Thí điểm nhất thể hóa và việc đổi mới hệ thống chính trị

TRẦN LƯU - QUỐC KHÁNH
Báo Sài Gòn Giải phóng
21:26, ngày 17-09-2019

Tác phẩm “Thí điểm nhất thể hóa và việc đổi mới hệ thống chính trị” của  tác giả Trần Lưu, Quốc Khánh, Báo Sài Gòn Giải phóng đoạt Giải A - Giải Búa liềm vàng lần thứ II – năm 2017.

Bài 1: Bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả

Tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị còn cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả; chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đó là nhận định nêu ra trong báo cáo tổng kết công tác năm 2016 của Ban Tổ chức Trung ương. 

Tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị còn cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả; chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đó là nhận định nêu ra trong báo cáo tổng kết công tác năm 2016 của Ban Tổ chức Trung ương. 

Muốn giảm nhưng lại tăng

Thực tế cho thấy, việc thực hiện Nghị quyết số 39 (ngày 17-4-2015) của Bộ Chính trị và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (ngày 20-11-2014) của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế đến nay vẫn chưa tạo ra chuyển biến về chất, chủ yếu mới chỉ về lượng với kết quả hết sức khiêm tốn.

Theo Ban Tổ chức Trung ương, sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 39, tổng biên chế cả nước đã tăng thêm hơn 11.000 người. Điều này có nghĩa là chủ trương tinh giản không hiệu quả. Lượng tinh giản biên chế chủ yếu áp dụng đối với người nghỉ hưu trước tuổi (chiếm 86,25%) chứ chưa chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm. Năm 2016, các cơ quan quản lý biên chế của Trung ương được giao là 3.725.559 người. Tuy nhiên tính đến ngày 30-10-2016, tổng số người hưởng lương, phụ cấp thực tế trong bộ máy của hệ thống chính trị là 3.734.302 người, vượt 8.743 người so với số được giao.

Hiện có 11 địa phương gồm: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao. Tính đến 30-11-2016, các bộ, ngành, địa phương ký lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp là 19.900 người. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố tính đến tháng 12-2016 là 1.193.162 người. Tổng quỹ lương của cán bộ, công chức cấp xã và thực hiện khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố là 32.404,788 tỷ đồng/năm.

Báo cáo tổng kết công tác năm 2016 của Ban Tổ chức Trung ương khẳng định: “Vẫn chưa khắc phục được tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị; chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chưa đạt được mục tiêu đề ra”. Bộ máy cồng kềnh không chỉ kém hiệu quả trong điều hành công việc của nhiều cấp, nhất là ở các địa phương mà còn gây bức xúc trong dư luận, người dân bất bình. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho biết: “Nhân dân hiện bức xúc, oán thán về chi tiêu cho bộ máy công chức thì nhiều mà hoạt động còn kém hiệu lực, hiệu quả”. Theo đồng chí Phạm Minh Chính, Đảng ta đã nhận ra điều này, khẳng định những mặt yếu kém rất thẳng thắn, trực diện. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII này, Đảng đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có 2 nhiệm vụ lớn, một là tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hai là xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Trước đó, trong nhiệm kỳ XI, Bộ Chính trị cũng ra Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế gắn với việc cơ cấu lại hệ thống công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Hiện nay, chúng ta đang quyết liệt thực hiện vấn đề này và bước đầu đã có kết quả ở một số địa phương. 

Phải đổi mới hệ thống chính trị

Biên chế không giảm, đội ngũ công viên chức hưởng lương và phụ cấp ngày càng tăng đã tạo ra áp lực lớn đến ngân sách nhà nước, không có điều kiện để tăng lương. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang thẳng thắn cho rằng, bộ máy hiện nay quá cồng kềnh. Nhiều cơ quan khối Đảng, Nhà nước trùng lắp nhiệm vụ, nhiều cơ quan mưu có chức năng giống nhau, như: giữa Sở Nội vụ với Ban Tổ chức tỉnh; giữa Thanh tra với Ủy ban Kiểm tra tỉnh; giữa Mặt trận Tổ quốc với Ban Dân vận tỉnh… Vì vậy, đề nghị Ban Tổ chức Trung ương sớm tham mưu cho Bộ Chính trị thống nhất về việc nhất thể hóa các chức danh thuộc cơ quan Đảng, chính quyền để làm sớm và có hướng dẫn cụ thể. Nên nghiên cứu thí điểm một số địa phương có điều kiện, để đồng chí Bí thư cấp ủy đảm nhiệm chức Chủ tịch UBND, nhằm tạo ra sự thống nhất, giải quyết nhanh nhạy mọi công việc, qua đó tăng cường năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng với chính quyền. Đồng chí Hoàng Đăng Quang cũng cho biết, thời gian qua do việc phân cấp không thống nhất, chồng chéo, một số bộ ngành Trung ương bổ nhiệm cán bộ sở, ngành ở địa phương nhưng không thông qua ý kiến địa phương, gây bức xúc dư luận.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, tinh giản biên chế phải kết hợp với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức một cách hợp lý. Nhưng, hiện nay hầu hết các cơ quan, đơn vị vẫn chỉ giảm một cách cơ học là 10% mà chưa chú ý cơ cấu lại đội ngũ công chức. “Chúng ta tính toán lại cơ cấu để thay đổi bộ máy, thay đổi lại đội ngũ công chức, viên chức để nâng chất lượng. Đây là vấn đề quan trọng. Nếu không cơ cấu lại tổ chức, đội ngũ công chức, viên chức thì không thực hiện tinh giản biên chế. Việc mô tả vị trí theo cơ cấu của công chức, viên chức, vấn đề đó là quan trọng nhất”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết.

Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương cần chỉ đạo quyết liệt, có đề án cụ thể về đổi mới hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Trong đó có những giải pháp như nhất thể hóa một số mô hình của cấp ủy Đảng với Nhà nước. Ví dụ như đồng chí Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy kiêm luôn Giám đốc Sở Nội vụ; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiêm luôn Chánh Thanh tra; một số chức danh khác như Trưởng ban Tuyên giáo kiêm luôn Giám đốc Sở TT-TT; Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc kiêm Trưởng ban Dân vận… Những chức danh này có vị trí, chức năng nhiệm vụ khá tương đồng với nhau thì nên hợp nhất lại. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành có nhiệm vụ gần giống nhau cũng nên sáp nhập, như giữa Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT, giữa Bộ Xây dựng và Bộ GTVT. Qua đó vừa giải quyết được vấn đề cán bộ, giảm biên chế và xây dựng bộ máy tinh gọn và hiệu quả hơn. Đây cũng là biện pháp nâng cao được trách nhiệm của người đứng đầu của cấp ủy, chính quyền, các cấp, ngành. 

Đồng chí Phạm Minh Chính cho biết, một trong những nhiệm vụ ưu tiên của ngành Tổ chức Xây dựng Đảng hiện nay là đẩy mạnh thực hiện “4 hóa” trong cải cách hành chính: “hạt nhân hóa lãnh đạo; chuẩn hóa các văn bản pháp quy; đơn giản hóa về thủ tục hành chính; tự động hóa về tổ chức thực hiện”. Đây được xem là những nội dung cơ bản để tiến hành tinh giản biên chế, cơ cấu lại hệ thống công chức, viên chức theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị. “Tiến hành tham mưu, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để một nhiệm vụ chỉ một cơ quan, một tổ chức đảm nhiệm, một tổ chức, một cơ quan có thể làm nhiều nhiệm vụ, một việc chỉ một người làm, một người làm nhiều việc; bổ sung các quy định, quy chế, hướng dẫn… bảo đảm đồng bộ, thống nhất, liên thông giữa hệ thống Đảng và hệ thống chính trị”, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh ./.


Bài 2: Một chức năng, một nhiệm vụ, chỉ một đơn vị thực hiện

Là tỉnh đầu tiên thực hiện thí điểm nhất thể hóa các chức danh đến cấp quận huyện, Đề án 25 của Quảng Ninh đã góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện.

Sau khi được Trung ương cho phép, Quảng Ninh đã thực hiện chủ trương nhất thể hóa các chức danh theo Đề án 25 và Nghị quyết số 19-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (ngày 3-3-2015) về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Là tỉnh đầu tiên thực hiện thí điểm nhất thể hóa các chức danh đến cấp quận huyện, Đề án 25 của Quảng Ninh đã góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện.

Quyết liệt nhất thể hóa

Đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, sau khi Trung ương cho phép, Quảng Ninh đã tiến hành nhất thể hóa chức danh ở một số địa phương. Đầu tiên là cấp phường xã, tiếp đó là cấp quận huyện. Đồng thời rà soát, tiến hành hợp nhất một số cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn chính quyền cùng cấp, có nhiệm vụ tương đồng.

Công việc này được tiến hành theo hướng, sử dụng cơ quan chuyên trách, tham mưu, giúp việc chung trụ sở, chung công việc, nhưng vẫn sử dụng 2 con dấu để đáp ứng yêu cầu công việc.

Đây là công việc phức tạp, nhưng Quảng Ninh quyết tâm làm được bởi sự đồng lòng của các cấp ủy và nhân dân ủng hộ. Tỉnh đã tiến hành rà soát lại bộ máy tổ chức và biên chế của từng cơ quan để sắp xếp lại, đào tạo và phân công nhiệm vụ phù hợp, đúng với cơ cấu ngạch bậc, vị trí việc làm hiện nay. Quan trọng hơn, xây dựng và ban hành quy chế vận hành, quy trình xử lý công việc để gắn kết các nhóm nhiệm vụ của các cơ quan có chức năng tương đồng. Tại Quảng Ninh, ở những huyện đã hợp nhất chức danh Bí thư và Chủ tịch UBND huyện, các huyện đó đã tiến hành hợp nhất tổ chức cấp ủy với phòng nội vụ, cơ quan ủy ban kiểm tra với thanh tra, văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND, UBND...

Công tác này đã giúp Quảng Ninh dễ dàng hơn trong quá trình thực hiện mục tiêu “một chức năng, một nhiệm vụ, trên một địa bàn, chỉ có một đơn vị thực hiện”, để tập trung hơn, có tính chuyên sâu hơn, tăng tính hiệu quả, sáng tạo và sự tự chủ cho các cơ quan, cũng như mỗi cán bộ!

Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh, đến tháng 6-2017, toàn tỉnh đã thực hiện kiêm nhiệm, nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu cấp ủy và chính quyền ở tất cả các địa phương trên địa bàn. Trong đó, thực hiện Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện tại 2 địa phương (Cô Tô, Tiên Yên); Bí thư đồng thời là Chủ tịch HĐND cấp huyện tại 7/14 địa phương; Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã ở 75/186 xã. Ở cơ sở, toàn tỉnh đã có 1.531/1.547 đảng viên đang làm trưởng thôn, bản, khu phố.

Sau kỳ đại hội chi bộ ở cơ sở xong, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến hết năm 2018 đạt 100% thôn, bản, khu phố thực hiện nhất thể hóa hai chức danh Bí thư chi bộ và trưởng thôn, bản, khu phố.

Đồng thời, nhất thể hóa các chức danh người đứng đầu các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp huyện như: Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ ở 10/14 địa phương (71,4%); Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra ở 9/14 địa phương (64%); Trưởng ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ ở 10/14 địa phương (71,4%); Trưởng (Phó) Ban tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị ở 13/14 địa phương (92,8%)... Đặc biệt, cùng với thực hiện nhất thể hóa các chức danh, tỉnh cũng đã thí điểm thành lập cơ quan tham mưu giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở 13/14 đơn vị cấp huyện; đã ban hành quy chế làm việc và thống nhất các hoạt động chung. 

Hiệu quả và những tâm tư

Tại thành phố Cẩm Phả, Phó Bí thư Thành ủy Đỗ Thị Bính cho biết, Cẩm Phả đã nhất thể hóa chức danh Bí thư Thành ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy cơ quan chính quyền thành phố, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra thành phố, Trưởng ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ, Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị. Ở cấp phường xã, Cẩm Phả hiện có 8 Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND và 5 Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND. 178/178 thôn, bản, khu phố hiện nay Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn, bản, khu phố. 

UBND phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả (tỉnh Quảng Ninh) thực hiện tinh gọn biên chế, tăng hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính trên địa bàn_Ảnh:  sggp.org.vn

Theo đồng chí Đỗ Thị Bính, khó khăn nhất trong quá trình “nhất thể hóa” là công tác cán bộ, phải tìm được người có năng lực và phẩm chất chính trị. Bởi không phải ai cũng làm việc kiêm nhiệm được. Đã có trường hợp Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường, nhưng sau một thời gian công tác, lãnh đạo thành phố Cẩm Phả buộc phải dừng, điều chỉnh không để trường hợp đó kiêm nhiệm nữa do không đáp ứng được yêu cầu công tác.

Trả lời phóng viên Báo SGGP, cơ chế nào để kiểm soát quyền lực và trách nhiệm các đồng chí Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường xã, đồng chí Đỗ Thị Bính thừa nhận, đây là vấn đề được dư luận quan tâm cũng như Ban Thường vụ Thành ủy trăn trở nhất và đó cũng là nguyên nhân mà Cẩm Phả mới chỉ có 5 đồng chí Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường xã. “Ngoài cơ quan chuyên môn như kiểm tra - thanh tra, thì công tác này còn được chúng tôi thực hiện qua hoạt động của HĐND, phản ánh của các tổ chức chính trị xã hội, qua tiếp xúc, lắng nghe tiếng nói của nhân dân. Công tác cán bộ đúng là rất khó, tìm được cán bộ để thực hiện kiêm nhiệm 2 chức danh chủ chốt càng khó. Tuy nhiên qua thực tế Cẩm Phả cho thấy, có cán bộ, có chuẩn bị tốt thì việc kiêm nhiệm làm được và làm tốt...” - đồng chí Đỗ Thị Bính chia sẻ.

Tại phường Quang Hanh (thành phố Cẩm Phả), Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Trương Văn Pha cho biết, trước khi thực hiện Đề án 25, phường có 24 cán bộ công chức và 17 người hoạt động không chuyên trách, số người hoạt động không chuyên trách ở các khu phố (có 17 khu) là hơn 500 người. Hiện nay, số cán bộ, công chức của phường giảm còn là 21 người, số người hoạt động không chuyên trách ở phường là 13 người và số hoạt động không chuyên trách ở khu phố còn 132 người. Đồng chí Trương Văn Pha cho biết, so với 2014, năm 2016, Quang Hanh đã tiết kiệm được 462 triệu đồng ngân sách chi trả lương, phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách ở khu phố.

Bí thư kiêm Chủ tịch xã Cộng Hòa (thành phố Cẩm Phả) Hà Văn Công cũng cho biết, sau khi thực hiện Đề án 25, xã Cộng Hòa mỗi năm đã tiết kiệm được khoảng 160 triệu đồng tiền ngân sách chi trả lương và phụ cấp cho cán bộ trên địa bàn. Hiện nay, xã có 18 cán bộ và 3 hợp đồng, so với định biên cấp xã (25 người) giảm được 4 người; 9/9 thôn, mỗi cán bộ đảm nhiệm 2-3 chức danh, qua đó giảm được 9 cán bộ thôn. Cả đồng chí Trương Văn Pha và đồng chí Hà Văn Công đều cho biết, khi thực hiện Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, các nhiệm vụ chính trị ở cơ sở được thực hiện đồng bộ, kịp thời hơn, tạo sự thống nhất giữa chủ trương của cấp ủy và với chương trình hành động của UBND. Quá đó, khắc phục được tư tưởng đùn đẩy trách nhiệm, mất đoàn kết giữa Bí thư và Chủ tịch UBND. Công tác nhất thể hóa cũng đã giảm được bộ máy, giảm biên chế, giảm được số lượng các cuộc họp giữa cấp ủy, UBND với khu phố, giảm được chi phí trả lương, tiết kiệm thời gian, chi phí tổ chức họp hành… phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính của Nhà nước.

Đồng chí Hà Văn Công chia sẻ, trước đây, ở xã Cộng Hòa, một gia đình nuôi được một đàn gà, sẽ có nhiều tổ chức (phụ nữ, đoàn thanh niên, khuyến nông, cựu chiến binh…) báo cáo, nhưng sau khi thực hiện Đề án 25 với việc nhất thể hóa một số chức danh, 1 cán bộ đảm nhiệm 2 - 3 chức danh, việc báo cáo đàn gà từ thôn lên xã chỉ còn 1 tổ chức. Từ xã báo lên huyện cũng chỉ còn 1 tổ chức. Điều đó thể hiện tính chính xác cũng như sự sâu sát của cán bộ đối với nhân dân. Mọi người khi làm việc với Chủ tịch UBND xã tức là cũng đang làm việc với Bí thư xã. Mọi thông tin được nắm bắt chính xác, cụ thể hơn.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu phố 3B (phường Quang Hanh) Vũ Đại Lương cũng đánh giá cao mô hình đó và khẳng định, mọi vấn đề, ý kiến của nhân dân giờ đều được tiếp nhận và xử lý nhanh hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, các đồng chí trên đều cho rằng, sau khi nhất thể hóa, công việc của mỗi cán bộ nhiều hơn, yêu cầu công tác đòi hỏi cao hơn, nhưng chính sách đãi ngộ, tiền lương vẫn còn thấp, chưa động viên được cán bộ.

Được biết các trường hợp Bí thư Chi bộ, kiêm trưởng thôn bản, khu phố ở Cẩm Phả hiện nay, tất cả tiền phụ cấp mỗi tháng chưa đến 2 triệu đồng. “Đề nghị Trung ương nghiên cứu ban hành hoặc sửa đổi các văn bản cần thiết, tạo khung pháp lý đầy đủ cho việc nhất thể hóa, để tạo sự đồng thuận trong bộ máy tổ chức khi thực hiện, đồng thời triển khai trong phạm vi cả nước. Trung ương cũng cần xem xét xây dựng, điều chỉnh lại chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực khuyến khích cán bộ cơ sở làm việc tốt trong mọi hoàn cảnh, phát huy hết năng lực” - đồng chí Trương Văn Pha kiến nghị ./.

 

Bài 3: Tinh gọn bộ máy để phục vụ dân tốt hơn

Mặc dù là tỉnh miền núi phía Bắc nghèo và khó khăn nhất cả nước nhưng trong hơn 2 năm trở lại đây, Hà Giang là một trong số ít những địa phương thực hiện quy định về số lượng, chức danh, một số chế độ chính sách đối với những hoạt động không chuyên ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã, thôn và tổ dân phố. 

Nói cách khác là Hà Giang đã và đang thực hiện nhất thể hóa chức danh, tinh giản biên chế tại cấp cơ sở theo tinh thần nghị quyết của Đảng về  “tinh giản tổ chức, bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động...” với những kết quả bước đầu đạt được rất rõ ràng và đáng để các địa phương khác xem xét tham khảo.

Cán bộ phải gần dân, đại diện cho dân

Là một trong những xã đầu tiên của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang được chọn làm điểm về việc thực hiện quy định về số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn và tổ dân phố, cho tới thời điểm này xã Trung Thành (huyện Vị Xuyên) đã hoàn thành việc tinh giản biên chế, nhất thể hóa chức danh cán bộ không chuyên trách ở cấp cơ sở.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lê Văn Đa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trung Thành, cho biết, trước đây toàn xã có tới 144 cán bộ không chuyên trách đảm nhiệm 12 chức danh (Bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận, Chữ thập đỏ, Phụ nữ, Người cao tuổi, Cựu chiến binh, Nông dân, Khuyến nông, Y tế thôn...) tại 12 thôn nên hoạt động không hiệu quả và chồng chéo, trong khi phụ cấp của những cán bộ đảm nhiệm từng chức danh rất thấp. Tuy nhiên, sau khi thực hiện việc tinh giản biên chế, nhất thể hóa chức danh, đến nay, từ 144 cán bộ không chuyên trách ở 12 thôn giảm xuống còn 84 người. Trong số này, hầu hết mỗi cán bộ không chuyên trách đảm nhận kiêm nhiệm thêm từ 2-3 chức danh như: Trưởng thôn kiêm Hội người cao tuổi, cựu chiến binh; Chi hội trưởng phụ nữ kiêm dân số, y tế thôn bản; Bí thư chi đoàn kiêm công an viên...

Qua việc tinh giản bộ máy tại cấp cơ sở đã giúp cho việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương được đồng bộ, linh hoạt, kịp thời hơn, cũng như góp phần thức đẩy phát triển đời sống, kinh tế xã hội của địa phương. Hơn nữa, do giảm các đầu mối ở cơ sở hoạt động theo hướng tinh gọn, tự quản, công khai, dân chủ nên đã bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các tổ chức chính trị - xã hội trong điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của thôn xóm, đồng thời người dân cũng giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên và cán bộ, góp phần kiểm soát được các hành vi tiêu cực.

Ghi nhận tại một cuộc họp của thôn Minh Thành, xã Trung Thành dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Mạnh Huỳnh (58 tuổi, Trưởng thôn) về tình hình kinh tế xã hội của thôn và chuẩn bị cho mùa thu hoạch nhãn và cam của địa phương đã diễn ra khá nhanh chóng nhưng rất hiệu quả với sự thống nhất cao của người dân. Bởi lẽ, ông Huỳnh ngoài vị trí Trưởng thôn còn kiêm nhiệm thêm chức danh khuyến nông, thú y và chủ nhiệm HTX sản xuất nông nghiệp nên mỗi khi trong thôn có cuộc họp, một mình vị trưởng thôn có thể truyền đạt tốt những thông tin, đường lối, chủ trương chính sách của địa phương trong các lĩnh vực mình phụ trách tới người dân, giảm bớt được sự rườm rà, phức tạp khi mỗi người phụ trách một lĩnh vực.

Chia sẻ với chúng tôi, Trưởng thôn Nguyễn Mạnh Huỳnh nói: Từ khi kiêm nhiệm thêm một số chức danh ở địa phương, phụ cấp có tăng thêm chút ít nhưng công việc rất bận rộn, đòi hỏi trách nhiệm cao hơn vì người dân địa phương đã tin tưởng vào mình. “Làm cán bộ thôn phải rất năng động, nhiệt tình phục vụ, giúp đỡ được cho người dân nếu không thì đừng làm, đừng để phụ lòng sự tin tưởng của bà con...”- ông Huỳnh tâm sự.

Trong khi đó, anh Trần Văn Hà (52 tuổi), một người dân ở thôn Minh Thành chia sẻ: Trước khi xã tiến hành gộp một số chức danh của cán bộ trong thôn, người dân trong thôn được họp bàn trao đổi công khai, dân chủ để chọn ra được người đại diện. Bà con thấy các cán bộ kiêm nhiệm rất vất vả nhưng họ không quản ngại, nhiệt tình chia sẻ, giúp đỡ và động viên chúng tôi nên đời sống, kinh tế của nhiều hộ trong thôn khấm khá, ổn định hơn. 

Tất cả vì hiệu quả công việc

Sau khi thực hiện thí điểm quy định về số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp cơ sở tại 9 xã, thị trấn và 122 thôn, tổ dân phố thuộc 3 huyện Vị Xuyên, Xín Mần và Mèo Vạc trong năm 2015, tới cuối năm 2016, tỉnh Hà Giang đã có Nghị quyết số 60/2016/NQ-HĐND thực hiện triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Bùi Văn Tuân, Giám đốc Sở Nội vụ, kiêm Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang cho biết, tính tới cuối tháng 7-2017, sau hơn nửa năm thực hiện Nghị quyết số 60/2016/NQ-HĐND đã mang lại kết quả rất tích cực. Đối với cấp thôn, tổ dân phố vào điểm cuối năm 2016 (trước khi thực hiện nghị quyết), Hà Giang có tới 22.175 người hoạt động không chuyên trách thì sau khi triển khai thực hiện nghị quyết đến nay đã sắp xếp, tinh giản còn 13.562 người (giảm hơn 8.610 người). Hiện nay, mỗi thôn/tổ dân phố trung bình chỉ còn 6,5 người đảm nhiệm 12 chức danh so với trước đây là 12 người/12 chức danh.

Đáng chú ý, không chỉ thực hiện ở cấp thôn, xóm, tổ dân phố mà tại các xã, phường, thị trấn ở Hà Giang cũng đang quyết liệt triển khai bố trí, sắp xếp kiện toàn số người cán bộ hoạt động không chuyên trách, giúp giảm bình quân từ 6-7 người/đơn vị. Tại cấp xã, phường và thị trấn của Hà Giang từ chỗ có hơn 2.715 người hoạt động không chuyên trách tới nay đã giảm xuống còn 1.676 người chỉ trong vòng hơn nửa năm qua, trung bình còn 8,6 người/đơn vị.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho biết, nhờ quyết liệt tinh giản, sáp nhập các chức danh tương tự ở cấp cơ sở, năm 2016, tỉnh Hà Giang đã tiết kiệm cho ngân sách hơn 24 tỷ đồng.

Ông Triệu Tài Vinh cũng cho biết, bên cạnh xây dựng đề án nhất thể hóa một số chức danh có nhiệm vụ tương đồng, Hà Giang cũng đã có đề án sáp nhập các cơ quan có nhiệm vụ gần giống nhau ở cấp tỉnh, huyện. Tuy nhiên, Hà Giang cần sự chỉ đạo cụ thể, ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương để khi thực hiện, cấp dưới thực hiện thấy đúng, đủ chứ không phải là sự “vận dụng” của lãnh đạo tỉnh!

Chủ trương phải tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy nhưng khi bắt tay vào thực hiện không hề đơn giản vì đây là một công việc rất phức tạp và nhạy cảm liên quan trực tiếp tới công việc, vị trí mỗi cán bộ, đảng viên.

Ông Phan Anh Hùng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang cho biết: Khi triển khai thực hiện nhất thể hóa chức danh, tinh giản biên chế ở cấp cơ sở, chúng tôi không áp đặt một cách cứng nhắc, cơ học cho cơ sở là phải giảm bao nhiêu người, hay một cán bộ phải kiêm nhiệm thêm những chức danh nào trong thôn/xóm, xã/phường mà mỗi nơi có cách linh hoạt, mềm dẻo dựa vào thực tế để phù hợp tình hình địa phương và thực hiện hợp lý theo năng lực, sở trường từng cán bộ, nhằm bảo đảm đúng người đúng việc. Ví dụ như khi tiến hành nhất thể hóa, tinh giảm đầu mối, không thể ghép một cách cơ học một người giữ chức danh chính và kiêm nhiệm thêm 1-2 chức danh khác mà họ không hề có hiểu biết về lĩnh vực kiêm nhiệm, như: Bí thư Đoàn thanh niên phải là người đủ tuổi đoàn nhưng không thể kiêm nhiệm cựu chiến binh, hay người cao tuổi mà chỉ có thể kiêm nhiệm chức danh công an viên hay khuyến nông. Quan trọng hơn, khi có chủ trương, cấp ủy và chính quyền đã thông báo công khai tới từng chi bộ, thôn xóm, tổ dân phố để người dân biết, bàn bạc, góp ý và sau đó người dân tự thỏa thuận, thống nhất với nhau để bầu chọn dân chủ những người giữ chức danh và kiêm nhiệm ở địa phương nhằm tránh tình trạng lợi ích cục bộ, tranh giành, dẫn tới mâu thuẫn, mất đoàn kết ở địa phương. 

Đánh giá về việc thực hiện nhất thể hóa chức danh, tinh giản biên chế ở cấp cơ sở, ông Bùi Văn Tuân khẳng định, hiện nay về cơ bản, các chức danh hoạt động tại cơ sở được bố trí đúng người, đúng việc, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ của địa phương. Số lượng người đảm nhiệm các chức danh giảm mạnh, tinh gọn bộ máy, qua đó lồng ghép các nội dung công việc thuận lợi hơn, nâng cao được hiệu quả và trách nhiệm trong hoạt động của đội ngũ này. Hơn nữa, ngoài chức danh phụ trách chính, người hoạt động không chuyên trách cấp kiêm nhiệm thêm chức danh cũng có thêm phụ cấp dù không cao nhưng đã khuyến khích đội ngũ này nhiệt tình công tác, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ của địa phương, góp phần xây dựng Đảng và chính quyền vững mạnh ./.

 

Bài 4: Phải làm, không thể trì hoãn được nữa!

Đó là khẳng định của PGS-TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về vấn đề đổi mới và tổ chức lại bộ máy của hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay.

Chủ trương, đường lối của Đảng được triển khai rất nhanh

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về khái niệm “nhất thể hóa” trong bối cảnh hiện nay?

PGS-TS NGUYỄN VIẾT THÔNG: Hội nghị Trung ương 6 dự kiến họp vào tháng 10 tới sẽ tập trung bàn về một vấn đề hết sức quan trọng nhưng cũng rất nhạy cảm, đó là “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Thực chất, Đề án này là cụ thể hóa các quan điểm chủ trương Đại hội XII của Đảng đã khẳng định. Đó là phải nghiên cứu, thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan Đảng và Nhà nước tương đồng về chức năng nhiệm vụ. Qua tổng kết 30 năm đổi mới và qua các kỳ Đại hội Đảng gần đây đều thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm: đó là tổ chức bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, kém hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động. Đội ngũ công chức đông nhưng không mạnh. Do đó, nội dung của Hội nghị Trung ương 6 tới đây được dư luận nhân dân, cán bộ, đảng viên trông chờ, quan tâm. Chủ trương “nhất thể hóa một số chức danh” không phải lần đầu tiên đề cập mà đã nói tới từ các khóa trước. Tuy nhiên, chúng ta triển khai thực hiện vẫn còn hạn chế. Trong số các địa phương làm tốt hơn cả việc nhất thể hóa có tỉnh Quảng Ninh, nhưng không phải là sáng kiến của Quảng Ninh mà là địa phương này đã cụ thể và triển khai thực hiện quan điểm, nghị quyết của Đảng về việc thí điểm Bí thư cấp ủy, đồng thời Chủ tịch UBND cấp xã, huyện ở những nơi có điều kiện. 

Xin ông nói rõ hơn về vấn đề này, đâu là những cái “được” và “mất” trong quá trình thí điểm đó?

Qua lý luận và thực tế về việc nhất thế hóa chức danh Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã và huyện cho thấy chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống nhanh hơn. Trên thực tế nếu chưa nhất thể hóa chức danh Bí thư đồng thời Chủ tịch UBND cấp xã và huyện, ở một số nơi đã xảy ra việc nhiều chủ trương của Đảng ban hành, nhưng bên chính quyền không thực hiện hoặc triển khai rất chậm. Do đó, qua việc thí điểm và khảo sát của chúng tôi cho thấy nên làm việc “nhất thể hóa” vì khi Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã và huyện thì triển khai các công việc, chủ trương đường lối của Đảng rất nhanh. Đây chính là ưu điểm lớn nhất, quan trọng nhất, chứ không phải là mục đích bớt đi một biên chế. 

Tuy nhiên cũng có những băn khoăn khi Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND thì ai kiểm soát quyền lực các đồng chí đó? Nhiều ý kiến lo ngại rằng, một người mà giữ cả 2 chức vụ quan trọng dễ dẫn tới độc đoán, chuyên quyền và thực tế cũng đã xảy ra. Về mặt lý thuyết, cũng như quy định pháp luật cho thấy HĐND là cơ quan kiểm soát, ngoài ra còn vai trò giám sát của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân nhưng nhiều người vẫn nghĩ rằng vì Chủ tịch HĐND chỉ là Phó Bí thư nên khó có thể kiểm soát được Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND. Tuy nhiên, cũng có một số nơi mà chúng tôi khảo sát, nhiều ý kiến đã thẳng thắn cho biết là hoàn toàn kiểm soát được quyền lực khi nhất thể hóa vì khi làm việc với Bí thư, tôi với tư cách là Chủ tịch HĐND chứ không phải là Phó Bí thư ở cấp dưới.

Rất quan trọng và có ý nghĩa lớn

Có một thực tế là nhiều địa phương đã thực hiện thí điểm “nhất thể hóa” ở cấp xã và huyện rồi, nhưng sau đó lại xin thôi, trả lại nguyên trạng ban đầu?

Việc thực hiện chủ trương Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND ở một số nơi là tốt, nên làm, nhưng việc một số nơi triển khai thực hiện chủ trương này còn “chập chờn” do có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là, việc triển khai chủ trương này chưa đồng bộ; cần phải làm đồng bộ từ tỉnh trở xuống, Bí thư Tỉnh ủy phải đồng thời là Chủ tịch UBND tỉnh cho tới các cấp cơ sở, như vậy mới không chồng chéo. Thứ hai, một số người nói “chẳng dại gì tôi làm” vì vừa làm Bí thư, đồng thời là Chủ tịch UBND thì trách nhiệm rất nặng nề, trong khi lương không tăng được bao nhiêu; nếu được hưởng cao hơn thì làm. Hơn nữa, nhiều người cũng không hào hứng do làm thí điểm nên hàng loạt văn bản liên quan chưa rõ ràng, hoàn thiện và còn vướng mắc. Qua thực tế đó cho thấy và đòi hỏi Trung ương phải tổng kết thí điểm cụ thể, khách quan, để làm rõ cái được và chưa được để xây dựng phương hướng, chủ trương tiếp theo theo hướng nhân rộng ra trên toàn quốc và thực hiện từ cấp tỉnh, huyện, xã. 

Thực tế cho thấy, những người nào đã từng qua chức chủ tịch sau đó được bầu làm Bí thư và khi đồng thời là Chủ tịch thì mọi công việc thực hiện thuận lợi hơn. Còn với người chưa qua chức Chủ tịch mà làm Bí thư đồng thời là Chủ tịch thì khó khăn. Qua đó đặt ra vấn đề muốn làm được thì chúng ta phải chuẩn bị đội ngũ cán bộ, tức là phải thay đổi nội dung, chương trình của hệ thống đào tạo, từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho tới học viện các khu vực, các trường chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị. Nội dung đào tạo ở đây đương nhiên tập trung vào chuyên môn nghiệp vụ kết hợp với lý luận chính trị. Bởi lẽ lâu nay, chương trình đào tạo của chúng ta không đào tạo theo đúng chức danh. Gốc của mọi vấn đề vẫn là cán bộ, vì vậy họ phải được đào tạo tốt, qua thực tiễn thì mới làm được. Để nhất thể hóa được, vấn đề gốc rễ là phải đào tạo đội ngũ cán bộ đủ năng lực chuyên môn và phẩm chất chính trị. Đây là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay.

Ý kiến của ông như thế nào về việc hợp nhất các cơ quan Đảng và Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để giảm bớt sự chồng chéo, cồng kềnh hiện nay?

Một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng là thông qua tổ chức đảng và đảng viên. Tuy nhiên, hiện nay tổ chức bộ máy hệ thống chính trị của chúng ta còn cồng kềnh, chồng chéo, kém hiệu quả hoạt động nên Đảng mới đề ra chủ trương thực hiện việc hợp nhất cơ quan Đảng, Nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ. Vì thế, vấn đề ở đây là phải thay đổi về tư duy, cái gì có lợi cho dân thì nên triển khai làm, còn việc nào chưa hợp lý thì chúng ta sửa, kể cả sửa luật.

Một thực tế là hiện nay ở Quảng Ninh, cấp huyện trở xuống đã thực hiện hợp nhất một số cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn chính quyền cùng cấp, có nhiệm vụ tương đồng, thưa ông?

Trên thực tế, hiện chưa có văn bản thống nhất về việc hợp nhất các chức danh hay bộ máy. Ngay cả Điều lệ Đảng, cũng như những văn bản hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng, chúng ta chỉ quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của cấp ủy, Bí thư, Phó Bí thư như thế nào. Còn bên chính quyền có Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chưa có văn bản quy định rõ Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND có trách nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào. Vì vậy, nếu triển khai thực hiện đồng bộ vấn đề này, cần phải xây dựng văn bản quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND. Theo tôi, Hội nghị Trung ương 6 tới đây phải thiết kế xây dựng được mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ trên xuống dưới và phải làm tổng thể, chứ không phải chắp vá. Lộ trình từ nay tới năm 2020 làm gì và sau đó sẽ làm gì. Quan trọng nhất là phải chọn được ra người làm và vấn đề gốc là phải chuẩn bị được đội ngũ cán bộ, thay đổi tư duy cũ, đào tạo được đội ngũ cán bộ, chứ không thể đốt cháy giai đoạn được.

Việc thực hiện được nhất thể hóa có phải là sự đột phá trong đổi mới, xây dựng bộ máy chính quyền hiện nay?

Tôi cho rằng nếu thực hiện được là một đột phá rất quan trọng. Vấn đề này phải làm, không thể trì hoãn được nữa rồi. Đây là vấn đề rất quan trọng và có ý nghĩa lớn. Nhưng cần phải làm như thế nào, lộ trình ra sao để bảo đảm được ổn định tình hình đất nước và đất nước phát triển. Chứ nếu mà làm rối loạn thì rất phức tạp. Vì đây là việc có tác động, ảnh hưởng tới vấn đề con người và toàn xã hội, nếu chúng ta không làm cẩn thận, chặt chẽ thì rất dễ sinh ra lực lượng chống đối, xã hội bất ổn. Tuy nhiên thực tế đã chín muồi và chứng minh rằng chúng ta phải sắp xếp lại bộ máy từ Đảng tới Nhà nước, cho tới Mặt trận, đoàn thể một cách tổng thể, chứ không thực hiện đơn lẻ. Phải xây dựng được hệ thống từng cơ quan, từng bộ, ngành một. Kể cả sắp xếp theo từng vị trí việc làm trong các cơ quan cấp chiến lược ./.

Xin cảm ơn ông!