Phát triển vì con người, hướng tới các giá trị tiến bộ và nhân văn - một điểm nhấn quan trọng trong bài viết “một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
TCCS - Những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua là minh chứng cho giá trị hiện thực đạt được của chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đó là sự phát triển vì con người, phát triển để nâng tầm lương tri, phẩm giá con người Việt Nam. Chỉ trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mới có thể đem lại cho chúng ta những thành tựu to lớn như vậy. Và chính những thành tựu này đang là tiền đề, tạo nên sức mạnh tiến tới tương lai tươi sáng của đất nước ta.
Nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết đặc biệt với tiêu đề: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; trong đó, Tổng Bí thư đã đề cập một cách khoa học, toàn diện, sâu sắc, cụ thể và biện chứng về con đường phát triển của đất nước, những giá trị cao cả mà Đảng và nhân dân ta kiên định thực hiện theo đúng mong mỏi khi sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống lành mạnh cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải cho một thiểu số giàu có”(1). Đây chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội, cũng là mục tiêu, con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi.
Quan điểm nêu trên của Tổng Bí thư là sự tổng kết lý luận, thực tiễn trong nước và quốc tế đặc biệt sâu sắc, là sự tuyên bố kiên định, nhất quán đường lối đúng đắn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước ta trong tình hình mới. Sự nghiệp đổi mới với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa lại: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đó chính là minh chứng hiện thực hùng hồn, sinh động, xoay quanh giá trị trung tâm không gì khác ngoài sự phát triển vì con người trong những năm qua, cũng như là định hướng của đất nước ta trong những năm tới.
Trước hết, đó là sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên phạm vi cả nước, cũng như ở từng địa phương.
Sau 35 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta từ chỗ xuất phát điểm thấp, khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, nhân dân nhiều nơi còn thiếu ăn, thiếu mặc, thu nhập bình quân đầu người ở nhóm thấp nhất thế giới, là quốc gia thiếu đói, thường xuyên phải nhập khẩu lương thực, nhận viện trợ quốc tế, đến nay, chúng ta đã đứng vững trên nền tảng phát triển của mình, được cộng đồng thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Nền kinh tế đất nước không những đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, thoát khỏi tình trạng bị bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch, ra khỏi tình trạng nước kém phát triển, mà đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình, hướng tới thu nhập trung bình cao trong những năm tới. Việt Nam trở thành một thành viên tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, có quy mô, trình độ khoa học - công nghệ của nền kinh tế, thu nhập của nhân dân trên khắp các vùng, miền đều được nâng lên. Nếu như ở thời điểm năm 1988, GDP bình quân đầu người của nước ta chỉ có 88 USD, thì đến năm 2020, con số này đạt 2.779 USD(2), tăng hơn 31,5 lần trong vòng hơn ba thập niên. Về xuất khẩu hàng hóa, từ chỗ nền kinh tế chủ yếu dựa vào nhập khẩu và viện trợ, đến nay, nước ta đã trở thành một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản. Nhiều tổ chức thế giới đánh giá Việt Nam là hiện tượng phát triển mới đầy ấn tượng. Việt Nam đã và đang góp phần tích cực vào bảo đảm an ninh lương thực cho nhiều nơi trên thế giới, thông qua việc hằng năm xuất khẩu hàng triệu tấn lương thực và nhiều chủng loại sản phẩm hàng hóa khác. Trong năm 2020, với tác động, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo, 1,5 triệu tấn cà-phê, xấp xỉ 900 nghìn tấn hạt điều và hạt tiêu(3), đem lại kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỷ USD. Về thị trường, từ chỗ chúng ta chỉ có thị trường là một số ít nước bạn bè truyền thống thuộc phe xã hội chủ nghĩa, đến nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tham gia vào thị trường trên khắp năm châu, từ thị trường các nước giàu nhất, đến thị trường của các quốc gia chậm phát triển, gồm gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là những thành tựu ngoạn mục mà không phải quốc gia nào cũng có thể đạt được chỉ trong hơn 30 năm qua, cho dù họ có xuất phát điểm thuận lợi hơn hẳn chúng ta. Đặc biệt, ở những nơi vùng sâu, miền núi, mức độ tăng thu nhập và thành tựu phát triển kinh tế của các địa phương thể hiện những thành tựu rõ hơn. Thí dụ, vùng miền núi Tây Bắc nước ta, cũng như các vùng sâu, vùng xa khác trên cả nước, nếu như những năm đầu đổi mới, về kinh tế, đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi, vùng cao Tây Bắc chủ yếu dựa vào sản xuất tự cấp, tự túc, thiếu đói giáp hạt triền miên, lương thực không đủ ăn là phổ biến, phải ăn độn ngô, sắn là chính, vải không đủ mặc, đời sống hết sức khó khăn, thì hiện nay trên khắp các tỉnh miền núi Tây Bắc đã xuất hiện rất nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi giỏi. Những tấm gương điển hình về phát triển kinh tế trong đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Tây Bắc đã và đang là động lực đưa kinh tế hộ của đồng bào trở nên khá giả hơn nhiều lần so với những năm đầu đổi mới; tài sản và thu nhập của đồng bào không ngừng tăng lên. Hầu hết các hộ đồng bào đã có điện thoại, ti-vi, xe gắn máy, nhiều công cụ sản xuất mới, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch nhanh, năng suất cao, giao thương hàng hóa nhộn nhịp; dịch vụ, du lịch, công nghiệp chế biến nông sản không ngừng được mở rộng. Nông sản hàng hóa của đồng bào các dân tộc miền núi Tây Bắc không chỉ đáp ứng nhu cầu của nhân dân tại chỗ, phục vụ thị trường trong nước, mà bước đầu đã có nông sản xuất khẩu vào các thị trường khó tính trên thế giới, như hoa quả của Sơn La vào thị trường Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a; sản phẩm chè mát-cha của Lai Châu vào thị trường Nga, Nhật Bản. Trong tương lai không xa, sản phẩm quả mắc-ca của Lai Châu sẽ có mặt trên thị trường trong nước và thế giới. Cùng với cả nước, các tỉnh miền núi Tây Bắc đang tích cực hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện, thể hiện sự thay da, đổi thịt hằng ngày, tiềm năng và sức bật kinh tế của nhân dân các dân tộc vùng cao, miền núi, vùng xa của cả nước nói chung, vùng núi Tây Bắc nói riêng đang đổi thay từng ngày theo hướng đi lên. Đây chính là hiện thực của giá trị phát triển vì con người của chủ nghĩa xã hội ở nước ta xét về mặt kinh tế.
Thứ hai, cùng với sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững, giá trị phát triển vì con người còn thể hiện ở việc bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội đi đôi với tiến trình phát triển kinh tế.
Trên bình diện quốc tế, có nhiều cách thức phát triển khác nhau. Trong nhiều quốc gia có cùng xuất phát điểm tương tự như Việt Nam, có quốc gia lựa chọn ưu tiên tăng trưởng trước, giải quyết các vấn đề xã hội sau; có quốc gia lại quá nhấn mạnh yếu tố xã hội, làm ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng. Sau một thời gian, các con đường phát triển thiên lệch của nhiều quốc gia đó chưa đem lại thành công như mong đợi. Khác với cách thức phát triển mang tính thiên lệch đó, dưới ánh sáng của đường lối đổi mới của Đảng, Việt Nam thực hiện ngay từ đầu và trong suốt quá trình phát triển là kết hợp tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới vừa qua đã cho thấy, cách thức phát triển của Việt Nam là đúng đắn. Những thành quả của sự phát triển kinh tế đã lan tỏa, tạo điều kiện, là tiền đề cho thực hiện, nâng cao thành tựu trên các lĩnh vực xã hội. Các thành tựu về tiến bộ và công bằng xã hội đã trở thành động lực để thực hiện phát triển kinh tế bền vững. Xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam đạt thành tựu mang tính điển hình của thế giới, đưa Việt Nam là một trong những quốc gia thực hiện thành công, sớm hơn dự định nhiều mục tiêu thiên niên kỷ do Liên hợp quốc phát động. Tính đến tháng 1-2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới ở nước ta giảm xuống chỉ còn 4,8%. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm rất nhanh theo các con số tương ứng các năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2020 lần lượt là 9,2%, 7,9%, 6,8%, 5,7%, 4,8%(4). Nếu so sánh với tỷ lệ hộ nghèo trên 50% số hộ ở Việt Nam vào thập niên 90 của thế kỷ XX, thì đến nay, sau ba thập niên, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm hơn 10 lần. Liên hợp quốc đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia hình mẫu về giảm nghèo. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa trên phạm vi cả nước giảm một cách ấn tượng. Tính chung, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên, tỷ lệ hộ nghèo tính theo chuẩn nghèo mới đến thời điểm tháng 12-2020 lần lượt là 4,2% và 11%. Cùng với kết quả giảm nghèo, mức độ phân hóa thu nhập tính theo thu nhập bình quân đầu người/tháng giữa nhóm thu nhập cao nhất với nhóm dân cư thu nhập thấp nhất; giữa thành thị và nông thôn; giữa các vùng, miền có xu hướng thu hẹp khoảng cách. Năm 2020, phân hóa thu nhập theo chỉ số bình quân đầu người ở thành thị là 5,44 lần, nông thôn là 7,98 lần, cả nước là 8,07 lần. Các con số này của năm 2019 là: 7,2 lần, 9,6 lần, và 10,2 lần(5). Chênh lệch thu nhập bình quân đầu người/tháng ở các vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, như Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, cũng cho thấy mức độ phân hóa thu nhập được kiểm soát tốt, chứng tỏ mức độ bình đẳng xã hội về thu nhập được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Cụ thể, chênh lệch thu nhập tính theo tháng giữa nhóm thu nhập cao nhất và thấp nhất ở Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ trong năm 2019 lần lượt là: 10,1; 10,5; 8,4 lần; năm 2020 lần lượt là: 9,6; 8,26; 6,92 lần. Các chỉ số này cho thấy mức độ chênh lệch thu nhập trong các vùng, miền có xu hướng thu hẹp lại. Đây là xu hướng hết sức tích cực. Các chỉ số đó cho thấy, mức độ bình đẳng xã hội ở nước ta được bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển. Hệ số bất bình đẳng về thu nhập (hệ số GINI) trên phạm vi cả nước cũng như trong mỗi vùng, miền, nhất là các vùng khó khăn đều có xu hướng giảm theo thời gian. Cụ thể, hệ số GINI tính chung cho cả nước các năm 2018, 2019, 2020 lần lượt là: 0,425; 0,423; 0,375, chứng tỏ mức độ bình đẳng thu nhập ngày càng tăng lên. Xét riêng các vùng còn nhiều khó khăn cũng thấy có xu hướng tiến bộ, cụ thể: Hệ số GINI của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc các năm 2018, 2019, 2020 lần lượt là: 0,444; 0,438; 0,420. Hệ số GINI khu vực Tây Nguyên các năm 2018, 2019, 2020 lần lượt là: 0,440; 0,443; 0,406 và hệ số GINI khu vực Tây Nam Bộ trong các năm tương ứng lần lượt là: 0,400; 0,395; 0,368(6).
Thứ ba, mức độ bất bình đẳng giữa các vùng, miền cũng như cả nước dần giảm xuống.
Đồng thời với sự cải thiện về thu nhập, mức độ văn minh thể hiện qua các chỉ số nhà ở, thụ hưởng các dịch vụ cơ bản, như y tế, giáo dục, nước sạch, tỷ lệ sử dụng điện sinh hoạt, tỷ lệ hộ gia đình có đồ dùng có giá trị, phương tiện thông tin liên lạc hiện đại của người dân Việt Nam cũng không ngừng được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Chỉ tính riêng tỷ lệ hộ dân sử dụng điện sinh hoạt ở các vùng khó khăn nhất của nước ta, như Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ trong các năm gần đây cho thấy tín hiệu rất tích cực. Trong hầu hết các khu vực nêu trên, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện sinh hoạt đều đạt trên 90% đến 99%(7), hầu hết người dân được sử dụng điện sinh hoạt. Tương tự với tỷ lệ hộ dân có nhà ở, nước sạch hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ dân có đồ dùng sinh hoạt lâu bền, nhà vệ sinh đủ tiêu chuẩn tại các vùng còn khó khăn đều ở mức từ trên 95% đến 99% ở tất cả các vùng và địa phương(8).
Để thúc đẩy văn minh xã hội, văn minh ở nông thôn, trên cơ sở chủ trương của Đảng, Nhà nước ta đã triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhằm đưa đời sống của người dân nông thôn nâng cao hơn nữa, văn minh, hiện đại hơn nữa. Sau 10 năm triển khai thực hiện, “Tính đến hết năm 2019, có hơn 4.800 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 54% tổng số xã, bình quân cả nước đạt 15,7 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí, hoàn thành trước 1,5 năm và vượt mục tiêu 10 năm (2010 - 2020). Đến hết năm 2020, có trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 173 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới”(9). Đây là thành tựu đặc biệt quan trọng. Điều đáng nói hơn, thông qua kết quả xây dựng nông thôn mới, trình độ văn minh của nông thôn nước ta được cải thiện rõ rệt. Đến nay, cả nước có 100% số xã có đường giao thông đến tận trụ sở xã. Đối với các tỉnh miền núi, vùng cao, vùng sâu, như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, thì việc có đường giao thông cứng hóa, hệ thống viễn thông liên lạc đến tận cấp xã là biểu hiện văn minh nông thôn được nâng lên tầm cao mới. Nhờ đó, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển dịch vụ, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Nhờ những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua mà kể cả đồng bào các dân tộc khó khăn nhất, như đồng bào La Hủ ở vùng sâu tỉnh Lai Châu, cho tới đồng bào người Rục ở tỉnh Quảng Bình đã được thụ hưởng các thành tựu của phát triển, giữ gìn được bản sắc văn hóa tộc người sánh vai với các dân tộc anh em khác. Từ chỗ ăn, ngủ trong rừng, dựa vào thiên nhiên như thời kỳ cổ xưa, nay đồng bào đã biết tới truyền hình, điện thoại di động, sống định canh, định cư và bước đầu sản xuất kinh tế, cải thiện thu nhập. Điều đó cho thấy, sự phát triển theo phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau ở nước ta là thực sự, không phải ở khẩu hiệu. Các số liệu nêu trên cho thấy, xu hướng bình đẳng, văn minh xã hội về các điều kiện sống của nhân dân cả nước thường xuyên được cải thiện theo hướng tích cực. Điều này là minh chứng xác đáng cho phương thức phát triển thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội gắn liền với tăng trưởng kinh tế ở nước ta.
Thứ tư, song song với sự cải thiện các chỉ số tiến bộ, văn minh xã hội nói chung, sự phát triển toàn diện con người mới ở nước ta cũng không ngừng đạt được những thành tựu, năm sau cao hơn năm trước.
Biểu hiện của xu hướng này là chỉ số phát triển con người Việt Nam (HDI) luôn tăng dần đều theo thời gian. Cụ thể, chỉ số HDI của Việt Nam qua các năm như sau: năm 2017: 0,687; năm 2018: 0,700; năm 2019: 0,703 và năm 2020: 0,702. Sự chăm lo về trí lực cho người dân đã được đặc biệt quan tâm, số lượng trường mẫu giáo, trường học phổ thông các cấp cũng như số lượng giáo viên, sinh viên liên tục tăng nhanh với tốc độ cao và được thế giới công nhận. Tính đến ngày 30-9-2020, cả nước có 26.403 trường phổ thông; trong đó, Trung du miền núi phía Bắc có 5.080 trường; Tây Nguyên: 2.117 trường; Tây Nam Bộ: 4.560 trường. Các chỉ số phát triển lớp học tăng đều qua các năm học; chỉ số phát triển lớp học tiểu học năm học 2018 - 2019 là 99,6%; năm học 2019 - 2020 là 100,2%; chỉ số phát triển trung học cơ sở các năm học nêu trên tương ứng là: 99,0% và 100,9%; chỉ số phát triển trung học phổ thông là: 100,9% và 101,7%(10). Những chỉ số này nếu so sánh với các nước có thu nhập trung bình ngang với nước ta thì họ còn thấp hơn rất nhiều. Trong lĩnh vực sức khỏe, thông qua chỉ tiêu số giường bệnh và số bác sĩ cũng phản ánh công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở nước ta không ngừng được cải thiện. Nếu như năm 2015, tổng số giường bệnh của cả nước mới đạt 306.100 giường thì đến năm 2020 cả nước đã đạt 330.800 giường, tăng trung bình hàng chục nghìn giường bệnh qua các năm. Tương tự, số bác sĩ phân theo vùng, miền cũng cho thấy sự cải thiện rất tích cực. Số liệu thống kê năm 2020 cho thấy, cả nước có 96.229 bác sĩ; trong đó, Trung du và miền núi phía Bắc: 14.436 bác sĩ; Tây Nguyên: 4.671 bác sĩ và Tây Nam Bộ: 16.340 bác sĩ(11). Cùng với việc gia tăng số giường bệnh và số lượng bác sĩ, thì tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin ở nước ta đạt tỷ lệ thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ cao của thế giới. Trong hầu hết các vùng, miền, cũng như cả nước, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đủ các loại vắc-xin cơ bản đều đạt mức trên 96%(12). Sự phát triển và tính ưu việt của hệ thống y tế, chăm lo sức khỏe cho nhân dân được phát huy từ Trung ương đến cơ sở. Đặc biệt, trong tình hình đại dịch COVID-19 hiện nay diễn biến phức tạp, càng chứng tỏ tính ưu việt của hệ thống y tế của chúng ta trong việc huy động tổng lực đội ngũ y sĩ, bác sĩ, cũng như phương tiện vật chất để chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Đây là minh chứng hiển nhiên được cả thế giới ghi nhận.
Thứ năm, gắn liền với các thành tựu phát triển nêu trên, giá trị phát triển vì con người trên con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở nước ta còn thể hiện một xã hội giàu bản sắc văn hóa, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau hướng tới những giá trị tiến bộ, nhân văn.
Cộng đồng 54 dân tộc anh em trong ngôi nhà chung Việt Nam của chúng ta rất giàu bản sắc văn hóa. Bản sắc văn hóa của từng cộng đồng các dân tộc luôn được chú ý giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp. Dân tộc ta vốn có truyền thống tương thân, tương ái, trọng nghĩa tình. Bản sắc đó được đúc kết và lưu truyền thành truyền thống qua lớp lớp các thế hệ. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước thì thương nhau cùng” trở thành sợi dây tinh thần vô giá để gắn kết, trao yêu thương, sẻ chia, đùm bọc trong mọi giai tầng và nhân dân trong xã hội ta mọi lúc, mọi nơi. Những ngày này, khi đất nước ta đang dồn sức, nỗ lực phòng, chống, đương đầu với đại dịch COVID-19, tinh thần tương thân, tương ái, một tinh thần nhân văn, đoàn kết, tương trợ lại càng thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Sự nhường cơm, sẻ áo giữa các tầng lớp nhân dân với tinh thần bác ái, xuất hiện những tấm gương thầy thuốc, người dân chăm lo cho đồng bào, những người có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn hơn cả chăm lo cho chính bản thân mình, gia đình mình. Sự tự nguyện trao gửi yêu thương, đùm bọc, sẻ chia trở thành giá trị như một lẽ tự nhiên trong huyết quản của mỗi người dân Việt Nam. Tất cả những biểu hiện sinh động và cao đẹp đó là gì nếu không phải chính là sự tiến bộ và nhân văn đã trở thành hiện thực trong từng bước phát triển và sẽ là giá trị của suốt tiến trình phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vì con người ở nước ta. Ngay trong thời điểm đương đầu với đại dịch COVID-19 hết sức khó khăn này, đồng chí Tổng Bí thư luôn quan tâm và trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đã có lời kêu gọi toàn dân đoàn kết chống dịch bệnh COVID-19. Và hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, nhân dân trên khắp các địa phương đang dấy lên một phong trào tích cực, chia sẻ với các thành phố đang gặp nhiều khó khăn trong đại dịch. Một lần nữa, tinh thần đoàn kết, nghĩa cử đồng bào của người dân Việt Nam, kể cả kiều bào ta đang ở nước ngoài, mặc dù cuộc sống của họ chưa chắc đã phải là dư dả, song với tất cả tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương, kiều bào ta cũng đang chắt chiu, gửi về những tình cảm hết sức tốt đẹp, chia sẻ, giúp đỡ phần nào khó khăn với nhân dân các địa phương đang bị dịch bệnh hoành hành. Những điều tốt đẹp như thế thật hiếm có!
Thứ sáu, chăm lo môi trường sinh thái, coi môi trường sinh thái chính là tiềm năng sống của con người.
Trong suốt quá trình phát triển, đặc biệt vào những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta ban hành nhiều chủ trương, chính sách, thực hiện nhiều biện pháp tích cực bảo vệ môi trường. Cùng với Đảng và Nhà nước, nhân dân ta với ý thức trách nhiệm với môi sinh của mình cũng luôn tham gia tích cực vào quá trình gìn giữ môi trường sống. Sự gặp gỡ giữa ý Đảng, lòng dân luôn thể hiện ở sự đồng hành của nhân dân, sự hưởng ứng tích cực, chủ động các phong trào toàn dân gìn giữ môi trường. Các phong trào trồng cây, gây rừng được đẩy mạnh. Không có quốc gia nào trên thế giới có Tết trồng cây như ở Việt Nam. “Bình quân hằng năm cả nước trồng được 279,9 nghìn hécta rừng tập trung, trong đó 94% rừng sản xuất”(13), có giá trị kinh tế cao. Các phong trào toàn dân tự nguyện làm sạch môi trường sông, biển, môi trường đất được hầu khắp các tổ chức xã hội, tôn giáo, đoàn thể nhân dân triển khai sâu rộng. Không chỉ chăm lo bảo vệ môi trường trong nước, Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Chúng ta đã tham gia hàng loạt các điều ước quốc tế về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là những dẫn chứng thực sự có sức nặng đối với việc minh họa giá trị hiện thực của chủ nghĩa xã hội trong quá trình phát triển ở nước ta, không chỉ chăm lo cho cuộc sống của con người hôm nay, mà còn đang tích cực gìn giữ cho cuộc sống của thế hệ mai sau.
Có được những thành tựu trên là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta đã kiên định theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta lựa chọn. Nhờ bản chất ưu việt của hệ thống chính trị nước ta, hệ thống chính trị của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bao nhiêu quyền lực thuộc về nhân dân mà có được. Những thành tựu đó cũng là kết quả sự nỗ lực không mệt mỏi của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu mà đất nước ta đạt được cũng chính là thể hiện tâm nguyện, khát vọng cháy bỏng của Bác Hồ: Non sông Việt Nam trở lên vẻ vang bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu./.
-------------------------
(1) Nguyễn Phú Trọng: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tạp chí Cộng sản, Số 966, tháng 5-2021, tr. 5 - 6
(2) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 9
(3) Xem: Tổng cục Thống kê: Niên giám Thống kê 2020, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2021, tr. 246
(4), (5), (6) Xem: Tổng cục Thống kê: Niên giám Thống kê 2020, Sđd, tr. 879, 853, 872
(7), (8) Xem: Tổng cục Thống kê: Niên giám Thống kê 2020, Sđd, tr. 888, 884 - 897
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 23
(10), (11), (12) Xem:Tổng cục Thống kê: Niên giám Thống kê 2020, Sđd, tr. 777, 840, 841
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 23
Tầm nhìn thời đại và tư duy độc lập, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc  (03/09/2021)
Tầm nhìn thời đại và tư duy độc lập, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên hành trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc  (03/09/2021)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh  (02/09/2021)
Tọa đàm khoa học: “Những ý kiến tâm huyết với bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” (tiếp theo)  (30/08/2021)
Tọa đàm khoa học: “Những ý kiến tâm huyết với bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”  (27/08/2021)
Việt Nam kiên định trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội  (26/08/2021)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên