Tổ chức kỳ thi vào lớp 10 thành công trọn vẹn
TCCS - Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo công tác chuẩn bị kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2021 - 2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu, bằng mọi biện pháp phải đảm bảo tổ chức thành công trọn vẹn, an toàn tuyệt đối cho kỳ thi. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Càng đến giờ thi, càng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Ngày 12-6-2021, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2021 - 2022 với sự tham gia của hơn 93.000 thí sinh và gần 15.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên sẽ diễn ra tại 184 điểm thi với gần 4.000 phòng thi.
Đây là sự kiện diễn ra trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Kỳ thi nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo và nhân dân Thủ đô. Trong đó, ngay từ đầu tháng 6, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp nghe báo cáo và cho ý kiến về công tác tổ chức.
Kết luận các cuộc họp, đồng chí Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu, trong mọi tình huống, bằng mọi biện pháp phải tổ chức thành công trọn vẹn và bảo đảm tuyệt đối an toàn cho kỳ thi.
Cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là người đứng đầu phải vào cuộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo; huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ an toàn và tổ chức thành công kỳ thi. Các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức bảo vệ an ninh trật tự, an toàn tại tất cả các điểm thi; phân công, bố trí lực lượng phân làn giao thông; kiểm tra, hướng dẫn phụ huynh học sinh thực hiện phòng dịch theo nguyên tắc “5K”, tránh để phụ huynh chờ đợi, tụ tập đông người ngoài điểm thi. Học sinh phải thực hiện thật tốt các biện pháp phòng dịch COVID-19 trước, trong và sau kỳ thi. Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng kịch bản tổ chức tổng thể và kịch bản tổ chức cụ thể đối với từng điểm thi; bao quát toàn diện các vấn đề, nhất là bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, cả bên trong và bên ngoài điểm thi. Ngành y tế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xét nghiệm và cấp giấy xác nhận F0, F1, F2 để thực hiện chính sách ưu tiên.
Ủy ban nhân dân thành phố làm việc với các trường đại học trên địa bàn có tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 chuyên phải xây dựng phương án phòng, chống dịch COVID-19 và an ninh trật tự, an toàn giao thông; chỉ cho phép tổ chức thi khi đảm bảo đầy đủ các phương án.
Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không lơ là, chủ quan; càng đến ngày thi, giờ thi càng phải tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát. Việc bảo đảm an toàn và tổ chức thành công kỳ thi này không chỉ bảo vệ sức khoẻ hàng chục ngàn học sinh, phụ huynh, cán bộ, giáo viên nhân viên tham gia kỳ thi, mà còn bảo đảm an toàn cho cả cộng đồng, duy trì thế trận phòng, chống dịch COVID-19 của Thủ đô và đất nước.
Nhắn gửi hơn 93.000 thí sinh tham gia kỳ thi, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chúc các em mạnh khỏe, tự tin và giành được kết quả cao. Đồng chí tin tưởng, với sự đồng hành của phụ huynh, quyết tâm của thí sinh và sự vào cuộc trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2021-2022 của thành phố sẽ diễn ra thành công trọn vẹn.
Bám sát, theo dõi, chỉ đạo từng điểm thi
Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, ngày 4-6-2021, 15 đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Thành ủy đã được kích hoạt trở lại và tiến hành kiểm tra các quận, huyện, thị xã. Thông qua kiểm tra, các đoàn kiểm tra đã nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các quận, huyện, thị ủy; kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót. Các đồng chí lãnh đạo thành phố đã trực tiếp theo dõi công tác diễn tập, một số đồng chí nhập vai học sinh, giáo viên để nắm bắt tình hình thực hiện; qua đó đã chỉ ra những vấn đề cần khắc phục.
Kiểm tra tại huyện Thanh Trì, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến lưu ý, trong ngày thi, các phòng thi cần được mở cửa sổ để bảo đảm thông thoáng; cán bộ coi thi nhắc thí sinh đeo khẩu trang trong toàn bộ thời gian thi.
Trong khi kiểm tra tại quận Đống Đa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Chu Ngọc Anh yêu cầu, quận tiếp tục chỉ đạo từng điểm thi, tuyệt đối không được xem nhẹ công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; phải gắn trách nhiệm các đồng chí trong Ban Thường vụ Quận ủy phụ trách địa bàn với từng điểm thi.
Còn kiểm tra tại quận Hoàn Kiếm và huyện Thường Tín, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, yêu cầu cao nhất trong thời điểm này là phòng dịch COVID-19; phải chuẩn bị trên tinh thần bảo đảm tốt nhất các điều kiện để tổ chức thành công kỳ thi.
Làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Hai Bà Trưng, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong chỉ rõ, quận phải đẩy mạnh tuyên truyền, tạo đồng thuận trong phụ huynh và học sinh để kỳ thi thành công tốt đẹp; chuẩn bị kỹ hơn nữa, hỗ trợ các trường cụ thể hơn nữa.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy và lưu ý của các đoàn kiểm tra, các quận, huyện, thị ủy đều đã vào cuộc, trực tiếp các đồng chí bí thư cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo; phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên; huy động sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi.
Tại quận Đống Đa, Bí thư Quận ủy Đinh Trường Thọ cho biết, với 7 điểm thi, ngoài 160 phòng thi chính thức, quận đã bố trí 16 phòng thi dự phòng. Là đơn vị mới phát sinh một số ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2, ngoài việc đổi hai điểm thi, huyện Đông Anh đã tăng cường nhiều biện pháp ngăn chặn dịch lây lan. Bí thư Huyện ủy Lê Trung Kiên cho biết, huyện đã thành lập 4 đoàn kiểm tra, tổ chức kiểm tra các điểm thi về điều kiện cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi. Quận Cầu Giấy đã rà soát, xây dựng phương án ứng phó với dịch tại 7 điểm thi chính thức, chuẩn bị 5 điểm thi dự phòng, chỉ đạo các trường gần điểm thi mở cửa để phụ huynh vào chờ con. Quận Hà Đông đã thành lập 2 tổ cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ điểm thi...
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Chử Xuân Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố Hà Nội năm học 2021 - 2022, thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, các công việc chuẩn bị tổ chức kỳ thi đã được triển khai đúng tiến độ.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, Sở đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn liên ngành phòng, chống dịch tại các điểm thi; hướng dẫn xác định các trường hợp F1, F2 và thí sinh ở địa bàn phong tỏa; thành lập 3 đoàn kiểm tra đáp ứng công tác y tế và vệ sinh an toàn thực phẩm cho kỳ thi. Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Văn Đại, 30 quận, huyện, thị xã đã hoàn thành công tác diễn tập phòng, chống dịch Covid-19; chuẩn bị vật tư y tế phục vụ cho tổ chức kỳ thi.
Có thể nói, Hà Nội đã vững vàng tâm thế và mọi sự chuẩn bị tốt nhất để thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” của kỳ thi năm nay; truyền đi thông điệp mạnh mẽ về sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của cán bộ và nhân dân Thủ đô trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, phức tạp hiện nay./.
Linh Đăng (tổng hợp)
Hà Nội - điểm sáng trong công tác xây dựng đảng và đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước  (09/06/2021)
Tỉnh Bắc Ninh: Chung một tấm lòng, quyết thắng đại dịch  (08/06/2021)
Sẵn sàng “chia lửa” với Bắc Ninh phòng, chống đại dịch COVID-19  (08/06/2021)
PetroVietnam hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh  (08/06/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay