Hà Nội: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong cải cách hành chính
TCCS - Chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng của cải cách hành chính. Hà Nội xác định phương châm chuyển đổi số, cải cách hành chính là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, qua đó tạo được tính đột phá, hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Chú trọng phát triển dịch vụ công trực tuyến
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU, ngày 30-12-2022, của Thành ủy Hà Nội về Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết số 18 và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ (số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020, phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; số 942/QĐ-TTg, ngày 15-6-2021, phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; số 411/QĐ-TTg, ngày 31-3-2022, phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030), thành phố Hà Nội đã cụ thể hóa, xác định rõ nội dung công việc gắn với phân công nhiệm vụ cụ thể và trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trên toàn thành phố. Tính đến tháng 11-2023, theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, thành phố đã cung cấp 1.867 dịch vụ công trực tuyến, trong đó 492 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 1.492 dịch vụ công trực tuyến một phần. Các dịch vụ công mà người dân, doanh nghiệp được miễn phí, lệ phí sử dụng khi thực hiện theo phương thức trực tuyến gồm 82 dịch vụ thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành phố. Cụ thể như các dịch vụ: Cấp phép xây dựng mới đối với nhà ở riêng lẻ của nhân dân (thuộc đối tượng phải có giấy phép); cấp phép xây dựng mới với các công trình khác; gia hạn giấy phép xây dựng; cấp mới đăng ký kinh doanh; chứng nhận thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh; cấp bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận thay đổi đăng ký kinh doanh hoặc bản trích lục nội dung đăng ký kinh doanh; cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh... Thời gian áp dụng quy định miễn phí, lệ phí khi người dân, tổ chức sử dụng các dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội sẽ kéo dài từ nay đến hết tháng 12-2025.
Sau khi được chọn làm điểm trong việc triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Hà Nội đặt mục tiêu đi đầu về xử lý toàn bộ hồ sơ trên môi trường mạng, 100% số thủ tục hành chính có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến được triển khai trên nhiều phương tiện hiện đại. Để đạt mục tiêu này, thành phố xác định việc tuyên truyền, khuyến khích, động viên người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến là việc cần thiết, cấp bách. Cùng với đó, các thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến sẽ dần được cải thiện, nâng cấp để công dân có thể thực hiện dễ dàng và thuận tiện các thủ tục hành chính trên mạng internet mà không phải đến giao dịch trực tiếp; công dân có thể theo dõi tình trạng hồ sơ trên cổng dịch vụ công, qua tin nhắn điện thoại, email.
Nhằm tạo thuận tiện cho người dân trong giao dịch trực tuyến, trong đó có việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành tích cực triển khai việc cung cấp miễn phí chữ ký số cá nhân cho người dân tại bộ phận một cửa của các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã. Đến nay, toàn thành phố cấp được hơn 10.000 chữ ký số cá nhân cho người dân Hà Nội. Hà Nội cũng là một trong những địa phương đầu tiên bảo đảm đầy đủ các điều kiện và kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.
Thành phố đã đưa vào vận hành chính thức 4 hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung quan trọng, gồm: Hệ thống thông tin báo cáo thành phố; hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung thành phố; kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và doanh nghiệp qua ứng dụng Zalo; ứng dụng quản lý cuộc họp Ban cán sự Đảng, Ủy ban nhân dân thành phố và sẵn sàng kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu với các bộ, ngành trung ương và Chính phủ. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố được vận hành chính thức từ ngày 11-4-2023. Tính đến nay, đã triển khai xong cho các đơn vị sở, ban, ngành, 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn sử dụng hệ thống phần mềm để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại địa phương. Thành phố đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình của Đề án 06, đạt 100%. Có 9/25 dịch vụ công thiết yếu được tiếp nhận và giải quyết hoàn toàn trực tuyến, không có hồ sơ tiếp nhận trực tiếp. Đáng chú ý, việc khai thuế điện tử đã được áp dụng phổ biến với 99,5% số doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 99,1% số doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử. Thành phố có hơn 4,7 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế được đồng bộ, xác thực dữ liệu với căn cước công dân, có thể sử dụng để đi khám chữa bệnh; 100% số cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ bảo hiểm y tế. Toàn thành phố đã kích hoạt 4.220.601/6.220.864 tài khoản định danh điện tử, đạt 67,8%.
Thành phố Hà Nội xác định công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ phải được triển khai một cách tổng thể, toàn diện nhưng phải ưu tiên chất lượng hơn số lượng. Vì nguồn nhân lực, vật lực có hạn nên cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên không dàn trải; chất lượng là yếu tố then chốt để huy động sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Chuyển đổi số và Đề án 06 của thành phố đề nghị phải ưu tiên phát triển dữ liệu, ưu tiên phát triển các dịch vụ công trực tuyến gắn với đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có đối tượng bao phủ lớn. Bởi làm tốt một số dịch vụ công trực tuyến lớn sẽ mang lại giá trị, tiết kiệm thời gian chi phí thì hàng triệu người dân, doanh nghiệp sẽ tích cực tham gia. Một số dịch vụ công trực tuyến lớn thành công là kinh nghiệm, nền tảng quan trọng xây dựng hệ sinh thái công dân số quốc gia.
Bên cạnh đó, các đơn vị tập trung nghiên cứu phát triển các nền tảng, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia. Các cơ sở dữ liệu là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh theo mục tiêu, phương hướng Nghị quyết số 18 đã đề ra phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa các đơn vị của thành phố, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư. Hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung toàn thành phố để kết nối, chia sẻ phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, ưu tiên bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin. Các tổ công tác 06 tại các thôn, bản, tổ dân phố đã phát huy vai trò tích cực, thường xuyên, là lực lượng nòng cốt đặc biệt trong công tác truyền thông, vận động và hướng dẫn công dân về các lợi ích của Đề án, đồng thời là đội ngũ hỗ trợ tích cực trong việc triển khai các nội dung liên quan đến làm sạch dữ liệu như: Dữ liệu trẻ em, người có công (ngành lao động - thương binh và xã hội); dữ liệu của các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh...), lực lượng xung kích tình nguyện hỗ trợ về công nghệ thông tin, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến, tổ công nghệ cộng đồng (Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, các tổ dân phố).
Những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới
Về quan điểm chuyển đổi số, cải cách hành chính thực chất, hiệu quả, thành phố Hà Nội xác định phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, liên tục đổi mới từ tư duy, nhận thức, hành động cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Theo đó, cần huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tổ chức triển khai 3 trụ cột là cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 tại từng sở, ngành, ủy ban nhân dân các cấp phải đi vào thực chất, mang lại giá trị thiết thực cho chính quyền, người dân, doanh nghiệp gắn với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp. Các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tập trung quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện cải cách hành chính, Chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 với quan điểm “Chuyển đổi số quốc gia là công việc rất lớn, rất chiến lược, nhưng phải bắt đầu từ những hành động cụ thể, mục tiêu cụ thể, làm việc nào dứt điểm việc đó”. Rà soát, tham mưu cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí theo chỉ đạo của Chính phủ.
Cùng với đó, bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của bộ, ngành chủ quản trong việc thực hiện các nhiệm vụ về số hóa, làm giàu dữ liệu, đặc biệt tập trung các dữ liệu về hộ tịch, tài nguyên và môi trường, xây dựng, y tế, giáo dục, an sinh xã hội; số hóa, xây dựng các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố. Các đơn vị của thành phố tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Muốn làm được điều đó, các sở, ngành cần thực hiện tái cấu trúc quy trình các thủ tục hành chính để thực hiện xây dựng các dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ công trực tuyến đã được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố để tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, giấy tờ công dân theo thẩm quyền, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bảo đảm thực chất, hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết hợp với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đẩy mạnh khai thác các nền tảng số, cơ sở dữ liệu chuyên ngành gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử; sớm triển khai cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội để nắm bắt tình hình người lao động bị mất việc làm, người đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm; triển khai các ứng dụng công nghệ trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đặc biệt, cần phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai Đề án 06 nói riêng, cải cách hành chính và chuyển đổi số nói chung. Người đứng đầu các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phải thường xuyên trực tiếp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, sản phẩm của thành phố; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06./.
Vành đai 4 – Hiện thực hóa mục tiêu mở rộng không gian phát triển Thủ đô, thúc đẩy kết nối liên vùng (Kỳ 1)  (11/10/2023)
Xây dựng chính quyền số, thúc đẩy cải cách hành chính Thủ đô Hà Nội - Nhìn từ phương diện ba chủ thể  (16/09/2023)
Lễ khai mạc trọng thể Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9  (15/09/2023)
Hà Nội tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho ngành y tế  (08/09/2023)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên