Tỉnh Vĩnh Phúc kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch
TCCS - Sau những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra trong năm 2020, “cú bồi” của đợt dịch lần này đã khiến các doanh nghiệp du lịch cả nước nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng càng rơi vào khủng hoảng. Nhiều đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú đứng trước thách thức lớn khi phải hoạt động cầm chừng, thậm chí tạm ngừng hoạt động; nhiều nhân lực lao động du lịch có tay nghề cao đã dịch chuyển sang ngành nghề khác. Trước tình hình này, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang có những giải pháp hỗ trợ phù hợp nhằm khôi phục, phát triển ngành du lịch thời gian tới.
Chồng chất khó khăn
Do sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh tiếp tục bị ảnh hưởng, các hoạt động du lịch phải tạm dừng trong thời gian cách ly, giãn cách xã hội, lượng khách sụt giảm, các doanh nghiệp du lịch và nhà hàng, khách sạn gặp khó. Khoảng 95% doanh nghiệp rơi vào tình trạng khách hủy tour, hủy phòng, hủy dịch vụ số lượng lớn khiến doanh thu toàn ngành sụt giảm hơn 80% so với cùng kỳ năm 2019. Một số doanh nghiệp hiện nay đang hoạt động cầm chừng, phải cắt giảm nhân viên hoặc cho nhân viên nghỉ luân phiên để giảm thiểu tối đa chi phí.
Đơn cử như đơn vị Cáp treo Tây Thiên của Công ty cổ phần Lạc Hồng - Tây Thiên, tính đến giữa tháng 6-2021, doanh thu của đơn vị sụt giảm tới 80% so với năm 2019. Giám đốc đơn vị Đặng Thị Thu Trang cho biết: Từ đầu năm 2021, khi tình hình đại dịch COVID-19 được kiểm soát, đơn vị đã tiến hành chỉnh trang cảnh quan khu di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên, duy trì bảo dưỡng hệ thống ca bin, xe điện, sẵn sàng phục vụ du khách trong hành trình “Đến với Phật, về với Mẫu”. Tuy nhiên, gần 2 tháng qua, đại dịch COVID-19 tái bùng phát khiến đơn vị tiếp tục phải đóng cửa và cho 80 nhân viên nghỉ việc tạm thời. Như vậy đồng nghĩa với việc không có doanh thu trong khi doanh nghiệp vẫn phải bỏ ra chi phí lớn để thực hiện công tác phòng dịch, bảo dưỡng cơ sở vật chất, đóng bảo hiểm xã hội và trả lương tối thiểu cho người lao động. Hiện doanh nghiệp đang phải vay ngân hàng để duy trì lượng nhân sự tối thiểu phục vụ hoạt động sau dịch.
Tương tự, trong tháng 5 và tháng 6-2021, nhiều doanh nghiệp du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc đã phải hoạt động cầm chừng, phải cắt giảm nhân viên hoặc cho nhân viên nghỉ luân phiên để giảm thiểu tối đa chi phí, đặc biệt là khối khách sạn, nhà hàng, như Flamingo Đại Lải resort giảm 60%; FLC Vĩnh Thịnh resort 65%; một số đơn vị tại thị trấn Tam Đảo, khách sạn ở khu vực Đại Lải phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Ngoài các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, vận chuyển, các cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, mua sắm, các khu, điểm du lịch đều ghi nhận sụt giảm khoảng 70% công suất so với trước khi dịch xảy ra.
Chỉ tính riêng trong tháng 5-2021, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh đã giảm hơn 42% so với tháng trước và giảm gần 25% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ đạt hơn 183 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ dịch vụ lưu trú đạt hơn 10 tỷ đồng, dịch vụ ăn uống đạt hơn 172 tỷ đồng và dịch vụ lữ hành đạt 1,2 tỷ đồng.
Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, như giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 cho tất cả các doanh nghiệp du lịch; miễn, giảm lãi vay cho 18 doanh nghiệp du lịch và 60 cá nhân, hộ gia đình kinh doanh cá thể hoạt động du lịch; áp dụng mức giá điện hỗ trợ theo đơn giá điện sản xuất và giảm 20% giá tiền nước sinh hoạt cho trên 400 cơ sở lưu trú du lịch. Đồng thời, ban hành quyết định công nhận mới và xếp hạng lại cho 33 cơ sở lưu trú theo TCVN 4391:2015; tổ chức hỗ trợ tập huấn nghiệp vụ, cấp phát tài liệu miễn phí cho 700 người lao động trong các doanh nghiệp du lịch; hỗ trợ các đơn vị kinh doanh lữ hành, các khu du lịch xúc tiến quảng bá khai thác khách tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID 19, một số chính sách kích cầu du lịch theo kế hoạch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc nhằm hỗ trợ các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, như Chương trình khai mạc Mùa du lịch năm 2021; Chương trình Famtrip cho các đơn vị lữ hành đưa khách đến tham quan tại các khu, điểm du lịch, di tích, danh lam thắng cảnh; Chương trình xúc tiến du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh và Kiên Giang... đều bị hoãn lại.
Đáng nói, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận được các nhóm chính sách hỗ trợ của Trung ương, như chậm nộp thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân, chi trả bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động… Đặc biệt, nhiều nhân lực có trình độ, tay nghề cao trong lĩnh vực du lịch nay đã chuyển sang hoạt động ở ngành nghề khác các doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Chính vì vậy, song song với thực hiện tốt các quy định về phòng, chống đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành của tỉnh mong muốn sớm được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 của Trung ương và của tỉnh Vĩnh Phúc.
Nhiều giải pháp hỗ trợ phục hồi du lịch
Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, Sở đã tập trung phân tích, đưa ra các tình huống du lịch theo không gian, thời gian, quy mô với các mức độ khác nhau kết hợp theo dõi và linh hoạt trong giải quyết các vấn đề phát sinh một cách kịp thời và hiệu quả trong hoạt động du lịch. Đồng thời, tập trung tuyên truyền để doanh nghiệp thấy rõ đây cũng là cơ hội để nghiên cứu tái cơ cấu sản phẩm và thị trường khách du lịch.
Theo đó, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch phát triển du lịch trong thời gian tới với các nhóm vấn đề trọng tâm là: Tập trung triển khai chiến dịch truyền thông “Du lịch Vĩnh Phúc - Nơi bình yên nhất” và chương trình kích cầu nội địa với sự tham gia của các địa phương (điểm đến), các doanh nghiệp vận chuyển và doanh nghiệp dịch vụ du lịch; định hướng cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế đến Vĩnh Phúc; tăng cường quảng bá khách đến và đi du lịch các thị trường đã hết dịch.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch cao cấp; xây dựng điểm dừng chân, không gian nghệ thuật, điểm trung chuyển khách, giới thiệu sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng điểm đến, dịch vụ; phát triển các sản phẩm, dịch vụ gắn các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch văn hoá, du lịch cộng đồng gắn với nông thôn mới. Chuẩn bị cho chiến lược quảng bá và xúc tiến du lịch Vĩnh Phúc đến các thị trường trọng điểm trong nước, đặc biệt ứng dụng các hình thức truyền thông trực tuyến; triển khai các giải pháp về xây dựng du lịch thông minh nhằm tối ưu hóa hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá và mở rộng thị trường, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách du lịch; tiếp tục khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá online để thực hiện công tác tuyên truyền, phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tổ chức các chương trình đào tào, tập huấn bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh cho các cán bộ, nhân viên các khu, điểm du lịch, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch.
Đồng thời, triển khai hiệu quả liên kết sản phẩm vùng với các địa phương trong cả nước, trong đó, phát huy vai trò then chốt của các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp dịch vụ du lịch, hiệp hội du lịch nhằm xây dựng các sản phẩm, chương trình du lịch liên kết thực sự hấp dẫn, độc đáo, khác biệt của mỗi địa phương và của cả vùng.
Ngày 16-6-2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành quyết định về một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, trong đó, cho phép hoạt động dịch vụ du lịch được phục vụ đón khách nhưng chỉ phục vụ khách nội tỉnh và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đây được xem là một trong những giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh bị tác động, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Ghi nhận tại một số tuyến, điểm du lịch những ngày qua cho thấy, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ưu tiên hàng đầu của du lịch Vĩnh Phúc là sự an toàn của du khách và cộng đồng. Vì vậy, dù cho phép mở cửa trở lại đối với các khu, điểm tham quan du lịch song Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành, lưu trú và ăn uống tiếp tục kích hoạt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo nhiều lớp, từ phun khử khuẩn, đo thân nhiệt, khai báo y tế đến tuân thủ nghiêm túc việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với khách hàng theo đúng quy định của Bộ Y tế và của tỉnh.
Với những nỗ lực kích cầu du lịch cùng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú và ăn uống của tỉnh sẽ hoạt động trở lại một cách an toàn, hiệu quả, nhanh chóng phục hồi, nhất là trong những tháng cao điểm mùa du lịch 2021./.
BSR kích hoạt các phương án cấp độ 2 phòng, chống đại dịch COVID-19  (28/06/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Bình Dương  (27/06/2021)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển