Tỉnh Nam Định: 60 năm quán triệt và vận dụng linh hoạt, sáng tạo lời dạy của Bác
TCCS - Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V (tháng 5-1963), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời huấn thị: “… Nam Định là một tỉnh ruộng đất phì nhiêu, tài nguyên phong phú, nhân dân cần cù, có nhiều khả năng trở thành một tỉnh thật giàu có. Đồng bào tỉnh Nam Định có truyền thống đoàn kết và đấu tranh anh dũng. Trong thời kỳ kháng chiến, tỉnh Nam Định đã lập nhiều chiến công vẻ vang… Bác tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân và cán bộ Nam Định sẽ thu được nhiều thắng lợi rực rỡ”. Thực hiện lời dạy của Bác, những năm qua, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Nam Định không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Là tỉnh vinh dự 5 lần được đón Bác về thăm
Nam Định là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống văn hiến, cách mạng, với hào khí Đông A. Trên mảnh đất này đã sản sinh ra những nhân vật lịch sử mà sự nghiệp của họ đã đi vào huyền thoại với những sự kỳ tích chẳng những bao trùm lên toàn bộ vùng đất Nam Định thời Lý mà còn là hiện tượng mang tầm vóc quốc gia. Trải qua lịch sử 762 năm xây dựng và phát triển, vùng đất Thiên Trường - Nam Định đã xây đắp, gìn giữ và lưu truyền những giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa đậm đà, hun đúc nên truyền thống đoàn kết, anh hùng, bất khuất trong đấu tranh cách mạng, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, cùng ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển, vươn lên mãnh mẽ.
Trong các năm (1946, 1957, 1958, 1959, 1963), Bác Hồ đã 5 lần về thăm tỉnh Nam Định. Người đã để lại trong lòng cán bộ, các tầng lớp nhân dân Nam Định nhiều thế hệ những kỷ niệm sâu sắc. Bác đã gặp và nói chuyện thân mật với tập thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tỉnh Nam Định; khen ngợi tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trên các lĩnh vực; biểu dương tinh thần dũng cảm và khí thế cách mạng sục sôi của nhân dân; theo dõi từng bước trưởng thành của Đảng bộ tỉnh, định hướng phát triển phong trào cách mạng của nhân dân. Đặc biệt, ngày 21-5-1963, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V, Bác Hồ đã có lời huấn thị đối với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định. Trong lời huấn thị của Người, Bác đã chỉ ra nhiều vấn đề sâu sắc và toàn diện, trên nhiều lĩnh vực. Những chỉ dẫn của Bác không chỉ có giá trị thời sự tại thời điểm lúc bấy giờ mà đến nay những chỉ dẫn đó vẫn là ánh sáng soi đường, chỉ lối, nhắc nhở, động viên cán bộ, đảng viên và quân, dân tỉnh Nam Định phát huy truyền thống, quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh.
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V, Người đã chỉ ra những kết quả đạt được của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định trên các lĩnh vực. Đồng thời, Người cũng đề ra những nhiệm vụ cần phải triển khai thực hiện. Cụ thể:
Đối với lĩnh vực kinh tế, cần chú trọng xây dựng và phát triển mô hình hợp tác xã, làm thủy lợi; quan tâm đến cải tiến kỹ thuật canh tác, công cụ lao động và công tác quản lý; nâng cao trách nhiệm quản lý kinh tế tài chính; chống tham ô, lãng phí, quan liêu; phát huy cao độ nguồn lực từ nhân dân phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Người cũng chỉ ra giao thông của tỉnh Nam Định còn phát triển chưa toàn diện, cần phải có những kế hoạch để xây dựng và phát triển giao thông đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội và các lĩnh vực khác, Người nhắc nhở Đảng bộ tỉnh Nam Định cần quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục chính trị và đạo đức cách mạng cho học sinh, bởi đây là những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và đào tạo những con người xã hội chủ nghĩa. Nam Định là tỉnh có số lượng đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo rất lớn, vì thế cần phải thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết những người có đạo và không có đạo, đoàn kết lương - giáo để tạo sự đồng thuận, sức mạnh to lớn trong nhân dân thực hiện hiệu quả các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, cần tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, phải “thật thà tự phê bình và phê bình”, thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Đồng thời, đổi mới sinh hoạt chi bộ để xây dựng chi bộ ngày càng vững mạnh, chú trọng đến công tác giáo dục đảng viên. Đặc biệt, Người căn dặn, phải thật sự đoàn kết trong Tỉnh ủy, bởi đây là hạt nhân lãnh đạo, nếu trong Tỉnh ủy mà kém đoàn kết thì không thể đoàn kết được đảng viên và nhân dân và như vậy sẽ không thể huy động được sức mạnh tổng hợp từ quần chúng nhân dân, không thể thực hiện được mục tiêu cách mạng đề ra.
Thực hiện lời Bác dạy, xây dựng tỉnh Nam Định ngày càng giàu đẹp
Hiện nay, Nam Định là tỉnh luôn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thường xuyên được nâng lên; bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới. Tổng sản phẩm GRDP trong những năm gần đây tăng bình quân khoảng 7,5%/năm, nhất là năm 2022 tăng 9,07% cao nhất từ trước đến nay. Cơ cấu kinh tế từng bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản (năm 2022: Công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 80,61%; nông, lâm nghiệp và thủy sản 19,39%). Quy mô nền kinh tế được mở rộng, năm 2022: GRDP (giá hiện hành) đạt gần 92,0 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách từ kinh tế địa phương đạt gần 8.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 16,5% so với năm 2021; tổng giá trị hàng xuất khẩu vượt mốc 3 tỷ USD...
Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Nam Định là tỉnh “về đích” khá sớm khi đến giữa năm 2019, 100% số xã trong tỉnh đã đạt chuẩn. Năm 2019, Nam Định là tỉnh đầu tiên trở thành “tỉnh nông thôn mới”, về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và sớm hơn 1,5 năm so với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển toàn diện, đạt được nhiều thành tựu mới. Giáo dục và đào tạo duy trì thành tích 28 năm liên tục nằm trong tốp dẫn đầu cả nước, trong 8 năm thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì có 6 năm đứng thứ nhất, 2 năm đứng thứ hai về điểm trung bình các môn thi. An sinh xã hội được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện thường xuyên và nền nếp. Số lượng đảng viên chiếm trên 6% dân số Nam Định. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 89,4%; đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 87,85%.
Bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, với phương châm: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định mục tiêu tổng quát là: “Tập trung xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục khơi dậy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để xây dựng tỉnh Nam Định phát triển nhanh và bền vững... Phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước”(1).
Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân tỉnh Nam Định quyết tâm đổi mới, vươn lên, phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 30- NQ/TW, ngày 23-11-2022, của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Thứ hai, tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và tổ chức quản lý, thực hiện tốt các loại quy hoạch; tập trung đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý và thực hiện quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tập trung triển khai thực hiện tốt các quy hoạch: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng; Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông đến năm 2040...
Thứ ba, thực hiện tốt việc khai thác, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đa dạng hóa các nguồn lực và hình thức đầu tư. Ưu tiên bố trí nguồn lực cho các công trình trọng điểm, động lực, có tính chiến lược lâu dài, góp phần thúc đẩy xúc tiến thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng, trong đó tập trung hoàn thành các dự án đầu tư trọng điểm. Chú trọng đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội để phục vụ nâng cao đời sống nhân dân.
Thứ tư, đẩy mạnh chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển các ngành, lĩnh vực theo hướng hiện đại, xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Từng bước chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại”, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ứng dụng nền tảng số, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó tập trung phát triển, tăng tỷ trọng sản phẩm các ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại, như cơ khí chế tạo, sản xuất thiết bị máy móc, lắp ráp ô tô, linh kiện điện tử, thuốc chữa bệnh, chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng,… và một số ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh. Phát triển các khu, cụm công nghiệp gắn với không gian công nghiệp của cả nước, vùng đồng bằng sông Hồng, các tuyến hành lang, vành đai kinh tế và các vùng kinh tế trọng điểm.
Phát triển các ngành dịch vụ, thương mại, du lịch theo hướng đa dạng, văn minh, hiện đại. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh doanh thương mại, dịch vụ hiện đại trên địa bàn toàn tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thông tin thị trường; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng và quảng bá thương hiệu, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, tận dụng tốt các cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP). Tăng cường công tác quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, gian lận thương mại; bảo đảm ổn định và lành mạnh hóa thị trường.
Thứ năm, tập trung xây dựng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm. Tập trung xây dựng, phát triển thành phố Nam Định theo Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 18-6-2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Hoàn thành việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định trước năm 2025 theo Quy hoạch được phê duyệt. Phát triển đặc trưng và bản sắc của thành phố Nam Định, như khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Trần, chùa Phổ Minh… Hoàn thành một số dự án, công trình có tính điểm nhấn về hạ tầng, kiến trúc cảnh quan trên địa bàn thành phố. Đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển. Tập trung triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 18-6-2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực phục vụ phát triển kết cấu hạ tầng vùng kinh tế biển. Xây dựng, hình thành Khu kinh tế Ninh Cơ là trung tâm giao thương về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và cảng biển; khu kinh tế ven biển huyện Nghĩa Hưng là trung tâm sản xuất đồng bộ từ sợi, dệt, nhuộm, may mặc và thời trang.... Xây dựng, phát triển các đô thị ven biển, như Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông,... theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch biển, nghỉ dưỡng...
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số, tạo môi trường thuận lợi để xúc tiến và thu hút đầu tư. Xây dựng và phát triển các hệ thống nền tảng chính quyền điện tử gắn với xây dựng đô thị thông minh, hướng tới xây dựng chính quyền số và chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững thành tích là tỉnh nằm trong tốp dẫn đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục. Bảo đảm tốt công tác y tế, khám, chữa bệnh cho nhân dân và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Thứ bảy, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai. Quản lý chặt chẽ và khai thác có hiệu quả các loại tài nguyên, khoáng sản, nhất là đất đai và khoáng sản cát. Nâng cao chất lượng xây dựng và triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Củng cố vững chắc quốc phòng, chủ quyền, an ninh khu vực biên giới biển của tỉnh; tiếp tục quán triệt thực hiện quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Bảo đảm tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để các nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh./.
----------------
(1) Xem: Kết quả Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Nam Định, http://tinhuynamdinh.vn/tin-trong-tinh/ket-qua-dai-hoi-dai-bieu-dang-bo-tinh-nam-dinh-lan-thu-xx-nhiem-ky-2020-2025-286033
Nam Định đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới sau 60 năm thực hiện lời dạy của Bác  (25/05/2023)
Sức lan tỏa của Cuộc thi “Bác Hồ với Nam Định, Nam Định với Bác Hồ”  (22/05/2023)
Thực hiện lời Bác dạy, Nam Định tiếp tục phát huy ý chí tự cường và khát vọng vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp*  (22/05/2023)
Nam Định tự hào 5 lần được đón Bác về thăm  (21/05/2023)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay