Phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, phục hồi sản xuất, kinh doanh
TCCS - Nhằm phục hồi và phát triển kinh tế Thủ đô sau đại dịch COVID-19, Hà Nội đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thương mại theo hướng thay đổi phương thức phù hợp với thực tiễn, tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Đa dạng các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại
Để phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch số 298/KH-UBND, ngày 24-12-2021 về kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Kế hoạch yêu cầu các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chủ động nắm sát tình hình, tăng cường phối hợp, đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, ổn định, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng song song với các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Trên cơ sở đó, ngày 7-2-2022, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBND về tổ chức Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2022. Nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch cũng tập trung vào mục tiêu tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển các loại hình kinh doanh đa dạng, thông minh, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, hướng đến thị trường tiêu dùng thông minh và kết nối nhanh hơn giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế lĩnh vực công nghiệp - thương mại - dịch vụ và du lịch.
Theo đó, nhiều chuỗi sự kiện, chương trình khuyến mại lớn đã và đang được thành phố Hà Nội tổ chức, thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia. Lễ khai mạc Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội và Tuần hàng Việt năm 2022 do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức ngày 28-4-2022 tại công viên Thống Nhất, quận Hai Bà Trưng đã chính thức phát động chương trình khuyến mại tập trung quy mô lớn, với mức giảm giá, khuyến mại lên tới 100% tại hơn 2.000 điểm bán hàng khuyến mại của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia. Tất cả các điểm bán hàng sử dụng dấu hiệu nhận biết của chương trình để tạo hiệu ứng đồng bộ, dễ nhận diện dành cho người tiêu dùng khi tham gia vào hoạt động khuyến mại xuyên suốt trên toàn địa bàn thành phố. Ngay sau đó, nhiều hoạt động được tiếp nối, như tổ chức khu trưng bày kích cầu “Hà Nội Xanh - Kết nối Xanh” năm 2022 với chủ đề “Hà Nội điểm đến xanh”, khu trưng bày “Tuần hàng Việt” có các sản phẩm tiêu dùng gắn với du lịch để tạo cơ hội thúc đẩy sự phục hồi của du lịch nội địa và các sản phẩm dịch vụ phục vụ ngành du lịch tại Hà Nội. Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA), trong 6 tháng đầu năm 2022, trung tâm cũng đã phối hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai một số hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, như Chương trình tuần hàng, Festival nông sản, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)... qua đó quảng bá sản phẩm Việt Nam tới thị trường quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt Nam ra thị trường quốc tế; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thu hút du khách đến Hà Nội bằng các lễ hội du lịch, lễ hội ẩm thực. Đặc biệt, trong tháng 7-2022, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh thành phố Hà Nội cùng các doanh nghiệp đã kích hoạt Sự kiện không dùng tiền mặt lần thứ 3 với chủ đề “Chạm tới tương lai”. Thông qua các chuỗi hoạt động của sự kiện không dùng tiền mặt, tạo thói quen tiêu dùng không sử dụng tiền mặt khi giao dịch và mua sắm, góp phần thêm động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển hoạt động thương mại điện tử.
Hoạt động thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực
Chủ động đa dạng các hoạt động xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động thương mại, Hà Nội đã thúc đẩy tăng trưởng của ngành dịch vụ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Hà Nội tháng 10-2022 ước đạt 58,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 37,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% và tăng 3,1%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 6,1 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% và tăng 16,9%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so tháng trước và gấp 3,7 lần cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ khác đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 1,2% và tăng 0,9%.
Tính chung 10 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 567,5 nghìn tỷ đồng, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 364,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 64,2% tổng mức và tăng 18,6% (doanh thu đá quý, kim loại quý tăng 40,5%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 36,8%; ô tô con tăng 24,9%; xăng dầu tăng 22,7%; hàng may mặc tăng 21,3%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 17,1%). Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 68,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,1% và gấp 2 lần cùng kỳ (dịch vụ lưu trú tăng 61,7%; dịch vụ ăn uống gấp 2 lần cùng kỳ). Doanh thu du lịch lữ hành đạt 11,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 2% và gấp 4,5 lần cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ khác đạt 122,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,7% và tăng 27,2%.
Như vậy, sức mua của nền kinh tế Hà Nội tháng 10-2022 tiếp tục tăng trưởng, cho thấy những tín hiệu hồi phục tích cực sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Từ nay đến hết năm 2022, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 12/NQ-HĐND, ngày 6-7-2022 về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2022.
Một là, thúc đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, như đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư; kiểm soát giá cả, thị trường; tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại kinh tế ngành, phát triển các mô hình kinh tế mới.
Hai là, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp góp phần kiềm chế lạm phát; bảo đảm cân đối cung - cầu, lưu thông hàng hóa, điều hành bình ổn giá phù hợp, phấn đấu kiểm soát chỉ số giá dưới 4%. Tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch về bình ổn thị trường, kích cầu tiêu dùng, liên kết vùng, triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… trên địa bàn thành phố.
Ba là, đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản mùa vụ, sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố và tại các tỉnh, thành phố. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân Thủ đô, thúc đẩy tăng trưởng thương mại, dịch vụ trên địa bàn.
Bốn là, để kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ, Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 39/KH-UBND về tổ chức Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội năm 2022. Trong tháng 11 và 12-2022, Hà Nội sẽ tiếp nối chuỗi các hoạt động khuyến mại đặc biệt tạo ra một “mùa mua sắm” vào dịp cuối năm. Các sự kiện nhằm góp phần vào sự phát triển của thương mại điện tử, đồng thời khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế đêm của thành phố./.
Thủ đô Hà Nội: Xây dựng mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp  (19/10/2022)
Huyện Mỹ Đức (thành phố Hà Nội) phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt gắn với phát triển du lịch văn hóa  (18/10/2022)
Thành phố Hà Nội đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hướng đến sự hài lòng của người dân  (18/10/2022)
Thành phố Hà Nội: Bảo đảm chất lượng dạy và học trong công tác giáo dục và đào tạo  (16/10/2022)
Một số giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển  (15/10/2022)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển