Ngành dệt may Việt Nam trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
TCCS - Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự báo công nghệ tự động hóa có thể thay thế tới 47% khối lượng công việc; Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 7-7-2016 cũng dự báo, máy móc, công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể thay thế 85% số lao động dệt may của Việt Nam trong vài thập niên tới. Thực tế nhận diện tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các bước đi để tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của ngành dệt may Việt Nam cho thấy những nhận định trên chưa có khả năng xảy ra trong thập niên tới.
Vai trò của ngành dệt may đối với kinh tế Việt Nam
Trong những năm qua, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của nền kinh tế. Trong tất cả các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu hiện nay, dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may năm 2018 đạt trên 36 tỷ USD, chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đứng thứ hai thế giới về quy mô xuất khẩu hàng dệt may, chỉ sau Trung Quốc và đứng thứ tư về quy mô sản xuất hàng dệt may toàn cầu. Sau hơn mười năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam tăng lên hơn bốn lần, trong đó giá trị nội địa hóa của sản phẩm dệt may xuất khẩu tăng trên sáu lần. Bên cạnh đó, ngành dệt may hiện sử dụng khoảng ba triệu lao động công nghiệp, chiếm tỷ trọng trên 10% so với lao động công nghiệp cả nước. Như vậy, có thể thấy rằng, ngành dệt may đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Để đạt được những thành tựu đáng khích lệ như trên, có thể thấy ngành dệt may đã tận dụng được lợi thế lao động dồi dào, có kỹ năng và tay nghề cùng vị trí địa lý thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngành dệt may Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó lợi thế về lao động dồi dào và chi phí lao động thấp sẽ giảm dần.
Ngoài ra, đặt trong bối cảnh ngành dệt may Việt Nam có quan hệ thương mại quy mô lớn với cả Trung Quốc và Mỹ, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng tạo ra áp lực nhất định. Với Trung Quốc, Việt Nam nhập khẩu lượng nguyên phụ liệu chủ yếu là vải lên tới hơn 10 tỷ USD/năm, đồng thời là thị trường xuất khẩu sợi lớn nhất, gần 3 tỷ USD/năm. Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hóa may mặc chiếm tỷ trọng từ 48% đến 50% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam, đồng thời cũng là nơi Việt Nam nhập trên 60% lượng bông tự nhiên để sản xuất sợi. Việc đánh thuế quan vào hàng hóa giữa hai nước Trung Quốc và Mỹ có thể dẫn tới dịch chuyển nguồn cung, cũng như những nguy cơ tiềm ẩn trong các biện pháp trả đũa tiếp theo của hai nước mà chúng ta chưa dự báo được.
Nhận diện khu vực công nghệ có thể thay thế con người
Từ thực tiễn các mô hình công nghệ đã triển khai tại các nhà máy ở Việt Nam và các công nghệ tương lai cho ngành dệt may có thể thấy được những thay đổi chính về công nghệ áp dụng trong ngành dệt may như sau:
Nhóm sợi
Hiện nay, công nghệ ngành sợi tập trung vào việc phát triển máy móc, thiết bị kỹ thuật số với mức độ tự động hóa cao, sử dụng robot trong một số công đoạn; quản lý chất lượng tự động thông qua hệ thống quản lý, phần mềm giám sát, bảo trì thiết bị tự động thông minh. Cho đến nay, công nghệ tiên tiến giúp ngành sợi tiết giảm khoảng 70% số lao động, các nhà máy ứng dụng mô hình công nghệ mới đã có ở Việt Nam. Nếu trước đây để sản xuất 10.000 cọc sợi cần 100 người thì bây giờ chỉ cần từ 25 đến 30 người. Thậm chí, trên thế giới có những nhà máy tiên tiến đang áp dụng sản xuất 10.000 cọc sợi với 10 công nhân đối với các mặt hàng phù hợp, ít thay đổi.
Nhóm dệt nhuộm
Các doanh nghiệp cung cấp thiết bị và giải pháp trong ngành dệt nhuộm chủ yếu tập trung vào các phần mềm thiết kế vải thông minh, sử dụng dữ liệu lớn, in-tơ-nét kết nối vạn vật, kết nối được với hầu hết các loại máy dệt hiện có; phần mềm quản lý nhà máy dệt nhuộm thông minh, kiểm soát tự động toàn bộ quá trình sản xuất. Ngành nhuộm đang hướng tới những công nghệ nhuộm không sử dụng nước, nhuộm nano, nhuộm UV... bảo đảm yêu cầu và xu hướng sản xuất xanh, giảm thiểu các tác động tới môi trường và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên. Chính vì vậy, trong ngành dệt nhuộm, tuy chỉ giảm khoảng 30% số lao động nhưng giảm sử dụng nước, tiêu hao năng lượng lên tới 50%.
Đối với ngành dệt, công nghệ mới giúp tăng năng suất 2,5 lần, nhưng việc sử dụng dữ liệu liên kết trong chuỗi giữa người mua hàng và nhà cung cấp (kết quả sản xuất được kết nối Icloud với tất cả những người mua hàng) cũng tạo ra thách thức cho những người đứng ngoài chuỗi.
Nếu trước đây ngành nhuộm phụ thuộc vào tay nghề của kỹ sư thì nay với việc sử dụng dữ liệu lớn (big data) kết nối tức thời giữa các quốc gia, có thể sử dụng công thức nhuộm của Pháp, Đức ngay tại Việt Nam mà không phụ thuộc vào tay nghề kỹ sư, độ chính xác cao, đạt đến 95% màu cần nhuộm, giúp giảm giá thành. Đặc biệt, ngành nhuộm áp dụng liên kết dữ liệu toàn cầu giữa các nhà sản xuất với người sử dụng (đơn vị sản xuất may mặc). Dữ liệu liên kết này giúp người mua hàng biết đơn hàng của mình đang được làm ở đâu, kiểm soát được chất lượng và tiến độ trực tuyến của sợi và vải của mình đem nhuộm.
Trong ngành dệt may Việt Nam, chỉ 5% số lao động nằm trong nhóm ngành sợi, dệt, nhuộm. Giả sử nếu 50% lao động của nhóm này bị ảnh hưởng bởi Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) thì thực tế chỉ có 2,5% số lao động ngành dệt may (nằm trong ngành sợi, dệt, nhuộm) bị ảnh hưởng.
Nhóm ngành may
Nhóm ngành may hiện đang chiếm tỷ lệ lớn lao động của cả ngành dệt may Việt Nam (95% số lao động toàn ngành thuộc nhóm này). Công nghệ ngành may trong giai đoạn vừa qua tập trung vào các giải pháp quản trị tự động, thiết bị may kỹ thuật số, in 3D và robot may.
Trong 78 công đoạn sản xuất quần áo, các thiết bị kỹ thuật số, tự động hóa được tập trung chủ yếu vào khoảng 8 công đoạn là các công đoạn lặp đi lặp lại, hoặc các công đoạn khó, phức tạp trước đây phụ thuộc vào tay nghề người thợ, như bổ túi, tra tay, tra cổ... để giảm sự phụ thuộc vào tay nghề công nhân và tăng sự đồng đều về chất lượng của các sản phẩm.
Kế tiếp là công nghệ in 3D có thể thay thế công đoạn may, nhưng đến thời điểm hiện tại, in 3D chỉ thực hiện được trên chất liệu có nguồn gốc nhân tạo (nhựa), không in được trên các chất liệu có nguồn gốc tự nhiên, như bông, len, đay. Trong khi bông và sợi tổng hợp (polyester) được sử dụng đến 95% trong sản xuất hàng thời trang trên thế giới.
Bên cạnh đó, đặc thù của ngành may là sản xuất hàng thời trang, với mẫu mã thay đổi liên tục nên việc áp dụng robot không thể đáp ứng hoàn toàn yêu cầu. Hiện nay, trên thế giới đã phát triển mô hình các nhà máy may sử dụng hoàn toàn robot may Sewbot. Các nhà máy này cho phép tăng năng suất từ 1,5 đến 2 lần, trong khi giảm từ 75% đến 90% số lao động. Tuy nhiên, Sewbot chỉ mới áp dụng cho sản xuất các sản phẩm gia dụng đơn giản, như gối, thảm, tấm lót đệm... Sản phẩm may mặc duy nhất sử dụng được Sewbot là áo phông (T-shirt). Chính vì vậy, những dự báo robot thay thế phần lớn lao động có thể diễn ra trong ngành sợi, dệt nhưng chưa thể xảy ra đối với ngành thời trang may mặc Việt Nam, với 95% số lao động.
Doanh nghiệp dệt may Việt Nam trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Chính phủ Việt Nam đã giao Tập đoàn Dệt may Việt Nam tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về tác động của cuộc CMCN 4.0 đối với sự phát triển của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam. Để có dữ liệu nghiên cứu, phân tích, nhóm khảo sát đã tổ chức cuộc khảo sát thử nghiệm đối với khoảng 300 doanh nghiệp dệt may trên khắp cả nước, trong đó khảo sát trực tiếp tại hơn 100 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp khảo sát được chia thành bốn nhóm ngành, trong đó doanh nghiệp sợi chiếm 29%, doanh nghiệp dệt chiếm 16%, doanh nghiệp nhuộm chiếm 18% và doanh nghiệp may chiếm 37%. Về cơ cấu theo loại hình sở hữu, có 58% số doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong nước, 18% số doanh nghiệp có vốn nhà nước và 24% số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhóm khảo sát đã tham khảo phương pháp VDMA (Verband Deutscher Maschinen - und Anlagenbau) của Hiệp hội Kỹ thuật cơ khí của Đức, có sự điều chỉnh cho phù hợp hơn với tình hình thực tế tại Việt Nam, tập trung phân tích dựa trên các yếu tố: 1- Hệ thống quản trị thông minh; 2- Máy móc thiết bị thông minh; 3- Quản lý chuỗi cung ứng dựa trên nền tảng dữ liệu; 4- Người lao động; 5- Hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Bên cạnh đó, nhóm khảo sát cũng đưa ra các câu hỏi để đánh giá về nhận thức và mức độ chuẩn bị cho CMCN 4.0 của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy, về độ sẵn sàng và mức độ công nghệ phù hợp nhất với CMCN 4.0, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam được khảo sát hiện chỉ ở mức điểm trung bình 2,59 trên thang điểm 5 của khảo sát, trong đó:
1- Về mức độ tự động hóa, hiện nay các doanh nghiệp dệt may Việt Nam mới dừng ở trình độ tự động hóa thiết bị ở mức thấp. Cụ thể, ngành sợi đang ở mức cao nhất là 3,3 điểm, tiếp đến là ngành nhuộm với 2,9 điểm, ngành may: 2,7 điểm và thấp nhất là ngành dệt: 2,2 điểm.
2- Về mức độ sẵn sàng, ngành sợi đang ở mức cao nhất là 3,02 điểm, tiếp đến là ngành may: 2,85 điểm, ngành nhuộm: 2,3 điểm và thấp nhất là ngành dệt: 2,2 điểm.
3- Đối với hệ thống quản trị, hiện ngành may có mức điểm cao nhất với 3,11 điểm, tiếp đó là ngành nhuộm: 2,83 điểm, ngành sợi: 2,61 điểm và ngành dệt đứng cuối nhóm với 2,46 điểm.
Điểm “nghẽn” khó nhất của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam là chi phí cho R&D thấp, gần như không có, do tỷ suất lợi nhuận thấp, tích lũy quy mô còn nhỏ. Theo kết quả khảo sát, các doanh nghiệp may Việt Nam có dành ngân sách hằng năm cho hoạt động R&D, nhưng tỷ lệ chưa cao.
Có thể thấy rằng, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng cho việc đầu tư bài bản theo xu hướng CMCN 4.0. Khó khăn nhất chủ yếu vẫn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực kinh tế thấp (bài toán về vốn). Trong khi đó để phát triển theo kịp xu hướng CMCN 4.0 đòi hỏi vốn lớn, lãi phải trả cho chi phí đầu tư cao, khấu hao thiết bị cũng cao.
Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp sẽ tập trung đầu tư vào máy móc, thiết bị tự động hóa và các giải pháp tăng năng suất cục bộ, chủ yếu để bù đắp thiếu hụt về lao động. Trong dài hạn, các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sẽ đầu tư quản trị theo hướng số hóa thiết bị để tiết giảm lao động, đối phó với nguồn cung lao động ngày càng giảm.
Từ thực tiễn kiểm chứng có thể khẳng định: 85% số lao động dệt may mất việc sẽ không xảy ra trong 10 năm tới. Chỉ có khoảng 15% lực lượng lao động tại doanh nghiệp và khoảng 20% số lao động phải được đào tạo lại nghề để hình thành đội ngũ kỹ thuật cao đảm nhiệm quản trị thiết bị, quản trị công nghệ, quản trị khách hàng, nhưng đồng thời Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo thêm 20% số lượng công việc mới về thiết kế, xử lý mẫu kỹ thuật cho thiết kế thời trang mới, chưa kể ngành dệt may được dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng trong 5 đến 10 năm tới kéo theo nhu cầu lao động vẫn tiếp tục tăng.
Cuộc CMCN 4.0 có thể mang lại nhiều cơ hội để thay đổi bộ mặt các nền kinh tế, nhưng chỉ mang lại những thay đổi tích cực cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi các doanh nghiệp này có sự chuẩn bị tốt để nắm bắt được làn sóng này. Vì vậy, trong giai đoạn tới, các doanh nghiệp dệt may cần thường xuyên cập nhật tình hình về công nghệ của thế giới để có thể tiếp cận với công nghệ hiện đại và có định hướng đầu tư đúng đắn, tránh tình trạng công nghệ sản xuất của Việt Nam bị mất khả năng cạnh tranh do lạc hậu. Bên cạnh đó, cần có sự chuẩn bị cả nguồn lực về vốn, thị trường để ứng dụng từng phần CMCN 4.0 trong quá trình đầu tư, sản xuất mới. Nếu các doanh nghiệp vẫn giữ nguyên mô hình hoạt động, chất lượng nhân công và công nghệ lạc hậu như hiện nay, thì trong dài hạn việc khủng hoảng thừa lao động sẽ trở thành vấn đề đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, cần có kế hoạch giải quyết lao động dư thừa, xây dựng chiến lược đào tạo, chuyển đổi nguồn nhân lực chất lượng cao một cách kịp thời. Điều này không chỉ làm giảm bớt những nguy cơ biến động lao động mà còn giúp tăng quy mô ngành dệt may cả về năng lực sản xuất lẫn năng lực xuất khẩu.
Rất cần sự vào cuộc của Chính phủ
Trước hết trong Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp của Việt Nam đến năm 2030, Chính phủ cần xác định rõ ngành dệt may sẽ phát triển đến quy mô nào. Trong chiến lược phát triển cho ngành công nghiệp dệt may cần phân tích kỹ chính sách của các quốc gia cạnh tranh để có quyết sách phù hợp.
Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phát triển chung cho toàn ngành đi kèm mục tiêu cụ thể cho doanh nghiệp trong ngành, đồng thời cần có chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ, đầu tư công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường... Hiện tại, việc đầu tư công nghệ mới tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường đòi hỏi vốn lớn nên phải có hỗ trợ giúp nhà đầu tư có thể cạnh tranh được với các nhà sản xuất sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, thậm chí đã hết khấu hao, bán phá giá, ví dụ như hỗ trợ vốn trực tiếp hoặc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giúp tạo nguồn lực đầu tư công nghệ hiện đại; đẩy mạnh hỗ trợ các nghiên cứu, ứng dụng về đổi mới công nghệ, sản phẩm kỹ thuật mới trong ngành dệt may.
Bên cạnh đó, các chính sách liên quan đến đào tạo cũng cần được quan tâm, như hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đào tạo nhân lực phù hợp với xu thế của cuộc CMCN 4.0. Chính sách này sẽ giúp tạo ra một đội ngũ lao động có trình độ ngày càng cao hơn, thu nhập tốt hơn.
Ngoài ra, cần cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục phi thuế quan; giúp cải thiện môi trường kinh doanh; cắt bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp; thúc đẩy việc hình thành thị trường dệt may cạnh tranh lành mạnh./.
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên