Đấu tranh, bảo vệ quyền con người - nhìn từ Cách mạng tháng Mười Nga đến Cách mạng tháng Tám và thực tiễn Việt Nam hiện nay
TCCSĐT - Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 đánh dấu bước ngoặt trong quá trình đấu tranh, bảo vệ giá trị những quyền cơ bản của con người cho các dân tộc, quốc gia trên thế giới. Cũng từ đây, nhân dân Việt Nam đã vùng lên, làm nên Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, lật đổ ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, đặt nền tảng cho sự phát triển của quyền con người ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Định hướng giá trị quyền con người từ Cách mạng tháng Mười Nga
Khác với tất cả các cuộc cách mạng xã hội đã diễn ra trong lịch sử, mục tiêu mà Cách mạng tháng Mười Nga hướng đến là giải quyết vấn đề quyền con người trên 3 phương diện cơ bản:
Một là, quyền con người trước hết phải xuất phát từ sự tự giác lựa chọn con đường đấu tranh vượt qua các chướng ngại vật trong xã hội không tôn trọng con người, chà đạp lên phẩm chất, giá trị của con người.
Với đặc thù là một nước quân chủ chuyên chế, toàn bộ quyền lực chính trị thuộc về Nga hoàng, chế độ quân chủ ở Nga - nền chuyên chính của giai cấp địa chủ đã chiếm giữ mọi đặc quyền về chính trị, mọi đặc lợi về kinh tế, chính quyền Nga hoàng câu kết chặt chẽ với giai cấp tư sản thẳng tay bóc lột và áp bức tàn bạo các tầng lớp nhân dân lao động, tước đoạt các quyền tự do dân chủ của nhân dân.
Là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Cách mạng tháng Mười Nga phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng, tinh thần hy sinh, lòng dũng cảm, nghị lực cách mạng phi thường, tài năng sáng tạo của giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, bảo vệ chính quyền cũng như trong xây dựng xã hội mới. Lần đầu tiên trong lịch sử, những người lao động bị áp bức đứng lên thực hiện vai trò làm chủ xã hội, làm chủ vận mệnh của mình.
Hai là, Cách mạng tháng Mười Nga cho thấy, quyền của con người phải được xác lập từ sự làm chủ thực sự chế độ xã hội; đồng thời, tham gia một cách tự giác vào công cuộc xây dựng một chế độ xã hội hoàn toàn vì con người, phấn đấu vì hạnh phúc của tất cả mọi người.
Thắng lợi từ Cách mạng tháng Mười Nga không chỉ đánh dấu sự ra đời một nhà nước của đa số quần chúng lao động đầu tiên trên thế giới, mà còn đặt nền móng để hiện thực hóa cho một chế độ phù hợp với lợi ích căn bản của con người, đáp ứng đầy đủ và toàn diện quyền con người trong một thời kỳ lịch sử mới. Trên cơ sở đó, Cách mạng tháng Mười Nga thực hiện mục tiêu của một cuộc cách mạng vô sản, đó là thực hiện khát vọng giải phóng con người, giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và tiến tới giải phóng toàn nhân loại.
Ba là, thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga không chỉ giải phóng các dân tộc bị áp bức, bóc lột dưới chế độ của Nga hoàng, mà còn góp phần giải phóng các dân tộc khác; đồng thời, định hướng lý tưởng cho mục tiêu đấu tranh của các dân tộc dưới ách thực dân, đế quốc trong thế kỷ XX.
Cách mạng tháng Mười Nga đã nêu một tấm gương giải quyết vấn đề dân tộc một cách thật sự tiến bộ. Lần đầu tiên trong lịch sử, Cách mạng tháng Mười Nga và Nhà nước Xô-viết đã xóa bỏ hình thức áp bức dân tộc, bất bình đẳng dân tộc và tạo mọi điều kiện phát triển tình hữu nghị anh em giữa các dân tộc. Việc giải quyết vấn đề dân tộc phức tạp ở nước Nga ngay sau khi Cách mạng giành thắng lợi “là một thứ vũ khí tuyên truyền mạnh mẽ trong các nước thuộc địa”(1) và chính V.I. Lê-nin là “người đầu tiên đã đặt cơ sở cho một thời đại mới, thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa”(2). Với ý nghĩa đó, Cách mạng tháng Mười Nga mở ra thời đại các dân tộc bị áp bức vùng lên tự giải phóng, tìm thấy con đường thật sự cho sự nghiệp giải phóng, một kiểu mẫu giải quyết mối quan hệ giữa các dân tộc; tìm thấy ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa một hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc.
Giải quyết vấn đề quyền con người theo mục tiêu của Cách mạng tháng Tám 1945
Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga mở ra phương hướng lựa chọn cho cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập của nhân dân Việt Nam bởi: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật”(3). Dưới ách bóc lột của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, giải quyết vấn đề quyền con người ở Việt Nam hàm nghĩa trên cả hai khía cạnh: thứ nhất, quyền con người gắn chặt với quyền tự quyết của một dân tộc, nghĩa là dân tộc đó phải hoàn toàn độc lập, không lệ thuộc, chịu bất kỳ áp bức, bóc lột từ nước nào; thứ hai, quyền con người phải giải quyết bằng cách nào và làm sao để hiện thực hóa một cách đầy đủ nhất, nhân văn nhất, nghĩa là theo con đường đấu tranh để xác lập một chế độ xã hội thật sự vì con người.
Ngay từ những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc thay mặt nhân dân Việt Nam đã nêu 8 yêu sách yêu cầu chính quyền Pháp trả lại những quyền tự do, dân chủ cơ bản cho người dân Việt Nam, trong đó có cải cách nền pháp lý Đông Dương, thay đổi chế độ sắc lệnh bằng luật pháp, người dân Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền tự do báo chí, tư tưởng, tự do lập hội, tự do cư trú ở nước ngoài, tự do học tập...
Cũng như Cách mạng tháng Mười Nga, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam khẳng định quyền của mỗi người, của mỗi dân tộc, trước hết là quyền về sự chủ động và khả năng làm chủ của bản thân mỗi người, trong đó có quyền lựa chọn về con đường đi của mình và của dân tộc. Con đường giải phóng dân tộc theo khuynh hướng cách mạng vô sản, trước hết là con đường đánh thức và xây dựng ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người dân đối với vận mệnh của đất nước và cá nhân, gắn lợi ích của bản thân, của giai cấp với lợi ích của toàn dân tộc. Đó là cuộc cách mạng với đầy đủ ý nghĩa của nó, nghĩa là một cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc và triệt để. Cuộc cách mạng đó không chỉ giải phóng giai cấp, mà gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội. Các cuộc đấu tranh theo khuynh hướng phong kiến hay tư sản, tiểu tư sản (dù là cải lương hay cách mạng), đều không giải quyết được những yêu cầu đó, mà vấn đề đầu tiên là không giúp cho mỗi người dân tự xác định rõ ý thức về sức mạnh của bản thân. Ý thức về quyền làm chủ của quần chúng lao động trong bước chuyển biến của lịch sử dân tộc Việt Nam được thể hiện qua việc lựa chọn con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội. Chỉ có đi theo con đường đó thì quyền làm chủ của mỗi người cũng như của cả dân tộc mới được bảo đảm, bởi sự thành công của cuộc cách mạng sẽ đem lại “quyền cho dân chúng số nhiều” và “dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật…”.
Trong Tuyên ngôn độc lập đọc trước quốc dân đồng bào vào ngày 02-9-1945, Hồ Chí Minh khẳng định những quyền cơ bản mà tạo hóa ban cho mỗi con người và khép lại bằng lời tuyên bố trịnh trọng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”(4).
Tuyên ngôn độc lập không chỉ là tuyên bố về sự ra đời của một quốc gia có chủ quyền mà còn là tuyên ngôn nhân quyền của Nhà nước Việt Nam, trong đó thừa nhận các quyền cơ bản của con người. Lần đầu tiên, quyền cá nhân được mở rộng thành quyền dân tộc, và quyền con người, sự bình đẳng của mỗi cá nhân được xem xét trong mối quan hệ biện chứng với quyền dân tộc, đó là quyền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ và quyền dân tộc tự quyết. Cũng như nhiều cuộc cách mạng khác trên thế giới, Cách mạng tháng Tám coi quyền con người là quyền tự nhiên, vốn có của mọi người: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(5). Độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ vừa là tiền đề, vừa là điều kiện tiên quyết của chế độ dân chủ, cho việc xác lập và bảo vệ quyền con người. Tuy nhiên, quyền tự nhiên đó của con người được cách mạng ở Việt Nam hiện thực hóa ngay sau khi thành công. Điều này giống như Cách mạng tháng Mười Nga và hoàn toàn khác xa các cuộc cách mạng tư sản Mỹ hay Pháp trước đó.
Lịch sử đã ghi nhận, ngay sau khi cách mạng thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội; thành lập chính phủ; xây dựng và ban hành Hiến pháp, hình thành cơ sở chính trị, pháp lý của Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; các quyền công dân và quyền con người của nhân dân được tôn trọng, bảo vệ. Hiếm có một cuộc cách mạng nào, một đảng chính trị nào lại có thể đồng thời làm được những công việc lớn lao, phức tạp - xây dựng chế độ dân chủ, hệ thống chính trị quốc gia chỉ trong vòng 1 năm như cuộc cách mạng của dân tộc Việt Nam. Từ đây, nền tảng của chế độ dân chủ, nhà nước pháp quyền, các quyền con người của chế độ được tạo dựng vững chắc và trở thành một mục tiêu nhất quán của cách mạng Việt Nam từ khi Cách mạng tháng Tám thành công.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã mở ra một thời đại mới cho dân tộc Việt Nam - thời đại độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhìn từ lăng kính quyền con người, có thể nói, Cách mạng tháng Tám mở ra thời đại quyền dân tộc tự quyết gắn liền với quyền con người được xác lập trên đất nước ta và định hình nên tư tưởng giành độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, tạo tiền đề cho quyền con người của các dân tộc thuộc địa.
Hơn 30 năm kháng chiến chống lại các thế lực thực dân, đế quốc xâm lược hung ác, dân tộc Việt Nam kiên cường đấu tranh trước hết để bảo vệ quyền sống, bảo vệ tự do, nhân phẩm của dân tộc. Trong cuộc đấu tranh trường kỳ này, tất cả người dân Việt Nam phấn đấu cho mục tiêu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - độc lập cho dân tộc và tự do cho nhân dân. Quyền vốn dĩ tự nhiên đó của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam được cộng đồng quốc tế đón nhận như là một trong những tư tưởng lớn của thời đại. Đây là sự đóng góp của Việt Nam trong cuộc đấu tranh để bảo vệ quyền con người của nhân loại trong thế kỷ XX.
Đấu tranh, bảo vệ quyền con người hiện nay
Bước vào thời kỳ đổi mới, tháng 07-1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) ra Chỉ thị số 12-CT/TW khẳng định: “Quyền con người là giá trị chung của nhân loại. Đó là thành quả đấu tranh lâu dài của nhân dân lao động và các dân tộc trên thế giới chống lại mọi áp bức, bóc lột” và “giải phóng con người (trong đó có việc bảo đảm các quyền con người) gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội; chỉ có dưới tiền đề độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thì quyền con người mới có điều kiện được bảo đảm rộng rãi, đầy đủ, trọn vẹn nhất”(6).
Kế thừa các cương lĩnh, đường lối, quan điểm về quyền con người trước đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng tích hợp các giá trị của chế độ dân chủ với quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Trong đó, xác định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội là xây dựng một nước Việt Nam: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ;… con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện;… có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”(7).
Hiến pháp năm 2013 dành Chương II quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” một cách đầy đủ và tương thích với các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người. Điều này không chỉ thể hiện rõ nhận thức về tầm quan trọng của việc tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, mà còn thể hiện khả năng của Đảng và Nhà nước Việt Nam “cập nhật” những thành quả về sự phát triển quyền con người của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, với việc sửa đổi Hiến pháp, Quốc hội cũng đang sửa đổi nhiều luật nhằm bảo đảm có hiệu quả hơn các quyền công dân và quyền con người.
Cùng với quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác quốc tế về quyền con người, Việt Nam sớm gia nhập và cam kết, thực hiện đầy đủ các Công ước quốc tế về quyền con người(8). Số lượng các Công ước mà Việt Nam đã ký kết là khá nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người, Việt Nam ý thức sâu sắc đó là sự cam kết chính trị - pháp lý của Nhà nước trong sự nghiệp bảo vệ quyền con người trước cộng đồng thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia nhiều điều ước quốc tế khác có liên quan đến lĩnh vực bảo vệ quyền con người và luật nhân đạo quốc tế, cũng như các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) liên quan đến việc bảo đảm quyền của người lao động. Có thể nói, đây là mức độ cam kết cao, thể hiện nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
Việt Nam còn nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ bắt buộc liên quan đến xây dựng và đệ trình báo cáo quốc gia về việc thực thi các công ước về quyền con người. Các khuyến nghị từ việc tham gia Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc cũng đem lại nhiều hiệu quả cho Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người ngày càng tốt hơn.
Đặc biệt, với quan điểm thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước đi và từng bước phát triển, Việt Nam chủ trương “quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế trong xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa,... bảo đảm an toàn xã hội, an ninh con người”(9). Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới và là quốc gia đầu tiên ở khu vực ký kết “Công ước quốc tế về quyền trẻ em”. Việt Nam tham gia “Công ước xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử với nữ giới”, “Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật”… Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong xã hội ngày càng được nâng cao. Hệ thống các cơ quan thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ được thiết lập và phát triển ở tất cả các cấp trong toàn quốc. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội (khóa XIV) là 24,4% (nhiệm kỳ 2016 - 2021), tuổi thọ trung bình của phụ nữ năm 2016 đạt 75,6…
Nhiều thành tựu trong phát triển con người của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chỉ số phát triển con người năm 2014 của Việt Nam đạt kết quả tích cực, xếp thứ 116 trong số 188 nước, thuộc thứ hạng trên của nhóm các nước có mức phát triển con người trung bình(10). Chương trình Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) được triển khai về đích nhiều mục tiêu sớm trước thời hạn, như: xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực; phổ cập giáo dục tiểu học (năm 2000); cơ bản hoàn thành mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ; đang nỗ lực thực hiện mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS; đang ở “ngưỡng cửa” hoàn thành mục tiêu giảm tử vong ở trẻ em.
Những nỗ lực phấn đấu và thành quả thực hiện trên lĩnh vực quyền con người trong suốt thời gian qua được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao với việc Việt Nam được bầu làm thành viên Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2001 - 2003, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016.
Việt Nam vẫn là một nước thu nhập trung bình thấp, đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng thường bị thiên tai còn rất nhiều khó khăn. Sự phát triển của Việt Nam còn khoảng cách khá xa so với nhiều nước trong khu vực. Đánh giá này không mới, nhưng rõ ràng nó cho thấy, chặng đường phía trước mà Việt Nam phải vượt qua còn rất dài. Những vấn đề đó ảnh hưởng rất lớn đến việc đấu tranh và bảo vệ quyền con người của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Mặc dù còn nhiều thách thức và bất cập, nhưng có thể nhận thấy rằng, trong điều kiện hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có đủ cơ sở để bảo vệ các quyền con người của mình. Điều này xuất phát từ quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam về quyền con người - quyền tự nhiên và từ thành tựu đạt được của quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế mà một trong những nguyên nhân quan trọng đem lại là đấu tranh, bảo vệ đầy đủ, hiệu quả quyền con người, xem nó như là một động lực của sự phát triển.
Cách mạng tháng Mười Nga giành thắng lợi đã đi vào lịch sử nhân loại như một bản anh hùng ca của những ai tha thiết với số phận các dân tộc bị áp bức, những người nô lệ lầm than trên Trái đất, của hòa bình và tiến bộ xã hội. Với cuộc cách mạng này, quyền con người chuyển sang một thời đại mới - thời đại đấu tranh, bảo vệ quyền con người gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Đối với Việt Nam, với tư tưởng “lấy dân làm gốc”, “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” từ quá trình hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, giá trị về quyền của con người từ cuộc Cách mạng tháng Mười Nga đem lại cảm hứng, định hướng và là động lực cho thành công của Cách mạng tháng Tám cũng như cho sự vận động, phát triển của cách mạng Việt Nam hiện nay và mai sau./.
-------------------------------------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 2, tr. 137
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 2, tr. 219
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 2, tr. 280
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 4, tr. 4
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t. 4, tr.1
(8) Đó là: Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị, gia nhập ngày 24-9-1982; Công ước về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa gia nhập ngày 24-9-1982; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, ký kết ngày 29-7-1980, phê chuẩn ngày 17-2-1982; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, gia nhập ngày 09-6-1982; Công ước về Quyền Trẻ em, ký kết ngày 26-1-1990, phê chuẩn ngày 28-2-1990 (Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới và là nước châu Á đầu tiên tham gia Công ước); Công ước về Quyền của Người khuyết tật, ký ngày 22-11-2007 và phê chuẩn ngày 05-2-2015; Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, ký ngày 07-11-2013 và phê chuẩn ngày 05-2-2015.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 135
(10) UNDP: Tăng cường vì con người (Báo cáo phát triển con người 2015 về tăng trưởng bao trùm), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2016, tr. 21.
Thủ tướng dự các Hội nghị Cấp cao ASEAN với các Đối tác  (14/11/2017)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 06 đến 12-11-2017)  (14/11/2017)
Xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả theo tư tưởng Hồ Chí Minh  (14/11/2017)
Xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả theo tư tưởng Hồ Chí Minh  (14/11/2017)
- Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia: Động lực quan trọng để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc tại Cộng hòa Séc
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư gặp mặt các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm