Vực dậy ngành hàng không sau đại dịch COVID-19

Đặng Anh Tuấn
Trưởng Ban Truyền thông Tổng Công ty Hàng không Việt Nam
06:56, ngày 26-06-2020

TCCS - Với sự vào cuộc quyết liệt của Đảng và Nhà nước cùng cả hệ thống chính trị và người dân, đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát tốt tại Việt Nam, nền kinh tế đang dần phục hồi và vận hành trở lại, trong đó có ngành hàng không.

“Tự lực tự cường”, “biến nguy thành cơ”

Với tinh thần “tự lực, tự cường là chính”, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đã chủ động cập nhật, đánh giá, nhận định tình hình và đưa ra các chủ trương, giải pháp giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong gần 5 tháng qua, Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Vietnam Airlines đã ban hành 15 nghị quyết, kết luận, chỉ đạo ứng phó với dịch bệnh để có các giải pháp nhanh chóng, khẩn trương, bảo đảm hiệu quả và tuân thủ quy định.

Cụ thể, Vietnam Airlines thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá để tiết giảm chi phí như cơ cấu lại lao động, tinh giản biên chế, thu hẹp quy mô sản xuất, tìm kiếm cơ hội để tăng doanh thu, áp dụng các giải pháp ngắn hạn nhằm huy động dòng tiền và bảo đảm chi phí duy trì hoạt động. Hiện nay, Vietnam Airlines tiếp tục chủ động tính toán sản lượng, chi phí và bố trí nguồn lực phù hợp để vượt qua khủng hoảng, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Hàng không dân dụng của Việt Nam lần đầu tiên thực hiện chuyến bay đưa 343 công dân khởi hành từ San Francisco, bang California, (Mỹ) về sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tháng 5-2020. (Trong ảnh: Tổ bay chuyến bay mang số hiệu VN1 của hãng hàng không Vietnam Airlines họp trước lúc khởi hành)_Ảnh: baogiaothong.vn

Đặc biệt, ngay từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Vietnam Airlines luôn xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho phi công, tiếp viên, nhân viên, hành khách và cộng đồng là ưu tiên cao nhất để “không ai bị bỏ lại phía sau”, đồng thời bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là “chống dịch phải đặt trong tổng thể nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội”.

Song song với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Chính phủ giao, như đưa đồng bào từ nước ngoài về nước (gần 30 chuyến), vận chuyển hàng cứu trợ, trang, thiết bị vật phẩm y tế phòng, chống dịch..., Vietnam Airlines chủ động triển khai mở lại các tuyến bay nội địa, mở mới 11 đường bay đến các điểm du lịch bảo đảm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không của đất nước với vai trò “đi trước mở đường”. Hãng cũng đã phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, các địa phương và công ty lữ hành để đưa ra nhiều chương trình kích cầu du lịch.

Xác định phải “biến nguy thành cơ” như Thủ tướng Chính phủ gợi ý, Vietnam Airlines đã thực hiện vai trò chủ động, dẫn dắt thị trường hàng không trong nước khi có bước đi chiến lược trong “tâm bão” COVID-19 bằng cách đưa ra các giải pháp đẩy mạnh vận tải hàng hóa. Doanh thu vận chuyển hàng hóa không chỉ hỗ trợ duy trì hoạt động của Vietnam Airlines trong bối cảnh đại dịch, mà còn góp phần bảo đảm thông thương, duy trì hoạt động sản xuất của nền kinh tế, việc làm cho người lao động tại các khu công nghiệp và nhà máy lớn, cũng như đồng hành cùng Chính phủ trong công cuộc phòng, chống đại dịch COVID-19.

Khắc phục khó khăn để phục hồi trở lại

Ngoài việc cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, tái cơ cấu lao động, tiết giảm tối đa chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, sự hỗ trợ của các đối tác cũng giúp Vietnam Airlines dần khắc phục phần nào những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra. Tính đến ngày 31-5-2020, các khoản thanh toán giá trị 3.800 tỷ đồng được giãn tiến độ với thời gian từ 2 đến 12 tháng.

Trước những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 đến ngành hàng không, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP, ngày 29-5-2020,  “Về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19” nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để hỗ trợ các doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp hàng không được giảm giá cất, hạ cánh; giảm giá điều hành bay; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không và miễn phí bảo lãnh phát sinh đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

Sự hỗ trợ của Chính phủ cũng tạo điều kiện để Vietnam Airlines đẩy nhanh lộ trình khôi phục hoạt động, mang lại kết quả kinh doanh tốt hơn và đóng góp nhiều hơn vào ngân sách nhà nước. Trong những năm qua, Vietnam Airlines luôn bảo đảm tăng doanh thu, lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn điều lệ nhà nước, đóng góp vào ngân sách nhà nước. Trong giai đoạn 2010 - 2019, đã đóng góp cho ngân sách nhà nước 44.908 tỷ đồng.

Hiện nay, Chính phủ đã có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như miễn, giảm một số thuế, phí... Ngân hàng Nhà nước cũng kịp thời ban hành chỉ thị cho các ngân hàng thương mại xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tái cơ cấu nguồn nợ, giảm lãi vay. Tuy nhiên, để bảo đảm dòng tiền duy trì phục hồi sản xuất, kinh doanh, Nhà nước cần “bơm” vốn, cho vay ưu đãi. Bởi, khó khăn nhất của các hãng hàng không hiện nay là dòng tiền, do các hãng hàng không hiện nay bay nhưng chưa có doanh thu. Để vực dậy các hãng hàng không vào giai đoạn này, rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ về nguồn vốn để khôi phục lại các dịch vụ.

Hỗ trợ trong dịch bệnh là quan trọng, nhưng để phục hồi được nền kinh tế thì sự hỗ trợ sau dịch bệnh mới có tính quyết định. Trong đó quan trọng là các hỗ trợ mang tính dài hạn, không chỉ miễn, giảm thuế, phí mà chính là thiết lập các đường bay, hoạt động bay và đặc biệt là có nguồn vay để các hãng bổ sung nguồn vốn thiếu, vốn mất trong quá trình tạm ngừng hoạt động vì dịch bệnh nhằm khôi phục lại sản xuất, kinh doanh./.


Dự báo, Vietnam Airlines sẽ phục vụ khoảng 1,2 triệu lượt khách nội địa trong tháng 6-2020 và 1,5 triệu lượt khách nội địa trong tháng 7-2020. Đây là những tín hiệu khả quan đánh dấu sự hồi phục tích cực và mạnh mẽ của Hãng cũng như ngành hàng không Việt Nam”.