Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 21 đến 27-01-2019)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
22:49, ngày 30-01-2019

TCCSĐT - Ngày 21-01, nhà kinh tế trưởng của Liên hợp quốc Elliott Harris đưa ra dự báo kinh tế thế giới sẽ giữ mức tăng trưởng đều đặn khoảng 3% năm nay, không chênh mấy so với mức 3,1% đạt được năm 2018. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này lại không đạt được ở những nơi cần tăng trưởng kinh tế nhất.

Thủ tướng đối thoại với Chủ tịch WEF về chủ đề Việt Nam và Thế giới

Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2019 (WEF Davos 2019), sáng 24-01, đã diễn ra phiên Đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF Borge Brende với chủ đề “Việt Nam và Thế giới”. Đây là lần đầu tiên WEF tổ chức một phiên riêng về Việt Nam để quảng bá phát triển và hội nhập của Việt Nam. Phiên Đối thoại được truyền hình trực tiếp trên hệ thống truyền thông của WEF với hàng triệu lượt người xem.

Trong phát biểu mở đầu, Chủ tịch WEF Borge Brende nhấn mạnh đến thành công từ sự kiện WEF ASEAN 2018 do Việt Nam tổ chức với sức lan tỏa mạnh mẽ những thông điệp quan trọng và ý nghĩa đối với khu vực và thế giới.

Chủ tịch Borge Brende cho rằng thành công của WEF ASEAN 2018 thể hiện không chỉ tầm quan trọng của ASEAN mà còn góp phần mạnh mẽ vào việc nâng cao vị thế của Việt Nam.

Ông Borge Brende cũng nhấn mạnh đến những cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ Việt Nam với một quyết tâm to lớn thúc đẩy sản xuất để gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu; trong đó có sự quan tâm đặc biệt đến việc ứng dụng công nghệ như AI, Big Data, Internet vạn vật và mong muốn được nghe Thủ tướng chia sẻ về quyết tâm này của Chính phủ Việt Nam.

Đánh giá cao ý nghĩa của buổi Đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ năm 2018, mặc dù thế giới trải qua nhiều biến động phức tạp, khó lường, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt gần 7,1% nằm trong nhóm nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới, chất lượng tăng trưởng cải thiện rõ rệt. Năm 2018 mở ra một hướng mới cho sự phát triển của Việt Nam, trong đó có thành công của sự kiện WEF ASEAN.

Bày tỏ sự lạc quan về sự phát triển kinh tế của các nước, trong đó có Việt Nam trong năm 2019, Thủ tướng khẳng định kinh tế Việt Nam sẽ nỗ lực để tiếp tục phát triển mạnh mẽ theo hướng bền vững và bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau; trong đó có đổi mới thể chế, ứng dụng công nghiệp 4.0.

Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh sự kết hợp đầu tư trong nước và nước ngoài, chú trọng hơn nữa vào đào tạo nguồn nhân lực hướng tới phát triển bền vững hơn, nâng cao hơn nữa đời sống người dân.

Thủ tướng khẳng định với quan điểm hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, Việt Nam ủng hộ thương mại tự do đa phương và Việt Nam biết nhìn nhận những va chạm thương mại trên thị trường quốc tế để tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả nhằm giữ vững đà tăng trưởng.

Do đó, Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh, bền vững và bao trùm theo các trụ cột: Ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, bởi đây là nền tảng quan trọng để làm yên lòng các nhà đầu tư. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; phát huy thế mạnh về du lịch, nông nghiệp và công nghệ thông tin.

Cùng với đó, Việt Nam sẽ đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia; tăng cường hội nhập quốc tế và khu vực để phát huy tiềm năng sẵn có.

Về công nghiệp 4.0, Thủ tướng Chính phủ khẳng định Việt Nam chủ động đón bắt để nâng cao năng suất lao động với tinh thần đổi mới, sáng tạo. Tranh thủ công nghiệp 4.0 là con đường tốt nhất để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Thủ tướng đánh giá mặc dù phải vượt qua nhiều khó khăn, song Việt Nam có những lợi thế khi tham gia công nghiệp 4.0, trong đó, lợi thế lớn nhất là cơ cấu dân số trẻ, năng động, sáng tạo, con người và dân tộc Việt Nam luôn khao khát vươn lên, được thể hiện rõ nhất ở lực lượng lao động trẻ.

Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ đang xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp 4.0, trong đó, tập trung xây dựng và hoàn thiện các thể chế khuyến khích mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, xây dựng thành công Chính phủ điện tử, thành phố thông minh và phát triển kinh tế số, có chính sách để phát triển mạnh doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo…

Bên cạnh chuẩn bị thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Thủ tướng cho biết Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á hợp tác với WEF thành lập Trung tâm về công nghiệp 4.0.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam sẽ phải tiếp tục khơi thông 5 động lực tăng trưởng: Phát huy nội lực của thị trường gần 100 triệu dân; động lực cải cách thể chế pháp luật, khuyến khích sự năng động, sáng tạo của người dân, thúc đẩy khởi nghiệp.

Bên cạnh đó là phát huy động lực từ kinh tế tư nhân, phấn đấu đến 2020, đạt 1 triệu doanh nghiệp tư nhân để vươn lên trong nhiều ngành kinh tế quan trọng như ngân hàng, hàng không, tài chính, du lịch; đồng thời thu hút hiệu quả FDI.

Song song với đó, Việt Nam cũng sẽ thu hút mạnh mẽ động lực từ kinh tế số và đổi mới sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận công nghệ mới, phát triển bứt phá hạ tầng công nghệ số và không ngừng hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thủ tướng cho biết thêm Việt Nam đã có 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA với nhiều thị trường quan trọng như ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga và tới đây là Liên minh châu Âu (EU).

Đề cập đến yêu cầu về phát triển bền vững, Thủ tướng nêu rõ Việt Nam đặt ra yêu cầu “phát triển 3 trong 1” bao gồm: kinh tế, xã hội và môi trường, kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Ở Việt Nam không chỉ có kinh tế xã hội ổn định mà còn luôn giữ vững sự ổn định của môi trường, kinh tế vĩ mô. Việt Nam cũng đang thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực, nhất là người trẻ để đáp ứng với công nghiệp 4.0.

Về mức độ sẵn sàng của Việt Nam đối với công nghiệp 4.0, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ đây là cuộc cách mạng mang đến nhiều thách thức, trong đó có yếu tố lao động và việc làm. Nhận thức rõ điều này, Việt Nam đã tập trung vào công tác đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm trong thời đại cách mạng công nghệ, nhất là tầng lớp người yếu thế trong xã hội để nhóm người này có việc làm trong thời đại công nghiệp 4.0.

Liên quan đến cải cách doanh nghiệp Nhà nước trong bối cảnh công nghiệp 4.0, Thủ tướng nêu rõ đây là lĩnh vực mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đã xác định bước đi với lộ trình rõ ràng, cụ thể. Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài ngày càng có nhiều cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch WEF Borge Brende: “Việt Nam sẽ gây bất ngờ cho thế giới như thế nào trong 5 năm tới,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ duy trì một tinh thần, khát vọng trong phát triển.

Theo đó, trước hết là duy trì đà tăng trưởng, nâng cao đời sống nhân dân và là địa chỉ tin cậy cho các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam sẽ đổi mới mạnh mẽ hơn xây dựng pháp luật, thể chế, đẩy mạnh hơn nữa cải cách thể chế, tăng cường đối thoại. Việt Nam “coi thành công của các nhà đầu tư là thành công của Chính phủ."

Việt Nam cam kết bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư, để các nhà đầu tư đóng góp tốt hơn vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.

Xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm quốc gia

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” với mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Đề án nhằm hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

Đồng thời, đề án hướng đến nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan; đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc.

Từ nay đến năm 2020 phấn đấu rà soát các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc; xây dựng, ban hành tối thiểu năm tiêu chuẩn quốc gia, một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc và tài liệu hướng dẫn áp dụng; triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với một số nhóm sản phẩm, hàng hóa trong nước như nông lâm thủy sản, thực phẩm, thuốc chữa bệnh; xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Giai đoạn đến năm 2025 hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc; xây dựng tối thiểu 30 tiêu chuẩn quốc gia và hai quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc, các tài liệu hướng dẫn áp dụng cho từng nhóm sản phẩm cụ thể.

Bên cạnh đó có tối thiểu 30% các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế; hoàn thiện nâng cấp Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, bảo đảm kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, cơ quan liên quan và ít nhất 70% trong tổng số các đơn vị cung cấp giải pháp tại Việt Nam.

Giai đoạn đến năm 2030 hoàn thiện Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia, bảo đảm nhu cầu trao đổi, khai thác thông tin của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế; hoàn thiện hệ thống quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa trong nước và quốc tế.

Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp như hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trong cả nước; nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động truy xuất nguồn gốc; thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc; thiết lập, xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Trung Quốc yêu cầu Mỹ ngừng điều tra Giám đốc Tài chính Huawei

Trung Quốc ngày 22-01 đã yêu cầu Mỹ ngừng điều tra Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn Công nghệ Huawei Mạnh Vãn Chu sau khi có thông tin cho biết Washington đang lên kế hoạch đưa ra một đề nghị chính thức nhằm dẫn độ bà với cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi Mỹ sửa sai ngay lập tức," đồng thời nói thêm rằng nếu việc dẫn độ thực sự được thực hiện, Bắc Kinh sẽ có biện pháp trả đũa.

Trong lời kêu gọi Canada trả tự do ngay lập tức cho bà Mạnh, bà Hoa Xuân Oánh nêu rõ: "Vụ việc liên quan đến Mạnh Vãn Chu rõ ràng không phải là một vụ án tư pháp thông thường". Bà cáo buộc Canada và Mỹ đã làm tổn hại đáng kể "sự an toàn cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc".

Vào ngày 01-12 năm ngoái, bà Mạnh Vãn Chu đã bị chính quyền Canada bắt giữ tại Vancouver theo đề nghị của Mỹ với cáo buộc lừa đảo ngân hàng liên quan đến việc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Bắc Kinh đã chỉ trích Mỹ vượt ra ngoài khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khi đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số quốc gia.

Liên hợp quốc: Kinh tế thế giới 2019 sẽ tăng trưởng đều đặn

Ngày 21-01, nhà kinh tế trưởng của Liên hợp quốc Elliott Harris đưa ra dự báo kinh tế thế giới sẽ giữ mức tăng trưởng đều đặn khoảng 3% năm nay, không chênh mấy so với mức 3,1% đạt được năm 2018. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này lại không đạt được ở những nơi cần tăng trưởng kinh tế nhất.

Ông Elliott Harris đưa ra nhận định này khi công bố về báo cáo Viễn Cảnh và Tình hình Kinh tế Thế giới 2019 của Liên hợp quốc. Theo ông Elliott Harris, ngoài những nguy cơ đã thấy nhãn tiền, gia tăng căng thẳng thương mại cũng đang ảnh hưởng tới việc làm và thương mại toàn cầu. Bên cạnh đó, nợ quốc gia tăng lên đã khiến một số nước tê liệt khả năng cung cấp những dịch vụ cơ bản, nhưng nguy cơ này cũng như một số nguy cơ khác do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sự suy giảm hỗ trợ đối với công tác hợp tác quốc tế, hoàn toàn có thể tránh được hoặc giảm bớt nếu các nước cùng hợp tác giải quyết.

Với những sức ép gia tăng trong nhiều lĩnh vực thuộc thương mại quốc tế, tài chính cho phát triển quốc tế và biến đổi khí hậu, báo cáo mới chỉ ra rằng việc củng cố hợp tác toàn cầu đóng vai trò trung tâm để có thể tiến tới phát triển bền vững. Cũng theo báo cáo, hơn một nửa các nền kinh tế thế giới tăng trưởng tích cực trong năm 2017 và 2018. Các nước phát triển tăng trưởng 2,2% và có tỷ lệ thất nghiệp giảm.

Trong khối các nước đang phát triển thì Đông Á và Nam Á tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2018, ở mức 5.8 % và 5,6% trong khi các nước dựa vào xuất khẩu tiếp tục quá trình phục hồi dần dần. Kết quả khả quan này đặc biệt chính xác với các quốc gia mới nổi giàu có về nhiên liệu dù mức nợ của họ cũng cao do giá cả hàng hóa đi xuống vào những năm 2014, 2015.

Mặc dù bức tranh toàn cảnh kinh tế các nước đang phát triển khá là tích cực, nhiều nước trong nhóm này không đạt được mức độ đó, chưa kể thu nhập bình quân đầu người ở một số nước còn giảm. Cụ thể, tăng trưởng bình quân đầu người ở các vùng Trung Phi, Nam Phi và Tây Phi, Tây Á, Mỹ Latin và vùng Caribbea - nơi có tới 1/4 dân số thế giới sống trong cảnh nghèo cùng cực - sẽ còn giảm hơn nữa.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng dù tăng trưởng kinh tế ngoạn mục thì sự phát triển vẫn tập trung ở những khu vực công nghiệp và thành thị trong khi khu vực nông thông vẫn ở bên lề quá trình này. Để giải quyết vấn đề bất cập này và đồng thời đạt mục tiêu xóa nghèo vào năm 2030, Liên hợp quốc đề xuất cần phải tạo được tăng trưởng kinh tế 2 chữ số ở châu Phi đồng thời giảm bớt mức độ cách biệt thu nhập ở khu vực này.

Do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2018 đã giảm xuống 3,8% so với 5,3% năm 2017 và mức này sẽ còn giảm nữa trong năm 2019. Ông Harris cho rằng nếu xung đột thương mại tiếp tục mở rộng thì thương mại toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng hơn nữa, mà tham gia vào quá trình thương mại toàn cầu này lại chính là các nước đang phát triển. Cho nên, nếu quá trình này bị gián đoạn thì sẽ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với nhóm các nước đang phát triển. Việc Mỹ tăng lãi suất và khiến đồng USD mạnh lên càng làm ảnh hưởng đến những nền kinh tế mới nổi.

Đối với khu vực Liên minh châu Âu, báo cáo đánh giá tăng trưởng kinh tế sẽ đạt 2% trong vòng 2 năm tới, đặc biệt là ở những nước mới trở thành thành viên từ năm 2004, ví dụ như Ba lan, nước đạt mức độ tăng trưởng kinh tế 5% năm 2018. Tăng trưởng kinh tế ở Đức và Pháp cũng được dự báo sẽ chỉ đạt khoảng 1,8% trong khi dự báo cho Anh thậm chí còn thấp hơn, 1,4% do hệ lụy của vấn đề Brexit.

Ở khối các nước CIS (Cộng đồng các Quốc gia Độc lập) và Trung Âu, bao gồm Nga, năm ngoái tăng trưởng kinh tế tốt và tốc độ lạm phát cũng chững lại và năm nay 2019, mức tăng trưởng được dự báo cho khu vực này là 2%. Trong khi đó, các nước xuất khẩu lớn như Brazil và Nigeria sẽ tăng trưởng mức độ trung bình trong năm 2019-2020 mặc dù xuất phát điểm của những nước này là thấp.

Pháp là nước có mức chi tiêu cho xã hội nhiều nhất thế giới

Pháp hiện là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới, song quốc gia châu Âu này có tổng chi xã hội cao nhất trong nhóm các nước phát triển.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 23-01 công bố nghiên cứu cho thấy tổng chi xã hội của Pháp cho chương trình y tế, các khoản trợ cấp và các dịch vụ xã hội khác trong năm 2018 chiếm tới 32% GDP của nước này, tăng mạnh so với mức 25% GDP của năm 1990 và tăng gần gấp 3 lần so với mức 12% GDP của năm 1960.

Trên thực tế, tăng chi tiêu xã hội không chỉ là xu hướng ở Pháp, mà đây là xu hướng chung ở các nước phát triển, qua đó phản ánh sự phát triển của hệ thống phúc lợi xã hội ngày càng toàn diện hơn, các khoản chi trợ cấp cũng tăng lên khi con người sống lâu hơn. Tuy nhiên, mức chi của Pháp cao hơn nhiều so với mức chi bình quân 20,5% GDP của 36 nước thành viên OECD.

Trong khi đó, Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới - có mức chi xã hội là 19% GDP, còn Đức (nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới và lớn nhất Liên minh châu Âu), dành 25% GDP cho chi tiêu xã hội.

Theo báo cáo công bố gần đây, tính cả khoản ngân sách chi cho ngành cảnh sát và quốc phòng, tổng chi tiêu công của Pháp trong năm 2017 tương đương 56,5% GDP, đứng đầu EU.

Những con số nêu trên chắc chắn còn tăng trong thời gian tới khi Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron triển khai kế hoạch tăng lương và giảm thuế cho những người có thu nhập thấp và nghỉ hưu, dự kiến tiêu tốn khoảng 10 tỷ euro (11,5 tỷ USD).

Tháng 12-2018, ông Macron đã công bố kế hoạch này nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình "Áo vàng" kéo dài suốt thời gian qua ở Pháp. Gói biện pháp trên được cho sẽ khiến mức thâm hụt ngân sách của Pháp vượt mức tối đa 3% GDP theo quy định của EU.

Cũng theo nghiên cứu của OECD, tốp ba quốc gia có mức chi xã hội cao nhất thế giới ngoài Pháp, còn có Bỉ và Phần Lan với mức chi tiêu của mỗi nước là 30% GDP./.