Tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - vận dụng của Đảng ta trong công cuộc đổi mới đất nước

PGS, TS. PHẠM HỒNG CHƯƠNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

23:25, ngày 04-08-2021

TCCS - Kỷ niệm 110 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2021) và 80 năm ngày Người về nước (28-1-1941 - 28-1-2021) trực tiếp lãnh đạo cách mạng, bài viết này mong muốn góp phần làm sáng rõ một số nét cơ bản về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam theo tư tưởng của Người.

“Kinh qua chế độ dân chủ mới, rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội” - con đường phát triển của Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) được hình thành từ sớm và thực hiện trên thực tế ở Việt Nam từ năm 1945 đến nay là kết quả của quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm tòi, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn xây dựng CNXH trên thế giới và vận dụng vào điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta. Người đã tới nước Nga vào thời gian nước này đang thực hiện “Chính sách Kinh tế mới” của V.I. Lê-nin (1923 - 1924) và trong giai đoạn tập trung và kế hoạch hóa cao độ để xây dựng CNXH (1934 - 1938). Qua quá trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự thay đổi quan niệm của mình về con đường đi lên CNXH cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam; đó là, từ quan điểm xây dựng chế độ xã hội theo mô hình Xô-viết (Chính phủ công nông binh)(1) thể hiện trong Chánh cương vắn tắt của Đảng (năm 1930), đến xây dựng chế độ Dân chủ Cộng hòa của Chương trình Việt Minh (năm 1941)(2), rồi được cụ thể hóa trong thực tiễn xây dựng chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và được khẳng định tại Đại hội II của Đảng (năm 1951). Sự chuyển đổi đó thể hiện tư duy độc lập, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con đường đi lên CNXH ở nước ta(3).

Bác Hồ với công nhân vùng mỏ Quảng Ninh (Tranh của họa sĩ Phạm Lung) _Nguồn: NXB Mỹ Thuật

Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường đi lên CNXH ở nước ta, trước hết cần phải thấy rõ sự thống nhất trong quan điểm của Người với C. Mác và V.I. Lê-nin về quy luật chung, về con đường với hai giai đoạn phát triển từ CNXH đến chủ nghĩa cộng sản(4) và thời kỳ quá độ (cả trực tiếp và gián tiếp) lên CNXH. Tuy nhiên, về phương pháp nhận thức, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý rằng, phải nắm vững tính quy luật chung, đồng thời cũng phải chú ý tới đặc điểm lịch sử cụ thể của mỗi nước khi lựa chọn con đường tiến lên CNXH. Người viết: “Từ cộng sản nguyên thủy đến chế độ nô lệ, đến chế độ phong kiến, đến chế độ tư bản, đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) - nói chung thì loài người phát triển theo quy luật nhất định như vậy. Nhưng tùy hoàn cảnh, mà các dân tộc phát triển theo con đường khác nhau. Có nước thì đi thẳng đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) như Liên Xô. Có nước thì phải kinh qua chế độ dân chủ mới, rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội (cộng sản) - như các nước Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam ta, v.v..”(5).

Giải thích về hoàn cảnh để xác định con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nước ta bị nô lệ dưới ách thực dân và phong kiến rất lâu năm, đế quốc gần một trăm năm, phong kiến hàng mấy nghìn năm. Kháng chiến để đập tan ách đế quốc, phong kiến, giải phóng dân tộc, làm cho nước Việt Nam độc lập, thống nhất thực sự, thực hiện chế độ dân chủ mới, tiến tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”(6).

Các luận điểm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy: Do điều kiện lịch sử của mỗi nước khác nhau, vì vậy, để đi lên CNXH có 2 con đường là: con đường quá độ trực tiếp (đối với những nước có chủ nghĩa tư bản đã phát triển cao) và quá độ gián tiếp (đối với những nước nghèo nàn, lạc hậu, chưa trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa). Đối với Việt Nam, quan điểm của Người rất rõ ràng là: Phải kinh qua chế độ dân chủ mới, rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội; hay là, thực hiện “chế độ dân chủ mới”, để tiến tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

Quan điểm trên đây đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tới trong Hội nghị cán bộ lần thứ sáu của Đảng (ngày 18-1-1949): “Những vấn đề thảo luận thì nhiều, nhưng đều hướng vào một đường đi: Kháng chiến thắng lợi, xây dựng dân chủ mới để tiến tới chủ nghĩa xã hội”(7). Đến Đại hội II của Đảng (năm 1951), trong Báo cáo chính trị của Đại hội, Người tiếp tục khẳng định: “Về mục đích trước mắt, Đảng Lao động Việt Nam đoàn kết và lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, tranh lại thống nhất và độc lập hoàn toàn; lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến đến CNXH”(8).

Trong sách Thường thức chính trị (năm 1954), khi nói về Tính chất của Đảng Lao động Việt Nam (mục 33), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng có chính cương rõ rệt: Hiện nay thì giai cấp công nhân lãnh đạo toàn dân chống đế quốc và phong kiến, để giải phóng dân tộc và thực hiện dân chủ mới. Ngày sau thì tiến đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản”(9). Cũng trong cuốn sách trên, luận về chủ nghĩa xã hội trong mục 45, Người nhấn mạnh: Mục đích của Đảng là lãnh đạo nhân dân kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, thực hiện dân chủ mới, tiến đến chủ nghĩa xã hội, rồi tiến đến chủ nghĩa cộng sản. Người còn chỉ rõ: “Như vậy có mấy bước: kháng chiến, xây dựng xã hội dân chủ mới, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản”(10).

Những luận giải trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho thấy: Một là, “dân chủ mới” là một kiểu tổ chức xã hội quá độ, một kiểu xã hội quá độ gián tiếp, thuộc phạm trù của CNXH; hai là, xác định xây dựng dân chủ mới chính là con đường, là điều kiện để thực hiện bước quá độ từ xã hội thuộc địa, nửa phong kiến lạc hậu tiến lên CNXH ở Việt Nam.

Đây chính là tư duy độc lập, sáng tạo độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con đường đi lên CNXH ở nước ta: Kinh qua “dân chủ mới”, rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sự độc lập, sáng tạo thể hiện ở chỗ, không phải chỉ đi trước về thời gian so với các nước thực hiện cách mạng trong cùng thời điểm, mà cả ở mô hình Nhà nước cũng khác biệt so với các nước theo con đường dân chủ mới, nhất là trong tổ chức của Nhà nước chúng ta sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.  

Thực hiện “dân chủ mới”, xây dựng điều kiện để tiến dần đến chủ nghĩa xã hội 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói như vậy và Người đã thiết kế mô hình “dân chủ mới” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; trong đó, nổi bật trên hai lĩnh vực là chính trị và kinh tế, mà Người gọi là “những đặc điểm của dân chủ mới” như sau:  

“1- Dưới sự lãnh đạo của Đảng và giai cấp công nhân, nhân dân đánh đổ đế quốc và phong kiến. Trên nền tảng công nông liên minh, nhân dân lao động làm chủ nước nhà, xây dựng nhân dân dân chủ chuyên chính, nghĩa là dân chủ với nhân dân, chuyên chính (trừng trị) bọn phản động.

2- Trong chế độ dân chủ mới, có năm loại kinh tế khác nhau:

A- Kinh tế quốc doanh (thuộc chủ nghĩa xã hội, vì nó là của chung của nhân dân).
B- Các hợp tác xã (nó là nửa chủ nghĩa xã hội, và sẽ tiến đến chủ nghĩa xã hội).
C- Kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ (có thể tiến dần vào hợp tác xã, tức là nửa chủ nghĩa xã hội).
D- Tư bản của tư nhân.
E- Tư bản của Nhà nước (như Nhà nước hùn vốn với tư bản tư nhân để kinh doanh).

Trong năm loại ấy, loại A là kinh tế lãnh đạo và phát triển mau hơn cả. Cho nên kinh tế ta sẽ phát triển theo hướng chủ nghĩa xã hội chứ không theo hướng chủ nghĩa tư bản.

3- Tư tưởng của giai cấp công nhân (tư tưởng Mác - Lê-nin) là tư tưởng lãnh đạo, ngày càng phát triển và củng cố.

4- Đảng Lao động kiên quyết lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động (Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân có đoàn thể cách mạng chắc chắn của nó như: công đoàn, nông hội, hội thanh niên, hội phụ nữ...) thực hiện dân chủ mới và tiến dần đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản).

5- Trong nước thì nhân dân ta hăng hái kháng chiến, thi đua sản xuất; quyết tâm phấn đấu, quyết tâm tiến lên. Trên thế giới thì có phe dân chủ hòa bình ủng hộ ta. Vì những lẽ đó ta nhất định thành công”(11).

Có thể nói, mô hình “dân chủ mới” để tiến lên CNXH trên đây được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh trên hai phương diện cơ bản: Về chính trị, là sự lãnh đạo của Đảng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nền tảng tư tưởng; về kinh tế, là nền kinh tế nhiều thành phần nhưng trong đó “loại A” (thuộc CNXH) là kinh tế lãnh đạo và phát triển mau hơn cả. Cho nên kinh tế ta sẽ phát triển theo hướng CNXH chứ không theo hướng chủ nghĩa tư bản. Như vậy, sự định hướng về chính trị và kinh tế trong xây dựng “dân chủ mới” để tiến lên CNXH ở Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rất cụ thể, rõ ràng.

Mô hình “dân chủ mới” ấy được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ thêm về chính trị và kinh tế, với những nội dung cụ thể sau đây:

Về chính trị, đó là hình thức dân chủ trong xây dựng nhà nước dân chủ mới và cả hệ thống chính trị ở nước ta. Với luận giải: Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ; chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân làm chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ phương thức xây dựng hệ thống chính trị với nhà nước dân chủ mới như sau:

“Nước ta là nước dân chủ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân
Sự nghiệp kháng chiến kiến quốc là công việc của dân
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân(12).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng với các cử tri khu vực bỏ phiếu số 4, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 _Ảnh: Tư liệu

Quan điểm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ phương thức dân chủ trong xây dựng nhà nước dân chủ mới biểu hiện ở vị trí quyền lực, vai trò của nhân dân trong việc “cử ra”, “tổ chức nên” bộ máy nhà nước cũng như hệ thống chính trị của chế độ dân chủ mới ở nước ta.  

Người còn chỉ rõ cụ thể rằng: “Ở nước ta chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm chủ. Nhân dân bầu ra các hội đồng nhân dân, ủy ban kháng chiến hành chính địa phương, và Quốc hội cùng Chính phủ Trung ương.

Trong các cuộc bầu cử, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, tôn giáo, mức tài sản, trình độ văn hóa, không phân biệt nòi giống đều có quyền tham gia. Đó là một cách rất hợp lý, để nhân dân lao động thực hành quyền thống trị của mình...

Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt cho mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ(13).

Quan niệm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nói rõ phương thức tổ chức, mà còn nêu lên phương thức vận hành của nền dân chủ mới ở nước ta.

Về kinh tế, cùng với việc khẳng định mô hình nhiều thành phần kinh tế của chế độ dân chủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn xác định:

“Trong nước ta hiện nay có những hình thức sở hữu chính về tư liệu sản xuất như sau:

- Sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân.
- Sở hữu của hợp tác xã tức là sở hữu tập thể của nhân dân lao động.
- Sở hữu của người lao động riêng lẻ.
- Một ít tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản”(14).

Mô hình sở hữu trên cho thấy sự đa dạng về hình thức sở hữu gắn với các thành phần kinh tế cùng tồn tại, và cùng với nó là một cơ cấu phức hợp về lợi ích của nhân dân.

Rõ ràng, mô hình kinh tế dân chủ mới là để phát huy đầy đủ tiềm lực của các thành phần kinh tế bộ phận, bao gồm cả lực lượng sản xuất hiện hữu được tôn trọng và được tổ chức mới, nhằm tạo nên tổng hợp lực mạnh mẽ của toàn bộ nền kinh tế; đồng thời, giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ lợi ích của tất cả các thành phần kinh tế trong xã hội, làm cho động lực của các bộ phận hợp thành nền kinh tế trong xã hội cùng hướng theo một hướng nhất định, tạo nên tổng hợp lực mạnh mẽ. Vì vậy, dân chủ mới trong kinh tế, với sự đa dạng về thành phần, nhiều loại hình sở hữu và lợi ích là cơ sở kinh tế cho xây dựng nhà nước dân chủ mới - nhà nước đoàn kết toàn dân trong xây dựng và phát triển. Đó là sự vận dụng đúng đắn và sáng tạo quy luật khách quan về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ của lực lượng sản xuất, nhằm khai thác mọi tiềm năng và phát huy tính chủ động, sáng tạo của các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế của thời kỳ quá độ, là sự phù hợp giữa kinh tế và chính trị trong chế độ dân chủ mới để tiến lên CNXH ở nước ta.

Con đường xây dựng “dân chủ mới” để tiến lên CNXH theo tư tưởng Hồ Chí Minh, vì thế, thuận với lòng dân, đúng quy luật, hợp xu thế phát triển của nhân loại và của thời đại.

Sự vận dụng tư tưởng đó của Đảng ta từ khi đổi mới

Trên cơ sở nhận thức đúng đắn nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường xây dựng “dân chủ mới” để tạo ra những điều kiện tiến lên CNXH trong thời kỳ quá độ và sự vận dụng đúng đắn tư tưởng đó vào thực tiễn, Đảng ta đã hoạch định thành công đường lối đổi mới đúng đắn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước sự vận động không ngừng, nhanh chóng và vô cùng phức tạp của tình hình trong nước và quan hệ quốc tế.

Điều này được thể hiện trong nội dung của Văn kiện Đại hội VI của Đảng (năm 1986), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), (Bổ sung, phát triển năm 2011), với quan điểm chung của Đảng ta là thực hiện dân chủ hóa trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Về cơ bản, 6 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng trong thời kỳ quá độ được xác định trong Cương lĩnh năm 1991, sau đó được bổ sung, phát triển thành 8 đặc trưng trong Cương lĩnh năm 2011 đều làm nổi bật quan điểm đó.

Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên cơ sở nền kinh tế nhiều thành phần, với nhiều loại hình sở hữu làm cơ sở vật chất cho thực hiện dân chủ trong chính trị; tới việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; cho đến việc xây dựng một nền văn hóa phục vụ nhân dân và thực hiện công bằng xã hội dựa trên sự đóng góp của mỗi người trong quá trình sản xuất, là những biểu hiện cụ thể trong vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta hiện nay.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm dây chuyền sản xuất bộ kit test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tại Công ty TNHH Medicon ở xã An Khánh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội _Ảnh: VGP

Đó là sự vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xem “dân chủ mới là một hình thái xã hội quá độ lên CNXH, một kiểu tổ chức xã hội của thời kỳ quá độ và xây dựng “dân chủ mới” là con đường tiến lên CNXH ở nước ta trong điều kiện lịch sử mới.  

Quan điểm trên xác nhận sự hợp quy luật của con đường xây dựng “dân chủ mới để tiến lên CNXH” ở nước ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Con đường này cần được nhận thức ở góc độ lịch sử là một kiểu tổ chức xã hội quá độ, là một phương thức tổ chức nhà nước xét ở góc độ chính trị và là biểu thị giá trị văn minh, phải phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất. Do đó, mỗi bước phát triển của lực lượng sản xuất, sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta sẽ tạo cơ sở vật chất cho những bước phát triển dân chủ trên các lĩnh vực chính trị, tinh thần, như một đòi hỏi tự nhiên của sự phát triển mà không phụ thuộc vào ý chí chính trị chủ quan nào. Đó là những nấc thang phát triển của dân chủ với tư cách là kiểu tổ chức xã hội văn minh. Nhưng cũng cần hiểu rằng, dân chủ là điều kiện, là chìa khóa quan trọng nhất để giải phóng, phát huy mọi năng lực xã hội, nên phải nhận thức được những nấc thang phát triển của đất nước để thúc đẩy sự phát triển dân chủ, theo ý nghĩa như Cương lĩnh (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: Dân chủ “vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước” và phải “Xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực”(15). Những bổ sung và phát triển của Cương lĩnh năm 2011 so với Cương lĩnh năm 1991 biểu thị nhận thức của Đảng rõ ràng hơn về sự phát triển của dân chủ theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhìn nhận “dân chủ mới” như vậy đồng thời sẽ thấy tính tất yếu của sự thay thế dân chủ tư sản bằng “dân chủ mới” để tiến lên CNXH, và tin tưởng vào tiến trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Con đường từ thực hiện “dân chủ mới” tạo ra điều kiện để tiến lên CNXH theo tư tưởng Hồ Chí Minh là rất rõ ràng, sáng tỏ và đã được minh chứng bằng sự hiện diện vững chắc của chế độ dân chủ ở nước ta từ năm 1945, với sự tiếp tục vận dụng và phát triển của Đảng ta vào xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa trong điều kiện lịch sử mới. Quyết tâm và kiên trì đi trên con đường đó theo tư tưởng Hồ Chí Minh, hướng theo tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, nhân dân ta nhất định sẽ gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam./.

------------------------------

(1), (2) Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 1, 629
(3) Sự độc lập, sáng tạo trong quan điểm về xây dựng chế độ Dân chủ Cộng hòa của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xác định trong “Chương trình Việt Minh” từ năm 1941, trước khi có sự ra đời của các nhà nước dân chủ ở Đông Âu (sau năm 1945) và ở Trung Quốc năm 1949
(4) Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 289
(5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 293, 216
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 15
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 41
(9), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 276, 218
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 293 - 294
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 232
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 263
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 372

(15) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 85