TCCS- Trong quá trình hội nhập với thế giới, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa càng trở lên cấp thiết đối với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước, như Thủ đô Hà Nội. Việc đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa như một đòi hỏi tất yếu khách quan để tạo động lực mới trong phát triển kinh tế cho Hà Nội, từ đó lan tỏa và tác động đến phát triển kinh tế chung của cả nước.

Biểu diễn múa rối nước truyền thống tại Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam_Ảnh: TTXVN 

Bản đồ toàn cầu đầu tiên về công nghiệp văn hóa và sáng tạo của UNESCO năm 2015 (công bố năm 2017)(1) cho thấy, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo (Cultural and Creative Industries - CCIs) trên thế giới đạt tổng doanh thu 2.250 nghìn tỷ USD; tạo việc làm cho 29,5 triệu lao động (gần 20% trong số đó ở độ tuổi từ 15 đến 29). Năm 2019, Ngân hàng Thế giới cũng công bố tỷ lệ đóng góp doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa /tổng doanh thu toàn cầu đạt xấp xỉ 4,04%; thu nhập trung bình của lao động trong các ngành công nghiệp văn hóa cao gấp 2,44 lần so với mặt bằng chung(2).

Để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trước hết cần nhận diện các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh, lợi thế. Từ đó mới có chính sách tọng tâm, cụ thể để thúc đẩy phát triển. Hà Nội là thành phố đi đầu trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, và nhiệm vụ đầu tiên cũng là nhận diện các ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế.

Nhận diện các ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội qua xu thế quốc tế, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và nhận thức của các tầng lớp nhân dân

Thế giới đã định hình khái niệm công nghiệp văn hóa từ những năm 30 của thế kỷ XX. Đến những năm 1980 (thế kỷ XX), thế giới chính thức coi văn hóa là ngành công nghiệp (culture industries), đem lại giá trị kinh tế cao. Thuật ngữ này được các quốc gia chính thức công nhận năm 1998 tại Hội nghị Thượng đỉnh về văn hóa ở Stockholm, Thuỵ Điển. Bước sang thập niên 90 của thế kỷ XX, Australia và Anh là hai quốc gia đi đầu khi coi các ngành công nghiệp văn hóa là các ngành kinh tế sáng tạo, công nghiệp sáng tạo (creative industries). Có thể thấy, trong gần nửa thế kỷ, quan điểm, nhận thức về các ngành công nghiệp văn hóa đã có những thay đổi lớn. Từ chỗ các sản phẩm văn hóa với những giá trị kinh tế ban đầu, được nhìn nhận như mối đe dọa, như nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa - vốn vẫn được nhìn nhận là yếu tố tinh thần, phi vật chất, đã được mở rộng hơn, văn hóa và các sản phẩm văn hóa được nhìn nhận thẳng vào bản chất và tên gọi các ngành công nghiệp văn hóa được định hình.

Cũng từ khoảng thời gian này, khi thế giới và nhiều quốc gia đã nhìn thấy vai trò, giá trị kinh tế to lớn của các ngành công nghiệp văn hóa thì hàng loạt quan niệm về công nghiệp văn hóa đã được đưa ra, gắn với những điểm mạnh riêng từng quốc gia, tổ chức. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới gọi là “Công nghiệp bản quyền” - Copyright industries; Hội đồng Anh gọi là “Kinh tế sáng tạo” - Creative Economy; Mỹ gọi là “Công nghiệp giải trí” - Entertaiment industries; Anh gọi là “Công nghiệp sáng tạo” - Creative industries; Hàn Quốc gọi là “Công nghiệp nội dung” - Content industries, Trung Quốc gọi là “Sản nghiệp văn hóa”, Hồng Kông (Trung Quốc) gọi là “Công nghiệp dựa trên bản quyền”...

Năm 2007, UNESCO đưa ra khái niệm về công nghiệp văn hóa: “công nghiệp văn hóa là các ngành sản xuất ra các sản phẩm vật thể và phi vật thể về nghệ thuật và sáng tạo, có tiềm năng thúc đẩy việc tạo ra của cải và thu nhập thông qua việc khai thác các giá trị văn hóa và sản xuất các sản phẩm dịch vụ dựa vào tri thức (kể cả những giá trị văn hóa hiện đại và truyền thống). Điểm chung nhất của các ngành công nghiệp văn hóa là nó sử dụng tính sáng tạo, tri thức văn hóa và bản quyền trí tuệ để sản xuất ra các sản phẩm và dịch vụ, cũng như nó mang giá trị văn hóa”(3).

Đến năm 2010, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển UNCTAD cũng đưa ra khái niệm về công nghiệp sáng tạo(4) là “một chu trình từ sáng tạo, sản xuất và phân phối các sản phẩm dịch vụ sử dụng nguồn lực sáng tạo và trí tuệ như là đầu vào cơ bản; tạo thành một tập hợp các hoạt động dựa vào tri thức, tập trung nhưng không chỉ giới hạn trong nghệ thuật, có tiềm năng tạo ra lợi nhuận nhờ vào thương mại và quyền sở hữu trí tuệ; bao gồm các sản phẩm hữu hình và các dịch vụ vô hình có liên quan tới trí tuệ và nghệ thuật, có giá trị kinh tế và mục tiêu thị trường; đứng ở vị trí giữa các ngành nghệ thuật, dịch vụ và công nghiệp; và cấu thành nên một lĩnh vực năng động mới trong thương mại quốc tế”.

Chính phủ Anh cũng đưa ra khái niệm riêng về công nghiệp sáng tạo: “Công nghiệp sáng tạo là các ngành kinh tế dựa trên sự sáng tạo, kỹ năng và tài năng của cá nhân với tiềm năng tạo ra của cải và việc làm thông qua phát triển sở hữu trí tuệ”. Như vậy, tài sản trí tuệ chính là đặc tính quan trọng nhất tạo ra giá trị sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp sáng tạo - công nghiệp văn hóa”.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đưa ra quan điểm: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa... Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học - công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa”.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: ‘‘Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới“(5).

Như vậy, về mặt chính thức, Việt Nam sử dụng tên gọi công nghiệp văn hóa, bên cạnh đó, trong một số trường hợp có sử dụng khái niệm công nghiệp sáng tạo, kinh tế sáng tạo như cách hiểu tương đồng.

Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” làm bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô.

Hà Nội nhận diện và tập trung phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế

Hà Nội có lợi thế với 5.175 di tích trong tổng số 40.000 di tích của cả nước, dẫn đầu cả nước về số lượng di tích. Tính đến tháng 11 - 2013, Hà Nội có 2.264 di tích được xếp hạng (1.176 di tích cấp quốc gia và 1088 di tích cấp thành phố). Số di tích được xếp hạng cấp quốc gia tính đến thời điểm này cũng dẫn đầu cả nước (1.176/3.231). Đến nay, Hà Nội có Di sản văn hóa thế giới Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long; Di sản tư liệu thế giới là 82 Bia Tiến sĩ Trều Lê - Mạc (1442 - 1779), tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc. Hà Nội hiện có 9 di tích quốc gia đặc biệt là: Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quản lý), Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Di sản văn hóa thế giới), Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khu di tích Cổ Loa, Di tích lịch sử đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), Di tích lịch sử đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ), Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm), Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm), Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Tây Đằng (huyện Ba Vì). Bên cạnh đó, Hà Nội có 21 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đa dạng về loại hình, giàu có về bản sắc, góp phần đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân Thủ đô cùng du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Hà Nội tập trung nhiều lễ hội lớn của vùng như lễ hội đền Cổ Loa, lễ hội Đống Đa, lễ hội Chùa Hương, lễ hội Chùa Thầy, Lễ hội Bát Tràng, lễ hội Đền Gióng - Sóc Sơn, lễ hội Đền Hai Bà Trưng - Mê Linh, lễ hội Võng La… Nguồn lực di sản văn hóa đồ sộ và đa dạng được Hà Nội xác định là cơ sở để khai thác, phát huy trong quá trình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt là du lịch - văn hóa - lịch sử; điện ảnh; mỹ thuật; phát triển nghệ thuật biểu diễn truyền thống (như múa rối nước)…

Trong những năm qua, Hà Nội rất quan tâm đến lợi thế này để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Thủ đô. Điều 11, Luật Thủ đô “Bảo tồn và phát triển văn hóa” quy định: Việc bảo tồn và phát triển văn hóa Thủ đô phải bảo đảm tiêu biểu cho bản sắc dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của thủ đô và của dân tộc, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Các nguồn lực văn hóa trên địa bàn Thủ đô phải được quản lý, khai thác, sử dụng đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển văn hóa Thủ đô và cả nước. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, huy động đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân vào việc xây dựng công trình văn hóa, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí và bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô; ban hành Danh mục phố cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cổ, các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô. Chương trình số 04-CTV/TV, ngày 18-10-2011, của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2011 - 2015” đã xác định nhiệm vụ bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Thủ đô đến năm 2015 là “Bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của Thủ đô; phục hồi, phát huy có chọn lọc các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng tiêu biểu, một số lễ hội truyền thống, các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian; hoàn thành dự án điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá hệ thống di sản Thủ đô. Xây dựng cơ chế tạo nguồn lực phục vụ tôn tạo, tu bổ hệ thống di tích đang xuống cấp”.

Thủ đô Hà Nội có số dân đông, là nơi tập trung hàng trăm trường đại học, khu công nghiệp, khu chế xuất, và có tỷ lệ dân số trẻ cao nhất cả nước. Dân số trẻ, có trình độ học vấn cao và thị hiếu văn hóa, thẩm mỹ, nghệ thuật phong phú, đa dạng chính là công chúng có nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa lớn. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là nơi hội tụ đông nhất đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ, đội ngũ doanh nhân văn hóa, doanh nghiệp văn hóa, các dịch vụ văn hóa. Đồng thời đây cũng là nơi có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại để sáng tạo, sản xuất và lưu thông các sản phẩm công nghiệp văn hóa, nơi giàu tiềm năng để phát triển thị trường các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Tác động của các sản phẩm của các ngành công nghiệp văn hóa ở hai trung tâm này vì vậy không chỉ góp phần vào xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh cho hai thành phố này mà còn có ý nghĩa tích cực đối với việc xây dựng môi trường văn hóa chung của cả nước.

Ở Thủ đô Hà Nội, nghệ thuật biểu diễn là một ngành truyền thống của công nghiệp văn hóa với nhiều loại hình biểu diễn như: ca - múa - nhạc hiện đại, giao hưởng, hợp xướng, opera, kịch hát dân ca, kịch nói, tạp kỹ… Hà Nội là nơi tập trung các chủ thể sáng tạo, biễu diễn nghệ thuật có tính hệ thống và mang tính chuyên nghiệp cao. Hiện nay, Hà Nội có 6 đơn vị nghệ thuật hoạt động chuyên nghiệp có lực lượng cán bộ hùng hậu, có năng lực sáng tạo tốt. Tiêu biểu là Nhà hát kịch Hà Nội - nổi tiếng trong giới sân khấu kịch nói cả nước với dòng chính kịch, trí tuệ, phong cách, nhạy bén về thời sự. Nhà hát chèo Hà Nội với phong cách sang trọng, tao nhã, hiện đại. Ngoài ra, Hà Nội còn có 11 đơn vị nghệ thuật của Trung ương đóng trên địa bàn.

Trong 5 năm (từ 2016 - 2020), 6 nhà hát nghệ thuật thành phố (Nhà hát chèo Hà Nội, Nhà hát cải lương Hà Nội, Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội) đã tổ chức hơn 12.000 buổi biểu diễn, trong đó có hơn 1.800 buổi biểu diễn, doanh thu đạt 234,5 tỷ đồng(6).

Các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống vẫn được duy trì như chèo, cải lương, ca trù, nghệ thuật múa rối nước. Nhiều vở biểu diễn đã thu hút được đông đảo công chúng trong và ngoài nước như “Ca trù Hà Nội”, “Tinh hoa Bắc Bộ”, “Làng tôi”, “Lời của tre”, “Tâm hồn làng Việt”, “Chém gió - phù sa lab”, “Kịch tứ phủ”.

Điện ảnh là ngành công nghiệp văn hóa có vai trò hết sức quan trọng ở Thủ đô Hà Nội - nơi có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Hà Nội là nơi đóng đô của các cơ quan điện ảnh, có lực lượng nghệ sĩ, đạo diễn, diễn viên, các nhà sản xuất, kinh doanh điện ảnh đông đảo thứ hai sau Thành phố Hồ Chí Minh. Nhu cầu thưởng thức điện ảnh của công chúng Hà Nội cao. Hiện nay, Hà Nội có 37 cụm rạp chiếu phim, trong đó CGV cinema: 22 cụm rạp; Lotte cinema: 6 cụm rạp; BHD: 3 cụm rạp; Viện trao đổi văn hóa Pháp: 1 cụm rạp; Galaxy cinema: 2 cụm rạp. Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2016 - 2020, các đơn vị thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức hơn 20.800 buổi chiếu phim, trong đó, gần 14.600 buổi chiếu phim có thu, phục vụ hơn 2.150.000 lượt khán giả(7). Hệ thống rạp chiếu phim đứng thứ hai cả nước về số phòng chiếu. Liên hoan phim quốc tế Hà Nội được định danh từ 2012, qua 4 kỳ tổ chức và đã có thương hiệu quốc tế, trở thành liên hoan phim trẻ, nhiều sáng tạo mới, tổ chức bài bản với các bộ tuyển chọn phim chất lượng cao, thu hút các nền điện ảnh châu Á và thế giới tới tham dự. Khán giả ở Hà Nội đa phần là giới trẻ, nơi tập trung nhiều trường đại học, có nhu cầu lớn về thưởng thức nghệ thuật điện ảnh. Đồng thời, Hà Nội là nơi tập trung các đại sứ quán, các trung tâm văn hóa nước ngoài, những cơ quan có trách nhiệm và nhiệt tình tổ chức các tuần phim giới thiệu điện ảnh và đất nước họ. Đây là điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu, hợp tác nhằm phát triển công nghiệp điện ảnh Thủ đô. Mặt khác, Hà Nội là nơi có bề dày lịch sử, có hệ thống giá trị văn hóa và di sản văn hóa đồ sộ, phong phú. Đây là nguồn tài nguyên vô tận cho công nghiệp điện ảnh kế thừa và sáng tạo. Hà Nội đã được Đảng và Nhà nước vinh danh là “Thủ đô anh hùng”, UNESCO trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, gần đây được công nhận là “Thành phố thiết kế sáng tạo” trong mạng lưới thành phố sáng tạo của thế giới. Hà Nội xác định mục tiêu phấn đấu là “Thành phố xanh, văn minh, hiện đại”. Đây là những điều kiện thuận lợi để Hà Nội có thể đẩy mạnh phát triển công nghiệp điện ảnh trong thời gian tới. Tuy vậy, Hà Nội hiện nay đang gặp những thách thức lớn để phát triển công nghiệp điện ảnh cả về khu vực sản xuất, phát hành phổ biến phim và thị trường điện ảnh. Theo TS Ngô Phương Lan, Hà Nội thiếu nhất là chưa có đội ngũ làm phim. Các hãng phim thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ yếu duy trì đội ngũ với các phim do Nhà nước đặt hàng nên rất khó khăn, đặc biệt là đội ngũ làm phim truyện vừa yếu, vừa thiếu. Rất ít nhà đầu tư cho điện ảnh Hà Nội, và có đến 90% nhà đầu tư đổ vào sản xuất phim ở Thành phố Hồ Chí Minh. Không khí làm phim ở Hà Nội ảm đạm. Trong khi đó, thành phố lại chưa quan tâm thỏa đáng đến điện ảnh. Một số dự án điện ảnh được đầu tư lại chưa thành công.

Hà Nội với lợi thế là Thủ đô ngàn năm văn hiến, có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nhiều nhất của cả nước, nhiều di sản nổi tiếng không chỉ ở trong nước mà còn được vinh danh là di sản văn hóa thế giới. Hà Nội cũng là nơi có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng, cảnh sắc thiên nhiên quyến rũ, hấp dẫn, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả vùng đồng bằng Bắc Bộ và có sức lan tỏa ra cả vùng Bắc Bộ. Hà Nội nằm ở vị trí trung tâm của miền Bắc, kết nối giao thông với các tỉnh khác thông qua hệ thống đường sắt, đường bộ, đường hàng không. Hà Nội có tuyến đường sắt liên vận tới Bắc Kinh (Trung Quốc), có đường hàng không quốc tế đi các châu lục. Ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trong những năm qua đã tận dụng lợi thế riêng để phát triển. Đặc biệt là từ khi thực hiện Nghị quyết 06- TQ/TV ngày 26-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”, ngành công nghiệp du lịch văn hóa Thủ đô có nhiều khởi sắc, được đánh giá là điểm sáng trong ngành du lịch của cả nước. Hướng đi chủ yếu để phát triển công nghiệp du lịch văn hóa ở Thủ đô Hà Nội là kết hợp phát triển du lịch với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của Thủ đô và của dân tộc, với bảo vệ thiên nhiên và môi trường, bảo đảm quốc phòng – an ninh, trật tự an toàn xã hội của Thủ đô theo hướng bền vững, xây dựng Hà Nội là điểm đến: “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô. Hà Nội đã tập trung vào phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu Thủ đô. Đó là các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo, triển lãm, sự kiện), du lịch làng nghề, sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao, ẩm thực, chữa bệnh… tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh, độc đáo, có tính chuyên nghiệp cao theo hướng phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, du lịch xanh.

Hà Nội cũng đã tập trung phát huy vai trò của trung tâm chính trị trong phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, đặc biệt là khu vực trung tâm chính trị Ba Đình, gồm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công viên Bách Thảo, gắn với khu di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; khu vực phố cổ, phố cũ, Hồ Hoàn Kiếm; khu vực xung quanh Hồ Tây và vùng phụ cận; khu di tích Cổ Loa, múa rối nước Đào Thục; khu di tích đền Hai Bà Trưng; khu du lịch Núi Sóc, hồ Đồng Quan; khu vực chùa Hương, thắng cảnh Hương Sơn, hồ Quan Sơn, Tuy Lai; thành cổ Sơn Tây; khu vực Ba Vì, Làng cổ Đường Lâm, chùa Thầy, chùa Tây Phương; làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái, du lịch cộng đồng (homestay), du lịch kết nối giữa phố nghề và làng nghề truyền thống … Thủ đô Hà Nội chú trọng khuyến khích các quận, huyện, thị xã đầu tư phát triển từ một đến hai sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở phát huy các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, danh lam thắng cảnh và ẩm thực nổi trội của địa phương để phát triển du lịch.

Ngày 30-10-2019, Hà Nội được công nhận là thành phố sáng tạo thuộc lĩnh vực thiết kế trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN). Đây chính là điều kiện để Hà Nội tiếp tục khơi dậy tiềm năng sáng tạo văn hóa của Thủ đô, gắn kết văn hóa với phát triển công nghiệp du lịch theo hướng bền vững, hội nhập, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Thủ đô trong bối cảnh mới.

Với bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến, Hà Nội sở hữu hàng ngàn di sản văn hóa đa dạng, khoảng 1.350 làng nghề truyền thống ở các phố phường, làng quê cùng với cộng đồng sáng tạo phong phú gồm các nhà thiết kế, nghệ sĩ, các không gian sáng tạo trên toàn thành phố, Hà Nội trở thành trung tâm của sự sáng tạo ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thiết kế. Hoạt động thiết kế sáng tạo thể hiện nổi bật trong đời sống của người dân Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử. Sự có mặt ở hạ tầng đô thị với kiến trúc “nhiều lớp lịch sử”, ở hạ tầng văn hóa đa dạng, phong phú, góp phần tạo nên sự gắn kết hài hòa giữa con người và tự nhiên. Những công trình kiến trúc như Hoàng Thành Thăng Long, Nhà hát lớn Hà Nội, Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long… đã thể hiện tài hoa, sức sáng tạo của nhiều thế hệ nhà thiết kế.

Hà Nội hiện có khoảng 43.704 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp thiết kế sáng tạo, trong đó có nhiều doanh nghiệp thiết kế, thiết kế nội thất, thiết kế đô thị, thiết kế đồ họa. Năm 2018, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn Hà Nội là 2.522 doanh nghiệp trên lĩnh vực khoa học - công nghệ, dịch vụ tư vấn và thiết kế, quảng cáo; 167 doanh nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí. Hà Nội có cộng đồng và các nhóm sáng tạo ở hầu hết các lĩnh vực, tiêu biểu là Hiệp hội Thiết kế mẫu và sáng tạo Mỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội, Hội liên hiệp văn học - nghệ thuật Hà Nội, Câu lạc bộ doanh nhân sáng tạo, Hội nghệ nhân thợ giỏi, Hiệp hội làng nghề Hà Nội…(8).

Sự kiện Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO mở ra nhiều cơ hội trong việc xây dựng cũng như khai thác, phát huy thương hiệu thành phố sáng tạo để đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nói chung, của phát triển công nghiệp du lịch văn hóa Thủ đô nói riêng. Đây là một hướng tiếp cận mới, mở ra nhiều triển vọng cho ngành công nghiệp du lịch văn hóa Thủ đô trong thời gian tới.

Nhận diện rõ các ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh mới, trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục tập trung xây dựng và triển khai một số nhiệm vụ mang tính đột phá để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa . Với tầm nhìn mới và quyết tâm cao, các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội đã và đang có hướng phát triển mạnh mẽ, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng được nhu cầu văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế bền vững của Thủ đô./.

--------------------------

(1) CISAC - the International Confederation of Societies of Authors and Composers, Cultural Times (2017). The first global map of cultural and creative industries, https://www.hcmuc.edu.vn/tinh-hinh-nganh-cong-nghiep-van-hoa-trong-giai-doan-hien-nay.html, ngày 10-9-2021
(2) https://documents.worldbank.org/en/publication/documents-reports/documentdetail/817501579101801852/vietnam-development-report-2019-connecting-vietnam-for-growth-and-shared-prosperity, https://www.hcmuc.edu.vn/tinh-hinh-nganh-cong-nghiep-van-hoa-trong-giai-doan-hien-nay.html, ngày 10-9-2021
(3) Ban Kinh tế Trung ương: Tọa đàm “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong hội nhập quốc tế”, Hà Nội, Tháng 7-2015, tr. 21
(4) Ban Kinh tế Trung ương: Tọa đàm “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong hội nhập quốc tế”, tlđd, tr. 21
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 145
(6) Dự thảo đề án phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến 2030, tầm nhìn 2045, Thành ủy Hà Nội, Ban Chỉ đạo chương trình 06/CHT-TV
(7) Dự thảo Đề án phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Tlđd
(8) Xem: Ngọc Sơn: Gắn kết du lịch Hà Nội với xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 5-11-2020