Quan hệ sở hữu trong xu thế phát triển kinh tế chia sẻ ở Việt Nam
TCCS - Kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh mới, có khả năng mang lại siêu lợi nhuận cùng với lợi ích chung cho xã hội trên nền tảng nền kinh tế số. Kinh tế chia sẻ là một cơ hội mới về thay đổi phương thức kinh doanh từ sở hữu tài sản sang sử dụng tài sản mà không cần sở hữu. Do đó, quan hệ sở hữu cũng có những biến đổi nhất định về chủ thể sở hữu, đối tượng sở hữu... Bài viết này trao đổi một số vấn đề đặt ra trên phương diện quan hệ sở hữu đối với nền kinh tế chia sẻ, từ đó đề xuất một số hàm ý giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quan hệ sở hữu khi phát triển kinh tế chia sẻ ở Việt Nam.
Trước khi hình thành Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sở hữu tư liệu sản xuất vật chất hay tư liệu tiêu dùng là yếu tố quan trọng hàng đầu đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp hay chất lượng cuộc sống của người dân, ngày nay đã xuất hiện nhiều yếu tố mới trong quan hệ sở hữu. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo nên một thế hệ những người có xu hướng tiêu dùng trải nghiệm hơn là sở hữu vật chất. Họ sẽ không còn thích thú với việc giữ trong tay một đồ vật và khẳng định quyền sở hữu của mình, họ chỉ cần khả năng “truy cập” và sử dụng nó. Điều này sẽ được đáp ứng một cách tối đa khi thực tế môi trường số hóa đang không ngừng phát triển với in-tơ-nét vạn vật, công nghệ in 3D hay những thành tựu khác. Trong xu hướng đó, nền kinh tế chia sẻ lên ngôi.
“Kinh tế chia sẻ” - “sharing economy” là một mô hình thị trường kết hợp giữa sở hữu và chia sẻ, trong đó đề cập vai trò ngang hàng (peer-to-peer network) dựa trên sự chia sẻ quyền sử dụng hàng hóa và dịch vụ nhằm gia tăng lợi ích cho các bên tham gia. Nó là hệ thống kinh tế đề cao chia sẻ và hợp tác hơn tư hữu. Con người thay vì sở hữu để thỏa mãn nhu cầu của mình thì sẽ tìm những nguồn lực trong cộng đồng có khả năng thỏa mãn nhu cầu của mình mà không cần sở hữu nó. Nền kinh tế chia sẻ đang phát triển vì nó tái phân phối tài nguyên đang không được sử dụng hiệu quả (sản phẩm mua rồi nhưng không dùng, máy móc không được khai thác tối đa thời gian sử dụng) sang chỗ mà nó được dùng hiệu quả hơn.
Nhìn một cách vĩ mô, nền kinh tế chia sẻ là nơi những tài nguyên sẵn có được khai thác chung giữa những người dùng thông qua nền tảng là công nghệ, nó giúp kết nối những người có tài nguyên sẵn sàng chia sẻ tài nguyên và những người cần một cách hiệu quả hơn. Chia sẻ và tái phân phối tài nguyên bắt đầu rẻ đi so với mua đồ mới và vứt đồ cũ đi. Mọi người không chỉ là người mua, mà còn có thể bán thông qua thương mại ngang hàng. Con người bắt đầu thay đổi quan hệ với những thứ mình tư hữu, họ nhận ra những thứ có thể được truy cập mà không cần sở hữu, thứ đắt đỏ trong việc duy trì, thứ không thực sự cần thiết, thứ không được dùng thường xuyên... đều nên thuê chứ không nên mua.
Những thay đổi quan hệ sở hữu dưới tác động của kinh tế chia sẻ
Quan hệ sở hữu vốn dĩ là quan hệ xã hội phát sinh giữa người với người trong việc “chiếm hữu” vật chất thì trong nền kinh tế chia sẻ, nó còn là quan hệ giữa người với người trong quá trình “chia sẻ” tài nguyên. Từ đó cũng đã xuất hiện những thay đổi trong quan hệ sở hữu trong xu hướng phát triển của kinh tế chia sẻ.
Thứ nhất, thay đổi về đối tượng sở hữu
Trước Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đối tượng sở hữu thường là tư liệu sản xuất chủ yếu, như vốn, máy móc, tài nguyên, lao động... Các chủ thể sở hữu vốn có vai trò quyết định trong mối quan hệ với các chủ thể khác của quá trình sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, trong nền kinh tế chia sẻ với nền tảng là ứng dụng công nghệ số ngày càng có vị trí quan trọng trong sản xuất, kinh doanh, vị thế của yếu tố vốn, tài chính có xu hướng giảm xuống. Thay thế vào đó là các doanh nghiệp công nghệ thông tin - nơi nắm giữ được dữ liệu về nhu cầu, sở thích, tài chính,... của người tiêu dùng. Với khả năng thu thập và phân tích dữ liệu các doanh nghiệp công nghệ thông tin sẽ nắm được nhu cầu của khách hàng và tự đưa ra được sản phẩm tương ứng. Sau đó, họ sẽ thuê doanh nghiệp sản xuất làm sản phẩm giúp mình.
Dưới tác động của kinh tế chia sẻ, sở hữu tài sản vô hình ngày càng quan trọng hơn tài sản hữu hình. Trong khi tài sản vô hình ngày càng mang lại giá trị cao với chi phí cố định thấp thì tài sản hữu hình lại phải chịu chi phí cố định cao và hư phí lớn. Nếu như trong điều kiện hiện tại, giá trị gia tăng của ngành sản xuất phụ thuộc chủ yếu vào việc gia công vật liệu thành sản phẩm, đưa vào đó phần mềm hoặc hệ thống điều khiển thì trong tương lai, hệ thống kết nối in-tơ-net sẽ thu thập nhu cầu của khách hàng, dựa vào đó nhà sản xuất sẽ chỉ cập nhật phần mềm để lên đời sản phẩm mà không cần thay mới chi tiết hay bộ phận. Do đó, giá trị của những tài sản vô hình như công nghệ, dữ liệu ngày càng có vai trò to lớn. Tài sản vô hình chiếm giữ giá trị ngày càng lớn trong chuỗi giá trị của một sản phẩm.
Thứ hai, thay đổi về chủ thể sở hữu.
Trên nền tảng in-tơ-nét vạn vật, hàng triệu thiết bị đang hằng ngày sưu tập dữ liệu từ các người dùng trên khắp thế giới và gửi nó về kho lưu trữ đám mây của một “ông chủ” nào đó. Những dữ liệu này có giá trị không chỉ với bất cứ công ty nào sản xuất ra thiết bị đó mà với hàng trăm công ty khác. Hằng ngày, chúng vẫn được sưu tập, phân tích, sử dụng mà người dùng không hề hay biết. Có thể thấy từ đặc tính của kỹ thuật số, người sở hữu không còn giới hạn quyền sở hữu của mình như khi sở hữu vật chất hữu hình nữa. Câu hỏi đặt ra là: Ai là người sở hữu các dữ liệu? Và với khả năng chia sẻ dữ liệu, không hạn chế quyền truy cập thì người chủ sở hữu dữ liệu thu lợi ích từ quyền sở hữu của mình như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, có rất nhiều ý kiến khác nhau.
Theo Bác-ba-ra Cờ-lin-tơn, trong các trường đại học, hay cơ sở nghiên cứu khoa học rõ ràng những nhà nghiên cứu có quyền giữ dữ liệu bởi vì “các trường đại học hiếm khi đòi quyền sở hữu”. Trong lĩnh vực công nghiệp, quyền sở hữu này được xác định thông qua hợp đồng, thường các dữ liệu thông tin sẽ thuộc về công ty. Với các tổ chức chính phủ, nhà nước những sản phẩm mà các nhà khoa học thuộc nhà nước sản xuất ra trong thời gian đang làm việc cho nhà nước nghiễm nhiên thuộc về nhà nước. Nhưng thật khó để xác định điều đó, với xu hướng ngày nay rất nhiều nhà nghiên cứu trẻ làm việc tự do và không thực sự thuộc biên chế của nhà nước(1).
Theo nghiên cứu của Đa-vít Lô-xin, chủ sở hữu của dữ liệu rất đa dạng, tùy vào từng trường hợp khác nhau mà chủ sở hữu khác nhau(2). Ví dụ, người thu thập dữ liệu cũng có thể trở thành chủ sở hữu dữ liệu đó. Bằng cách kết hợp các bộ dữ liệu từ các nguồn khác nhau, người đó có thể tạo ra một “cơ thể” mới cho thông tin, có giá trị hơn các mảnh dữ liệu riêng biệt tạo nên “cơ thể” đó.
Vậy, sản phẩm cuối cùng là kết quả của cả người sản xuất và người tiêu dùng sẽ thuộc sở hữu của ai và lợi ích được phân chia như thế nào? Đây vẫn đang là câu hỏi khó cho các nhà quản lý.
Thứ ba, hình thành xu hướng nhận thức mới về sở hữu.
Kinh tế chia sẻ làm xuất hiện thế hệ những người có xu hướng tiêu dùng trải nghiệm hơn là sở hữu vật chất. Họ không muốn đĩa DVD hay đĩa CD mà muốn bộ phim âm nhạc trong những chiếc đĩa đó. Họ không muốn xe cộ mà muốn được đáp ứng nhu cầu đi lại một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất. Như vậy, thế hệ khách hàng tương lai sẽ không còn thích thú với việc giữ trong tay một đồ vật và khẳng định quyền sở hữu của mình, họ chỉ cần khả năng “truy cập” và sử dụng nó. Nền kinh tế chia sẻ ra đời làm cho nhu cầu chia sẻ tài sản nhàn rỗi và các tài nguyên sẵn có được khai thác chung giữa những người dùng thông qua nền tảng là công nghệ được đáp ứng một cách hiệu quả nhất. Người tiêu dùng nhận ra: Chia sẻ và phân phối lại tài nguyên bắt đầu rẻ đi so với mua đồ mới và vứt đồ cũ đi. Từ đó xuất hiện xu hướng đảo ngược chủ nghĩa tiêu dùng chuyển sang chủ nghĩa chia sẻ. Khi in-tơ-nét được lan rộng giúp kết nối những người có và những người cần một cách hiệu quả hơn, mọi người không chỉ là người mua mà còn có thể bán thông qua thương mại ngang hàng. Việc này giúp những thứ lãng phí do không dùng đến được tận dụng thông qua nền tảng công nghệ.
Những vấn đề đặt ra về quan hệ sở hữu trong nền kinh tế chia sẻ ở Việt Nam
Một là, những biến đổi về đối tượng sở hữu trong nền kinh tế chia sẻ đòi hỏi một nền tảng thể chế quản lý đầy đủ hơn.
Mặc dù trong nền kinh tế chia sẻ không thể thiếu các đối tượng sở hữu vật chất và phi vật chất, hữu hình và vô hình, như vốn, lao động, tài nguyên... giống như bất kỳ nền kinh tế nào, nhưng đối tượng sở hữu quan trọng nhất là nền tảng công nghệ. Rõ ràng, các công ty công nghệ có thể không hề nắm trong tay một tài sản vật chất nào liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của họ. Ví dụ, Grab không hề sở hữu một chiếc xe nào cả, Airbnb không hề sở hữu một ngôi nhà nào cả. Họ chỉ sở hữu nền tảng công nghệ và cách thức để các chủ thể sở hữu các nguồn lực “vật chất” tìm đến với nhau để đáp ứng nhu cầu. Như vậy, trong nền kinh tế chia sẻ, vấn đề sở hữu tài sản, nguồn vốn... chỉ mang tính chất tương đối trong việc tạo ra nguồn thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Sở hữu suy cho cùng là phương tiện, chứ không phải là mục tiêu khi tham gia thị trường. Nhân tố quan trọng cốt yếu là công nghệ và hệ thống dữ liệu người tiêu dùng
Việc sử dụng công nghệ hiện đã giúp cho mô hình nền kinh tế chia sẻ hoạt động với hiệu suất cao, tiết kiệm chi phí, tăng lợi ích cho người cung ứng, người có nhu cầu và người trung gian. Đồng thời, việc tiết kiệm vốn của công ty do không phải xây dựng cơ sở vật chất, mua nguyên vật liệu đầu vào... mà sử dụng vốn cộng đồng (xe ô-tô, nhà ở của người tham gia) giúp các công ty có thể thu lợi nhuận lớn và dễ dàng mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra toàn thế giới một cách nhanh chóng - không cần phải qua các hình thức liên doanh nước ngoài hay mở văn phòng đại diện ở nước ngoài. Kinh tế chia sẻ tạo ra một loại thức vốn xã hội có thực nhưng lại dựa vào trao đổi đối ứng giữa người với người (có thể theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực). Sở hữu vốn là quan hệ xã hội phát sinh giữa người với người trong việc “chiếm hữu” vật chất, còn ở đây lại là quan hệ giữa người với người trong quá trình “chia sẻ” tài nguyên. Chính vì vậy, những tài sản “mới” xuất hiện không thể quản lý theo phương thức truyền thống mà đòi hỏi cần có những định hướng chính sách và hành lang pháp lý mới.
Rà soát, đánh giá bước đầu về sự đáp ứng của pháp luật hiện hành với mô hình kinh tế chia sẻ cho thấy, hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh của Việt Nam hiện nay (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Giao dịch điện tử, các luật về thuế,...) chưa có quy định liên quan đến điều chỉnh hoạt động của mô hình kinh tế chia sẻ. Ví dụ, mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ không có trong danh mục ngành, nghề kinh doanh, doanh nghiệp gặp khó khăn khi đăng ký thành lập doanh nghiệp; do đó, đa phần các mô hình kinh doanh mới được đăng ký vào ngành dịch vụ khác. Một số bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành điều chỉnh hoạt động của mô hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam có thể kể đến, như:
- Còn thiếu các chính sách bảo đảm cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và kinh tế chia sẻ trong từng ngành cụ thể. Thực tế, sự nở rộ của các dịch vụ theo mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam thời gian gần đây đã xuất hiện những mối lo ngại về sự cạnh tranh không bình đẳng, nếu cơ quan quản lý điều hành không có biện pháp can thiệp kịp thời và đúng đắn. Bởi vì, tính ưu việt của mô hình kinh tế mới này sẽ tạo nên sức ép cạnh tranh lớn đối với các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình truyền thống và gây ra xung đột lợi ích giữa họ với doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ. Nếu không có những chính sách phù hợp của chính quyền - với vai trò “trọng tài” giải quyết - hầu hết xung đột này hết sức gay gắt. Khi chưa có các chính sách đồng bộ, vấn đề cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp truyền thống là một rủi ro lớn cần giải quyết. Câu chuyện vụ kiện giữa Vinasun - một hãng kinh doanh tắc-xi truyền thống với Grab trong thời gian qua là một trong những minh chứng điển hình.
- Còn thiếu các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ để bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là xác định rõ hơn nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử có liên quan đến kinh tế chia sẻ. Kinh tế chia sẻ tiềm ẩn những rủi ro mà nhà quản lý cần phải quan tâm để bảo đảm lợi ích của cả người mua (người tiêu dùng) và người bán (nhà cung cấp dịch vụ). Mặc dù các bên có thông tin về nhau đầy đủ hơn, nhưng việc kiểm chứng các thông tin và tiếp xúc trực tiếp với nhau lại ít hơn nên cũng tiềm ẩn rủi ro lớn hơn nếu như không được khắc phục bằng những quy định cụ thể và hiệu quả. Vấn đề bảo hiểm, an toàn cho các bên bao gồm cả người cung cấp dịch vụ và người dùng/người sử dụng dịch vụ hay khách hàng cũng đặt ra gay gắt hơn.
- Còn thiếu các cơ chế, chính sách quy định trách nhiệm rõ ràng hơn của các bên trong kinh tế chia sẻ. Do sự xuất hiện của bên thứ ba là nền tảng công nghệ, quan hệ hợp đồng trong kinh tế chia sẻ sẽ ít nhất là quan hệ ba bên thay vì quan hệ hai bên như trong các hợp đồng trước đây. Khung khổ pháp lý quy định trách nhiệm của từng bên trong mối quan hệ hợp đồng này cần được thay đổi và bổ sung. Đây cũng là một trong những lý do mà các nước trên thế giới (ngay cả các nước phát triển) đều cần điều chỉnh hệ thống pháp luật của mình để ứng xử phù hợp trong bối cảnh mới của kinh tế chia sẻ.
Hai là, cơn bão kỹ thuật số thời 4.0 đã đặt ra thách thức lớn đối với pháp luật về sở hữu trí tuệ, đòi hỏi các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ phải đổi mới hơn, sáng tạo hơn và chặt chẽ hơn.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã làm cho sở hữu trí tuệ ngày càng trở thành yêu cầu bắt buộc trong tiến trình hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Những sản phẩm của sự sáng tạo cần được pháp luật bảo vệ tối đa để đem đến sự công bằng, khuyến khích hơn khoa học và công nghệ phát triển.
Công nghệ in 3D - thành tựu nổi bật của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có thể gây ra những tác động sâu sắc đến các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, bởi lẽ xác định in 3D có mâu thuẫn với quyền sở hữu trí tuệ hay không là một việc làm vô cùng khó khăn đối với cả người dùng lẫn cơ quan chức năng. Chỉ với một chiếc máy in 3D, bất kỳ ai cũng có thể tải về một tập tin (file) thiết kế hỗ trợ máy tính (CAD), có tác dụng “hướng dẫn” máy in tạo ra vật thể 3D. Do là tồn tại dạng số nên những file CAD này dễ dàng được chia sẻ trên in-tơ-nét thông qua các dịch vụ chia sẻ file, tương tự như điều những người sử dụng máy tính vẫn làm với các bộ phim hay bài hát. Như vậy, chỉ cần có file CAD và máy in 3D, người ta có thể sản xuất ra sản phẩm như trong nhà máy mà không chịu bất kỳ sự ràng buộc pháp lý nào có liên quan tới bảo hộ sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, bằng sáng chế thường bảo hộ cho một phương thức sản xuất ra sản phẩm mới, trong khi máy in 3D có thể tạo ra sản phẩm đó mà không cần vi phạm phương thức sản xuất được bảo hộ. Kể cả khi bằng sáng chế có bảo hộ cho sản phẩm mới thì công nghệ in 3D cũng khiến mọi người cải biến và thiết kế ra sản phẩm mới dựa trên sản phẩm đã được bảo hộ một cách dễ dàng hơn. Vướng mắc tiếp theo là rất khó chứng minh vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ khi quá trình in 3D có thể diễn ra mọi nơi, mọi lúc, miễn là có máy in, thậm chí trước cả nhà sản xuất chính thức. Việc thương mại hóa máy in 3D đặt ra một thách thức không hề nhỏ cho các nhà quản lý thị trường khi lượng hàng giả, hàng nhái được tạo ra vô cùng lớn. Doanh nghiệp có thể gặp khó khăn nghiêm trọng khi các hãng khác hoặc thậm chí các cá nhân có thể dễ dàng sao chép sản phẩm của mình bằng cách sử dụng tập tin thiết kế hoặc bằng máy quét 3D. File CAD của các vật thể, giả định là đã có bảo hộ sở hữu trí tuệ, cũng có thể bị chia sẻ ngay tức thì với cả thế giới nhờ vào các thiết bị in 3D trực tuyến. Mâu thuẫn quyền sở hữu trí tuệ cao ở mức độ doanh nghiệp, thậm chí lên đến tầm quốc gia, là hoàn toàn có nguy cơ xảy ra.
Ba là, lợi nhuận của doanh nghiệp theo đuổi hình thức “kinh tế chia sẻ” chưa được đo lường một cách chính xác.
Rất nhiều hoạt động, như cho thuê ngôi nhà thứ hai của bạn trong vài ngày trên nền tảng ứng dụng Airbnb không được tính vào tổng sản phẩm trong nước (GDP), các hoạt động khác cũng tương tự. Một số người cho rằng điều này có thể được coi nhẹ vì rõ ràng chúng ta đang sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, chúng ta tạo ra nhiều giá trị hơn việc sản xuất ngày càng nhiều hàng hóa, những thứ có thể đóng góp vào số liệu GDP nhưng lại không cần thiết cho hành tinh này. Nhận định này không sai, trong xu hướng ngày càng giảm bớt sự coi trọng “chủ nghĩa tiêu dùng”. Vấn đề ở đây còn xa hơn thế, hạch toán vĩ mô là điều cần thiết trong bất cứ nền kinh tế nào. Nền kinh tế cần những cân bằng vĩ mô, nhưng chúng ta đang thiếu các phương tiện số liệu để chứng minh được rằng “nền kinh tế chia sẻ” có khả năng tạo nhiều hơn sự cân bằng trong xã hội. Việc kiểm soát minh bạch thông tin của các doanh nghiệp này cũng như quản lý giao dịch điện tử, thanh toán quốc tế về thương mại bằng thẻ là một vấn đề đang làm khó các nhà quản lý. Ngoài ra, việc quản lý thuế đối với mô hình kinh tế chia sẻ cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhà quản lý khó có thể nắm bắt số lượng chính xác các giao dịch được tiến hành theo hình thức kinh tế chia sẻ và cụ thể những đối tượng tham gia mô hình này.
Bốn là, trách nhiệm của các chủ thể tham gia nền kinh tế chia sẻ vẫn còn ở mức độ tối thiểu.
Cùng với việc không sở hữu tư liệu sản xuất vật chất chủ yếu mà chủ yếu hoạt động dưới dạng thức chia sẻ nguồn lực, trách nhiệm của doanh nghiệp hạ thấp đến mức tối thiểu, đặc biệt là trách nhiệm với lực lượng lao động. Việc người lao động không có quyền lợi về bảo hiểm sức khỏe, bảo đảm công việc và những giao dịch ngang hàng sẽ làm gia tăng bất bình đẳng. Nó phá vỡ các gói công việc, cũng đồng thời phá vỡ các quyền lợi liên kết, từ việc chăm sóc sức khỏe đến bảo hiểm, từ khâu đào tạo đến nâng cao tay nghề và cả những động cơ thăng tiến. Đây chính là thất bại lớn nhất của mô hình kinh tế này khi chính nó không định hình được một lực lượng lao động cho chính mình. Khi Uber bị Grab thâu tóm, hàng nghìn lao động dịch vụ lái xe của Uber không hề được thông báo chính thức và phải loay hoay tìm kiếm việc làm mới hay cách thức mới để trở thành các Graber.
Mối quan hệ giữa những người có tài sản và những tổ chức trung gian cũng đáng được bàn đến. Trong mô hình kinh tế chia sẻ kiểu mới, các công nghệ tài chính (fin-tech) vẫn là tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ, nhưng vấn đề của Uber hay Grab là rủi ro kinh doanh đáng kể được chuyển sang cho người lao động cung cấp dịch vụ trực tiếp, mà họ gọi là đối tác, thay vì can thiệp sâu hơn. Trong lĩnh vực tài chính, các tổ chức trung gian cũng buộc phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của giới quản lý, khó mà chuyển hết rủi ro sang cho người dùng.
Một số giải pháp giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quan hệ sở hữu khi phát triển kinh tế chia sẻ ở Việt Nam
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, cung cấp môi trường pháp lý đầy đủ, linh hoạt, tạo điều kiện để phát triển và quản lý hiệu quả các chủ thể tham gia mô hình kinh tế chia sẻ, phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của nền tảng khoa học - công nghệ. Chính phủ cần xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật trong rất nhiều lĩnh vực đang có xu hướng sử dụng công nghệ số mạnh mẽ, như giao thông, y tế, môi trường, du lịch, thương mại điện tử,...
Đến nay, Chính phủ Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý để bảo đảm cho các doanh nghiệp hoạt động dưới mô hình kinh tế chia sẻ. Trước khi có Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, ngày 17-1-2020, “Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô” của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã ra văn bản tạm dừng thí điểm mới với các doanh nghiệp vận tải công nghệ. Nguyên nhân là sự bùng phát của tắc-xi công nghệ gây áp lực lên kết cấu hạ tầng, bất bình đẳng với các loại hình dịch vụ vận tải khác. Việc xây dựng hành lang pháp lý để mô hình kinh tế này hoạt động là việc cấp thiết để bảo đảm an ninh trật tự xã hội, hài hòa lợi ích các bên, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Nếu các nhà quản lý nhìn nhận vấn đề đã thật sự cấp bách, có tác động sâu rộng cho xã hội, cần quản lý chặt, thì phải gấp rút sửa luật, nghị định để điều chỉnh, không thể chấp nhận tư duy không quản được thì cấm, khó quản thì tạm cấm. Bởi lẽ, đã là xu thế thì sớm hay muộn cũng diễn ra, các cơ quan quản lý trong nước cần nhận diện đúng để từ đó sớm xây dựng hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp yên tâm hoạt động và tạo ra giá trị, lợi nhuận. Mới đây, Airbnb, một doanh nghiệp hàng đầu trong chia sẻ phòng ở đã thâm nhập thị trường In-đô-nê-xi-a, nhưng chưa vào Việt Nam, dù trước đó đã có nhiều động thái. Lựa chọn này có thể có nhiều lý do, nhưng có lẽ một phần, họ cũng đang chờ phản ứng chính thức của Việt Nam với phép thử Grab.
Thứ hai, đổi mới chế độ sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo hữu hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trên các lĩnh vực. Tăng cường, thúc đẩy, khuyến khích hoạt động sáng tạo ở Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực để có thể tạo ra một dung lượng tri thức mới, các sáng chế, các thương hiệu,... Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống thể chế, bao gồm các luật liên quan đến sở hữu trí tuệ, trong đó mở rộng đối tượng bảo hộ trong các lĩnh vực công nghệ, dựa trên nền tảng in-tơ-nét kết nối vạn vật, dữ liệu lớn và điện toán đám mây - những nền tảng công nghệ của kinh tế chia sẻ. Quy định cụ thể cơ chế xác lập quyền, khai thác giá trị và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống lại mọi hành vi xâm phạm. Bên cạnh đó, xây dựng quy định về cơ chế bảo đảm thông tin khách hàng, bảo mật dữ liệu, giao dịch và các biện pháp xử lý khi các doanh nghiệp vi phạm.
Thứ ba, nhanh chóng xây dựng hệ thống phương tiện, cách thức để hạch toán kinh tế và minh bạch hóa thông tin trong nền kinh tế chia sẻ. Quản lý chất lượng sản phẩm được cung cấp bởi các chủ thể kinh doanh “bán chuyên”, quản lý các giao dịch dưới hình thức thanh toán điện tử, quản lý thuế từ các doanh nghiệp theo mô hình kinh tế chia sẻ, bảo đảm không bị thất thoát tài nguyên quốc gia. Cơ chế quản lý chủ thể tham gia thường khó áp dụng với các chủ thể cung cấp dịch vụ trực tiếp, bởi số lượng rất đa dạng và phức tạp, thường không có đầu mối cụ thể. Cơ quan quản lý nên tập trung vào chủ thể cung cấp dịch vụ trung gian kết nối giữa người cung cấp và người sử dụng trên nền tảng công nghệ - vì quản lý số liệu từ phần mềm thường chính xác và hiệu quả hơn. Tùy vào từng loại mô hình kinh doanh kinh tế chia sẻ và loại hình hàng hóa, dịch vụ để đưa ra các quy định cho phù hợp.
Thứ tư, tăng cường hiểu biết của các chủ thể khi tham gia mô hình chia sẻ, có cơ chế quản lý để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như tài sản của cá nhân. Các chủ thể tham gia có thể đưa ý kiến yêu cầu được bảo đảm lợi ích khi tham gia các giao dịch thông qua các loại hình bảo hiểm (bảo hiểm lao động, bảo hiểm thuê nhà, thuê xe...). Cần có cơ chế làm rõ vai trò và trách nhiệm, đồng thời có quy chế trừng phạt các vi phạm, phòng ngừa lạm dụng và bảo đảm an toàn dữ liệu khi tham gia mô hình kinh tế chia sẻ.
Không phủ nhận rằng, bên cạnh những ưu điểm, mô hình chia sẻ cũng bộc lộ một số hạn chế về vấn đề quan hệ sở hữu, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, thiếu các chế tài về bảo hiểm, vấn đề trốn thuế, đạo đức kinh doanh và quản lý chất lượng các dịch vụ chia sẻ. Tuy vậy, mô hình này chắc chắn vẫn sẽ có tác động mạnh tới tương lai của nền kinh tế và việc khắc phục hạn chế chỉ có thể thực hiện bằng một hành lang pháp lý chặt chẽ./.
---------------
(1) Barbara J. Culliton: “Authorship, Data ownership
Examined”, Tạp chí Science, số 242, http://depts.washington.edu/uwbri/PDFFiles/Authorship, DataOwnershipExamined.pdf
(2) David Loshin: “Enterprise Knowledge Management, The data quality Approach”, http://cdn.ttgtmedia.
com/searchDataManagement/downloads/Loshin
Enter-prisech2.pdf
Kinh tế không tiếp xúc: Nhận diện và một số hàm ý chính sách  (26/07/2021)
Kinh tế không tiếp xúc: Nhận diện và một số hàm ý chính sách  (26/07/2021)
Vận dụng quan điểm của V. I. Lê-nin về phát triển trong nhận diện sự phát triển của lực lượng sản xuất thế giới hiện nay  (28/04/2021)
Phát triển kinh tế số tại Thái Lan và những gợi ý cho Việt Nam  (09/09/2020)
Kinh tế số và cơ hội để Việt Nam bứt phá  (11/02/2020)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển