Cơ cấu lại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam: Kết quả và những gợi mở
TCCS - Trên thế giới hiện nay, doanh nghiệp nhà nước vẫn có vai trò, đóng góp quan trọng trong nền kinh tế và sự phát triển của hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên, việc quản trị các doanh nghiệp này đang đứng trước nhiều vấn đề nan giải. Ở Việt Nam, để tìm kiếm những giải pháp thiết thực, khả thi cho quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, việc tìm hiểu quá trình này ở một doanh nghiệp có đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là rất cần thiết.
Kết quả cơ cấu lại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thời gian qua
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), tiền thân là Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, được thành lập ngày 3-9-1975. Đây là một trong những tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn nhất của Việt Nam hiện nay và là doanh nghiệp nhà nước duy nhất hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí. Hiện nay, 5 lĩnh vực kinh doanh chính của PVN là tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; công nghiệp khí; công nghiệp điện; chế biến dầu khí, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí; dịch vụ dầu khí. PVN còn có nhiều ưu thế về nhiệt điện khí khi sở hữu các nhà máy điện có công nghệ hiện đại, hiệu suất cao và đang vận hành ổn định, hiệu quả, cùng với những thế mạnh xây dựng các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi… Qua đó, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và đóng góp thiết thực vào bảo đảm an sinh xã hội.
Những năm qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển ngành dầu khí(1), xuất phát từ chính những nhu cầu nội tại trong quá trình phát triển, PVN đã từng bước triển khai lộ trình cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao chất lượng quản trị, điều hành doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước, tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị doanh nghiệp hiện đại. Qua đó, cơ cấu tổ chức của Công ty mẹ - PVN từng bước được kiện toàn theo hướng tinh gọn. Giai đoạn 2016 - 2020, số lượng thành viên Ban Tổng Giám đốc giảm từ 10 xuống còn 5 thành viên, số lượng các ban, văn phòng giảm từ 24 xuống còn 17 ban, văn phòng. Chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, quy trình, quy chế nội bộ cũng được hoàn thiện để phù hợp với mô hình tổ chức mới. Tập đoàn còn chỉ đạo các đơn vị thành viên xây dựng và hoàn thiện các đề án cơ cấu lại bảo đảm tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động; đồng thời, thực hiện phê duyệt đề án cơ cấu, sắp xếp lại của các đơn vị theo đúng thẩm quyền được giao.
Đến năm 2020, PVN hoàn thành cổ phần hóa 3 đơn vị thành viên theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1182/TTg-ĐMDN, ngày 11-8-2017, “Về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp thuộc tập đoàn thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020”(2). Số tiền thặng dư ngay sau khi bán cổ phần được nộp đầy đủ về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp của Nhà nước. Căn cứ danh mục doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, giai đoạn 2017 - 2018, PVN hoàn thành thoái vốn tại 2 đơn vị(3), với số tiền thặng dư khoảng 1.000 tỷ đồng; phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thành xây dựng phương án thoái vốn, thuê tổ chức thẩm định giá xác định giá khởi điểm để thoái toàn bộ phần vốn góp của PVN tại 4 đơn vị khác. Đồng thời, chủ động, tích cực trong việc xử lý đối với các doanh nghiệp, dự án bị đình trệ, kinh doanh thua lỗ(4).
Cơ cấu vốn đầu tư của PVN dần được điều chỉnh theo hướng tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính, không mở rộng kinh doanh đa ngành. Xây dựng các chuỗi liên kết chặt chẽ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn, giữa Tập đoàn và các đơn vị thành viên, giữa các đơn vị thành viên với nhau để tập trung nguồn lực, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Xây dựng kế hoạch, thực hiện các giải pháp cơ cấu tài chính, các phương án huy động và sử dụng nguồn vốn trong chiến lược tổng thể cũng như trong từng giai đoạn cụ thể. Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đầu tư, mua sắm, quản lý tài chính, phân phối thu nhập…
Qua quá trình cơ cấu lại, hiệu quả quản trị của PVN theo mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước được nâng cao và tiếp cận với các thông lệ quản trị hiện đại trên thế giới; huy động được nguồn lực từ một số doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp khu vực tư nhân để phát triển. Với đặc thù của ngành và thế mạnh của một tập đoàn kinh tế lớn, PVN là một trong những đơn vị chủ động trong ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp; xây dựng được Chiến lược chuyển đổi số và triển khai ứng dụng số trong các hoạt động quản lý, quản trị và điều hành sản xuất, kinh doanh; công bố Bộ Quy chế quản trị nội bộ Tập đoàn theo dạng sách điện tử (e-book). Công tác nghiên cứu ứng dụng được triển khai tương đối đều đặn thông qua các ban của Tập đoàn, các đơn vị nghiên cứu khoa học (như Viện Dầu khí Việt Nam) hoặc liên kết với Hội Dầu khí Việt Nam, các cơ sở giáo dục đại học ở trong nước, các đơn vị thành viên… Thời gian qua, PVN vinh dự được nhận 5 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 3 Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; có 18 bằng sáng chế và 14 sản phẩm nghiên cứu được thương mại hóa…
Cùng với quá trình cơ cấu lại, số lượng lao động của PVN cũng giảm dần qua các năm. PVN rất chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên, xây dựng đội ngũ người lao động dầu khí có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, làm chủ được các hoạt động dầu khí ở trong nước và ở nước ngoài. Hiện nay, số cán bộ, nhân viên, người lao động có trình độ học vấn từ đại học trở lên trong toàn Tập đoàn chiếm tỷ lệ gần 60%.
Với những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện cơ cấu lại, giá trị tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của PVN qua các năm có sự gia tăng. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế cũng tăng trưởng tốt. Năm 2020, PVN được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nâng mức triển vọng xếp hạng từ ổn định lên tích cực; đánh giá xếp hạng tín dụng độc lập (SCP) ở mức BB+ (đứng đầu trong các doanh nghiệp nhà nước được xếp hạng). Hiện nay, PVN giữ vững thị phần của mình tại các lĩnh vực sản xuất chủ lực, cung cấp 75 - 80% nhu cầu dầu thô cho sản xuất, 100% thị phần khí thô và khoảng 70% thị phần khí đốt hóa lỏng toàn quốc; 70 - 75% sản phẩm cho thị trường u-rê trong nước; sản xuất và cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 10 - 15% tổng sản lượng điện toàn quốc; chiếm 17% thị phần phân phối xăng dầu trong nước, chỉ đứng thứ hai sau Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)…
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình cơ cấu lại của PVN thời gian qua còn không ít khó khăn. Giai đoạn 2016 - 2020, doanh thu và lợi nhuận sau thuế giảm đáng kể so với giai đoạn trước đó. Mô hình tổ chức quản lý chưa thật tinh gọn; việc quản lý danh mục đầu tư chưa bài bản và chuyên nghiệp, dẫn đến một số dự án chưa hiệu quả. Năng lực quản trị của PVN vẫn chưa theo kịp các doanh nghiệp dầu khí trong khu vực, chậm được đổi mới để ứng phó kịp thời với các biến động của thị trường và những rủi ro. Mức độ hoàn thiện hệ thống quản trị nguồn nhân lực dựa trên mô hình BSC (Balanced Scorecard) - mô hình được nhiều doanh nghiệp dầu khí áp dụng, PVN mới chỉ ở cấp độ 2/5, trong khi các doanh nghiệp dầu khí nước ngoài đạt cấp độ 3 - 4/5. Nguồn nhân lực của PVN nếu so sánh với trình độ nhân lực quốc tế thì còn có khoảng cách nhất định.
Từ phía khách quan, nguyên nhân của điều này bắt nguồn từ biến động của tình hình thế giới, gần đây nhất là cuộc xung đột Nga - U-crai-na, tình hình Biển Đông, giá dầu trên thế giới (giảm sâu suốt từ năm 2016 đến năm 2020) và đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và thị trường tiêu thụ các sản phẩm dầu khí. Các nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt khiến cho công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí đứng trước nhiều thách thức do chi phí cao và nhiều rủi ro, trong khi chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực hoạt động dầu khí của nước ta có những quy định chưa hấp dẫn so với các nước trong khu vực.
Về mặt thể chế, nhiều quy định mới về công tác sắp xếp, cơ cấu lại, thoái vốn hiện nay theo hướng thắt chặt để kiểm soát tốt hơn quá trình cơ cấu lại, nhưng phần nào làm cho tiến độ thực hiện cơ cấu lại bị chậm, thiếu kịp thời. Đối với PVN, việc cơ cấu lại Tập đoàn được phê duyệt theo Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, ngày 8-3-2018, “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp”, theo đó, cơ quan đại diện chủ sở hữu phê duyệt danh mục vốn đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên của doanh nghiệp nhà nước phải chuyển nhượng trong quyết định phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Thủ tướng Chính phủ(5). Tuy nhiên, cho đến nay, đề án về cơ cấu lại của PVN vẫn chưa được phê duyệt để làm căn cứ, cơ sở cho quá trình tổ chức thực hiện. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp cần thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn là các doanh nghiệp lớn hoặc là các doanh nghiệp có tình hình tài chính phức tạp, kinh doanh thua lỗ, cần sớm được xử lý. Một số quy định lại khiến cho việc thực hiện dự án đầu tư trong ngành còn gặp nhiều khó khăn, như phân cấp thẩm quyền phê duyệt còn thấp, bổ sung nguồn lực để doanh nghiệp tái đầu tư sau cơ cấu lại còn hạn chế(6)…
Từ phía chủ quan, có thể thấy, mặc dù cơ cấu lại không chỉ xuất phát từ phía yêu cầu của quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, mà còn xuất phát từ nhu cầu nội tại của chính PVN và các đơn vị thành viên, tuy nhiên công tác lập kế hoạch cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua còn bị động. Phân bổ chi phí ở một số đơn vị chưa phù hợp hoặc kinh doanh thua lỗ. Cùng với đó, có những đơn vị của PVN thuộc danh mục thoái vốn đang bị các cơ quan bảo vệ pháp luật thanh tra, điều tra vì những vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản doanh nghiệp. Một số cán bộ cấp cao của PVN bị điều tra, khởi tố vì những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong giai đoạn 2015 - 2017 khiến cho công tác lãnh đạo, điều hành sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Công tác dự báo, phân tích, đánh giá thị trường để phục vụ cho hoạt động lãnh đạo, quản lý còn bị động, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ…
Những gợi mở cho quá trình cơ cấu lại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thời gian tới
Hiện nay, xu hướng hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự hội tụ của một loạt công nghệ mới (như trí tuệ nhân tạo, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây, dữ liệu lớn,...) đang tác động nhiều mặt tới đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong quan hệ kinh doanh và thương mại quốc tế, yêu cầu vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường hiện đại, đầy đủ, hội nhập vẫn là yêu cầu cơ bản. Ở nước ta, trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế luôn được Đảng ta khẳng định một cách nhất quán, đồng thời từng bước làm rõ các nội dung và lộ trình thực hiện cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, thực hiện “cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng tập trung vào những lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh; lành mạnh hóa tài chính, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị hiện đại theo chuẩn mực quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước”(7).
Đối với PVN, là một trong những doanh nghiệp nhà nước hàng đầu Việt Nam, xu hướng hội nhập quốc tế cùng với vị thế, uy tín quốc gia ngày càng nâng lên đã tạo ra nhiều cơ hội để gia nhập thị trường quốc tế một cách mạnh mẽ. Bối cảnh thị trường vốn quốc tế và trong nước ngày càng rộng mở là điều kiện để huy động vốn phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, tình hình quốc tế, đặc biệt là cuộc xung đột Nga - U-crai-na gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều dự án điện và dầu khí đang triển khai. Giá dầu tăng cao mang lại thuận lợi cho ngành khai thác dầu khí, nhưng lại làm gia tăng chi phí cho hầu hết các ngành sản xuất khác. Sức ép lạm phát, tỷ giá và nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng là những thách thức hết sức hiện hữu. Bên cạnh đó, cùng với những cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP 26), xu thế chuyển dịch năng lượng trên thế giới làm thay đổi xu thế đầu tư vào phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch… Sự phát triển của khoa học và công nghệ cũng đòi hỏi PVN phải thực thi đồng bộ các giải pháp về số hóa, tiến tới chuyển đổi số thành công và nâng cao hiệu quả quản trị.
Thực tiễn cơ cấu lại của PVN thời gian qua là một biểu hiện sinh động, giúp nhận diện được phần nào những hạn chế, khó khăn, đồng thời chỉ dẫn, gợi mở nhiều giải pháp để việc cơ cấu lại của Tập đoàn thời gian tới đạt hiệu quả, chất lượng hơn. Theo đó, một số giải pháp cụ thể có thể đưa ra là:
Thứ nhất, không ngừng hoàn thiện khung khổ pháp lý theo hướng toàn diện, đồng bộ, thống nhất và tổ chức thực thi pháp luật nghiêm minh để làm cơ sở cho việc cơ cấu lại.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nói chung, PVN nói riêng(8). Hệ thống pháp luật về kinh doanh và cạnh tranh từng bước được hoàn thiện, là tiền đề để tăng cường quản trị doanh nghiệp nhà nước theo hướng hiện đại và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đặc biệt, quy định về kiện toàn tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu theo thông lệ quốc tế đã được ban hành. Công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý doanh nghiệp nhà nước và các dự án yếu kém dần hướng tới nguyên tắc thị trường.
Đối với ngành dầu khí, ngày 14-11-2022, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để đẩy mạnh cơ cấu lại ở PVN và các doanh nghiệp nhà nước trong ngành. Tuy nhiên, cần sớm ban hành hệ thống văn bản dưới luật để quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể về từng nội dung của Luật, bảo đảm việc áp dụng Luật một cách thống nhất. Đặc biệt, để làm cơ sở cho việc cơ cấu lại PVN, điều kiện tiên quyết hiện nay là đề án cơ cấu lại phải được sự phê duyệt của các cấp có thẩm quyền. Bản thân PVN cũng cần chủ động, tích cực chuẩn bị đầy đủ các điều kiện bảo đảm để sau khi đề án được phê duyệt, có thể lập tức triển khai thực hiện trong thực tế.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành theo hướng tách bạch triệt để chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước. Bảo đảm nguyên tắc công bằng trong quy định về hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Phân định rõ nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ chính trị - xã hội của các doanh nghiệp nhà nước, gắn với cơ chế tài chính phù hợp. Nâng cao các yêu cầu về công bố thông tin, thực hiện công khai, minh bạch trong quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Bảo đảm để không chỉ PVN, mà mọi đối tượng chịu tác động của quá trình cơ cấu lại đều được biết, được tham gia và giám sát quá trình ban hành và thực thi các phương án cơ cấu lại. Các cơ quan khi ban hành quyết định về cơ cấu lại phải có trách nhiệm giải trình về mục đích ban hành, tác động xã hội và phải chịu trách nhiệm về hậu quả của các quyết định đó.
Nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các quy định về tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước nói chung, PVN nói riêng theo hướng tạo điều kiện để các doanh nghiệp này có thể áp dụng nguyên tắc thị trường trong chế độ trả lương. Tách đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành doanh nghiệp nhà nước ra khỏi chế độ viên chức, công chức. Bổ sung quy định về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của chính cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại PVN và các doanh nghiệp dựa trên mức độ hoàn thành các chỉ tiêu về nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như tính đúng đắn, liêm chính của các quyết định mà cơ quan này đưa ra…
Thứ hai, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, nhất là ở những đơn vị không thuộc các lĩnh vực then chốt, địa bàn quan trọng.
Việc cơ cấu lại sở hữu nhà nước thông qua thực hiện các nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn là điều kiện quan trọng để Nhà nước có thể tập trung vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ở những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng, quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế. Đối với PVN, đặc thù lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn có ý nghĩa, vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhiều dự án, hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của PVN còn được triển khai ở những địa bàn quan trọng, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Do đó, quá trình cơ cấu lại PVN cần tập trung củng cố, phát triển các đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực chủ đạo để tăng cường nguồn lực tài chính, khoa học và công nghệ, xây dựng thành công chuỗi giá trị gia tăng của ngành dầu khí, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế. Giữ vững vị trí là nhà cung cấp khí, khí hóa lỏng (LPG) hàng đầu Việt Nam; đẩy mạnh phát triển hóa dầu, chế biến sâu các sản phẩm khí và dịch vụ dầu khí chất lượng cao; phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng, bảo vệ môi trường. Giảm tối đa và tiến tới thoái toàn bộ vốn của Nhà nước ở các đơn vị không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính. Bên cạnh đó, có thể nghiên cứu tập trung nguồn lực để xây dựng một số đơn vị thuộc lĩnh vực kinh doanh chính của PVN có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường khu vực và thế giới. Thực hiện nhất quán nguyên tắc thị trường trong việc thoái vốn nhà nước ở những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối. Bản thân PVN và các đơn vị thành viên cũng cần chủ động xây dựng các phương án khả thi và tích cực phối hợp với các cấp có thẩm quyền để xử lý có hiệu quả các dự án, công trình chậm tiến độ và các đơn vị trực thuộc làm ăn thua lỗ…
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, gia tăng áp lực trách nhiệm đối với người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước và các chức danh lãnh đạo, quản lý ở PVN và các đơn vị trực thuộc về kết quả cổ phần hóa, thoái vốn. Có cơ chế rõ ràng để xử lý trách nhiệm và thay thế kịp thời các vị trí, chức danh này khi PVN cũng như các đơn vị trực thuộc kinh doanh thua lỗ, không bảo toàn và phát triển được nguồn vốn nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước ở PVN và các đơn vị trực thuộc có vốn nhà nước, không để xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí. Thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch thông tin và huy động sự tham gia, giám sát của nhiều chủ thể, nhất là các tổ chức chính trị - xã hội đối với quá trình này.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trên cơ sở tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế.
PVN là một trong 7 doanh nghiệp nhà nước được đề xuất tham gia Đề án Phát triển doanh nghiệp nhà nước, với vai trò mở đường, dẫn dắt trong lĩnh vực năng lượng. Cũng như các doanh nghiệp nhà nước khác, PVN có "nhiệm vụ kép" trong nền kinh tế, đó là nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ chính trị - xã hội.
Nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của PVN chịu sự chi phối bởi các quy luật khách quan của cơ chế thị trường và hiệu quả hoạt động chính là lợi nhuận đạt được. Tuy nhiên, với nhiệm vụ chính trị - xã hội (như thực hiện an sinh xã hội, đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo…), hiệu quả phục vụ xã hội và đóng góp cho sự phát triển của đất nước lại chính là thước đo. Để làm tốt hai nhiệm vụ này và đáp ứng nhu cầu phát triển từ nội tại, bản thân PVN và các đơn vị thành viên cần chủ động xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh, triển khai cơ cấu lại để thực hiện chuyên môn hóa, phân công, hợp tác hợp lý, không đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực. Thực hiện sáp nhập, hợp nhất các đơn vị thành viên kinh doanh cùng ngành, nghề, tránh sự cạnh tranh nội bộ. Đây là một trong những nội dung quản trị đặc biệt quan trọng đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có số lượng đơn vị thành viên lớn như PVN. Cùng với đó, cần đổi mới công tác quản lý, quản trị, điều hành doanh nghiệp trên tất cả các mặt phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Nâng cao năng lực dự báo, quản trị rủi ro. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Tăng cường quản trị dòng tiền, vốn bằng tiền để bảo đảm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Quản lý chặt chẽ các khoản phải thu; thúc đẩy công tác thanh toán nợ, chủ động áp dụng các biện pháp phù hợp để thu hồi công nợ đến hạn, có biện pháp xử lý dứt điểm các khoản nợ quá hạn, nợ tồn đọng lâu ngày, nợ không có khả năng thu hồi… Quản trị các khoản đầu tư phù hợp với chiến lược phát triển. Nâng cao chất lượng quản trị nguồn nhân lực, nhất là sắp xếp lại và nâng cao chất lượng đội ngũ lao động kỹ thuật với số lượng hợp lý, trình độ, kỹ năng nghề đáp ứng được yêu cầu của công nghệ, dây chuyền sản xuất,…
Kiện toàn mô hình tổ chức của PVN phù hợp với mục tiêu phát triển và quy hoạch phát triển ngành dầu khí. Xác định rõ nhiệm vụ của công ty mẹ và các đơn vị thành viên trong Tập đoàn, từ đó hoàn thiện bộ máy quản lý, điều hành với cấu trúc, quy mô phù hợp với yêu cầu công việc. Tập trung các đầu mối, giảm tầng nấc trung gian trong việc xử lý, giải quyết các công việc cũng như trong quá trình ra quyết định. Phân định rõ trách nhiệm của từng ban, bộ phận để tránh chồng chéo.
Để làm cơ sở và nâng cao hiệu quả quản trị của PVN, Nhà nước, một mặt, cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với doanh nghiệp này, là nhà đầu tư, chủ sở hữu, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm với các nhà đầu tư khác trong doanh nghiệp; mặt khác, cần tôn trọng tính độc lập trong việc thực hiện quyền và trách nhiệm của các thiết chế quản trị trong doanh nghiệp (như Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc…). Bên cạnh đó, nên nghiên cứu, vận dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp nhà nước của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vào quản trị doanh nghiệp phù hợp với điều kiện nước ta. Xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống đánh giá hiệu quả quản lý áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt tại doanh nghiệp và người đại diện theo ủy quyền tại các doanh nghiệp thành viên. Trong đó, xác định rõ các tiêu chí cụ thể làm cơ sở cho việc đánh giá các chức danh; đồng thời, có cơ chế khuyến khích, động viên kịp thời những người hoàn thành tốt nhiệm vụ và có cơ chế xử lý vi phạm, bảo đảm đúng người, đúng việc, đúng mức độ, không có ngoại lệ.
Thứ tư, nâng cao trình độ công nghệ và kỹ thuật sản xuất hiện đại.
Với lợi thế là doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động trong lĩnh vực đặc thù, PVN cần tập trung đầu tư nâng cấp công nghệ, từng bước tiếp cận nghiên cứu chế tạo công nghệ mới, tăng cường ứng dụng dây chuyền tự động trong các ngành kinh doanh chính. Đối với những đơn vị thành viên của PVN, tùy theo lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và năng lực nội tại, cần xây dựng và thực hiện chiến lược nâng cấp công nghệ, tham gia chuỗi giá trị kinh tế số… Đối với những đơn vị có quy mô nhỏ, nên từng bước cơ cấu lại sản phẩm dịch vụ và lao động, chuẩn hóa toàn bộ chuỗi sản xuất, tăng cường đầu tư cho lao động tay nghề cao.
PVN và các doanh nghiệp nhà nước cũng cần chủ động triển khai nghiên cứu ứng dụng, đầu tư đổi mới công nghệ, sản phẩm, dịch vụ; từng bước nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường. Thay thế dần các thiết bị, công nghệ tiêu tốn nhiều năng lượng, nguyên liệu, vật liệu và các sản phẩm không thân thiện với môi trường để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, để khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy quá trình này, Nhà nước có thể tài trợ một phần kinh phí cho PVN để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng trên cơ sở đánh giá sự cần thiết, tính khả thi./.
---------------------------
(1) Như Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 23-7-2015, của Bộ Chính trị, “Về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”; Quyết định số 1748/QĐ-TTg, ngày 14-10-2015, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam”…
(2) Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR)
(3) Công ty cổ phần Bất động sản dầu khí Việt Nam (SSG), Công ty trách nhiệm hữu hạn Hóa dầu Long Sơn (LSP)
(4) Phối hợp với các đối tác vận hành lại Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ; xử lý các vấn đề của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất…
(5) Theo nội dung sửa đổi, bổ sung đối với khoản 3, Điều 31 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014
(6) Hiện nay, hầu hết các dự án dầu khí đều phải xin Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Điểm e, khoản 3, Điều 31 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP, ngày 13-10-2015, của Chính phủ, “Về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp” quy định: lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ được nộp về ngân sách nhà nước. Khoản 4, Điều 44 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, ngày 16-11-2017, của Chính phủ, “Về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần” quy định: Tiền thu từ bán cổ phần của doanh nghiệp cấp II theo quyết toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt sau khi trừ giá vốn (giá trị theo sổ sách) của số cổ phần bán ra, chi phí cổ phần hóa, chi phí giải quyết chế độ cho người lao động dôi dư, chi phí ưu đãi cho người lao động, nghĩa vụ thuế (nếu có) theo quy định, số tiền còn lại nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định của cấp có thẩm quyền
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 122
(8) Các nghị quyết của Đảng như: Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 23-7-2015, của Bộ Chính trị, “Về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam”; Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 3-6-2017, của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, “Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11-2-2020, của Bộ Chính trị, “Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”… Các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như Quyết định số 1748/QĐ-TTg, ngày 14-10-2015, của Thủ tướng Chính phủ, “Về Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”; Quyết định số 1749/QĐ-TTg, ngày 14-10-2015, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”; Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg, ngày 2-7-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021 - 2025”; Nghị quyết số 68/NQ-CP, ngày 12-5-2022, của Chính phủ, “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong phát triển kinh tế - xã hội”; Quyết định số 360/QĐ-TTg, ngày 25-10-2017, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025”…
BSR xuất bán các lô sản phẩm nhiên liệu quốc phòng đầu tiên  (30/11/2022)
Nâng cao hiểu biết, nhận thức của cán bộ, nhân viên Petrovietnam về những điểm mới trong Luật Dầu khí (sửa đổi)  (29/11/2022)
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu không ai đứng ngoài cuộc  (28/11/2022)
Tự hào người thợ lọc dầu Dung Quất  (27/11/2022)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên