Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 27-5 đến 02-6-2019)
TCCSĐT - Israel rơi vào thế bế tắc chính trị khi phải tiến hành bầu cử quốc hội lần hai trong bối cảnh Thủ tướng B. Netanyahu không thể thành lập một chính phủ liên minh, chỉ chưa đầy hai tháng sau khi ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội Israel.
Thế khó trên chính trường Israel sau bầu cử
Thủ tướng Israel B. Netanyahu. Ảnh: TTXVN
Sau cuộc bầu cử ngày 09-4 với 65 nghị sỹ, đại diện cho các đảng chính trị trúng cử, Tổng thống Israel Reuven Rivlin đã yêu cầu ông B. Netanyahu thành lập chính phủ liên minh mới trong nhiệm kỳ quốc hội thứ 21. Mặc dù vậy, cho tới nay, Thủ tướng B. Netanyahu vẫn chưa thể thành lập chính phủ liên minh.
Trên thực tế, các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh bắt đầu từ ngày 18-4 đã bị rơi vào bế tắc do bất đồng quan điểm về một số vấn đề tôn giáo và nhà nước giữa đảng thế tục Yisrael Beytenu của cựu Bộ trưởng Quốc phòng A. Lieberman và đảng Likud của Thủ tướng B. Netanyahu cùng với đảng Do Thái United Torah Juadaism.
Trong bối cảnh đó, tối 27-5, Quốc hội Israel đã thông qua một bản kiến nghị sơ bộ để giải tán quốc hội. Sau khi Quốc hội Israel thông qua một bản kiến nghị sơ bộ này, Thủ tướng B. Netanyahu đã ra tuyên bố kêu gọi các đối tác tiềm năng của mình hãy đặt “lợi ích của quốc gia lên trên mọi lợi ích khác” để tránh tình trạng đưa đất nước một lần nữa vào các cuộc bầu cử “tốn kém, lãng phí”. Về phần mình, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lieberman, người đứng đầu đảng Yisrael Beytenu, đã kiên quyết thông qua một đạo luật mới bắt buộc những thanh niên Do Thái chính thống phải tham gia nghĩa vụ quân sự, giống như những thanh niên Do Thái khác. Trong nhiều năm qua, việc miễn trừ nghĩa vụ quân sự cho thanh niên Do Thái chính thống đã gây ra sự phẫn nộ trong đa số người Do Thái gốc. Tuy vậy, việc các đảng cực hữu trong liên minh chính phủ của Thủ tướng Netanyahu yêu cầu không thông qua dự luật cho đến nay vẫn còn hiệu lực.
Việc Quốc hội Israel thông qua một bản kiến nghị sơ bộ để giải tán cơ quan này chỉ là bước khởi đầu. Nếu Thủ tướng B. Netanyahu không thể tuyên bố thành lập một chính quyền mới vào hạn chót là ngày 29-5, Quốc hội sẽ phải tiến hành cuộc bỏ phiếu thông qua bản kiến nghị sơ bộ để giải tán cơ quan này.
Đêm 29-5 theo giờ địa phương, các nghị sĩ Israel đã chính thức thông qua kiến nghị giải tán Quốc hội. Kiến nghị được thông qua với 74 phiếu thuận và 45 phiếu chống. Theo quy định, Israel sẽ phải tiến hành cuộc tổng tuyển cử lần hai. Dự kiến, cuộc tổng tuyển cử này sẽ được tổ chức vào ngày 17-9 tới.
Việc Quốc hội giải thể làm đình trệ những nỗ lực mà đảng Likud đang thực hiện để có được sự bảo đảm trong Quốc hội giúp Thủ tướng B. Netanyahu được miễn truy tố trong 3 vụ án tham nhũng, mặc dù Thủ tướng B. Netanyahu đã cáo bỏ mọi cáo buộc, gọi đây là âm mưu chính trị để đánh bại ông trong bầu cử. Ngày 30-5, Thủ tướng B. Netanyahu khẳng định đảng Likud của ông sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử trước thời hạn lần thứ hai trong năm nay. Như vậy, tình trạng hỗn loạn trong hệ thống chính trị Israel vẫn chưa thể hóa giải khi tiếp tục chờ đợi kết quả từ cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Những thách thức đối với Tổng thống Nigeria trong nhiệm kỳ mới
Tổng thống Nigeria M. Buhari ký ban hành luật ngân sách 2019. Ảnh: TTXVN
Ngày 29-5, Tổng thống Nigeria M. Buhari chính thức tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai. Trong bối cảnh Nigeria đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhiệm kỳ tới của nhà lãnh đạo M. Buhari sẽ phải nỗ lực nhằm đem lại ổn định cho người dân.
Thách thức trước tiên là về kinh tế. Nigeria là một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Phi. Sau giai đoạn suy thoái nặng nề 2014 - 2016 khiến hàng triệu người mất việc làm, kinh tế nước này bắt đầu hồi phục từ năm 2017 và đạt tốc độ tăng trưởng 2% trong năm 2018. Tuy nhiên, tốc độ này chỉ bằng 1/3 so với mức tăng trưởng năm 2015. Hiện nền kinh tế Nigeria vẫn dựa chủ yếu vào doanh thu từ dầu mỏ, chiếm tới 70% và đang trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm do giá dầu thế giới xuống thấp. Trong khi đó, 70% dân số Nigeria vẫn sống bằng nghề nông và lĩnh vực này đóng góp khoảng 24% GDP của nước này.
Không chỉ giải quyết khó khăn về kinh tế, Nigeria cũng phải đối mặt với thách thức lớn từ các phần tử thánh chiến, đặc biệt là mối đe dọa an ninh đến từ hoạt động của nhóm cực đoan Boko Haram tại các tỉnh Đông Bắc. Thời gian qua, Chính phủ Nigeria đã tiến hành nhiều chiến dịch quân sự truy quét các phần tử khủng bố tại đây. Quân đội đã giành lại quyền kiểm soát nhiều khu vực, giải cứu nhiều con tin và tiêu diệt một số tay súng. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết, tình trạng bạo lực ở khu vực Đông Bắc Nigeria đã buộc hàng chục nghìn người tị nạn phải đi lánh nạn trong nước. Ngoài ra, Nigeria cũng phải đối mặt với nguy cơ từ các Chiến binh thuộc nhóm Hồi giáo ở Tây Phi (ISWAP) có quan hệ với Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Cùng với việc giải quyết khó khăn về kinh tế và tình trạng bất ổn an ninh, việc phe đối lập tại Nigeria nhiều lần tỏ ý nghi ngờ về tình hình sức khỏe của Tổng thống M. Buhari cũng là một trở ngại đối với nhà lãnh đạo Nigeria trong nhiệm kỳ tới.
Trước những thách thức trên, trong tuyên bố nhậm chức, nhà lãnh đạo Nigeria khẳng định sẽ trung thành và làm tròn bổn phận với đất nước, bảo vệ tính nghiêm minh của Hiến pháp, giải quyết các mối đe dọa về an ninh, xóa bỏ nạn tham nhũng khỏi nền kinh tế lớn nhất châu Phi, đồng thời cam kết sẽ thực thi các biện pháp cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm nhiều việc làm cho những người trẻ, vốn chiếm đa số và đang tăng nhanh trong cơ cấu dân số nước này.
Cuộc đua giành chức Chủ tịch Cộng đồng châu Âu khó đoán định
Tổng thống Pháp E. Macron và Thủ tướng Đức A. Merkel. Ảnh: TTXVN
Sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) năm 2019, 28 nhà lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp không chính thức nhằm thảo luận về việc lựa chọn ứng cử viên cho các vị trí chủ chốt của khối trong nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên, các bên đã nảy sinh bất đồng vì có quan điểm khác nhau về các ứng cử viên, đặc biệt là chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp của EU, khiến cho cuộc đua giành chức vụ này khó đoán định.
Để chuẩn bị cho giai đoạn nước rút bầu chức Chủ tịch EC, ngay trước thềm cuộc bầu cử EP, các ứng cử viên hàng đầu đã tiến hành cuộc tranh luận trực tiếp lần đầu tiên được tổ chức tại trụ sở EP hôm 15-5. Các ứng cử viên đã đề cập tới nhưng vấn đề mà cử tri châu Âu đang quan tâm, như: tình trạng quá tải người di cư ở châu Âu, các vấn đề mang tính hệ thống trong nền kinh tế làm giảm mức sống của người dân ảnh hưởng tới hệ thống an sinh xã hội, chính sách đối ngoại đang gây thiệt hại trực tiếp cho EU như việc mua khí đốt của Mỹ cao hơn 30% so với mức trung bình hay các biện pháp trừng phạt chống Nga.
Các ứng cử viên đều cho rằng, việc giải cứu và bố trí nơi ở cho người di cư vượt biển đến châu Âu là nhiệm vụ chính của các nước khu vực Địa Trung Hải. Trong khi đó, toàn xã hội phải có trách nhiệm với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu để không làm suy yếu nền kinh tế và việc làm châu Âu. Ngoài ra, theo các ứng cử viên cần khuyến khích sự năng động của giới trẻ, thúc đẩy các giá trị chung của dân chủ, nhân quyền và chủ nghĩa nhân văn, cũng như bảo đảm bình đẳng giới.
Với các ứng cử viên đã được xác định, ngày 28-5, 28 nhà lãnh đạo EU đã thảo luận về việc đề cử những người mới đảm nhận các vị trí hàng đầu của EU. Tuy nhiên, các bên vẫn còn bất đồng vì có quan điểm khác nhau. Các cuộc tham vấn và đàm phán để quyết định bộ máy lãnh đạo EU, gồm các chức danh đứng đầu EP, EC, Hội đồng châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu, Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại, sẽ phải vừa tính đến sự quan tâm của cử tri thể hiện qua lá phiếu trong cuộc bầu cử vừa qua, vừa phải xem xét nguồn gốc chính trị cũng như sự cân đối lợi ích của các nước thành viên và tương quan nam và nữ, phù hợp với các chuẩn mực châu Âu. Việc bổ nhiệm các chức vụ chủ chốt của EU sẽ ảnh hưởng lớn tới chính sách của khối trong thời gian tới.
Trong việc bầu Chủ tịch EC, Hội đồng châu Âu sẽ thực hiện vai trò đề xuất ứng cử viên và EP sẽ bầu chọn. Chủ tịch EC tương lai phải có sự ủng hộ của cả đa số của Hội đồng châu Âu và đa số của EP. Nếu một ứng cử viên bị đa số trong EP bác bỏ, thì Hội đồng châu Âu phải đưa ra một ứng cử viên khác trong vòng một tháng - có nghĩa là quá trình này có thể mất nhiều tháng. Do vậy, cuộc thương lượng để đề cử ứng cử viên thay thế Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhiều phức tạp do tính toán của mỗi nước. Theo truyền thống, các nước đều cố gắng thúc đẩy “các quân bài” của mình. Sự chia rẽ giữa các nước trong bầu cử Chủ tịch EC, đặc biệt là hai nước đầu tàu Pháp và Đức, càng cho thấy sự phức tạp của vấn đề. Hiện nay, “cuộc chiến quyền lực” châu Âu mới chỉ bắt đầu và chưa thể dự báo ai sẽ được chọn vào chiếc ghế quyền lực của châu Âu trong 5 năm tới.
Những nhiệm vụ của chính phủ Australia trong nhiệm kỳ mới
Thủ tướng Australia S. Morrison. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Australia S. Morrison và nội các mới đã chính thức tuyên thệ nhậm chức ngày 29-5. Với nhiệm kỳ mới này, chính phủ của Thủ tướng S. Morrison sẽ tiếp tục triển khai các chính sách đối nội và đối ngoại quan trọng, song sẽ tiến triển thực chất và hiệu quả hơn.
Trong chiến dịch tranh cử, ông S. Morrison luôn đặt trọng tâm vào việc bảo đảm kinh tế Australia tăng trưởng ổn định. Kế hoạch phát triển kinh tế của ông chú trọng đến xây dựng cơ sở hạ tầng, trang bị kỹ năng tốt hơn cho người lao động và cắt giảm thuế khóa. Trong cuộc họp bàn về kế hoạch phát triển kinh tế quốc gia của Chính phủ Australia ngày 22-5, Thủ tướng S. Morrison thông báo sẽ trình kế hoạch cắt giảm 158 tỷ AUD (khoảng 108,8 tỷ USD) thuế thu nhập cá nhân, ngay trong phiên họp quốc hội mới đầu tiên diễn ra vào cuối tháng 6. Với kế hoạch này, mỗi hộ gia đình tại Australia có hai người có thu nhập sẽ được giảm thuế lên đến 2.160 AUD/năm (1.487 USD/năm). Chính phủ cũng sẽ giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa xuống còn 25%, và buộc các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ nộp thuế dịch vụ số. Chính phủ Australia dự kiến cũng sẽ nhanh chóng thông qua luật phê duyệt chi tiêu bổ sung trong ngân sách quốc gia, với lời hứa tạo thêm 12,5 triệu việc làm trong vòng 5 năm tiếp theo.
Cùng với kế hoạch phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh biên giới, mạnh tay với vấn đề nhập cư trái phép và tị nạn cũng là ưu tiên của chính phủ liên đảng Australia trong nhiệm kỳ mới. Trong khi đó lĩnh vực giáo dục và y tế tiếp tục được ưu tiên. Trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, chính phủ của Thủ tướng S. Morrison cam kết cắt giảm 26% - 28% lượng khí thải vào năm 2030 và dành 3,5 tỷ AUD cho việc thực hiện mục tiêu này.
Về chính sách đối ngoại, trong thời gian tới, chính phủ mới của Thủ tướng S. Morrison sẽ tiếp tục coi trọng các mối quan hệ với Mỹ, Trung Quốc và các nước khu vực Thái Bình Dương. Còn với các vấn đề khu vực và quốc tế, Australia nỗ lực nâng cao vai trò và vị thế quốc tế, thể hiện tiếng nói ngày càng quan trọng đối với các vấn đề khu vực. Nước này đã tham gia Đối thoại An ninh bốn bên khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ, thể hiện vị trí chủ đạo an ninh ở Đông Nam Á và quần đảo Thái Bình Dương thông qua tăng cường quan hệ an ninh, quốc phòng với các quốc gia và tổ chức khu vực.
Trong khi đó, Nam Thái Bình Dương và các quốc đảo tại đây là một khu vực đặc biệt đối với Australia. Sự gia tăng ảnh hưởng của các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc tại khu vực Nam Thái Bình Dương đòi hỏi Australia phải có những thay đổi điều chỉnh, hướng khu vực này trở lại trung tâm chính sách đối ngoại của Australia. Thủ tướng S. Morrison xác định cam kết hiện diện tại các quốc đảo Nam Thái Bình Dương là một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại cao nhất của Australia. Chính phủ Australia đã triển khai các kế hoạch nhằm phân bổ thêm nguồn lực và ngân sách cho các quốc gia này, dự kiến dành 35% tổng số tiền viện trợ nước ngoài (khoảng 1,4 tỷ USD) cho các quốc đảo Nam Thái Bình Dương. Canberra cũng cam kết ưu tiên tạo cơ hội việc làm cho lao động từ các quốc gia này đến Australia, cùng với các khoản tài trợ, học bổng hằng năm.
Trong hợp tác kinh tế quốc tế, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Australia và Nhật Bản là những quốc gia tích cực nhất trong việc hồi sinh thỏa thuận này trở thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cùng với những lợi ích kinh tế, việc tham gia tích cực trong CPTPP cũng góp phần tăng cường vai trò, vị thế của Australia trong khu vực và trên trường quốc tế. Đây cũng là mục tiêu quan trọng mà chính phủ Australia tiếp tục hướng tới trong nhiệm kỳ mới.
Hiểm họa khôn lường từ hút thuốc lá và giải pháp của nhiều quốc gia
Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 29-5 cho biết, trên thế giới mỗi năm có 8 triệu người chết do hút thuốc lá, trong đó khoảng 1 triệu ca tử vong gây ra bởi các bệnh do hút thuốc lá thụ động. Trong hơn 1 tỷ người hút thuốc lá hiện nay thì gần 80% đang sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi đang phải gánh chịu phần lớn những hậu quả về bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá.
Các nhà khoa học phân tích, hút thuốc lá là mối đe dọa đối với bất kỳ người nào, bất kể giới tính, tuổi tác, chủng tộc, trình độ văn hóa hay trình độ học vấn. Thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm đối với con người. Trong thuốc lá có khoảng 4.000 chất có hại cho con người, trong đó có hơn 200 loại chất độc hại và các chất gây nghiện, đặc biệt là nicotine. Khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa nhiều chất độc cao gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Hai cơ quan trong cơ thể chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hệ hô hấp và hệ tuần hoàn.
Không những vậy, sử dụng thuốc lá còn làm kinh tế quốc gia tổn thất nặng nề do chi phí chữa bệnh tăng và năng suất lao động giảm. Nó còn khiến tình trạng bất bình đẳng y tế thêm tồi tệ và đói nghèo thêm trầm trọng, vì những người nghèo nhất hút thuốc lá đồng nghĩa với việc chi ít hơn cho những thứ thiết yếu như thực phẩm, giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Mặc dù số lượng người sử dụng thuốc lá trên phạm vi toàn cầu đã giảm trong những thập niên gần đây, từ mức 27% năm 2000 xuống 20% năm 2016, nhưng WHO vẫn khẳng định các chính phủ còn tụt hậu so với cam kết giảm 30% số người nghiện thuốc lá vào năm 2025. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã có những biện pháp cấm và hạn chế hút thuốc lá nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc lá đối với cộng đồng.
Mỹ là quốc gia có tỷ lệ số người hút thuốc lá trong độ tuổi thanh thiếu niên rất cao. Chính phủ Mỹ đã ban hành luật cấm bán thuốc lá cho người dưới 21 tuổi. Ngoài ra, rất nhiều tiểu bang của Mỹ cũng ra lệnh không hút thuốc lá tại những nơi công cộng, thậm chí là mọi khu vực trong tiểu bang. Singapore đã ra lệnh cấm hút thuốc lá tại những nơi công cộng và các địa điểm giải trí. Chính phủ Nhật đánh thuế cao đối với thuốc lá và khuyến khích người hút thuốc nên chọn những loại thuốc có hàm lượng nicotin thấp. Australia là một trong số các quốc gia có lệnh cấm hút thuốc lá nghiêm ngặt nhất thế giới. Hầu như mọi bang và vùng lãnh thổ của Australia đã ban hành lệnh cấm hút thuốc trong xe khi có trẻ em, nơi công cộng và nhà hàng cũng bị cấm. Một số hội đồng địa phương cũng ban hành lệnh cấm hút thuốc trên các bãi biển và sân thể thao với số tiền phạt lớn. Đức ban hành lệnh cấm hút thuốc nơi công cộng trên toàn quốc từ năm 2007.
Để hướng tới việc giảm số người nghiện thuốc lá, WHO kêu gọi các nước thực thi sớm hơn Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO FCTC) - bản chiến lược đề ra bước đi thực tế về cách thức thực thi biện pháp kiềm chế thuốc lá gắn với tất cả các khu vực của chính phủ. Cùng với đó, WHO đưa ra lời khuyên không bao giờ là quá muộn để từ bỏ thuốc lá, bởi chức năng của phổi sẽ được cải thiện rõ rệt sau hai tuần ngừng hút thuốc lá./.
Dầu khí - Những điều trăn trở  (03/06/2019)
Khách quan đánh giá, chia sẻ những khó khăn của ngành dầu khí  (03/06/2019)
Sơ kết và trao đổi nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng của Khối Thi đua các cơ quan Đảng Trung ương.  (03/06/2019)
Cống hiến trọn đời vì sự nghiệp khai mở dân trí và giải phóng dân tộc  (02/06/2019)
Tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước  (02/06/2019)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên