ban Biên tập Tạp chí.
Ngày 29-3-1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về công tác của Tạp chí Cộng sản. Chỉ thị viết: “Tạp chí Cộng sản phải góp phần làm sáng rõ những luận điểm, kết luận của Đại hội VI trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và xây dựng Đảng; giải thích sâu sắc những bài học quý báu của cách mạng nước ta mà Đại hội VI đã tổng kết; lý giải những vấn đề mới do thực tiễn cách mạng nước ta đề ra. Tạp chí phải tích cực góp phần chuẩn bị Đại hội VII của Đảng về mặt lý luận.
“Tạp chí Cộng sản cần phân tích một cách khoa học những quan điểm của Lê-nin về chủ nghĩa xã hội, vận dụng những nguyên lý cơ bản, nhất là phép biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lê-nin mà phân tích tình hình thực tế nước ta một cách sâu sắc, từ đó làm sáng tỏ tính đặc thù của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nội dung biên tập của Tạp chí cần tập trung vào các vấn đề: đổi mới tư duy, đổi mới tổ chức, cán bộ, phong cách và đổi mới cơ chế quản lý trong kinh tế, dân chủ hóa, xây dựng Đảng, xây dựng nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa, đồng thời phê phán những quan điểm ấu trĩ, sai lệch về chủ nghĩa xã hội. Tạp chí Cộng sản phải tiên phong đấu tranh cho sự đổi mới tư duy theo tinh thần của Đại hội VI, kiên quyết chống mọi sự bảo thủ, trì trệ, mọi biểu hiện của khuôn sáo, đồng thời đấu tranh chống chủ nghĩa duy ý chí, chống mọi biểu hiện của nóng vội, chủ quan.
“...Tạp chí Cộng sản phải đổi mới cả nội dung và hình thức. Tạp chí phải kết hợp chặt chẽ lý luận với thực tiễn, hết sức coi trọng yêu cầu của đông đảo bạn đọc. Tạp chí cần có hình thức và biện pháp khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo của các nhà khoa học, của những cán bộ quản lý có kinh nghiệm, mở ra những mục tranh luận dân chủ trên những vấn đề lớn mang tính lý luận và thực tiễn cao. Nói chung các bài cần ngắn gọn, súc tích, có hàm lượng thông tin lớn, có chất lượng lý luận. Tạp chí cần dành một tỷ lệ trang nhất định để đăng những ý kiến của bạn đọc góp phần xây dựng Đảng và hoàn chỉnh đường lối, chính sách của Đảng. Tạp chí có những mục giới thiệu kinh nghiệm của các nước anh em, đọc sách báo nước ngoài, thông tin kịp thời và có chọn lọc những vấn đề mới về lý luận cũng như về thực tiễn trong cộng đồng các nước xã hội chủ nghĩa cũng như trong phong trào cộng sản quốc tế. Tạp chí cần tiến tới mở mục điểm sách, báo trong nước có tác dụng thông tin và hướng dẫn bạn đọc theo đường lối của Đảng...
“...Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản cần cải tiến công tác bạn đọc và phát hành, cải tiến tổ chức và lề lối làm việc của mình, làm cho Tạp chí gắn bó hơn nữa với cuộc sống, thường xuyên tiếp cận với bạn đọc, đặc biệt quan hệ mật thiết với các cấp ủy đảng địa phương”.
Theo tinh thần của Đại hội VI và thi hành Chỉ thị của Ban Bí thư, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, qua nhiều cuộc họp đã nghiêm túc xem xét lại những ưu điểm và khuyết điểm của Tạp chí, rút ra những bài học, mạnh dạn đổi mới. Tháng 8-1988, Tạp chí đăng bài “Tạp chí Cộng sản trong quá trình đổi mới” của đồng chí Hà Xuân Trường, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, trình bày những dự định của Bộ Biên tập nhằm thực hiện tốt chỉ thị của Ban Bí thư và mong muốn có sự cộng tác giúp đỡ của các cộng tác viên, các địa phương và đông đảo bạn đọc.
Để đổi mới thật sự và đúng hướng, một mặt, Tạp chí kiên quyết giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của mình như bám chắc đường lối và các chính sách của Đảng và Nhà nước, kiên quyết bảo vệ các quan điểm của Đảng, đấu tranh chống những quan điểm sai trái, nâng cao vai trò lý luận của Tạp chí, bám sát thực tế của đất nước và thế giới; mặt khác, Tạp chí cố vượt ra ngoài các khuôn sáo cũ cả về nội dung và hình thức, tạo nên một không khí cởi mở, tự do tư tưởng, dân chủ thảo luận trên tạp chí, dám nhìn thẳng vào sự thật, mạnh dạn phân tích, góp phần tích cực vào việc làm sáng tỏ đường lối và các quan điểm của Đảng.
Ngày 26-10-1989, Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn số 481/CV-VPTW thông báo ý kiến của Ban Bí thư cho phép Tạp chí Cộng sản là một đơn vị nghiên cứu khoa học, và giao cho Tạp chí xem xét, kiến nghị có thể nghiên cứu được những đề tài gì, ở cấp độ nào thì trao đổi và đăng ký với Ban Khoa giáo Trung ương theo đúng quy chế hiện hành.
Thực hiện công văn nói trên, ngày 21-12-1989, Tạp chí đã thành lập Hội đồng khoa học của cơ quan để giúp Ban Biên tập trong việc tổ chức, nghiên cứu và giám định những đề tài nghiên cứu, đồng thời góp phần thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học trong Bộ Biên tập nhằm nâng cao chất lượng lý luận của Tạp chí.
Trong hoạt động thực tế nhằm đổi mới tạp chí, từ đầu năm 1987, Tạp chí đã từng bước thực hiện những điều sau đây: Tăng thêm số lượng bài ở mục “Nghiên cứu - Trao đổi”; mở thêm một số mục: “Thư gửi Bộ Biên tập”; “Đổi mới - ý kiến và kinh nghiệm”; “Qua sách báo các nước anh em” (sau được đổi là “Qua sách báo nước ngoài”). Từ năm 1989 mở mục”Chủ nghĩa xã hội: nhìn lại và đổi mới”.
Bài viết của Tạp chí ngắn gọn hơn. Số xã luận cũng ít hơn, khi nào thật cần thiết Tạp chí mới ra xã luận. Ngoài những bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng có nội dung chỉ đạo đường lối, chỉ đạo quan điểm, tư tưởng, Tạp chí phấn đấu để có nhiều bài của các nhà khoa học. (Cũng từ cuối năm 1987, Tạp chí bắt đầu công bố chức danh, học hàm, học vị của các tác giả bài viết). Để mở rộng thông tin, ngoài việc giới thiệu những ý kiến khác nhau trong tranh luận về các vấn đề khoa học, Tạp chí còn dịch đăng hoặc tổng thuật một số bài của các tác giả nước ngoài trong mục “Qua sách báo nước ngoài”.
Để tăng tính hấp dẫn của Tạp chí, ngoài việc tăng cường các mục, làm cho bài viết ngắn hơn, sinh động hơn, Tạp chí còn cố gắng tìm ra những hình thức hấp dẫn đề cập những vấn đề nóng hổi của thời cuộc. Các cuộc trao đổi, hội thảo, tọa đàm được tổ chức nhiều hơn. Ngoài mục “Sinh hoạt tư tưởng”, Tạp chí đã đăng một số tranh châm biếm phê phán các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.
Về hình thức, từ tháng 1-1991, Tạp chí đổi khổ rộng hơn, sắp chữ bằng máy vi tính, cách trình bày cũng được cải tiến. Bìa in ốpxét bốn màu và có thêm tranh, ảnh phục vụ nội dung từng số.
Về nội dung biên tập, trước hết Tạp chí rất coi trọng các bài lý luận về công cuộc đổi mới. Số 2-1987, Tạp chí đăng bài “Mấy vấn đề về đổi mới tư duy” của đồng chí Đào Duy Tùng. Sau khi nêu rõ vì sao lúc này Đảng ta lại nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới tư duy, bài báo đã chỉ rõ: “Đổi mới tư duy không phải chỉ là đổi mới phương pháp, mà còn là đổi mới nội dung của tư duy, đổi mới quan niệm; không phải chỉ trên một lĩnh vực nào, mà là trong mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước; không phải là phủ định tất cả mà theo quan điểm kế thừa và phát triển”. Bài báo cũng đã nêu rõ những hướng cụ thể của việc đổi mới tư duy. Số 10-1987 đăng một loạt bài phát biểu trong hội nghị bàn tròn lần thứ nhất về “Tư duy và đổi mới tư duy” do Bộ Biên tập Tạp chí tổ chức. Các số 8 và 9-1988 đã đăng tổng thuật hội nghị bàn tròn lần thứ hai về đổi mới tư duy do Tạp chí tổ chức.
Cuối tháng 3-1989, Hội nghị Trung ương 6 (khóa VI) đã họp để kiểm điểm hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI và xác định phương hướng, nhiệm vụ ba năm tới. Hội nghị đã cụ thể hóa và phát triển thêm các quan điểm của Nghị quyết Đại hội VI trên một số lĩnh vực chủ yếu và đặc biệt quan trọng là đã khẳng định các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo công cuộc đổi mới ở nước ta, bảo đảm cho sự nghiệp đổi mới không đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Số 4-1989 đăng thông báo của Hội nghị, bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh bế mạc Hội nghị và xã luận “Trên những nguyên tắc cơ bản mà đổi mới mạnh mẽ”.
Hội nghị Trung ương 7 (khóa VI) họp từ ngày 15-8 đến ngày 24-8-1989 đã bàn và ra nghị quyết một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế. Số 9-1989 đăng thông báo của Hội nghị, bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh bế mạc Hội nghị. Tạp chí cũng đăng bài “Chúng ta khẳng định quyết tâm không gì lay chuyển nổi của toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục thực hiện con đường cách mạng vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và dân tộc ta đã lựa chọn”, diễn văn của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc tại Mít tinh kỷ niệm 44 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.
Tháng 12-1990, nhân kỷ niệm 35 năm xuất bản Tạp chí Học tập - Tạp chí Cộng sản, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đến thăm và nói chuyện với Bộ Biên tập Tạp chí. Tạp chí số 1-1991 đã đăng bài nói chuyện quan trọng đó dưới nhan đề: “Lý luận - một trong những công tác cực kỳ quan trọng của Đảng”.
Tạp chí đã dành nhiều bài nghiên cứu về đổi mới kinh tế, đã đề cập những vấn đề cụ thể của đổi mới kinh tế, như phát triển các thành phần kinh tế; các quy luật kinh tế trong thời kỳ quá độ; vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế; vấn đề cải tiến quản lý kinh tế,… Loạt bài nghiên cứu - trao đổi ý kiến về các vấn đề kinh tế có tính thời sự của đất nước đã gây được không khí tranh luận, một hiện tượng cần thiết trong công tác báo chí.
Những vấn đề kinh tế cụ thể được Tạp chí đặc biệt quan tâm là vấn đề chống lạm phát và vấn đề khoán trong nông nghiệp.
Về chống lạm phát, từ số 10-1988, Tạp chí đã đăng một số bài trao đổi ý kiến. Số 4-1988 có bài sơ kết một bước “Về vấn đề lạm phát”. Cuối tháng 12-1988, Tạp chí đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị khoa học về “Vấn đề lạm phát và xây dựng phương án chống lạm phát ở nước ta”. Từ trên 40 đề án, hàng trăm bài báo, kiến nghị và thư góp ý về chống lạm phát, ban tổ chức hội thảo đã tổng hợp những đề án và những ý kiến gần nhau thành bốn phương án chống lạm phát ở nước ta để đưa ra thảo luận. Bốn phương án đó, cùng những bài phát biểu trong hội nghị và bài tổng kết hội thảo đã được đăng tải trên tạp chí. Kết quả cuộc hội thảo đã góp phần đáng kể giúp Đảng và Nhà nước hoạch định những chủ trương và giải pháp về chống lạm phát có tác dụng thực tế rõ rệt.
Từ số 7-1987 đến số 10-1987, dưới mục “Nghiên cứu - Trao đổi”, Tạp chí đã đăng một loạt bài thảo luận về vấn đề khoán sản phẩm trong nông nghiệp. Các bài viết đã nêu lên quan điểm về thực chất của khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động; về đánh giá tình hình thực hiện khoán trong những năm qua và phương hướng hoàn thiện nó vào những năm tới. Số 12-1987, Tạp chí đã có bài tổng hợp những ý kiến đã trao đổi.
Số 7 và số 8-1989, Tạp chí đăng tổng thuật hội thảo khoa học về “Điều kiện và môi trường bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh của các xí nghiệp quốc doanh” do Bộ Biên tập Tạp chí tổ chức. Hội thảo được tổ chức vào lúc các xí nghiệp quốc doanh đang đứng trước những thử thách nghiêm trọng. Những kiến nghị rút ra từ cuộc hội thảo cũng đã đóng góp một phần vào việc cải tiến chỉ đạo thực tiễn.
Trong hai ngày 16 và 17 tháng 3-1991, tại Nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Tỉnh ủy Thanh Hóa và Tạp chí Cộng sản đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học - thực tiễn với đề tài “Nhà máy xi măng Bỉm Sơn và Xí nghiệp liên hiệp thuốc lá Thanh Hóa - Xung quanh vấn đề vai trò và quyền tự chủ kinh doanh”. Trong các số 4 và 5-1991, Tạp chí đã đăng các báo cáo chính và bài tổng thuật cuộc hội thảo đó.
Về chính trị, đã có những bài về đổi mới bộ máy nhà nước, đổi mới hoạt động của Quốc hội, về tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, tăng cường quốc phòng và an ninh, về đổi mới chính sách dân tộc, tăng cường đoàn kết, v.v..
Tháng 3-1987, nhân cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII, Tạp chí đăng xã luận “Xây dựng một Quốc hội thật sự có năng lực” và đăng bài “Quốc hội khóa VIII - Mấy vấn đề đổi mới” của luật sư Nguyễn Hữu Thọ.
Từ đầu năm 1989, Tạp chí mở mục “Chủ nghĩa xã hội: nhìn lại và đổi mới” với “hy vọng góp phần tích cực vào việc tạo ra một hệ thống quan điểm lý luận có thể dùng làm cơ sở cho việc xây dựng Cương lĩnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, trình bày một cách có hệ thống những ý kiến nghiên cứu của nhiều tác giả về con đường đi tới chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trên cơ sở phân tích sâu sắc mang tính tổng kết những bài học thực tiễn của Việt Nam”. Mục này đã được sự hưởng ứng tích cực của người viết. Trong năm 1989, Tạp chí đã đăng một loạt bài về nội dung chủ nghĩa xã hội, về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về đặc điểm và về những nội dung - nhiệm vụ cơ bản của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về những mâu thuẫn và mâu thuẫn chủ yếu trong thời kỳ quá độ, v.v.. Tháng 12-1989, Tạp chí đã có bài sơ kết “Một năm của mục “Chủ nghĩa xã hội: nhìn lại và đổi mới”, nói rõ kết quả đã đạt được, những vấn đề có nhiều ý kiến đóng góp nhất, những nội dung chính của các ý kiến đóng góp đó, đồng thời nêu lên những vấn đề của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đang cần có những tìm tòi mới. Năm 1990, trong mục này, tạp chí đăng tiếp các bài về tính tất yếu lịch sử và bản chất ưu việt của chủ nghĩa xã hội, về nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, về vận dụng đúng đắn tư tưởng của Lê-nin về mô hình chủ nghĩa xã hội,…
Số 2-1990, cũng trong mục “Chủ nghĩa xã hội: nhìn lại và đổi mới”, tạp chí đăng tổng thuật hội thảo khoa học “Vấn đề dân chủ ở nước ta - thực trạng và kiến nghị”. Cuộc hội thảo này do Bộ biên tập Tạp chí Cộng sản và ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức.
Về văn hóa, văn nghệ, ngày 28-11-1987, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết “Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới”. Tạp chí số 1-1988 đã có bài bình luận “Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng về văn học, nghệ thuật, văn hóa”, nêu rõ những quan điểm cơ bản của Đảng làm cơ sở định hướng cho sự phát triển văn hóa và văn nghệ trong giai đoạn mới. Số 3-1988, Tạp chí đăng xã luận “Văn hóa trong đời sống xã hội ta hiện nay” và từ số 3 đến số 5-1988 đăng tổng thuật và các ý kiến phát biểu trong hội nghị bàn tròn “Văn nghệ ta đổi mới trong sự nghiệp đổi mới của Đảng”. Hội nghị đã khẳng định văn nghệ là một bộ phận trong toàn bộ sự nghiệp của Đảng cho nên văn nghệ chịu sự lãnh đạo của Đảng, phấn đấu vì đường lối, mục đích của Đảng là điều tất yếu. Trong đổi mới, cần tăng cường phê phán một cách sâu sắc những nhân vật tiêu cực, nhưng không thể coi nhẹ việc xây dựng những nhân vật trung tâm tích cực, nhất là những nhân vật chính diện của công cuộc đổi mới hôm nay. Đây là vấn đề khó, nhưng lại là mục đích cuối cùng của nền văn nghệ cách mạng nước ta.
Về khoa học, kỹ thuật, Tạp chí đăng bài của các nhà khoa học: Đào Thế Tuấn, Lê Quý An, Nguyễn Lân Dũng, Đào Văn Tiến,…
Tháng 5-1989, Tạp chí Cộng sản đã phối hợp với tạp chí Người cộng sản (Liên Xô) tổ chức hội thảo khoa học tại Việt Nam về “Vai trò của nhân tố con người trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Đoàn đại biểu Liên Xô sang dự gồm 4 đồng chí do Phó Tổng Biên tập X.V. Cô-le-xnhi-cốp dẫn đầu. Mục đích cuộc hội thảo là đi sâu vào vấn đề làm thế nào để con người lao động thật sự là động lực mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội, và hai phía Việt Nam - Liên Xô cùng trao đổi, học tập kinh nghiệm của nhau trên lĩnh vực mang tầm chiến lược này. Trong số 7 và 8-1989, Tạp chí đã đăng tổng thuật và các ý kiến trao đổi trong cuộc hội thảo. Một số bản tham luận cũng đã được đăng toàn văn trong các số tiếp theo.
Trước những biến động ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ ở nước ta đã xuất hiện những biểu hiện muốn phủ định quá khứ, phủ định nền văn hóa và văn học cách mạng, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời cũng xuất hiện khuynh hướng “thương mại hóa” các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hướng các hoạt động đó chạy theo những thị hiếu thấp hèn của một số người. Trước tình hình đó, Tạp chí đã có những bài phê phán những lệch lạc trong hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Về xây dựng Đảng, ngay sau Đại hội VI, Tạp chí đã liên tiếp ra hai xã luận, đăng trên các số 1 và 2-1987 về phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VI của Đảng. Tạp chí cũng đã thường xuyên có bài đề cập đến các vấn đề trong công tác xây dựng Đảng như đổi mới Đảng, đổi mới tổ chức, cán bộ, đổi mới phong cách làm việc, nâng cao phẩm chất cán bộ, đảng viên; chống tham nhũng, quan liêu và các hiện tượng tiêu cực khác. Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và đối với các tổ chức quần chúng cũng là đề tài được Tạp chí đặc biệt quan tâm.
Ngày 12-9-1987, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 04/NQ-TW về cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Số 10-1987, Tạp chí đăng bài “Nâng cao phẩm chất cán bộ và đảng viên, giữ gìn sự trong sạch và tăng cường sức chiến đấu của Đảng” của đồng chí Đỗ Mười. Tạp chí số 2 và số 3-1988 đăng trả lời phỏng vấn của một số cán bộ đảng xung quanh một số vấn đề cơ bản mà nghị quyết đã nêu ra.
Vấn đề đảng viên làm kinh tế cũng được đề cập trên Tạp chí, đặc biệt là trong các số 9, 10-1988. Số 11-1988 đăng tổng thuật hội nghị khoa học - thực tiễn về vấn đề “Đảng viên làm kinh tê” do Ban Tổ chức Trung ương Đảng cùng một số cơ quan có liên quan tổ chức. Số 11-1989 đăng ý kiến của một số đồng chí bí thư huyện ủy và thị ủy ngoại thành Hà Nội xung quanh vấn đề tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ở nông thôn.
Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Đảng, số 1-1990 đăng xã luận “Phát huy những truyền thống tốt đẹp của Đảng trong công cuộc đổi mới”. Số 2-1990 đăng bài “Phát huy truyền thống vẻ vang, tiếp tục xứng đáng là đội tiên phong chính trị của toàn xã hội” - diễn văn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc tại Lễ kỷ niệm lần thứ 60 Ngày thành lập Đảng, và bài “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng”.
Từ đầu năm 1990, chuẩn bị kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tạp chí đã có những bài nghiên cứu quan điểm của Bác Hồ về: “Vấn đề Đảng cầm quyền”; “Vấn đề xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam”; “Việc lựa chọn mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Số 2-1990, đăng bài “Một con người, một miền quê - sức mạnh cội nguồn và tinh thần thời đại”, tổng thuật hội thảo khoa học “Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh - Quê hương Nghệ Tĩnh với Bác Hồ” do tỉnh Nghệ Tĩnh tổ chức vào tháng 9-1989. Số 4-1990, tạp chí đăng bài “Biến những tư tưởng cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành hiện thực sinh động trong cuộc sống hôm nay” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Số 5-1990 đăng bài “Hồ Chí Minh - Lý luận và hành động cách mạng” của đồng chí Phạm Văn Đồng. Số 6-1990 đăng bài “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng con người mới” của đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Về quốc tế, ngoài những đề tài thường xuyên về chủ nghĩa đế quốc, về chủ nghĩa tư bản hiện đại, về thành tựu và kinh nghiệm của các nước anh em, về phong trào không liên kết, về cuộc đấu tranh cho hòa bình thế giới, v.v.. Tạp chí đã có những bài về đổi mới tư duy đối ngoại, về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười, từ tháng 4-1987, Tạp chí đăng nhiều bài giới thiệu về Liên Xô, về Cách mạng Tháng Mười. Tạp chí đã dành toàn bộ số 11-1987 (được phát hành từ đầu tháng 10-1987) đăng các bài viết về Cách mạng Tháng Mười. Trong số đặc biệt về Cách mạng Tháng Mười, có bài “Cách mạng Tháng Mười và cách mạng Việt Nam” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; bài “Tháng Mười vĩ đại và thời đại” của đồng chí V. Đôn-ghích, Bí thư ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô viết riêng cho Tạp chí Cộng sản. Ngoài ra, còn các bài về Cách mạng Tháng Mười của các đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Đức Bình, Hoàng Bích Sơn, Hoàng Minh Thảo, Nguyễn Khánh Toàn, Hà Huy Giáp, Lê Văn Hiến,…
Kỷ niệm 170 năm Ngày sinh của C. Mác (5-5-1818 - 5-5-1988), Tạp chí đăng bài “Chủ nghĩa Mác sáng tạo - ngọn nguồn và cơ sở của sự đổi mới có tính cách mạng” của đồng chí Nguyễn Đức Bình.
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của V.I. Lê-nin (22-4-1870 - 22-4-1990), Tạp chí số 3-1990 đăng xã luận “Vận dụng đúng đắn tư tưởng của Lê-nin về mô hình chủ nghĩa xã hội” và bài “Chủ nghĩa Lê-nin, ngọn đuốc soi đường của Việt Nam và các dân tộc phương Đông”.
Từ cuối năm 1989, trước những biến động ở các nước Đông Âu, và tiếp theo là những biến động ở Liên Xô, Tạp chí đã có những bài cắt nghĩa nguyên nhân những biến động đó, khẳng định rõ sự sụp đổ của một số chế độ xã hội chủ nghĩa không thể coi là sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa xã hội vẫn là lý tưởng và niềm tin của đông đảo những người lao động trên thế giới.
Từ số 5-1987, Tạp chí mở mục “Qua sách báo các nước anh em” (sau đổi thành “Qua sách báo nước ngoài”). Mục này đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin lý luận cần thiết trong hoạt động lý luận của các Đảng anh em và của một số nước trên thế giới. Khi công cuộc cải tổ ở Liên Xô bắt đầu bộc lộ những sai lầm, qua mục này, Tạp chí đã trích đăng những ý kiến của các báo chí trên thế giới đề cập đến những sai lầm đó. Được chọn lọc một cách kỹ càng, các bài trong mục này đã có tác dụng tích cực trong việc nâng cao nhận thức, xác định đúng phương pháp tư tưởng của bạn đọc trước tình hình diễn biến phức tạp của thế giới.
Từ tháng 1-1991, chuẩn bị cho Đại hội VII của Đảng, Tạp chí đã mở mục “Tiến tới Đại hội VII”, đăng một số bài góp ý xây dựng Cương lĩnh và Chiến lược của Đảng. Tháng 2-1991, Tạp chí đăng tổng thuật và các ý kiến phát biểu trong Tọa đàm về “Nội dung thời đại” do Ban Quốc tế tổ chức. Tháng 3-1991, đăng tổng thuật và các ý kiến phát biểu trong Tọa đàm “Về Dự thảo Cương lĩnh và Dự thảo Chiến lược” do Ban Kinh tế tổ chức. Trong cuộc tọa đàm này, có một số ý kiến không xác đáng khi nói về chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Vì vậy, trong số 4-1991, Tạp chí đăng bài “Vài điều cần nói lại”, trong đó Ban Biên tập Tạp chí biểu thị sự không đồng tình với các ý kiến nói trên và trình bày rõ quan điểm của mình. Trong số 5 và số 6-1991, Tạp chí đăng tổng thuật và những ý kiến phát biểu trong Tọa đàm “Quan hệ kinh tế với văn hóa” do Ban Văn xã tổ chức, và Tọa đàm “Quá độ bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” do Ban Chính trị - triết học tổ chức.
Như vậy, từ 1987 cho đến nửa đầu năm 1991, Tạp chí Cộng sản đã có những đổi mới đáng kể về cả nội dung, hình thức. Qua quá trình tìm tòi, các mục trên tạp chí được định hình. Các bài viết đã bớt được tính kinh viện, đã bám sát các vấn đề của cuộc sống, có thêm nhiều hàm lượng thông tin. Các cuộc tọa đàm và mục Nghiên cứu - Trao đổi đã thu hút được nhiều ý kiến, đôi khi trái ngược nhau, nhưng đều có ích cho việc nghiên cứu lý luận và chỉ đạo thực tiễn. Tạp chí đã sử dụng nhiều thể loại bài nhằm thể hiện một cách hấp dẫn những nội dung lý luận. Tạp chí Đảng, nhìn chung, có bước đi vững vàng trong đổi mới và có những đóng góp đáng kể trong việc thúc đẩy đổi mới.
Tuy nhiên, do tính chất khó khăn của nó, những tìm tòi trong đổi mới đôi lúc không tránh khỏi những va vấp. Trên một vài số tạp chí, có lúc số bài xã luận và các bài chuyên luận trình bày một cách chính diện các quan điểm của Đảng về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, còn ít so với yêu cầu. Các cuộc tọa đàm, hội thảo do Tạp chí tổ chức đáp ứng được yêu cầu tự do tư tưởng, đổi mới tư duy theo tinh thần của Đại hội VI. Tuy nhiên, có một ít cuộc còn thiếu sự chuẩn bị và thiếu sự hướng dẫn chu đáo, có bài tổng thuật đăng trên tạp chí còn để lọt những ý kiến sai trái mà không được phản bác kịp thời.
Ngày 28-9-1990 Ban Bí thư Trung ương đã họp để bàn về đổi mới, nâng cao chất lượng Tạp chí Cộng sản, và về phương hướng, biện pháp cải tiến báo Nhân dân. Các đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Đào Duy Tùng, Nguyễn Đức Tâm, Lê Phước Thọ, Trần Kiên đã đến dự. Tham dự có các đồng chí: Hà Xuân Trường, Nguyễn Văn Đặng, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thiện Nhân (Tạp chí Cộng sản), Hữu Thọ, Trần Kiên (báo Nhân dân), Trần Trọng Tân (Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương), Lưu Văn Mẫn (Ban Tài chính quản trị Trung ương), Phan Hiền (Bộ Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch), ...
Thông báo số 224/TB-TW ngày 24-1-1990 của Ban Bí thư về cuộc họp này nói rõ: “Cần tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng và sức hấp dẫn của tạp chí. Trong quá trình đổi mới phải nắm vững chức năng của tạp chí là cơ quan lý luận và chính trị của Đảng. Nhiệm vụ chủ yếu của tạp chí là tuyên truyền những quan điểm, đường lối của Đảng; nâng cao tính lý luận, tính chiến đấu, liên hệ chặt chẽ với thực tiễn, đi sát yêu cầu cuộc sống. Tạp chí có phần đăng những bài nghiên cứu, trao đổi. Việc trao đổi, thảo luận trên tạp chí là cần thiết, nhưng có mức độ, nhằm làm sáng tỏ quan điểm, đường lối của Đảng, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, góp phần hoàn thiện và phát triển các quan điểm của Đảng. Trong quá trình thảo luận, nếu có ý kiến trái với quan điểm của Đảng thì Ban Biên tập cần cân nhắc kỹ. Trong trường hợp thấy cần đăng những loại ý kiến như thế, Ban Biên tập phải có bài phân tích có tính thuyết phục những ý kiến không đúng đó, bảo vệ quan điểm của Đảng. Ban Bí thư cũng xác định tên tạp chí vẫn giữ nguyên là Tạp chí Cộng sản.
Những ý kiến hướng dẫn trên đây của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã được Bộ Biên tập nghiên cứu quán triệt để chuẩn bị tốt hơn cho nhiệm vụ phục vụ các nghị quyết của Đại hội VII của Đảng.
Cuối tháng 6-1991, Đại hội VII của Đảng đã nhất trí cao thông qua các văn kiện: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000; Báo cáo chính trị; Báo cáo xây dựng Đảng và sửa đổi điều lệ Đảng; Điều lệ Đảng (sửa đổi) và bầu Ban Chấp hành Trung ương (khóa VII) do đồng chí Đỗ Mười làm Tổng Bí thư. Tư tưởng xuyên suốt các văn kiện của Đại hội là sự khẳng định toàn Đảng, toàn dân tiếp tục thực hiện đổi mới, đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam. Nếu Đại hội VI là đại hội khởi xướng công cuộc đổi mới với những nét phác thảo cơ bản ban đầu, thì Đại hội VII là đại hội bổ sung, phát triển và hoàn thiện thêm đường lối đổi mới do Đại hội VI khởi xướng, bước đầu hình thành một hệ thống các quan điểm chỉ đạo công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Cùng với việc khẳng định phải tiến hành đổi mới trong định hướng xã hội chủ nghĩa, Đại hội VII đã chỉ rõ quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, khẳng định phương hướng, nhiệm vụ về các mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, thể chế chính trị, đối ngoại, quốc phòng,… trong chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ.
Các nghị quyết, các quan điểm của đại hội có ý nghĩa quyết định chỉ đạo nội dung biên tập của Tạp chí.
Đầu năm 1992, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 01/NQ-TW “Về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay” nhằm nâng cao trình độ lý luận của toàn Đảng, thúc đẩy công tác lý luận của Đảng lên một bước mới. Nghị quyết đó là văn kiện đặc biệt quan trọng soi sáng hoạt động của Tạp chí.
Ngày 3-2-1993, nhân Kỷ niệm lần thứ 63 Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đến thăm Bộ Biên tập Tạp chí. Đồng chí đã nêu nhiều ý kiến quan trọng về công tác của tạp chí (bài nói đó đã đăng trên tạp chí số 3-1993).
Ngày 19-5-1993, nhân Kỷ niệm lần thứ 103 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phạm Văn Đồng, cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đến thăm và làm việc với Bộ Biên tập Tạp chí. Đồng chí nhấn mạnh vai trò của lý luận, chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí Cộng sản trong tình hình hiện nay và đã góp nhiều ý kiến về việc cải tiến nội dung tạp chí.
Cùng với việc phấn đấu quán triệt các quan điểm của Đại hội VII của Đảng, Bộ Biên tập tạp chí đã nghiêm túc nghiên cứu Nghị quyết của Bộ Chính trị “Về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay”, những lời căn dặn của đồng chí Tổng Bí thư và đồng chí cố vấn, và đã tìm cách thể hiện vào công tác của Tạp chí.
Để triển khai việc tuyên truyền Nghị quyết Đại hội VII, từ số 8-1991, Tạp chí mở thêm mục “Đại hội VII - Lý luận và thực tiễn” đăng các bài phục vụ việc quán triệt và thực hiện nghị quyết đại hội. Đến số 1-1992, mục này được thay thế bằng mục “Chủ nghĩa xã hội - Lý luận và thực tiễn” và từ số 11-1993, đổi thành mục “Chủ nghĩa Mác - Lê-nin và thời đại chúng ta”. Các mục đã có như “Nghiên cứu - Trao đổi”; “ý kiến và kinh nghiệm”; “Sinh hoạt tư tưởng”; Thư gửi Bộ biên tập”; “Thế giới: vấn đề, sự kiện”; “Qua sách báo nước ngoài”,... vẫn được duy trì đều đặn trên các số tạp chí. Từ tháng 10-1992, Tạp chí mở thêm mục “Tìm hiểu khái niệm” giúp bạn đọc nắm lại các khái niệm lý luận cơ bản, và mục “Tin hoạt động lý luận”; cả hai mục đều nhằm phục vụ việc thực hiện Nghị quyết số 01 của Bộ Chính trị về công tác lý luận.
Về nội dung biên tập, trước sự trỗi dậy của những luận điểm chống chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chống chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là sau khi Liên Xô sụp đổ, Tạp chí có một loạt bài khẳng định vai trò của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta, kết hợp phê phán những luận điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch của chủ nghĩa xã hội. Có thể kể các bài: “Chủ nghĩa Mác trước bước ngoặt hiện nay của thời đại” (số 11-1991); “Sức sống của chủ nghĩa xã hội” (số 12-1991); “Bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin” (số 3-1992); “Công tác lý luận với nhiệm vụ bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin” (số 9-1993); “Bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin” (số 11-1993); “Những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lê-nin” (1-1994);... Tạp chí số 11-1994 đăng bài “Không có chuyện chủ nghĩa Mác - Lê-nin sụp đổ hay lỗi thời” của đồng chí Nguyễn Đức Bình. Nét đặc sắc của bài báo là đã trình bày một cách nhìn biện chứng về sức sống của chủ nghĩa Mác qua các biến động những năm gần đây trên thế giới. Từ thực tế tình hình của Liên Xô và của công cuộc cải tổ ở Liên Xô trước đây, từ đường lối xét lại, phản bội chủ nghĩa Mác - Lê-nin ở một số người lãnh đạo cao nhất đã từng bước khống chế ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, và từ sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc, bài báo đã phân tích kỹ nguyên nhân sâu xa và những nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp khiến Liên Xô bị sụp đổ, để từ đó đi đến kết luận: tuy một mảng quan trọng của chủ nghĩa xã hội hiện thực đã bị sụp đổ, nhưng tuyệt nhiên điều đó không nói lên rằng chủ nghĩa Mác sai lầm và phá sản. Bài báo chỉ rõ: Chủ nghĩa Mác vẫn tiếp tục sống ở các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, ở ngay những nước mà chế độ xã hội chủ nghĩa vừa bị sụp đổ và ở trong phong trào cách mạng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Cuối cùng, bài báo khẳng định thực tiễn cách mạng Việt Nam là một trong những minh chứng đầy sức thuyết phục về sức sống của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Tạp chí số 11-1994 còn đăng bài “Đi lên chủ nghĩa xã hội là một tất yếu khách quan” của Trường Mậu. Bằng sự phân tích cụ thể, khoa học, với những luận cứ xác đáng, bài báo đã làm rõ tính tất yếu của việc đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, và mặc dù kinh tế nước ta còn lạc hậu, mặc dù hiện nay ở nhiều nước, chế độ xã hội chủ nghĩa đã bị sụp đổ, nhưng sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta nhất định thành công. Tạp chí số 11 (tháng 9-1995) đăng bài “Vì sao Đảng ta kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin?” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Tạp chí đã có nhiều bài nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh. Kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản số 5-1992 đăng bài “Góp phần tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh” của đồng chí Đào Duy Tùng; bài “Một vài suy nghĩ về tư tưởng Hồ Chí Minh” của đồng chí Hà Huy Giáp và bài “Hạt nhân biện chứng trong phương pháp tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Tạp chí số 5-1993 đăng bài “Làm theo lời dạy của Bác Hồ, nâng cao lòng yêu nước thương dân, kiên quyết chống những biểu hiện tiêu cực trong Đảng” của đồng chí Nguyễn Văn Linh; và bài “Tầm cao trí tuệ của Hồ Chí Minh”. Tạp chí số 5-1994 đăng các bài: “Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh”; “Tư tưởng Hồ Chí Minh về mục tiêu và con đường phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta”… Tạp chí số 5-1995 đăng bài “Hồ Chí Minh với việc vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin” và bài “Điều kiện lịch sử xã hội và nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh”. Tạp chí còn có các bài đề cập nhiều khía cạnh khác của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong tình hình mới, Tạp chí coi việc đấu tranh kịp thời chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, bảo vệ ổn định chính trị của đất nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Bằng nhiều bài đăng ở các mục khác nhau, Tạp chí đã đề cập nhiều khía cạnh của các vấn đề: nội dung, mục tiêu của chiến lược “diễn biến hòa bình”; sự phá hoại về tư tưởng của các thế lực phản động trong chiến lược đó; những luận điệu mới của các thế lực chống đảng cộng sản; nội dung và mục tiêu của cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”,...
Vấn đề nhân quyền là một trong những nội dung mà kẻ địch mưu toan lợi dụng để chống phá ta. Số 5-1993, tạp chí đăng bài “Bàn về quyền con người” của đồng chí Nguyễn Thị Bình. Tạp chí cũng đã có nhiều bài khác phân tích thực chất của vấn đề nhân quyền, vạch trần những luận điểm sai trái, những mưu mô đen tối của các thế lực thù địch, như bài “Gương mặt nhân quyền (số 7-1995); “50 năm bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam” (số 10 - tháng 8-1995); “Quyền con người trong sự nghiệp đổi mới của nước ta” (số 12 - tháng 9-1995).
Một nét nổi bật trong nội dung biên tập là Tạp chí đã tuyên truyền kịp thời, có hệ thống và khá tập trung các nghị quyết các kỳ họp của Trung ương Đảng, và cố gắng đi vào những vấn đề nổi cộm trong cuộc sống.
Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII) đã quyết định phương hướng, nhiệm vụ và những biện pháp cụ thể của việc đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Tạp chí số 7-1992 đăng thông báo của Hội nghị và bài “Những nhiệm vụ cấp bách đổi mới và chỉnh đốn Đảng” của đồng chí Lê Phước Thọ. Liên tục trong nhiều số tiếp theo, Tạp chí đăng nhiều bài về chủ đề đổi mới và chỉnh đốn Đảng.
Một năm sau khi triển khai nghị quyết nói trên, Bộ Biên tập Tạp chí đã phối hợp với Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức “Hội nghị trao đổi ý kiến về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ở Thái Bình”. Tạp chí số 6-1993 đăng tổng thuật nội dung hội nghị.
Sau hai năm triển khai Nghị quyết Trung ương 3 khóa VII, Tạp chí số 8-1994 đăng bài của đồng chí Lê Huy Ngọ nhằm sơ kết một bước kết quả thực hiện nghị quyết đó về các mặt: chính trị và tư tưởng; tổ chức; cán bộ và phương thức lãnh đạo của Đảng.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh dự Lễ Kỷ niệm 35 năm Ngày xuất bản Tạp chí Cộng sản (tháng 12-1990) Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười
thăm Bộ Biên tập Tạp chí (tháng 2-1993)
Hội nghị Hội nghị Trung ương 4 khóa VII họp đầu tháng 1-1993 đã thảo luận và ra các nghị quyết: Về công tác giáo dục và đào tạo; Một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt; Những vấn đề cấp bách về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình hiện nay; Chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; Về công tác thanh niên trong tình hình mới.
Trước khi Hội nghị Trung ương 4 họp, Tạp chí đã đăng nhiều bài phục vụ các vấn đề thảo luận tai Hội nghị: “Con người - vấn đề trung tâm của chính sách xã hội” (số 1-1992); “Vấn đề dân số và giáo dục dân số ở Việt Nam” (số 1-1992); “Văn hóa trong sự phát triển kinh tế” (số 5-1992); “Đổi mới và phát triển nền y tế nước ta” (số 7-1992); “Quản lý văn hóa, văn nghệ trong điều kiện kinh tế thị trường” (số 9-1992); “Cơ cấu dân số sinh viên và chính sách giáo dục, đào tạo đối với nông thôn” (số 11-1992).
Trong hai số 11-1991 và 12-1991, Tạp chí đăng tổng thuật Tọa đàm “Văn học: đổi mới và phát triển”. Tháng 12-1992, đăng tổng thuật Tọa đàm “Về văn học nước ta từ sau 1975 đến nay” (cả hai cuộc tọa đàm đều do Ban Văn xã Tạp chí tổ chức), nhằm góp phần vào việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị khóa VI và chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 4 khóa VII.
Sau Hội nghị Trung ương 4 khóa VII, Tạp chí số 2-1993 đã phát biểu xã luận “Xây dựng nền tảng tinh thần vững chắc của chế độ mới” và đăng các bài viết của các đồng chí Đỗ Mười và Nguyễn Khánh về các vấn đề cốt lõi của Hội nghị. Số 3-1993 đăng bài “Vấn đề thanh niên - vị trí trung tâm trong chiến lược con người” của đồng chí Vũ Oanh, và bài bình luận “Nắm vững tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa, văn nghệ trong những năm trước mắt”. Tạp chí số 4-1993 đăng bài “Con người Việt Nam trên con đường dân giàu nước mạnh”, trích từ tác phẩm “Hồ Chí Minh và con người Việt Nam trên con đường dân giàu nước mạnh” của đồng chí Phạm Văn Đồng. Nhằm đánh giá những kết quả đạt được sau hai năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, Tạp chí số 11-1994 đăng bài “Nghị quyết về văn hóa, văn nghệ của Đảng qua hai năm thực hiện” của đồng chí Hà Đăng, nêu rõ những chuyển biến đáng ghi nhận và những khuyết điểm, những sai sót trong việc thực hiện nghị quyết cùng một số vấn đề mới nảy sinh cần giải quyết.
Hội nghị Trung ương 5 khóa VII họp vào đầu tháng 6-1993 đã thảo luận và ra Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn”.
Để góp phần chuẩn bị cho nội dung hội nghị đó, từ nhiều tháng trước, Tạp chí đã có bài thuộc nhiều thể loại khác nhau đề cập đến các vấn đề trong phát triển nông nghiệp, như: công tác khuyến nông; vai trò của nông nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội; sự phân hóa giàu nghèo ở nông thôn hiện nay; thực trạng các nông trường quốc doanh; kinh tế hộ gia đình; phương hướng phát triển của các hợp tác xã nông nghiệp, v.v.. Tạp chí số 6-1993 đăng bài “Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp và phát triển nền nông nghiệp hàng hóa ở nước ta” của đồng chí Võ Chí Công.
Tạp chí số 7-1993 đăng Thông báo của Hội nghị Trung ương 5 và nhiều bài góp phần vào việc nghiên cứu và triển khai Nghị quyết của Hội nghị, trong đó có bài “Tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội ở nông thôn”, bài nói của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Hội nghị ; bài “Một số vấn đề quan trọng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5”. Tiếp tục tuyên truyền cho Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, Tạp chí số 8-1993 có xã luận “Định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn”, các bài về những giải pháp vĩ mô xóa đói, giảm nghèo, về chính sách bảo trợ nông sản; về vấn đề sản lượng lương thực ở đồng bằng sông Cửu Long. Tháng 10-1993, Tạp chí đăng bài “Một số vấn đề chủ yếu trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội nông thôn” của đồng chí Trần Đức Lương.
Từ số 2-1994, Tạp chí tập trung tuyên truyền cho Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng. Trong số 2-1994 và số 3-1994, dưới đề mục “Phấn đấu thực hiện Nghị quyết Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng”, Tạp chí đăng một số văn kiện của hội nghị, đăng xã luận và một số bài viết chung quanh các vấn đề cốt lõi của Hội nghị.
Từ số 7-1994, Tạp chí đã có những bài về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần chuẩn bị nội dung Hội nghị Trung ương 7.
Số 8-1994, đăng Thông báo của Hội nghị và xã luận “Nắm vững các quan điểm cơ bản chỉ đạo quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta”, bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Hội nghị và một số bài về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ số 9-1994, Tạp chí tiếp tục đăng nhiều bài phục vụ việc triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, của các đồng chí Phan Văn Khải, Đặng Hữu, Nguyễn Cơ Thạch, v.v.. Số 11-1994, dưới đầu đề “Tin tưởng và quyết tâm giữ vững độc lập tự chủ, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”, Tạp chí trích đăng một phần bản báo cáo quan trọng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trình bày tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa IX, nêu rõ những vấn đề lớn trong toàn bộ công việc của năm 1995.
Hội nghị Trung ương 8 khóa VII họp từ ngày 16 đến 23-1-1995 đã ra Nghị quyết “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Cải cách một bước nền hành chính nhà nước”. Triển khai Nghị quyết đó, Tạp chí số 3-1995 đã có xã luận “Xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa vững mạnh, thực sự của dân, do dân và vì dân”, và đăng bài “Xây dựng và hoàn thiện chính quyền ngang tầm phát triển của đất nước, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân” của Tổng Bí thư Đỗ Mười, cùng nhiều bài khác nói về cải cách nền hành chính quốc gia; về nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân; về tăng cường tính thống nhất của pháp chế,…
Ngoài các bài trực tiếp tuyên truyền cho các nghị quyết của Trung ương, trên từng lĩnh vực biên tập cụ thể, Tạp chí có những bài đi sát cuộc sống thực tiễn, giải đáp những vấn đề mà cuộc sống đặt ra.
Về kinh tế, tiếp tục làm rõ các vấn đề về kinh tế thị trường và về chế độ sở hữu. Về kinh tế thị trường, đã đề cập đến các nội dung kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường với chủ nghĩa xã hội; kinh tế thị trường và nền dân chủ ổn định; kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; cơ chế kết hợp kế hoạch và thị trường; công bằng xã hội và nền kinh tế thị trường; thông tin trong nền kinh tế thị trường; vai trò của Nhà nước trong quản lý nền kinh tế thị trường; các vấn đề pháp lý của kinh tế thị trường,… Về chế độ sở hữu, đã đề cập đến cách tiếp cận hệ thống, vấn đề đa dạng hóa các hình thức sở hữu; sở hữu nhà nước và kinh tế nhà nước; quyền sở hữu và quyền sử dụng ruộng đất. Ngoài ra, Tạp chí còn có những bài về chống lạm phát, công tác quản lý thị trường, quản lý xí nghiệp quốc doanh, kinh tế cổ phần, thị trường tiền tệ tín dụng, về chủ nghĩa tư bản nhà nước, về thành phần kinh tế tư nhân ở nước ta… Tạp chí số 3-1992 đăng tổng thuật cuộc Hội thảo Khoa học - thực tiễn về tổ chức liên hiệp xí nghiệp quốc doanh, tập trung vào các vấn đề: đánh giá thực trạng liên hiệp xí nghiệp ở nước ta trong thời gian qua; mô hình liên hiệp xí nghiệp và vị trí, chức năng của nó trong nền kinh tế, phương hướng và giải pháp sắp xếp liên hiệp xí nghiệp. Tạp chí cũng đã có những bài về tình hình kinh tế các địa phương. Tháng 1-1993, đăng bài “Sự phân hóa giàu nghèo ở nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long”, tháng 3-1993 đăng bài “Kinh tế hộ gia đình ở An Giang”. Ngoài ra còn có các bài “Long An với việc chinh phục Đồng Tháp Mười” (số 5-1993), “Sông Bé chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chú ý phát triển công nghiệp” (số 7-1993). Tháng 6-1995, Tạp chí đăng bài tổng thuật Hội thảo khoa học về đề tài “Đổi mới hợp tác xã và phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn Thanh Hóa”.
Về chính trị, Tạp chí có những bài về các vấn đề giữ vững ổn định chính trị và đổi mới hệ thống chính trị; cải cách bộ máy nhà nước; nhà nước pháp quyền; tiếp tục hoàn thiện nền dân chủ, xây dựng pháp luật; đấu tranh chống tham nhũng và chống chủ nghĩa quan liêu, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đấu tranh chống âm “mưu diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa VIII đã thông qua Hiến pháp. Cùng với xã luận “Hiến pháp năm 1992 - Hiến pháp của sự nghiệp đổi mới”, Tạp chí số 5-1995 đăng bài nói của Tổng Bí thư Đỗ Mười tại kỳ họp đó của Quốc hội: “Sửa đổi Hiến pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới”.
Tạp chí tiếp tục tuyên truyền chính sách dân tộc của Đảng. Tháng 8-1992, đăng bài “Mấy vấn đề bức thiết đối với các vùng dân tộc thiểu số hiện nay” của đồng chí Nông Đức Mạnh và bài điều tra “Đời sống và việc làm của đồng bào các dân tộc thiểu số ở nước ta”.
Kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945-1995), số 10 (tháng 8-1995) đăng xã luận “Nửa thế kỷ thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp cách mạng Việt Nam” và bài “Dựa vào nhân dân, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, tiếp tục đưa công cuộc đổi mới đến thắng lợi hoàn toàn” của đồng chí Nguyễn Văn Linh; Tạp chí số 11 (tháng 9-1995) đăng bài “Nửa thế kỷ chiến đấu và xây dựng của Nhà nước Việt Nam độc lập trong thời đại Hồ Chí Minh” của Chủ tịch nước Lê Đức Anh, bài “Tầm vóc và ý nghĩa của cuộc Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam mới” của cố vấn Phạm Văn Đồng. Ngoài ra, có các bài “50 năm xây dựng và hoàn thiện chính quyền nhân dân”; “Tổng quan kinh tế Việt Nam sau 50 năm xây dựng và phát triển”; “Góp phần đánh giá 50 năm nửa sau thế kỷ của văn hóa Việt Nam”; “50 năm bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam”…
Về quốc phòng, Tạp chí đề cập đến các vấn đề: quan hệ giữa tiềm lực kinh tế và quốc phòng; tư duy mới về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; quân đội với hoạt động kinh tế,… Số 12-1992, đăng bài “Kết hợp kinh tế với quốc phòng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, số 12-1993 đăng bài “Quán triệt quan điểm quốc phòng toàn dân, tăng cường quản lý nhà nước về quốc phòng” của Đại tướng Đoàn Khuê. Số 5-1994, kỷ niệm 40 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-1994), Tạp chí đăng bài “Điện Biên Phủ 40 năm sau nhìn lại” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bài “Phát huy tinh thần Điện Biên Phủ trong công cuộc đổi mới” của đồng chí Lê Khả Phiêu, và đưa tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Bộ biên tập Tạp chí. Kỷ niệm lần thứ 50 Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam - Ngày hội quốc phòng toàn dân (22-12-1944 - 22-12-1994), Tạp chí đã đăng các bài viết về chủ đề quân sự và quốc phòng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Đoàn Khuê, Thượng tướng Lê Khả Phiêu, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Trung tướng Phan Thu, Trung tướng Hoàng Phương v.v.. và bài “Từ những bà mẹ anh hùng càng ngời sáng thêm gương mặt của mẹ Việt Nam”. Kỷ niệm 20 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-1995), Tạp chí số 4-1995 đăng các bài có tính tổng kết chiến tranh của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Thượng tướng Đào Đình Luyện,...
Về văn hóa giáo dục, ngoài những bài phục vụ việc nghiên cứu và triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, còn có những bài đề cập những vấn đề lý luận cơ bản như “Phương pháp luận về vấn đề văn hóa và phát triển” của giáo sư Trần Văn Giầu (số 2-1993); “Về chức năng văn học và thuyết phản ánh” của nhà thơ đã quá cố Chế Lan Viên (số 3-1993); “Văn hóa và phát triển - sinh thái” (số 10-1993);… Tạp chí cũng có một số bài phê phán kịp thời những biểu hiện không lành mạnh trong đời sống văn học. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày mất của Hải Triều (1954-1994), Tạp chí số 9-1994 đăng bài “Hải Triều, một chiến sĩ văn hóa mác xít dũng cảm và đầy tài năng”. Về khoa học kỹ thuật, số 6-1993 đăng bài “Khoa học và công nghệ trong sự nghiệp đổi mới” của đồng chí Nguyễn Đình Tứ.
Về xây dựng Đảng, ngoài những bài trực tiếp phục vụ việc nghiên cứu và triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, còn có những bài về vấn đề lý luận như “Kinh tế thị trường và vai trò lãnh đạo của Đảng”, “Đảng với vai trò lãnh đạo nhà nước”; “Chung quanh vấn đề Đảng lãnh đạo báo chí”; “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền”;… Kỷ niệm lần thứ 65 Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-1995), Tạp chí số 2-1995 đăng bài “Phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, phấn đấu mãi mãi xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới” của Tổng bí thư Đỗ Mười, bài “Sự kiện lịch sử và tác dụng lịch sử của nó” của cố vấn Phạm Văn Đồng, và các bài về bản lĩnh chính trị, về sự lãnh đạo kiên định và sáng tạo của Đảng. Kỷ niệm lần thứ 105 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-1995), Tạp chí số 5-1995 đăng bài “Hồ Chí Minh với việc vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin” của tác giả Đặng Xuân Kỳ và bài “Giải quyết quan hệ dân tộc và giai cấp theo tư tưởng Hồ Chí Minh” của tác giả Trần Xuân Trường.
Mục “Sinh hoạt tư tưởng” được duy trì đều kỳ, với những bài có nội dung và đầu đề hấp dẫn, như “Bắn chỉ thiên”; “Hạ cánh”; “Cơ chế nói ngược”; “Đổi màu”; “Lại quả”; “Học người xưa”; “Chịu chơi”; “Của chùa”; “Ông từ điển”; “Vi nhân nan, vi nhân nan”; “Cái khó của nghề làm sếp”; “Đế vương chui”;…
Tạp chí thường xuyên giới thiệu các bài viết về địa phương, các cơ sở trên khắp mọi miền của đất nước. Đặc biệt số bài về các địa phương miền Nam tăng rất nhiều so với những năm trước. Đó là kết quả của việc tăng cường cán bộ biên tập cho Ban Thường trú của Tạp chí ở miền Nam từ đầu 1992. Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Thủ đô, Tạp chí số 10-1994 đăng bài “Hà Nội trong sự nghiệp đổi mới” của đồng chí Phạm Thế Duyệt, và các bài về quản lý xây dựng đô thị, về phong trào “Xây dựng người tốt, việc tốt” ở Thủ đô Hà Nội. Kỷ niệm 20 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tạp chí số 4-1995 đăng bài “Thành phố Hồ Chí Minh sau 20 năm giải phóng” của đồng chí Trương Tấn Sang.
Về quốc tế, Tạp chí đã có nhiều bài làm rõ những vấn đề quốc tế mà bạn đọc quan tâm. Đó là các vấn đề: nguyên nhân sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô; nguyên nhân tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô; thế giới sau Liên Xô sụp đổ; tư duy chính trị mới; tình hình trật tự thế giới mới; bài học phát triển của các nước ASEAN; cục diện cạnh tranh và xu thế của kinh tế thế giới; nội dung cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện đại trên thế giới; Việt Nam và ASEAN.
Tạp chí số 12-1992 đăng bài “Tình hình thế giới và chính sách đối ngoại của ta” của đồng chí Hồng Hà. Số 4-1993 đăng bài “Trên đường triển khai chính sách đối ngoại theo định hướng mới” của đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm. Số 7-1993 đăng bài “Châu Á - Thái Bình Dương - một hướng lớn trong chính sách đối ngoại của nhà nước ta”.
Kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, Tạp chí số 11-1991 đăng bài “Sáng mãi Cách mạng Tháng Mười” và bài “Lê-nin với cuộc khủng hoảng của nước Nga năm 1921”; số 11-1993 đăng các bài “Chân lý Cách mạng Tháng Mười”; “Quan điểm của Lê-nin về vấn đề dân tộc và Cách mạng Tháng Mười”; “Cách mạng Tháng Mười với sự chuyển biến tư tưởng của Hồ Chí Minh và Cách mạng Việt Nam”. Số 11-1994, đăng bài “Những giá trị và bài học của Cách mạng Tháng Mười”. Khi đồng chí Ê-rích Hô-nếch-cơ qua đời, Tạp chí đăng bài “Êrích Hônếchcơ - một người cộng sản kiên cường” (số 7-1994). Nhân Đại hội XX của Đảng Cộng sản Nhật Bản họp tháng 7-1994, Tạp chí số 9-1994 có bài giới thiệu những nội dung chủ yếu các văn kiện của Đại hội đó. Số 12-1994, đăng bài “Bước phát triển mới của Trung Quốc và mối quan hệ Việt - Trung” nhân chuyến thăm Việt Nam của đồng chí Giang Trạch Dân. Kỷ niệm lần thứ 125 Ngày sinh V.I. Lê-nin, Tạp chí số 4-1995 đăng bài “Lê-nin với báo chí cách mạng”; “Lê-nin và khoa học tự nhiên”, số 5-1995 đăng bài “Tư tưởng của V.I. Lê-nin sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” của giáo sư Nguyễn Đức Bình.
Để đáp ứng yêu cầu của công tác tư tưởng và lý luận trong giai đoạn mới, thực hiện quyết định của Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư, bắt đầu từ tháng 7-1995, Tạp chí Cộng sản ra hai kỳ một tháng. Đây là một quyết định đúng đắn và cần thiết, bởi vì trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, trong điều kiện bùng nổ thông tin, trình độ dân trí ngày càng cao, đòi hỏi của bạn đọc ngày càng lớn, yêu cầu của công tác lý luận rất nặng nề, nếu Tạp chí ra mỗi tháng 1 kỳ như trước thì không còn thích hợp. Cuộc sống đòi hỏi Tạp chí phải có những thông tin nhanh hơn, phong phú hơn, kịp thời hơn.
Trong bài “Cùng bạn đọc thân mến” nhằm thông báo sự kiện trên, Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản một lần nữa lại khẳng định Tạp chí Cộng sản ra hai kỳ một tháng và tiếp tục đổi mới nhưng trên cơ sở theo đúng tôn chỉ, mục đích và chức năng là cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, bảo đảm không ngừng nâng cao chất lượng mọi mặt của tạp chí. Tạp chí đổi mới nhưng kế thừa những truyền thống tốt đẹp và giữ đúng bản sắc của mình.
Từ khi ra hai kỳ một tháng, Tạp chí có điều kiện đăng nhiều bài hơn, chuyển tải kịp thời hơn đến bạn đọc những thông tin lý luận cần thiết, những quan điểm đường lối của Đảng, tăng thêm những bài nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, giới thiệu những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến cùng nhiều nội dung khác theo chức năng của Tạp chí.
Tạp chí số 1 năm 1996 đăng tường thuật lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Tạp chí lý luận - chính trị của Đảng ra số đầu (1930 - 1995) và 40 năm ra đều kỳ (12-1955 - 12-1995). Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm này, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Đào Duy Tùng, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thường trực đã nhận định: “Trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Tạp chí Cộng sản đã tiếp tục phát huy được truyền thống và những ưu điểm đã có, đồng thời có những bước tiến mới. Nội dung của tạp chí được chuyển hướng để bắt kịp những yêu cầu của giai đoạn mới. Nhiều lĩnh vực quan trọng của công cuộc đổi mới đã được tạp chí đề cập dưới ánh sáng của tư duy mới đúng đắn. Tạp chí đã tập trung làm sáng tỏ và tuyên truyền rộng rãi những quan điểm của Đại hội VI, Đại hội VII và của Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta, tạp chí đã lý giải, phân tích và bước đầu tổng kết một số vấn đề nóng hổi của công cuộc đổi mới, đã nghiên cứu và giới thiệu kinh nghiệm của các điển hình tiên tiến. Tạp chí đã phê phán những quan điểm sai trái và những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, bảo vệ quan điểm và đường lối của Đảng, củng cố niềm tin và định hướng chính trị, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng và trong nhân dân. Tạp chí đã góp phần trang bị cho cán bộ, đảng viên và đông đảo bạn đọc những nhận thức mới đúng đắn... Trung ương Đảng đánh giá cao những thành tựu của tạp chí trong sự nghiệp đổi mới”. Đồng chí Đào Duy Tùng cũng đã chỉ ra rằng bên cạnh những mặt tốt nói trên, Tạp chí cũng còn một số hạn chế và nhược điểm. “Nhìn chung, chất lượng lý luận và tính chiến đấu của Tạp chí chưa cao, chưa ngang tầm nhiệm vụ. Không ít vấn đề nóng hổi của cuộc sống chưa được Tạp chí đề cập kịp thời. Các bài tổng kết thực tiễn, điều tra phát hiện nhân tố mới chưa nhiều. Việc phê phán các nhận thức lệch lạc, chống lại những luận điệu xuyên tạc có lúc chưa kịp thời và chưa có sức thuyết phục cao”.
Ngày 17-2-1996 (tức 29 Tết Bính Tý), đồng chí Lê Đức Anh, ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã đến trụ sở Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản chúc tết cán bộ, nhân viên của Tạp chí.
Hội nghị Trung ương 9 khóa VII họp từ ngày 6 đến ngày 14-11-1995 đã thông qua dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương chuẩn bị trình Đại hội VIII của Đảng. Tạp chí Cộng sản số 17 (tháng 12-1995) đăng bài phát biểu bế mạc Hội nghị của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười và mở mục “Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng”. Mục này đăng các bài góp ý vào Dự thảo văn kiện trình Đại hội VIII.
Để thiết thực góp phần chuẩn bị Đại hội VIII của Đảng, tháng 1-1996, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản đã tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề về định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta”. Đây là một chủ đề quan trọng, có ý nghĩa cả trên phương diện lý luận và thực tiễn, được toàn Đảng, toàn dân ta rất quan tâm. Từ số 4 (tháng 2-1996), Tạp chí đã giới thiệu một số bài tham gia hội thảo của các đồng chí Đặng Xuân Kỳ, Bùi Ngọc Thanh, Nguyễn Khắc Hiền, Nguyễn Văn Oánh, Vũ Hiền, Khổng Doãn Hợi, Nguyễn Duy Quý, Hà Xuân Trường, Tô Huy Rứa, Đào Duy Quát, Trần Xuân Trường,… Các bài đó đã góp phần khẳng định sáu đặc trưng của chủ nghĩa xã hội và bảy giải pháp lớn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta mà Đại hội VII của Đảng đã nêu lên trong Cương lĩnh chính trị là định hướng rất đúng đắn đưa đất nước ta vượt qua khủng hoảng, đi vào thế ổn định và phát triển, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một số bài đã đi vào những nội dung lớn, như độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh với định hướng xã hội chủ nghĩa; vai trò của chính trị trong việc bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; và kết hợp phê phán những quan điểm sai trái đối với định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tạp chí số 12 (tháng 6-1996) với đề mục “Trước thềm Đại hội VIII của Đảng” đã tổng hợp các ý kiến của bạn đọc gửi qua Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản đóng góp vào Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội VIII của Đảng và đăng các bài: “Hồi âm vang vọng của một văn kiện dự thảo”; “Mấy cảm nhận về đại hội các cấp vừa qua của Đảng”; “Suy nghĩ trước thềm Đại hội”;…
*
Từ ngày 28-6 đến ngày 1-7-1996, Đại hội VIII của Đảng họp tại Hà Nội. Đại hội không chỉ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VII, đề ra phương hướng nhiệm vụ trong 5 năm tới, bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa mới mà còn tổng kết 10 năm đổi mới, đề ra mục tiêu, phương hướng, giải pháp thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2020. Trên cơ sở phân tích đặc điểm tình hình thế giới và trong nước, xuất phát từ kết quả 10 năm đổi mới, từ những tiền đề đã được tạo ra, Đại hội nhận định: Nước ta đã chuyển sang thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đại hội đã thông qua Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển cao hơn vào đầu thế kỷ sau.
Tạp chí số 13 (tháng 7-1996) đăng các văn kiện của Đại hội VIII và xã luận “Nỗ lực phấn đấu đưa Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng vào cuộc sống”.
Thực hiện chức năng của mình, từ tháng 7-1996 Tạp chí Cộng sản lấy việc góp phần triển khai nghị quyết Đại hội VIII của Đảng là nhiệm vụ trung tâm hàng đầu. Từ số 13 (tháng 7-1996), Tạp chí mở chuyên mục “Phấn đấu thực hiện nghị quyết Đại hội VIII của Đảng” đăng bài của các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương và địa phương, và của các nhà nghiên cứu lý luận viết về các vấn đề phục vụ việc quán triệt nghị quyết Đại hội VIII. Nội dung của các bài viết này nhằm khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước ta, tiếp tục cụ thể hóa mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, và bàn về các vấn đề xoay quanh việc tiếp tục sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phục vụ trực tiếp việc triển khai Nghị quyết Đại hội VIII, về những vấn đề chung, ngay trong những tháng sau Đại hội, Tạp chí đã đăng các bài: “Về bốn nguy cơ và các giải pháp phòng tránh” của đồng chí Lê Xuân Tùng, số 15 (tháng 8-1996); “Những bài học của 10 năm đổi mới” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, số 16 (tháng 8-1996); “Thống nhất ý chí và hành động theo định hướng tư tưởng chính trị của Đại hội VIII” của đồng chí Trần Xuân Trường, số 19 (tháng 10-1996); “Đại đoàn kết dân tộc là sức mạnh để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” của đồng chí Vũ Oanh, số 17 (tháng 9-1996); “Những giải pháp lớn nhằm phát huy sức mạnh toàn dân thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của đồng chí Võ Văn Kiệt, số 21 (tháng 11-1996). Tạp chí số 3 (tháng 2-1997) ra xã luận “Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện, phấn đấu đưa nhanh Nghị quyết Đại hội VIII vào cuộc sống”; số 11 (tháng 6-1997) đăng bài “Làm sáng tỏ hơn nữa lý luận về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của đồng chí Nguyễn Đức Bình. Tạp chí còn có các bài “Phát triển con người, tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta” của đồng chí Nguyễn Duy Quý, số 19 (tháng 10-1998); “Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao tư tưởng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của đồng chí Đặng Xuân Kỳ, số 8 (tháng 4-1999); “Lược đồ Mác với nhận thức về vùng quá độ và cơ chế thị trường” của đồng chí Vũ Đình Cự, số 2 (tháng 1-1999);…
Ngày 24-12-1996, Hội nghị Trung ương 2 (khóa VIII) ra Nghị quyết “Về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000”, và Nghị quyết “Về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000”.
Ngày 18 - 6-1997, Hội nghị Trung ương 3 ra Nghị quyết “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết “Về Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh”.
Trong năm 1997, cùng với việc triển khai Nghị quyết Đại hội VIII, Tạp chí đã tập trung tuyên truyền cho các nghị quyết nói trên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tạp chí số 1 (tháng 1-1997) đăng bài “Tập trung mọi cố gắng, dành ưu tiên cao nhất cho phát triển giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ” của Tổng Bí thư Đỗ Mười, bài “Phát triển giáo dục và đào tạo nhân tài để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” của đồng chí Nguyễn Văn Hiệu. Ngoài ra, trong việc tuyên truyền cho Nghị quyết Trung ương 2, còn có các bài: “Chủ nghĩa xã hội và văn minh trí tuệ” của đồng chí Vũ Đình Cự, số 2 (tháng 1-1997) ; “Phấn đấu đưa nghị quyết Trung ương 2 vào cuộc sống” của đồng chí Phạm Gia Khiêm, số 5 (tháng 3-1997); “Giáo dục Việt Nam - mười năm đổi mới và chặng đường trước mắt” của đồng chí Trần Hồng Quân, và nhiều bài khác của các nhà nghiên cứu khoa học thuộc hai lĩnh vực giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ. Các bài viết nói trên đã tập trung làm sáng tỏ những tư tưởng chỉ đạo việc phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ. Mục tiêu cơ bản của giáo dục là nhằm xây dựng những con người và thế hệ thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc; có năng lực tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; phát huy tiềm năng của dân tộc và con người Việt Nam... Mục tiêu của khoa học và công nghệ là nâng cao mặt bằng khoa học và dân trí để tiếp thu và vận dụng các thành tựu khoa học, tiến bộ kỹ thuật trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, phát triển mạnh mẽ tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước.
Tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, Tạp chí đăng bài “Tăng cường xây dựng nhà nước và đội ngũ cán bộ vững vàng, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, số 13 (tháng 7-1997) và bài “Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa - một giải pháp cơ bản, cấp thiết để xây dựng nhà nước trong sạch vững mạnh” của Tổng Bí thư Đỗ Mười, số 14 (tháng 7-1997). Tạp chí còn đăng các bài “Tăng cường và đổi mới công tác kiểm tra của Đảng” của đồng chí Nguyễn Thị Xuân Mỹ, số 17 (tháng 9-1997); “Chiến lược cán bộ” của đồng chí Hà Đăng, số 19 (tháng 10-1997). Các bài viết đều chỉ rõ: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng gắn liền với vận mệnh của Đảng và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Chiến lược cán bộ là chiến lược cụ thể trong chiến lược tổng thể của Đảng ta “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nhiệm vụ vừa cơ bản vừa cấp bách. Tiếp đó, vào dịp Quốc hội khóa X họp kỳ thứ nhất, tạp chí đăng các bài “Xây dựng nhà nước và Quốc hội thật sự của dân, do dân và vì dân, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả” của Tổng Bí thư Đỗ Mười, số 19 (tháng 10-1997); “Định hướng chương trình hành động của Chính phủ trong nhiệm kỳ mới” của Thủ tướng Phan Văn Khải, số 20 (tháng 10-1997), cùng các bài “Tăng cường bản chất cách mạng của Nhà nước ta trong tình hình mới”; “Mở rộng dân chủ trực tiếp, thiết thực, đúng hướng và có hiệu quả”;… Tạp chí số 6 (tháng 3-1998) đăng bài “Lực lượng công an nhân dân quyết tâm thực hiện tốt 6 điều Bác Hồ dạy” của đồng chí Lê Minh Hương và số 7 (tháng 4-1998) đăng bài “Kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động các cơ quan nội chính” của đồng chí Trần Đức Lương.
Ngày 29-12-1997, Hội nghị Trung ương 4 khóa VIII ra Nghị quyết “Về tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, cần kiệm để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đến năm 2000”. Hội nghị cũng đã quyết định một số vấn đề quan trọng về nhân sự cấp cao của Đảng, trong đó có việc Ban Chấp hành Trung ương chấp nhận đề nghị của đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười về việc chuyển giao chức vụ Tổng Bí thư, và đã bầu đồng chí Lê Khả Phiêu, Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị, giữ chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ngày 18-2-1998, vào dịp kỷ niệm 69 năm Ngày thành lập Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tới thăm và làm việc với Tạp chí Cộng sản. Tạp chí số 5 (tháng 3-1998) đăng lược ghi bài nói chuyện của đồng chí Tổng Bí thư với Bộ Biên tập dưới đầu đề “Nâng cao hơn nữa chất lượng lý luận và chính trị của Tạp chí Cộng sản”.
Ngày 16-7-1998, Hội nghị Trung ương 5 ra Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, - xác định những giải pháp lớn nhằm triển khai thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 1998 và kế hoạch 5 năm 1996 - 2000.
Trong năm 1998, Tạp chí tiếp tục phấn đấu đưa nhanh các nghị quyết Đại hội VIII, các nghị quyết Hội nghị Trung ương 2, Hội nghị Trung ương 3 vào cuộc sống, đồng thời tập trung tuyên truyền cho Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 và Hội nghị Trung ương 5.
Phục vụ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, Tạp chí số 2 (tháng 1-1998) đăng các bài “Động viên mọi nguồn lực của nhân dân, nêu cao ý thức độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, cần kiệm, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đến năm 2000” của đồng chí Đỗ Mười; “Đồng tâm nhất trí, đoàn kết chặt chẽ, phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, quyết tâm phấn đấu vươn lên, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước” của đồng chí Lê Khả Phiêu; “Tạo thế và lực cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của đồng chí Phạm Văn Đồng;… Tạp chí còn đăng các bài “Quán triệt sâu sắc tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 để đưa nền kinh tế nước ta lên bước phát triển mới” của đồng chí Phạm Thế Duyệt, số 7 (tháng 4-1998); “Nâng cao hiệu lực và hiệu quả chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 1998” của đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, số 9 (tháng 5-1998) và nhiều bài khác bàn về các vấn đề kinh tế quan trọng của đất nước. Các bài viết về Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 đã nêu bật tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt “khơi dậy và phát huy tối đa nội lực”, phân tích một cách khoa học nội lực là gì và làm thế nào để khơi dậy và phát huy tối đa nội lực, đồng thời cũng chỉ rõ sự cần thiết khách quan của việc “nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế”, mối quan hệ khăng khít giữa nội lực và ngoại lực, sự kết hợp nội lực với ngoại lực và chuyển ngoại lực thành nội lực để tạo ra sức mạnh tổng hợp xây dựng đất nước.
Phục vụ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, Tạp chí số 14 (tháng 7-1998) đăng bài “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và số 15 (8-1998) đăng bài “Đưa dân tộc ta đến một tầm cao văn minh mới, đủ sức làm chủ và bảo đảm sự nghiệp cách mạng thắng lợi” của đồng chí Lê Khả Phiêu. Tạp chí còn đăng các bài “Văn hóa Việt Nam - Truyền thống và cốt cách dân tộc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, số 15 (tháng 8-1998); “Bản sắc văn hóa dân tộc và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” của đồng chí Phạm Xuân Nam, số 11 (tháng 6-1998); “Vai trò của văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội ở nước ta” của đồng chí Phạm Quang Nghị, số 13 (tháng 7-1998). Tạp chí số 16 (tháng 8-1998) đăng bài “Mấy vấn đề lớn trong Nghị quyết Trung ương 5 về văn hóa” của đồng chí Nguyễn Đức Bình, và bài “Hệ tư tưởng yêu nước Việt Nam” của giáo sư Trần Văn Giàu; số 18 (tháng 9-1998) đăng bài “Nắm vững các quan điểm cơ bản của Đảng chỉ đạo sự nghiệp văn hóa ở nước ta” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng;…
Ngày 2-2-1999, Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) ra Nghị quyết “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, đồng thời phát động cuộc vận động chính trị lớn, sâu rộng trong toàn Đảng xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình. Cuộc vận động đó nhằm tạo thêm nguồn lực mới cho Đảng, tăng thêm niềm tin của nhân dân với Đảng. Ba nội dung quan trọng nhất của Nghị quyết là: 1) Tăng cường sự thống nhất trong Đảng về nhận thức, ý chí và hành động, kiên trì đấu tranh đẩy lùi bốn nguy cơ; đảng viên phải nói và làm theo nghị quyết, thực hiện đúng Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước; kiên định những vấn đề về quan điểm có tính nguyên tắc của Đảng. 2) Tăng cường giáo dục, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Tiến hành cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có hiệu quả. 3) Củng cố tổ chức, tăng cường sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng. Cải tiến việc ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng. Phục vụ nghị quyết này, Tạp chí đã đăng các bài “Nâng cao sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng; tăng cường mối quan hệ máu thịt với nhân dân, Đảng - Dân một ý chí” của đồng chí Lê Khả Phiêu, số 4 (tháng 2-1999); “Xây dựng Đảng về tư tưởng và chính trị” của đồng chí Nguyễn Đức Bình, số 15 (tháng 3-1999); “Nêu cao danh hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam” của đồng chí Phạm Văn Đồng, số 10 (tháng 5-1999); “Kiện toàn đội tiên phong của cách mạng, củng cố khối đoàn kết toàn dân, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội” của đồng chí Hoàng Tùng, số 10 (tháng 5-1999);… Tạp chí cũng đã đăng các bài khác của đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói về học tập, rèn luyện tư tưởng và đạo đức cách mạng; chuẩn bị tốt việc tự phê bình và phê bình của các cơ quan trung ương và tỉnh thành v.v.. và các bài của các đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Văn An, Nguyễn Thị Xuân Mỹ, Hà Đăng, Tiến Hải,… nhằm phục vụ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến thăm và làm việc với Tạp chí nhân ngày đầu xuân Kỹ Mão 1998. Cùng dự có các đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính phụ trách khối tư tưởng văn hóa và khoa giáo; đồng chí Hà Đăng, Tổng Biên tập Tạp chí
Ngày 16-8-1999, Hội nghị Trung ương 7 ra Nghị quyết “Một số vấn đề về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách Nhà nước”. Tạp chí số 17 (tháng 9-1999) đăng Thông báo của Hội nghị và bài phát biểu của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bế mạc Hội nghị. Số 18 (tháng 9-1999) đăng toàn văn Nghị quyết của Hội nghị.
Ngày 11-11-1999, Hội nghị Trung ương 8 đưa ra kết luận “Về nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2000”. Tạp chí số 23 (tháng 12-1999) đăng Thông báo Hội nghị và bài phát biểu của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bế mạc Hội nghị với nhan đề “Phát huy cao độ mọi nguồn lực, đưa đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển”. Bài phát biểu chỉ rõ: “Nhiệm vụ của năm 2000 rất nặng nề, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân ta phải nỗ lực phấn đấu cao hơn nữa nhằm mục tiêu: đẩy mạnh phát triển kinh tế với tốc độ cao hơn năm 1999, phấn đấu thực hiện cho được các chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược 10 năm (1991 - 2000) và kế hoạch 5 năm (1996 - 2000).
Từ ngày 10-4 đến 19-4-2000, Hội nghị Trung ương 9 đã họp để thảo luận về các dự thảo văn kiện Đại hội IX, nghe báo cáo về kết quả bước hai cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng và bàn phương hướng, nhiệm vụ bước ba của cuộc vận động. Tạp chí số 9 (tháng 5-2000) đã đăng Thông báo của Hội nghị và sau đó, lần lượt nêu lên nhiều vấn đề thuộc nội dung dự thảo Báo cáo chính trị.
Từ ngày 26-6 đến 4-7-2000, Hội nghị Trung ương 10 tiếp tục thảo luận sâu hơn bốn vấn đề lớn trong các dự thảo văn kiện Đại hội IX, nghe Bộ Chính trị báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hội nghị Trung ương 10 đã giao cho Bộ Chính trị căn cứ vào các ý kiến đóng góp của Trung ương, chỉ đạo hoàn chỉnh các dự thảo văn kiện Đại hội IX để gửi đến Đại hội Đảng các cấp. Dưới đề mục mới “Tiến tới Đại hội IX của Đảng”, Tạp chí số 14 (tháng 7-2000) đã đăng Thông báo Hội nghị và bài phát biểu của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phiên bế mạc Hội nghị: “Với tinh thần cách mạng tiến công, vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, đưa đất nước vững bước tiến vào thế kỷ XXI”. Dưới đề mục này, các số tạp chí tiếp theo lần lượt giới thiệu nội dung của Báo cáo chính trị và các văn kiện khác trình Đại hội IX. Cũng dưới đề mục này, từ số 16 (tháng 8-2000) đến số 7 (tháng 4-2001), Tạp chí đã đăng nhiều bài viết đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội IX của Đảng. Tạp chí số 6 (tháng 3-2001) đã đăng Tổng quan những ý kiến đóng góp của nhiều nhà khoa học, giáo sư, tiến sĩ trong cuộc tọa đàm do Tạp chí tổ chức về phần III của Dự thảo Báo cáo Chính trị: Về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Trong khi triển khai Nghị quyết Đại hội VIII và nghị quyết các kỳ hội nghị của Trung ương Đảng, Tạp chí đã cố gắng làm sáng tỏ nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh và chứng minh rằng quyết định của Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng là một bước phát triển trong tư duy lý luận của Đảng ta. Tạp chí có nhiều bài đề cập tư tưởng Hồ Chí Minh về các lĩnh vực hoạt động nhằm làm sáng tỏ thêm các nghị quyết của Đảng. Trong số đó, có các bài “Quan điểm thực tiễn trong phương pháp cách mạng của Hồ Chí Minh” của đồng chí Đặng Xuân Kỳ, số 17 (tháng 9-1996); “Quan điểm của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của đồng chí Nguyễn Duy Quý, số 6 (tháng 3-1997); “Một số nội dung trong tư tưởng nhân văn, đạo đức, văn hóa Hồ Chí Minh” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; “Bác Hồ đem mùa xuân về cho dân tộc” của đồng chí Hà Huy Giáp; “Hồ Chí Minh - nhân cách tiêu biểu của con người văn hóa tương lai” của đồng chí Tô Huy Rứa, số 10 (tháng 5-1997); “Tư tưởng Hồ Chí Minh về kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại với việc phát huy nội lực trong xây dựng đất nước hiện nay” của các tác giả Phạm Ngọc Liên và Đỗ Thanh Bình, số 8 (tháng 4-1998); “Dân và công tác dân vận trong tư tưởng Hồ Chí Minh” của tác giả Tiến Hải, số 10 (tháng 5-1998); “Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương sáng ngời về tự phê bình và phê bình” của tác giả Song Thành; “Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa mãi mãi soi sáng con đường xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, số 14 (tháng 7-1999)... Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2000), Tạp chí số 10 (tháng 5-2000) đăng bài “Hồ Chí Minh - cái nhìn văn hóa xuyên thế kỷ” của tác giả Hà Xuân Trường; “Tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ” của tác giả Vũ Đình Cự; “Tư duy chính trị Hồ Chí Minh, tiếp cận từ góc độ văn hóa” của tác giả Quang Cận. Số 11 (tháng 6-2000) đăng bài “Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng con đường Đảng ta và nhân dân ta tiến vào thế kỷ XXI” của đồng chí Lê Khả Phiêu; “Nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh” của đồng chí Nguyễn Đức Bình; “Tư tưởng Hồ Chí Minh với công cuộc đổi mới hiện nay” của tác giả Văn Tạo. Nét mới trong các bài viết về tư tưởng Hồ Chí Minh là ở chỗ không chỉ phục vụ việc nghiên cứu, mà còn nhằm làm sáng tỏ các nghị quyết của Đảng và soi sáng cho hoạt động thực tiễn.
Bên cạnh các bài đề cập một cách trực tiếp các vấn đề chủ yếu trong Nghị quyết Đại hội VIII và nghị quyết các kỳ hội nghị của Trung ương Đảng, từ tháng 7-1996, Tạp chí còn tuyên truyền kịp thời các sự kiện chính trị nổi bật trong và ngoài nước.
Về lĩnh vực kinh tế, Tạp chí có các bài về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, năng lực và hiệu quả quản lý vĩ mô của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vai trò của các doanh nghiệp, về chủ nghĩa tư bản nhà nước, về bảo hộ sản xuất nội địa, về vai trò của kinh tế hộ... Tạp chí cũng đã có những bài bàn về các vấn đề cụ thể như cổ phần hóa, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, huy động vốn cho đầu tư phát triển, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, phát triển kinh tế rừng... Số 4 (tháng 2-1997) đăng bài “Tiếp tục thực hiện tốt cổ phần hóa một bộ phận doanh nghiệp nhà nước” của đồng chí Nguyễn Tấn Dũng; số 7 (tháng 4-1997) đăng bài “Vấn đề sản xuất kinh doanh của các tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước ở Hà Nội” của đồng chí Lê Xuân Tùng. Số 8 (tháng 4-1997) đăng tổng thuật Hội thảo khoa học: “Hoàn thiện môi trường thể chế cho phát triển bền vững các hoạt động dịch vụ và sản xuất phi nông nghiệp ở nông thôn đồng bằng sông Hồng” do Tạp chí Cộng sản phối hợp với các cơ quan hữu quan phụ trách. Năm 1998, Tạp chí tiếp tục có bài về đầu tư trực tiếp nước ngoài; phát triển kinh tế biển, đầu tư và sử dụng có hiệu quả vốn phát triển nông nghiệp và nông thôn, về quan hệ giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội. Tạp chí số 14 (tháng 7-1998) đăng tổng thuật Hội thảo khoa học “Nghị quyết trung ương 4 (khóa VIII) và vấn đề tín dụng nông nghiệp, nông thôn” do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Năm 1999, Tạp chí đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau chung quanh vấn đề lý luận kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, quan hệ kinh tế và phát triển xã hội, tăng trưởng và phát triển. Tạp chí số 15 và số 16 (tháng 8-1999) đã đăng dưới đề mục “Kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa” bản tóm lược những nội dung chủ yếu nhất của bốn cuộc hội thảo do Hội đồng lý luận Trung ương tổ chức về hai chủ đề: Kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa ; vấn đề sở hữu và thành phần kinh tế. Tạp chí cũng có những bài bàn về chính sách tiền tệ, giảm mức lạm phát, cải cách doanh nghiệp nhà nước, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên,… Năm 2000, Tạp chí có nhiều bài viết về các vấn đề: Kích cầu để phục hồi tăng trưởng kinh tế; chính sách và chiến lược phát triển năng lượng; thuế giá trị gia tăng; hội nhập kinh tế với thế giới; tổ chức lại doanh nghiệp nhà nước; kinh tế trang trại; xóa đói, giảm nghèo;… Nét mới trong lĩnh vực kinh tế là từ sau Đại hội VIII, Tạp chí đã có nhiều bài viết về thực trạng kinh tế các địa phương, các ngành và các cơ sở, làm cho nội dung tạp chí gắn bó chặt chẽ hơn với cuộc sống thực tế.
Về lĩnh vực chính trị - triết học, Tạp chí đã tập trung vào các vấn đề bản chất của Nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới hoạt động của Quốc hội, cải cách nền hành chính quốc gia, đổi mới hoạt động xây dựng pháp luật, mở rộng đại đoàn kết toàn dân, chống tham nhũng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch,… Tạp chí có những bài bàn về các vấn đề phát huy yếu tố con người trong lực lượng sản xuất, phát huy nội lực, quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tạp chí còn có những bài đi sâu vào các khía cạnh triết học của các vấn đề: tính chất, nội dung của thời đại, phạm trù lịch sử và biện chứng, đổi mới và cách mạng, thống nhất và đấu tranh, dân tộc và giai cấp, dân chủ và tập trung v.v.. Số bài viết về các mặt hoạt động chính trị của các địa phương chiếm một tỷ lệ không nhỏ, trong đó có các bài: “300 năm thành phố mang tên Bác Hồ” của đồng chí Trương Tấn Sang, số 15 (tháng 8-1998) và bài “Hà Nội với 45 năm giải phóng thủ đô” của đồng chí Lê Xuân Tùng, số 19 (tháng 10-1999). Chào mừng kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa X, Tạp chí số 18 (tháng 9-1997) có xã luận “Chào mừng Quốc hội khóa X” và các bài “Quốc hội trong điều kiện phát triển mới của đất nước”; “Một số giải pháp nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội”. Kỷ niệm 30 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968-1998), Tạp chí đăng bài “Mậu Thân - một cái Tết đi vào lịch sử” của Đại tướng Văn Tiến Dũng và các bài “Một mùa xuân lịch sử”; “Tết Mậu Thân 1968 - Cột mốc lớn trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam”. Kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Tạp chí số 9 (tháng 5-1999) đăng bài “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và bài “Lai Châu - 45 năm truyền thống Điện Biên” của đồng chí Lò Văn Puốn, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu. Kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-1999) và 10 năm Ngày Hội quốc phòng toàn dân, Tạp chí số 23 (tháng 12-1999) đăng bài “Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị trong thời kỳ phát triển mới của đất nước” của Thượng tướng Phạm Thanh Ngân; số 24 (tháng 12-1999) đăng bài “Phát huy truyền thống vẻ vang, quân đội nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới” của Thượng tướng Phạm Văn Trà, và bài “Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành và chiến thắng của quân đội ta” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Năm 2000, Tạp chí tiếp tục bàn về các vấn đề: Bài học của sự nghiệp đổi mới; sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; cải cách hành chính và lập pháp, mở rộng dân chủ ở cơ sở; đấu tranh chống diễn biến hòa bình... Kỷ niệm 55 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945 - 2000), Tạp chí số 17 (tháng 9-2000) đăng bài “Phát huy cao độ truyền thống cách mạng kiên cường của dân tộc, vì độc lập, vì tự do và phồn vinh của Tổ quốc, vững bước tiến vào thế kỷ XXI” của Chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Từ ngày 19 đến 21-9-2000, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia cùng Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo quốc tế “Việt Nam trong thế kỷ XX”. Tạp chí số 19 (tháng 10-2000) đăng bài phát biểu của đồng chí Tổng bí thư Lê Khả Phiêu trong cuộc gặp mặt với các đại biểu quốc tế dự Hội thảo - Tạp chí số 20 (tháng 10-2000) đã trích đăng các báo cáo của ngài Rô-mét Chan-đra, Chủ tịch danh dự Hội đồng Hòa bình thế giới; của giáo sư, tiến sĩ A-lếch-xăng Li-lốp (đại biểu Bun-ga-ri) và của đồng chí Hê-xút Ai-xê Xô-tô-lông-gô (đại biểu Cu-ba) tại cuộc hội thảo trên.
Về lĩnh vực văn hóa, xã hội, Tạp chí đã bám sát những định hướng lớn của Đại hội VIII, của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 và của Nghị quyết Hôi nghị Trung ương 5, lý giải những vấn đề mà cuộc sống đặt ra như giáo dục, văn hóa, thông tin trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, truyền thống dân tộc và tính hiện đại của truyền thống; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, độc lập tự chủ trong phát triển khoa học và công nghệ; bảo vệ môi trường sinh thái; bảo vệ di sản văn hóa, phát huy và phát triển nguồn nhân lực trẻ; trí thức với sự nghiệp xây dựng đất nước,… Tạp chí cũng có những bài bàn về tình hình văn học, về đạo đức của người thầy thuốc, về công tác báo chí, về thể dục thể thao, về thay đổi việc cưới, việc tang, về xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, về “diễn biến hòa bình” nhìn từ góc độ văn hóa,… Tạp chí cũng đã có nhiều bài giới thiệu hoạt động văn hóa xã hội ở các địa phương, các cơ sở,… Tạp chí số 14 (7-1999) tường thuật cuộc tọa đàm về Nghị quyết Trung ương 5 và văn hóa giao thông; Tạp chí số 20 (tháng 10-1999) tường thuật Hội thảo khoa học và thực tiễn “Những giải pháp tăng cường nguồn lực thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo”. Cuộc tọa đàm và cuộc hội thảo đó do Ban Biên tập Tạp chí phối hợp với các bộ hữu quan tổ chức. Tạp chí cũng đã có một số bài viết về các vấn đề cụ thể như các lễ hội truyền thống, luật tục Tây Nguyên, sử thi Việt Nam, văn hóa Nam Bộ,… Đáng chú ý là từ giữa năm 1998 đến cuối năm 1999, Tạp chí mở mục “Diễn đàn Dân số và Phát triển” trình bày một cách toàn diện quan điểm của Đảng, các chủ trương, chính sách và giải pháp của Nhà nước ta trong Chiến lược dân số và phát triển, góp một phần quan trọng vào việc giáo dục toàn dân thực hiện chiến lược này.
Năm 2000, tiếp tục triển khai Nghị quyết Trung ương 2, Tạp chí đăng bài “Nhìn lại ba năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 về khoa học và công nghệ” của tác giả Đặng Hữu, số 4 (tháng 2-2000); “Khoa học công nghệ và toàn cầu hóa” của tác giả Vũ Đình Cự, số 4 (tháng 2-2000); “Kiên Giang thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về Khoa học và công nghệ” của tác giả Hồ Văn Vĩnh, số 6 (tháng 3-2000)... Tạp chí còn có những bài viết về chính sách xã hội, xóa đói, giảm nghèo, về văn hóa và quan hệ văn hóa với chính trị, về phẩm chất, năng lực của nhà báo, về bảo vệ di sản văn hóa, về hoạt động của ngành y tế, về bảo vệ môi trường, về kinh tế tri thức. Nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, Tạp chí đăng bài “Sức sống 990 năm Thăng Long - Hà Nội” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, số 19 (tháng 10-2000) và bài “Thăng Long - Hà Nội ngàn năm mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời” của nhà sử học Dương Trung Quốc, số 18 (tháng 9-2000).
Về lĩnh vực xây dựng Đảng, các bài đăng trên Tạp chí đã tập trung làm rõ hơn những quan điểm cơ bản của Đảng về quá trình đổi mới xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; về xây dựng Đảng trong công cuộc đổi mới. Một số bài viết đã đi sâu luận giải cơ sở lý luận Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh của công tác xây dựng Đảng, vấn đề tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; giữ vững các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Đảng, như nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đoàn kết thống nhất trong Đảng; vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các loại hình tổ chức cơ sở của Đảng, đấu tranh chống chủ nghĩa quan liêu. Tạp chí số 3 (tháng 2-1997) đăng bài “Đánh giá tổng quát và kinh nghiệm của 4 năm đổi mới, chỉnh đốn Đảng” của đồng chí Nguyễn Văn An; số 19 (tháng 10-1997) đăng bài “Mấy vấn đề về xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn” của đồng chí Tiến Hải; số 9 (tháng 5-1999) đăng bài “Nghị quyết và cuộc sống”; số 19 (tháng 10-1999) đăng bài “Vấn đề của xây dựng, chỉnh đốn Đảng” của đồng chí Hà Đăng. Nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên trong hoạt động thực tiễn, Tạp chí có những bài bàn về xây dựng trí tuệ, phẩm chất của người cán bộ hiện nay, về đảng viên làm kinh tế tư nhân. Tạp chí đã dành khá nhiều bài viết về công tác xây dựng Đảng ở các địa phương và cơ sở. Tạp chí số 4 (tháng 2-1999) đăng bài “Bài học từ sự kiện Thái Bình” của đồng chí Đỗ Mười. Kỷ niệm 50 năm bài viết của Bác Hồ về “Dân vận”, Tạp chí đăng bài “Nhớ ngày 15 tháng 10” của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và nhiều bài về hoạt động của các tổ chức quần chúng như Công đoàn, Đoàn Thanh niên cộng sản, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh v.v.. Tạp chí số 19 (tháng 10-2000) đăng bài “Phát huy truyền thống 70 năm công tác dân vận của Đảng”, của đồng chí Trương Quang Được. Trong hai ngày 10 và 11-11-2000, tại Hà Nội diễn ra cuộc Hội thảo khoa học Việt Nam - Trung Quốc với chủ đề “Chủ nghĩa xã hội - kinh nghiệm của Việt Nam, kinh nghiệm của Trung Quốc”, Tạp chí Cộng sản số 23 (tháng 12-2000) đã đăng bài giới thiệu những nội dung chính trong bản tham luận của đồng chí Nguyễn Đức Bình, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam dưới nhan đề “Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, Tạp chí không chỉ chú trọng những bài lý luận chính diện mà còn rất chú ý phê phán và bác bỏ những luận điệu chống chủ nghĩa xã hội, chống đường lối, chủ trương của Đảng. Tháng 4 và tháng 5-1998, góp phần chuẩn bị Hội nghị Trung ương 5 bàn về vấn đề xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Tạp chí Cộng sản đã cùng với các cơ quan lý luận, báo chí khác của Đảng mở cuộc đấu tranh bác bỏ luận điệu của một nhóm người chống lại đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, đòi xóa bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường, đòi Đảng từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ và thi hành kiểu dân chủ tư sản, đòi đa nguyên chính trị mà thực chất là đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng. Các bài “Cách nhìn và cái biết” của tác giả Nhạn Đà, số 7 (tháng 4-1998); “Chế độ một Đảng và việc thực thi dân chủ” của tác giả Tiến Hải, số 8 (tháng 4-1998); “Một số vấn đề về đường lối quan điểm hiện nay” của tác giả Đặng Xuân Kỳ và “Kinh tế thị trường theo định hướng nào” của tác giả Việt Xuân, số 9 (tháng 5-1998) là những bài viết có chất lượng và tính thuyết phục cao trong cuộc đấu tranh này.
Viết về các đồng chí lãnh đạo của Đảng cũng là một mảng đề tài được Tạp chí coi trọng trong việc giáo dục về truyền thống của Đảng. Kỷ niệm lần thứ 90 Ngày sinh đồng chí Trường Chinh (9-2-1907 - 9-2-1997), Tạp chí số 3 (tháng 2-1997) đăng bài “Những cống hiến xuất sắc của đồng chí Trường Chinh đối với cách mạng Việt Nam” của tác giả Đức Vượng, và bài “Trường Chinh, một tư duy văn hóa sáng tạo” của tác giả Hà Xuân Trường. Kỷ niệm lần thứ 90 Ngày sinh đồng chí Lê Duẩn (7-4-1907 - 7-4-1997) Tạp chí số 7 (tháng 4-1997) đăng bài “Lê Duẩn, nhà chiến lược chính trị quân sự có tầm cỡ” của đồng chí Hoàng Tùng và bài “Làm chủ, một tư tưởng cao đẹp” của tác giả Vũ Hiền. Kỷ niệm lần thứ 85 Ngày sinh đồng chí Nguyễn Văn Linh (1-7-1915 - 1-7-2000), Tạp chí số 13 (tháng 7-2000) đăng bài “Đồng chí Nguyễn Văn Linh, người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo có uy tín lớn” của tác giả Phạm Hồng Chương. Kỷ niệm lần thứ 95 Ngày sinh đồng chí Phạm Văn Đồng (1-3-1906 - 1-3-2001), Tạp chí số 6 (tháng 3-2001) đăng bài “Đồng chí Phạm Văn Đồng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và nhân dân ta” của đồng chí Lê Hữu Nghĩa.
Tạp chí còn có các bài viết về các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng đã quá cố như các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Châu Văn Liêm, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Chí Thanh, Đào Duy Tùng,…
Đồng chí Phạm Văn Đồng, cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng thăm Bộ Biên tập Tạp chí (tháng 5-1993) |
Đồng chí Đào Duy Tùng, Ủy viên Bộ Chính trị, gặp mặt và nói chuyện thân mật với cán bộ Biên tập và cộng tác viên Tạp chí (tháng 1-1994) |
Mục “Sinh hoạt tư tưởng” vẫn được duy trì hầu như đều kỳ mặc dù Tạp chí ra mỗi tháng hai kỳ, đòi hỏi một khối lượng bài khá nhiều. Mục này tập trung phê phán những căn bệnh tư tưởng, lối sống không phù hợp, với cách viết ngày càng hấp dẫn. Có thể tìm thấy ở mục này nhiều bài với đầu đề có sức hấp dẫn, ví dụ : “Phức tạp của phức tạp”, “Cơ chế thiện chí”, “Tự hào hay kiêu ngạo cộng sản”, “Chuyện không đề”, “Cái thuyết vay dân chủ”, “Đối mặt với ... chính mình”, “Đầu tư quan hệ”, “Quanh chuyện cái phong bì”, “Con voọc quần đùi trắng”, “Nghịch lý đói nghèo”, “Nghiện phê bình”, “Dân trí thấp ?”,
“Ngũ chứng nan y”, “Khó vào, khó ra”, “Chuyện nghe được ở quán “mộc tồn””, “Oan thị kính”, “Của để dành”, “Dốt”,…
Về lĩnh vực quốc tế, Tạp chí đã có những bài viết về những xu thế của thế giới và tính chất của thời đại, về toàn cầu hóa, về thế giới thứ ba trong cục diện chính trị mới, về ASEAN; về đường lối đối ngoại của Đảng ta. Chỉ trong hai năm 1998 và 1999, Tạp chí đã đăng hơn 20 bài đề cập vấn đề toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế dưới nhiều khía cạnh và góc nhìn khác nhau, chỉ rõ toàn cầu hóa là một xu thế khách quan đã và đang cuốn hút ngày càng nhiều quốc gia tham gia, đồng thời đó cũng là quá trình đang bị chủ nghĩa tư bản thế giới chi phối cho nên chứa đầy mâu thuẫn, vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác, vừa có đấu tranh. Tạp chí cũng chỉ rõ hội nhập kinh tế quốc tế cũng là một yêu cầu khách quan, ta phải chủ động hội nhập để tranh thủ thêm thế và lực cho đất nước nhưng hội nhập kinh tế quốc tế phải bảo đảm được độc lập, chủ quyền và bảo vệ văn hóa dân tộc. Các kiến thức về nền kinh tế tri thức và xã hội thông tin cũng được trình bày khá sắc nét trên nhiều số tạp chí mà tác giả là những nhà khoa học hàng đầu, như Đặng Hữu, Vũ Đình Cự,... Tạp chí đã kịp thời phản ánh và bình luận những vấn đề quốc tế và khu vực đáng quan tâm, như tình hình Trung Đông, tình hình châu Phi, sự kiện I-rắc, cuộc khủng hoảng tiền tệ ở châu á, tình hình In-đô-nê-xi-a, Hội nghị cấp cao lần thứ bảy của Cộng đồng các nước sử dụng tiếng Pháp,… Kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 - 7-11-1997) Tạp chí số 22 (tháng 11-1997) đăng bài “Cách mạng Tháng Mười và công cuộc đổi mới của nhân dân ta” của đồng chí Lê Khả Phiêu, và bài “Cách mạng Tháng Mười tiếp tục soi sáng con đường chúng ta đi” của đồng chí Nguyễn Đức Bình. Tạp chí số 21 (tháng 11-1997) đăng bài “Đại hội XV Đảng Cộng sản Trung Quốc - một đại hội xuyên thế kỷ” của Đại sứ Trung Quốc Lý Gia Trung. Tạp chí số 24 (tháng 12-1997) đăng bài “Đại hội V Đảng Cộng sản Cu-ba - đại hội của sự đoàn kết và kiên định xã hội chủ nghĩa”.
Kỷ niệm 150 năm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ra đời (1848-1998), Tạp chí đã có một loạt bài về giá trị bền vững và ý nghĩa thời sự của Tuyên ngôn, trong đó số 5 (tháng 3-1998) có bài “Sống mãi tư tưởng vĩ đại của Tuyên ngôn” của đồng chí Nguyễn Đức Bình, số 6 (tháng 3-1998) có bài “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản và sự nghiệp của chúng ta” của đồng chí Tố Hữu. Kỷ niệm 180 năm Ngày sinh Các Mác (5-5-1818 - 5-5-1998), Tạp chí số 9 (tháng 5-1998) đăng bài “Nhân cách, thiên tài và sự nghiệp vĩ đại của Các Mác”. Tháng 2-1998, Tạp chí đăng bài “Đối ngoại Việt Nam năm 1998” của đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm. Khi cuộc chiến ở Nam Tư nổ ra, Tạp chí đã kịp thời có bài lên án âm mưu và hành động của chủ nghĩa đế quốc như các bài “Cuộc hủy diệt lớn nhân danh đạo lý”, số 8 (tháng 4-1999); “NATO với cuộc sắp đặt trật tự thế giới mới”; “Một kiểu chiến tranh xâm lược thời toàn cầu hóa”, số 9 (tháng 5-1999); “Cô-xô-vô và hệ quả”, số 10 (tháng 5-1999); “Chiến tranh Nam Tư: Bước ngoặt trong quan hệ quốc tế”, số 18 (tháng 9-1999);… Kỷ niệm 50 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Tạp chí số 18 (tháng 9-1999) đăng bài “50 năm Cộng hòa nhân dân Trung Hoa”; số 19 (tháng 10-1999) đăng bài “Công cuộc cải cách mở cửa và giải phóng tư tưởng ở Trung Quốc” của Đại sứ Lý Gia Trung.
Năm 2000, bên cạnh những bài đề cập các sự kiện quốc tế quan trọng, Tạp chí còn có những bài về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, về quan hệ Việt Nam và Liên minh châu Âu, về kinh tế ASEAN,… Về các vấn đề lý luận chung, Tạp chí có bài về thách thức của nền kinh tế tri thức đối với các nước đang phát triển; về hội nhập kinh tế quốc tế; về những mâu thuẫn cơ bản của thời đại trong giai đoạn hiện nay; về phương pháp luận tiếp cận triết học vấn đề toàn cầu hóa,…
Các mục Qua sách báo nước ngoài và Tìm hiểu khái niệm đã bám sát tình hình thời sự và nhu cầu bạn đọc, cho nên ngày càng có tính hiệu quả thiết thực, được bạn đọc hoan nghênh, coi đó là một phần không thể thiếu để nâng cao trình độ nhận thức.
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Tạp chí lý luận và chính trị của Đảng ra số đầu tiên, ngày 22-12-2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về công tác của Tạp chí Cộng sản trong tình hình mới. Chỉ thị nhận định: “Trong công cuộc đổi mới, Tạp chí Cộng sản đã có nhiều cố gắng trong công tác lý luận, đưa đường lối, quan điểm của Đảng vào cuộc sống, tham gia tổng kết thực tiễn, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội trên thế giới tạm thời lâm vào thoái trào, tình hình thế giới đã có nhiều biến động phức tạp, Tạp chí đã kiên định đấu tranh chống các quan điểm, tư tưởng sai trái và các luận điệu thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng. Tuy vậy, Tạp chí Cộng sản cũng còn có một số nhược điểm cần khắc phục, nhất là trình độ lý luận và tính chiến đấu chưa cao; việc phân tích và tổng kết những vấn đề mới, phức tạp do thực tiễn cách mạng trong nước và thế giới đặt ra chưa kịp thời và sắc bén ...”. Chỉ thị đã nêu rõ nhiệm vụ cơ bản và quan trọng của Tạp chí Cộng sản trong thời gian tới là: “trên cơ sở phân tích đúng tình hình thế giới và cục diện mới của đất nước, góp phần hướng dẫn về lý luận và hoạt động thực tiễn cho cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng các cơ quan lý luận của Đảng đi tiên phong trong công tác lý luận, bảo vệ, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ chủ nghĩa xã hội, làm nổi bật những cống hiến về lý luận và thực tiễn của Đảng ta vào kho tàng lý luận cách mạng của thế giới”. Chỉ thị cũng đã vạch ra những nhiệm vụ cụ thể trước mắt của Tạp chí là góp phần cùng toàn Đảng tổng kết thực tiễn 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII, 10 năm thực hiện Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 và 15 năm đổi mới; tổ chức tổng kết kinh nghiệm làm Tạp chí, rút ra những bài học bổ ích phục vụ thiết thực chặng đường mới.
Tạp chí số 2 (tháng 1-2001) đã đăng toàn văn Chỉ thị này, coi đó là chỗ dựa quan trọng để Tạp chí có hướng đi đúng khi bước vào thiên niên kỷ mới.
*
Từ ngày 19-4 đến 22-4-2001 đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng. Đại hội IX, Đại hội của Trí tuệ, Dân chủ, Đoàn kết, Đổi mới đã khẳng định: Với những thắng lợi đã giành được, đất nước ta đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Để thực hiện những nhiệm vụ và định hướng phát triển nêu trên, Đại hội đã xác định: Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng diễn ra từ ngày 18-4 đến 25-4-2006 với chủ đề: Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Cùng với việc đánh giá những thành tựu rất quan trọng đạt được trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử mà đất nước đạt được sau 20 năm đổi mới, Đại hội khẳng định việc thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra sẽ đánh dấu một bước phát triển mới trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm đầu thế kỷ XXI. Đại hội nhấn mạnh đòi hỏi bức bách của toàn dân tộc ta là phải tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn, phát triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng họp từ ngày 12-1 đến 19-1-2011 với chủ đề: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đại hội đã nhất trí thông qua các văn kiện rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài đối với sự phát triển của đất nước ta: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; phương hướng, nhiệm vụ chính trị 5 năm 2011 - 2015 và Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi). Đại hội kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào ta ở nước ngoài, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thực hiện chức năng của mình, Tạp chí Cộng sản đã nghiêm túc và kịp thời triển khai việc tuyên truyền Nghị quyết Đại hội IX, Đại hội X, Đại hội XI, các nghị quyết của các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, khóa X và khóa XI.
Nội dung tuyên truyền được thể hiện trên các lĩnh vực cụ thể.
Về lĩnh vực kinh tế, trong ba nhiệm kỳ - từ Đại hội IX đến Đại hội XI, những vấn đề kinh tế đã tuyên truyền sâu trên các ấn phẩm của Tạp chí Cộng sản được tập trung chủ yếu ở những nội dung:
Thứ nhất, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Về thể chế kinh tế thị trường, các bài đăng trong những năm qua đã cơ bản làm rõ vấn đề lý luận về nền kinh tế thị trường, đồng thời nêu rõ rằng đó không phải là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản, phát triển kinh tế thị trường không phải là đi theo con đường của chủ nghĩa tư bản. Bài “Những đột phá tư duy lý luận về kinh tế thị trường ở nước ta” (số 16, năm 2004), bài “Một số ý kiến về định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam” (số 850, năm 2013) của đồng chí Lê Xuân Tùng, bài “Tính đặc thù theo định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở nước ta” (số 849 năm 2013) của đồng chí Vũ Văn Phúc... đã phác họa cách tiếp cận biện chứng có sức thuyết phục về sự kết hợp giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiều bài đề cập đến vấn đề kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng dưới nhiều góc độ khác nhau, như kinh tế tư nhân, phát triển xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế nhà nước...Về cơ sở khoa học của việc kết hợp thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa, Tạp chí đã đăng các bài về bản chất của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội trên cơ sở tổng hợp những thông tin về Hội thảo quốc tế giữa hai Đảng - Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam (số 34, năm 2003). Một số bài, như “Về định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường”, “Góp phần tìm hiểu kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”... đã cơ bản giải quyết được những vấn đề lý luận về sự kết hợp giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, Tạp chí còn giới thiệu nhiều bài viết bàn về việc phát triển các loại thị trường ở Việt Nam, như thị trường hàng hóa, thị trường tài chính - tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường sức lao động, thị trường khoa học và công nghệ... như bài “Phát triển đồng bộ các loại thị trường” của tác giả Hoàng Đức Thân (số 7 năm 2003) hay bài “Chiến lược phát triển thị trường bất động sản trong tiến trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng (số 862, năm 2014); vai trò điều tiết và giữ vững định hướng phát triển của nhà nước trong nền kinh tế thị trường; về những vấn đề cần giải quyết trong quá trình xây dựng thể chế kinh tế thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, như bài của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng” (số 832, năm 2012), bài “Kiên định phát triển mạnh mẽ và bền vững nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của Nhị Lê, đăng trên số 842 (12-2012);…
Thứ hai, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các bài viết đã tập trung phân tích những nội dung cơ bản của công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các bước thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phương thức tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa; những nội dung cụ thể, như thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế (cơ cấu ngành, cơ cấu sản xuất, cơ cấu đầu tư, cơ cấu vùng kinh tế, cơ cấu về khai thác lợi thế so sánh, cơ cấu thành phần kinh tế...). Tiêu biểu như các bài “Về công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam” của tác giả Đỗ Quốc Sam (số 11, năm 2006); “Giải pháp nào cho sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay” của tác giả Phạm Tất Thắng (số 790, năm 2008); “Công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và sự phát triển bền vững” của tác giả Nguyễn Trọng Chuẩn (số 827, năm 2011); “Một số vấn đề cơ bản cần tập trung giải quyết để đưa Việt Nam thành công trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (số 859, năm 2014); “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam: Quan điểm cơ bản, vấn đề đặt ra và kiến nghị” của tác giả Trần Thị Minh Châu (số 860, năm 2014)…
Thứ ba, về các thành phần kinh tế và chế độ sở hữu. Về chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, các bài viết đã đề cập đến nhiều khía cạnh và phân tích các vấn đề có liên quan, như kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước, chính sách thuế khuyến khích phát triển kinh tế nhiều thành phần…Tiêu biểu như bài “Phát triển các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế nhiều thành phần” của tác giả Đinh Văn Ân (số 8, năm 2004), bài “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” của đồng chí Ngô Văn Dụ (số 812, năm 2010),… Về cạnh tranh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, cụm bài về các thành phần kinh tế được đề cập không nhiều, nhưng trong các bài về nâng cao chất lượng tăng trưởng, chống tụt hậu xa hơn về kinh tế, xây dựng thế chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... đều bàn đến việc cần sớm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, vì chủ trương của Đảng coi các thành phần kinh tế tồn tại lâu dài và cạnh tranh bình đẳng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các bài tuyên truyền cũng có sự phân tích, so sánh với các nền kinh tế thị trường khác, nhất là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc, và những nước có luật cạnh tranh hoàn thiện. Vấn đề này cũng được giải quyết trong bàn luận về vị trí, vai trò của kinh tế nhà nước. Các bài viết đều khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước như một bảo đảm tính định hướng, thế nhưng chủ đạo như thế nào vẫn là vấn đề tiếp tục cần làm rõ.
Về đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước là mảng vấn đề được đề cập khá dày, có nhiều bài viết chất lượng cao đề cập đến nhiều vấn đề chung quanh cải cách doanh nghiệp nhà nước, như phân loại doanh nghiệp, vai trò vị trí, phương hướng nâng cao hiệu quả, xây dựng Đảng, thực hành dân chủ cơ sở... Nhưng nổi bật nhất vẫn là những bài bàn luận về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Các bài đăng trên Tạp chí Cộng sản đã góp phần tháo gỡ những vướng mắc tư tưởng về những nhận thức sai lầm cho rằng cổ phần hóa ở nước ta là tư nhân hóa; khẳng định cổ phần hóa ở nước ta thực chất quá trình đa dạng hóa sở hữu, là giải pháp rất cơ bản để khắc phục tình trạng công hữu hình thức - “cha chung không ai khóc”. Các bài trên Tạp chí Cộng sản về mảng vấn đề này đã được thực hiện khá thành công, có tiếng vang và có tác dụng thực tiễn tốt, được nhiều bạn đọc đánh giá cao. Đáng chú ý là bài “Thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng về nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” của tác giả Hồ Xuân Hùng (số 8, năm 2004); bài “Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam: mấy vấn đề lý luận và thực tiễn” của tác giả Lê Hữu Nghĩa (số 22, năm 2004); “Đổi mới nhận thức và quan niệm về sở hữu” của tác giả Trương Giang Long (số 17, năm 2006); “Về tập đoàn kinh tế nhà nước ở Việt Nam sau gần 5 năm thí điểm hoạt động” của tác giả Đinh La Thăng (số 817, năm 2010), bài “Đổi mới nhận thức về doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của đồng chí Vũ Văn Phúc (số 838, năm 2012)…
Triển vọng phát triển của các thành phần kinh tế dân doanh cũng là nội dung được đề cập trong giai đoạn này. Các bài đều phân tích sâu và có sự đánh giá tổng quát về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân, như một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế nước ta, là những hạt nhân quan trọng để phát triển kinh tế thị trường, huy động các nguồn lực trong nhân dân, nâng cao năng lực cạnh tranh trên hai cấp độ: doanh nghiệp và sản phẩm. Đồng thời, kinh tế tư nhân góp phần hình thành môi trường cạnh tranh sôi động của nền kinh tế.
Một số bài đã đề cập đến những dự báo về xu hướng phát triển của các thành phần kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến khu vực kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Mặc dù không có bài riêng phân tích về vấn đề này, nhưng trong các bài viết về kinh tế nhiều thành phần đã ít nhiều khơi lên vấn đề từng bước hướng tới một xã hội tham dự, gồm các cổ đông là những người lao động, trong đó nhà nước định hướng và điều hành thị trường chứng khoán.
Trong quá trình tổng kết lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới, trên Tạp chí Cộng sản đã đề cập đến nội dung về cách thức, tiêu chí phân định các thành phần kinh tế. Một số bài đã mạnh dạn đề xuất mục tiêu phân định làm sao xóa bỏ được những định kiến, mặc cảm cũ về tư sản, nhà tư sản để tạo môi trường bình đẳng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong xây dựng đất nước. Có những ý kiến đề xuất bốn thành phần (kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài). Có một vài ý kiến lại nêu chỉ nên có hai thành phần chính: kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân. Nhìn chung, trong cách lập luận, đề xuất đều nằm trong bối cảnh của một bài luận khá chặt chẽ, lại trong thời gian tiến hành tổng kết lý luận và thực tiễn, nên việc có nhiều ý kiến khác nhau trên các trang Tạp chí cũng đã thu hút sự chú ý của bạn đọc.
Thứ tư, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Các bài viết đã phân tích vấn đề xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ từ nhiều khía cạnh, như vị trí, vai trò của doanh nghiệp trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế; nền kinh tế độc lập tự chủ và chủ nghĩa xã hội; độc lập tự chủ và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; độc lập tự chủ và toàn cầu hóa kinh tế quốc tế... Tạp chí đã tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam với công cuộc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế”. Có thể kể đến bài “Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế” của tác giả Chu Văn Cấp (số 836, năm 2012). Về cơ bản, các bài đã tập trung giải thích, tuyên truyền những vấn đề sau: Khái niệm về nền kinh tế độc lập tự chủ trong xu thế phát triển mới; những điều kiện cần và đủ để bảo đảm tính độc lập và tự chủ với nội dung mới; tính độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa; bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế và nội dung của độc lập tự chủ,…
Thứ năm, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Số lượng bài viết khá phong phú đã đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau trong quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, như thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về hội nhập, thương mại, các vụ kiện thương mại, nhãn hiệu hàng hóa, năng lực cạnh tranh cả ba cấp độ, các ngành và các địa phương, doanh nghiệp,... Đáng chú ý là các bài “Chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế” của đồng chí Nguyễn Thị Doan (số 19, tháng 1-2001); “Việt Nam trên lộ trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới” của đồng chí Tô Huy Rứa (số 13, năm 2004); bài “Tác động của việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và hội nhập kinh tế quốc tế đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam - một năm nhìn lại” của đồng chí Trương Đình Tuyển (số 783, năm 2008)… Đặc biệt, vào tháng 12-2014, Tạp chí Cộng sản đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học - thực tiễn, với chủ đề “Hội nhập kinh tế quốc tế: 30 năm nhìn lại và thực tiễn Quảng Ninh”. Sau Hội thảo, bên cạnh Báo cáo Đề dẫn và Tổng thuật Hội thảo, Tạp chí còn chọn lọc đăng tải một số bài viết trên các ấn phẩm của mình. Về cơ bản, các bài đã tập trung làm rõ và giải quyết tốt một số vấn đề cơ bản về chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, như khẳng định tính tất yếu khách quan của chủ trương chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; thời cơ và thách thức của quá trình hội nhập; đánh giá một số thành tựu đã đạt được trong quá trình hội nhập (ngành hàng, ngành kinh tế, mức độ hội nhập, năng lực cạnh tranh, kinh nghiệm một số nước...); những vấn đề đặt ra cần tiếp tục làm rõ trong thời gian tới. Các bài đã nêu một số đề xuất, kiến nghị về việc sớm đồng bộ hóa các loại hình thị trường, đưa Luật Cạnh tranh vào cuộc sống, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước, sớm có pháp lệnh về đấu thầu nhà nước, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí...
Thứ sáu, điều hành vĩ mô nền kinh tế. Nội dung này cũng được giới thiệu khá phong phú, vì nó liên quan đến nhiều vấn đề kinh tế ngành, như: tài chính, tín dụng, ngân hàng, nhà nước, khoa học quản lý, quy hoạch - kế hoạch, thể chế kinh tế thị trường, phương thức quản lý điều hành nền kinh tế... Điều hành vĩ mô nền kinh tế có vai trò quan trọng nhằm từng bước tăng trưởng kinh tế nhanh, hội nhập kinh tế quốc tế chủ động và tích cực hơn, khẳng định vị thế của một quốc gia đối với nền kinh tế thế giới. Nội dung các bài đăng trên lĩnh vực này gồm: Phương thức điều hành vĩ mô nền kinh tế; công cụ điều hành vĩ mô nền kinh tế; về tài chính, ngân hàng, lưu thông tiền tệ, chính sách thuế, huy động và sử dụng ngân sách nhà nước, về các đòn bẩy kinh tế, về quá trình đưa các luật kinh tế vào cuộc sống (Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Cạnh tranh, Luật Ngân sách, Luật Thương mại, Luật đầu tư...), tổng kết và sơ kết các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế. Về nội dung này, tiêu biểu là bài của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng “Phát triển thị trường tài chính, nâng cao hiệu quả tài chính đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tê” (số 12-2004); bài “Tăng cường quản lý hiệu quả nợ công ở nước ta” của tác giả Vương Đình Huệ (số 821, năm 2011), bài “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm toán nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam” của tác giả Nguyễn Hữu Vạn (số 853, năm 2013), bài “Điều hành chính sách tiền tệ góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội” của tác giả Nguyễn Văn Bình (số 859, năm 2014), bài “Chính sách tài khóa giai đoạn 2011 - 2015: Điều chỉnh đòn bẩy tài chính” của tác giả Vũ Nhữ Thăng (sô 869, năm 2015),…
Thứ bảy, tổng kết thực tiễn. Những năm qua, các vấn đề về tổng kết thực tiễn trên lĩnh vực kinh tế đã đề cập khá toàn diện, thể hiện trên mấy nhóm nội dung sau: Một là, thực hiện đường lối của Đảng về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Hai là, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Ba là, đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân. Bốn là, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Năm là, tổng kết các điển hình về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất của các địa phương. Sáu là, tổng kết thực tiễn phát triển của các ngành, các địa phương. Bảy là, tổng kết thực tiễn phát triển kinh tế của đất nước qua các con số thống kê của toàn bộ nền kinh tế. Tám là, tổng kết những vấn đề kinh tế cấp thiết đang đặt ra trong cuộc sống. Chín là, điển hình về phát triển kinh tế nhanh, xóa đói giảm nghèo tốt. Mười là, điển hình về ươm các nhân tố, điển hình tiên tiến. Mười một là, địa phương có những bước đột phá, phát huy năng lực sáng tạo của quần chúng, tìm hướng đi đúng đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Mười hai là, gương sáng về làm kinh tế giỏi, trong đó có gương sáng đảng viên làm kinh tế giỏi. Mười ba là, điển hình về vươn lên sản xuất hàng hóa, tìm phương án sản xuất hiệu quả.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Đại hội XI, các bài viết về kinh tế trên ấn phẩm Tạp chí Cộng sản còn tập trung tuyên truyền một số chủ đề sau:
- Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế: Tháng 10-2011, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa XI đặt ra nhiệm vụ phải tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Ngay sau Hội nghị, Tạp chí Cộng sản đã có một loạt bài viết về vấn đề này, làm rõ tính cấp thiết và các giải pháp để cơ cấu lại hiệu quả trên 3 lĩnh vực trọng tâm là cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng và cơ cấu lại đầu tư công. Có thể kể đến chùm bài viết đăng trên số 830, năm 2011: “Vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế - Suy ngẫm và hành động” của tác giả Phạm Minh Chính, “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước” của tác giả Phạm Việt Dũng, “Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại ở nước ta trong giai đoạn hiện nay” của tác giả Nguyễn Đắc Hưng. Tiếp sau đó, có thể kể đến các bài viết “Tái cấu trúc nền kinh tế: Cần tiếp cận theo quan điểm hệ thống” của tác giả Nguyễn Mại (số 831, năm 2012); bài “Nâng cao hiệu quả đầu tư sử dụng nguồn vốn nhà nước” của tác giả Bùi Quang Vinh (số 845, năm 2013); bài “Về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam” của tác giả Tô Ánh Dương (số 848, năm 2013); bài “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp nước ta hiện nay” của tác giả Vương Đình Huệ (số 854, năm 2013);…
- Góp ý cho quá trình hoàn thiện và triển khai Luật Đất đai năm 2013: Trước khi ban hành Luật Đất đai năm 2013, Tạp chí đã tổ chức 2 cuộc hội thảo: “Những vấn đề về sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai gắn với xây dựng nông thôn mới khu vực miền Trung - Tây Nguyên” vào cuối năm 2012 và “Những vấn đề về sở hữu, quản lý và sử dụng đất đai nhìn từ thực tiễn đồng bằng sông Cửu Long” vào đầu 2013, cùng với đó là nhiều bài viết góp ý cho Luật này. Sau khi Luật Đất đai năm 2013 được ban hành, Tạp chí đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề “Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Sau Hội thảo Tạp chí đã đăng tải nhiều bài viết phục vụ cho việc quán triệt và triển khai thực hiện Luật này. Có thể kể đến một số bài viết tiêu biểu, như bài “Sở hữu toàn dân về đất đai: Tính tất yếu trong điều kiện nước ta hiện nay” của đồng chí Vũ Văn Phúc (số 847, năm 2013); bài: “Hoàn thiện chính sách đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của tác giả Lê Thanh Khuyến (số 835, năm 2012); bài “Chính sách tích tụ đất đai nhìn từ thực tiễn đồng bằng sông Cửu Long” của tác giả Nguyễn Đình Bồng (số 847, năm 2013); bài “Phân chia lợi ích trong chế độ sở hữu toàn dân về đất đai ở nước ta” của tác giả Trần Thị Minh Châu (số 865, năm 2013); bài “Đổi mới chính sách, pháp luật đất đai, tạo động lực cho đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” của tác giả Nguyễn Minh Quang; bài “Cụ thể hóa các quy định về đất đai trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013” của tác giả Nguyễn Văn Giàu (số 857 năm 2014);…
- Góp phần tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới: Về tổng kết công tác lý luận, có thể kể đến các bài, như: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta: Nhận thức lý luận, thực tiễn và kiến nghị” của đồng chí Vũ Văn Phúc và bài “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam: Một số vấn đề cần tiếp tục làm rõ” (số 858, năm 2014). Về tổng kết thực tiễn, có thể kể đến các bài: “Một số vấn đề rút ra qua tổng kết gần 30 năm đổi mới từ thực tiễn Thành phố Hồ Chí Minh” của tác giả Nguyễn Văn Đua (số 858, năm 2014), bài “Quảng Ninh qua gần 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế: Thành tựu và bài học kinh nghiệm” của tác giả Phạm Minh Chính (số 863, năm 2014), bài “Quá trình hình thành phát triển đường lối đổi mới của Đảng ta qua gần 30 năm đổi mới” của đồng chí Vũ Văn Phúc (số 863 năm 2014)...
Có thể nói, hầu hết các bài viết về kinh tế đăng trên Tạp chí Cộng sản trong những năm qua đều từ phân tích những vấn đề lý luận, gắn với những vấn đề thực tiễn đang đặt ra và đề xuất giải pháp, kiến nghị cho công tác lý luận cũng như công tác quản lý, điều hành và giải quyết những vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra.
Về lĩnh vực chính trị, triết học, phát huy những thành tựu đã đạt được, để đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ của công tác lý luận và thực tiễn đổi mới, trên cơ sở bám sát những sự kiện chính trị quan trọng của đời sống đất nước, như Đại hội đảng các cấp và Đại hội IX, X, XI của Đảng, bầu cử hội đồng nhân dân các cấp và hoạt động của Quốc hội khóa XI, XII, XIII, những ngày kỷ niệm lớn của đất nước…, Tạp chí kịp thời phán ánh đời sống chính trị sinh động của công cuộc đổi mới; đồng thời tập trung làm rõ những vấn đề lý luận chung, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn địa phương. Với tư cách là tạp chí lý luận của Đảng, Tạp chí đã hướng vào một số vấn đề lý luận cơ bản nổi bật, như lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; về dân chủ, cải cách hành chính, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; quốc phòng - an ninh; vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền và đấu tranh chống các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động…
Về lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta: Sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, từ thực tiễn đổi mới của đất nước và cùng với những thành tựu của đổi mới tư duy lý luận, nhiều vấn đề lý luận về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về chủ nghĩa xã hội, thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội được nhận thức lại và được khẳng định.
Thứ nhất, trong bối cảnh khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội hiện thực, chủ nghĩa Mác - Lê-nin bị nhiều thế lực phản động quốc tế phủ nhận và bôi nhọ, Tạp chí tiếp tục công bố những bài viết với những luận cứ khoa học biện chứng, khách quan khẳng định những giá trị bất hủ của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Tiêu biểu như bài: “Bộ sách “Tư bản” của C.Mác sống mãi trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam” của tác giả Vũ Hữu Ngoạn (số 13, năm 2003); “Sáng mãi tinh thần Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” của tác giả Doãn Hùng (số 784, năm 2008); “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản và công cuộc đổi mới ở Việt Nam” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng (số 785, năm 2008); “Học thuyết Mác soi sáng con đường giải phóng và phát triển con người” của tác giả Trung Dũng (số 859, năm 2014); “Đấu tranh chống một số quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin” của tác giả Lê Hồng (số 873, năm 2015);…
Thứ hai, khẳng định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng lý luận của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Tiêu biểu như các bài: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” của tác giả Vũ Hiền (số 12, năm 2001); “Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình đổi mới” của tác giả Lê Hữu Nghĩa (số 9, năm 2006); “Chủ nghĩa Mác soi sáng con đường cách mạng Việt Nam” của tác giả Trần Quang Nhiếp (số 11, năm 2006); “Chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng lý luận xuất phát của chủ thuyết phát triển của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh” của tác giả Trần Nhâm (số 797, năm 2009), “Cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” của đồng chí Tô Huy Rứa (số 811, năm 2010); “Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh sống mãi trong tâm khảm của chúng ta, soi đường dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi đến mọi thắng lợi” của tác giả Nguyễn Phú Trọng (số 872, năm 2015); “Nhận thức sâu sắc hơn để kiên định, kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” của đồng chí Đinh Thế Huynh (số 872, năm 2015);…
Thứ ba, khẳng định con đường phát triển xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Các bài viết tập trung chỉ rõ sự kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa nhưng đầy sáng tạo, phù hợp với thời đại và thực tiễn đổi mới của đất nước. Các bài tiêu biểu như: “Tiếp tục một cách kiên định và sáng tạo con đường xã hội chủ nghĩa” của đồng chí Nguyễn Đức Bình (số 21+22, năm 2006), “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta: mấy vấn đề cơ bản” của tác giả Quang Cận (số 2+3, năm 2006); “Giải quyết tốt mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển” của tác giả Vũ Hữu Ngoạn (số 862, năm 2011); “Tăng cường định hướng xã hội chủ nghĩa nền kinh tế thị trường trong thời kỳ chiến lược mới” của tác giả Chu Văn Cấp (số 862, năm 2011); “Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội - Nhìn từ thực tiễn Việt Nam” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng (số 835, năm 2012); “Về con đường lên chủ nghĩa xã hội và tiếp tục đổi mới lý luận xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam - nhìn lại gần 30 năm đổi mới” của tác giả Nhị Lê (số 862, năm 2014)…
Thứ tư, một số nhận thức mới về thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Các bài tiêu biểu như: “Về quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản trong điều kiện hiện nay” của tác giả Phạm Văn Chúc (số 25, năm 2003), Quá độ lên chủ nghĩa xã hội theo con đường “phát triển rút ngắn” ở Việt Nam của tác giả Đặng Hữu Toàn (số 29, năm 2003); “Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là tất yếu khách quan” của tác giả Vũ Hữu Ngoạn (số 823, năm 2011); “Quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam - một số vấn đề lý luận và thực tiễn” của các tác giả Phạm Tất Thắng và Nguyễn Linh Khiếu (số 867, năm 2015)…
Thứ năm, về đổi mới tư duy lý luận, phát triển lý luận đáp ứng những yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước. Đổi mới tư duy lý luận là một thành tựu quan trọng của công cuộc đổi mới. Điều này được thể hiện qua một số bài viết quan trọng: “Đổi mới tư duy lý luận vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng (số 3, năm 2005), “Đổi mới tư duy lý luận - thành tựu và một số vấn đề đặt ra” của đồng chí Nguyễn Duy Quý (số 9, năm 2006), “Về các giải pháp nhằm đổi mới công tác nghiên cứu, phát triển lý luận” của tác giả Trường Lưu (số 776, năm 2007), “Về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay” của đồng chí Nguyễn Đức Bình (số 829, năm 2011); “Đặc điểm lý thuyết đổi mới và những bài học lấy từ thực tiễn gần 30 năm đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của tác giả Nhị Lê (số 866, năm 2014) “Tiếp tục đổi mới công tác tư tưởng, lý luận của Đảng trong thời kỳ mới” của tác giả Phạm Tất Thắng (số 853, năm 2013);…
Về hoạt động của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp: Tạp chí thường xuyên công bố các bài viết về hoạt động lập pháp của Quốc hội, điều hành vĩ mô của Chính phủ và hoạt động của các cơ quan tư pháp trong thời kỳ đổi mới. Một số bài viết quan trọng về đổi mới hoạt động của Chính phủ và Quốc hội: “Chính phủ mới - phong cách làm việc mới” của tác giả Nguyễn Văn Thảo (số 1, năm 2003), “Đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội và Chính phủ” của tác giả Trần Ngọc Đường (số 22+23, năm 2003),…Về các hoạt động của Quốc hội có các bài: “Để xứng đáng là cơ quan quyền lực cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân” của đồng chí Nguyễn Văn An (số 1, năm 2006), Đổi mới hoạt động lập pháp của Quốc hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giai đoạn mới” của đồng chí Nguyễn Văn Yểu (số 1, năm 2006); “Tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát tối cao là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Quốc hội trong tình hình mới” của đồng chí Phùng Quốc Hiển (số 823, năm 2011); “Tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội” của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng (số 839, năm 2012); “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập pháp của Quốc hội” của tác giả Lê Minh Thông (số 853, năm 2013)…
Về các hoạt động tư pháp: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác tòa án hiện nay” của tác giả Nguyễn Văn Hiện (số 17, năm 2005); “Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân” của đồng chí Trần Văn Truyền (số 785, năm 2008); “Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của ngành tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của đồng chí Trương Hòa Bình (số 835, năm 2012); “Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành kiểm sát nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” của đồng chí Nguyễn Hòa Bình (số 842, năm 2012); “Một số định hướng chung, cơ bản trong sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự và Bộ luật Tố tụng hành chính” của đồng chí Trương Hòa Bình (số 870, năm 2015);…
Đặc biệt, trong thời gian diễn ra đợt sinh hoạt chính trị quan trọng và sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân - đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Tạp chí đã đăng nhiều bài viết của các chuyên gia, các nhà khoa học và một số cán bộ lãnh đạo, quản lý về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho Hiến pháp năm 1992. Hầu hết các chương của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đều được các bài viết phân tích sâu sắc và chỉ ra những điều, khoản, những nội dung cần được chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện, nhất là các chương: Chương I (Chế độ chính trị), Chương II (Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân), Chương IV (Bảo vệ Tổ quốc), Chương VIII (Tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân), Chương IX (Chính quyền địa phương). Tiêu biểu là các bài: “Những vấn đề cốt yếu, cấp thiết trong sửa đổi Hiến pháp năm 1992” của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng (số 851, năm 2013); “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cần xem xét và giải quyết trong sửa đổi Hiến pháp năm 1992” của tác giả Trần Ngọc Đường (số 844, năm 2013); “Vấn đề Hiến định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước” của tác giả Trần Đình Huỳnh (số 844, năm 2013); “Sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và cơ chế kiểm soát quyền lực ở Việt Nam” của tác giả Đào Trí Úc (số 844, năm 2013); “Về củng cố quốc phòng và an ninh trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” của tác giả Nguyễn Xuân Yêm (số 845, năm 2013); “Một số vấn đề trong Chương II: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” của tác giả Hoàng Thị Kim Quế (số 845, năm 2013); “Sửa đổi, bổ sung các quy định về viện kiểm sát nhân dân trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” của tác giả Lê Hữu Thể (số 848, năm 2013);… Sau khi Dự thảo Hiến pháp năm 1992 (tức là Hiến pháp năm 2013) được Quốc hội thông qua ngày 28-11-2013, Tạp chí lại tiếp tục nhận được nhiều bài viết phân tích, lý giải sâu sắc nhiều điều, khoản cũng như những nội dung quan trọng của Hiến pháp; đồng thời kiến nghị, đề xuất những phương hướng, giải pháp có tính khả thi nhằm cụ thể hóa, luật hóa các điều, khoản của Hiến pháp. Tiêu biểu là các bài: “Hiến pháp sửa đổi là bảo đảm chính trị - pháp lý vững chắc để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đồng lòng vững bước tiến lên trong thời kỳ mới” của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng (số 855, năm 2014); “Hiến pháp và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước” của đồng chí Tòng Thị Phóng (số 857, năm 2014); “Quy định của Hiến pháp về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường - Bước tiến mới trong quá trình đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng và phát triển bền vững” của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân (số 857, năm 2014); “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp mới” của đồng chí Nguyễn Sinh Hùng (số 857, năm 2014); “Hiến pháp sửa đổi và trách nhiệm tổ chức thực hiện của ngành kiểm sát nhân dân” của đồng chí Nguyễn Hòa Bình (số 858, năm 2014); “Hiến pháp năm 2013 tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc đẩy mạnh cải cách tư pháp theo Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” của đồng chí Hà Hùng Cường (số 861, năm 2014); “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tinh thần Hiến pháp năm 2013” của tác giả Lê Minh Thông (số 869, năm 2014);…
Về phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng hệ thống chính trị và cải cách hành chính: Đây là nhóm vấn đề nổi bật được Tạp chí đặc biệt quan tâm. Đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đổi mới và giao lưu, hội nhập quốc tế, nhiều vấn đề lý luận về dân chủ, dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ ở cơ sở đã được các tác giả tập trung làm rõ. Các bài viết đã bám sát việc triển khai Chỉ thị số 30/CT-TW của Bộ Chính tri, Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư, các nghị quyết số 45/1998, 55/1998 và 60/1998 của ủy ban Thường vụ Quốc hội, các nghị định số 29/1998/NĐ-CP, 71/1999/NĐ-CP, 07/NĐ-CP của Chính phủ về Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Không chỉ phản ánh thực tiễn việc triển khai Quy chế Dân chủ ở cơ sở, Tạp chí còn thường xuyên giới thiệu các bài viết định kỳ sơ kết, tổng kết 1 năm, 3 năm, 5 năm và 10 năm thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Đây thực sự là những tổng kết kinh nghiệm, những khái quát về lý luận rất có giá trị đối với quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội. Đó là các bài: “Thực hiện Quy chế Dân chủ gắn với xây dựng hệ thống chính trị” của đồng chí Phạm Gia Khiêm (số 9, năm 2004); “Nhìn lại mười năm thực hiện Quy chế Dân chủ ở xã, phường, thị trấn” của đồng chí Huỳnh Đảm (số 789, năm 2008); “Những bài học kinh nghiệm về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở” của đồng chí Hà Thị Khiết (số 804, năm 2009); “Dân chủ xã hội chủ nghĩa - mục tiêu và động lực của đổi mới ở nước ta” của các tác giả Phạm Ngọc Quang và Nguyễn Hiền Lương (số 828, năm 2011); “Xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân” của tác giả Lê Minh Quân (số 852, năm 2013);…
Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một vấn đề mới cả về lý luận và thực tiễn, vì vậy, nhiều bài viết đã tập trung làm rõ lý luận chung về nhà nước pháp quyền, tính chất, đặc trưng và các mô hình nhà nước pháp quyền trên thế giới; đồng thời, làm rõ đặc trưng, tính chất, mô hình, cũng như các yêu cầu đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các bài tiêu biểu như: “Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại đất nước” của đồng chí Nguyễn Văn Yểu (số 20, năm 2005); “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, mang đậm nét dân tộc và nhân đạo” của đồng chí Nguyễn Thị Doan (số 803, năm 2009); Tiếp tục chăm lo xây dựng Nhà nước thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng (số 827, năm 2011); “Về quyền lực nhà nước và sự phân công, phối hợp kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp hiện nay” của tác giả Trần Ngọc Đường (858, năm 2014);…
Vấn đề xây dựng hệ thống chính trị và cải cách hành chính thời gian qua đã được các tác giả hết sức quan tâm. Những biến đổi kinh tế - xã hội mạnh mẽ và toàn diện của thực tiễn đổi mới đã tác động trực tiếp đến hệ thống chính trị và nền hành chính quốc gia và đòi hỏi những thay đổi mang tính chất căn bản để phù hợp với tình hình mới. Phản ánh thực tiễn này, các bài viết tập trung khảo sát thực trạng hệ thống chính trị và những vấn đề đặt ra, những yêu cầu đổi mới hệ thống chính trị ở cơ sở. Tạp chí đã tích cực tuyên truyền phản ánh một cách toàn diện không chỉ nội dung, tiến trình chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010 theo Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mà còn làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận và thực tiễn, những vấn đề đang đặt ra, những giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng nền hành chính phù hợp với giai đoạn mới. Các bài tiêu biểu như: “Cải cách hành chính: thành quả và định hướng tiếp tục đổi mới” của tác giả Nguyễn Cúc (số 22+23, năm 2003), “Tiếp tục thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính trong tình hình hiện nay” của đồng chí Trần Văn Tuấn (số 804, năm 2009); “Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính ở Việt Nam thời gian tới” của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc (số 851, năm 2013); “Cải cách nền hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2015” của tác giả Hà Quang Trường (số 872, năm 2015);…
Về vấn đề quốc phòng - an ninh: Dưới khía cạnh lý luận và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, vấn đề quốc phòng được phản ánh một cách sinh động, phong phú và đa dạng. Đó là, vừa gắn liền với các sự kiện trọng đại của đất nước, vừa gắn với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thời gian qua, Tạp chí đã tập trung tuyên truyền thành công những sự kiện lịch sử, những ngày lễ lớn của dân tộc như: kỷ niệm 35 năm, 40 năm và 45 năm chiến thắng Mậu Thân; 30 năm, 35 năm và 40 năm Ngày ký Hiệp định Pa-ri về Việt Nam; 50 năm, 55 năm và 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; 50 năm, 55 năm và 60 năm Ngày ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam; 60 năm, 65 năm và 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; 30 năm, 35 năm và 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 60 năm và 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9… Nhiều bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội và các nhà khoa học đã có những đánh giá quan trọng khẳng định vị trí và tầm vóc lịch sử của các sự kiện này; đồng thời, đây cũng là dịp tổng kết, đúc rút những bài học lịch sử quý báu về chiến tranh cách mạng. Một số bài viết tiêu biểu như: “Hiệp định Pa-ri về Việt Nam - một mốc son trên đường thắng lợi” của tác giả Hà Đăng (số 3, năm 2003), “Tinh thần Điện Biên Phủ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (số 8, năm 2004); “Đại thắng mùa Xuân 1975 - đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam” của Đại tướng Phùng Quang Thanh (số 810, năm 2010); “Sáu mươi năm Hội nghị Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Việt Nam: Một cách tiếp cận” của các tác giả Nguyễn Khắc Huỳnh và Phạm Anh; “Sức mạnh chính trị - tinh thần: Nhân tố quyết định làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975” của đồng chí Ngô Xuân Lịch (số 870, năm 2015)…
Đồng thời, Tạp chí cũng công bố nhiều bài viết thể hiện nhận thức mới về chiến tranh nhân dân, về đường lối xây dựng quân đội, về bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Nội dung này được thể hiện qua các bài: “Quân đội ta mãi mãi xứng đáng là lực lượng vũ trang sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân” của đồng chí Phạm Văn Trà (số 24, năm 2004), “Xây dựng quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị trong thời kỳ mới” của đồng chí Lê Văn Dũng (số 23, năm 2004); “Toàn quân, toàn dân quyết tâm thực hiện tốt Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” của đồng chí Phùng Quang Thanh (số 854, năm 2013)… Bên cạnh đó, Tạp chí cũng thường xuyên công bố những bài viết phản ánh sinh động và sâu sắc quá trình học tập, rèn luyên, xây dựng và trưởng thành của quân đội ta từ các đơn vị cơ sở đến các quân khu, binh chủng, tổng cục, đến các cơ quan Bộ... Đó là các bài về Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Phòng không - không quân, Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục chính trị, Tổng cục hậu cần, Tổng cục kỹ thuật, các Quân khu 2, 3, 4, 7 và 9, Binh chủng Tăng - Thiết giáp, Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn…
Thời gian qua, vấn đề an ninh, trật tự, an toàn xã hội đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và vấn đề xây dựng lực lượng Công an nhân dân cũng như các công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và giữ gìn sự bình yên cho nhân dân đã được phản ánh thường xuyên hơn trên Tạp chí. Có thể nêu một số bài tiêu biểu như: “Lực lượng công an nhân dân 60 năm xây dựng và trưởng thành” của đồng chí Lê Hồng Anh (số 17, năm 2005), “Tăng cường công tác bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, góp phần ổn định chính trị xã hội đất nước” của đồng chí Lê Thế Tiệm ( 17, năm 2005); “Xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới” của đồng chí Trần Đại Quang (số 858, năm 2014);…
Về vấn đề dân tộc, tôn giáo: Tạp chí thường xuyên công bố các bài viết phổ biến và tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta về tôn giáo, dân tộc; một mặt, nhằm phổ biến tới mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng gặp nhiều khó khăn các chính sách về đại đoàn kết dân tộc, về tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta; mặt khác, nhằm đấu tranh chống sự xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chia rẽ dân tộc, tôn giáo, kích động bạo loạn, lật đổ nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”. Các nội dung này được thể hiện ở một số bài viết sau: “Thực hiện tốt hơn nữa chính sách dân tộc trong giai đoạn mới” của đồng chí Trương Tấn Sang (số 19, năm 2006), Tăng cường quốc phòng - an ninh ở miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tác giả Nguyễn Phúc Thanh (số 36, năm 2003); “Tiếp tục đổi mới công tác tôn giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” của tác giả Phạm Dũng (số 851, năm 2013); “Tiếp tục đổi mới công tác dân tộc đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay” của đồng chí Giàng Seo Phử (số 853, năm 2013); “Mấy suy nghĩ về quá trình thực hiện đường lối đổi mới về chính sách tôn giáo của Đảng” của tác giả Đỗ Quang Hưng (số 863, năm 2014); “Nhận diện và góp phần giải quyết một số vấn đề mới trong quan hệ giữa các dân tộc ở nước ta hiện nay” của tác giả Phan Văn Hùng (số 871, năm 2015);…
Về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí: Tham nhũng, lãng phí là những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội thời gian qua. Vì vậy, Tạp chí đã dành sự chú ý đặc biệt để lên án và phê phán đối với các hiện tượng tiêu cực này, đồng thời góp phần nhận diện, chỉ ra nguyên nhân và hậu quả của nó đối với đời sống xã hội; kịp thời tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Các bài tiêu biểu như: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và của toàn xã hội, đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” của đồng chí Trương Tấn Sang (số 776, năm 2007); “Để công tác phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hơn nữa” của đồng chí Trần Văn Truyền (số 881, năm 2009); “Tăng cường phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn nữa vì sự phát triển bền vững của đất nước” của đồng chí Trương Vĩnh Trọng (số 812, năm 2010); “Khắc phục những khuyết điểm, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng” của tác giả Cao Văn Thống (số 835-2012); “Đẩy mạnh công tác thanh tra góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng” của đồng chí Huỳnh Phong Tranh (số 866, năm 2014);…
Về công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái, các luận điệu phản động của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận: Thực hiện nhiệm vụ của mình, Tạp chí luôn đi đầu trong công tác đấu tranh tư tưởng, đấu tranh chống các thế lực thù địch, phản động. Đấu tranh tư tưởng, lý luận bao giờ cũng diễn ra hết sức gay go, quyết liệt và phức tạp với nhiều nội dung và hình thức khác nhau. Một số nội dung chính của cuộc đấu tranh tư tưởng được thể hiện trên Tạp chí là: đấu tranh chống lại những thế lực phản động quốc tế phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, chủ nghĩa xã hội; đấu tranh chống các thế lực thù địch phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh và các thành tựu của công cuộc đổi mới; đấu tranh chống lại những thế lực phản động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền để thực hiện âm mưu chia rẽ, bạo loạn, lật đổ, “diễn biến hòa bình”;… Các tác giả đã phê phán một cách khoa học và quyết liệt âm mưu của các thế lực thù địch dùng vấn đề dân chủ, nhân quyền nhằm chống phá công cuộc đổi mới và đời sống hòa bình của nhân dân ta. Nhiều bài viết quan trọng về vấn đề đấu tranh tư tưởng, lý luận đã được Tạp chí công bố thời gian qua, tiêu biểu như bài “Về cuộc đấu tranh tư tưởng trong tình hình hiện nay” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng (số 21, năm 2005); “Những nguyên tắc của đấu tranh lý luận ở nước ta hiện nay” của tác giả Lê Hữu Nghĩa (số 850, năm 2013); “Hãy cảnh giác với luận điệu “phi chính trị hóa quân đội hiện nay”” của tác giả Phạm Văn Trường (số 846, năm 2013); “Phải chăng chủ nghĩa Mác - Lê-nin là “ngoại lai, bắt nguồn từ phương Tây nên không còn phù hợp với Việt Nam”?” của đồng chí Vũ Văn Phúc (số 855, năm 2014);…
Ngoài những vấn đề cốt lõi nêu trên, Tạp chí cũng đã dành nhiều sự quan tâm đến các vấn đề xây dựng giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức và sự biến đổi của các giai cấp, các tầng lớp xã hội trong điều kiện đổi mới. Đặc biệt, một số bài viết tập trung khảo sát, nghiên cứu sự xuất hiện của đội ngũ doanh nhân và vai trò, vị trí của đội ngũ này trong quá trình biến đổi kinh tế - xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, Tạp chí cũng thường xuyên công bố các bài viết phản ánh về vai trò, vị trí và sự hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội được phản ánh qua những vấn đề lớn sau đây:
Về văn hóa, văn nghệ:
Thứ nhất, từ sau Đại hội X và Đại hội XI của Đảng, Tạp chí Cộng sản tập trung tuyên truyền về văn hóa trên những lĩnh vực lớn: tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn học nghệ thuật, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giao lưu văn hóa với thế giới. Trong các mặt đó tư tưởng đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa được coi là những lĩnh vực quan trọng nhất hiện nay. Về vấn đề này, Tạp chí đã đăng các bài: “Đổi mới hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa” của tác giả Trương Quốc Bình (số 2, năm 2009); “Lễ hội chuyển mùa đầu năm ở Đông-Nam Á” của tác giả Ngô Văn Doanh (số 2, năm 2009); “Xã hội hóa hoạt động văn hóa - những thành tựu và giải pháp” của đồng chí Hoàng Tuấn Anh (số 4-2010); “Vấn đề văn hóa trong tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển đất nước” của đồng chí Tạ Ngọc Tấn (số 5, năm 2010); “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ mới” của đồng chí Hoàng Tuấn Anh (số 822, năm 2011); “Từ đề cương văn hóa năm 1943 đến Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về văn hóa và những vấn đề văn hóa - xã hội đang đặt ra hiện nay” của đồng chí Trần Văn Bính (số 847, năm 2013); “Phát triển và hiện thực hóa đường lối văn hóa của Đảng ta” của đồng chí Vũ Văn Phúc (số 851, năm 2013); “Tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ mới” của đồng chí Vũ Ngọc Hoàng (số 855, năm 2014);…
Các bài viết đã thể hiện sự nhận thức lý luận về vai trò to lớn của văn hóa, xác định văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là nguồn lực nội sinh quan trọng của phát triển. Các bài viết cũng chỉ ra tình trạng suy thoái về đạo đức xã hội có chiều hướng lan rộng với tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần của xã hội, từ đó đề xuất cần xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhằm khẳng định đúng tôn vinh những giá trị chân, thiện, mỹ, đấu tranh phê phán đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái thấp hèn nhằm ngăn chặn và đầy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam.
Thứ hai, thực trạng đời sống văn hóa nước ta mấy năm gần đây so với thời kỳ trước đổi mới có những bước tiến rõ rệt. Điều dễ thấy là tính năng động xã hội - kinh tế và tính tích cực công dân được khơi dậy và phát huy. Mặt bằng dân trí được nâng cao, sở trường năng lực cá nhân con người được khuyến khích, tôn trọng. Những nét mới nổi bật ấy trong đời sống được phản ánh trên Tạp chí Cộng sản với một loạt bài viết: “Lễ hội và ứng xử của người làm công tác quản lý lễ hội hiện nay”; “Tiếp tục bồi đắp cho văn hóa Việt Nam thêm giàu đẹp” của đồng chí Phạm Quang Nghị (số 33, năm 2002 và số 7, năm 2003); “Để chống trả những xâm hại văn hóa” của tác giả Tương Lai (số 17, năm 2003); “Văn hóa truyền thống trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn” của tác giả Đào Xuân Dũng (số 12, năm 2003); “Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh giao lưu quốc tế” của tác giả Nguyễn Văn Dân (số 782, năm 2007); “Đối thoại giữa các nền văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa” của tác giả Phạm Xuân Nam (số 802, năm 2009); “Lễ hội truyền thống ở nước ta” của tác giả Ngô Đức Thịnh (số 820, năm 2011); “Lễ hội truyền thống - Thực trạng và giải pháp của tác giả Bùi Hoàng Sơn (số 831, năm 2012); “Để quản lý tốt truyền thống xã hội ở nước ta” của tác giả Nguyễn Thành Lợi (số 884, năm 2013); “Về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam” của đồng chí Vũ Ngọc Hoàng (số 866, năm 2014);...
Qua các bài viết cho thấy, dân chủ trên các lĩnh vực đời sống xã hội được mở rộng, đầu tư được nâng lên; quyền con người được tôn trọng; con người Việt Nam năng động, sáng tạo hơn; người dân có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin và hưởng thụ các giá trị văn hóa.
Thứ ba, Tạp chí Cộng sản đã tập trung tuyên truyền việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó nổi bật hai đặc trưng tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc. Một hệ thống bài đã được đăng làm nổi bật rõ nội dung trên như: “Bản sắc dân tộc và sự giao lưu hội nhập văn hóa” của tác giả Hồ Sĩ Vịnh (số 23, năm 2002); “Nâng cao chất lượng công tác tư tưởng - văn hóa hiện nay” của đồng chí Nguyễn Khoa Điềm (số 7, năm 2003); “Từ Đề cương văn hóa Việt Nam - nhìn lại quá trình vận động của đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng” của tác giả Hà Xuân Trường (số 35, năm 2003); “Nguồn gốc của Minh Triết Việt và suy nghĩ về minh triết hiện đại” của GS, TS. Trần Ngọc Hiên (số 820, năm 2011); “Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa lối sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên” của tác giả Hồ Tấn Sáng (số 145, năm 2013); “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế trong tiến trình xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế xứng tầm trung tâm văn hóa - du lịch đậm sắc cả nước” của tác giả Nguyễn Ngọc Thiện (số 844, năm 2013), “Phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tạo lập một “tâm quyền” cho sự phát triển bền vững của đất nước trên cơ sở kinh tế tri thức” của GS, TS. Phạm Xuân Nam (số 858, năm 2014);...
Thứ tư, trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc độc lập tự chủ của Đảng ta nói chung và trong xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc nói riêng, Tạp chí Cộng sản đã đăng tải một loạt bài về toàn cầu hóa kinh tế và xây dựng nền văn hóa; an ninh văn hóa trong toàn cầu hóa; những vấn đề đặt ra với văn hóa Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa; thông tin đại chúng trong xu thế toàn cầu hóa; đa dạng văn hóa và sự phát triển xã hội; đổi mới tư duy quản lý văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế; vấn đề an toàn văn hóa ở nước ta hiện nay; bảo vệ văn hóa nghệ thuật trong điều kiện kinh tế thị trường; quản lý của Nhà nước đối với việc xây dựng thị trường các sản phẩm văn hóa ở nước ta hiện nay; phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam hiện nay; về xây dựng và đổi mới chính sách công nghiệp văn hóa;...
Thứ năm, tuyên truyền cho cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Tạp chí Cộng sản đã giới thiệu một số nội dung về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở khu vực đô thị; tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của văn hóa thông tin trong sự nghiệp đổi mới; xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong giai đoạn hiện nay, hoạt động văn hóa ở cơ sở… Về vấn đề này, Tạp chí đã đăng một số bài, như “Về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tác giả Trần Thị Tuyết Mai (Số 825, năm 2011), “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để có con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” của GS, TS. Nguyễn Trọng Chuẩn (Số 864, năm 2014);…
Thứ sáu, về phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật, Tạp chí Cộng sản đã đăng tải một loạt bài bàn về chức năng xã hội của văn nghệ và trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ xã hội chủ nghĩa; Văn học trước những yêu cầu mới của thời đại; Thế hệ trẻ của điện ảnh tài liệu vượt lên xứng đáng với thời đại mình; Sân khấu nước ta - hiện trạng và hướng phát triển; Đổi mới, phát triển lý luận văn học và mỹ học phù hợp với thực tiễn lịch sử và thực tiễn nghệ thuật mới; Phát triển lý luận đáp ứng nhu cầu xây dựng nền văn nghệ tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc...
Những bài đăng trên Tạp chí đã phê phán khuynh hướng phủ nhận thành tựu văn học cách mạng và kháng chiến, đối lập văn nghệ với chính trị, nhìn xã hội với thái độ bi quan; tiếp tục đặt ra yêu cầu phải có tác phẩm đạt đỉnh cao tương xứng với sự nghiệp cách mạng và kháng chiến vĩ đại của dân tộc và thành quả đổi mới. Công tác tuyên truyền về phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật trên Tạp chí Cộng sản từ sau Đại hội lần thứ XI của Đảng đến nay là khá toàn diện và sâu sắc.
Về khoa học - công nghệ:
Thứ nhất, khoa học và công nghệ - nền tảng và động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quan điểm này được thể hiện rõ trong các văn kiện của Đảng, đặc biệt là trong văn kiện Đại hội IX, X và XI. Nhiều bài viết trên Tạp chí Cộng sản đã tập trung phân tích, chỉ rõ: Vai trò và động lực của khoa học - công nghệ được thể hiện thông qua sự đổi mới không ngừng của công nghệ và sản phẩm, tạo ra năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao của nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Chỉ khi nào khoa học và công nghệ thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp hàng đầu thì vai trò nền tảng và động lực của nó đối với phát triển kinh tế - xã hội mới trở nên vững chắc và mạnh mẽ. Đối với các nước đang phát triển, muốn đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát triển đất nước thì đây là vấn đề nan giải, đầy khó khăn và thách thức, bởi phải tiến hành song song cả hai quá trình: vừa thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vừa xây dựng và phát triển nền khoa học và công nghệ, trong khi tiềm lực kinh tế quốc gia còn nhỏ bé. Vai trò động lực của khoa học và công nghệ chỉ có thể thực hiện được một khi hoạt động khoa học và công nghệ gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và quản lý, kinh tế - xã hội; khoa học và công nghệ phải là nhân tố động lực của quá trình chuyển đổi từ lao động thủ công sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại, dựa trên sự phát triển của công nghiệp và tiến bộ khoa học và công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao.
Từ Đại hội lần thứ XI của Đảng đến nay, nhận thức về một số chính sách mới về khoa học công nghệ gắn với mô hình phát triển kinh tế - xã hội được nâng cao. Tạp chí Cộng sản đã đăng tải một số bài viết, như “Phát triển khoa học và công nghệ thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững” của đồng chí Nguyễn Quân (Số 828, năm 2011); “Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khoa học - công nghệ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” của đồng chí Nguyễn Quân (Số 836, năm 2012); “Sửa đổi, bổ sung các quy định trong Hiến pháp 1992 về khoa học, công nghệ” của tác giả Châu Văn Minh (Số 842, năm 2013); “Những thành tựu về đầu tư nghiên cứu và chuyển giao kết quả về khoa học công nghệ ứng dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và miền núi” của tác giả Lê Đình Tiến (số 855, năm 2014);…
Thứ hai, đánh giá tiềm lực khoa học và công nghệ nước ta, hầu hết các bài viết đã được đăng tải trên Tạp chí Cộng sản từ năm 2000 đến nay đều chung nhận định: Sau gần 25 năm đổi mới, nước ta đã có một tiềm lực khoa học và công nghệ đáng kể, lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ tương đối đông đảo. Cơ chế quản lý khoa học và công nghệ từng bước được đổi mới theo hướng mở rộng liên kết giữa nghiên cứu với sản xuất, kinh doanh, nhờ đó đã nâng cao được hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ, góp phần nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, các bài viết cũng chỉ ra rằng khoa học - công nghệ chưa thực sự gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội, chưa trở thành động lực cho kinh tế tri thức; chưa hình thành thị trường khoa học - công nghệ thực sự; đầu tư cho khoa học còn dàn trải, không hợp lý, hiệu quả thấp; cơ chế quản lý, sử dụng, đãi ngộ, lực lượng chưa xây dựng được đội ngũ khoa học đáp ứng cả về cơ cấu lẫn trình độ, thiếu nhà khoa học hàng đầu; khoa học - công nghệ chưa tạo được tiền đề để xây dựng nền kinh tế tri thức; hàm lượng khoa học - công nghệ trong sản phẩm chưa cao, năng suất và hiệu quả lao động thấp;…
Thứ ba, các bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản đã đề xuất nhiều giải pháp có tính khả thi để khoa học và công nghệ thực sự trở thành nền tảng và động lực trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một là, tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế và hoàn thiện hệ thống pháp luật để khoa học và công nghệ trở thành một động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Hai là, đổi mới quản lý khoa học và công nghệ và ưu tiên phát triển công nghệ cao. Ba là, chú trọng phát triển cả khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng, tăng cường khâu ứng dụng, triển khai, phối hợp giữa nhà khoa học, nhà đầu tư và người sản xuất. Bốn là, xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Năm là, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, tập trung đầu tư xây dựng các lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia nhằm nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với khu vực và quốc tế, phục vụ có hiệu quả cho các mục tiêu kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo. Sáu là, mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ.
Về giáo dục, đào tạo: Tạp chí Cộng sản bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước thể hiện qua các nghị quyết Đại hội lần thứ IX, X, XI của Đảng; Chiến lược phát triển giáo dục đào tạo; Kế hoạch quốc gia giáo dục cho mọi người của Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010, trên tổng thể mảng bài về giáo dục đào tạo được đăng tải trên Tạp chí Cộng sản đã tập trung tuyên truyền sâu đậm ở cả hai lĩnh vực lý luận và thực tiễn kinh nghiệm.
Về mặt lý luận, đã có nhiều bài viết tập trung tuyên truyền cho đường lối giáo dục đúng đắn của Đảng và tính ưu việt của nền giáo dục Việt Nam thể hiện qua các quan điểm lớn, đó là: Giữ vững mục tiêu xã hội chủ nghĩa trong giáo dục, thực hiện giáo dục toàn diện về đức, trí, thể, mỹ với lý tưởng xã hội chủ nghĩa cho học sinh. Giáo dục là sự nghiệp của toàn Đảng, của Nhà nước và của toàn dân; thực hiện xã hội hóa giáo dục. Phát triển giáo dục, đào tạo gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và những nhu cầu tiến bộ khoa học công nghệ. Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục. Giữ vai trò nòng cốt của các trường công lập đi đôi với đa dạng hóa các loại hình giáo dục, trên cơ sở Nhà nước thống nhất quản lý. Xây dựng cả nước thành một xã hội học tập.
Sau Đại hội lần thứ XI của Đảng, Tạp chí đã đăng một loạt bài viết về vấn đề này, như “Triết lý giáo dục, Hồ Chí Minh” (Số 828, năm 2011), “Triết lý giáo dục thời kỳ đổi mới” (Số 829, năm 2011), và “Hình thành nền giáo dục nhân văn - công nghệ, thực học, thực nghiệp, phát triển giá trị từ người học” (Số 838, năm 2012) của GS, TS. Phạm Minh Hạc; “Xác định đúng mục tiêu giáo dục để thực hiện đổi mới căn bản về toàn diện nền giáo dục Việt Nam” của các tác giả Nguyễn Minh Thuyết và Hoàng Hòa Bình (Số 839, năm 2012); “Giáo dục Việt Nam trước đòi hỏi đổi mới căn bản và toàn diện” của GS, TS. Vũ Minh Giang (số 851, năm 2013); “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam” của đồng chí Phạm Vũ Luận (số 853, năm 2013) “Giáo dục đại học trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện” của tác giả Nguyễn Minh Thuyết (số 863, năm 2014);…
Thực tiễn sinh động và những thành tựu to lớn của nền giáo dục nước nhà đã được phản ánh toàn diện trên nhiều giác độ khác nhau với nhiều bài viết được chuyển tải trên các chuyên mục (Nghiên cứu trao đổi, Thực tiễn kinh nghiệm, Thư gửi Bộ biên tập…) là những tư liệu minh chứng tính đúng đắn, tính khả thi của những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục. Là những cây bút có tầm lý luận cao lại dạn dày kinh nghiệm thực tiễn, nhiều cộng tác viên của Tạp chí đã từng gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp giáo dục nên mỗi bài viết không chỉ là những tiếng nói tâm huyết, đầy trăn trở, đầy tinh thần trách nhiệm đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo nước nhà mà còn là những kiến nghị quan trọng đối với Đảng và Nhà nước xung quanh những vấn đề mang tầm vĩ mô của giáo dục, đào tạo.
Cùng với những bài có tính chất chuyên khảo đề cập trực tiếp đến những vấn đề của giáo dục, đào tạo trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Tạp chí còn có nhiều bài viết đề cập đến những vấn đề chung của các địa phương nhấn mạnh vai trò của giáo dục, đào tạo, trong mối quan hệ với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Về tính chất đa dạng của mô hình giáo dục mới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế tri thức: Đó là việc chuyển từ mô hình truyền thống - đào tạo kỹ năng một lần để làm việc suốt đời sang mô hình giáo dục mới gắn bó hơn với cuộc sống đó là học tập suốt đời, phát triển nghề nghiệp liên tục, vừa lao động, vừa học tập.
Bên cạnh việc đánh giá cao những thành tựu to lớn của giáo dục, đào tạo, các bài viết trên Tạp chí cũng cảnh báo những ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế thị trường đối với giáo dục, như: đạo đức học đường, thương mại hóa giáo dục, quản lý giáo dục, xây dựng đội ngũ giáo viên, đầu tư cho giáo dục đào tạo… Để giáo dục thực sự ngang tầm với vai trò quốc sách hàng đầu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trên mỗi vấn đề ấy, Tạp chí đều đưa ra những giải pháp thỏa đáng.
Về những vấn đề xã hội, các bài viết trên Tạp chí Cộng sản đã tập trung nghiên cứu, tuyên truyền các quan điểm, đường lối, Nghị quyết Đại hội IX, X, XI của Đảng, nghị quyết các Hội nghị Trung ương về các vấn đề xã hội và chính sách xã hội, như: lao động và việc làm; xóa đói, giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội; đất đai, môi trường và phát triển; dân số, gia đình và trẻ em...; đánh giá những việc đã làm tốt, cũng như những việc chưa làm được, chưa thực hiện được mục tiêu đề ra, chú trọng phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan về nhận thức, quan điểm, chủ trương và tổ chức thực hiện; rút ra những bài học kinh nghiệm.
Về vấn đề an sinh xã hội, thực hiện chính sách ưu đãi xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công, Tạp chí Cộng sản đã tập trung tuyên truyền về mở rộng hệ thống bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội; Xây dựng và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đối với người lao động thất nghiệp; Thực hiện các chính sách xã hội bảo đảm an toàn cuộc sống mọi thành viên cộng đồng, bao gồm bảo hiểm xã hội đối với người lao động thuộc các thành phần kinh tế, cứu trợ xã hội những người gặp rủi ro, bất hạnh... Những năm qua, Tạp chí đã đăng các bài “Bước ngoặt mới trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo” của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân (số 821, năm 2011) “Thực hiện một số chính sách giảm nghèo ở nước ta” của đồng chí Trương Thị Mai (Số 822, năm 2011); “Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển bền vững” của đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân (Số 825, năm 2011,); “An sinh xã hội ở Việt Nam: Những quan điểm và cách tiếp cận thống nhất” của đồng chí Nguyễn Trọng Đàm (Số 834, năm 2012); “Tiếp tục thực hiện tốt chế độ chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công” của đồng chí Bùi Hồng Lĩnh (Số 849, năm 2013);...
Về sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, Tạp chí Cộng sản nêu các vấn đề như: y đức và vấn đề nâng cao y đức; đấu tranh đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động khám, chữa bệnh; tìm lời giải cho bài toán công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân; củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng dân số; không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình và mục tiêu quốc gia về y tế; xây dựng nền y tế Việt Nam hiện đại, hiệu quả, phát triển và công bằng;…
Về quan hệ đất đai, tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững, Tạp chí Cộng sản tập trung tuyên truyền quan điểm của Đảng về kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ và cải thiện môi trường theo hướng phát triển bền vững; tiến tới bảo đảm cho mọi người dân đều được sống trong môi trường có chất lượng tốt về không khí, đất, nước, cảnh quan và các nhân tố môi trường tự nhiên khác đạt chuẩn mực tối thiểu do Nhà nước quy định; chủ động ứng phó có hiệu quả với sự biến đổi khí hậu gắn với đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường; tập trung thực hiện những quyết sách của Đảng về bảo vệ tài nguyên và môi trường trong tình hình hiện nay; làm rõ những thách thức đối với công tác bảo vệ môi trường trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ...
Vấn đề dân số, gia đình và trẻ em; dân số và phát triển trước yêu cầu hội nhập. Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh các vấn đề: Chương trình dân số Việt Nam: Thành công và thách thức; Dân số và áp lực dân số đối với các vấn đề toàn cầu; Dân số và phát triển cộng đồng; Chương trình dân số Việt Nam: Thực trạng và thách thức những năm đầu thế kỷ XXI; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ y tế trước những yêu cầu mới của sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân; gia tăng dân số trở lại - nguyên nhân và giải pháp; thành tựu về bảo đảm quyền trẻ em trong thời kỳ đổi mới ở nước ta; giải quyết vấn đề lao động trẻ em và trẻ em lang thang trong chiến lược bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Thực hiện một số mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; vấn đề giới trong quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020...
Về lĩnh vực xây dựng Đảng, đây là một trong những chủ đề quan trọng được Tạp chí Cộng sản đặc biệt quan tâm. Các bài trên Tạp chí đã thể hiện khá toàn diện, phong phú, sâu sắc những phương diện cơ bản của công tác xây dựng Đảng, như tập trung nghiên cứu và phát triển nền tảng tư tưởng của đảng cộng sản, những vấn đề lý luận về đảng cầm quyền; khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, bản chất giai cấp công nhân của Đảng, những vấn đề cơ bản của xây dựng đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức; vấn đề đạo đức cách mạng và phẩm chất người cán bộ cách mạng; những bài học kinh nghiệm xây dựng đảng ở các ngành, các cấp, các lĩnh vực, các đơn vị.
Thứ nhất, những vấn đề xây dựng Đảng về chính trị và tư tưởng. Đây là vấn đề hàng đầu đối với một chính đảng, nhất là đối với Đảng ta trong bối cảnh tình hình thế giới vô cùng phức tạp về chính trị. Khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô đổ vỡ, các thế lực phản động quốc tế muốn phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, muốn “phi chính trị” trong đời sống xã hội mà thực chất là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, trên Tạp chí Cộng sản đã có hàng loạt những bài viết khẳng định sự bất diệt của nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng ta - chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định con đường đúng đắn mà Đảng, Bác Hồ lựa chọn - con đường xã hội chủ nghĩa. Bài “Không có lý luận tiên phong thì Đảng không thể thực hiện được vai trò người chiến sĩ tiên phong” của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (số 6, năm 2002) đã nhấn mạnh vấn đề nổi bật nhất là Đảng ta đã thật sự đổi mới phương pháp tư duy lý luận, trên cơ sở kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Mục tiêu chung của toàn Đảng, toàn dân ta là: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Do kiên định lập trường mác-xít, do vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh Việt Nam trong từng giai đoạn cách mạng mà Đảng ta đã giải đáp có căn cứ khoa học, vững chắc hơn nhiều vấn đề như: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy nguồn lực con người; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng Đảng cầm quyền trong điều kiện mới...
Khẳng định mục tiêu chính trị không đổi của Đảng và Nhân dân ta là quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác- Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng lý giải và minh chứng: “Điều đó hoàn toàn phù hợp với xu thế vận động, phát triển của lịch sử. Nhiều đảng cộng sản, đảng cánh tả mác - xít trên thế giới đều khẳng định loài người tất yếu sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội. Gần đây Hội nghị Trung ương 4 khóa XVI (tháng 9-2004) của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh: “Cần phải kiên trì thúc đẩy chủ nghĩa xã hội,... chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có thể cứu được Trung Quốc”. Trong Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Nhật Bản thông qua tại Đại hội XXIII (tháng 1-2004) ghi rõ: “Trong thế kỷ XXI, trào lưu hướng tới một xã hội mới vượt lên trên chủ nghĩa tư bản nhất định sẽ lớn mạnh và phát triển... Việc xây dựng chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan, dù quanh co, khúc khuỷu. song cuối cùng chủ nghĩa xã hội nhất định thắng lợi” (số 3, năm 2004). Vấn đề này còn được tiếp cận từ nhiều khía cạnh khác nhau, tiếp tục được khẳng định ở các bài tiêu biểu, như “Phát huy truyền thống, kiên định con đường đã chọn, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới” của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (số 809, năm 2010); “Cương lĩnh chính trị - ngọn cờ tư tưởng lý luận chỉ đạo sự nghiệp cách mạng nước ta” của đồng chí Nguyễn Phú Trọng (số 809, năm 2010); “Phát huy truyền thống vẻ vang, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ cách mạng mới” của đồng chí Trương Tấn Sang (số 808, năm 2010); “Cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” của đồng chí Tô Huy Rứa (số 811, năm 2010); “Những bài học về xây dựng Đảng nhìn nhận dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga và sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu” của đồng chí Tạ Ngọc Tấn (số 780, năm 2007);...
Để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, về mặt chính trị, hàng loạt bài đã bàn về bản chất giai cấp công nhân của Đảng, như: “Nâng cao bản chất giai cấp công nhân của Đảng” của tác giả Nguyễn Trọng Phúc (số 29, tháng 10, năm 2003); “Bản chất của Đảng Cộng sản cầm quyền” của tác giả Hoàng Chí Bảo (số 3, năm 2004);…
Có thể thấy, các bài được đăng tải trên Tạp chí Cộng sản trong 15 năm qua đã góp thêm những nhận thức tư tưởng, chính trị, trong đó nổi bật là về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với những nhận thức rất cơ bản: về bản chất và mục tiêu của chủ nghĩa xã hội; về nền tảng tư tưởng của Đảng; về động lực của sự phát triển; về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; về tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; về xây dựng chủ nghĩa xã hội đi đôi với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; về quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tê… Các bài viết cũng toát lên đòi hỏi Đảng xuất phát từ những căn cứ khoa học và thực tế tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị trong những năm tới.
Thứ hai, xây dựng Đảng về tổ chức, đổi mới phương thức lãnh đạo. Các bài viết nêu rõ nhận thức: Đảng là một tổ chức chính trị, vừa là thành viên của hệ thống chính trị, vừa là lực lượng lãnh đạo của hệ thống chính trị, thông qua đó mà tổ chức lãnh đạo dân tộc thực hiện mục tiêu cao cả đã được xác định. Trên các phương diện chính của công tác xây dựng Đảng về tổ chức: Hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng, công tác cán bộ, các nguyên tắc để xây dựng Đảng vững mạnh, các mối quan hệ giữa Đảng với các thành tố trong hệ thống chính trị, các lực lượng, giai cấp, tầng lớp trong xã hội... đã được đề cập một cách khá cụ thể với những căn cứ khoa học và giải pháp thực tế. Chẳng hạn như: Công tác tổ chức, cán bộ được bàn tới một cách sâu sắc từ các phương diện đến các khâu, qua các bài chính: “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đẩy mạnh cải cách tổ chức, hoạt động của Nhà nước” (số 17, năm 2001) và “Luân chuyển cán bộ - khâu đột phá nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ngang tầm thời kỳ phát triển mới” (số 7, năm 2002) của đồng chí Trần Đình Hoan; “Một số vấn đề quan trọng về công tác tổ chức và cán bộ của Đảng hiện nay” của đồng chí Phan Diễn (số 31, năm 2002); “Mối quan hệ giữa quy hoạch, đánh giá với luân chuyển cán bộ hiện nay” của đồng chí Phạm Quang Nghị, (số 18, năm 2004); “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (số , năm 2011); bài “Một số vấn đề cấp bách trong đổi mới công tác cán bộ hiện nay” của đồng chí Tô Huy Rứa (số 839, năm 2012); bài “Xây dựng và thực hành văn hóa Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền” của tác giả Hoàng Chí Bảo (số 838, năm 2012); bài “Xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh là giải pháp đột phá, quyết định hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay” của tác giả Trần Đơn (số 844, năm 2013); bài “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân hiện nay” của tác giả Ngô Huy Tiếp (số 645, năm 2014);…
Về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, Tạp chí đã giới thiệu nhiều bài viết của các nhà quản lý các cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát của Đảng và các nhà nghiên cứu về công tác xây dựng Đảng. Các bài: “Tăng cường công tác kiểm tra của Đảng góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng” của đồng chí Nguyễn Thị Doan (số 12, năm 2002); “Chủ động thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác kiểm tra của Đảng (số 18, năm 2003) của đồng chí Nguyễn Văn Chi; “Hai năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng” của đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền (số 805, năm 2009”; “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng” (số 806, năm 2009) và “Công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng - Những dấu ấn sâu sắc” (số 808, năm 2010) của đồng chí Nguyễn Văn Chi; “Vấn đề kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong ngành công thương” của đồng chí Lê Danh Vĩnh (số 809, năm 2010)... vừa nêu rõ sự cần thiết của công tác kiểm tra, giám sát đối với một Đảng cầm quyền trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa từng bước đưa ra cơ chế để công tác kiểm tra, giám sát nhanh chóng đi vào đời sống sinh hoạt của Đảng, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; đồng thời cũng nghiêm túc nhìn lại kết quả và những gì đang đặt ra đối với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ở mỗi nhiệm kỳ đại hội cần phải giải quyết.
Mối quan hệ giữa Đảng và các thành tố trong xã hội được đặc biệt quan tâm, phân tích từ quan điểm tới phương thức vận hành để phát huy cao độ mọi nguồn lực xã hội một cách dân chủ, công bằng và hiệu quả nhất, hướng tới sự phát triển nhanh, bền vững, với các bài: “Công tác dân vận góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta” của đồng chí Trần Đức Lương (số 30, năm 2002); “Công tác dân vận - một bộ phận gắn bó mật thiết với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc ta” của đồng chí Tòng Thị Phóng (số 30, năm 2002); “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của đồng chí Trương Tấn Sang (số 790, năm 2008); “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội tham gia xây dựng Đảng, chính quyền” của đồng chí Phạm Xuân Hằng (số 805, năm 2009);...
Những vấn đề về phương cách đổi mới từ cơ cấu tổ chức của Đảng đến bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội hướng tới sự tinh gọn, hiệu quả đã được trao đổi một cách thẳng thắn và trách nhiệm, góp phần hiệu quả vào quá trình cải cách hành chính ở nước ta trong thời gian qua.
Thứ ba, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng để Đảng ngang tầm với yêu cầu của sự nghiệp cách mạng mới là đòi hỏi khách quan, đồng thời cũng là nhận thức biện chứng của Đảng. Và, chỉ có như vậy, Đảng mới đủ khả năng đảm đương trọng trách đầy khó khăn, gian khổ nhưng hết đỗi vinh quang mà dân tộc ủy thác, trao gửi và tin theo. Các bài viết đã nêu những vấn đề đã đạt được và tồn tại của công tác xây dựng Đảng về năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng nói chung và của một số đảng bộ cụ thể nói riêng, đồng thời đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong những năm tới. Một số bài viết tiêu biểu như: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp nhà nước” của tác giả Tạ Xuân Đại (số 22, năm 2001); “Nâng cao sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng thực hiện hiệu quả dân chủ ở cơ sở” của tác giả Dương Trung ý (số 14, năm 2003); “Đồng Nai nâng cao vai trò tổ chức cơ sở đảng trong vùng đồng bào theo đạo thiên chúa” của tác giả Phan Thanh Kiều (số 10, năm 2004); “ Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở” của tác giả Nguyễn Đức Hà (số 786, năm 2008); “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng” của đồng chí Nguyễn Văn Chi (số 808, năm 2010);...
Những năm qua Tạp chí đã chú trọng và đi sâu tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, phân tích, đánh giá sâu sắc và khoa học những nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác cán bộ nói riêng thời gian qua; những giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Tạp chí Cộng sản số 833 - 2012 đăng bài “Quyết tâm cao, biện pháp quyết liệt, tạo bước chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; bài “Góp phần làm sáng tỏ về cơ sở lý luận và thực tiễn nội dung Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI” của đồng chí Trần Lưu Hải và bài “Để tự phê bình và phê bình thật sự là vũ khí sắc bén, là giải pháp hiệu quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng” của đồng chí Hà Đăng (số 836, năm 2012); bài “Chung quanh vấn đề thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu với tập thể theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI” của tác giả Nguyễn Sỹ (số 838, năm 2012); bài ”Qua một năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI: Những kết quả và kinh nghiệm bước đầu” của tác giả Nguyễn Đức Hà (số 844, năm 2012); bài “Một năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng trong quân đội” của đồng chí Ngô Xuân Lịch (số 847, năm 2013); bài “Một số kết quả cơ bản của Đảng bộ Hà Nội sau một năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” của đồng chí Phạm Quang Nghị (số 849, năm 2013); bài “Hà Tĩnh phát huy những kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI” của đồng chí Nguyễn Thanh Bình (số 848, năm 2013); bài “Nhận diện biểu hiện “lợi ích nhóm” trong công tác tổ chức, cán bộ và giải pháp khắc phục” của các tác giả Cao Văn Thống và Đỗ Xuân Tuất (số 859, năm 2014);…
Thứ tư, chăm lo xây dựng tổ chức cơ sở đảng là xây dựng Đảng từ gốc. Tổ chức cơ sở đảng có vị trí vô cùng quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đảng, là nơi tổ chức thực hiện mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; đem tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng và Chính phủ. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã tăng cường hướng về cơ sở từ chủ trương, chính sách đến những chương trình kinh tế - xã hội cụ thể. Các bài đăng trên Tạp chí Cộng sản trong 10 năm qua vừa thể hiện rõ nhận thức trên, vừa đẩy mạnh tuyên truyền, phản ánh kinh nghiệm về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng: “Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh ở Đảng bộ Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp” của tác giả Nguyễn Đức Cường (số 11, năm 2005); “Xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ngang tầm là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ Lào Cai” của tác giả Bùi Quang Vinh (số 784, năm 2008); “Đảng bộ Bạc Liêu với việc xây dựng tổ chức đảng ở xã, phường, thị trấn” của tác giả Phan Quốc Hưng (số 785, năm 2008); “Công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Trà Vinh” của tác giả Nguyễn Thái Bình (số 792, năm 2008); “Bắc Giang tăng cường hướng về tổ chức cơ sở đảng” của tác giả Đào Xuân Cần (số 799, năm 2009);...
Ngoài ra, những vấn đề trực tiếp về xây dựng tổ chức cơ sở đảng, như đổi mới nội dung phương thức sinh hoạt chi bộ theo hướng nâng cao chất lượng, thiết thực, hiệu quả; bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng ở nông thôn hiện nay; xóa tình trạng “trắng” đảng viên ở vùng cao; về vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng ở doanh nghiệp tư nhân... cũng thường xuyên được đề cập trên Tạp chí.
Thứ năm, chủ đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các bài viết chung quanh những vấn đề này trên Tạp chí Cộng sản, nhất là trong thời gian Đảng ta tiến hành Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” từ năm 2007 và thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong những năm qua vừa trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức, vừa tạo sự chuyển biến tích cực trong hành vi của đông đảo cán bộ, đảng viên, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện Cuộc vận động và Chỉ thị của Bộ Chính trị. Có thể nêu một số bài: “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu theo tư tưởng Hồ Chí Minh” của đồng chí Nguyễn Thị Doan (số 20, năm 2002); “Dân là gốc, dân làm chủ - vị trí trung tâm trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của đồng chí Lê Khả Phiêu (số 783, năm 2008); “Đảng bộ và nhân dân Thủ đô quyết tâm thực hiện tốt những lời Bác Hồ dạy” của đồng chí Phạm Quang Nghị (số 788, năm 2008); “Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mãi soi sáng sự nghiệp cách mạng của nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La” của đồng chí Thào Xuân Sùng (số 787, năm 2008); “Đảng bộ và nhân dân Đồng Tháp - nguyện “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của đồng chí Huỳnh Minh Đoàn (số 787, năm 2008); “Đảng bộ Công an Trung ương quán triệt và làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của đồng chí Lê Hồng Anh (số 805, năm 2009); “Phát huy kết quả bước đầu, khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong những năm tới” của đồng chí Tô Huy Rứa (số 820, năm 2011); “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt chất lượng và hiệu quả cao” của đồng chí Lê Hồng Anh (số 848, năm 2013); “Một số ý kiến về tiếp tục đẩy mạnh việc đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống thực tiễn của thanh niên và phong trào thanh niên” của tác giả Đặng Cảnh Khanh (số 845, năm 2013); “Đảng bộ Hà Nội sau hai năm thực hiện chỉ thị số 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của đồng chí Hồ Quang Lợi (số 851, năm 2013); “Đảng bộ quân đội kết hợp có hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI” của đồng chí Nguyễn Thanh Tuấn (số 863, năm 2014);… Những chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh; những nguyên tắc xây dựng đạo đức của Người; những quyết tâm và phương pháp học tập; những cách làm theo tấm gương đạo đức... ở từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị được đề cập một cách tâm huyết, cụ thể, không ngoài mong muốn nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, để từ đó lan tỏa, thấm sâu vào tất cả các tầng lớp nhân dân, góp phần ngăn chặn đẩy lùi tệ tha hóa, biến chất và các tệ nạn xã hội khác. Điều đó có tác dụng to lớn vừa trực tiếp xây dựng đạo đức, văn minh của Đảng, vừa góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội ta.
Thứ sáu, Tạp chí đã tích cực tham gia công tác tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn qua 30 năm đổi mới trên các lĩnh vực của công tác xây dựng Đảng, như công tác tổ chức và cán bộ; công tác dân vận của Đảng, công tác kiểm tra của Đảng; đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân;… Một số bài viết tiêu biểu như: “ Công tác xây dựng Đảng qua gần 30 năm đổi mới: Nhận thức lý luận và vấn đề thực tiễn” của đồng chí Tô Huy Rứa (số 860, năm 2014); bài “Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng qua gần 30 năm đổi mới” của đồng chí Ngô Văn Dụ (số 861, năm 2014); bài “Công tác vận động nhân dân của Đảng qua gần 30 năm đổi mới: Những kết quả chủ yếu, bài học kinh nghiệm và vấn đề đặt ra” của đồng chí Hà Thị Khiết (số 865, năm 2014);…Tạp chí cũng giới thiệu các bài viết về việc tổng kết 30 năm đổi mới của ban ngành, các địa phương trên khắp cả nước. Đó là các bài “Công tác cán bộ của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam qua gần 30 năm đổi mới” của đồng chí Hoàng Thị Ái Nhiên (số 864, năm 2014); bài “Công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu niên qua gần 30 năm đổi mới: Kết quả và những vấn đề đặt ra” (số 865, năm 2014); bài “Hội Nông dân Việt Nam với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển giai cấp nông dân Việt Nam qua gần 30 năm đổi mới” của đồng chí Nguyễn Quốc Cường (số 864, năm 2014); bài “Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước - Nhìn lại 20 năm phát triển” của tác giả Hoàng Hồng Lạc (số 861, năm 2014); bài “Công tác xây dựng Đảng ở Đảng bộ tỉnh Nghệ An qua gần 30 năm đổi mới: Những kết quả chủ yếu, vấn đề đặt ra và bài học kinh nghiệm” của đồng chí Hồ Đức Phớc (số 860, năm 2014);…
Kinh nghiệm công tác xây dựng Đảng ở xã, phường, thị trấn, ở vùng đồng bào dân tộc, trong các loại hình doanh nghiệp, các đoàn thể chính trị - xã hội, trong các trường học; đổi mới phương pháp công tác đảng; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí; văn hóa Đảng… cũng là những nội dung được phản ánh đậm nét trên Tạp chí.
Mục “Sinh hoạt tư tưởng” với các đề tài bám sát các nghị quyết của Đảng nhằm phê phán những tư tưởng, thái độ không phù hợp với các nghị quyết đó. Có thể kể các bài: “Vậy là vậy”, “Khoảng cách”, “Cái sàng”, “Ba nhiều, ba ít”, “Phong bì và cái bì không phong”, “Chuyện ... không nhỏ”, “Chết mau, chết lâu”; “Xin miễn “Quy hoạch” cho em”; “Ba bài học nhỏ”; “Nghe được dân nói”; “Tiếp xúc cử tri”; “Bốn cần, ba chọn”; “Của người- phúc ai”; “Cần một chữ dũng”; “Rửa… cán bộ”; “Chuyện ở những hàng ghế cuối”; “Trên quyết…dưới liệt”; “Đường lên… nẻo xuống”; ”Đạo vị”; “Chỉ bởi chữ TÂM”; “Đoàn kết với… chính mình”; “Chuối chín cả nải”; “Sợ chính mình”; “Thưởng từ dưới, phạt từ trên”; “Tam nông - tứ khó”; “Bốn thấp, một cao!”; “Tắt đèn”;”Động cơ thông tin”; “Sao trước kia không…”; “Triết lý “bốn sạch””; “Tài lộc” viển vông”; “Cần loại bỏ những cán bộ “giã cào””; “Lý sự 4C vọng 6C”; “Thế à”; “Công, tư lẫn lộn”; “Phong bì sạch, phong bì bẩn”; “Gác bút”; “Lập trình quyền lực”;”Tết này ta phải đi ngang”; “Chữ nhẫn”; “Một nửa thường dân”; “Đừng vì hiện đại mà lại… xa dân”; “Quy hoạch mật”; “Hậu duệ và trí tuệ”; “Hội chứng “Bắn chỉ thiên””;”Tư duy nhiệm kỳ”; “Một nửa thường dân”; “Phê bình “cầm roi” và phê bình kiểu “Nhiệm Tỏa”; “Vui như…khởi công”; “Chữ danh thời nay”; “Không đầu tư”; “Con rối”;…
Về các vấn đề quốc tế, bám sát vào các sự kiện thời sự lớn, các vấn đề nổi bật trên thế giới và ở các khu vực có các bài bình luận, phân tích sắc sao, thể hiện một cách đầy đủ và toàn diện những khía cạnh lớn, quan trọng, cũng như tính chất phức tạp, khó lường trong sự phát triển của tình hình khu vực, thế giới và quan hệ quốc tế. Hằng năm có các bài viết tổng kết, đánh giá trên các những lĩnh vực, như kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh,… những chuyển động trong quan hệ giữa các nước lớn,…từ đó đưa ra những dự báo về xu hướng phát triển trong những năm tới,… Có thể nêu một số nội dung lớn mà các bài viết tập trung thể hiện như sau:
Thứ nhất, về các vấn đề lớn của thời đại và cục diện thế giới hiện nay. Các bài viết phân tích những đặc điểm của thời đại hiện nay - thời đại quá độ của nhân loại từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội; những mâu thuẫn cơ bản của thế giới và giải quyết những mâu thuẫn này trong quan hệ quốc tế; trật tự thế giới mới và những xu hướng phát triển của thế giới sau Chiến tranh lạnh, nhất là sau cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu diễn ra trong những năm 2008 - 2009 (“Một số nét về cục diện thế giới hiện nay và vấn đề đặt ra đối với Việt Nam” (số 847, năm 2013); “Bức tranh thế giới đương đại” (số 831, năm 2012); “Xu hướng tăng cường hiện đại hóa quân đội các nước sau Chiến tranh lạnh” (số 819, năm 2011); “Về “Chiến lược giành ưu thế toàn diện hay là nền dân chủ bá quyền trong trật tự thế giới mới” (số 822, năm 2011); các nước đang phát triển trong cuộc đấu tranh thiết lập trật tự thế giới mới...
Thứ hai, những nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản. Nhằm góp phần khắc phục một trong những hạn chế, yếu kém trong công tác lý luận mà Đảng ta chỉ ra là “hiểu biết về chủ nghĩa tư bản hiện đại chưa sâu sắc, có mặt còn lệch lạc”, Tạp chí Cộng sản đã giới thiệu nhiều bài nghiên cứu tập trung làm rõ thêm nhận thức một cách khoa học về bản chất, những “cuộc tự điều chỉnh” của chủ nghĩa tư bản hiện đại và một số “dung mạo” mới của nó, như chủ nghĩa tự do mới, chủ nghĩa tư bản cổ đông hiện đại; cơ cấu giai cấp - xã hội dưới chủ nghĩa tư bản hiện nay; những thách thức, mâu thuẫn, rạn nứt trong hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới, nhất là tại ba trung tâm Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - tài chính (“Tư duy lại về mô hình phát triển: Bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu” (số 852, năm 2013),…). Từ phân tích những mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản hiện đại, những rạn nứt lớn trong xã hội tư bản trong các bài viết càng cho thấy sự tự phủ định của chủ nghĩa tư bản là một xu thế lịch sử tất yếu, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa là khả năng thực tế.
Thứ ba, vấn đề toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Những bài viết thể hiện sự nghiên cứu trên cả hai phương diện: lý luận và thực tiễn nhằm tập trung làm rõ thêm bản chất toàn cầu hóa, các phương pháp tiếp cận toàn cầu hóa; mối liên hệ giữa toàn cầu hóa và khu vực hóa, toàn cầu hóa và chủ nghĩa dân tộc kinh tế, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế (“Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến đời sống chính trị thế giới và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam” (số 843, năm 2013); “Một số vấn đề về toàn cầu hóa trong lĩnh vực quân sự, an ninh quốc phòng hiện nay” (số 866, năm 2014); “Nhận thức về chủ quyền quốc gia và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay” (số 833, năm 2012); “Bảo vệ chủ quyền của các nước nhỏ trong thế giới hiện nay” (số 861, năm 2014); “Kinh tế thế giới: Năm năm sau khủng hoảng” (số 854, năm 2013);…); toàn cầu hóa với chủ nghĩa xã hội; tác động hai mặt của toàn cầu hóa, nhất là toàn cầu hóa kinh tế đối với các nước đang phát triển, chậm phát triển; tác động của toàn cầu hóa đối với an ninh quốc gia nói chung và an ninh kinh tế nói riêng, đối với lĩnh vực chính trị, văn hóa - tư tưởng; phân tích phong trào đấu tranh chống mặt trái của toàn cầu hóa từ góc độ làm rõ nguyên nhân và đặc điểm của phong trào này; các lực lượng tham gia; tính chất và phương pháp của cuộc đấu tranh;...
Thứ tư, về sự phát triển của khoa học - công nghệ và kinh tế tri thức. Tạp chí đã giới thiệu những bài phân tích rõ vai trò của khoa học - công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng đối với sự phát triển của thế giới; xu thế phát triển của khoa học - công nghệ trong thế kỷ XXI; khoa học - kỹ thuật dưới chủ nghĩa tư bản và một số hệ quả kinh tế - xã hội của cách mạng khoa học - công nghệ. Làm rõ bản chất và đặc điểm của kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa. Tác động của kinh tế tri thức đối với những mối quan hệ kinh tế quốc tế; Kinh tế tri thức và những cơ hội cũng như thách thức đối với các nước đang phát triển (“Gắn kết khoa học - công nghệ với sản xuất: Những khó khăn đối với các nước đang phát triển” (số 861, năm 2014)); tiếp cận kinh tế tri thức qua kinh nghiệm một số nước.
Thứ năm, xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển trong thế giới toàn cầu hóa qua phân tích tiềm năng, thách thức và triển vọng của mối quan hệ hợp tác Á - Âu; hợp tác kinh tế và an ninh khu vực châu Á- Thái Bình Dương; Liên minh châu Âu mở rộng và xu thế nhất thể hóa châu Âu; tăng cường hợp tác liên kết khu vực Đông Á và Đông Nam Á; hợp tác chiều sâu cho mục tiêu phát triển ASEAN và ASEM; liên kết Cộng đồng các quốc gia độc lập (“Liên minh kinh tế Á- Âu trong không gian hậu Xô-viết” (số 863, năm 2014),…). Đặc biệt, hợp tác trong khuôn khổ ASEAN được đề cập trong nhiều bài viết về vị thế địa - chính trị của ASEAN thập niên đầu thế kỷ XXI; khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực (“Phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc hợp tác khu vực” (số 853, năm 2013); “ASEAN với vấn đề giải quyết tranh chấp ở Biển Đông” (số 860, năm 2014),…); ASEAN - một khu vực lịch sử, chính trị và văn hóa thống nhất trong đa dạng; liên kết ASEAN xét từ góc độ lý luận của khu vực hóa; thực trạng và triển vọng của quá trình liên kết kinh tế ASEAN (“ASEAN năm 2011: Hướng tới Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu” (số 832, năm 2012)); an ninh kinh tế ASEAN và thu hẹp khoảng cách phát triển nội bộ khối; liên minh nghị viện ASEAN, báo chí ASEAN, hợp tác giữa ASEAN với các bên đối thoại...
Thứ sáu, nguyên nhân, thực trạng và hậu quả của những cuộc xung đột khu vực, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp lật đổ... sau Chiến tranh lạnh được làm rõ qua hàng loạt bài viết về tình hình Trung Đông, Bắc Phi, châu Âu: về xung đột I-xra-en và Pa-le-xtin, về cuộc chiến mà Mỹ tiến hành ở Áp-ga-ni-xtan, I-rắc, về chiến tranh trên bán đảo Ban-căng, vấn đề Cô-xô-vô; các cuộc cách mạng sắc màu ở Ai Cập, Tuy-ni-di, can thiệp quân sự của Mỹ và đồng minh tại Li-bi, xung đột tại Xy-ri (“Biến động chính trị ở Bắc Phi, Trung Đông và tác động đối với thế giới” (số 822, năm 2011); “Xy-ri: Sắc thái của một cuộc chiến tranh ủy thác” (số 842, năm 2012)), cuộc khủng hoảng chính trị tại U-crai-na (“Mỹ với sự chuyển dịch “bàn cờ lớn” Á - Âu hậu Crưm” (số 860, năm 2014); “Khủng hoảng U-crai-na - cuộc xung đột khu vực thời khủng hoảng kinh tế” (số 865, năm 2014)); sự xuất hiện của Nhà nước Hồi giáo tự xưng - IS; về đặc điểm của chạy đua vũ trang, về NATO mở rộng và tác động của nó đối với an ninh toàn cầu, về chính sách đơn phương và chiến lược toàn cầu của Mỹ, về hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ, về mưu đồ của Mỹ trong việc kiểm soát các nguồn dầu khí trên thế giới… Có thể nêu một số bài viết, như “NATO - Đại chiến lược của Mỹ” (số 821, năm 2011), “Xung đột quốc tế - bài toàn chưa có lời giải” (số 822, năm 2011), “Thấy gì từ những cuộc chiến do NATO tiến hành đầu thế kỷ XXI” (số 834, năm 2012),…
Thứ bảy, thực trạng và triển vọng giải quyết những vấn đề toàn cầu, an ninh phi truyền thống đòi hỏi sự hợp tác đa phương, như vấn đề dân số, lương thực (“Có hay không chiến dịch “thôn tính đất đai trên thế giới?” (số 822, năm 2011); “Để giải quyết bài toán an ninh lương thực” (số 830, năm 2011); “Phát triển nông nghiệp trong thế giới hiện đại” (số 865, năm 2014), vấn đề xóa đói, giảm nghèo, vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, bảo vệ nguồn nước, phòng chống bệnh tật, vấn đề cải tổ Liên hợp quốc (“Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc: Nhu cầu cải tổ và những trở ngại” (Số 836, năm 2012)), đấu tranh chống khủng bố, chống ma-phi-a và tội phạm quốc tế có tổ chức, bảo đảm an ninh toàn cầu (“Cuộc chiến toàn cầu chống kungr bố - một thập niên nhìn lại” (số 828, năm 2011)), an ninh biển và an toàn hàng hải (“Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc và sự tham gia của Việt Nam” (số 827, năm 2011); “Tăng cường hợp tác an ninh trên Biển Đông vì một khu vực hòa bình, hợp tác và phát triển” (số 837, năm 2012); “Thực tiễn giải quyết tranh chấp theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 - Những kinh nghiệm tham khảo” (số 863, năm 2014);...).
Thứ tám, mối quan hệ giữa các nước lớn, sự thay đổi trong chính sách đối ngoại và trọng tâm đối ngoại của các nước lớn tác động đến tình hình khu vực và thế giới,… (Quan hệ Nga - Mỹ hiện nay: Một vài phân tích và dự báo” (số 845, năm 2013)); chính sách đối ngoại của các nước lớn đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương (“Những điều chỉnh chính sách của các nước lớn đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương” (số 862, năm 2014); “Châu Á - Thái Bình Dương: Hướng ưu tiên trong chiến lược đối ngoại của Liên bang Nga” (số 853, năm 2013); “Châu Á - Thái Bình Dương: Nơi hội tụ những “giấc mơ lớn” (số 851, năm 2013); “Những chuyển động mạnh mẽ trong quan hệ giữa các nước lớn năm 2014” (số 868, năm 2015);…); quan hệ Mỹ - Liên minh châu Âu, chiến lược của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đối với Đông Á, chiến lược của các nước lớn đối với châu Phi… Một số bài viết phân tích những chuyển dịch trong quan hệ giữa các nước lớn và đối sách của các nước nhỏ, như “Chuyển dịch trong quan hệ giữa các nước lớn từ sau năm 2008” (số 823, năm 2011), “Sức mạnh thông minh” và “Thế kỷ Thái Bình Dương”: Nền tảng chiến lược đối ngoại của chính quyền Mỹ” (số 833, năm 2012),…
Thứ chín, thông tin về hoạt động của các đảng cộng sản, công nhân và các đảng cầm quyền ở các nước. Ngoài một số bài viết về những chuyển động mới phong trào cộng sản và công nhân quốc tế (“Về chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân hiện nay” (số 859, năm 2014)), về giai cấp công nhân ở các nước tư bản trong điều kiện cách mạng khoa học - công nghệ và toàn cầu hóa, Tạp chí đã có những bài viết thông tin về hoạt động của các đảng cộng sản, như Đảng Cộng sản Ô-xtrây-li-a, Liên đoàn các đảng cộng sản - Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Mác-xít Ấn Độ, Đảng Cộng sản Hy Lạp, Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Đảng Cộng sản Phần Lan, Đảng Cộng sản Nhật Bản, Đảng Cánh tả toàn châu Âu, Đảng Cộng sản Pê-ru - Tổ quốc đỏ...) và các đảng cầm quyền (Đảng nước Nga thống nhất, Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Vê-nê-xu-ê-la, Đảng Lao động cầm quyền ở Bra-xin, Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo ở Đức, Đảng Tổ chức dân tộc Mã Lai thống nhất…). Những năm qua, Tạp chí giới thiệu nhiều bài về bước phát triển mới của phong trào cánh tả Mỹ La-tinh, về “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI ở Vê-nê-xu-ê-la”; về Phong trào Không liên kết (“Phong trào Không liên kết: Đổi mới để khẳng định vai trò sau 50 năm tồn tại” (số 827, năm2011)) và các trào lưu chính trị - xã hội trên thế giới (“Trào lưu dân chủ xã hội châu Âu những thập niên đầu thế kỷ XXI” (số 832, năm 2012), “Về tập hợp đa phương của các đảng chính trị ở châu Âu” (số 839, năm 2012), “Cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản, công nhân và sự tham gia của Đảng Cộng sản Việt Nam” (số 842, năm 2012); “Xu thế liên kết đa phương giữa các đảng chính trị trên thế giới” (số 857, năm 2014); “Các diễn đàn đa phương của đảng cộng sản, công nhân, cánh tả” (số 845, năm 2013); “Về tập hợp đa phương của các đảng chính trị ở châu Phi” (số 846, năm 2013), “Vai trò của các đảng xanh trong đời sống chính trị châu Âu” (số 848, năm 2013);…).
Thứ mười, giới thiệu kinh nghiệm các nước, như kinh nghiệm hội nhập của các nước ASEAN; kinh nghiệm đấu tranh chống tham nhũng, phát triển nguồn nhân lực, lựa chọn và đề bạt cán bộ; giải quyết các vấn đề nảy sinh thu hồi đất nông nghiệp của Trung Quốc; kinh nghiệm Hàn Quốc trong phát triển nông nghiệp bền vững; kinh nghiệm cải cách hành chính ở Nhật Bản; nâng cao phúc lợi trong quá trình tăng trưởng ở một số nước châu Á, kinh nghiệm của OECD trong đánh giá và trả lương dựa trên thực thi công việc, kinh nghiệm các nước ứng phó với lạm phát, với các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua do bị tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ xảy ra từ cuối năm 2008;...
Về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, để góp phần làm cho thế giới hiểu rõ hơn về Việt Nam từ chỗ “mong muốn” và “sẵn sàng là bạn” đến khẳng định “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước”, trong hoạt động thông tin, tuyên truyền đường lối đối ngoại của Đảng, Tạp chí tiếp tục giới thiệu nhiều hơn những bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước khẳng định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Đó là những bài: “Nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại Việt Nam” (số 21, năm 2002) của đồng chí Nguyễn Dy Niên, “Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” (số 7, năm 2004) của đồng chí Lê Hữu Nghĩa, “Đổi mới về đối ngoại” (số 16, năm 2005) của đồng chí Vũ Khoan, “Chính sách và hoạt động đối ngoại trong thời kỳ đổi mới” (số 17, năm 2005) của đồng chí Nguyễn Dy Niên, “Ngoại giao Việt nam thời kỳ đổi mới” (số 19-2005) của đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, “Nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng” (số 11, năm 2006) của đồng chí Nguyễn Dy Niên, “Gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới - thách thức và hành động của chúng ta” (số 23, năm 2006) của đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, “Đẩy mạnh triển khai thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại Đại hội X của Đảng” (số 777, năm 2007), và “Việt Nam tự tin vững bước trên con đường hội nhập” (số 780, năm 2007) của đồng chí Phạm Gia Khiêm, “Việt Nam sẽ có tiếng nói và quyền tham gia quyết định các vấn đề trọng đại liên quan đến hòa bình, phát triển và an ninh quốc tế” (số 781, năm 2007) của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, “Mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng trong tình hình mới” (số 791, năm 2008) của đồng chí Trần Văn Hằng, “Việt Nam đóng góp tích cực vào các hoạt động của Liên hợp quốc vì mục tiêu hòa bình và phát triển” (số 972, năm 2008) của đồng chí Phạm Gia Khiêm, “Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng trong lĩnh vực công tác đối ngoại” (số 797, năm 2009) của đồng chí Trần Văn Hằng, “Đối ngoại Việt Nam 2009: Vượt qua thách thức, vững bước vào năm 2010” (số 807, năm 2010) của đồng chí Phạm Gia Khiêm;…
Việc tuyên truyền đường lối, chính sách và các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước trên Tạp chí được thể hiện qua những nội dung sau:
Thứ nhất, khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng lý luận của ngoại giao Việt Nam. Đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, độc lập tự chủ, tự cường gắn liền với đoàn kết hợp tác quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, kiên định nguyên tắc nhưng luôn linh hoạt trong mọi ứng xử, có đối sách thích hợp với từng nước trong từng giai đoạn…
Thứ hai, phản ánh chủ trương đối ngoại của Đảng (“Đối ngoại Việt Nam thời kỳ đổi mới: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” (số 862, năm 2014); “Ngoại giao Việt Nam năm 2011: Triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng” (số 832, năm 2012); “Đối ngoại đảng góp phần tạo nền tảng chính trị vững chắc cho sự phát triển lâu dài, bền vững của đất nước” (số 869, năm 2015); “Thực hiện chủ trương của Đảng ta về mở rộng quan hệ đối ngoại với các đảng cầm quyền” (số 833, năm 2012); “Góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế” (số 835, năm 2012); “Những thành tựu đối ngoại của Quốc hội Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập” (số 869, năm 2015); “Công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong năm 2014 và trọng tâm đối ngoại năm 2015” (số 868, năm 2015)…); việc triển khai các hoạt động đối ngoại chủ động, tích cực, hiệu quả của Việt Nam cải thiện quan hệ với các nước, các khu vực trên thế giới, như quan hệ hữu nghị và hợp tác trên nhiều lĩnh vực với Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Pháp, Ô-xtrây-li-a, Mỹ, các nước châu Phi, các nước ASEAN, Liên minh châu Âu (EU); Trung Đông, các nước là thành viên của Phong trào Không liên kết. Đặc biệt là việc xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều nước (“Xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện - nguồn sức mạnh mềm của Việt Nam” (số 855, năm 2014); “Bốn mươi năm quan hệ Việt Nam - Ô-xtrây-li-a: Đối tác toàn diện, hướng tới tương lai” (số 844, năm 2013); “Bốn mươi năm quan hệ Việt Nam - I-ta-li-a: Nâng tầm đối tác chiến lược” (số 845, năm 2013); “Việt Nam - Nhật Bản: Đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á” (số 850, năm 2013); “Bốn mươi năm nhịp cầu quan hệ Việt Nam - Anh” (số 851, năm 2013);…).
Thứ ba, chủ trương hội nhập quốc tế được tuyên truyền đậm nét, như phân tích nguyên nhân và bối cảnh ra đời của chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng; những định hướng chiến lược hội nhập quốc tế (“Hội nhập quốc tế của Việt Nam: Từ lý thuyết đến thực tiễn” (số 855, năm 2014); “Ba mươi năm hội nhập kinh tế quốc tế: một vài suy ngẫm và đề xuất hướng tới” (số 868, năm 2015);…) làm sâu sắc thêm về phương diện lý luận nội dung của hội nhập quốc tế; cơ hội và thách thức; vấn đề phát huy nội lực trong hội nhập quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; phản ánh quá trình Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương, hội nhập ASEAN, gia nhập APEC, ASEM và nhất là quá trình Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); phản ánh những bước tiến trong quá trình hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực chính trị, văn hóa, an ninh, quốc phòng (“Những bước tiến mới trong tiến trình hợp tác quốc tế về quốc phòng của Việt Nam” (số 852, năm 2013); “Ngoại giao nhân dân qua các diễn đàn đa phương” (số 856, năm 2014)…).
Thứ tư, tổng hợp những đánh giá của dư luận quốc tế về thành tựu và những bước phát triển mới của Việt Nam qua từng năm, như “Thành tựu Việt Nam 2002 qua báo chí nước ngoài” (số 4+5, năm 2003), “Việt Nam 2003 qua con mắt người nước ngoài” (số 1, năm 2004), “Việt Nam 2004 qua con mắt người nước ngoài” (số 1, năm 2005), “Việt Nam đang vươn mình trở thành hổ” (số 2+3, năm 2006), “Thời khắc rồng Việt Nam đã điểm” (số 784-2008), “Điểm sáng Việt Nam” (số 790, năm 2008), “Việt Nam - dấu ấn của sự đổi mới” (số 796, năm 2009) “Việt Nam - một cơ hội không nên bỏ lỡ” (số 807, năm 2010).
Thứ năm, tuyên truyền về bài học kinh nghiệm đối ngoại Việt Nam qua các dịp kỷ niệm lớn của đất nước, như kỷ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Ngày ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (“Sáu mươi năm Hội nghị Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Việt Nam: Một cách tiếp cận” (số 861, năm 2014); “Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954: Đọc và suy ngẫm” (số 861, năm 2014)) và Ngày ký Hiệp định Pa-ri (“Hiệp định Pa-ri về Việt Nam và bản lĩnh ngoại giao Hồ Chí Minh” (số 843, năm 2013)), Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước...
Thứ sáu, phản ánh những hoạt động cấp cao quốc tế được tổ chức tại Việt Nam, như việc tổ chức Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO), Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 5 (ASEM 5), Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn kinh tế khu vực châu Á- Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 14, Hội nghị Cấp cao ASEAN 16 khi Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN 2010…
Thứ bảy, góp phần làm rõ quan điểm của Đảng ta về người Việt Nam định cư ở nước ngoài - một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam (“Huy động hiệu quả nguồn lực của Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài” (số 845, năm 2013); “Người Việt Nam ở nước ngoài - bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” (số 839, năm 2012)) giới thiệu những bài học thực tiễn góp phần tăng cường thực hiện thắng lợi công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài; sự đóng góp và hướng về quê hương của người Việt Nam ở nước ngoài; đẩy mạnh công tác Đảng ở nước ngoài (“Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đảng ngoài nước” (số 844, năm 2013); “Nâng cao hiệu quả công tác đảng ngoài nước thời kỳ hội nhập quốc tế” (số 854, năm 2013);…).
Thứ tám, kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch lợi dụng chiêu bài tự do dân chủ, nhân quyền và tôn giáo hòng can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Các bài viết đi vào một số khía cạnh sau: Một là, đấu tranh trên cơ sở lý luận và thực tiễn, vạch rõ tính chất phi lý, phi lô-gíc trong chính sách hai mặt của Mỹ về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, đồng thời vạch trần những thủ đoạn của Mỹ trong việc lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo như một thứ phương tiện nhằm thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới, chống lại các nước khác, trong đó có Việt Nam. Hai là, khẳng định sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia. Ba là, giới thiệu những thành tựu cơ bản bảo đảm quyền con người và tự do tôn giáo ở nước ta thời kỳ đổi mới…
Ngoài Tạp chí Cộng sản (bản in), từ ngày 2-9-2001, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, thực hiện Chỉ thị số 60-CT/TW, ngày 22-12-2000, của Bộ Chính trị khóa VIII về công tác của Tạp chí Cộng sản trong tình hình mới, của Bộ Chính trị VIII về công tác của Tạp chí Cộng sản trong giai đoạn mới, đã phát hành thử nghiệm Tạp chí Cộng sản điện tử trên mạng in-tơ-nét. Sau 5 tháng phát hành thử nghiệm, vào dịp kỷ niệm 72 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-2002) và đón xuân Nhâm Ngọ, Tạp chí Cộng sản điện tử phát hành chính thức bằng tiếng Việt trên mạng. Và một năm sau, vào dịp kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-2003) và đón xuân Quý Mùi, Tạp chí Cộng sản điện tử chính thức phát hành trên mạng bằng hai thứ tiếng: tiếng Việt và tiếng Anh. Tạp chí Cộng sản điện tử được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp giấy phép hoạt động số 420 ngày 20-8-2001 và được Tổng cục Bưu điện chính thức cấp phát tên miền in-tơ-nét là w.w.w.tapchicongsan.org.vn.
Là “cánh tay nối dài” của Tạp chí Cộng sản (bản in), Tạp chí Cộng sản điện tử có nhiệm vụ tuyên truyền có định hướng những vấn đề lý luận chính trị trong nước và quốc tế, tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, mở rộng thông tin đối ngoại, giới thiệu về đất nước, con người, truyền thống lịch sử và văn hóa Việt Nam, nhằm tăng cường sự hiểu biết và tình cảm của bạn bè quốc tế đối với đất nước và con người Việt Nam. Tạp chí Cộng sản điện tử còn có nhiệm vụ đấu tranh chống lại những luận điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Nội dung của Tạp chí Cộng sản điện tử gồm các trang chính sau:
Trang 1: Tiêu điểm vấn đề: Giới thiệu tiêu điểm chính của số Tạp chí
Trang 2: Lý luận và thực tiễn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam: Tập trung giới thiệu các bài viết chọn lọc về những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những vấn đề lý luận, tổng kết thực tiễn quá trình vận dụng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào cách mạng Việt Nam.
Trang 3: Việt Nam trên đường đổi mới và phát triển: Tập trung giới thiệu phân tích những sự kiện, những điển hình nổi bật về xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội... của Việt Nam trong tiến trình đổi mới.
Trang 4: Thế giới: sự kiện, vấn đề: Tập trung giới thiệu bình luận các vấn đề, sự kiện quốc tế nổi bật trong tháng.
Trang 5: Bình luận: Bình luận những vấn đề nổi bật, nóng bỏng mà xã hội quan tâm.
Trang 6: Giới thiệu các số Tạp chí Cộng sản in trong tháng.
Trang 7: Bản tin
Trang 8: Chính sách mới
Ngoài 8 trang trên, Tạp chí Cộng sản điện tử còn có các dịch vụ tiện ích khác như: tra cứu thông tin lý luận, thư góp ý, tra cứu các số đã xuất bản, đặt mua Tạp chí Cộng sản (bản in), quảng cáo, tự giới thiệu.
Nguồn bài chính của Tạp chí Cộng sản điện tử được chọn lọc từ Tạp chí Cộng sản (bản in) và một số tạp chí lý luận trong nước, đặc biệt là bản tin của Hội đồng Lý luận Trung ương. Ngoài ra còn nhiều bài viết của các tác giả, bao gồm các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học, các nhà báo có uy tín, có kinh nghiệm do Tạp chí Cộng sản điện tử trực tiếp đặt viết.
Năm 2007, xuất phát từ yêu cầu đổi mới công nghệ, nội dung thông tin, cũng như tốc độ cập nhật thông tin, bám sát các sự kiện thời sự chính trị quan trọng ở trong và ngoài nước để đáp ứng yêu cầu của độc giả, Tạp chí Cộng sản điện tử đã đổi mới giao diện, nâng cấp hạ tầng công nghệ, nâng cao chất lượng thông tin, và chuyển từ việc mỗi tháng cập nhật thông tin hai lần sang cập nhật thông tin nhiều lần trong ngày.
Các chuyên mục trên Tạp chí Cộng sản điện tử cũng được thay đổi, bổ sung cho phù hợp, với các chuyên mục chính, như Thời sự chính trị với các thông tin trong nước, đối ngoại, quốc tế, chuyện thời cuộc; Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Lý luận - thực tiễn; Nghiên cứu - trao đổi; Bình luận; Việt Nam trên đường đổi mới; Thế giới: vấn đề sự kiện; Sinh hoạt tư tưởng.
Ngoài ra, để tổng hợp, hệ thống thông tin cung cấp cho bạn đọc về các chủ đề quan trọng, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền về các sự kiện lớn mang tính thời sự, trên Tạp chí Cộng sản điện tử còn có các trang chuyên đề như: 40 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh; Giới thiệu Tạp chí Cộng sản; 85 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam; Thi đua yêu nước; Kích cầu chống suy giảm kinh tế; ý kiến bạn đọc; Hội nghị hội thảo; Tổ chức nhân sự; Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Cải cách hành chính; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Xây dựng giai cấp công nhân; Nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Cuộc chiến ở Nam Ô-xê-ti-a với các mục tin tức, phân tích bình luận, hồ sơ sự kiện; Vấn đề con số; Giới thiệu sách; Văn bản mới; Các chuyên mục khác...
Năm 2010, Tạp chí Cộng sản điện tử một lần nữa đổi mới giao diện, nâng cấp cả về nội dung, công nghệ, hình thức quản lý và cách thức xử lý tin, bài. Sự đổi mới này xuất phát từ xu thế phát triển chung của loại hình báo chí điện tử nhằm khẳng định hơn nữa vị trí, vai trò của tạp chí lý luận và chính trị, phù hợp với xu thế phát triển của báo chí điện tử hiện đại tại Việt Nam.
Trên trang tiếng Việt, hình thức giao diện được thiết kế dựa trên công nghệ mới, giao diện mở, sinh động hơn, thay đổi bố cục, xen giữa các chuyên mục chính là các chuyên mục nhỏ, có nhiều hình ảnh minh họa cho các tin, bài viết. Phần mềm cập nhật và quản lý tin, bài thực hiện theo một chu trình khép kín, tuân thủ đúng quy trình biên tập. Tốc độ truy cập vào trang web nhanh hơn, tạo điều kiện dễ dàng, thuận lợi cho bạn đọc khi sử dụng.
Nếu trước đó Tạp chí Cộng sản điện tử chủ yếu sử dụng lại các tin, bài đã in trên các ấn phẩm in của Tạp chí Cộng sản (thường là sử dụng các tin, bài này sau khi tạp chí in đã phát hành sau từ 1/2 đến 1 tháng), thì hiện nay, các tin, bài, chủ yếu là các tin, bài mới lần đầu tiên được công bố, phù hợp với loại hình báo chí điện tử cả về hình thức và nội dung. Các tin, bài được giới thiệu, về hình thức, thường ngắn gọn với kết cấu chặt chẽ; về nội dung, bảo đảm xúc tích, cô đọng, hàm lượng thông tin, tính thời sự và khoa học cao.
Hiện tại, trung bình mỗi ngày, Tạp chí Cộng sản điện tử đưa lên mạng từ 20 - 25 tin bài. Cùng với các bài được sử dụng từ các ấn phẩm in của Tạp chí Cộng sản, lượng tin, bài của Tạp chí Cộng sản điện tử chủ yếu do các cộng tác viên và các biên tập viên, phóng viên của Tạp chí Cộng sản thực hiện. Đồng thời, Tạp chí Cộng sản điện tử cũng chủ động khai thác một lượng tin nhất định từ các nguồn tin chính thức từ Thơng tấn xã Việt Nam, chinhphu.vn, VOV, cpv.org.vn, nhandan.vn… Về loại hình tin, bài cũng rất phong phú và đa dạng. Đó là các tin, bài mang tính chất chỉ đạo, hướng dẫn, nghiên cứu chuyên sâu, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, bình luận, thời sự chính trị, sinh hoạt tư tưởng,…
Cùng với các chuyên mục đã có trước đây, như Thời sự chính trị; Tiêu điểm; Việt Nam trên đường đổi mới; Nghiên cứu trao đổi; Bình luận; Thế giới - vấn đề - sự kiện; Sinh hoạt tư tưởng; Xây dựng nhà nước pháp quyền; Xây dựng giai cấp công nhân; Nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Cải cách hành chính; Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;… Tạp chí Cộng sản điện tử đã mở thêm nhiều chuyên mục mới nhằm đáp ứng tính thời sự và nhu cầu của bạn đọc ngày càng cao và đa dạng hơn, như Xây dựng Đảng; Trí thức doanh nhân; Phòng, chống tham nhũng; Truyền thống hiện tại; Góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; Thông tin lý luận; Hướng tới Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam;… Chủ động mở các chuyên trang để kịp thời, tích cực tuyên truyền nhân các ngày lễ kỷ niệm, các sự kiện lớn của đất nước, như 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển; 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; 60 năm Giải phóng Thủ đô; 70 năm Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; 85 năm Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh;…Đồng thời, Tạp chí Cộng sản điện tử còn mở một số chuyên trang để góp phần kịp thời tuyên truyền về hoạt động thực tiễn ở các địa phương, đơn vị, như Dân số vùng biển đảo; Ninh Bình 20 năm tái lập tỉnh; Quảng Ninh hội nhập và phát triển; Y tế Việt Nam 60 năm làm theo lời Bác,...
Trên giao diện mới bổ sung thêm phóng sự ảnh, video clip, giới thiệu mục lục các ấn phẩm in trong tháng của Tạp chí Cộng sản, giúp bạn đọc tiếp cận thông tin bằng nhiều hình thức, đa dạng, hấp dẫn.
Cùng với Trang tiếng Việt, Trang tiếng Anh cũng được củng cố, tăng thêm số lượng bài dịch, đăng tải trên 7 chuyên mục: Tiêu điểm; Lý luận và Thực tiễn; Việt Nam trên đường đổi mới; Bình luận; Thế giới: Vấn đề - Sự kiện; Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Tháng 12- 2012, trước yêu cầu tăng cường hơn nữa công tác thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước, được Ban Bí thư Trung ương Đảng cho phép, Tạp chí Cộng sản điện tử ra mắt Trang tiếng Lào với 6 chuyên mục chính, gồm Tin Thời sự - Chính trị tổng hợp; Tiêu điểm; Nghiên cứu - Trao đổi; Việt Nam trên đường đổi mới; Thực tiễn - Kinh nghiệm; Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Ngoài ra, còn có phóng sự ảnh; Giới thiệu các ấn phẩm in trong tháng của Tạp chí Cộng sản.
Ngày 23 - 10 - 2013, Tạp chí Cộng sản điện tử chính thức ra mắt Trang tiếng Trung Quốc. Giao diện Trang tiếng Trung Quốc gồm các chuyên mục: Tin Thời sự - Chính trị tổng hợp; Chính trị; Kinh tế; Văn hóa - Xã hội; Đối ngoại; Thế giới: Vấn đề - Sự kiện. Trên giao diện có phóng sự ảnh nhằm giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; Giới thiệu các ấn phẩm in trong tháng của Tạp chí Cộng sản.
Việc mở thêm Trang tiếng Lào và tiếng Trung Quốc đã được bạn đọc trong nước và quốc tế hoan nghênh, chào đón. Số lượng bạn đọc truy cập ngày càng tăng. Công tác biên tập tin, bài, tổ chức dịch và đăng tải trên các trang tiếng nước ngoài được thực hiện thường kỳ, liên tục, đúng quy trình, đáp ứng tính thời sự, góp phần tích cực vào công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước ta.
Mỗi trang tiếng nước ngoài đăng tải từ 10 đến 15 tin, bài/1 tháng. Các bài viết chủ yếu được lựa chọn từ Tạp chí Cộng sản in số ra ngày 01 hằng tháng và Tạp chí Cộng sản điện tử. Ngoài ra, còn lựa chọn các bài đã đăng trên các ấn phẩm khác của Tạp chí Cộng sản, các tin, bài khai thác từ các nguồn chính thống của các cơ quan báo chí trong nước (TTXVN, chinhphu.vn, VOV, cpv.org.vn, nhandan.vn…) hoặc các tin, bài viết đặt riêng cho trang tiếng nước ngoài của Tạp chí Cộng sản điện tử. Giữa các trang tiếng nước ngoài và trang tiếng Việt có sự liên kết, tạo thuận lợi cho bạn đọc khi sử dụng.
Kể từ khi được phát hành trên in-tơ-net cho đến nay, các trang mạng điện tử của Tạp chí luôn được bảo đảm an toàn tuyệt đối, công tác bảo mật của Tạp chí Cộng sản điện tử luôn được chú trọng. Công tác sao lưu dữ liệu được thực hiện định kỳ, theo đúng nguyên tắc.
Với cách thức tổ chức như hiện nay, Tạp chí Cộng sản điện tử đã tích cực chủ động đưa thông tin tới bạn đọc trong và ngoài nước, góp phần quan trọng trong công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thu hút đông đảo độc giả trong và ngoài nước đến với luồng thông tin chính thống, cung cấp một cách nhìn khách quan, trung thực về sự phát triển của đất nước, con người Việt Nam. Hiệu quả thể hiện rất rõ qua các phản hồi tích cực của bạn đọc và số lượng độc giả truy cập hàng tháng tăng gấp nhiều lần so với trước đây (trung bình hơn 1.200.000 lượt người truy cập/1 tháng). Đối tượng truy cập thường xuyên, ổn định của Tạp chí Cộng sản điện tử là những nhà khoa học, những người làm công tác nghiên cứu, những cán bộ làm công tác đối ngoại, các đại sứ quán Việt Nam ở các nước trên thế giới; lực lượng vũ trang, giáo viên, sinh viên các trường đại học, kiều bào ở nước ngoài và một số người nước ngoài... Đặc biệt, nhiều cơ quan báo chí và thông tin của các bộ, ban, ngành và đại phương đã chủ động hợp tác chính thức để khai thác, sự dụng hệ thống tin, bài của Tạp chí Cộng sản điện tử. Bạn đọc đã có những ý kiến đánh giá tích cực về nội dung thông tin phong phú và bổ ích, có chiều sâu được giới thiệu trên Tạp chí Cộng sản điện tử, như phân tích về thị trường chứng khoán, vấn đề lạm phát, nhà ở cho người có thu nhập thấp, tình hình thế giới...; đồng thời đề xuất Tạp chí nên tăng thêm lượng bài mang tính lý luận; nghiên cứu sâu sắc về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề giáo dục, chiến lược con người… Bạn đọc cũng góp ý, đề xuất về một số vấn đề khác. Thực hiện nhiệm vụ do Thường trực Ban Bí thư giao, từ ngày 7-11-2012, Tạp chí Cộng sản phát tin, bài (bằng tiếng Anh) trên SolidNet - Trang Thông tin điện tử của các Đảng Cộng sản và công nhân thế giới.
Để đáp ứng yêu cầu của công tác tư tưởng và lý luận trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, trong điều kiện bùng nổ thông tin, trình độ dân trí ngày càng cao, đòi hỏi của bạn đọc ngày càng lớn, thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, Tạp chí đã có những bước mở rộng các ấn phẩm như sau: Từ tháng 1-2007, cùng với Tạp chí Cộng sản số truyền thống xuất bản mỗi tháng 1 số, hai ấn phẩm in mới của Tạp chí đã ra mắt bạn đọc, đó là Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở và chuyên san Hồ sơ sự kiện.
Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở ra mắt bạn đọc số đầu tiên và được bạn đọc đông đảo đón nhận. Kể từ đó đến nay, Tạp chí ra định kỳ vào ngày 15 hằng tháng.
Bám sát tôn chỉ, mục đích và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng, đáp ứng yêu cầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trước hết ở cơ sở và các cấp ủy, chính quyền các cấp từ cơ sở tới tỉnh, thành phố, Tạp chí tập trung cung cấp các tư liệu, thông tin lý luận, chính trị, hướng dẫn hướng dẫn giải thích, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước tại cơ sở và cấp trên trực tiếp của cơ sở, một cách dễ hiểu, dễ làm, dễ sơ kết, tổng kết thành kinh nghiệm, mô hình, dễ phổ biến và dễ nhân rộng thành phong trào. Mặt khác, Tạp chí là diễn đàn để cơ sở bày tỏ nhu cầu của mình, khuyến nghị ý kiến trong việc tổ chức thực hiện và kiến nghị tiếp tục đổi mới nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước một cách toàn diện, cụ thể, hiệu quả, đặc biệt là những vấn đề cấp bách, nóng bỏng, mệnh hệ tới cơ sở, đặt ra ở cơ sở và đối với cấp trên trực tiếp cơ sở. Tạp chí đặc biệt chú trọng phát hiện và phân tích những nhu cầu nổi bật, những vướng mắc nan giải ở cơ sở, tìm tòi và kiến giải các kinh nghiệm hay, các mô hình mới từ cơ sở, đề xuất những vấn đề cần tiếp tục đổi mới về chính sách và chế độ để giúp các cơ sở thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Qua đó, Tạp chí Cộng sản Chuyên đề cơ sở góp phần vào việc bảo đảm vững chắc sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của Nhà nước, xây dựng và phát huy nền dân chủ của nhân dân, từ mỗi thôn, xóm, bản, làng, trong từng cán bộ, đảng viên từ cơ quan, trường học, doanh nghiệp tới phường phố, làng xã, hải đảo xa xôi...
Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở là ấn phẩm trợ thủ trực tiếp của Tạp chí Cộng sản ra định kỳ ngày 1 hằng tháng; cùng với ấn phẩm Hồ sơ - Sự kiện - Chuyên san của Tạp chí Cộng sản ra hằng tuần, tạo nên sự thống nhất hữu cơ của các ấn phẩm nhưng hết sức đa dạng, sinh động và ngày càng thiết thực của cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng, ghi dấu ấn đậm nét thời kỳ phát triển mới của Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, trong việc thực hiện trọng trách được Trung ương Đảng giao phó.
Theo phương hướng đó, ban đầu Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở tổ chức và giữ vững 8 mục chính, thường xuyên: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Tiêu điểm, Diễn đàn cơ sở, Gương mặt anh hùng, xuất sắc thời kỳ đổi mới, Kinh nghiệm từ cơ sở, Đầu làng - Cuối phố, Nhịp cầu bạn đọc, Nhìn ra thế giới... để đông đảo cộng tác viên viết về cơ sở và để cơ sở nói về mình một cách đa dạng, phong phú, sinh động và cụ thể, trên tất cả mọi góc độ của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... ở cơ sở. Nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc, những đòi hỏi khách quan của nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản quyết định đổi mới toàn diện ấn phẩm Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở lần thứ hai, trên cơ sở kế thừa những đổi mới lần thứ nhất vào cuối năm 2008. Đặc biệt từ tháng 5-2011, Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở đổi mới cả nội dung và hình thức: tăng từ 64 trang lên 80 trang, và từ tháng 5-2014 đến nay, tăng lên 96 trang. Về nội dung, Tạp chí bổ sung thêm một số chuyên mục mới, như “Quán triệt, thực hiện chủ trương, chính sách mới”, “Hội thảo khoa học - thực tiễn”, “Diễn đàn - đối thoại” (thay cho chuyên mục “Diễn đàn cơ sở”)… Về hình thức, Tạp chí có sự thay đổi nổi bật khi in 4 màu toàn bộ tạp chí, với chất lượng giấy in tốt, cùng những thay đổi đáng kể trong cách trình bày theo hướng hiện đại, trang nhã, đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao của độc giả.
Nghiên cứu, tuyên truyền, định hướng tổ chức thực hiện và từng bước góp phần tổng kết các vấn đề cơ bản do Đại hội X, Đại hội XI của Đảng đặt ra, từ cơ sở, Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề cơ sở hoạch định và tổ chức thực hiện chương trình biên tập với các chuyên đề trên tất cả những lĩnh vực chủ yếu, nhạy cảm, lựa chọn những vấn đề nóng bỏng, nổi bật ở cơ sở và liên quan tới cơ sở. Từ những số đầu tiên với “Việt Nam trên tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế (tháng 1-2007), “Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” (tháng 2-2009), “Cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước ở cơ sở” (tháng 11-2007)... qua số 22 (tháng 10-2008) với “Tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, chăm lo nông dân và xây dựng nông thôn”, “Chăm sóc phụ nữ, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc vì sự bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ Việt Nam” (tháng 9-2009), “Chăm sóc đời sống mọi mặt của giai cấp công nhân - lực lượng nòng cốt và nhân tố quyết định thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (tháng 10-2009)... tới số 38 (2-2010) với “Nhân lên sức mạnh nền tảng xã hội - chính trị của Đảng từ cơ sở”; “Tổ chức thí điểm Đại hội đảng bộ cơ sở theo chủ trương mới” (tháng 4-2010), “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức xã” (tháng 6-2010). Trong gia đoạn 2011-2015, Tạp chí tiếp tục giới thiệu cùng bạn đọc những chuyên đề với nội dung làm rõ hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn được đề cập trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XI, như “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai” (tháng 4-2011), “Phát triển kinh tế biển, đảo Việt Nam” (tháng 7-2011), “Phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững” (tháng 9-2011), “Thực hiện chính sách an sinh xã hội” (tháng 1-2012), “Thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền” (tháng 8-2012), “Phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo” (tháng 10-2012), “Phát triển khoa học - công nghệ” (tháng 11-2012), “Đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (tháng 12-2012), “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận của Đảng” (tháng 3-2013), “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng” (tháng 4-2013), “Góp phần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên môi trường” (tháng 10-2013), “Tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (tháng 12-2013), “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (tháng 3-2014), “Bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc” (tháng 7-2014), “Hướng về cơ sở, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện” (tháng 9-2014), “Tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế” (tháng 12 -2014), “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay” (tháng 2-2015), “Tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” (tháng 3-2015), “Qua đại hội đảng bộ cấp cơ sở” (tháng 6- 2015),…
Tất cả các chủ đề chính của mỗi số hợp thành một hệ thống các vấn đề nổi bật, cấp bách đã và đang đòi hỏi giải quyết ở cơ sở hiện nay, đã được đông đảo bạn đọc đón nhận.
Đặc biệt, từ số đầu tiên tới nay, Tạp chí dành sự trân trọng xứng đáng và đều đặn giới thiệu những kinh nghiệm hay, những bài học tốt của các tập thể và cá nhân tiêu biểu trên khắp các lĩnh vực của đời sống đất nước bền bỉ thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Để thực hiện nhiệm vụ của mình, các thể tài báo chí: xã luận, chuyên luận, bình luận, điều tra, phỏng vấn... được Tạp chí Cộng sản - Chuyên đề Cơ sở hết sức coi trọng, được trình bày nền nã, cố gắng hòa trong nhịp thở của cơ sở và bước đầu được các tầng lớp ưu ái đón nhận và cổ vũ kịp thời, coi Tạp chí là “người bạn dẫn đường”, “cẩm nang của cán bộ cơ sở”, “mong Tạp chí sát cơ sở hơn nữa”, “thiết thực và hiệu quả hơn nữa”... Đó thực sự là nguồn động viên, khích lệ to lớn đồng thời cũng là trọng trách thật vinh dự của những người làm Tạp chí.
Chuyên san Hồ sơ sự kiện có mục đích: Sử dụng những thông tin khách quan để vạch trần những sai trái, đấu tranh trực diện trên mặt trận tư tưởng, lý luận, đấu tranh chống mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; nâng cao nhận thức chính trị và tinh thần cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Nội dung của chuyên san Hồ sơ sự kiện nêu bật chủ đề của mỗi số, đề cập những sự kiện, vấn đề nổi bật trong nước và thế giới. Là ấn phẩm của tạp chí lý luận và chính trị, nhưng các chủ đề được Hồ sơ sự kiện chuyển tải một cách nhẹ nhàng, hấp dẫn. Các quan điểm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ được trình bày dễ hiểu, dễ đọc. Việc thông tin, giáo lục lý luận chính trị có thể đi bằng nhiều con đường khác nhau, và con đường của Hồ sơ sự kiện là nói xa để liên tưởng gần, nói bản chất của vấn đề thế giới để liên hệ, định hướng với trong nước; đề cập sâu, rộng các vấn đề sự kiện nổi bật của thế giới nhằm cung cấp thông tin một cách đa chiều, khách quan, chân thực nhằm giúp độc giả hiểu rõ bản chất sự kiện, hiện tượng. Phương pháp tập hợp, hệ thống hóa, phân tích, bình luận để thấy rõ bản chất sự kiện, nhằm nâng cao nhận thức và định hướng hành động thực tiễn.
Số chuyên san Hồ sơ sự kiện đầu tiên đã được xuất bản vào tháng 11-2006, với chủ đề “Khủng bố và chống khủng bố quốc tế”. Tháng 12-2006, chuyên san ra số thứ 2 với chủ đề “Việt Nam gia nhập WTO”. Sau 2 số thử nghiệm, bắt đầu từ tháng 1-2007, chuyên san Hồ sơ sự kiện xuất bản đều đặn mỗi tháng 2 kỳ, vào các ngày mùng 10 và 25 hằng tháng. Chủ đề đầu tiên của số bán chuyên san, số 3, ra ngày 10-1-2007 là: “2006 - năm của Việt Nam”. Sau khi đón nhận được những thông tin phản hồi tích cực từ phía độc giả, đồng nghiệp, các cấp lãnh đạo cũng như nhận được sự đặt mua dài hạn của nhiều độc giả; kể từ tháng 4-2009, chuyên san Hồ sơ sự kiện phát hành đều đặn mỗi tuần 1 kỳ, vào thứ sáu hằng tuần. Từ số đầu tiên đến đầu tháng 8-2010, Hồ sơ sự kiện đã xuất bản được 127 số, và đã tập trung vào một số nội dung chính sau:
Thứ nhất, những sự kiện nóng bỏng trên thế giới mà dư luận quan tâm, như Cách mạng màu sắc (số 12-2007); Tên lửa và đối đầu tên lửa Đông Tây (số 16-2007); I-rắc: Cuộc chiến và hệ quả (số 18-2007); Pa-ki-xtan- mảnh đất nóng bỏng (số 25-2007), Cô-xô-vô vùng đất không bình yên (số 33-2008); Phong trào cánh tả Mỹ La-tinh (số 34-2008); Áp-ga-ni-xtan - mảnh đất không bình yên (số 49-2008), Cuộc chiến I-xra-en với thế giới Ả-rập (số 77-2009); Gru-di-a giữa Đông và Tây (số 86-2009); Chạy đua vũ trang trong vũ trụ (số 72-2009); Cuộc chiến những kênh đào xuyên lục địa (số 91-2009); Xung đột sắc tộc ở châu Phi (số 106-2010); Thái Lan nhìn từ hai sắc màu (số 110-2010)…
Thứ hai, những vấn đề mang tính toàn cầu, như khủng bố và chống khủng bố (số 1-2006); Liên hợp quốc: Thách thức và tương lai (số 4-2007); Chiến tranh thương mại (số 7-2007), Ma túy - hiểm họa toàn cầu (số 8-2007); Nghèo đói và cuộc chiến chống đói nghèo (số 9-2007); Thiên tai và phòng chống thiên tai (số 21-2007); Dân sô - vấn đề toàn cầu (số 22-2007); Ô nhiễm môi trường: tác hại khôn lường (số 24-2007); Tìm nguồn năng lượng mới (số 44-2008); Nước ngọt- “vàng trắng” đang cạn kiệt (số 56-2009); Cướp biển- vấn nạn toàn cầu (số 58-2009), Đại dịch trên thế giới (số 70-2009)…
Thứ ba, những vấn đề kinh tế, như Dầu mỏ và vũ khí kinh tế (Số 10-2007); Thị trường chứng khoán (số 15-2007); Biển và kinh tế biển (số 20-2007); Du lịch - sức mạnh kinh tế (Số 26 -2007); Lạm phát - Song hành cùng phát triển (số 32-2008); An ninh lương thực (số 39-2008); Khủng hoảng tài chính (số 46-2008); Xuất khẩu lao động (số 60-2009); Nhà máy điện (số 61-2009); Nghề PR trong hội nhập kinh tế (số 90-2009); Bước thăng trầm của đồng đô-la (số 99-2010); Diễn đàn Đa-vôt (số 104-2010); Bảo hộ thương mại (số 108-2010)…
Thứ tư, những vấn đề văn hóa - xã hội được phản ánh qua các chủ đề về: Giáo dục - Vấn đề sống còn của mỗi quốc gia (số 11-2007); Nhà báo-nghề báo (số 13-2007); Giáo dục đại học (số 37-2008); Thế vận hội Olympic (số 40-2008); Chinh phục vũ trụ (số 41-2008); Quy hoạch đô thị (số 45-2008); Bạo lực gia đình (số 47-2008); Chính phủ điện tử (số 59-2009); An toàn thực phẩm (số 62-2009); Điện ảnh Hô-ly-út (số 79-2009); Nô-ben và giải Nô-ben (số 84-2009); Bí ẩn các nền văn minh cổ Nam Mỹ (số 87-2009); Văn minh Ai - Cập cổ đại (số 97-2009); Thực phẩm chức năng (số 98-2009); Công nghệ nanô (số 107-2009); Kỹ thuật số - kỷ nguyên mới của nhân loại (số 109-2010); Internet: “Đối thủ” cạnh tranh của báo in (số 121-2010)…
Thứ năm, tuyên truyền những thành tựu, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam. Nội dung này được thể hiện ở các chủ đề sau: Việt Nam gia nhập WTO (số 2-2006); Việt Nam 20 năm đổi mới (số 5+6 -2007); Lễ tết Việt Nam (số 28+29 -2008), Festival Huế (số 36-2008), Đường Trường Sơn huyền thoại (số 64-2009); Việt Nam một năm vượt khủng hoảng tài chính (số 96-2010); Đảng cho ta mùa xuân (số 101+102 -2010); Giỗ Tổ- tìm về cội nguồn (số 111-2010); Chiến dịch Hồ Chí Minh - Mùa xuân đại thắng (số 113-2010); Vai trò Việt Nam trong ASEAN và cải tổ ASEAN (số 114-2010);...
Đến số 240, chuyên san Hồ sơ sự kiện quay trở lại với nhịp điệu mỗi tháng xuất bản 2 kỳ, vào các ngày 7 và 22 hằng tháng. Chủ đề của số 240 là: Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Bước sang năm 2014, chuyên san Hồ sơ sự kiện có điều chỉnh ngày phát hành, vào các ngày 10 và 25 hằng tháng. Chủ đề của số đầu tiên đổi ngày phát hành, số 263, ra ngày 10-1-2014 là: Nhìn lại năm 2013, dự báo năm 2014. Tính đến hết tháng 5-2015, chuyên san Hồ sơ sự kiện đã phát hành được 303 số, trong đó có nhiều số đặc biệt, gộp 2-3 số, in khổ A3, là các giai phẩm chào đón Tết âm lịch hằng năm, như một sự tri ân bạn đọc một cách thiết thực.
Trong tổng số 303 số chuyên san đã phát hành, chuyên san Hồ sơ sự kiện đề cập đến đa dạng các chủ đề nhiều người quan tâm, thuộc tất cả các lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội trong nước và thế giới. Chuyên san đã kịp thời có nhiều số tập trung vào các vấn đề nóng bỏng của thế giới, những vấn đề nhiều người Việt Nam quan tâm trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là vấn đề bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, ví như số 250, ra ngày 7-3-2013 với chủ đề: “Chủ quyền biển, đảo”; số 283, ra ngày 25-7-2014 với chủ đề: “Kinh tế biển, đảo”; là những ấn phẩm đặc biệt thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn, những ngày kỷ niệm trọng thể của đất nước, như số 244, ra ngày 7-12-2012 với chủ đề: “40 năm Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, số 277, ra ngày 25-4-2014 với chủ đề: “60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”, số 282, ra ngày 10-7-2014 với chủ đề: “60 năm Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam”, số 292, ra ngày 10-12-2014 với chủ đề: “70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam”, số 295, ngày 25-1-2015 với chủ đề: “85 năm Đảng song hành cùng dân tộc”, số 301, ngày 25-4-2015 với chủ đề “40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”...
Qua gần 9 năm hoạt động, chuyên san Hồ sơ sự kiện đã tạo dựng được thương hiệu có uy tín đối với đồng nghiệp cũng như đông đảo độc giả trong khắp cả nước. Chuyên san Hồ sơ sự kiện ngày càng đĩnh đạc sánh vai cùng các tạp chí khác trong làng tạp chí Việt Nam. Với nội dung được thông tin một cách sâu rộng, đa chiều, khách quan, chân thực và hình thức trình bày đẹp, phong cách hiện đại, in trên giấy chất lượng cao, độc giả ngày càng cảm tình và tìm đọc tạp chí nhiều hơn. Hồ sơ sự kiện hiện có số lượng đối tượng bạn đọc khá rộng: cán bộ, đảng viên, cán bộ về hưu, trí thức, học sinh, sinh viên và cả tầng lớp người lao động phổ thông… Tuy nhiên, trọng tâm đối tượng vẫn là cán bộ, đảng viên và tầng lớp trí thức. Với sự chủ động, sáng tạo, mạnh dạn cải tiến theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của bạn đọc trong thời đại bùng nổ thông tin, chắc chắn chuyên san Hồ sơ sự kiện sẽ vẫn giữ được chữ tín với bạn đọc cả nước; là địa chỉ đáng tin cậy để cán bộ, đảng viên tham khảo, khai thác, sử dụng tư liệu trong quá trình công tác của mình.
Thực hiện nhiệm vụ chính trị do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng giao trong việc mở rộng lượng phát hành tạp chí của Đảng tới khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, cũng như triển khai chính sách của Chính phủ về cấp báo, tạp chí dành cho vùng đồng bào dân tộc, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1977/QĐ-TTg, ngày 30-10-2013, về sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 2, Quyết định số 2472/QĐ-TTg, ngày 28-12-2011, của Thủ tướng Chính phủ, về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí Cộng sản, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản quyết định xuất bản Chuyên đề Đoàn kết và phát triển phục vụ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở tất cả các làng, bản, buôn, phum, sóc trong cả nước. Đây là những đối tượng độc giả tuy đa dạng về trình độ học vấn, dân tộc, thành phần, độ tuổi,… nhưng đều là những người ưu tú trong cộng đồng, là hạt nhân đoàn kết tại cơ sở.
Xuất bản số đầu từ ngày mùng 5-1-2014, Chuyên đề tập trung tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến những kinh nghiệm hay, bài học tốt của đồng bào trên tất cả các phương diện của đời sống xã hội; thắt chặt tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa các dân tộc anh em; nêu cao những bài học cảnh giác trước mọi âm mưu của các thế lực thù địch hòng gây chia rẽ, làm mất đoàn kết giữa các dân tộc,…
Với cách thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với trình độ của độc giả, hình thức trình bày đẹp với nhiều ảnh minh họa gần gũi với đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất hằng ngày của đồng bào, Chuyên đề Đoàn kết và phát triển luôn bám sát những sự kiện, vấn đề chính trị, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta về công tác dân tộc, những vấn đề thuộc dòng thời sự chủ lưu trong đời sống chính trị - văn hóa - xã hội của đồng bào thuộc mọi dân tộc ở khắp các vùng, miền trong cả nước...Nội dung của từng số được thể hiện qua các chuyên mục: “Bác Hồ với đồng bào dân tộc - đồng bào dân tộc với Bác Hồ”, “Chủ trương, chính sách”, “Con đường thoát nghèo, làm giàu”, “Hỏi - đáp”, “Vì sự bình yên của bản làng”, “Đại gia đình các dân tộc Việt Nam”, “Gương mặt bản làng”, “Văn hoá các dân tộc”, “Các dân tộc trên thế giới”.
Dù mới ra đời, nhưng Chuyên đề Đoàn kết và phát triển đã nhận được sự đánh giá cao từ các cơ quan quản lý nhà nước, đồng nghiệp, nhất là nhận được sự phản hồi tích cực từ các già làng, trưởng bản, người có uy tín, … Thời gian tới, Chuyên đề Đoàn kết và phát triển sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng nội dung, hình thức, khắc phục những điểm còn hạn chế để thực sự là một ấn phẩm gần gũi, bổ ích, cuốn tạp chí “gối đầu giường” của độc giả vùng dân tộc thiểu số.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác lý luận, công tác chính trị, tư tưởng của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 24-4-1976, đồng chí Tố Hữu, Bí thư Trung ương Đảng, đã ký ban hành Quyết định số 11- CV/TW chỉ đạo Bộ Biên tập tạp chí Học tập thành lập Cơ quan Thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh. Là cơ quan hành chính cấp vụ, Cơ quan Thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhiệm vụ thay mặt Bộ Biên tập tạp chí xây dựng quan hệ với các tỉnh, thành phía Nam, tổ chức biên tập, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn của các tỉnh, thành phía Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ các thành quả cách mạng, cải tạo các thành phần kinh tế, cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Nhằm đáp ứng nhiệm vụ chính trị của Tạp chí Cộng sản trong tình hình mới, được sự đồng ý của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 15-12-2002, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản ban hành Quyết định số 249 QĐ/TCCS ngày 20-12-2002 thành lập Ban Thường trú miền Trung và Tây Nguyên. Ban có chức năng nhiệm vụ là đại diện Bộ Biên tập triển khai các hoạt động để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Tạp chí Cộng sản trên địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; đồng thời tổ chức quản lý, điều hành các hoạt động của Ban Thường trú theo sự chỉ đạo của Bộ Biên tập, xây dựng mối quan hệ gắn bó với cơ quan đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội của Trung ương ở Đà Nẵng và của địa phương trên địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, các cơ quan thường trực của Tạp chí tại miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh miền Nam luôn khắc phục khó khăn, nỗ lực tổ chức và biên tập các bài viết, thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, phản ánh kịp thời tình hình, nhiệm vụ và những thành tựu đạt được của các đơn vị, các ngành, các địa phương từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, thành trên các địa bàn được phân công theo dõi; mở rộng, tăng cường mối quan hệ chặt chẽ, thường xuyên với lãnh đạo các cấp ở các địa phương, các ban ngành, các đơn vị quân đội, các nhà khoa học và tham mưu, đề xuất nhiều vấn đề cho các cơ quan đảng góp phần xây dựng và triển khai các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ra sức xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên, hệ thống phát hành Tạp chí Cộng sản đến cơ sở; thường xuyên phối hợp với các đơn vị, địa phương, các nhà khoa học tổ chức nhiều cuộc hội thảo để tìm những giải pháp hay, những cách làm tốt, quảng bá những điển hình tiêu biểu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, qua đó, góp phần tổng kết thực tiễn, đóng góp phần tích cực vào việc vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chi Minh vào công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, giáo dục lý luận của Đảng cho đảng viên, cán bộ và các tầng lớp nhân dân.
Vào dịp kỷ niệm 73 năm Ngày xuất bản số tạp chí đầu tiên của Đảng (5-8-1930 - 5-8-2003), Tạp chí vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta “vì đã có công lao to lớn đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc”. Năm 2010, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày tạp chí Đảng ra số đầu (5-8-1930 - 5-8-2010), Tạp chí Cộng sản vinh dự được đón nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Và vào dịp kỷ niệm 85 năm Ngày tạp chí Đảng ra số đầu (5-8-1930 - 5-8-2015) Tạp chí Cộng sản lại vinh dự được nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai. Những vinh dự to lớn này không chỉ là của lớp lớp thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của tạp chí Đảng trong suốt 85 năm qua, mà còn là của các thế hệ cộng tác viên và bạn đọc của Tạp chí khắp cả nước. Có được những vinh dự này trước hết là nhờ có sự quan tâm lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp giúp đỡ chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, các địa phương đối với Tạp chí.
Tự hào với những vinh dự to lớn đó, toàn thể cán bộ, nhân viên Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản quyết tâm phấn đấu vươn lên mạnh mẽ hơn, giành được những thành tích ngày càng to lớn hơn nữa để xứng đáng với truyền thống vẻ vang của tạp chí Đảng.
Trụ sở Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản
28 Trần Bình Trọng - Hà Nội
Nhà in Tạp chí Cộng sản, số 38 Bà Triệu, Hà Nội - Công trình được gắn biển kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và chào mừng 990 năm Thăng Long - Hà Nội |