Chuyển đổi trọng tâm phát triển kinh tế Trung Quốc năm 2020
TCCS - Trong 6 tháng đầu năm 2020, kinh tế Trung Quốc có sự sụt giảm trong quý I, nhưng sang quý II, GDP đã có sự phục hồi và tăng trưởng trở lại với đà tăng 3,2%. Con số này cao hơn mức dự đoán của các chuyên gia, nhưng cho đến nay, Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh COVID-19 tái bùng phát, thiệt hại do thiên tai nghiêm trọng và nhiều thách thức mới từ quan hệ đối ngoại khiến việc phục hồi kinh tế gặp nhiều thách thức và trở ngại.
Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm và đây là cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó, các nền kinh tế lớn đều suy giảm nghiêm trọng (như Mỹ suy giảm 6,1%, Liên minh châu Âu (EU) suy giảm 9,1%). Tuy nhiên, Trung Quốc lại là một trong số ít các nền kinh tế lớn không rơi vào suy thoái (dự báo tăng trưởng 1%). Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, trong quý II-2020, chỉ số GDP của Trung Quốc đã bất ngờ tăng 3,2%, song nếu tính cả 6 tháng đầu năm 2020, nền kinh tế Trung Quốc vẫn giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điểm sáng có thể kể đến là con số về kim ngạch xuất, nhập khẩu của Trung Quốc. Tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 11,54 nghìn tỷ NDT (tương đương 1.602 tỷ USD), giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2020, chiếm 14,7% tổng giao dịch ngoại thương của Trung Quốc.
Với chỉ số nền kinh tế vừa công bố của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2020, một số chuyên gia kinh tế bày tỏ lạc quan trước sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc và nhận định, Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới thoát khỏi tình trạng suy thoái chung do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Những chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc
Sau khi khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 tạm thời lắng xuống cùng thực trạng GDP quý I-2020 giảm 6,8%, Chính phủ Trung Quốc đã họp tiến hành phân tích, đánh giá tình hình kinh tế và đưa ra định hướng mới cho nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm “Một yêu cầu, một chiến lược, sáu bảo đảm và mười hai nhiệm vụ giải pháp cho công tác kinh tế hiện nay”(1).
Tháng 5-2020, trong kỳ họp Lưỡng hội, Trung Quốc tiếp tục đề ra phương hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, đó là bám sát mục tiêu hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả; kiên trì định hướng “đi lên trong ổn định”, phát triển chất lượng cao; làm tốt “Sáu ổn định” và “Sáu bảo đảm”, tiến hành song song phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, nhấn mạnh xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, “Sáu bảo đảm” là cơ sở bảo đảm cho “Sáu ổn định”. Đây là nhóm biện pháp tổng hợp mang tính khẩn cấp nhằm ứng phó với những tác động bất lợi mà dịch bệnh COVID-19 và sự suy thoái của kinh tế thế giới gây ra. Điều này thể hiện sự chủ động, tích cực của Trung Quốc nhằm hóa giải khó khăn, tìm kiếm những điểm đột phá mới, góp phần ổn định đời sống của người dân, bảo đảm kinh tế tiếp tục “đi lên trong ổn định”. Trung Quốc đề ra một số chỉ tiêu cụ thể cho năm 2020, như: tạo thêm hơn 9 triệu việc làm tại thành thị, tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị khoảng 5,5%, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 3,5%. Thực hiện chính sách tài khóa tích cực, chính sách tiền tệ thận trọng. Đặc biệt, tại kỳ họp năm nay, Trung Quốc lần đầu tiên không đặt mục tiêu cụ thể cho tăng trưởng GDP kể từ năm 1990 đến nay. Về vấn đề này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng, việc Trung Quốc không đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP cụ thể chủ yếu là do đại dịch COVID-19 và những bất ổn lớn về kinh tế và thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng nhấn mạnh nhiệm vụ hàng đầu của Trung Quốc trong năm 2020 là khôi phục sản xuất, vực dậy nền kinh tế, ổn định việc làm và xóa nghèo toàn diện; các giải pháp chủ yếu là hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (do số lượng doanh nghiệp này giải quyết trên 90% việc làm của Trung Quốc); tăng cường đầu tư cho kết cấu hạ tầng kiểu mới (5G, năng lượng mới…); mở rộng nhu cầu tiêu dùng nội địa, kích cầu trong nước; thắt chặt chi tiêu công.
Trong quý II-2020, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã chủ trì nhiều cuộc tọa đàm trực tuyến liên quan đến các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, công tác ngoại thương và đầu tư nước ngoài… với các doanh nghiệp, địa phương trên cả nước nhằm tìm ra các biện pháp khôi phục, phát triển kinh tế, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; đồng thời, chỉ đạo các địa phương tập trung làm tốt “Sáu ổn định” và “Sáu bảo đảm”, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tập trung triển khai tốt các mục tiêu: 1- Khai thác mạnh mẽ thị trường trong nước; 2- Làm tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp; 3- Tạo thêm nhiều việc làm, bảo đảm sinh kế của người dân, tập trung hỗ trợ nhóm sinh viên mới tốt nghiệp, lao động nhập cư, thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo… Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh kế của người dân. Do vậy, Chính phủ Trung Quốc đã coi giải quyết việc làm là ưu tiên hàng đầu, nhất là hỗ trợ các gia đình khó khăn, thu nhập thấp và nhóm người yếu thế trong xã hội.
Tháng 7-2020, Trung Quốc đã tổ chức nhiều hội nghị, tọa đàm liên quan đến các vấn đề kinh tế. Hội nghị Thường vụ Quốc vụ viện do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì, nhằm đưa ra các quyết định tăng cường năng lực dịch vụ tài chính đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho phép dùng trái phiếu chuyên biệt của chính quyền địa phương để hỗ trợ, bổ sung vốn cho các ngân hàng vừa và nhỏ; tổ chức “Hội nghị chuyên gia và doanh nhân về tình hình kinh tế Trung Quốc”(2) nhằm phân tích tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay, trao đổi, nhận định về bức tranh kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới. Cụ thể là: Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các công tác chuẩn bị cho “cuộc chiến trực diện” do các yếu tố bất ổn trong môi trường quốc tế vẫn không ngừng gia tăng, kinh tế trong nước còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là áp lực về việc làm; thứ hai, thu hẹp khoảng cách không đồng đều giữa cung và cầu nhằm đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng nội địa; thứ ba, kiên định, kiên trì chính sách cải cách, mở cửa. Chính phủ Trung Quốc nhận định, khi nền kinh tế phải đối mặt với áp lực lớn, Trung Quốc chỉ có thể giải quyết hiệu quả các rủi ro và thách thức hiện nay bằng cách nỗ lực thúc đẩy cải cách và mở cửa sâu rộng hơn nữa; thứ tư, sử dụng nguồn vốn đầu tư để thúc đẩy phát triển ngành, nghề, phát huy vai trò của Chính phủ, huy động sức mạnh xã hội và thúc đẩy xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng, đô thị và các công trình giao thông, thủy lợi lớn… để thúc đẩy phát triển hiệu quả các ngành liên quan, tăng cơ hội tạo việc làm.
Ngày 21-7-2020, trong buổi tọa đàm với các doanh nghiệp(3) cụm từ xuyên suốt được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhắc đến là “niềm tin”; đồng thời, gửi gắm những kỳ vọng tới các doanh nghiệp: Một là, tăng cường trách nhiệm đối với sự hưng thịnh của đất nước và dân tộc, chủ động gánh vác trách nhiệm, khó khăn cho đất nước; hai là, dũng cảm, sáng tạo, đổi mới; ba là, giữ chữ tín và tuân thủ pháp luật; bốn là, thực hiện trách nhiệm xã hội, ổn định việc làm; năm là, mở rộng tầm nhìn, nâng cao năng lực, nắm bắt đặc điểm, xu hướng phát triển và nhu cầu của thị trường quốc tế, từ đó khai thác thị trường quốc tế. Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình nhấn mạnh, trong tình hình hiện nay, Trung Quốc cần phát huy đầy đủ ưu thế của thị trường trong nước, từng bước hình thành cục diện phát triển mới, lấy tuần hoàn lớn trong nước làm chủ thể, tuần hoàn kép trong nước và quốc tế thúc đẩy lẫn nhau(4).
Bên cạnh chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, Chính phủ Trung Quốc còn đề ra nhiều biện pháp cụ thể liên quan đến tiêu dùng, dịch vụ và du lịch để kích cầu, thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm: Một là, đẩy mạnh vận tải hàng không nhằm làm giảm mức độ tổn thất ngành hàng không. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã tăng tần suất các chuyến bay vận tải hàng hóa quốc tế. Trong đó, tháng 6-2020, Trung Quốc duy trì định kỳ các chuyến bay chở hàng tới 105 điểm đến tại 45 quốc gia. Trung bình mỗi tuần, các hãng hàng không Trung Quốc và nước ngoài thực hiện 2.390 chuyến bay chở hàng, tăng 135,7% so với thời điểm trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Hai là, phát hành trái phiếu chuyên biệt. Tính đến tháng 6-2020, Trung Quốc đã phát hành 2.193 tỷ NDT (khoảng 313,7 tỷ USD) trái phiếu chuyên biệt mới trên phạm vi cả nước, trong đó, trên 80% số lượng trái phiếu này được đầu tư chủ yếu vào ba lĩnh vực là hạ tầng giao thông, khu công nghiệp và dân sinh. Ba là, thúc đẩy sản phẩm xuất khẩu thâm nhập thị trường trong nước; khuyến khích các doanh nghiệp kết nối, sử dụng nền tảng thương mại điện tử trong nước; triển khai nhiều chương trình khuyến mại kích thích tiêu dùng, mua sắm, du lịch, vui chơi giải trí nhằm kích cầu trong nước; đẩy mạnh phát triển mô hình kinh doanh trực tuyến… Bốn là, đưa ra hàng loạt biện pháp hỗ trợ về tài chính, như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tái cơ cấu khoản vay, xây dựng kế hoạch tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, triển khai chính sách giãn trả nợ… Năm là, áp dụng một số chính sách giảm thuế, phí. Trong 4 tháng đầu năm 2020, tổng số tiền giảm thuế, phí trên toàn Trung Quốc đạt 128 tỷ USD, dự tính trong cả năm 2020, con số này sẽ lên tới hơn 357 tỷ USD. Chính sách này đã giúp doanh nghiệp nhỏ có thêm nhiều không gian phát triển, đồng thời tạo động lực phát triển cho các chủ thể thị trường, tạo nên nhiều ngành, nghề mới và tạo điều kiện tốt để doanh nghiệp tập trung đầu tư cho số hóa, thúc đẩy chuyển đổi nâng cấp, tăng cường phát triển chất lượng cao... Sáu là, thực hiện các gói hỗ trợ kích cầu nền kinh tế như gói trợ cấp dành cho những người muốn mua ô tô… Bảy là, mở lại dịch vụ du lịch nội địa. Cho phép các công ty du lịch và doanh nghiệp du lịch trực tuyến khôi phục kinh doanh nội địa, du lịch liên tỉnh. Tám là, nhân rộng các mô hình thí điểm cải cách tại các khu vực thương mại tự do (FTZ) trong toàn quốc. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tác động nặng nề đến nền kinh tế, việc nhân rộng các mô hình thí điểm này ra toàn quốc có tác động tích cực đến việc Trung Quốc tăng cường mở cửa hơn nữa, thúc đẩy đầu tư thương mại, tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, tính đến nay, Trung Quốc đã thành lập 18 FTZ. Trong 5 tháng đầu năm 2020, 18 khu FTZ của Trung Quốc đã thu hút FDI đạt 60 tỷ NDT (khoảng 8,57 tỷ USD), chiếm 17% tổng số vốn FDI của cả nước. Đây được cho là những bước đi thể hiện quyết tâm mở cửa nền kinh tế Trung Quốc với thế giới, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Xuất khẩu của Trung Quốc là một điểm sáng trong nền kinh tế. Theo đánh giá của giới phân tích Trung Quốc, tuy tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhưng xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2020 vẫn có khả năng tăng cao, nhờ vào: 1- Các thị trường như ASEAN vẫn ổn định và tăng trưởng, là điểm nâng đỡ quan trọng. Mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng vẫn bảo đảm thông suốt tuyến giao thương giữa hai bên. Trong 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại Trung Quốc - ASEAN đạt 1.700 tỷ NDT, tăng 4,2%, ASEAN trở thành thị trường hàng đầu về xuất khẩu của Trung Quốc. Các chuyên gia nhận định, có hai lý do chính dẫn đến kết quả như vậy, đó là: (1) Do mức độ tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại rất cao giữa Trung Quốc và ASEAN. Bên cạnh các hiệp định thương mại tự do (FTA), hai bên còn ký kết các FTA thế hệ mới; (2) đều là mạng lưới cung ứng sản xuất chính của châu Á. Trước đây, kim ngạch thương mại Trung Quốc - Mỹ, Trung Quốc - EU tương đối lớn. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và dịch bệnh COVID-19 bùng phát trong quý I-2020 đã tác động nghiêm trọng đến hợp tác thương mại Trung Quốc - Mỹ. Với EU, mặc dù không có sự va chạm thương mại lớn, nhưng EU là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, ảnh hưởng lớn đến thương mại hai bên; 2- Thương mại điện tử qua biên giới và các phương thức nghiệp vụ mới như trao đổi trực tuyến phát triển mạnh, tạo động lực mới cho xuất khẩu; 3- Xuất khẩu vật tư y tế sang các thị trường, đặc biệt tại Mỹ và EU tăng mạnh, hai thị trường này chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2020.
Một số vấn đề đặt ra
Tình hình kinh tế Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2020 đã được duy trì ổn định, dần khắc phục những tác động bất lợi do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Các nhà máy của Trung Quốc hoạt động trở lại góp phần lấp đầy khoảng trống trong nguồn cung và mở rộng thị trường xuất khẩu toàn cầu. Sức tiêu thụ thị trường nội địa cũng đã được cải thiện.
Tuy nhiên, sự phát triển của Trung Quốc phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức:
Thứ nhất, một số chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho rằng sẽ vội vàng nhận định nền kinh tế Trung Quốc đã quay trở lại trạng thái trước đây. Thực chất, nền kinh tế nước này đã có sự phục hồi so với đầu năm khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhưng hiện tại Trung Quốc vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn do các chỉ tiêu quan trọng như GDP, công nghiệp, dịch vụ, tiêu dùng, đầu tư vẫn giảm. Đặc biệt, tiêu dùng là thành tố quan trọng trong phát triển nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc khi doanh thu bán lẻ (chỉ tiêu quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc phản ánh niềm tin của người tiêu dùng) tăng trưởng âm 1,8% trong tháng 6-2020. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số này giảm khiến giới chuyên gia thất vọng. Tính cả 6 tháng đầu năm 2020 thì con số này vẫn nằm ở ngưỡng đáng báo động, giảm tới 11,4%.
Thứ hai, dù tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị của Trung Quốc đã giảm xuống mức 5,7% trong tháng 6-2020, nhưng tình trạng thất nghiệp hiện tại vẫn là mối lo ngại lớn đối với Trung Quốc. Bình ổn thị trường lao động, việc làm là vấn đề cốt lõi không chỉ đóng vai trò là “phong vũ biểu” về thực trạng kinh tế của Trung Quốc mà quan trọng hơn còn liên quan đến sinh kế, thu nhập của người dân và ổn định xã hội.
Thứ ba, nguy cơ làn sóng lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 vẫn tái xuất hiện, điều này buộc Chính phủ Trung Quốc phải tiến hành một loạt biện pháp phong tỏa khiến nền kinh tế Trung Quốc chưa thể thực sự phục hồi.
Thứ tư, nhiều nhân tố không xác định trong thương mại quốc tế như nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng, chuỗi ngành, nghề, cung ứng bị cản trở, thương mại và đầu tư quốc tế đang dần bị thu hẹp.
Thứ năm, sự hoành hành của các trận mưa lũ thiên tai ở khu vực miền Nam Trung Quốc ảnh hưởng tới kinh tế của nhiều địa phương, gây ra khó khăn, thiệt hại cho hàng trăm triệu người dân Trung Quốc.
Thứ sáu, rủi ro lớn nhất đối với triển vọng phát triển kinh tế của Trung Quốc được nhận định là do tác động của quan hệ Trung Quốc - Mỹ. Thêm vào đó, các nước, đối tác trên thế giới như Anh, Australia, EU, Nhật Bản, Ấn Độ đều lần lượt tuyên bố và có động thái dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc nhằm giảm phụ thuộc kinh tế vào nước này. Tuy nhiên, đứng trước làn sóng này, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc sẽ nỗ lực tăng cường cải cách và mở cửa, tạo ra một môi trường kinh doanh tốt hơn cho các nhà đầu tư Trung Quốc và nước ngoài, tạo nền tảng kinh tế vững chắc cho các doanh nghiệp. Với những cam kết và thông điệp của Trung Quốc như vậy, giới chuyên gia kinh tế nhận định đây sẽ là “liều thuốc” trấn an các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung Quốc gia tăng căng thẳng.
Một số biện pháp kích thích nền kinh tế phục hồi
Báo cáo triển vọng tài chính kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm 2020 của Trung Quốc nhận định, tiêu dùng không “bùng nổ” như dự đoán, nhưng sẽ khôi phục và tăng trưởng trở lại, tốc độ phục hồi kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2020 sẽ phụ thuộc vào các yếu tố: việc khôi phục các dịnh vụ kinh doanh ngoài trời; việc làm; chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Đối với tăng trưởng GDP, báo cáo dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm sẽ cao hơn những tháng đầu năm. Theo dự báo tình hình xấu nhất với giả định dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại khiến nhu cầu toàn cầu suy yếu, tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế Trung Quốc trong quý III và quý IV-2020 sẽ rất thấp, tăng trưởng cả năm sẽ chỉ đạt khoảng 1%. Với dự báo tích cực, tình hình tiến triển tốt, dịch bệnh COVID-19 được khống chế hoàn toàn, nhu cầu bên ngoài tăng cao cộng thêm chính sách trong nước phát huy hiệu quả, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III và quý IV-2020 của Trung Quốc sẽ tăng trở lại, dự tính tăng trưởng cả năm đạt 3,5%.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ khôi phục sản xuất, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc đã đề ra “Sáu tăng cường”, gồm: Một là, tăng cường việc làm và sinh kế của người dân, tập trung vào các nhóm trọng điểm như sinh viên tốt nghiệp, lao động nhập cư, lao động tại khu vực khó khăn; hai là, tăng cường trận chiến công kiên thoát nghèo; ba là, tăng cường phòng ngừa rủi ro; bốn là, tăng cường thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước, tiêu dùng truyền thống và tiêu dùng mới cùng phát triển; năm là, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện chính sách hỗ trợ cho 100 triệu chủ thể thị trường, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể; sáu là, tăng cường cải cách mở cửa.
Nhằm thúc đẩy hồi phục nhu cầu tiêu dùng nội địa, Trung Quốc hướng tới áp dụng một số biện pháp, như đa dạng hóa phương thức tiêu dùng hàng hóa; nâng cao chất lượng và mở rộng tiêu dùng dịch vụ; đẩy nhanh việc hình thành thói quen tiêu dùng mới, chủ yếu là tiêu dùng số hóa, tiêu dùng internet; tích cực mở rộng tiêu dùng xanh, lành mạnh, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng và mạng lưới hệ thống dịch vụ tiêu dùng. Đẩy mạnh ban hành và thực thi các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, cụ thể như: Một là, tăng cường điều tiết chính sách vĩ mô theo hướng ưu tiên tạo việc làm; hai là, thúc đẩy triển khai toàn diện các biện pháp, chính sách khôi phục sản xuất và gia tăng năng suất; ba là, thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp để tạo thêm việc làm, đẩy mạnh mức độ cải cách “phân quyền, quản lý, phục vụ”, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; bốn là, quan tâm, tăng cường mức độ hỗ trợ đối với doanh nghiệp, ngành, nghề, nhóm người trọng điểm(5). Thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt hơn; tập trung hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ vượt qua khó khăn, tăng thêm các khoản vay tín dụng, vay bổ sung; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, dần hình thành cục diện phát triển mới với chủ thể là kinh tế tuần hoàn trong nước, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn kép (trong và ngoài nước), tạo lợi thế mới trong hợp tác và cạnh tranh quốc tế.
Về kinh tế đối ngoại, Trung Quốc khẳng định sẽ nỗ lực thúc đẩy Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết đúng hạn trong năm 2020; đẩy nhanh xây dựng Khu thương mại tự do Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc; có thái độ tích cực và cởi mở đối với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); tích cực thúc đẩy hợp tác, phát triển và xây dựng Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB)...
Có thể nói, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc trong trung và dài hạn, tuy nhiên nền kinh tế Trung Quốc đã chuyển đổi trọng tâm phát triển, lấy nhu cầu trong nước là trụ cột, đặc biệt tiêu dùng đã trở thành yếu tố tăng trưởng chính; ổn định ngoại thương và vị trí trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu; thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng sau dịch bệnh; khởi động cải cách và nâng cấp kết cấu hạ tầng số hóa thúc đẩy kinh tế; cung cấp và bổ sung sản phẩm, dịch vụ công cộng thiếu hụt, đưa kinh tế Trung Quốc dần tăng trưởng ổn định trở lại, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội được đặt ra trong năm 2020./.
-----------------------
1. Một yêu cầu: Ổn định là đại cục chung, cần phải bảo đảm dịch bệnh không tái phát, ổn định tình hình kinh tế cơ bản và bảo đảm sinh kế cho người dân; Một chiến lược: Kiên quyết thực hiện chiến lược mở rộng nhu cầu nội địa; Sáu bảo đảm: bảo đảm việc làm; bảo đảm sinh kế cơ bản của người dân; bảo đảm thị trường; bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng; bảo đảm chuỗi cung ứng chuỗi ngành nghề; bảo đảm vận hành cấp cơ sở;
Mười hai nhiệm vụ giải pháp trọng điểm: (1) Chính sách tài khóa: Cần chủ động và hiệu quả hơn, tăng phát hành trái phiếu Chính phủ chống dịch đặc biệt, tăng trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng trái phiếu để ổn định nền kinh tế; (2) Chính sách tiền tệ: cần bảo đảm sử dụng các biện pháp linh hoạt và phù hợp hơn như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, cắt giảm lãi suất và cho vay lại để duy trì thanh khoản hợp lý, hạ lãi suất thị trường cho vay và sử dụng vốn để hỗ trợ nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; (3) Thúc đẩy tiêu dùng: bảo đảm khôi phục hoạt động sản xuất, nối lại hoạt động kinh doanh và thị trường, mở rộng nhu cầu tiêu dùng của người dân và tăng mức tiêu dùng công một cách thích hợp; (4) Mở rộng đầu tư: Thực hiện cải tạo các khu nhà cũ, tăng cường đầu tư vào kết cấu hạ tầng truyền thống và kết cấu hạ tầng mới, thúc đẩy chuyển đổi và nâng cấp các ngành công nghiệp truyền thống, mở rộng đầu tư vào các ngành công nghiệp mới nổi, huy động đầu tư tư nhân; (5) Hỗ trợ doanh nghiệp: cần hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu chuyển sang bán hàng trong nước; tập trung vào việc giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn hiện nay, thúc đẩy giảm thuế và phí, giảm chi phí tài chính và tiền thuê nhà; đẩy mạnh khả năng tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; (6) Ổn định chuỗi cung ứng: cần duy trì sự ổn định và khả năng cạnh tranh của chuỗi cung ứng, chuỗi công nghiệp của Trung Quốc; thúc đẩy khôi phục sản xuất của chuỗi công nghiệp; (7) Bảo đảm vấn đề dân sinh: cần phải bảo đảm sinh kế của người dân, ưu tiên sử dụng lao động ở các vùng nghèo đói trong quá trình khôi phục lại sản xuất để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ thoát nghèo năm 2020; cải thiện an sinh xã hội, trợ cấp giá; làm tốt công tác sản xuất nông nghiệp và bảo đảm nguồn cung cấp thực phẩm ổn định; (8) Nắm chắc công tác việc làm: Bảo đảm việc làm trong các ngành công nghiệp và nhóm đối tượng trọng điểm, đặc biệt việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học là ưu tiên hàng đầu; (9) Phòng ngừa ô nhiễm: cần tiếp tục tăng cường chống ô nhiễm; (10) Điều tiết thị trường bất động sản: cần kiên trì phương châm “nhà để ở chứ không phải để đầu cơ”, thúc đẩy sự phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường bất động sản; (11) Thúc đẩy cải cách: không được bỏ lỡ cơ hội thúc đẩy cải cách, phải sử dụng các biện pháp cải cách để giải quyết các vấn đề và cải thiện hệ thống phân bổ theo định hướng thị trường của các yếu tố; (12) Mở rộng cải cách mở cửa: kiên định cải cách mở cửa, bảo đảm lưu thông hàng hóa quốc tế thông suốt, kiểm soát chặt chẽ chất lượng xuất khẩu vật tư phòng chống dịch bệnh và thúc đẩy sáng kiến “Vành đai và Con đường” phát triển chất lượng cao.
2. 李克强主持召开经济形势专家和企业家座谈会, http://www.gov.cn/premier/2020-07/13/content_5526465.htm, ngày 13-7-2020
3. 习近平主持召开企业家座谈会并发表重要讲话,http://www.xinhuanet.com/politics/leaders/2020-07/21/c_1126267839.htm, ngày 21-7-2020
4. Tuần hoàn lớn là thúc đẩy kích cầu, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng nội địa, tuần hoàn kép là kích cầu trong nước và tiếp tục thúc đẩy mở cửa ra bên ngoài
5. Doanh nghiệp, ngành nghề trọng điểm, chủ yếu gồm: doanh nghiệp ngoại thương, doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, doanh nghiệp tư nhân. Nhóm người trọng điểm chủ yếu gồm: sinh viên tốt nghiệp, quân nhân giải ngũ, người lao động nhập cư.
Thanh Hóa: Dấu ấn và bài học về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020  (05/11/2020)
Kinh tế thế giới trước dịch bệnh COVID-19  (30/10/2020)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay