Xây dựng lực lượng chính trị trong các khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh
Những năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp xây dựng và phát triển tổ chức đảng và các tổ chức chính trị - xã hội (công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) trong các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN). Từ 3 đảng bộ tại 3 KCX, KCN năm 2010, đến nay phát triển lên 12 đảng bộ cơ sở. Hoạt động của tổ chức đảng và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số doanh nghiệp (DN) trong các KCX, KCN đã phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, lựa chọn một số nội dung bức bách trong sản xuất, kinh doanh của DN để đưa ra các giải pháp, sáng kiến mang lại giá trị và được chủ DN đánh giá cao. Qua đó, từng bước khẳng định chỗ đứng trong DN, trở thành lực lượng chính trị quan trọng, góp phần cùng chủ DN thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Loạt bài: “Xây dựng lực lượng chính trị trong các KCX, KCN ở TP. Hồ Chí Minh" của tác giả Phạm Hoài Nam, Báo Sài Gòn giải phóng- đoạt Giải C - Giải Búa liềm vàng lần thứ I - năm 2016.
Bài 1: Khẳng định chỗ đứng trong doanh nghiệp
“Chi bộ Đảng các ông hoạt động trong Công ty thì chúng tôi được gì, mất gì?”, ông Joon Tea Koo, Tổng Giám đốc Công ty N-TECH VINA (100% vốn Hàn Quốc tại KCN Tây Bắc Củ Chi), hỏi ngược lại anh Quách Kim Tài, một đảng viên làm việc tại Công ty - sau một hồi tranh luận khá gay gắt về chuyện thành lập chi bộ Đảng. Anh Tài quả quyết với người chủ DN: “Tôi cam đoan, ông và Công ty chỉ được chứ không mất gì”. “Được, tôi chấp nhận”, ông Joo Tea Koo trả lời…
Chỗ nào khó, có đảng viên
Lật giở từng trang biên bản họp chi bộ các năm từ 2015 trở về trước, anh Tài dừng lại khá lâu ở trang viết có tiêu đề “Biên bản họp chi bộ ngày 15-9-2013”, nói: “Đây là nghị quyết tiết kiệm. Nghị quyết mà chi bộ thực hiện cam kết với chủ DN ngay khi đi vào hoạt động”. Theo anh Tài, tình hình Công ty lúc đó gặp nhiều khó khăn từ tổ chức sản xuất, thiết kế sản phẩm, đến đội ngũ thợ… “Là Quản đốc phân xưởng và cũng là Bí thư chi bộ, tôi cùng 3 đảng viên trong bộ phận tiến hành khảo sát dây chuyền sản xuất và thấy có nhiều công đoạn bất hợp lý làm giảm năng suất. Sáng kiến đầu tiên được thực hiện tại dây chuyền quấn loa đã cắt giảm lao động từ 8 xuống còn 5, kéo các công đoạn phía sau giảm theo. Do bố trí thợ hợp lý, cộng với cải tiến một số công đoạn, nên dù giảm lao động nhưng năng suất vẫn tăng, và giữ ổn định 1 ca sản xuất đạt 20 ngàn sản phẩm, thay vì 13 đến 14 ngàn như trước…”. Sau “Nghị quyết tiết kiệm”, chi bộ đưa ra tiếp 3 nghị quyết và 2 kế hoạch hoạt động về an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo vệ tài sản Công ty, chăm lo bữa ăn miễn phí cho công nhân… cũng đạt kết quả cao và nhiều lần được Tổng Giám đốc Joo Tea Koo khen thưởng. Giờ thì, như anh Tài nói 16 đảng viên trong chi bộ phủ kín các bộ phận trong Công ty và tất cả đều đảm trách những công việc khó, phức tạp.
Ở Công ty Toàn Thắng (100% vốn Đài Loan - Trung Quốc, KCN Bình Chiểu), những năm 2012 về trước cũng gặp nhiều khó khăn về sản xuất, đặc biệt là năng suất lao động chỉ bằng 1/3 so với các DN khác. Anh Đinh Văn Giai, đảng viên, Quản lý Công ty được Tổng Giám đốc Wang Chen Ij mời lên hỏi ý kiến. “Ông có cách nào đưa năng suất lên?”. “Ông cho tôi 3 tháng”, anh Giai đáp. Lúc đó như anh Giai nói, Công ty chỉ có anh là đảng viên, để thực hiện cam kết này, anh đứng ra phát động trong toàn công ty phong trào thi đua đi vào 3 nội dung: Cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm nguyên liệu và tăng năng suất lao động. Kết quả, trong 3 tháng đã có 8 sáng kiến được ứng dụng vào sản xuất đưa năng suất tăng lên 30%, giảm 2% sản phẩm hỏng. Riêng anh Giai có 4 cải tiến được Liên đoàn Lao động thành phố công nhận, giới thiệu tham gia Giải thưởng Tôn Đức Thắng do Báo SGGP tổ chức. Thành công của lời hứa với chủ DN đã giúp anh Giai tập hợp được lực lượng quần chúng tích cực để bồi dưỡng, phát triển nguồn kết nạp. Cuối năm 2012, Chi bộ Công ty được thành lập với 3 đảng viên, nhưng nay đã phát triển thành 16; các tổ chức công đoàn, đoàn TNCS hoạt động đều tay, nhiều đảng viên, cán bộ đoàn thể là cán bộ quản lý, được chủ DN đánh giá cao.
Ở nhiều DN khác như: Công ty MTEX, Công ty JUKI (KCX Tân Thuận), Công ty TNHH Trường Lợi (KCN Bình Chiểu)… cũng lấy các nội dung về ổn định sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả DN làm nhiệm vụ chính trị cho đảng viên và tổ chức đảng. Trong đó, nổi bật là Công ty JUKI (100% vốn Nhật Bản) với Chi bộ có 23 đảng viên đều có chỗ đứng trong Công ty từ tổ trưởng, chuyền trưởng, đến quản lý, điều hành. Bí thư Chi bộ Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết: “Bất cứ hoạt động nào của Chi bộ đều phải gắn với thực tiễn DN. Trong đó, phong trào cải tiến (QC) phải đi đầu. Chi bộ thành lập nhóm QC gồm 5 đảng viên nghiên cứu cải tiến vòng chăn máy may của 3 phân xưởng với kết quả giảm 16kg nguyên liệu/ tháng, tiết kiệm 7.367 USD/ năm. Hay hoạt động cảnh báo tai nạn cũng được chi bộ chọn làm nhiệm vụ chính trị với mục tiêu mỗi đảng viên phải có ít nhất 1 cảnh báo/ tháng. Kết quả, mỗi năm chi bộ có gần 100 cảnh báo tai nạn có giá trị đưa vào ứng dụng, được chủ DN đánh giá cao…”.
Cầu nối giữa người lao động với chủ DN
Đến Công ty TNHH Trường Lợi (KCN Bình Chiểu), chúng tôi được Bí thư Chi bộ Đoàn Văn Vỹ dẫn đi tham quan các dây chuyền sản xuất và giới thiệu các chức danh điều hành sản xuất của Công ty đều do đảng viên đảm trách. Anh Vỹ nói: “Chi bộ có 23 đảng viên, thấp nhất là tổ trưởng, còn lại phần lớn là quản đốc phân xưởng, trưởng ca, trưởng phòng và tôi cao nhất là Quản lý”. Theo anh Vỹ, đã nhiều năm nay Chi bộ được chủ DN giao nhiệm vụ bồi dưỡng, giới thiệu nguồn nhân lực cho bộ máy quản lý. Do làm tốt công tác vận động, tập hợp quần chúng thông qua hoạt động của công đoàn và đoàn TNCS nên lúc nào chi bộ cũng có sẵn nguồn để phát triển đảng gắn với bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, tay nghề. “Khi có yêu cầu của một vị trí quản lý nào đó, chi bộ giới thiệu người là được chủ DN chấp nhận ngay. Nhiều vị trí trước khi quyết định bổ nhiệm, chủ DN lại xin ý kiến chi bộ, coi các đảng viên và chi bộ là nơi tin cậy để giao nhiệm vụ và chọn tìm người giỏi…”, anh Vỹ nói.
Còn ở Công ty MTEX (100% vốn Nhật Bản, KCX Tân Thuận), từ lúc thành lập chi bộ năm 2003 đến nay, vai trò của đảng viên và tổ chức Đảng được chủ DN đặt lên hàng đầu. Thông qua chi bộ và từng đảng viên, chủ DN nắm bắt nhanh nhất diễn biến tư tưởng, nguyện vọng, mong muốn của người lao động. Theo anh Nguyễn Xuân Thủy, Ủy viên Hội đồng thành viên, Quản lý, Bí thư Chi bộ Công ty, chính các hoạt động mang lại hiệu quả cho DN của đảng viên và chi bộ đã thuyết phục được chủ DN. Qua đó, tạo lòng tin của giới chủ đối với tổ chức Đảng và các đoàn thể, làm cho tập thể người lao động càng đoàn kết, gắn bó với DN.
Nhìn chung, hoạt động của tổ chức đảng tại các KCX, KCN bước đầu đã tạo sức lan tỏa trong tập thể công nhân lao động. Đảng ủy các KCX, KCN đã đẩy mạnh được công tác phát triển Đảng, thành lập được chi bộ Đảng ở nhiều DN. Một số tổ chức cơ sở đảng đã thực hiện được vai trò là hạt nhân chính trị tại DN và kịp thời giải quyết những vấn đề xảy ra ở cơ sở, góp phần ổn định quan hệ lao động. Vai trò tiên phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên, nhất là cấp ủy chi bộ đã được khẳng định, có uy tín và sức ảnh hưởng tại DN…
(Nguồn: Đảng ủy KCX và KCN TP. Hồ Chí Minh)
“Mô hình Chi bộ xây dựng lực lượng chính trị tại KCX, KCN qua thực tế hoạt động đã phát huy vai trò vận động, tập hợp, giới thiệu quần chúng tích cực cho Đảng bồi dưỡng, phát triển. Nhiều chi bộ chỉ 2, 3 năm đã nhân lên thành 2, 3 chi bộ với hàng chục đảng viên. Tuy nhiên, hoạt động của chi bộ không theo hệ thống quản lý của KCX, KCN, tách rời cơ chế quản lý, hoạt động của tổ chức công đoàn và đoàn TNCS ở DN, đã gây khó khăn trong công tác lãnh đạo nhiệm vụ chính trị và phát triển lực lượng chính trị…”.
(Nguyễn Thị Bích Hiền, Bí thư Chi bộ Xây dựng lực lượng chính trị KCN Bình Chiểu)
Bài 2: Xây dựng mô hình gắn với thực tế
Thực tế công tác xây dựng lực lượng chính trị trong các KCX, KCN ở TP. Hồ Chí Minh đặt ra phải có mô hình và phương thức hoạt động phù hợp với đặc thù của từng loại hình DN và đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng trong tình hình hiện nay và những năm tới…
Chi bộ xây dựng lực lượng chính trị
Từng nhiều năm là Bí thư Đảng ủy Các KCX - KCN TP.Hồ Chí Minh, ông Lâm Văn Tiếp hiểu khá rõ về công tác xây dựng lực lượng chính trị trong các KCX, KCN giai đoạn những năm 2010 về trước với nhiều khó khăn, trở ngại. Trong đó, như ông đề cập đến trong một báo cáo công tác Đảng, vấn đề lớn nhất của khu vực này là con người và phương thức vận động, tập hợp quần chúng ở một môi trường tập trung rất lớn công nhân, trong đó chiếm chủ yếu là thanh niên từ các vùng nông thôn trong cả nước đến sinh sống, làm việc. Hai vấn đề lớn này đã nhiều năm không đưa ra được biện pháp giải quyết hiệu quả, kéo theo tình trạng “trắng” đảng viên, tổ chức Đảng và “trắng” cả các tổ chức đoàn thể. Nhiều năm ở khu vực này không kết nạp được đảng viên và số lượng đảng viên cao nhất có năm chỉ 19 đảng viên…
“Cần phải thành lập chi bộ ở từng khu làm nòng cốt xây dựng Đảng”. Đó là đề xuất của Ban Thường vụ Đảng ủy Các KCX, KCN và nhanh chóng được Thành ủy TP. Hồ Chí Minh chấp thuận với tên gọi thống nhất là: “Chi bộ xây dựng lực lượng chính trị”. Phương thức hoạt động của chi bộ theo mô hình này thay vì tổ chức sinh hoạt đảng tại trụ sở Ban quản lý KCX, KCN, các Đảng ủy Ban quản lý KCX, KCN đã đưa các đảng viên chuyên trách công tác Đảng, Công đoàn, Đoàn TNCS về từng khu để thành lập chi bộ. Đầu tiên, có 4 chi bộ được thành lập tại KCX Tân Thuận, Linh Trung, KCN Tân Tạo, Tân Bình. Các chi bộ tập trung nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng số công nhân giỏi, cán bộ có năng lực để giới thiệu kết nạp Đảng. Bí thư Chi bộ xây dựng lực lượng chính trị 1 KCX Tân Thuận Nguyễn Tùng cho biết: Lúc mới thành lập chi bộ mang tên “Chi bộ DN KCX Tân Thuận”, nhưng hoạt động một thời gian thấy nhiều hạn chế như số lượng đảng viên đông, làm việc ở nhiều DN, sinh hoạt không theo giờ giấc. Sau đó chi bộ tách làm hai, được mang tên Chi bộ xây dựng lực lượng chính trị 1 và 2, theo đặc thù của từng ngành và từng cụm DN trong KCX. Việc tách này đã tập hợp được quần chúng tích cực ở các DN chỉ có 1, 2 đảng viên và sau đó nhân lên số lượng đảng viên đủ để tách ra thành lập chi bộ khác. Cứ thế, như anh Tùng nhẩm tính “cỗ máy cái” chi bộ ban đầu của KCX Tân Thuận cách nay hơn 8 năm đã nhân lên thành gần 10 chi bộ, đưa số lượng đảng viên của Đảng bộ KCX Tân Thuận từ 42 đảng viên và 3 chi bộ, nâng lên 28 chi bộ với 240 đảng viên.
Cũng với mô hình này, ở Đảng bộ KCN Tây Bắc Củ Chi, lúc mới thành lập chỉ có 3 chi bộ, trong đó có 2 chi bộ xây dựng lực lượng chính trị, phát triển lên 6 chi bộ với 137 đảng viên. Theo Bí thư Đảng ủy KCN Tây Bắc Củ Chi Hồ Thị Ngọc Nga, chỉ tiêu phát triển Đảng mỗi năm đưa ra từ 14 đến 16 đảng viên, nhưng năm nào cũng vượt. Nhiều nơi như tại Chi bộ Công ty TNHH Hansae Việt Nam, Chi bộ Công ty TNHH MTV Kido, Chi bộ Công ty N-TECH-VINA… hiện có hàng chục đảng viên. Những năm tới, ở các DN này sẽ tăng mạnh số lượng đảng viên, và nếu hoạt động theo mô hình và cơ cấu tổ chức như hiện nay sẽ không phù hợp.
Tổ chức đảng mạnh, đoàn thể phát triển
Đó là kinh nghiệm và bài học được rút ra từ thực tế công tác phát triển lực lượng chính trị trong các KCX, KCN ở TP. Hồ Chí Minh những năm qua. Theo Bí thư Chi bộ Công ty MTEX (Đảng bộ KCX Tân Thuận) - Nguyễn Xuân Thủy, hoạt động của tổ chức Đảng và các đoàn thể trong các DN đầu tư nước ngoài có những khó khăn từ nhiều phía. Trong đó tình trạng số đảng viên có trình độ tay nghề, có vị trí trong điều hành DN chuyển nơi làm việc hoặc nghỉ hưu là khá phổ biến và gây khó khăn cho hoạt động chung. Mặt khác, một số nơi chủ DN lo ngại khi có chi bộ sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất… Để khắc phục tình trạng này, nhiều chi bộ đã đặt nhiệm vụ chính trị của từng đảng viên và tổ chức Đảng là tham gia trực tiếp vào giải quyết các khó khăn của DN và xử lý tốt mối quan hệ hài hòa về lợi ích giữa chủ DN và người lao động. Trong công tác phát triển Đảng, Chi bộ chú trọng đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân giỏi nghề để bồi dưỡng kết nạp Đảng. Khi đội ngũ đảng viên tăng cả về lượng và chất thì vai trò của chi bộ được phát huy trong sản xuất kinh doanh, DN hoạt động hiệu quả, qua đó khẳng định uy tín của tổ chức Đảng với chủ DN.
Cũng với hướng đi này, như kinh nghiệm tại Chi bộ JUKI (KCX Tân Thuận) đã chọn nội dung tiết kiệm, luyện tay nghề thi thợ giỏi làm trọng tâm lãnh đạo Công đoàn và Đoàn TNCS thu hút người lao động tham gia. Hàng năm, Chi bộ phối hợp tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm về quy trình công nghệ, kỹ thuật thao tác tay nghề và hiến kế sáng tạo trong sản xuất. Bí thư Chi bộ Công ty JUKI Nguyễn Thị Mỹ Linh nói vui: “Cách làm này cũng như một mũi tên trúng 3 mục đích. Nhờ một số đảng viên là quản đốc, trưởng, phó các phòng ban nắm bắt tình hình sản xuất hàng tháng và nắm luôn cả “gu”, yêu cầu của chủ DN đang cần gì để đề ra nghị quyết và kế hoạch chỉ đạo công đoàn và đoàn TNCS vận động người lao động tham gia. Năm 2015, phong trào luyện thi tay nghề tại Công ty đạt kết quả khá tốt, đi thi thợ giỏi trong nước và quốc tế tại Nhật Bản đều đạt giải cao và được chủ DN khen thưởng. Kết quả này coi như cả ba cùng hưởng…”.
Ở Chi bộ Công ty TNHH Trường Lợi (KCN Bình Chiểu) có thuận lợi lớn là Bí thư chi bộ Đoàn Văn Vỹ vừa làm quản lý DN, trợ lý Tổng Giám đốc, anh còn kiêm luôn Chủ tịch Công đoàn nên coi như công tác Đảng và công tác Công đoàn là một. Anh Vỹ cho biết: “Ở Công ty Trường Lợi sở dĩ chủ DN đặt hết niềm tin và giao hầu hết trọng trách điều hành sản xuất cho đảng viên nắm giữ vì nhiệm vụ và hoạt động của 23 đảng viên và các đoàn thể đều hướng đến mục tiêu làm cho DN ổn định, phát triển, người lao động yên tâm, gắn bó với Công ty. Làm được điều đó, bao giờ cũng nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện của chủ DN. Minh chứng cho điều này, anh Vỹ giới thiệu với chúng tôi phòng sinh hoạt Đảng, đoàn thể được Công ty bố trí riêng ở nơi thuận tiện nhất được trang trí trang trọng từ bàn ghế, thiết bị âm thanh, sân khấu, phông, cờ, hoa, ảnh Bác… “Tất cả các sinh hoạt, hội họp của Chi bộ và các đoàn thể đều tổ chức tại đây. Lễ kết nạp Đảng nào cũng có đại diện chủ DN tham dự, tặng hoa, phát biểu chúc mừng, đã tạo không khí phấn khởi trong tập thể người lao động”, anh Vỹ nói.
“Ở Công ty Toàn Thắng, 90% vị trí lãnh đạo, điều hành sản xuất của DN đều được Tổng Giám đốc Wang Chen Ij tin tưởng giao cho đảng viên và cán bộ Công đoàn, Đoàn TNCS nắm giữ. Vị Tổng Giám đốc này luôn nói “Đảng, đoàn thể cũng là một thôi mà, vì tổ chức nào, cá nhân nào hoạt động cũng vì sự phát triển của DN”. Sự đánh giá xác thực này là kết quả công tác lãnh đạo của Chi bộ nhiều năm qua…”. (Đinh Văn Giai, Trợ lý Tổng Giám đốc, Bí thư Chi bộ, Chủ tịch Công đoàn Công ty Toàn Thắng - KCN Bình Chiểu).
Năm 2016 Đảng bộ phấn đấu kết nạp 160 đảng viên, trong đó tất cả các chi bộ trong DN trên 500 lao động phải có ít nhất 4 đảng viên (kể cả những DN đã có chi bộ), 20 DN trên 300 lao động có đảng viên; xóa chi bộ ghép đảng viên; thành lập Đoàn TNCS tại 6/26 DN trên 500 lao động và 8/35 DN từ 300 đến 500 lao động…
(Nguồn: Đảng ủy các KCX và KCN TP. Hồ Chí Minh)
Bài 3: Phủ kín đảng viên, tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp
Thực hiện giai đoạn 2 Đề án 01 về “Củng cố và phát triển lực lượng chính trị trong các KCX, KCN, KCNC TP. Hồ Chí Minh” (Đề án 01), đến năm 2020 Đảng ủy Các KCX, KCN TP. Hồ Chí Minh xác định mục tiêu thành lập 70 tổ chức cơ sở Đảng ở 100% DN có trên 500 lao động; kết nạp 650 đảng viên, thành lập tổ chức Công đoàn ở 100% DN và Đoàn TNCS ở 70% DN đủ điều kiện…
Mỗi đảng viên giới thiệu kết nạp 1 đảng viên
Tổng kết giai đoạn 1 (năm 2011 - 2015) thực hiện Đề án 01, Đảng ủy Các KCX, KCN TP. Hồ Chí Minh cho biết đã có 66/94 DN trên 500 lao động trở lên có tổ chức đảng (đạt tỷ lệ 70,21%); 28 DN còn lại đều đã có đảng viên. Mục tiêu mà Đề án 01 xác định đến năm 2020, số DN này và những DN mới phát sinh có 500 lao động trở lên tại các KCX, KCN của TP. Hồ Chí Minh thành lập được tổ chức đảng. Cũng nằm trong mục tiêu này, Đề án 01 còn hướng đến phải phát triển Đảng và thành lập tổ chức Đảng, các đoàn thể ở 70% số DN trong các KCX, KCN có từ 300 đến 500 lao động. Để thực hiện được mục tiêu khó khăn này theo Bí thư Đảng ủy Các KCX, KCN TP. Hồ Chí Minh Phạm Huy Thông cần có nhiều giải pháp gắn với thực tế phát triển các KCX, KCN ở TP. Hồ Chí Minh những năm tới. Trong đó, giải pháp về xây dựng nguồn lực, phát hiện, giáo dục, tập hợp những nhân tố mới, người lao động trẻ có trình độ chuyên môn, giỏi tay nghề, những người có uy tín, có vị trí quản lý, điều hành trong các DN để bồi dưỡng phát triển Đảng được đặt lên hàng đầu. Đây là kinh nghiệm và bài học thực tế rút ra được trong công tác xây dựng lực lượng chính trị mà nhiều cấp ủy đảng tại các KCX, KCN đặt ra thành giải pháp thực hiện trong giai đoạn 2 của Đề án 01. Cụ thể hóa giải pháp này tại cơ sở, theo Bí thư Đảng ủy KCN Tân Tạo Nguyễn Hoàng Tuấn cần có phương thức và cách tiếp cận với từng đối tượng quần chúng để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ, từ đó có biện pháp tuyên truyền, vận động họ đến với Đảng.
Một số nội dung giải pháp khác cũng được đảng ủy các KCX, KCN TP. Hồ Chí Minh tập trung chỉ đạo, hướng đến việc củng cố các tổ chức đảng đã được thành lập trong các DN; hình thành các mô hình hoạt động có hiệu quả của các chi bộ đảng theo từng loại hình DN; đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt thường xuyên của tổ chức đảng và đoàn thể. Trong công tác phát triển đảng cần tập trung kết nạp ở những chi bộ hiện đã có 3 đảng viên, phấn đấu đến năm 2017 mỗi chi bộ phải có ít nhất 5 đảng viên, đến năm 2020 mỗi chi bộ ở các DN trên 500 lao động phải có 10 đảng viên trở lên. Với những đảng viên làm việc trong môi trường tiếp cận được với quần chúng, mỗi năm phải giới thiệu cấp ủy đảng bồi dưỡng, kết nạp được ít nhất 1 đảng viên. Mục tiêu này theo Bí thư Đảng ủy KCN Tây Bắc Củ Chi Hồ Thị Ngọc Nga là khá cao, nhưng vẫn có khả năng đạt được nếu bám sát được thực tế và làm tốt công tác vận động, tuyên truyền. “Làm công tác phát triển đảng ở cơ sở được ví như người đi gieo hạt, nếu chọn giống tốt và biết cách chăm bón thì hạt giống nào gieo xuống là nẩy mầm và cho kết quả ngay. Thế nhưng, thực tế hiện nay ở các DN trong KCX, KCN dù lực lượng lao động đông đảo đấy, nhưng để kết nạp được một đảng viên cũng phải mất vài năm, và tỷ lệ thành công từ lúc “gieo hạt”, đến “gặt hái”, khá lắm là đạt 50/50…”, Bí thư Đảng ủy KCN Tây Bắc Củ Chi Hồ Thị Ngọc Nga đưa ra con số so sánh.
Những vấn đề đặt ra
Dự báo trong những năm tới khi Việt Nam đi vào thực hiện các cam kết trong hợp tác quốc tế, tổ chức Công đoàn ở khối DN ngoài Nhà nước sẽ chịu những tác động sâu sắc, mạnh mẽ, nhất là về cơ cấu tổ chức và nội dung, phương thức hoạt động. Dưới sự tác động của các chính sách phát triển các KCX, KCN tại TP. Hồ Chí Minh và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, không chỉ tác động trên lĩnh vực kinh tế, mà còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác, trong đó có việc xây dựng tổ chức đảng và các đoàn thể trong các KCX, KCN. Chính vì vậy, đòi hỏi có sự thay đổi về nhận thức, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, các đoàn thể trong công tác xây dựng lực lượng chính trị. Điều này đặt ra các yêu cầu cao hơn đối với các cấp ủy Đảng, Ban chấp hành các đoàn thể phải am hiểu và bám sát thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng DN để đề ra các hoạt động, phong trào, các mô hình hiệu quả hấp dẫn, thuyết phục được giới chủ DN và thu hút, lôi cuốn tập thể người lao động tích cực tham gia. Có như vậy Đảng mới đến gần được quần chúng, mới tập hợp, giáo dục, hình thành được lực lượng chính trị cho Đảng trong lực lượng đông đảo công nhân lao động.
Mặt khác, theo Bí thư Đảng ủy KCX Tân Thuận Nguyễn Tùng, tổ chức đảng và các đoàn thể muốn khẳng định được vai trò, chỗ đứng trong DN và thu hút, tập hợp được người lao động phải không ngừng đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động theo đặc thù của từng loại hình DN và các KCX, KCN; đồng thời cần hoàn thiện cơ chế phối hợp với chủ DN trong quản lý, điều hành, để phát triển sản xuất - kinh doanh đúng pháp luật và chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ tay nghề cho đội ngũ công nhân.
Theo Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Tân, trước yêu cầu đặt ra cho công tác xây dựng lực lượng chính trị trong các KCX, KCN những năm tới, mỗi cấp ủy đảng và các cán bộ chuyên trách đảng tại mỗi khu vực, địa phương được phân công phải tích cực vận động để chủ DN hiểu rằng, việc thành lập chi bộ Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội không ngoài mục đích giúp DN hoạt động sản xuất kinh doanh được tốt hơn. Thông qua hoạt động của các tổ chức này còn giúp DN định hướng, tuyên truyền đến tập thể người lao động chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, góp phần hoàn thành tốt các công việc được giao, kể cả việc tăng ca để đảm bảo thời gian cho đơn hàng của DN. Thực tế cho thấy, nơi nào có sự vận động, tuyên truyền tốt thì lãnh đạo DN ủng hộ việc thành lập tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động. Quá trình hoạt động, tổ chức Đảng và đoàn thể cần xác định rõ nhiệm vụ chính trị của mình phải gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, phải tập hợp, lôi cuốn được tập thể người lao động tham gia tích cực vào các phong trào thi đua lao động sản xuất, góp phần thúc đẩy sự phát triển của DN. Qua đó, từng đảng viên, từng cán bộ của các tổ chức đoàn thể khẳng định được vai trò, chỗ đứng trong DN và tạo niềm tin trong tập thể người lao động./.
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh
- Quản trị di sản bền vững để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân, Thủ tướng Singapore
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay