Quảng Bình đẩy mạnh phát triển du lịch

Nguyễn Thị Hương Đại học Y Hà Nội
22:59, ngày 23-08-2018

TCCSĐT - Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Bình đã tập trung huy động các nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ để từ đó Quảng Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, có tính liên kết cao với các trung tâm du lịch của cả nước.

Được biết đến như là một trong những địa phương hội tụ nhiều tiềm năng thuận lợi cho phát triển du lịch, tỉnh Quảng Bình chứa đựng ba loại hình địa lý, trải rộng từ rừng, đồi núi, đồng bằng cho đến dải cồn cát ven biển. Mỗi loại hình đều hàm chứa giá trị to lớn, là điều kiện để phát triển du lịch theo hướng đa dạng với nhiều loại hình du lịch hấp dẫn. Nổi bật trong đó là hệ thống những bãi tắm đẹp trải dài ven bờ biển; là hệ thống núi đá đổ ra biển tạo nên nhiều cảng biển, bãi tắm và các điểm nghỉ ngơi giải trí kỳ thú như: Nhật Lệ, Quang Phú, Vũng Chùa - Đảo Yến, bãi tắm Đá Nhảy... thuận lợi cho phát triển du lịch và nghĩ dưỡng.

Một điểm nhấn không thể không nhắc đến trong các tiềm năng du lịch của tỉnh Quảng Bình đó là Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với hàng trăm hang động, có động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường... Cùng với đó, Quảng Bình còn được du khách trong nước và quốc tế biết đến với hàng loạt di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh đẹp như Đèo Ngang, Đèo Lý Hòa, đường Hồ Chí Minh huyền thoại …

Nhằm khai thác có hiệu quả những tiềm năng quan trọng kể trên, những năm gần đây, Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Theo đó, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và Ban chỉ đạo phát triển Du lịch đã tăng cường sự phối hợp trong tham mưu và triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch.

Tỉnh Quảng Bình cũng chủ động thực hiện nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch; nhờ đó đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn đã cam kết đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ tại các địa phương trong tỉnh. Các thành phần kinh tế đã quan tâm đến việc đầu tư phát triển du lịch và xem đây là một lĩnh vực đầu tư có hiệu quả, nhất là về lâu dài; hoạt động của Trung tâm thông tin xúc tiến Du lịch, Hiệp hội Du lịch đã góp phần quan trọng vào quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch Quảng Bình, kêu gọi đầu tư và liên kết các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch; công tác quản lý nhà nước ngày càng triển khai kịp thời và hiệu quả, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, phát triển du lịch ổn định, bền vững, thu hút được sự tham gia của nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Bên cạnh đó, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được quan tâm tổ chức thường xuyên theo hướng đa dạng về quy mô, phong phú về nội dung và hướng vào những đối tượng du khách, những phân khúc thị trường cụ thể nên đã mang lại hiệu quả cao. Việc phát triển nhiều sản phẩm, loại hình du lịch và không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, nguồn nhân lực du lịch đã góp phần quan trọng vào việc thu hút du khách.

Năm 2017 ngành Du lịch giải quyết việc làm cho 17.000 lao động, trong đó có 7.000 lao động trực tiếp du lịch. Năm 2020, lực lượng lao động làm trong ngành Du lịch phấn đấu lên tới 30.000 lao động, trong đó có 15.000 lao động trực tiếp du lịch, trong đó có 90% lao động trực tiếp trong ngành Du lịch được qua đào tạo và có chứng chỉ nghề. Mỗi địa phương cấp huyện, thị xã, thành phố xây dựng ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng, 5 loại hình dịch vụ du lịch và sản phẩm hàng lưu niệm nổi bật có tính cạnh tranh cao và hấp dẫn khách du lịch.

Theo kế hoạch, năm 2018 Quảng Bình đặt kỳ vọng đón 5 triệu lượt khách, đẩy mạnh đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch; hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch; tập trung các nguồn lực thực hiện các hoạt động quảng bá sâu rộng, xúc tiến du lịch mạnh mẽ để Quảng Bình thực sự trở thành một trung tâm du lịch quốc gia, một điểm đến hấp dẫn hàng đầu của cả nước.

Trong Chương trình Hành động, để có thể khai thác hiệu quả các nguồn đầu tư, tỉnh Quảng Bình đã có chủ trương thành lập tổ công tác tư vấn chiến lược phát triển du lịch Quảng Bình, mời các chuyên gia hàng đầu và các nhà khoa học tham gia. Đồng thời rà soát các quy định về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, bổ sung các đối tượng, điều chỉnh các điều khoản hỗ trợ và ưu đãi phù hợp với điều kiện thực tế, chú trọng đến việc đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, các loại hình du lịch mới, các sản phẩm du lịch đặc trưng đặc biệt là các dự án giải trí về đêm, xây dựng khu ẩm thực, siêu thị, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí lớn, các tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, thể thao cao cấp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Trong tháng 7-2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã cho phép Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng phối hợp với Công ty TNHH Jungle Boss thử nghiệm lộ trình 2 ngày 1 đêm đối với sản phẩm du lịch khám phá hang Đại Ả, Over, Pygmy; đồng ý cho Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Công ty Oxalic) khai thác thử nghiệm “Tour du lịch khám phá hang Va, hang Nước Nứt - Những trải nghiệm khác biệt” với lộ trình 2 ngày 1 đêm; tour du lịch hang Nước Nứt lộ trình 1 ngày. Với việc đưa vào khai thác thử nghiệm nhiều tour du lịch hang động mới này nhằm đa dạng hóa thêm sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn, khám phá và trải nghiệm của du khách khi đến với “vương quốc hang động” ở Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Tỉnh Quảng Bình triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2018 trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng xác định năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng để thực hiện hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Ngay từ đầu năm, Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai và ban hành Kế hoạch hành động thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 để chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Với việc thực hiện sớm và đồng bộ các giải pháp đề ra, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh tiếp tục ổn định và phát triển. Tốc độ tăng trường kinh tế duy trì tăng trưởng khá; sản xuất vụ Đông Xuân được mùa toàn diện; sản lượng thuỷ sản khai thác tăng cao; hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc, giá tiêu dùng được kiểm soát tốt; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng so với cùng kỳ, các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được chú trọng đầu tư; lĩnh vực văn hóa, xã hội có những chuyển biến tiến bộ; quốc phòng - an ninh được tăng cường, giữ vững; công tác an sinh xã hội được chú trọng, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Chính vì vậy, thời gian qua, Quảng Bình đã đạt được một số kết quả kinh tế - xã hội rất đáng khích lệ như sau:

Về kinh tế - xã hội: - Tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 6,29% so với cùng kỳ (KH cả năm tăng 7,0%, thực hiện cùng kỳ 6,25%); - Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 4,3% so với cùng kỳ (KH cả năm tăng 4,0%, thực hiện cùng kỳ 6,5%); - Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 6,9% so với cùng kỳ (KH cả năm tăng 8,5%, thực hiện cùng kỳ 6,3%); - Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 6,8% so với cùng kỳ (KH cả năm tăng 7,5%, thực hiện cùng kỳ 6,9%); - Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 8.246 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ, đạt 45,8% KH (KH 18.000 tỷ đồng); - Thu ngân sách trên địa bàn 1.803 tỷ đồng, đạt 51,53% dự toán địa phương (dự toán cả năm 3.500 tỷ đồng); - Giải quyết việc làm cho 19.080 lao động, đạt 53% KH (KH cả năm 3,5 - 3,6 vạn lao động); - Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 88,05% (KH đến năm 2018 đạt 88,6%); - Số giường bệnh bình quân trên 1 vạn dân đạt 36,3 giường (KH đạt 36 giường); - Tỷ lệ xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập trung học cơ sở (mức độ III) đạt 67,92% (KH 69,2%).

Về dịch vụ: Doanh thu hoạt động dịch vụ tháng 7 ước đạt 90,7 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 18,7% so với cùng kỳ. Ước tính 7 tháng năm 2018 doanh thu đạt 602,9 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ.

Ước tính 7 tháng năm 2018, doanh thu phần lớn các nhóm hàng dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ. Tăng cao nhất là nhóm dịch vụ khác tăng 14,9%; tiếp đến nhóm dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 12,9%; nhóm dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 10,3%; nhóm dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 9,1%; nhóm dịch vụ sửa chữa máy vi tính, đồ dùng cá nhân và gia đình tăng 10,9%; nhóm dịch vụ giáo dục và đào tạo tăng 4,5%; có 1 nhóm giảm là nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.

Về du lịch: - Doanh thu lưu trú tháng 7 ước tính đạt 20,0 tỷ đồng, tăng 14,7% so với tháng trước và tăng 23,8% so với cùng kỳ; 7 tháng doanh thu ước tính đạt 89,2 tỷ đồng, tăng 19,4% so với cùng kỳ.

Số lượt khách lưu trú tháng 7 ước tính đạt 109.045 lượt khách, tăng 7,7% so với tháng trước và tăng 25,9% so với cùng kỳ; 7 tháng ước tính đạt 512.427 lượt khách, tăng 19,7% so với cùng kỳ.

Số lượt khách quốc tế lưu trú tháng 7 ước tính đạt 16.039 lượt khách, tăng 13,9% so với tháng trước và tăng 175,8% so với cùng kỳ; 7 tháng ước tính đạt 55.241 lượt khách, tăng 77,8% so với cùng kỳ.

Bảy tháng năm 2018, lượt khách quốc tế tăng đột biến, nhiều homestay mọc lên với dịch vụ đảm bảo cùng với nhiều tour du lịch sinh thái hấp dẫn thu hút khách du lịch quốc tế. Ngoài ra, do Việt Nam đơn giản hóa nhiều thủ tục xin cấp visa thị thực nhập cảnh và bãi bỏ visa cho nhiều nước dẫn đến khách quốc tế đa dạng về quốc tịch.

Ngày khách tháng 7 ước tính đạt 137.261 ngày khách, tăng 6,8% so với tháng trước và tăng 33,2% so cùng kỳ; 7 tháng ước tính đạt 621.470 ngày khách, tăng 23,6% so với cùng kỳ.

- Dịch vụ ăn uống: Doanh thu dịch vụ ăn uống tháng 7 ước tính đạt 193,2 tỷ đồng, tăng 9,8% so với tháng trước và tăng 21,8% so với cùng kỳ; 7 tháng doanh thu ước tính đạt 1.158,1 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ.

- Dịch vụ lữ hành: Ước tính tháng 7 doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 43,6 tỷ đồng, tăng 10,9% so với tháng trước và tăng 29,6% so với cùng kỳ; 7 tháng doanh thu ước tính đạt 194,8 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ.

Số lượt khách du lịch lữ hành tháng 7 ước tính đạt 152.251 lượt khách, tăng 9,7% so với tháng trước và tăng 15,9% so với cùng kỳ; 7 tháng ước tính đạt 598.976 lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ.

Số lượt khách quốc tế lữ hành tháng 7 ước tính đạt 22.513, tăng 35,0% so tháng trước và tăng 88,3% so với cùng kỳ; 7 tháng ước tính đạt 99.581 lượt khách, tăng 51,5% so với cùng kỳ.

Với những chỉ số thống kê bước đầu nêu trên, ta thấy thời gian qua, kinh tế Quảng Bình đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Sự thay đổi mang tính tích cực đó một phần quan trọng chính là nhờ ở sự hoạt động quảng bá và phát triển du lịch đúng hướng, với một chiến lược phát triển du lịch phù hợp với tiềm năng và lợi thế vốn có của mình. Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của kinh thế - xã hội của Quảng Bình thời gian qua nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được nâng cao rõ rệt./.