Quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc: Khởi đầu hợp tác mới vì một tương lai tốt đẹp của nhân loại

Đặng Hoàng Giang
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc

07:30, ngày 21-09-2024

TCCS - Tháng 1-1946, nhân danh Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc bày tỏ nguyện vọng Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. Trải qua những khúc quanh lịch sử, ngày 20-9-1977, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc. Kể từ đó đến nay, Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng vào thực hiện các sứ mệnh của Liên hợp quốc; đặc biệt, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, hiệu quả.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, chiều ngày 22-9-2024, giờ địa phương (rạng sáng ngày 23-9-2024, giờ Việt Nam), tại thành phố New York, Hoa Kỳ _Ảnh: TTXVN

Liên hợp quốc - biểu tượng của hợp tác toàn cầu vì hòa bình và phát triển

Từ tro tàn của Chiến tranh thế giới lần thứ hai, ngày 24-10-1945, Liên hợp quốc được thành lập với sứ mệnh cao cả là “cứu các thế hệ mai sau khỏi thảm họa chiến tranh đã gây ra đau thương tột cùng cho nhân loại hai lần trong một đời người”. Sự ra đời của Liên hợp quốc là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử với cam kết ngăn chặn, loại bỏ các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế, các hành vi xâm lược, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Hiến chương Liên hợp quốc là văn kiện nền tảng đặt ra các nguyên tắc cốt lõi mà mọi quốc gia thành viên phải tuân thủ, là khuôn khổ điều chỉnh hành vi của các quốc gia trong suốt gần 80 năm qua và tạo nền tảng cho hệ thống luật pháp quốc tế hiện đại. Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, hành vi đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực nhằm xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của một quốc gia hoặc gây tổn hại đến hòa bình và an ninh quốc tế, bị nghiêm cấm theo Điều 2 của Hiến chương Liên hợp quốc.

Liên hợp quốc không chỉ đóng vai trò trung tâm trong việc điều phối hành động quốc tế, mà còn là biểu tượng của hy vọng và hợp tác toàn cầu nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo. Trong gần tám thập niên qua, Liên hợp quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần duy trì hòa bình, an ninh, thúc đẩy phát triển toàn cầu và tiến bộ xã hội. Liên hợp quốc đã trở thành biểu tượng cho những khát vọng cao cả nhất của nhân loại.

Về hòa bình và an ninh, Liên hợp quốc đã ngăn chặn không để xảy ra chiến tranh thế giới mới và chiến tranh hủy diệt loài người. Trong lĩnh vực chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và giải trừ quân bị, Liên hợp quốc đã thúc đẩy xây dựng khuôn khổ pháp lý thông qua hệ thống điều ước quốc tế quan trọng nhằm ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, hướng tới mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn những vũ khí nguy hiểm này. Cùng với sự nổi lên của các thách thức an ninh mới, tại Liên hợp quốc cũng diễn ra những cuộc thảo luận và từng bước xây dựng cơ chế hợp tác, xử lý thách thức trong các lĩnh vực khủng bố quốc tế, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, an ninh mạng, vũ khí sát thương tự hành và mới đây nhất là trí tuệ nhân tạo (AI).  

Liên hợp quốc luôn tiên phong trong các nỗ lực trung gian hòa giải, giảm thiểu căng thẳng, ngăn ngừa và hỗ trợ giải quyết xung đột khu vực. Các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (PKO) (1) đã đóng góp tích cực vào việc thiết lập lại hòa bình, chấm dứt xung đột và hỗ trợ tái thiết sau xung đột ở nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới.

Kể từ những ngày đầu thành lập, Liên hợp quốc đã đẩy mạnh phong trào phi thực dân hóa và chống chủ nghĩa thực dân dựa trên nguyên tắc quyền bình đẳng và dân tộc tự quyết được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc. Hoạt động sôi nổi của Hội đồng quản thác (một trong sáu cơ quan chính của Liên hợp quốc) và Ủy ban Chính trị đặc biệt và phi thực dân hóa (2) ghi đậm dấu ấn cũng như nỗ lực của các quốc gia thành viên thúc đẩy tiến trình phi thực dân hóa, chấm dứt hoàn toàn thời kỳ thuộc địa trong thế kỷ XX.

Trong lĩnh vực phát triển, các tổ chức thuộc hệ thống phát triển của Liên hợp quốc, như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO),… ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã hỗ trợ tài chính, tư vấn chính sách, chia sẻ tri thức và kinh nghiệm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và y tế trên toàn cầu, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Liên hợp quốc còn là diễn đàn thảo luận các vấn đề phát triển và kinh tế quốc tế, như thương mại, nợ quốc gia, xóa đói, giảm nghèo, hình thành những giá trị phổ quát về phát triển, từ đó xác định mục tiêu chung vì lợi ích của nhân loại và các khuôn khổ hợp tác quốc tế để thúc đẩy những mục tiêu này, tiêu biểu là các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) và Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Các điều ước lớn về bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, như Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, chống sa mạc hóa đều bắt nguồn từ thảo luận tại các hội nghị của Liên hợp quốc và được cụ thể hóa thành văn kiện pháp lý quốc tế.

Hiện nay, Liên hợp quốc là tổ chức có sự hiện diện phủ khắp toàn cầu và hoạt động ở cả những địa bàn khó khăn nhất. Các cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc tiếp tục cứu trợ hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi xung đột, hạn hán, bão lũ, sóng thần, động đất hằng năm. Chỉ tính trong năm 2023, các cơ quan của Liên hợp quốc đã điều phối hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho 245 triệu người ở 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, kể cả những nơi tình hình thực địa phức tạp, như Afganistan, Sudan, Yemen và Dải Gaza. Mới đây, ngay sau khi siêu bão Yagi xảy ra, gây thiệt hại nặng nề ở miền Bắc Việt Nam, các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam đã nhanh chóng tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam khắc phục thiệt hại, trong đó UNICEF cam kết dành 300.000 USD để hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương. 

Về quyền con người, Liên hợp quốc đóng vai trò tiên phong trong đàm phán và xây dựng các văn kiện quốc tế quan trọng, trong đó có Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới (năm 1948), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (năm 1966), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (năm 1966). Các văn kiện này là nền tảng của hơn 80 điều ước và tuyên bố quốc tế được thông qua sau đó, nhằm tăng cường hợp tác quốc tế và thúc đẩy bảo vệ quyền con người. Liên hợp quốc cũng đặc biệt chú trọng đến việc bảo đảm thực hiện quyền con người thông qua các cơ chế, như Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, các báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc cùng hệ thống cơ quan công ước quốc tế về quyền con người.

Qua thời gian, Liên hợp quốc đã khẳng định vai trò không thể thiếu trong đời sống chính trị quốc tế và là trụ cột trung tâm của hệ thống đa phương hiện đại. Kể từ thời điểm thành lập với 51 quốc gia thành viên vào năm 1945, hiện nay, Liên hợp quốc đã mở rộng và kết nạp 193 quốc gia thành viên, trở thành cơ chế đa phương lớn nhất và toàn diện nhất. Để ghi nhận những đóng góp to lớn của Liên hợp quốc, Ủy ban Nobel đã trao tặng Giải Nobel Hòa bình cho nhiều cá nhân và tổ chức thuộc Liên hợp quốc trong gần 80 năm qua, tiêu biểu như UNICEF (năm 1965), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO, năm 1969), Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (năm 1988), Liên hợp quốc và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan (năm 2001), gần đây nhất là Chương trình Lương thực thế giới (WFP, năm 2020).

Tuy nhiên, quá trình phát triển của Liên hợp quốc cũng phản ánh những biến đổi phức tạp của bối cảnh chính trị quốc tế, chịu tác động từ lợi ích quốc gia - dân tộc, chia rẽ - đối đầu giữa các nước và nhóm nước. Hiện nay, Liên hợp quốc đang đối mặt với áp lực phải xử lý hàng loạt cuộc khủng hoảng lớn diễn ra đồng thời trên thế giới. Kỳ vọng đối với Liên hợp quốc ngày càng lớn, trong khi nguồn lực tài chính cam kết chưa tương xứng, thậm chí giảm dần, làm suy yếu khả năng thực hiện hoạt động của tổ chức. Năm 2023, nguồn tài chính huy động cho các hoạt động nhân đạo của Liên hợp quốc đạt 22,7 tỷ USD, chỉ đáp ứng 40% nhu cầu thực tế. Giống như nhiều tổ chức khác, Liên hợp quốc cũng chịu nhiều áp lực từ bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa đủ khả năng ứng phó với các thách thức ngày càng nhiều và đan xen.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu về lập trường của Việt Nam tại phiên họp khẩn cấp đặc biệt của Đại hội đồng, ngày 14-7-2024 _Ảnh: TTXVN

Đối tác tin cậy và toàn diện vì các mục tiêu chung

Cách đây gần 80 năm, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cùng với thời điểm Liên hợp quốc được thành lập. Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của Liên hợp quốc trong hệ thống quốc tế và vị trí của Việt Nam trong dòng chảy lịch sử thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư đến Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc và nhiều quốc gia thành viên vào đầu năm 1946, chính thức đề nghị kết nạp Việt Nam vào Liên hợp quốc. Dù gặp phải nhiều trở ngại lịch sử và mãi đến năm 1977, Việt Nam mới trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc, nhưng chính cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ vì độc lập dân tộc, tự do và thống nhất đất nước là đóng góp tích cực và thiết thực của Việt Nam vào mục tiêu cao cả của Liên hợp quốc - thúc đẩy hòa bình, độc lập, bình đẳng giữa các dân tộc và quyền tự quyết dân tộc; là nguồn cổ vũ, động viên cho phong trào giải phóng dân tộc lên cao và chấm dứt chủ nghĩa thực dân vào thập niên 60 của thế kỷ XX.

Nhìn lại chặng đường gần nửa thế kỷ qua, quan hệ Việt Nam - Liên hợp quốc đã có những bước phát triển vượt bậc, trên nhiều phương diện và ở nhiều cấp độ. Liên hợp quốc là tổ chức luôn đồng hành, gắn bó với Việt Nam ngay từ những ngày đầu tái thiết đất nước sau chiến tranh và trong công cuộc đổi mới sau này.

Ngay sau khi chiến tranh chấm dứt, các tổ chức phát triển của Liên hợp quốc đã nhanh chóng hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, tái thiết đất nước và vượt qua những khó khăn kinh tế - xã hội hết sức nặng nề. Liên hợp quốc là cầu nối để Việt Nam tiếp cận nguồn viện trợ nước ngoài và từng bước phá vỡ thế bao vây, cấm vận. Trong giai đoạn đổi mới, Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn lực khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng lực, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, chính sách, xóa đói, giảm nghèo. Nguồn vốn, tri thức, kinh nghiệm từ hệ thống Liên hợp quốc không chỉ góp phần giúp Việt Nam thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đạt nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu phát triển toàn cầu, mà còn đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. 

Về phía mình, Việt Nam không ngừng khẳng định vai trò chủ động và đóng góp tích cực vào các hoạt động của Liên hợp quốc, chia sẻ sâu sắc những giá trị cốt lõi của tổ chức này. Từ một nước nhận viện trợ của Liên hợp quốc, Việt Nam chuyển mình, từng bước trở thành thành viên tin cậy, hiệu quả của Liên hợp quốc, là nước đóng góp lớn thứ 49 cho ngân sách của Liên hợp quốc, tham gia ngày càng sâu rộng trên cả ba trụ cột chính: hòa bình - an ninh, hợp tác phát triển và quyền con người.

Trong lĩnh vực hòa bình - an ninh, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu ủng hộ chủ nghĩa đa phương và cách tiếp cận đa phương để giải quyết các thách thức toàn cầu, khẳng định vai trò then chốt của Liên hợp quốc; đề cao tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, nhất là nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền quốc gia; không đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực chống sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị quốc gia; giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. Việt Nam đã đóng góp tiếng nói mạnh mẽ phản đối các hành động áp bức, xâm lược, chính trị cường quyền và cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế.

Việt Nam đã tham gia hầu hết các điều ước quốc tế quan trọng về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và giải trừ quân bị, nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ và thúc đẩy việc thực hiện các điều ước này, trong đó có Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANFWZ) và là nước thứ 10 trên thế giới phê chuẩn Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW).

Kể từ năm 2014 đến nay, Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, cử hơn 800 lượt sĩ quan quân đội và công an thực hiện nhiệm vụ tại những khu vực xa xôi, như Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Abyei (khu vực tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan) và trụ sở Liên hợp quốc; hỗ trợ thiết thực và gắn bó với người dân địa phương, thực sự trở thành “sứ giả hòa bình” ở mỗi địa bàn đóng quân, qua đó nâng cao hình ảnh, vị thế của lực lượng vũ trang Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Việt Nam đã hai lần được đông đảo thành viên Liên hợp quốc tín nhiệm bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong các nhiệm kỳ 2008 - 2009, 2020 - 2021 và để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Việt Nam đã thúc đẩy các sáng kiến về tuân thủ và đề cao Hiến chương Liên hợp quốc, tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như gắn kết vai trò của ASEAN trong các hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhấn mạnh yêu cầu giải quyết hậu quả bom, mìn sau chiến tranh. Đặc biệt, trên tinh thần nhân ái, hướng tới người dân, Việt Nam chủ trì xây dựng và thúc đẩy thông qua Nghị quyết số 2573 - nghị quyết riêng đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về bảo vệ hạ tầng thiết yếu đối với sự sống của người dân (như bệnh viện, trường học, hạ tầng điện, nước…), được tất cả 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng đông đảo thành viên Liên hợp quốc đồng bảo trợ. Trong bối cảnh xung đột, bạo lực đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là Dải Gaza, nội dung bảo vệ người dân trong xung đột vũ trang tại Nghị quyết số 2573 càng thể hiện rõ giá trị nhân văn và ý nghĩa thiết thực.

Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia công việc chung của Liên hợp quốc vì hòa bình và an ninh quốc tế, luôn kiên trì thúc đẩy đối thoại, giảm căng thẳng và đối đầu, tìm kiếm giải pháp bền vững, toàn diện cho xung đột, đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế.  

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Việt Nam luôn đóng góp tích cực để thúc đẩy trật tự kinh tế - thương mại quốc tế công bằng, bình đẳng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nước đang phát triển. Mặc dù còn hạn chế về nguồn lực, song Việt Nam vẫn luôn là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu phát triển toàn cầu, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và mong muốn chia sẻ kinh nghiệm.

Trong giai đoạn 2000 - 2015, Việt Nam đã hoàn thành phần lớn các MDGs, đặc biệt là hoàn thành trước hạn mục tiêu xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực, đạt kết quả tốt trong các mục tiêu về giáo dục và tiếp cận của người dân với nước và vệ sinh. Kể từ năm 2015 đến nay, Việt Nam nỗ lực thực hiện các SDGs thông qua Kế hoạch hành động quốc gia lồng ghép các SDGs vào chính sách và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đạt tiến bộ vượt bậc trong các mục tiêu giảm nghèo, bảo hiểm y tế toàn dân, cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục có chất lượng với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”. Ủng hộ mạnh mẽ lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres, Việt Nam đã ban hành cam kết quốc gia về chuyển đổi SDGs, ưu tiên một số lĩnh vực quan trọng, trong đó chú trọng an sinh xã hội, việc làm bền vững, phát triển hệ thống y tế, phát triển văn hóa, giáo dục, xây dựng con người toàn diện, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ và cam kết vững chắc của Việt Nam trong việc đạt được các mục tiêu này.

Mặc dù nguồn lực và trình độ phát triển khoa học - công nghệ còn khiêm tốn, song Việt Nam luôn nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện; đẩy mạnh kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương. Việt Nam thuộc nhóm nòng cốt thúc đẩy Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc lấy ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) về trách nhiệm của các nước đối với biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam là một trong những quốc gia được cộng đồng quốc tế ghi nhận những kết quả tích cực, cũng như sự chia sẻ kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng, chống đại dịch. Tại Liên hợp quốc, Việt Nam đã có sáng kiến đề xuất lấy ngày 27-12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh để nâng cao nhận thức, mức độ sẵn sàng ứng phó với bệnh dịch, được đông đảo các nước thành viên hoan nghênh và đồng bảo trợ.

Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” (Delivering as One) nhằm cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Liên hợp quốc ở cấp độ quốc gia, với cột mốc quan trọng là khai trương “Ngôi nhà Xanh một Liên hợp quốc” đầu tiên trên thế giới vào tháng 5-2015.

Những nỗ lực bền bỉ của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận và ủng hộ, nhất trí bầu vào các vị trí quan trọng điều hành các cơ quan của Liên hợp quốc, như Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 (2022 - 2023), thành viên Hội đồng Chấp hành UNDP, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Văn phòng Dịch vụ của Liên hợp quốc (UNOPS) nhiệm kỳ 2000 - 2002, thành viên Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) các nhiệm kỳ 1998 - 2000 và 2016 - 2018, Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) nhiệm kỳ 2018 - 2019, tham gia cơ chế điều hành của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO)...

Trong lĩnh vực quyền con người, Việt Nam kiên định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước lấy người dân là “trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước”, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người theo các chuẩn mực quốc tế, tích cực tham gia cuộc đấu tranh chống xu hướng chính trị hóa quyền con người, đồng thời ủng hộ cách tiếp cận dựa trên đối thoại, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp khác biệt và bất đồng. Việt Nam đặc biệt chú trọng việc thực hiện các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội và quyền phát triển, phù hợp với lợi ích chung của các quốc gia đang phát triển.

Việt Nam đã tham gia từ rất sớm và là thành viên của 7 trong 9 điều ước quốc tế chủ chốt về quyền con người, hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thành viên theo các công ước này và có nhiều đối thoại với 5 cơ quan công ước về quyền con người; đồng thời, đón nhiều báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền con người vào làm việc tại Việt Nam.

Tại Liên hợp quốc, Việt Nam đã thúc đẩy sáng kiến công nhận ngày 11-6 là Ngày vui chơi quốc tế (được 138 nước đồng bảo trợ), ghi nhận vai trò của sự phát triển thể chất, tâm lý của trẻ em cũng như tiến bộ của xã hội, qua đó không chỉ nâng cao nhận thức về quyền lợi của trẻ em trên toàn cầu, mà còn mang ý nghĩa đặc biệt hưởng ứng “Tháng hành động vì trẻ em Việt Nam”, giúp các hoạt động bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam ngày càng có ý nghĩa và thiết thực hơn.

Với vị thế và uy tín quốc tế ngày càng nâng cao, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu làm thành viên Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (cơ quan tiền thân của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc - UPR) trong nhiệm kỳ 2001 - 2003 và Hội đồng Nhân quyền các nhiệm kỳ 2014 - 2016, 2023 - 2025; Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025 - 2027. Trong vai trò thành viên của UPR nhiệm kỳ 2023 - 2025, Việt Nam tiếp tục đóng góp vào các hoạt động và quyết định quan trọng của UPR, ưu tiên bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người; xây dựng và thúc đẩy thông qua nghị quyết về bảo đảm quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Những thực tiễn nổi bật của Việt Nam, nhất là trong việc thực hiện khuyến nghị qua bốn chu kỳ theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát của UPR, đã được Liên hợp quốc cùng nhiều quốc gia trong khu vực ghi nhận và đánh giá cao. Những nỗ lực trên không chỉ thể hiện sự cam kết của Việt Nam đối với việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, mà còn góp phần củng cố uy tín quốc tế của đất nước trong lĩnh vực này. Việt Nam đã chính thức tiếp tục ứng cử thành viên UPR nhiệm kỳ 2026 - 2028, thể hiện sự quyết tâm và khả năng duy trì vai trò lãnh đạo trong thúc đẩy cũng như bảo vệ quyền con người trên toàn cầu.

Cán bộ, sĩ quan Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 và Đội Công binh số 3 ở Lễ phát động thi đua tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan và khu vực Abyei, ngày 18-9-2024 _Ảnh: TTXVN

Cùng chung tay vun đắp vì một tương lai tốt đẹp hơn của nhân loại

Thập niên thứ ba của thế kỷ XXI đã đi qua gần 1/2 chặng đường với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Những biến động chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội trên thế giới, cùng với các hành động đơn phương, chính trị cường quyền, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chia rẽ - đối đầu trong quan hệ quốc tế tiếp tục đặt chủ nghĩa đa phương và Liên hợp quốc trước không ít thử thách. Đồng thời, các thách thức an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng hoảng năng lượng ngày càng gay gắt, tác động cộng hưởng, sâu rộng và xuyên biên giới, đe dọa đến sự phát triển bền vững của tất cả quốc gia.

Có thể thấy, những biến động chưa từng có của thế giới, đơn cử từ tác động của đại dịch COVID-19 mới đây, là minh chứng sống động cho sự cần thiết và ý nghĩa sống còn của hợp tác đa phương và Liên hợp quốc trong một thế giới ngày càng kết nối, phụ thuộc lẫn nhau, nơi không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự mình giải quyết các thách thức toàn cầu. Các nước vẫn luôn mong muốn chia sẻ khát vọng về hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Đứng trước bước ngoặt lịch sử 80 năm hình thành và phát triển, Liên hợp quốc tiếp tục khẳng định vai trò không thể thay thế trong hệ thống quản trị toàn cầu và là diễn đàn đa phương quan trọng hàng đầu để các quốc gia đối thoại, cùng thúc đẩy giải pháp cho các vấn đề khu vực và quốc tế.

Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc tiến hành tổ chức một chuỗi sự kiện trong Tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79, mà tâm điểm là Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai (từ ngày 22-9 đến 23-9-2024) với chủ đề “Giải pháp đa phương vì một tương lai tốt đẹp hơn” và Phiên thảo luận chung của Đại hội đồng Liên hợp quốc (từ ngày 24-9 đến 28-9-2024) với chủ đề “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Cùng hành động để thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững và phẩm giá con người cho các thế hệ hiện nay và mai sau”, nhằm kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế và củng cố chủ nghĩa đa phương, trong đó Liên hợp quốc giữ vị trí trung tâm để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu chung, nhất là các SDGs. Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai có ý nghĩa lịch sử với chương trình nghị sự kỳ vọng đề cập đến tất cả các lĩnh vực hợp tác tại Liên hợp quốc và có quá trình chuẩn bị kéo dài trong gần hai năm qua. Đây là dịp để lãnh đạo, nguyên thủ các quốc gia trao đổi và đề xuất giải pháp nhằm ứng phó với những thách thức toàn cầu, đề ra tầm nhìn chiến lược cho Liên hợp quốc, định hướng phát triển tương lai vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng, công bằng và bền vững hơn cho nhân loại. Các thảo luận và quyết định trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao khóa 79 Đại hội đồng Liên hợp quốc có tác động lâu dài và sâu rộng đối với quan hệ quốc tế, hợp tác toàn cầu và thúc đẩy các mục tiêu chung.

Đối với Việt Nam, đất nước đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam sau 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Từ một vùng đất không có tên trên bản đồ thế giới và bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, có quan hệ rộng mở, thế và lực không ngừng được củng cố và nâng cao, sẵn sàng gánh vác, đóng góp nhiều hơn cho hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dẫn đầu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai và Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc với thông điệp quan trọng Củng cố chủ nghĩa đa phương, cùng hành động để kiến tạo tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững cho mọi người dân”. Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tham dự trực tiếp Đại hội đồng Liên hợp quốc và cũng là hoạt động ngoại giao đa phương đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại tổ chức quốc tế toàn cầu Liên hợp quốc, qua đó tái khẳng định mạnh mẽ ở cấp cao nhất đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả, chia sẻ tầm nhìn và giải pháp của Việt Nam về vai trò của Liên hợp quốc cũng như các vấn đề lớn của thế giới; đồng thời, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với hợp tác đa phương, các chương trình nghị sự lớn của Liên hợp quốc và quan hệ toàn diện với Liên hợp quốc.

Câu chuyện của Việt Nam từ một đất nước phải trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ, cam go, gian khổ để giành độc lập, tự do; từ chịu cảnh nghèo nàn, lạc hậu sau chiến tranh, vươn mình trở thành quốc gia đang phát triển năng động, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân về mọi mặt; từ một nước bị bao vây, cấm vận nay đã mở rộng quan hệ với hầu hết quốc gia trên thế giới, ngày càng tự tin đảm nhiệm vị trí thành viên của Liên hợp quốc, lạc quan hướng về tương lai, gắn mình với tương lai của khu vực và thế giới, chính là những chia sẻ và đóng góp thiết thực nhằm xây dựng một tương lai hòa bình, thịnh vượng, tươi đẹp cho tất cả người dân trên thế giới.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; tham gia đóng góp thực chất vào duy trì hòa bình, ổn định khu vực và quốc tế; ứng phó kịp thời và hiệu quả các thách thức toàn cầu, nhất là cam kết hành động về biến đổi khí hậu; tiếp tục tích cực triển khai Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; đẩy mạnh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; tăng cường quan hệ giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực, đặc biệt đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động ứng cử vào các cơ chế quan trọng của Liên hợp quốc, trước tiên là UPR nhiệm kỳ 2026 - 2028, Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) nhiệm kỳ 2026 - 2035, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2032 - 2033; từng bước giới thiệu công dân Việt Nam có đủ phẩm chất, năng lực ứng tuyển vào vị trí điều hành, lãnh đạo các tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc.

Nhìn lại chặng đường gần nửa thế kỷ qua, quan hệ đối tác Việt Nam - Liên hợp quốc đạt nhiều kết quả tích cực và có ý nghĩa to lớn, vừa đáp ứng được yêu cầu, lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam trong từng giai đoạn, vừa góp phần phát huy hình ảnh, vị thế đất nước, tăng cường tiếng nói và “dấu ấn” đóng góp của Việt Nam tại Liên hợp quốc. Những kết quả này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hai bên mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam, cũng như đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu chung của Liên hợp quốc vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của nhân loại./.

-----------------------------

(1) Tính đến tháng 3-2024, đã có 71 Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được triển khai (kể từ năm 1948), trong đó 11 phái bộ hiện đang hoạt động với tổng số 71.000 người tham gia đến từ 121 nước thành viên và ngân sách khoảng 6 tỷ USD/năm
(2) Thuộc Đại Hội đồng Liên hợp quốc (Ủy ban 4)