Để xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm nông sản ở các tỉnh Tây Bắc
TCCS - Những năm qua, các tỉnh Tây Bắc đã chú trọng xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm nông sản (cây chè, hồng không hạt, cam, gạo Bắc thơm...) và thu được một số kết quả bước đầu khả quan. Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nông sản của vùng trong thời gian tới, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Chính phủ, các địa phương và doanh nghiệp.
Những kết quả bước đầu đáng ghi nhận
Với diện tích 5,64 triệu héc-ta, Tây Bắc gồm 6 tỉnh (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai và Yên Bái) từ lâu được biết đến là một vùng đất có cảnh quan thiên nhiên và nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Nơi đây đã tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, như chè Shan tuyết Suối Giàng, quế Văn Yên (tỉnh Yên Bái); gạo Bắc thơm số 7, IR64, Séng Cù (tỉnh Điện Biên); chè Shan tuyết Mộc Châu, bò sữa Mộc Châu, xoài Yên Châu (tỉnh Sơn La); cá nước lạnh Sa Pa, ớt Mường Khương (tỉnh Lào Cai); hồng không hạt (tỉnh Bắc Kạn); cam Cao Phong (tỉnh Hòa Bình); bưởi Đoan Hùng (tỉnh Phú Thọ)...
Thời gian qua, lãnh đạo và nhân dân các tỉnh trong vùng đã có nhiều nỗ lực trong việc kết hợp phát triển kinh tế với chú trọng xây dựng hình ảnh về địa phương, vùng, miền thông qua các mặt hàng nông sản gắn với chỉ dẫn địa lý, để nâng cao hình ảnh quốc gia trong con mắt của cộng đồng quốc tế. Những nỗ lực này đã đạt được một số kết quả ban đầu khả quan.
Chè là cây công nghiệp chủ lực của vùng Tây Bắc (Cao Bằng, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang), với diện tích trồng chè lớn, được tiêu thụ rộng rãi ở cả trong nước và thị trường quốc tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con các dân tộc vùng trung du và miền núi phía Bắc. Vùng Tây Bắc có gần 200 nhà máy chế biến chè (trên tổng số khoảng 700 cơ sở quy mô công nghiệp toàn quốc, với tổng công suất trên 500.000 tấn chè khô/năm), chưa kể hàng nghìn lò thủ công đang cạnh tranh khốc liệt và thiếu tổ chức, tập trung nhiều ở tỉnh Yên Bái và Phú Thọ. Hiện nay, các sản phẩm chè xuất khẩu chủ yếu của Tây Bắc gồm có chè đen, chè xanh, chè vàng, chè Ô Long, chè hương, chè Phổ Nhĩ, chè Shan, chè túi lọc, chè đóng chai.
Bên cạnh thương hiệu quốc gia CheViet, một số địa phương vùng Tây Bắc đã và đang cố gắng xây dựng nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chè đặc sản của địa phương. Điển hình là “Chè Shan tuyết Mộc Châu” (tỉnh Sơn La) đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ độc quyền từ năm 2010 về chỉ dẫn địa lý với sản phẩm chè Shan tuyết trồng ở 7 xã của huyện Mộc Châu và 6 xã của huyện Vân Hồ. Hay nhãn hiệu tập thể “Chè Shan tuyết Suối Giàng - Yên Bái” cũng đã được cấp giấy chứng nhận từ cuối năm 2012. Năm 2015, quần thể 220 cây chè Shan tuyết cổ thụ ở xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang được công nhận “cây Di sản Việt Nam”.
Những yếu tố về địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, tuổi chè và cách canh tác hoàn toàn tự nhiên đã tạo nên nhiều sản phẩm chè Shan tuyết vùng Tây Bắc có hương thơm rất đặc trưng và bảo đảm an toàn thực phẩm, chinh phục được cả các thị trường khó tính như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan, Đức. Sau khi được cấp những chứng nhận thì các sản phẩm chè có bao bì, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đạt được mức giá bán cao hơn từ 1,3 lần - 1,5 lần so với trước.
Một trong số ít sản phẩm nông sản vùng Tây Bắc xây dựng được thương hiệu thời gian qua là cam Cao Phong của tỉnh Hòa Bình. Tỉnh Hòa Bình xác định cam là một trong những cây mũi nhọn của địa phương nên đã ban hành các nghị quyết về việc đẩy mạnh phát triển cam và cây có múi. Nhờ đó, diện tích cam trên địa bàn tỉnh liên tục tăng, trung bình mỗi năm tăng thêm vài chục héc-ta và hiện nay là gần 2.000ha. Ngoài các giống cũ, các giống cam chín muộn, chín sớm chất lượng cao như cam V2, CS1,... cam đường Canh cũng được bổ sung, để rải vụ, tránh cục bộ, dễ bị ép giá.
Những năm trước đây diện tích cam giảm là vì đầu ra bấp bênh. Cam Cao Phong chất lượng rất tốt, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, nhưng vì chưa xây dựng được thương hiệu nên giá trị vẫn còn thấp. Để khắc phục hạn chế này, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo huyện Cao Phong tổ chức quy hoạch lại vùng trồng cây cam, theo đó, chỉ trồng ở những vùng có điều kiện thuận lợi, không trồng ồ ạt, đồng thời hướng dẫn người dân sản xuất cam theo mô hình “cam sạch”, chủ yếu dùng chế phẩm sinh học để chăm sóc cây trồng, sản xuất theo quy trình VietGAP, để cam Cao Phong vừa có giá trị dinh dưỡng cao, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tuyệt đối cho người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý cho cam Cao Phong nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Sau nhiều năm nỗ lực, ngày 4-11-2014, sản phẩm cam Cao Phong đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận “Thương hiệu chỉ dẫn địa lý”. Đây là bước ngoặt, tạo tiền đề cho sản phẩm cam Cao Phong đến gần hơn với người tiêu dùng trong cả nước và vươn ra thị trường nước ngoài, mở rộng thị trường tiêu thụ, mang lại thu nhập ổn định cho các hộ trồng cam trên địa bàn huyện.
Sau khi được công nhận thương hiệu chỉ dẫn địa lý, sản phẩm cam Cao Phong tiếp tục khẳng định giá trị thương hiệu, ngày càng được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Diện tích trồng cam và sản lượng cam không ngừng được tăng lên, nếu như vụ mùa năm 2013 - 2014, diện tích đất trồng cam trên địa bàn toàn huyện chỉ đạt 920ha, sản lượng 10.000 tấn, thì sang vụ mùa năm 2014 - 2015, diện tích đất trồng cam đã tăng lên 1.700ha, sản lượng 17.000 tấn. Nếu năm 2006, tổng diện tích cây ăn quả của toàn huyện chỉ là 500ha thì đến tháng 7-2016, diện tích đất trồng cam toàn huyện Cao Phong đã lên tới gần 2.000ha, sản lượng gần 20.000 tấn, cao gấp 2 lần so với thời điểm trước khi được công nhận thương hiệu chỉ đẫn địa lý. Bên cạnh đó, giá bán cam cũng tăng gấp từ 2 lần - 3 lần so với thời điểm chưa có thương hiệu. Bình quân mỗi héc-ta cam ở Cao Phong cho thu nhập trên 600 triệu đồng, trừ chi phí người nông dân còn lãi bình quân 400 triệu đồng/vụ, dự kiến giá trị kinh tế mà cây cam mang lại sẽ còn cao hơn nhiều trong những năm tới. Đây thực sự là “cây vàng” trên đất Cao Phong - một điển hình thành công trong phát triển cây có múi của cả nước.
Điện Biên có cánh đồng Mường Thanh rộng lớn trải dài hơn 20km, với chiều rộng trung bình 6km có khả năng phát triển nhiều loại cây trồng với khối lượng hàng hóa lớn có chất lượng, giá trị cao, trong đó có gạo đặc sản Điện Biên. Từ năm 2010, sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64 tỉnh Điện Biên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00043. Điều này đã làm gia tăng giá trị, góp phần tạo nên thương hiệu bền vững, khẳng định chất lượng, danh tiếng và vị thế của gạo Điện Biên trên thị trường bằng chỉ dẫn địa lý. Hiện nay, cánh đồng Mường Thanh có trên 95% diện tích được gieo cấy các giống lúa chất lượng cao, năng suất đạt từ 60tạ - 70tạ/ha. Mỗi năm vùng lòng chảo Mường Thanh sản xuất khoảng 25 nghìn tấn gạo hàng hóa, trong đó chủ yếu là gạo chất lượng cao cung cấp cho thị trường và được nhiều người biết đến với tên gọi gạo Điện Biên.
Cây hồng không hạt là một trong những loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao, vốn là cây trồng lâu đời (đã có trên 100 năm) được tỉnh Bắc Kạn đưa vào cơ cấu giống cây trồng nhằm khuyến khích địa phương mở rộng diện tích trồng. Được cấp giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2010, đến năm 2013, quả hồng không hạt của Bắc Kạn được công nhận là sản phẩm nằm trong “top” 100 nhãn hiệu nổi tiếng nhất Việt Nam do Trung ương Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cùng Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo phối hợp bình chọn. Đến nay, diện tích hồng không hạt của tỉnh Bắc Kạn đã tăng lên 800ha, trong đó, diện tích cho thu hoạch khoảng 300ha, năng suất bình quân đạt 60tạ/ha, sản lượng ước đạt 1.800tấn. Với giá bán trung bình 25.000đ/kg, cho thu nhập trung bình 120 triệu đồng/ha. Dự kiến giai đoạn 2016 - 2020, mỗi năm có thêm gần 100ha hồng không hạt cho thu hoạch quả. Tuy nhiên, sản phẩm hồng không hạn mới chỉ cung ứng cho người dân tỉnh Bắc Cạn và cho khách du lịch đến tham quan Hồ Ba Bể, một số tỉnh Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng,...
Để nông sản ở các tỉnh Tây Bắc phát huy được thế mạnh
Hiện nay, đời sống của người dân trong vùng Tây Bắc còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với các vùng khác trong cả nước (31,2%), có đến 80% người dân sống dựa vào nông nghiệp, nông thôn. Thế nhưng số sản phẩm nông sản của các tỉnh Tây Bắc có thương hiệu trên thị trường quốc tế không nhiều. Điều này làm giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông sản của vùng giảm đáng kể, gây thiệt hại cho nền kinh tế địa phương.
Để nông sản ở các tỉnh Tây Bắc phát huy được thế mạnh, trước hết, người người nông dân nơi đây cần phải thay đổi tư duy sản xuất. Bên cạnh việc đầu tư áp dụng công nghệ cao, bà con nên có ý thức trong việc sử dụng phân bón hợp lý, tiết kiệm và tăng cường sử dụng thuốc trừ sâu sinh học nhằm tạo ra các sản phẩm sạch cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại, việc xây dựng và quảng bá thương hiệu, tạo sức cạnh tranh riêng cho sản phẩm nông sản vùng Tây Bắc nói riêng và nông sản của Việt Nam nói chung là vấn đề không chỉ giải quyết trong ngắn hạn mà cần đầu tư mang tính dài hơi. Đây không phải là nhiệm vụ của riêng địa phương, nhóm, ngành nào mà cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Chính phủ, các địa phương và doanh nghiệp cũng như cần xây dựng, tạo mối liên kết chặt chẽ “bốn nhà” trong tiêu thụ nông sản.
Về phía Nhà nước, để xây dựng, tạo dựng được hình ảnh cho thương hiệu Việt Nam, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật để xây dựng và bảo hộ thương hiệu; có chiến lược phát triển nông sản bền vững dựa trên mối quan hệ hữu cơ giữa sản phẩm nông nghiệp với con người và môi trường xã hội; gắn kết Chương trình Thương hiệu quốc gia với việc xây dựng thương hiệu các điểm đến du lịch, thương hiệu vùng; tiếp đến, có phương thức hỗ trợ các địa phương trong chừng mực nhất định, để nâng cao trình độ tạo dựng điểm đến du lịch, từ đó phát triển sản phẩm đặc trưng vùng, miền, tạo thương hiệu sản phẩm của từng vùng, miền. Trên cơ sở đó, xây dựng Thương hiệu quốc gia là một tập thể, gắn kết hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp, lợi ích vùng và lợi ích quốc gia. Và trong xây dựng thương hiệu thì cũng nên có sự phân biệt, nông sản khác với các sản phẩm công nghiệp...
Về phía các địa phương vùng Tây Bắc, để phát triển sản phẩm nông sản, cần tập trung khai thác tài sản trí tuệ địa phương, tri thức truyền thống bản địa, để thương mại hóa chúng. Khai thác những chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể nhằm nâng cao uy tín sản phẩm xuất khẩu, gắn liền sản phẩm với từng địa phương. Tạo dựng lòng tin của người Việt với thương hiệu Việt: cam kết thương hiệu và thực hiện cam kết thương hiệu... Trước mắt, cần lựa chọn một số mặt hàng có thế mạnh để xây dựng thương hiệu, bảo đảm các mặt hàng này phải đáp ứng được các yếu tố chính như khối lượng đủ lớn và ổn định, có chất lượng đồng đều, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; ổn định theo yêu cầu thị trường của người mua; giá bán mang tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; tổ chức kênh phân phối cần bảo đảm lợi ích hài hòa, hợp lý của tất cả các chủ thể tham gia chuỗi giá trị hàng hóa...
Căn cứ định hướng quy hoạch chung, từng tỉnh, thành phố trong vùng Tây Bắc, cần tiến hành lập quy hoạch cây ăn quả chủ lực trồng tập trung trên địa bàn, xác định cụ thể diện tích từng loại cây ăn quả, phân bổ đến xã, phường, thị trấn; gắn sản xuất với thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Quy hoạch cây ăn quả chủ lực trồng tập trung cần gắn với các đề án xây dựng nông thôn mới của xã có cây ăn quả chủ lực trồng tập trung trên địa bàn. Xây dựng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, hệ thống bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ đồng bộ với sản xuất cây ăn quả chủ lực trồng tập trung trong vùng quy hoạch.
Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình xúc tiến thương mại đối với xuất khẩu trái cây; ký kết các hiệp định kiểm dịch thực vật đối với các nước có khả năng nhập khẩu trái cây Việt Nam nhằm giữ vững các thị trường lớn, thị trường truyền thống và mở rộng thêm các thị trường mới. Phát triển, mở rộng thị trường nội địa thông qua hoạt động liên kết hợp tác, quảng bá sản phẩm trái cây vùng tập trung giữa các địa phương với các thị trường trong nước có sức tiêu thụ trái cây với số lượng lớn: các đô thị, các khu du lịch và khu dân cư lớn. Tăng cường công tác dự báo, thông tin thị trường, giá bán trái cây.
Bên cạnh đó, các tỉnh trong vùng Tây Bắc cần ưu tiên hoạt động nghiên cứu khoa học đối với các loại cây ăn quả chủ lực trồng tập trung, đồng bộ từ chọn tạo giống (nhất là các giống cây có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu; giống không hạt hoặc có ít hạt đối với cây có múi) đến hoàn thiện, chuyển giao vào sản xuất các quy trình canh tác tiên tiến, quy trình kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ hiệu quả, quy trình quản lý dịch hại, công nghệ xử lý, bảo quản, chế biến sau thu hoạch.
Ngoài ra, cần tuyên truyền, vận động nông dân trong vùng tự nguyện tham gia các hình thức hợp tác liên kết, từ vườn cây nhỏ của nông hộ liên kết thành vùng sản xuất tập trung có quy mô phù hợp; đa dạng hóa các loại hình hợp tác liên kết sản xuất, như câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã, vườn cây ăn quả mẫu lớn, doanh nghiệp cổ phần... Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị cây ăn quả chủ lực trồng tập trung, từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp liên doanh, liên kết trực tiếp với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là khâu bảo quản và tiêu thụ trái cây tươi. Hỗ trợ, khuyến khích hình thành các liên kết vùng trong sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa bảo đảm phát triển ngành hàng trái cây bền vững.
Về lâu dài, chính quyền địa phương cần phải có sự tác động, can thiệp nhất định để người nông dân nâng cao tính chuyên nghiệp, tác phong công nghiệp, tạo nên nền tảng cơ bản, bền vững trong mối quan hệ với doanh nghiệp nói riêng và mục tiêu mang lại lợi nhuận trong phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung, các sản phẩm nông sản nói riêng.
Về phía doanh nghiệp, với hơn 90% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ, việc xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp cần có giải pháp, chiến lược cụ thể. Trước hết, cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu thì việc nắm bắt về pháp luật cũng như tiếp xúc với các thông tin yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm là bắt buộc phải có. Trong điều kiện đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, các doanh nghiệp cần tích cực, chủ động và quyết tâm tham gia Chương trình Thương hiệu quốc gia.
Ngoài ra, sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững; tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại cũng cần được các doanh nghiệp chú trọng. Cần khẳng định, việc doanh nghiệp “bắt tay” với nông dân là giải pháp phát triển phù hợp với đặc thù và xu hướng phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp. Tuy nhiên, để sự hợp tác này có hiệu quả và bền vững, cả doanh nghiệp và người nông dân cần có sự thông cảm với nhau, cùng nêu cao trách nhiệm trên tinh thần tương hỗ.
Bên cạnh việc xây dựng tốt thương hiệu thì công tác giới thiệu, quảng bá cho đặc sản của mỗi địa phương cũng cần được doanh nghiệp quan tâm hơn nữa. Bởi, trong số 63 Thương hiệu quốc gia công bố năm 2016 (được tiến hành 2 năm 1 lần), có tới 44 doanh nghiệp không đưa lô-gô Chương trình Thương hiệu quốc gia lên website. Các doanh nghiệp không chỉ nghĩ đến việc quảng bá bằng cách mang sản phẩm của mình đến các sự kiện, hội chợ, mà còn cần tận dụng công cụ hữu hiệu là mạng in-tơ-nét để quảng bá; chú trọng thiết kế mẫu mã, bao bì quảng bá hình ảnh sản phẩm, hướng đến tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia./.
Mặc dù sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, nhưng Tây Bắc dường như chưa có nhiều bứt phá trong sản xuất nông nghiệp. Ðể đưa các sản phẩm nông nghiệp của Tây Bắc trở thành hàng hóa, mang lại giá trị gia tăng cao, có nhiều việc cần làm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, trong đó, công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, khơi nguồn tiềm năng cho vùng rất quan trọng.
VinEco lọt Top 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm - đồ uống 2018  (06/11/2018)
Nhật Bản hết sức coi trọng quan hệ hợp tác, hữu nghị với Việt Nam  (06/11/2018)
Thông cáo số 12 Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV  (06/11/2018)
Việt Nam muốn củng cố và tăng cường quan hệ với Triều Tiên  (05/11/2018)
Tăng cường hợp tác sâu rộng giữa cơ quan lập pháp Việt Nam-Trung Quốc  (05/11/2018)
Thủ tướng kết thúc chuyến tham dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc  (05/11/2018)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên