Thanh niên Việt Nam: Nguồn nhân lực thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp
TCCS - Trong xu thế phát triển của khoa học và công nghệ toàn cầu, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh để bảo đảm sự phát triển bền vững của quốc gia. Để phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao, thanh niên Việt Nam là một trong những lực lượng nòng cốt, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Thanh niên với các hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo
Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cần được ươm tạo, nuôi dưỡng và phát triển trong một hệ sinh thái thuận lợi. Trong bối cảnh cạnh tranh về nhân lực do hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, vấn đề lao động và việc làm của sinh viên khi ra trường đang rất được quan tâm. Trong thời gian qua, nhiều chính sách mới được ban hành nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng khởi nghiệp và các doanh nghiệp, như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua ngày 12-6-2017; Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ. Khởi nghiệp đang là vấn đề thời sự được toàn xã hội quan tâm, tạo thành một “làn sóng mới” trong giới trẻ, đặc biệt trong giới sinh viên với nhiều ý tưởng đam mê, khát vọng, cùng khả năng tiếp thu thích ứng và đổi mới sáng tạo. Không nằm ngoài xu hướng vận động của thế giới, chính sách dành cho khởi nghiệp, trong đó có khởi nghiệp từ nhóm đối tượng thanh niên ngày càng được tạo điều kiện và nhận được sự quan tâm lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi tìm kiếm cơ hội, nguồn vốn để khởi nghiệp thanh niên chưa nắm chắc cơ hội từ chính “cái nôi khởi nghiệp” là trường đại học của mình - đây là chia sẻ của các chuyên gia, nhà đầu tư mạo hiểm tại các buổi tọa đàm về sinh viên khởi nghiệp.
Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
Thành đoàn Hà Nội với 5 đơn vị sự nghiệp trực thuộc, 110 cơ sở đoàn trực thuộc với hơn 700 nghìn đoàn viên; Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội có 30 tổ chức hội trực thuộc và 15 câu lạc bộ, hội trực thuộc với hơn 918.000 hội viên. Đặc biệt có Hội Doanh nghiệp trẻ với hơn 300 thành viên là CEO của các câu lạc bộ trẻ và các doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều lĩnh vực; Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội có 42 cơ sở trực thuộc, với khoảng 380.000 hội viên. Có thể nói, những nguồn lực từ Đoàn Thanh niên sẽ là một trong những trụ cột để duy trì hệ sinh thái khởi nghiệp của Thủ đô Hà Nội.
Trước mắt, Thủ đô sẽ sửa chữa, cải tạo, chuẩn bị cơ sở vật chất để đưa vào sử dụng các không gian dựa trên các trụ sở sẵn có trong thiết chế văn hóa cho thanh niên, gồm: Cung Thanh niên Hà Nội, Nhà văn hóa học sinh, sinh viên thành phố, Trung tâm Dịch vụ việc làm và hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội,… Đối với các không gian cấp thành phố và cơ sở sẽ có nhiệm vụ cụ thể, trong đó, chủ yếu là xây dựng năng lực cho thanh niên - thành phần cốt yếu của hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng tạo trong cộng đồng.
Ngày 1-10-2022, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia năm 2022. Phiên đối thoại với chủ đề “Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước phục hồi và phát triển sau đại dịch” có sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ngành, các đại biểu thanh niên, doanh nhân trẻ đặt câu hỏi đối với lãnh đạo các bộ, ngành về các cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, như cơ chế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài và thoái vốn, rút vốn, chuyển nhượng vốn nhanh nhằm thúc đẩy các nhà đầu tư đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam; cơ chế đột phá cho việc thu hút, trao đổi nguồn nhân lực chất lượng cao cho khởi nghiệp sáng tạo; hệ thống giấy phép và các yêu cầu hành chính trong những năm đầu hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp; cơ chế, chính sách dành cho các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, logistics…
Với mong muốn đóng vai trò kết nối, kiến tạo để tìm ra những giải pháp sáng tạo, đột phá nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi nền kinh tế - xã hội, lực lượng thanh niên chính là một trong những “cầu nối” nhằm đưa ra các sáng kiến, giải pháp chất lượng, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, từ đó tạo động lực thúc đẩy cộng đồng thanh niên khởi nghiệp đồng hành cùng đất nước vượt lên thách thức sau đại dịch COVID-19 và tham gia xây dựng đất nước Việt Nam phát triển hùng cường vào năm 2045. Tuy nhiên, đa số các phong trào khởi nghiệp của thanh niên chỉ phát triển tại chính các trường đại học, điều này cũng làm giảm đi sự kết nối giữa thanh niên các khối trường khác nhau, thiếu đi những mắt xích quan trọng trong việc phát triển mô hình, dự án khởi nghiệp.
Hướng tới một số giải pháp
Nhằm tiếp tục đóng góp cho việc cải thiện môi trường, thúc đẩy hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, thúc đẩy cộng đồng thanh niên khởi nghiệp đồng hành cùng đất nước, một số giải pháp cần được chú trọng như:
Thứ nhất, tập trung xây dựng, tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên khởi nghiệp, xây dựng cộng đồng thanh niên khởi nghiệp; triển khai đa dạng các giải pháp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển kinh doanh, như tìm kiếm, sàng lọc, củng cố các ý tưởng khởi nghiệp có tiềm năng; thiết lập các cơ sở dữ liệu, sàn giao dịch về khởi nghiệp của thanh niên nhằm kết nối hiệu quả các mô hình, giải pháp, sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp tới doanh nghiệp và xã hội. Đặc biệt, tổ chức đoàn sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan phát triển hệ sinh thái hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thông qua đầu tư phát triển các thiết chế hỗ trợ khởi nghiệp.
Thứ hai, hỗ trợ, thúc đẩy và tạo dựng sự kết nối cho sinh viên, thanh thiếu niên trên cả nước bằng việc xây dựng một hệ thống website kết nối. Tại đây, sinh viên, thanh thiếu niên có thể đăng tải thông tin cá nhân, ghép đội với các nhóm khởi nghiệp, học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước trên khắp mọi miền Tổ quốc và các thanh niên Việt Nam trên thế giới.
Thứ ba, cần đổi mới nội dung để tạo điều kiện cho tất cả học sinh, sinh viên được sớm tiếp cận với các nội dung về đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp. Các trường, đặc biệt là bậc đại học, cần tăng cường cơ sở vật chất giúp sinh viên sớm được thực hành, trải nghiệm, sáng tạo với các dự án khởi nghiệp ngay từ trong nhà trường. Có chính sách hỗ trợ sinh viên có phát minh, sáng kiến được đăng ký phát minh và quyền sở hữu trí tuệ. Các ban, bộ, ngành có thẩm quyền, các doanh nghiệp và nhà trường tạo điều kiện để sinh viên có cơ hội được kết nối với những người cố vấn, những vườn ươm và các quỹ khởi nghiệp.
Thứ tư, tích cực bồi đắp ý chí và khát vọng cho học sinh, sinh viên, tăng cường trang bị kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo, thực hiện kết nối nhà trường với doanh nghiệp, tạo lập môi trường tốt nhất cho hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Thứ năm, cần tiếp tục nuôi dưỡng, phát huy tinh thần làm giàu chính đáng trong mỗi thanh niên nói riêng cũng như người dân Việt Nam nói chung và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, qua đó góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như cải thiện các chỉ số cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế, như chỉ số về môi trường kinh doanh, về phát triển bền vững, về sự phát triển của thị trường...; đồng thời, thể hiện cam kết hỗ trợ của Chính phủ và sự tăng cường chất lượng pháp lý.
Có thể nói, quá trình khởi nghiệp luôn tiềm ẩn những khó khăn, với độ rủi ro cao, ngay từ giai đoạn đầu quá trình khởi nghiệp sáng tạo, thanh niên nên chú trọng đến những tiêu chí phát triển bền vững, như xanh, sạch, an toàn...; ưu tiên phát triển những mô hình có sự lan tỏa, đóng góp cho việc phát triển cộng đồng như nông sản sạch, du lịch cộng đồng..., đồng thời cần duy trì tâm thế về trách nhiệm đối với xã hội. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, khởi nghiệp đang là một xu hướng nhưng cũng là một con đường rất khốc liệt và nhiều rủi ro nhưng nếu không dấn thân, mạnh dạn, dám đối mặt với thách thức thì không thể khởi nghiệp thành công, nhất là đối với thanh niên. Chắc chắn rằng, khi tinh thần khởi nghiệp, văn hóa đổi mới sáng tạo nở rộ trong mọi tầng lớp dân cư, đặc biệt là trong thế hệ thanh niên Việt Nam thì đất nước sẽ phát triển nhờ động lực mạnh mẽ từ hoạt động khởi nghiệp của thanh niên. Để làm được điều này, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho thanh niên là điều hết sức cần thiết./.
Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia  (02/10/2022)
Đối ngoại Hà Nội: Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tạo nguồn lực và thúc đẩy Thủ đô phát triển  (02/10/2022)
Ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống thành phố Hà Nội - triển vọng và thách thức sau đại dịch COVID-19  (01/10/2022)
Một số giải pháp để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn Hà Nội trong thời gian tới  (01/10/2022)
Kinh tế đối ngoại Hà Nội trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế  (29/09/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên