Toàn cầu hóa văn hóa và mô hình phát triển văn hóa Việt Nam đương đại
TCCS - Làn sóng toàn cầu hóa đã tác động đến tất cả các quốc gia trên thế giới, đem đến cả cơ hội và thách thức mới đối với phát triển toàn cầu, trong đó có phát triển văn hóa. Trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, việc lựa chọn mô hình phát triển văn hóa phù hợp là hết sức quan trọng.
Toàn cầu hóa văn hóa là xu thế khách quan
Toàn cầu hóa đã ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của các quốc gia, đồng thời biến giao lưu, hội nhập văn hóa quốc tế trở thành một xu thế khách quan. Ảnh hưởng của toàn cầu hóa đến văn hóa các quốc gia luôn có cả mặt tích cực và tiêu cực, cơ hội và thách thức. Vấn đề đặt ra là trước những cơ hội và thách thức ấy, văn hóa của mỗi quốc gia sẽ thích ứng thế nào và phát triển ra sao? Làm sao để lựa chọn mô hình văn hóa phù hợp với những chuyển động của lịch sử và thực tiễn phát triển đất nước?
Trước khi luận giải về vấn đề này, cần phải xác định rõ một số vấn đề liên quan đến nội hàm văn hóa toàn cầu. Việc nhận thức rõ bản chất nội hàm văn hóa toàn cầu sẽ quyết định thái độ và khả năng thích ứng, cũng như chiến lược phát triển văn hóa của các quốc gia trước quá trình toàn cầu hóa văn hóa.
Theo nghĩa rộng, văn hóa là kết quả toàn bộ sự sáng tạo của nhân loại trong quá trình sinh tồn và phát triển. Theo cách hiểu này, các lĩnh vực của đời sống xã hội, như chính trị hay kinh tế cũng là một biểu hiện trình độ phát triển của văn hóa. Theo nghĩa hẹp, văn hóa là lĩnh vực sáng tạo đặc thù, có mối quan hệ chặt chẽ với chính trị, kinh tế, xã hội. Trước đây, văn hóa của mỗi quốc gia thường khép kín, mang tính “cát cứ”, nhưng bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa, “tính mở” của văn hóa được phát huy tối đa do sự mở rộng quy mô sản xuất và giao thương quốc tế. Toàn cầu hóa mở rộng đến đâu thì tính chất và cấu trúc văn hóa của mỗi quốc gia sẽ có những biến đổi đến đó. Bởi thế, bên cạnh nhận thức về văn hóa của mỗi quốc gia, cần có nhận thức đầy đủ về văn hóa toàn cầu. Có ba bình diện cần quan tâm về vấn đề này: 1- Văn hóa là phương thức sinh tồn, sinh hoạt chung của con người, theo đó, văn hóa ràng buộc phương thức tư duy và hành vi, sinh hoạt của con người. Không khó khăn để nhận thấy sự khác biệt giữa văn hóa (người) với hoang dã (tự nhiên). Văn hóa biểu hiện chủ yếu ở 2 tầng. Ở tầng ý thức, đó là hệ thống tư tưởng, lý luận, phương thức tư duy, định hướng giá trị, tiêu chuẩn đánh giá, kết cấu tâm lý... Ở tầng thực tiễn, văn hóa thể hiện qua hệ thống các quan điểm và các giải pháp cụ thể để phát triển văn hóa, xã hội; 2- Văn hóa toàn cầu là phương thức hay mô hình giao lưu giữa các chủ thể khác nhau, biểu hiện thành nhận thức quan niệm, quy phạm đạo đức, quy tắc thông lệ trong toàn cầu hóa; 3- Văn hóa có mối quan hệ với các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, biểu hiện thành quy phạm xã hội, cơ chế tổ chức, tâm lý, tinh thần dân tộc...
Như vậy, toàn cầu hóa văn hóa buộc phải hình thành các giá trị toàn cầu, những bộ quy tắc, chuẩn mực được cộng đồng quốc tế chấp thuận. Không chỉ thế, nó còn kết nối cộng đồng quốc tế để cùng nhau giải quyết các hiểm họa sinh thái, môi trường, dịch bệnh… Chẳng hạn, để chống lại đại dịch COVID-19, sự nỗ lực của các quốc gia riêng lẻ không thể giải quyết triệt để được, mà đòi hỏi phải có sự nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế. Đó là lý do các cam kết toàn cầu đã được thiết lập, trong đó vai trò của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và chính phủ các nước là hết sức quan trọng. Những giá trị chung được thừa nhận trong văn hóa toàn cầu là những vấn đề liên quan đến quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền bình đẳng của con người và từng cộng đồng, quốc gia, dân tộc trên cơ sở hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, toàn cầu hóa văn hóa không đồng nghĩa với đồng nhất văn hóa mà nó đòi hỏi phải tôn trọng đa dạng văn hóa. Mọi áp đặt, cưỡng bức hay bá quyền văn hóa đều là sự hủy hoại và tiêu diệt văn hóa. Tinh thần nhân văn hiện đại và nguyên lý phát triển vì sự phồn vinh toàn nhân loại phải được coi là nền tảng của toàn cầu hóa, trong đó có toàn cầu hóa văn hóa.
Hiện nay, khi nói về toàn cầu hóa, nhiều người nghĩ đến hai tác phẩm nổi tiếng của Thomas Friedman là Thế giới phẳng, Chiếc xe Lexus và cây ô liu. Nếu như chiếc xe Lexus đại diện cho toàn cầu hóa ở khía cạnh kinh tế và công nghệ thì cây ô liu đại diện cho cái gọi là bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa. Thông thường, so với một số lĩnh vực như kinh tế hay công nghệ, những thay đổi trong lĩnh vực văn hóa thường chậm hơn, nhưng sâu sắc hơn. Tuy nhiên, theo thời gian, khi văn hóa thẩm thấu vào hầu khắp các lĩnh vực, kể cả kinh tế, khoa học - kỹ thuật, dù trong bối cảnh toàn cầu hóa, người ta nhận thấy trong các sản phẩm công nghệ cao cũng phản chiếu trình độ, bản sắc văn hóa của cộng đồng, quốc gia tạo ra nó. Tại đó, bản sắc văn hóa hiển thị rõ nhất trong nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Chẳng hạn, nói đến Toyota là nói đến Nhật Bản; nói Mercedes là nói đến Cộng hòa Liên bang Đức; nói đến Apple, Pepsi hay Coca Cola là nhắc đến Mỹ… Độ thẩm thấu và phủ sóng rộng lớn của văn hóa vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế… là đặc điểm nổi bật của văn hóa trong toàn cầu hóa. Điều đó đòi hỏi cần có những điều chỉnh trong nhận thức về mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa. Đứng từ quan điểm quyết định luận kinh tế, nhiều học giả khẳng định kinh tế quyết định, chi phối văn hóa, văn hóa chỉ là kết quả, là sự phản ánh kinh tế. Ở phía ngược lại, một số học giả khẳng định văn hóa là mục tiêu, kinh tế chỉ là phương tiện. Cần thấy rằng, trong bối cảnh lịch sử mới, những quan điểm trên đây tỏ ra phiến diện khi tuyệt đối hóa vai trò của kinh tế hoặc của văn hóa. Trong nhận thức của Đảng ta, văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị. Đảng ta xác định, “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội”. Đây là nhận thức chính xác về vai trò của văn hóa trong tổng thể đời sống xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa và kinh tế tri thức hiện nay.
Văn hóa trong toàn cầu hóa và biến đổi nội tại của văn hóa
Toàn cầu hóa văn hóa không tách rời với toàn cầu hóa kinh tế mà trái lại, gắn liền với sự vận hành của toàn cầu hóa kinh tế và các cam kết quốc tế về những vấn đề khác nhau liên quan đến sự sinh tồn và phát triển của nhân loại.
Việc thành lập hệ thống kinh tế xuyên quốc gia, như các tập đoàn sản xuất, lưu thông buôn bán, tài chính tiền tệ quốc tế, đòi hỏi phải thống nhất quy tắc chung giữa các bên tham dự và các bên phải có nghĩa vụ, trách nhiệm cùng chấp thuận, tuân thủ. Sự chấp nhận này dẫn tới việc thiết lập toàn cầu hệ thống thể chế, như thể chế vận hành kinh tế, thể chế pháp lý, các nguyên tắc tương quan và quy tắc công cộng, bao gồm quy phạm pháp luật, ý tưởng kinh tế, quy tắc vận hành, nhân tố giá trị... Về bản chất, đó chính là văn hóa hóa thân trong thể chế. Bỏ qua toàn cầu hóa ở tầng thể chế thì toàn cầu hóa kinh tế rất khó vận hành. Toàn cầu hóa, cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức và kỹ thuật số, đã khiến cho văn hóa vượt khỏi sự biệt lập của các quốc gia để hình thành mạng lưới văn hóa toàn cầu. Đó chính là sự thích ứng của văn hóa trong bối cảnh lịch sử thế giới đương đại.
Vấn đề đặt ra là toàn cầu hóa văn hóa sẽ ảnh hưởng đến văn hóa của các quốc gia như thế nào? Liệu có hiện tượng bất bình đẳng trong quá trình giao lưu văn hóa không? “Số phận” văn hóa của các tộc người và các cộng đồng người thiểu số sẽ ra sao? Đã có nhiều lo ngại về sự áp đặt, bá quyền văn hóa của các nước lớn sẽ làm biến mất tính độc đáo của các nền văn hóa của cộng đồng người thiểu số. Trên thực tế, sự cạnh tranh văn hóa, tranh giành ảnh hưởng giữa các nền văn hóa là điều có thật. Tuy nhiên, đó không phải là toàn bộ vấn đề, bởi lẽ toàn cầu hóa văn hóa là một quá trình mở cửa và hàm chứa nhiều xung đột, mâu thuẫn. Các xung đột, mâu thuẫn này không chỉ xuất hiện trong sự va chạm của các nền văn hóa, mà xuất hiện ngay trong quá trình biển đổi và thích ứng tự thân của mỗi nền văn hóa. Tuy nhiên, về tổng thể, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, mỗi quốc gia vừa được thừa hưởng thành tựu văn hóa nhân loại, đồng thời vừa phải gánh chịu những áp lực, hệ lụy mà toàn cầu hóa mang lại. Đó là:
Thứ nhất, toàn cầu hóa văn hóa không phải là câu chuyện “cá lớn nuốt cá bé” hay đồng nhất văn hóa như nhiều người đã lo lắng. Bản chất của toàn cầu hóa văn hóa là tạo ra một cơ chế giao lưu mở, thực hiện đối thoại văn hóa và chấp nhận đa dạng văn hóa. Điều này càng rõ nét khi hiện tượng di dân toàn cầu ngày càng lớn do sự mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng thị trường và du lịch… Các nền văn hóa thông qua giao lưu bình đẳng sẽ cùng nhau xác nhận một số giá trị văn hóa cơ bản chung cho xã hội loài người. Dù muốn hay không, các nền văn hóa đều phải cộng sinh tồn tại. Vì thế, toàn cầu hóa văn hóa cũng là cơ hội để các nền văn hóa tìm ra những định hướng giá trị chung cho nhân loại trên nền tảng tinh thần nhân văn hiện đại. Lịch sử phát triển của nhân loại từ trước đến nay luôn luôn chứng kiến sự tác động lẫn nhau của các nền văn hóa. Văn hóa toàn cầu hóa, vì thế, vừa có mặt thống nhất vừa có sự đa dạng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa, văn hóa của các dân tộc, các khu vực sẽ từ bỏ trạng thái tự phong bế để giao lưu với văn hóa thế giới. Thông qua giao lưu mà kích thích phát triển, tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh của văn hóa thế giới, đồng thời giao lưu văn hóa như một hình thức “phản tư”, làm cho văn hóa dân tộc ngày càng phong phú và hoàn thiện.
Thứ hai, toàn cầu hóa văn hóa không phải là sự khuất phục của nền văn hóa này trước sức mạnh của nền văn hóa khác hay sự suy vong và biến mất của những thực thể văn hóa nhỏ. Trong thực tiễn, văn hóa thế giới đã từng diễn ra tình trạng bất bình đẳng văn hóa ở những mức độ khác nhau và cũng đã có những thời điểm, toàn cầu hóa mang xu hướng phương Tây hóa, Mỹ hóa. Tuy nhiên, không vì thế mà các quốc gia chậm phát triển hoặc các cộng đồng yếu thế chỉ tìm mọi cách để đóng cửa văn hóa. Vấn đề đặt ra là phải coi toàn cầu hóa như một cơ hội phát triển trên cơ sở đối thoại, học tập lẫn nhau, từng bước giải quyết các xung đột văn hóa để vừa làm giàu cho văn hóa bản địa, vừa đóng góp cho văn hóa nhân loại. Vì thế, tiến trình toàn cầu hóa văn hóa cần đến sự chủ động của các nền văn hóa trong giao lưu và phát triển.
Thứ ba, toàn cầu hóa văn hóa không phải là sự cắt rời triệt để các giá trị văn hóa đã được thiết lập trong lịch sử. Ngược lại, nó vừa kế thừa, vừa biết phủ định để phát triển. Văn hóa nhân loại đã đi qua ba hệ hình văn hóa lớn: tiền hiện đại (truyền thống), hiện đại và hậu hiện đại. Nếu như văn hóa hiện đại phủ định một phần văn hóa truyền thống để xác lập hệ giá trị của nó thì ngày nay, chủ nghĩa hậu hiện đại vừa phê phán văn hóa kinh nghiệm (truyền thống) vừa phê phán văn hóa lý tính (hiện đại). Chủ nghĩa hậu hiện đại đặc biệt coi trọng đa nguyên văn hóa, có xu hướng đề cao giải thiêng và giễu nhại nhằm giải phóng con người khỏi những ràng buộc lý tính cứng nhắc. Đó là thái độ khước từ các quy phạm cũ để đạt tới tự do về tư tưởng và nhân vị trong môi trường dân chủ và sự liên thông của mạng lưới văn hóa đại chúng toàn cầu. Cần nhìn sự ra đời của chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại như là logic phát triển của văn hóa để có những thích ứng phù hợp, từ đó, một mặt, tìm hiểu và tôn trọng nó; mặt khác, tránh những ứng xử cực đoan để không dẫn đến tình trạng hỗn loạn, thậm chí là phá hủy văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống.
Thực tiễn văn hóa đương đại và mô hình phát triển văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa
Toàn cầu hóa và giao lưu văn hóa quốc tế đặt Việt Nam trước những thách thức và những cơ hội phát triển mới. Việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng mang đến những thay đổi sâu sắc về văn hóa. Quá trình này đòi hỏi phải thay đổi mô hình quản lý và phương thức vận hành kinh tế; đồng thời, để thực hiện thành công quá trình này, cần phải có lực văn hóa mới giàu tính khai phóng nâng đỡ. Muốn thế, cần tận dụng mọi cơ hội, chủ động, tích cực giao lưu, đối thoại văn hóa và kết hợp hài hòa cả nhân tố nội sinh và ngoại sinh để tạo nên những bước phát triển văn hóa mang tính bền vững.
Có thể thấy, thực tiễn văn hóa Việt Nam có tính đặc thù, sự xung đột, mâu thuẫn giữa văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại rõ nét. Vì sống trong văn minh nông nghiệp lâu đời nên trong thời kỳ hiện đại, người Việt gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, trong khi quá trình hiện đại hóa của Việt Nam đang diễn ra thì thế giới đã bước sang giai đoạn hậu công nghiệp và kinh tế tri thức. Những ảnh hưởng của tư tưởng, lối sống hậu hiện đại đến Việt Nam theo lát cắt văn hóa đồng đại đã khiến cho văn hóa Việt Nam cùng lúc tồn tại ba tầng văn hóa: Văn hóa, văn minh nông nghiệp; văn hóa, văn minh công nghiệp và văn hóa, văn minh hậu công nghiệp. Điều đó dẫn đến hiện tượng phân tán và khác biệt quan điểm giá trị. Trước hết là sự khác biệt đến từ thế hệ (già - trẻ). Sau đó là sự khác biệt do sự quy định của trình độ văn hóa, giới tính, sự chi phối của địa văn hóa (vùng, miền), sự khác biệt trong định hướng giá trị. Điều đó dẫn tới tính đa dạng trong nền văn hóa đương đại. Các thế hệ lớn tuổi đã trải qua chiến tranh và chứng kiến những năm tháng đất nước khó khăn có xu hướng quay về văn hóa truyền thống và bảo lưu các giá trị văn hóa cổ truyền, khó thích ứng với văn hóa hiện đại. Những chủ thể văn hóa chịu ảnh hưởng của tư tưởng hiện đại và văn hóa lý tính lại có xu hướng đề cao văn minh công nghiệp và đề cao vị thế của chủ thể hiện đại trong xã hội công nghiệp. Lớp trẻ lại đặc biệt nhạy cảm với văn hóa hậu hiện đại. Họ vừa có xu hướng xa lánh văn hóa truyền thống, vừa phê phán văn hóa lý tính và đề cao sự nổi loạn cá nhân, chạy theo những giá trị của văn hóa tiêu dùng. Dù chưa hội đủ cơ sở cho sự xuất hiện của văn hóa hậu hiện đại như các nước phát triển, nhưng tâm thái văn hóa hậu hiện đại đã từng bước xâm nhập vào văn hóa Việt Nam qua văn hóa đại chúng, văn nghệ bình dân, văn hóa ăn nhanh và truyền thông đa phương tiện. Đây có thể coi là bước “đi trước” về ảnh hưởng văn hóa dưới tác động của toàn cầu hóa văn hóa.
Bên cạnh đó, ở Việt Nam hiện nay, còn xuất hiện sự phục hưng của các giá trị văn hóa truyền thống. Phục hưng văn hóa hoàn toàn khác biệt với phục cổ. Phục hưng văn hóa chính là việc phát huy những giá trị tốt đẹp nhất của văn hóa dân tộc, trong đó nổi bật nhất là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo. Sự phục hưng của văn hóa truyền thống, với người Việt Nam, có ba hậu thuẫn lịch sử. Thứ nhất, Việt Nam có truyền thống yêu nước và chống ngoại xâm lâu đời. Người Việt sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Thứ hai, người Việt Nam coi trọng văn hóa cộng đồng, ai cũng gắn liền với hương thổ, bản quán, gốc rễ. Thứ ba, người Việt Nam nhân ái, coi trọng tình nghĩa. Đây vừa là di sản của văn minh nông nghiệp hàng nghìn năm kết thành căn tính và tố chất người Việt, vừa là ưu thế để văn hóa Việt không bị đồng hóa dù đã trải qua nghìn năm Bắc thuộc.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định mục tiêu phát triển của Việt Nam là: “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(1). Kinh tế quyết định văn hóa, văn hóa vừa có tính độc lập, vừa có tính vượt trước so với kinh tế và có tính kế thừa, vì vậy, có thể thấy, trong xây dựng mô hình văn hóa Việt Nam, để tương thích với sự phát triển tổng thể của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa văn hóa, chúng ta cần tiếp thu những giá trị mới của văn hóa toàn cầu, đồng thời, phát huy những nhân tố tích cực của văn hóa truyền thống, khắc phục những mâu thuẫn trong nền văn hóa hiện nay. Về cơ bản, mô hình văn hóa đó là:
Thứ nhất, mô hình văn hóa lý tính khoa học.
Kinh tế thị trường hiện đại, toàn cầu hóa kinh tế, kinh tế tri thức yêu cầu các chủ thể tham gia phải hiện đại hóa về các mặt hoạt động và vận hành xã hội, như kinh doanh, quản lý, sản xuất, phục vụ… đều phải dựa vào tư duy khoa học, quyết sách lý tính, lấy thông tin chuẩn xác làm cơ sở hoạt động để giành lấy hiệu suất và lợi nhuận lớn nhất. Nội hàm văn hóa này cần được chú trọng, bởi nó thúc đẩy tinh thần kỷ luật, tác phong công nghiệp, thái độ làm việc chuyên nghiệp, văn hóa công sở. Đây là những yếu tố mà văn hóa truyền thống còn yếu, bởi gắn liền với văn minh nông nghiệp.
Thứ hai, mô hình văn hóa có tính chủ thể, tính sáng tạo.
Kinh tế thị trường hiện đại và toàn cầu hóa kinh tế khác với kinh tế tự nhiên khi nó yêu cầu tính chủ thể và tính sáng tạo cao của con người, mỗi người phải luôn luôn vượt lên quan niệm và thành quả đã có, không ngừng đổi mới. Tính chủ thể và tính sáng tạo đòi hỏi tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nó giúp cá nhân vượt qua thói quen ỷ lại, dựa dẫm vào cộng đồng, tạo nên bản sắc riêng.
Thứ ba, mô hình văn hóa pháp trị.
Kinh tế thị trường và toàn cầu hóa kinh tế yêu cầu mọi hoạt động của xã hội và mọi hoạt động giao lưu của con người đều phải tuân theo quỹ đạo pháp chế. Trong vận hành xã hội và giao lưu giữa người - người tạo nên một mô hình giao lưu bình đẳng, dân chủ, thượng tôn pháp luật./.
---------------------------
(1) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 36
Tổ chức thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội: Vấn đề và giải pháp  (11/11/2021)
Thành phố Hà Nội: Xây dựng con người văn hóa, văn minh, thanh lịch  (29/10/2021)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay