Kinh tế đối ngoại của thành phố Hà Nội: Thực trạng và giải pháp
TCCS - Nhận thức sâu sắc về tính tất yếu khách quan và lợi ích to lớn của việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế, xuất phát từ tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã không ngừng đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại nhằm thúc đẩy các hoạt động xúc tiến, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường, tranh thủ các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô theo hướng hiện đại và bền vững, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Thực trạng hoạt động kinh tế đối ngoại của thành phố Hà Nội thời gian qua
Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 gắn với thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2016 - 2020, GDP của thành phố Hà Nội đạt tốc độ tăng trưởng 7,31%(1); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Thị trường xuất - nhập khẩu được duy trì, mở rộng; kim nghạch xuất khẩu bình quân trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,52%(2), riêng năm 2019 đạt 17,5 tỷ (tăng 20,3%). Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) liên tục tăng qua các năm. Những kết quả cụ thể trên từng lĩnh vực kinh tế đối ngoại như sau:
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), giai đoạn 2016 - 2019, Hà Nội đã thu hút được 2.268 dự án với 13.689 triệu USD vốn FDI. Riêng năm 2018, thu hút được 7.501 triệu USD, tăng gần 2,23 lần so với năm 2017, là năm đứng đầu cả nước và cao nhất kể từ 30 năm thực hiện chủ trương thu hút FDI. Năm 2019, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về FDI với 8.464 triệu USD, tăng 90,02% so với năm 2018; tổng số vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 6.750 triệu USD(3). Trong 4 tháng đầu năm 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng thành phố Hà Nội vẫn có nhiều chuyển biến trong thu hút FDI, đạt 981,5 triệu USD, trong đó có 235 dự án cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 324 triệu USD; 53 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn bổ sung 365 triệu USD và 292,5 triệu USD là vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài. Riêng trong tháng 4-2020, Hà Nội có 50 dự án FDI được cấp phép mới với tổng số vốn đăng ký đạt 35 triệu USD, trong đó có 40 dự án 100% vốn FDI; 10 dự án liên doanh, liên kết(4). Quy mô các dự án FDI của Hà Nội có xu hướng ngày càng tăng. Trong giai đoạn 2016 - 2019, tổng số vốn đăng ký bình quân một dự án đạt 9,17 triệu USD/dự án. Năm 2018 là năm ghi nhận vốn đăng ký bình quân một dự án cao nhất, với 12,1 triệu USD/dự án. Trong 5 tháng đầu năm 2020, thành phố đã thu hút được 1.184,3 triệu USD vốn FDI. Trong quý II/2020, Hà Nội đặt mục tiêu thu hút 1,5 tỷ USD vốn FDI, nâng tổng số vốn FDI trong 6 tháng năm 2020 đạt khoảng 2,5 tỷ USD. Hà Nội cũng dự kiến thu hút khoảng 5 tỷ USD vốn FDI trong năm 2020. Hiện nay, vốn FDI của Hà Nội chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp, chế biến, chế tạo, xây dựng, kinh doanh bất động sản, dịch vụ. Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ(5).
Bên cạnh những thuận lợi trong biển chuyển nhanh chóng, phức tạp và khó lường của tình hình thế giới, thuận lợi về nhân lực, kết cấu hạ tầng giao thông liên lạc và những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đó còn là kết quả của những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của thành phố Hà Nội thông qua việc triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư; đơn giản hóa thủ tục hành chính; phát huy vai trò các tổ chức, các lực lượng trong quản lý FDI…
Về hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), theo số liệu thống kê, tính đến ngày 31-5-2017, thành phố Hà Nội đã thu hút và triển khai 104 dự án ODA với giá trị tài trợ cam kết khoảng 5.063,36 triệu USD, trong đó, giá trị đã ký kết là 3.143,37 triệu USD, đã giải ngân 1.167,39 triệu USD, đạt 37,14% giá trị ký kết. Giá trị ký kết ODA không hoàn lại là 261,93 triệu USD, chiếm 8,33% trong tổng số vốn đã ký; ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi là 2.881,44 triệu USD, chiếm 91,67%. Các dự án ODA tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu, như: phát triển hạ tầng giao thông đô thị (chiếm khoảng 56%); cấp, thoát nước và xử lý nước thải (31,8%); môi trường, y tế, giáo dục, văn hóa, giáo dục văn hóa (chiếm khoảng 6%); còn lại là các lĩnh vực khác. Trong giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo, thành phố Hà Nội xác định việc huy động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cần tiếp cận linh hoạt theo hướng sử dụng tối đa các khoản vay ODA, kết hợp với viện trợ không hoàn lại và vay ưu đãi(6).
Tính chung hằng năm đối với Hà Nội, nguồn vốn ODA chiếm khoảng 15% tổng vốn ngân sách và chiếm khoảng 3% tổng đầu tư xã hội. Hầu hết các dự án ODA đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối quan trọng ít có khả năng sinh lời trực tiếp, nhưng các dự án ODA đã đóng góp tăng trưởng GDP của thành phố, xây dựng các khu tái định cư và các khu đô thị mới, giải quyết được nhiều việc làm và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và trong nước, đẩy mạnh sản xuất và phúc lợi xã hội, cải thiện mời trường sống.
Về hoạt động xuất - nhập khẩu, trong giai đoạn 2016 - 2019, xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng trưởng liên tục. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt 17,5 tỷ USD - mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2016, tăng 25,8%, vượt chỉ tiêu tới trên 17%, với “điểm sáng” là đã mở rộng được thị trường xuất khẩu sang châu Phi. Một số mặt hàng có tốc độ tăng cao so cùng kỳ năm 2018 là nhóm hàng linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi, đạt tăng 4,4% so với cùng kỳ; hàng dệt may tăng 16,8%; máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 2,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 17,8%.
Tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước đã có sự tăng trưởng mạnh, lấn át doanh nghiệp FDI. Từ đầu năm 2020 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp nhà nước đạt 355.600 tỷ đồng, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 2.015.198 tỷ đồng, trong khi khối doanh nghiệp FDI chỉ đạt 173.494 tỷ đồng... Con số này đã cho thấy công tác cổ phần hóa, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát huy hiệu quả.
Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Nam Phi, Nga,… là các thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ yếu của thành phố Hà Nội. Hà Nội đang từng bước đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ trên các lĩnh vực gia công phần mềm, xuất khẩu lao động… Một số mặt hàng đã có chỗ đứng và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế là đồ gỗ nội thất, may mặc, đồ nhựa, điện tử…
Kim ngạch nhập khẩu trong năm 2019 của Hà Nội ước đạt 31,5 tỷ USD, tăng 1,77% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ tăng 7,47%). Thị trường nhập khẩu chủ yếu của Hà Nội là EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, Nga, Hàn Quốc…
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh COVID-19, hoạt động xuất - nhập khẩu của thành phố Hà Nội cũng bị sụt giảm đáng kể. Kim ngạch xuất - nhập khẩu trong quý I/2020 của Hà Nội chỉ đạt 2,744 tỷ USD, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019 (11,3%).
Về hoạt động du lịch, tính đến nay, ngành du lịch Hà Nội đã có quan hệ đối ngoại và trao đổi khách với hơn 160 quốc và vùng lãnh thổ; lượng khách quốc tế dến Hà Nội du lịch tăng đều qua các năm với tốc độ tăng trung bình là 20% - 30%, thường xuyên chiếm hơn 30% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Với trên 200 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế (trên tổng số hơn 10 nghìn đơn vị đã đăng ký kinh doanh), 3.499 cơ sở lưu trú với 60.812 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế, giai đoạn 2016 - 2018, lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt mức tăng trưởng bình quân 12%/năm, đặc biệt là tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội lên tới 22,5%/năm.
Năm 2018, Hà Nội đã đón 26,30 triệu lượt khách, tăng 10,4%, chiếm 27,5% cả nước; trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 6,005 triệu lượt, chiếm tỷ trọng 38,7% so với cả nước, hoàn thành vượt 105,2% chỉ tiêu đến năm 2020 tại Nghị quyết số 06-NQ/TU đề ra. Doanh thu từ khách du lịch tăng từ 61.778 tỷ đồng vào năm 2016 lên 77.480 tỷ đồng vào năm 2018. Tốc độ tăng trưởng doanh thu từ khách du lịch bình quân 03 năm trong 3 năm (2016 - 2018) đạt 12,1%. Năm 2019, du lịch Hà Nội phát triển nhất từ trước đến nay, đón gần 29 triệu lượt khách, trong đó có hơn 7 triệu lượt khách quốc tế (tăng 17% so với năm 2018); khách du lịch nội địa đạt gần 22 triệu lượt, tăng 8% so với năm 2018. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 103.800 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước. Khách quốc tế du lịch Hà Nội chủ yếu đến từ các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ… Năm 2020, ngành du lịch Hà Nội đặt mục tiêu đón khoảng 32 triệu lượt khách, tăng 10,2% so với năm 2019, tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 xảy ra ngay từ đầu năm 2020 đã khiến ngành du lịch của Hà Nội chịu thiệt hại khá nặng nề. Theo ước tính của Sở Du lịch thành phố Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2020, ngành du lịch của Thủ đô chỉ đón 4,93 triệu lượt khách, giảm 65,4% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 987.000 lượt, giảm 68,8% so với cùng kỳ năm 2019; khách du lịch nội địa ước đạt 3,95 triệu lượt, giảm 64,4% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu từ khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 18.900 tỷ đồng, giảm 61,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Các hoạt động khác, thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ cụ thể nhằm đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế gắn với phát triển kinh tế của Thủ đô; tập trung nâng cao hiệu quả đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại, phát triển một số ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao; hoàn chỉnh hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách, đẩy mạnh cải cách kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ và doanh nghiệp, phát triển thị trường trong và ngoài nước, đào tạo nguồn nhân lực, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động kinh tế đối ngoại của Hà Nội vẫn chưa thực sự khai thác hết tiềm năng, vị thế của Thủ đô, còn một số hạn chế, bất cập cần tập trung khắc phục, giải quyết trong thời gian tới. Cụ thể là:
Đối với FDI, thủ tục cấp phép đầu tư vẫn còn phức tạp, thời gian xem xét phê duyệt một số dự án còn dài; sự phối hợp giữa các cơ quan chính quyền của thành phố và các bộ, ngành Trung ương hiệu quả chưa cao; việc quy hoạch, giới thiệu địa điểm xây dựng dự án đầu tư còn chậm. Ngoài ra, một số cơ chế chính sách chưa được điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Đối với ODA, một số dự án triển khai còn chậm do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và thẩm định thiết kế kỹ thuật, đấu thầu còn kéo dài. Nguyên nhân chính là do quy trình thủ tục trong nước cũng như của các nhà tài trợ còn phức tạp và có sự khác biệt về thủ tục giữa các nhà tài trợ và phía Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung; di dân tái định cư và giải phóng mặt bằng chậm trễ; hệ thống các văn bản pháp quy về quản lý và sử dụng nguồn ODA cũng như các văn bản có liên quan khác chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ; tính chuyên nghiệp của bộ máy quản lý ODA ở các cấp của thành phố còn yếu.
Đối với hoạt động xuất - nhập khẩu, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân hằng năm chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch chậm: hàng gia công, lắp ráp và sản phẩm thô hoặc sơ chế có giá trị gia tăng thấp, vẫn chiếm tỷ trọng lớn; các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, như: hàng thủ công mỹ nghệ, cơ kim khí, thực phẩm chế biến,… chiếm tỷ trọng thấp; xuất khẩu chủ yếu qua các đối tác trung gian, rất ít doanh nghiệp và sản phẩm của Hà Nội có thương hiệu được khẳng định trên thị trường quốc tế…
Đối với hoạt động du lịch, việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch còn bất cập: số cơ sở lưu trú chưa đủ đáp ứng yêu cầu thị trường và sự tăng trưởng của lượng khách du lịch. Đặc biệt là, hệ thống khách sạn 3 sao trở lên cũng chưa nhiều. Các doanh nghiệp chưa thực sự chủ động trong việc chuẩn bị chu đáo cho tiến trình hội nhập; hoạt động đối ngoại còn lúng túng. Phần lớn các doanh nghiệp lữ hành có quy mô nhỏ, thiếu vốn, thiếu hướng dẫn viên du lịch có trình độ ngoại ngữ và nghiệp vụ. Bên cạnh đó, công tác quảng bá xúc tiến du lịch chưa mạnh, thiếu tính chuyên nghiệp. Hoạt động đầu tư nước ngoài, hợp tác viện trợ quốc tế cho lĩnh vực du lịch chưa phát triển mạnh, số dự án ODA, FDI về du lịch còn ít.
Đối với công tác hội nhập kinh tế quốc tế, nhận thức về hội nhập kinh tế quốc tế của các ngành, các cấp, cán bộ của thành phố và nhất là các doanh nghiệp chưa đầy đủ. Các giải pháp cũng chưa được triển khai cụ thể và đồng bộ giữa các cấp, ngành và các doanh nghiệp. Hệ thống pháp luật còn thiếu, chưa đồng bộ, đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung để phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), cải cách hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế…
Một số khuyến nghị góp phần nâng cao hiệu quả và tính bền vững của hoạt động kinh tế đối ngoại Hà Nội
Thành phố Hà Nội hiện đang thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ giai đoạn 2016 - 2020 và tiếp tục cụ thể hóa “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” bằng những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển cho giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có những chuyển động nhanh chóng và khó lường, đất nước bước vào giai đoạn đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, để tiếp tục có nhiều bước đi đột phá và nắm bắt những cơ hội mà hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, góp phần nâng cao hiệu quả và tính bền vững của hoạt động đối ngoại kinh tế phục vụ xúc tiến, thu hút đầu tư của Thủ đô, xin đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương đối với hoạt động kinh tế đối ngoại của thành phố; tăng cường đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp; định kỳ giao ban hằng tháng, quý đề kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc…
Hai là, tiếp tục mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác với các Thủ đô, thành phố của các nước và vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế liên đô thị, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ,… thông qua những bản ký kết ghi nhớ, chương trình, dự án hợp tác cụ thể, có ý nghĩa thiết thực về kinh tế - xã hội; tăng cường và mở rộng hợp tác với các đại sứ quán, thường vụ nước ngoài tại Việt Nam; các tổ chức quốc tế và phi chính phủ.
Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế, tăng cường mở rộng quan hệ thương mại, du lịch với các nước, thu hút FDI, tranh thủ viện trợ của các nước và các định chế tài chính - tiền tệ quốc tế, gia tăng xuất khẩu hàng hóa và mở rộng thị trường xuất khẩu; quan tâm hơn đến những lĩnh vực mới mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, như xuất khẩu lao động, xuất khẩu phần mềm…
Bốn là, tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục và triển khai thực hiện thủ tục trong hoạt động kinh tế đối ngoại theo cơ chế “một đầu mối”; nghiên cứu hình thành bộ phận thường trực chuyên trách về hoạt động kinh tế đối ngoại đặt tại Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội; thành lập và mở rộng các văn phòng đại diện tại một số nước và các thị trường trọng điểm;
Năm là, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình hoạt động kinh tế đối ngoại chung của Thủ đô, về hình ảnh một Hà Nội đang trên đà phát triển và hội nhập ra thế giới…; đưa công nghệ thông tin vào quản lý và xúc tiến các hoạt động kinh tế đối ngoại, đồng thời kiện toàn về tổ chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại ở tất cả các cấp, các ngành, nhằm thực hiện có hiệu quả yêu cầu, nhiệm vụ đối ngoại kinh tế phục vụ phát triển thành phố.
Sáu là, chuẩn bị sớm và có những kế hoạch cụ thể, tổ chức thành công các sự kiện quốc tế lớn của Nhà nước, diễn ra tại Thủ đô Hà Nội./.-------------------------
(1) Xem: http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/947625/ha-noi-du-kien-dat-gdp-binh-quan-dau-nguoi-la-5710-usd-vao-nam-2020
(2) Xem: https://hanoi.gov.vn/tintuc_sukien/-/hn/ZVOm7e3VDMRM/7320/2838189/ai-hoi-ang-bo-co-quan-so-cong-thuong-khoa-xx-nhiem-ky-2020---2025.html;jsessionid=BJ1UC5A+xzmA-4rBeSrShdDl.app2
(3) Xem: Giải pháp tăng cường quản lý về đầu tư trực tiếp nước ngoài của Thành phố Hà Nội hiện nay, http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/giai-phap-tang-cuong-quan-ly-ve-dau-tu-truc-tiep-nuoc-ngoai-cua-thanh-pho-ha-noi-hien-nay-71087.htm, ngày 26-4-2020
(4) Xem: Hà Nội thu hút 235 dự án đầu tư nước ngoài, https://nhandan.com.vn/kinhte/item/44363102-ha-noi-thu-hut-235-du-an-dau-tu-nuoc-ngoai.html, ngày 6-5-2020
(5) Xem: Giải pháp tăng cường quản lý về đầu tư trực tiếp nước ngoài của Thành phố Hà Nội hiện nay, Tlđd, ngày 26-4-2020
(6) Xem: Hà Nội thu hút hơn 5 tỷ USD vốn ODA trong 5 tháng đầu năm 2017, https://hanoi.gov.vn/hn-2018-hop-tac-dau-tu-va-phat-trien/-/hn/u9JbFInBfkaX/112401/2798106/ha-noi-thu-hut-hon-5-ty-usd-von-oda-trong-5-thang-au-nam-2017.html;jsessionid=iEQ0+dyG2qWqaYeDvm93KvgX.app2
Để góp phần mở rộng hơn nữa quan hệ kinh tế đối ngoại của ngành du lịch Hà Nội trong bối cảnh hội nhập quốc tế  (18/11/2020)
Quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại của thành phố Hà Nội hiện nay  (06/11/2020)
Gắn kết du lịch Hà Nội với xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo  (05/11/2020)
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Thống nhất nhận thức và hành động, tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế
- Kỳ họp thứ 53 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hưng Yên
- Thành ủy Hải Phòng và Tạp chí Cộng sản ký kết Chương trình phối hợp nghiên cứu, tuyên truyền về xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn với con người xã hội chủ nghĩa tại thành phố Hải Phòng
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Sắp xếp để vốn nhà nước được quản lý và phát triển tốt nhất
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm