Nhân sự quản trị doanh nghiệp nhà nước theo quy tắc quản trị doanh nghiệp của OECD: Kinh nghiệm các nước và hàm ý đối với Việt Nam
TCCS - Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một loại hình doanh nghiệp mà vốn hoàn toàn hoặc chủ yếu do nhà nước nắm giữ, do đó quản trị hiệu quả trong các DNNN là vấn đề quan trọng để khu vực này thực sự trở thành nòng cốt của kinh tế nhà nước. Để làm được điều này, cần xem xét đến những đặc điểm riêng của quản trị các DNNN, trong đó nhân sự quản trị là một trong những yếu tố quan trọng.
Kinh nghiệm các nước về vai trò của người quản trị trong doanh nghiệp nhà nước theo quy tắc của OECD
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nhà nước với vai trò là chủ sở hữu cần bảo đảm việc quản trị DNNN được thực hiện một cách minh bạch và có trách nhiệm với mức độ chuyên nghiệp và hiệu quả cao. Theo đó, nhà nước cần đơn giản hóa và chuẩn hóa các hình thức pháp lý của DNNN. Việc chuẩn hóa nên đặc biệt hướng đến những DNNN tham gia các hoạt động kinh tế; cho phép DNNN có quyền tự chủ hoàn toàn trong hoạt động để đạt được các mục tiêu đã xác định và hạn chế sự can thiệp vào hoạt động điều hành doanh nghiệp. Nhà nước trong vai trò cổ đông nên tránh thay đổi các mục tiêu của DNNN theo các hình thức không minh bạch (thẩm quyền của cơ quan sở hữu trong việc chỉ đạo DNNN hoặc hội đồng quản trị cần hạn chế trong khuôn khổ các vấn đề có tính chiến lược và các mục tiêu chính sách công). Khi giữ cổ phần kiểm soát, nhà nước có một vị thế rất đặc biệt là có thể đề cử và bầu chọn hội đồng quản trị mà không cần sự đồng thuận của các cổ đông khác. Thẩm quyền này đi đôi với mức độ trách nhiệm cao trong việc xác định, đề cử và bầu chọn thành viên hội đồng quản trị. Để giảm thiểu các xung đột lợi ích tiềm ẩn, cơ quan sở hữu phải tránh bầu chọn quá nhiều thành viên hội đồng quản trị từ các hệ thống hành chính nhà nước. Việc hạn chế số lượng thành viên hội đồng quản trị là đại diện của cơ quan sở hữu hoặc là cán bộ quản lý nhà nước khác có thể làm tăng tính chuyên nghiệp, giúp tránh sự can thiệp quá mức của chính phủ trong hoạt động điều hành của DNNN và có thể giúp hạn chế trách nhiệm của nhà nước đối với những quyết định do hội đồng quản trị của DNNN đưa ra. Người tham gia vào hội đồng quản trị không được tham gia vào các quyết định quản lý nhà nước có liên quan tới doanh nghiệp mà họ là thành viên. Người đại diện phần vốn nhà nước tham gia vào hội đồng quản trị của DNNN cần công bố mọi khoản sở hữu cá nhân mà họ có trong DNNN và tuân thủ các quy định về giao dịch nội gián. Cơ quan sở hữu cũng có thể có mức độ tự chủ nhất định về ngân sách để linh hoạt trong việc tuyển dụng, trả lương và duy trì đội ngũ chuyên môn cần thiết, bao gồm cả những chuyên gia từ khối tư nhân thông qua hợp đồng có thời hạn hoặc biệt phái.
Hội đồng quản trị phải có thẩm quyền, năng lực và tính khách quan cần thiết để thực hiện chức năng chỉ đạo chiến lược và giám sát quản lý. Hội đồng quản trị cần hoạt động một cách liêm chính và chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Để thực hiện tốt quản trị trong các DNNN cần chú ý tới các yếu tố tác động chủ quan và khách quan liên quan đến nhân sự quản trị doanh nghiệp:
Một là, ý thức, tinh thần tự nguyện và sẵn sàng áp dụng các quy tắc về quản trị doanh nghiệp tốt của doanh nghiệp nhà nước. Đối với các DNNN, người lãnh đạo mong muốn và có ý thức nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp một cách tự nguyện, đầy đủ và bài bản là rất quan trọng. Vì vậy, lãnh đạo DNNN cần chủ động áp dụng các quy tắc về quản trị doanh nghiệp tốt, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp tránh vì lợi ích cá nhân hay xem nhẹ trách nhiệm giải trình.
Hai là, kỹ năng, kinh nghiệm của nhà quản trị chuyên nghiệp. Kỹ năng đầy đủ và được đào tạo bài bản sẽ tạo ra văn hóa ứng xử phù hợp, coi trọng đạo đức nghề nghiệp và đóng góp đáng kể cho sự phát triển của doanh nghiệp. Nếu các nhà quản trị không được trang bị tốt các kỹ năng này (thông thường được thể hiện qua các điều kiện khi đề cử thành viên tham gia điều hành doanh nghiệp) thì sẽ không nhận thức được đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
Quy định các tiêu chí tối thiểu để đề cử thành viên hội đồng quản trị ở một số quốc gia thường liên quan đến trình độ học vấn, trình độ chuyên môn. Canada có quy trình chính thức yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước lập hồ sơ thành viên hội đồng quản trị để xem xét chỉ định chức danh giám đốc nếu đáp ứng được yêu cầu. Ở Pháp, cơ quan thực hiện chức năng quyền sở hữu quản lý danh sách các ứng cử viên giám đốc theo các tiêu chí đánh giá được quy định chặt chẽ. Israel, Bồ Đào Nha xem xét các ứng viên thông qua các tiêu chí cụ thể theo quy định pháp luật.
Ba là, thành viên hội đồng quản trị độc lập. Các thành viên hội đồng quản trị độc lập đóng vai trò như những "trọng tài" chuyên nghiệp để bảo đảm hoạt động của doanh nghiệp nhất quán với mục tiêu tối đa hóa giá trị của chủ sở hữu. Thành viên hội đồng quản trị độc lập theo nghĩa phải độc lập với các mối quan hệ quản lý, chính phủ và doanh nghiệp. Các thành viên này có vai trò quan trọng trong việc giám sát, làm giảm nguy cơ lạm dụng quyền hạn của những người quản lý doanh nghiệp, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của cổ đông, nhất là những cổ đông nhỏ.
Một số nước OECD kết hợp cả thành viên đại diện và thành viên độc lập trong hội đồng quản trị. Người đại diện của nhà nước có vai trò quan trọng hơn đối với các DNNN thực hiện các mục tiêu chính sách công quan trọng. Để tránh tác động từ chủ sở hữu nhà nước, một số quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế số lượng công chức nhà nước trong hội đồng quản trị của DNNN như quy định hạn mức (Phần Lan). Để tăng cường tính độc lập và tính chuyên nghiệp của DNNN, một số quốc gia quy định về thời gian cho một nhiệm kỳ của hội đồng quản trị, thông thường từ 3 năm đến 5 năm. Ngoài ra, các DNNN lớn, DNNN hoạt động kinh doanh thương mại được yêu cầu chỉ định một số thành viên độc lập trong hội đồng quản trị, tuân thủ các quy tắc như các công ty tư nhân. Ở Anh, luật về quản trị doanh nghiệp áp dụng cho cả công ty tư nhân và DNNN yêu cầu hội đồng quản trị phải có đa số các thành viên độc lập. Các quy tắc tương tự cũng được áp dụng ở Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Hàn Quốc, Hà Lan, New Zealand, Na Uy, Thụy Điển.
Bốn là, tính chủ động trong cập nhật thay đổi các chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp và tăng cường trao đổi thông tin giữa các thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, thực hiện đúng trách nhiệm của mỗi vị trí trong ban điều hành và hội đồng quản trị.
Đánh giá hội đồng quản trị và ban điều hành là xu hướng chung trong các doanh nghiệp tư nhân và đang được chính phủ các nước khuyến khích thực hiện trong các doanh nghiệp nhà nước. Từ năm 2015, tại Israel, phát triển một quy trình đánh giá hội đồng quản trị thông qua tự đánh giá cá nhân các thành viên cũng như cả tập thể. Tại Ba Lan, Bộ Tài chính định kỳ đánh giá ban kiểm soát của các DNNN thuộc danh mục bộ quản lý; các mục tiêu chính sách công chịu sự giám sát của các bộ, ngành do các bộ, ngành đánh giá. Hội đồng quản trị của DNNN ở Thụy Sĩ được đánh giá dựa trên các mục tiêu chiến lược được xây dựng 4 năm/lần.
Các phương án thù lao cho thành viên hội đồng quản trị và ban điều hành của DNNN hướng tới việc thu hút và “giữ chân” các thành viên có năng lực, trình độ. Tuy nhiên, thực tế tiền lương cho thành viên hội đồng quản trị và ban điều hành của DNNN ở hầu hết các nước OECD thấp hơn mức thị trường, do chính phủ muốn tránh các cuộc tranh cãi về việc trả lương quá cao trong khu vực công. Trong những năm gần đây, Phần Lan, Na Uy đã quy định giới hạn tiền lương và điều kiện làm việc của thành viên và ban điều hành của DNNN. Ở Thụy Điển, chủ sở hữu đề xuất và quyết định thù lao cho thành viên hội đồng quản trị và ban điều hành tại đại hội đồng cổ đông để giữ mức tiền lương dưới mức thị trường. Có tới 70% các quốc gia đặt ra các giới hạn trong các quy định hoặc chính sách tiền lương đối với thành viên trong DNNN.
Năm là, vấn đề sở hữu và thực hiện quyền sở hữu. Theo lý thuyết về chủ sở hữu, vấn đề quản trị doanh nghiệp cơ bản xuất phát từ sự tách biệt giữa chủ sở hữu và người đại diện quản lý doanh nghiệp. Các hợp đồng quy định quan hệ giữa chủ sở hữu và người đại diện đưa ra các quyền, nghĩa vụ, quy tắc về hành vi ứng xử của mỗi bên (quy định về phạm vi quyền lực, cơ chế giám sát hoạt động ban điều hành,..) theo hướng đề cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh của người đại diện quản lý doanh nghiệp. Theo lý thuyết này, mối quan hệ giữa cổ đông và ban điều hành cũng được điều chỉnh nhằm bảo đảm quyền lợi của những bên có lợi ích liên quan.
Sáu là, mô hình sở hữu của nhà nước là nhân tố quyết định đến hoạt động của chủ sở hữu. Mỗi mô hình sở hữu khác nhau sẽ quy định cách thức đầu tư, giám sát, quản lý vốn của nhà nước khác nhau. Việc áp dụng các thông lệ quản trị doanh nghiệp tốt cũng sẽ phụ thuộc vào quan điểm, nhận thức, tư duy của người đóng vai trò quyết định trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Bảy là, sự phát triển của thị trường lao động dành cho nhà quản lý. Thị trường lao động dành cho nhà quản lý phát triển sẽ tạo áp lực đối với việc phân loại, trả công cho các nhà quản lý theo năng lực của họ, từ đó góp phần thu hút nhân tài và giảm thiểu tình trạng các nhà quản lý tốt rời bỏ doanh nghiệp.
Tám là, các vấn đề về cổ phần hóa, tư nhân hóa các DNNN và mở rộng, thu hẹp quyền sở hữu có tác động không nhỏ đến cải cách quản trị doanh nghiệp trong các DNNN sau cổ phần hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động đầu tư xuyên biên giới. Quyền sở hữu hỗn hợp có thể mang lại những cải thiện về hiệu suất và quản trị, nhưng các vấn đề cụ thể cần được xem xét khi nhà nước vẫn là một cổ đông quan trọng. Ngoài việc thúc đẩy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, cung cấp khả năng tiếp cận vốn và đầu tư, sự hiện diện của các cổ đông bên ngoài có thể mang lại hiệu quả trong việc tăng cường tính độc lập của hội đồng quản trị, tăng tính minh bạch thông tin và công bố thông tin, kiểm soát được mức độ ảnh hưởng của nhà nước đối với các hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy hiệu suất thông qua việc tập trung hơn vào tối đa hóa giá trị cổ đông.
Ở một số quốc gia, các DNNN lớn thành lập các ủy ban đề cử thành viên là người bên ngoài. Tại Na Uy, đề cử thành viên hội đồng quản trị DNNN niêm yết được thực hiện thông qua các ủy ban đề cử gồm các đại diện từ cổ đông nhà nước và cổ đông khác. Thụy Điển cũng có quy trình tương tự như Na Uy đối với DNNN niêm yết, đồng thời ban hành quy trình đề cử thành viên vào hội đồng quản trị chính thức đối với các DNNN không niêm yết.
Vai trò người quản trị doanh nghiệp trong doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam
Cùng với hệ thống các quy định pháp luật về quản trị doanh nghiệp trong các DNNN được ban hành khá đầy đủ, việc áp dụng các quy tắc quản trị doanh nghiệp đối với DNNN của OECD năm 2015 cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng các quy tắc quản trị doanh nghiệp. Đánh giá tổng thể, các DNNN luôn tuân thủ các quy định trong khung pháp luật về quản trị doanh nghiệp được ban hành, qua đó phần nào phù hợp theo quy tắc quản trị doanh nghiệp của OECD.
Nhà nước ngày càng thể hiện vai trò chủ sở hữu trong các DNNN hơn vai trò quản lý doanh nghiệp. Cùng với việc đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN, bước đầu vai trò chủ sở hữu của Nhà nước đã được chuyển đổi từ tính chất quản lý, can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp sang nhận thức Nhà nước đóng vai trò là một cổ đông và thực hiện các quyền, nghĩa vụ như một cổ đông theo quy định chung của pháp luật. Hướng đến cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử với các khu vực kinh tế khác, DNNN từ chỗ thực hiện theo mô hình quản lý lạc hậu trước đây đã dần tiếp cận và hướng đến mô hình kinh doanh hiện đại, quản trị doanh nghiệp tiên tiến, phù hợp với mục tiêu hướng đến nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư chịu sự điều chỉnh của các quy định chung cho các khu vực doanh nghiệp, trong môi trường cạnh tranh ngày càng bình đẳng. Nhận thức về quản trị doanh nghiệp của các DNNN ngày càng được nâng cao, thấy rõ tầm quan trọng của quản trị doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đối với nhà đầu tư, đối với thị trường, cũng như thấy rõ sự cần thiết phải đối xử công bằng giữa các cổ đông, vai trò và chức năng của hội đồng quản trị, ban kiểm soát và ban điều hành doanh nghiệp và yêu cầu tăng cường công khai, minh bạch thông tin.
Tuy nhiên, trách nhiệm của hội đồng quản trị trong DNNN còn nhiều hạn chế. Vấn đề giám sát hội đồng quản trị đối với việc thực thi các chiến lược của doanh nghiệp, công bố chi tiết bộ quy tắc đạo đức và thù lao thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc còn hạn chế. Bên cạnh đó, chưa có các DNNN đáp ứng số thành viên hội đồng quản trị độc lập trên 50%; hầu hết chỉ quy định cơ cấu thành viên hội đồng quản trị độc lập chiếm 1/3 số thành viên (với số lượng thành viên hội đồng quản trị đa số là 5 người) hoặc không quy định thành viên hội đồng quản trị độc lập mà chỉ quy định số lượng thành viên hội đồng quản trị không điều hành. Do đó, quy định về nhiệm kỳ của thành viên hội đồng quản trị độc lập cũng không có trong điều lệ hoặc quy chế quản trị của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp không thực hiện việc công bố đầy đủ, rõ ràng thông tin chức vụ mỗi thành viên hội đồng quản trị nắm giữ trong các doanh nghiệp và tổ chức khác; chưa thực hiện theo quy định phải có ít nhất một cuộc họp giữa các thành viên hội đồng quản trị không điều hành mà không có mặt các thành viên điều hành. Ngoài ra, hiện nay, vẫn còn ít doanh nghiệp quan tâm đến chính sách đa dạng hóa thành phần hội đồng quản trị, quan tâm đến yếu tố giới trong cơ cấu hội đồng quản trị, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá hoạt động hằng năm của hội đồng quản trị, từng thành viên hội đồng quản trị và các tiểu ban. Việc tách rời vai trò của chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc, giám đốc điều hành chưa được thực hiện ở một số doanh nghiệp.
Thù lao của thành viên hội đồng quản trị điều hành và tổng giám đốc, giám đốc, ban kiểm soát ở nhiều doanh nghiệp chưa quy định chi tiết trong báo cáo thường niên. Ngoài ra, chi tiết cấu thành từng loại phí, từng phần trong thông tin thù lao của hội đồng quản trị và các tiểu ban chưa được phân theo chức vụ, nhiệm vụ.
Các doanh nghiệp vẫn chưa cho thấy sự tiến bộ tích cực trong việc thực hiện các công tác: Đánh giá hoạt động của hội đồng quản trị, tiểu ban và từng thành viên; hội đồng quản trị tiến hành đánh giá hoạt động hằng năm đối với tổng giám đốc; các chính sách khuyến khích thành viên hội đồng quản trị tham gia chương trình đào tạo, cũng như các chương trình, chính sách định hướng cho thế hệ quản lý tương lai.
Những hạn chế về nhân sự quản trị doanh nghiệp theo quy tắc của OECD nói trên do một số nguyên nhân chủ quan và khách quan:
Một là, ý thức của doanh nghiệp, tinh thần tự nguyện và sẵn sàng áp dụng các quy tắc về quản trị doanh nghiệp tốt của các DNNN chưa cao. Mặc dù, về tổng thể, đội ngũ lãnh đạo của doanh nghiệp nói chung đã có nhận thức rõ về tầm quan trọng của quản trị trong phát triển doanh nghiệp bền vững. Tuy nhiên, đối với các DNNN, đội ngũ lãnh đạo vẫn chưa thực sự thay đổi được nhận thức về các vấn đề quyền lợi liên quan để tự nguyện và thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chuẩn quản trị tốt. Nhân sự cấp cao mới chỉ dừng lại ở việc đáp ứng và tuân thủ các quy định của pháp luật về khung quản trị doanh nghiệp mà chưa hướng đến tiếp cận với các quy tắc quản trị doanh nghiệp tốt như OECD.
Thứ hai, kỹ năng, kinh nghiệm của nhà quản trị trong các DNNN chưa đầy đủ và bài bản. Do đó, việc quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng quản trị, cổ đông, vấn đề đạo đức nghề nghiệp,... chưa được tường minh. Hay nói cách khác, do thiếu các kỹ năng, kinh nghiệm trong quản trị doanh nghiệp mà việc áp dụng khung quản trị doanh nghiệp chỉ mang tính hình thức, đáp ứng yêu cầu, điều kiện của cơ quan quản lý nhà nước, mà chưa thực chất vì sự phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, người đại diện cho phần vốn nhà nước tại các DNNN chủ yếu là đội ngũ công chức, cán bộ quản lý nhà nước nên bị hạn chế về kỹ năng và kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, trong khi vẫn nắm quyền chi phối, nên sẽ có những ảnh hưởng, tác động hạn chế nhất định đến quản trị doanh nghiệp. Các điều kiện để xem xét việc đề cử đối với nhân sự làm quản lý, quản trị trong DNNN còn chung chung, nhiều điều kiện mang tính định tính, khó định lượng được. Do đó, việc xem xét các tiêu chuẩn để đề cử, đánh giá năng lực, xem xét khen thưởng... nhân sự quản lý, quản trị doanh nghiệp trong các DNNN có mức độ chính xác chưa thực sự cao.
Thứ ba, thành viên hội đồng quản trị độc lập trong các DNNN chưa thực sự được chú trọng. Với vai trò là “trọng tài” chuyên nghiệp, bảo đảm đưa ra những nhận xét, đánh giá mang tính trung lập, khách quan do không bị ảnh hưởng, ràng buộc hay chịu tác động bởi các mối quan hệ với doanh nghiệp trước đó. Cơ cấu về thành phần trong hội đồng quản trị vẫn chủ yếu là người đại diện vốn nhà nước được cử xuống hoặc những người đang ở vị trí lãnh đạo của doanh nghiệp trước đây chuyển sang tiếp tục đảm nhiệm vị trí mới.
Thứ tư, sự phát triển của thị trường lao động dành cho nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp chưa được hình thành ở Việt Nam. Theo đó, các nhà quản lý, quản trị doanh nghiệp chưa chịu áp lực đối với việc phân loại, trả công theo năng lực, đồng thời chưa thu hút được nhân tài cho doanh nghiệp, cũng như hạn chế tình trạng các nhà quản lý tốt rời bỏ doanh nghiệp. Do đó, việc hình thành thị trường lao động dành cho các nhà quản trị doanh nghiệp thực sự cần thiết để có thể chọn lựa được những cá nhân ưu tú, phù hợp để làm thành viên hội đồng quản trị độc lập, bảo đảm đáp ứng các thông lệ quản trị hiệu quả trên thế giới, cũng như các quy tắc của OECD.
Một số gợi ý về nâng cao vai trò của người quản trị doanh nghiệp trong doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam
Thứ nhất, cần quy định rõ lĩnh vực, ngành nghề Nhà nước phải sở hữu các DNNN hoặc nắm quyền chi phối mà doanh nghiệp thuộc các khu vực kinh tế khác không thể, không muốn tham gia, để từ đó có lộ trình thoái vốn, đồng thời có kế hoạch, chiến lược lựa chọn nhân sự quản trị phù hợp.
Thứ hai, tăng cường và làm rõ vai trò của cơ quan quản lý vốn nhà nước để bảo đảm thực hiện tốt “nhà nước đóng vai trò chủ sở hữu”. Một trong những thành công của Temasek Holding và các công ty liên kết vốn chính phủ (Government-Linked Company - GLC) ở Singapore đó là thực hiện tốt quy tắc “nhà nước đóng vai trò chủ sở hữu” thông qua phương thức độc lập trong quá trình ra quyết định và cơ chế tự chịu trách nhiệm. Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước, nhà nước thông qua người đại diện của mình có vai trò như các cổ đông trong doanh nghiệp, được hưởng phần lợi nhuận và thực hiện quyền, nghĩa vụ đúng nghĩa của một cổ đông theo luật định. Tuy nhiên, để cho các doanh nghiệp này hoạt động có hiệu quả thì cần có một cơ quan quản lý và điều hành độc lập với bộ phận cổ đông này. Cơ quan này cần được giao quyền quản lý tài sản độc lập với chức năng sở hữu của nhà nước và không phụ thuộc vào quyết định của nhà nước hay các can thiệp về chính trị.
Thứ ba, hoàn thiện khung pháp lý về quản trị doanh nghiệp, trong đó chú trọng bổ sung quy định về thành viên hội đồng quản trị độc lập nhằm giải quyết các xung đột giữa cổ đông và người quản lý, điều hành doanh nghiệp. Những người quản lý thường không phải là cổ đông nắm giữ phần vốn góp đáng kể nhưng lại là người điều hành mọi hoạt động của doanh nghiệp và vì vậy có thể họ sẽ ưu tiên các quyền lợi cá nhân, quyền lợi nhóm hơn là quyền lợi của các cổ đông. Do đó, luật về quản trị doanh nghiệp của các quốc gia cũng như những quy định của các thị trường niêm yết thường yêu cầu trong cơ cấu hội đồng quản trị doanh nghiệp phải có sự tham gia của các thành viên hội đồng quản trị độc lập. Theo đó, việc quy định số lượng thành viên hội đồng quản trị độc lập phải có tối thiểu 50% trong hội đồng quản trị hoặc yêu cầu phải có đa số là thành viên độc lập trong hội đồng quản trị sẽ phù hợp hơn với quy tắc quản trị doanh nghiệp của OECD. Đồng thời, rà soát, xem xét các điều kiện, tiêu chuẩn đối với thành viên của hội đồng quản trị (các thành viên nắm quyền chi phối), hoàn thiện các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với các thành viên hội đồng quản trị, người đại diện vốn nhà nước tại DNNN để làm cơ sở đánh giá nhân sự quản lý, quản trị doanh nghiệp trong DNNN.
Thứ tư, phát triển thị trường lao động dành cho cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp. Để cung cấp đội ngũ nhân lực quản lý cấp cao và thành viên hội đồng quản trị độc lập cho các DNNN, nhằm đáp ứng tiêu chí về số lượng thành viên độc lập hội đồng quản trị theo quy tắc quản trị doanh nghiệp của OECD, đồng thời giảm được bất cập đang tồn tại làm ảnh hưởng vai trò của thành viên hội đồng quản trị độc lập như hiện nay, việc hình thành và phát triển thị trường lao động dành cho các nhà quản lý là cần thiết và không nằm ngoài xu thế của thế giới. Từng bước hình thành một thị trường lao động dành cho nhà quản lý chuyên nghiệp sẽ làm tăng sự cạnh tranh giữa các nhà quản lý có năng lực, giúp DNNN có nhiều sự lựa chọn hơn các nhà quản trị chất lượng, thông qua các cam kết thực hiện bằng hợp đồng góp phần giảm thiểu được những rủi ro, tiêu cực, giảm các hành vi vi phạm pháp luật và tăng cường sự minh bạch, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp./.
Tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái thể chế để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước tích cực tham gia xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ trong bối cảnh mới  (23/10/2021)
Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam  (08/10/2021)
Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng  (07/09/2021)
Vietcombank tổ chức lễ công bố quyết định về nhân sự lãnh đạo cấp cao  (02/09/2021)
Vietcombank công bố nhân sự giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị  (30/08/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên