Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tham gia giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên
TCCS - Với vai trò là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, thành viên hệ thống chính trị, thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã phát huy hiệu quả vai trò trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng bộ, chính quyền tỉnh trong sạch, vững mạnh.
Về hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Kế hoạch số 537/KH-MTTW-BTT, ngày 18-4-2018, thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 3-10-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 2-2-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, “Về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.
Theo đó, Quy định số 124-QĐ/TW quy định việc giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát, qua đó góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Quy định số 124-QĐ/TW yêu cầu, cần bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội; có sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội với các cơ quan, tổ chức có liên quan, không làm cản trở hoặc ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của tổ chức, cá nhân, gia đình người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; trên tinh thần xây dựng, bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch, tránh nể nang, né tránh hoặc để bị lợi dụng.
Để triển khai các quy định của Đảng về giám sát cán bộ, đảng viên, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành Thông tri số 10/TT-MTTW-BTT, ngày 22-9-2020 hướng dẫn ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực hiện giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ. Thông tri số 10/TT-MTTW-BTT hướng dẫn cụ thể về đối tượng và phạm vi, nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.
Một trong những nội dung giám sát được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chú trọng triển khai thực hiện ở cơ sở là công tác giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú, trong đó có giám sát cán bộ, công chức giữ chức vụ chủ chốt của chính quyền cơ sở. Xác định giám sát cán bộ, công chức giữ chức vụ chủ chốt của chính quyền cơ sở là một nhiệm vụ quan trọng, mới và khó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực, chủ động, phát huy vai trò, trách nhiệm trong quá trình thực hiện.
Nguyên tắc của hoạt động giám sát
Trong quá trình hoạt động giám sát phải tuân theo các nguyên tắc: Bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy, phù hợp với Hiến pháp và pháp luật, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bảo đảm phát huy dân chủ, sự tham gia của nhân dân, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cơ sở; phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; không chồng chéo, quá trình hoạt động không làm trở ngại các hoạt động của chính quyền, tổ chức, cá nhân ở cơ sở được giám sát.
Trước khi giám sát phải tập hợp được ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân về lĩnh vực giám sát; tập hợp ý kiến, kiến nghị của các thành viên của Mặt trận, cá nhân tiêu biểu có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng dân cư ở địa phương, người có uy tín. Bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, kiến nghị giám sát của ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không mang tính mệnh lệnh, bắt buộc, không có chế tài, mà chỉ mang tính chất kiến nghị, đề xuất để các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền xem xét, tiếp thu và trả lời kiến nghị sau giám sát của ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Nội dung hoạt động giám sát cán bộ, đảng viên của chính quyền cơ sở của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức giữ chức vụ chủ chốt ở chính quyền cơ sở. Công tác giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức giữ chức vụ chủ chốt ở chính quyền cơ sở chú trọng vào giám sát tính gương mẫu, việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; chống phô trương hình thức; đảng viên cần có thái độ khiêm tốn, trung thực, dũng cảm, kỷ luật, tự giác, đoàn kết, thống nhất.
Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) giám sát thông qua theo dõi, phát hiện sớm các biểu hiện, hành vi có dấu hiệu “suy thoái”, tham nhũng, lãng phí; sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội; sống ích kỷ, thực dụng, vụ lợi, lo vun vén cá nhân, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc, lợi ích chính đáng của nhân dân bị xâm phạm...
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện giám sát cán bộ, công chức giữ chức vụ chủ chốt ở chính quyền cơ sở về gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân; tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân trên địa bàn dân cư thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương nơi cư trú. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, đảng viên về ý thức tham gia và vận động các thành viên trong gia đình tham gia các phong trào thi đua do địa phương phát động, xây dựng mối quan hệ gắn bó đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Công tác giám sát cán bộ, đảng viên đã phát huy vai trò của MTTQ ở khu dân cư, đồng thời giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự ý thức tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương, nêu gương cho nhân dân học tập và noi theo. Thực tiễn công tác giám sát, theo dõi cho thấy, đa số cán bộ, đảng viên chấp hành tốt chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương nơi cư trú. Nhiều đảng viên còn làm tốt việc cùng với cấp ủy, chi bộ vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng công trình công cộng; gương mẫu, đi đầu thực hiện các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, tích cực đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Vì người nghèo”, ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh… Tuy nhiên, còn có cán bộ, công chức chủ chốt ở chính quyền cơ sở chưa gương mẫu đi đầu tham gia các phong trào của địa phương, việc thực hiện trách nhiệm của đảng viên còn “mờ nhạt”, chưa thực sự gần gũi với nhân dân.
Giám sát về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, công chức giữ chức vụ chủ chốt ở chính quyền cơ sở. Nội dung về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã được nêu trong một số quy định như: Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7-6-2012, của Ban Bí thư, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, trong đó cần tập trung vào 7 nội dung nêu gương: tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình, phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật; đoàn kết nội bộ. Còn có Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19-12-2016, của Bộ Chính trị, “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; trong đó cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương cần gương mẫu đi đầu thực hiện 8 nội dung được nêu tại Điều 2 và phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống 8 nội dung được nêu tại Điều 3 trong Quy định số 08-QĐi/TW.
Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 3-1-2014, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”; Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11-7-2023 của Bộ Chính trị, “Về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ” yêu cầu, mỗi cán bộ, công chức khi đứng trong hàng ngũ của Đảng đều phải chấp hành nghiêm túc các quy định, điều lệ của Đảng, có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, giữ gìn phẩm chất trong sáng, lối sống giản dị, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu trước nhân dân. Giám sát việc nêu gương về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, công chức giữ chức vụ chủ chốt của chính quyền cơ sở trước nhân dân là một trong những nội dung giám sát thường xuyên của MTTQ ở cơ sở. Việc phát hiện sớm những biểu hiện “tự suy thoái”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên để nhắc nhở kịp thời, giúp cho đảng viên tránh được những sai sót, vi phạm.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát trách nhiệm nêu gương của đảng viên tập trung vào các nội dung, như: có ý thức phục vụ nhân dân, giữ gìn mối quan hệ đoàn kết ở khu dân cư, gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân; tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân trên địa bàn dân cư thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương nơi cư trú; thực hiện quy ước, hương ước của khu dân cư, xóa bỏ hủ tục lạc hậu; thực hiện nếp sống văn minh, tránh lãng phí...
Nội dung giám sát cán bộ, đảng viên là người đứng đầu cần tập trung vào giám sát việc thực hiện trách nhiệm tiếp nhân dân, đối thoại trực tiếp, lắng nghe, nắm bắt ý kiến và phản ánh, kiến nghị của nhân dân. Việc giám sát của MTTQ thông qua giám sát thường xuyên, quá trình tìm hiểu, giao tiếp, thông qua các hội nghị, diễn đàn, tiếp xúc, trao đổi của cán bộ, đảng viên với nhân dân.
Hằng năm, ủy ban MTTQ ở cơ sở xây dựng kế hoạch giám sát với từng nội dung cụ thể, giao cho các ban công tác mặt trận giám sát tại tổ dân phố. Việc giám sát được thực hiện theo hình thức tổ chức hội nghị hoặc qua nhận xét, đánh giá hàng năm của MTTQ và các tổ chức đoàn thể ở địa phương.
Việc giám sát nêu gương của cán bộ, đảng viên được ban công tác mặt trận thực hiện nghiêm túc, mỗi thành viên được giao nhiệm vụ giám sát từng nhóm đảng viên với những nội dung cụ thể, như: giám sát việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giám sát trách nhiệm của đảng viên, việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện quy định của xã, phường, tổ dân phố; tham gia các phong trào, cuộc vận động do địa phương phát động…
Giám sát việc giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân ở nơi cư trú. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đang công tác là thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú được quy định tại Điều 2, Quy định số 213-QĐ/TW, ngày 2-1-2020, của Bộ Chính trị, “Về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú”. Theo đó, người cán bộ, đảng viên nêu gương về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và vai trò tiền phong, gương mẫu trước nhân dân nơi cư trú. Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân; tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân trên địa bàn dân cư thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương nơi cư trú.
Đảng viên tham gia đầy đủ, nghiêm túc các cuộc họp định kỳ và tích cực tham gia các cuộc họp khác do cấp ủy nơi cư trú triệu tập. Tích cực tham gia góp ý kiến với chi ủy, chi bộ, đảng ủy cơ sở nơi cư trú về các công việc chung của địa phương, nhất là những vấn đề bức xúc ở thôn, bản, tổ dân phố. Tham gia các cuộc họp của nhân dân nơi cư trú; thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, trưởng thôn, bản, tổ trưởng dân phố, ban công tác mặt trận nơi cư trú để nắm bắt tình hình nhân dân; phản ánh những ý kiến của nhân dân tới cơ quan có thẩm quyền.
Đảng viên tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ở cơ sở, giám sát cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và thực hiện trách nhiệm nêu gương. Tham gia và vận động các thành viên trong gia đình tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua do địa phương phát động. Vận động gia đình và người dân xây dựng mối quan hệ gắn bó đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ tại nơi cư trú với chi ủy nơi công tác vào dịp kiểm điểm, đánh giá đảng viên hằng năm. Kịp thời báo cáo với chi ủy nơi công tác và nơi cư trú khi chuyển sang nơi cư trú khác.
Thực tiễn hoạt động giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh
Việc xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh đã bám sát chương trình hành động, đồng thời linh hoạt điều chỉnh theo chủ đề năm công tác của tỉnh và tình hình thực tiễn, yêu cầu đặt ra. Công việc này được thực hiện đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2023, lần đầu tiên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiến hành giám sát việc thực hiện trách nhiệm và chương trình hành động của đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, thực hiện giám sát với 18 đại biểu HĐND tỉnh. Đoàn giám sát tiến hành thẩm định, xác minh, làm việc trực tiếp với cấp ủy của 17/18 cơ quan, đơn vị nơi đại biểu công tác, ban tiếp công dân và ủy ban MTTQ các địa phương; lấy ý kiến trực tiếp tại các chi bộ ở khu dân cư nơi đại biểu cư trú; tổ chức làm việc với các đại biểu được giám sát và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Trên cơ sở kết quả giám sát, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã báo cáo, kiến nghị đến Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; các đại biểu HĐND tỉnh; tổ đại biểu HĐND tỉnh tại các địa phương và ban thường trực ủy ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Trên cơ sở báo cáo và văn bản kiến nghị của MTTQ tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy đã có thông báo để chỉ đạo Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, các tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh, triển khai thực hiện và tiếp thu các ý kiến, kiến nghị.
Cũng trong năm 2023, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thực hiện 4 cuộc giám sát khác, chủ động phối hợp và tham gia cuộc giám sát của các cơ quan, đơn vị; các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh chủ trì, đã triển khai hoàn thành 8 cuộc giám sát. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã đã cụ thể hóa, chủ trì, phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan liên quan trên địa bàn triển khai thực hiện 462 hoạt động giám sát. Ban Thanh tra nhân dân đã tổ chức 371 cuộc giám sát, trong đó phát hiện 78 sai phạm; phối hợp giám sát 381 cuộc; ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức 799 cuộc giám sát, trong đó phát hiện 248 sai phạm.
Hoạt động giám sát đã quan tâm lựa chọn những vấn đề nhân dân đang quan tâm, bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân để xác định các hình thức giám sát phù hợp, giám sát theo kế hoạch và đột xuất. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong tỉnh đã thực hiện liên thông giữa tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách pháp luật với lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để giám sát kịp thời.
Đặc biệt, để công tác góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng hiệu quả, thực chất, MTTQ các cấp thường xuyên nắm bắt tình hình, tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên, nhân dân thông qua tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; thông qua đối thoại trực tiếp với nhân dân, chú trọng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới người dân; phát huy hiệu quả hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng.
Qua các kỳ tiếp xúc cử tri và qua nhiều kênh thông tin, MTTQ các cấp đã kịp thời tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân, để kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết kịp thời, dứt điểm, tạo sự đồng thuận, hạn chế khiếu nại, tố cáo kéo dài. Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận đơn thư của công dân, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét giải quyết; đồng thời, thực hiện giám sát, theo dõi, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn thư của công dân.
Đặc biệt, lần đầu tiên ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh tổ chức giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đại biểu dân cử. Từ năm 2021 đến hết năm 2023, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã giám sát 97 đồng chí là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu ủy ban nhân dân cấp huyện và các sở, ban, ngành của tỉnh; giám sát 1.342 đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, với các nội dung chủ yếu trong thực hiện trách nhiệm, quyền hạn, việc tu dưỡng đạo đức, lối sống bảo đảm khách quan, chính xác và thống nhất.
Nổi bật trong thời gian qua là Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã thành lập các đoàn đi giám sát một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đại biểu dân cử tại nơi làm việc và nơi cư trú trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã có 52 cán bộ chủ chốt của 16 sở, ngành được thực hiện giám sát tại nơi làm việc và nơi cư trú. Nội dung giám sát bao gồm: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành các văn bản của cấp ủy, chính quyền trong cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ để triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh; đồng thời, giám sát kết quả thực hiện việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, thực hiện đạo đức, văn hóa công vụ, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ; thực hiện nhiệm vụ của đảng viên về sinh hoạt chi bộ nơi công tác…
Theo đánh giá chung, việc tổ chức thực hiện giám sát cán bộ, đảng viên được triển khai bảo đảm đúng nguyên tắc, các quy định của pháp luật; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội. Việc giám sát cũng bảo đảm tính công khai, dân chủ, khách quan, minh bạch; nêu cao ý thức, trách nhiệm tự phê bình và phê bình của tổ chức, cá nhân trong quá trình giám sát; thông qua đó, đã phát huy hiệu quả vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng bộ và chính quyền tỉnh trong sạch, vững mạnh./.
Rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên - Nhân tố quan trọng bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng bộ thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh  (30/10/2024)
Tỉnh Quảng Ninh đi đầu trong xây dựng chính quyền điện tử  (30/10/2024)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm